Năm 2003, giáp Tết, đúng đêm trước giao thừa, theo lời hẹn qua chat với một người bạn, tôi ra Hồ Gươm. Vườn hoa Bà Kiệu – nơi có tượng đài cảm tử quân, một sân khấu đã được dựng lên và một chương trình ca múa nhạc đang được tổng duyệt ở đó. Tôi ngắm nhìn những vũ công đang tập luyện trên sân khấu và bắt đầu đoán xem người bạn mới của mình là ai? Vũ đoàn khá đông nhưng không hiểu sao tôi vẫn để ý đến một cậu, bằng linh cảm của mình, tôi nghĩ đó chính là người mình đang tìm. Động tác vũ điệu của cậu mới tuyệt làm sao, gương mặt cậu dưới ánh đèn thật lung linh huyền ảo. Tôi cứ đứng ngây ra ngắm. Chương trình duyệt xong, đúng như những gì tôi linh cảm, cậu trai ấy đã xuất hiện trước mặt, gọi tên tôi. B.T.D - một cái tên rất gợi cảm. B.T.D còn rất trẻ, sinh năm 83, vừa tròn 20 tuổi, em là vũ công trong vũ đoàn Hoàng Thông, vũ đoàn này khi đó rất nổi.
Chúng tôi rủ nhau ra ngồi ghế đá ven hồ gần Tháp Bút chơi. Càng nói chuyện càng hợp. Chúng tôi đều rất vui vẻ, không biết có phải trong tiết đầu xuân, một năm mới đang cận kề mà hai đứa đã cầm tay nhau từ lúc nào, mắt nhìn vào mắt, long lanh… Chúng tôi hiểu nhau và yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên? Chuyện trò đến tận đêm rất khuya mới chia tay, B.T.D theo vũ đoàn về khách sạn. Nghỉ Tết, không phải đi làm nên tôi hẹn mai sẽ đến xem và đưa em đi chơi. Ngay buổi sáng sớm, tôi đã đến đón B.T.D đi chơi, nhưng cũng chỉ được chốc lát thì B.T.D lại phải về tập trung cùng nhóm để tập luyện cho buổi biểu diễn đêm giao thừa.
Đêm giao thừa, tôi được B.T.D dẫn vào bên trong khu vực dành cho diễn viên. Lần đầu tiên tôi biết đằng sau cánh gà mọi việc diễn ra như thế nào. Nhiều điều thú vị hơn những gì tôi đã từng nghe qua sách báo. Tôi ở ngay sát bên cạnh những Thanh Thảo, Quang Dũng, trò chuyện cùng họ. Tôi len lén quan sát anh chàng điển trai đến từ Quy Nhơn này. Nghe trong giới đồn rằng anh chàng này có vấn đề về giới tính. Ngay cả Thanh Thảo, lúc đó nổi đình nổi đám cũng được những người bạn của tôi đồn là ô môi. Tôi không biết sự thật thế nào, chỉ biết họ là những nghệ sĩ dễ mến và gây thiện cảm khi họ nói chuyện với tôi.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi cảm thấy ngợp khi ở gần sát giới showbiz như thế. Về sau, khi yêu B.T.D, có nhiều cơ hội đứng ở hậu trường hơn, tôi cảm giác mọi thứ rất bình thường. Điều này cũng lý giải vì sao sau này khi vào nghề báo, tôi nhanh chóng hoà nhập được với những gì diễn ra sau cánh gà, không bỡ ngỡ và chẳng thần tượng một ai.
Buổi diễn kết thúc, tôi leo lên sân khấu để ngắm pháo hoa giao thừa cùng các bạn trong vũ đoàn, bên cạnh là Thanh Thảo. Một cảm giác lâng lâng tràn ngập hạnh phúc trong thời khắc đó, khi tôi đứng trên sân khấu tràn đầy ánh sáng. Thay vội quần áo, B.T.D lên xe tôi. Chúng tôi hoà lẫn vào dòng người đi đón tân xuân. B.T.D ôm nhẹ lấy tôi, hơi thở phả sau gáy ấm áp trong tiết trời se lạnh.
Đêm về khuya, đường phố vắng lặng hơn, B.T.D nhét hai tay vào chiếc áo khoát của tôi để ủ ấm. Em gục đầu nhẹ lên vai tôi và nói “Anh đưa em về nhà anh đi. Hôm nay em muốn được ở bên anh”. Tôi đưa B.T.D về nhà, khoảng 3 giờ sáng. Bố mẹ và em gái sau khi đón giao thừa cũng đã ngủ say. Tôi len lén cất xe rồi đưa B.T.D vào nhà. Không ai phát hiện ra trong đêm giao thừa đó, có một vị khách lạ.
***
Cựa nhẹ trong chiếc chăn bông, B.T.D choàng ôm lấy tôi. Môi tìm môi trong đêm lạnh. Hơi thở như cuộn vào nhau. Chúng tôi ngất ngây với những cảm giác lạ trong ngày đầu tiên của một năm mới. Sáng hôm sau, mùng Một tết, không gian im lắng và tươi mới. Chúng tôi nằm cạnh nhau nghe tiếng mùa xuân trên cao. Đó cũng có thể là tiếng của năm mới đến với những hy vọng mới và niềm vui mới.
Xuống nhà, bố vẫn đang ngủ, tôi thầm thì với mẹ: “Tối qua một người bạn của con từ Sài Gòn đến chơi đấy. Về muộn quá nên không báo trước với bố mẹ”. Mẹ mỉm cuời hỏi chúng tôi có đói không rồi tự tay mẹ làm cho chúng tôi hai tô phở đầy. Phở là món khoái khẩu của tôi. Tôi còn nhớ lúc mẹ còn sống, có lúc tôi chén tì tì bốn bát phở đầy ú. Mẹ làm phở rất ngon, em gái tôi cũng thế. Nhưng từ khi mẹ ốm, rồi mẹ mất đến nay, tôi không bao giờ được thưởng thức món ăn ngon đó nữa. Em gái đi lấy chồng. Những chiều chuộng của mẹ, của em gái, tôi đã không còn được hưởng nữa… Trong cuộc sống, có những điều giản dị khi mất đi mãi mãi thì ta mới chợt nhận ra giá trị. Hạnh phúc cũng luôn vậy, mong manh… Tôi cũng tin là đến giờ phút này, B.T.D vẫn còn nhớ bát phở nóng của mẹ dành cho hai đứa ngày đó.
Tại sao mẹ tôi lại dễ dàng chấp nhận một người lạ mặt trong nhà mình vào một sớm đầu năm mới như thế? Vì tôi đã nhanh nhảu giải thích với mẹ, tôi và B.T.D quen nhau từ lúc tôi vào Sài Gòn trước đó, năm 2001. Năm ấy, tốt nghiệp đại học xong, tôi cùng cả gia đình vào Sài Gòn thăm ông bà ngoại. Vào đó, tôi vượt qua bỡ ngỡ rất nhanh và bắt đầu tự đi chơi, đến đâu tôi cũng có bạn, thậm chí khi đi vào bằng tàu hoả, đến ga nào tôi cũng có bạn chờ. Có khi chỉ nhảy xuống gặp nhau một lúc rồi lại đi. Đó điều là những người bạn đồng giới tôi quen trên mạng. Vào Sài Gòn, tôi đi chơi nhiều quá đến mức bố mẹ, ông bà tôi phát sợ… Nghe tôi nói vậy, mẹ tôi tin ngay, rất vui vẻ không mảy may nghi ngờ gì.
Ăn sáng xong, tôi đưa B.T.D đi thăm Hà Nội sớm mùng một. Đường phố vắng lặng hầu như không có bóng người. B.T.D mạnh dạn ôm lấy tôi, xuýt xoa vì lạnh. Ghé vào một quán cóc ven đường, hai đứa vừa nhấm nháp ly trà nóng vừa rúc rích cười. Chợt phát hiện gốc cây ven đường, một lộc xanh biếc đang hé ra. Giống tình cảm giữa tôi và B.T.D?
Quyến luyến không rời, tối đó B.T.D lại về nhà tôi ngủ. Sáng mùng 2 Tết, B.T.D phải lên máy bay theo đoàn về Sài Gòn. Chúng tôi dậy từ rất sớm, cũng còn khoảng 2 giờ đồng hồ nữa B.T.D mới phải về tập trung. Tôi bật cát-xét. Bài hát “Bình minh sẽ mang em đi” của Đàm Vĩnh Hưng vang lên:
“Bình minh rồi sẽ đưa em thật xa…”
“Bình minh rồi sẽ đưa em thật xa…”
“Bình minh rồi sẽ đưa em thật xa…”
Tôi miên man như bị bài hát đó hút hồn. Một cảm giác đau đớn nhưng ngọt ngào. Tôi nắm lấy tay B.T.D thổn thức:
-Em có muốn làm bạn của anh không? (hồi đó còn chưa dám gọi là “người yêu”)
B.T.D bật khóc nức nở. Tôi thấy choáng váng. Tôi không nghĩ người ta lại có thể dễ khóc như thế. B.T.D không nói gì, chỉ rút chiếc nhẫn em đang đeo ở tay lồng vào ngón tay tôi. Rồi cậu khẽ hôn nhẹ lên tay tôi. Không phải nhẫn vàng, nhẫn bạc gì, nhưng tôi hiểu B.T.D đã ngầm nói với tôi là em đã đồng ý với đề nghị của tôi. Chúng tôi cứ bịn rịn như thế đến khi B.T.D lên ô tô. Ô tô chạy, tôi lấy xe máy đuổi theo đến tận sân bay Nội Bài. Cứ đứa trên xe, đứa ở dưới đường nhìn nhau qua cửa kính. Ngay cả khi B.T.D đã qua cửa kiểm soát, tôi vẫn gắng nán lại để ngó hình bóng của em.
Chúng tôi chỉ được gần nhau rất ít. Nhớ cồn cào. Năm đó, ngày lễn Tình nhân chỉ sau tết mấy ngày, tôi dùng máy điện thoại nhà gọi điện cho B.T.D mấy tiếng đồng hồ. Hồi đó, điện thoại di động chưa phổ biến, giá cước rất cao nên tiện nhất vẫn chỉ là dùng điện thoại bàn và viết email. Sau khi nhận được email của B.T.D, tôi thường in ra để thỉnh thoảng ngồi đọc lại.
Chính thói quen này đã khiến tôi bị bại lộ. Đầu tiên là việc bố tôi hỏi tại sao lại gọi điện vào Sài Gòn lâu như thế. Tiền cước điện thoại khá đắt là một chuyện, nhưng bố đã ngờ rằng tôi có những quan hệ lạ…
Khi đó tôi đã đi làm trong ngành xăng dầu nhưng lương rất ít. Mẹ thường hay lén cho tiền vào ví tôi và đã phát hiện bức thư của B.T.D viết cho tôi. Lá thư này đầy những nhớ nhung, khắc khoải, mong chờ… không khác gì một cô gái gửi thư cho người mình yêu say đắm. Kể ra tôi vẫn có thể chối quanh được nếu thư không ký tên. Nhưng cái tên B.T.D lại rõ ràng nằm đó, phía dưới bức thư. Mà mẹ tôi thì đã gặp B.T.D. Tôi nhận thấy mẹ lặng lẽ mấy hôm. Có một đám mây đen báo hiệu tai hoạ đang dầy lên nhưng tôi không biết nó là gì. Rồi mẹ nói chuyện riêng với tôi, hình như mẹ vẫn hy vọng đây chỉ là một trò đùa.
Nhưng tôi đã nhận hết. Tôi yêu B.T.D và tôi chỉ yêu đàn ông mà thôi!
Mẹ ôm mặt khóc nức lên. Tôi câm lặng. Tôi còn biết nói gì nữa?
Mẹ cũng chẳng biết nói gì với tôi.
Mọi điều ngoài sự tưởng tượng của mẹ.
Tôi đã phá tan mọi hy vọng của mẹ về một người con trai trụ cột trong nhà.
Ba năm sau mẹ tôi mất, mẹ mất vì bệnh ung thư, nhưng tôi nghĩ trong cái chết của mẹ, có cả nỗi buồn vì tôi. Nỗi buồn ấy đã đánh phá ác liệt vào sức khoẻ mẹ.
Hôm đó là cú đánh đầu tiên.
Mẹ khóc rất nhiều nhưng không nói gì với bố. Bố thuê người phá tủ riêng của tôi ra và lấy được cuốn nhật ký. Qua đó bố đọc được tất cả… Tôi đi làm về, mọi người trong nhà nhìn tôi với vẻ e ngại, cái e ngại của người đã biết những chuyện không nên biết. Mặt bố tôi hầm hầm. Tôi không hiểu có chuyện gì nhưng khi nhìn vào ngăn tủ thì tôi hiểu ra tất cả.
-Tao hỏi mày, mày sống như thế nào? Sao mày lại lao vào những thứ bậy bạ như thế?!
-Yêu à, yêu bậy yêu bạ, bệnh hoạn!
-Bố mẹ đẻ ra mày, để mày như thế à? Ai dạy mày như thế?!
…
Rất nhiều những câu chữ nặng nề giáng xuống đầu tôi. Thoạt đầu tôi lúng túng và có ý định giãi bày, nhưng sau tôi thấy không thể. Máu nóng cũng bốc lên đầu tôi, y như bố và một cuộc cãi vã ầm ĩ đã nổ ra. Tôi cho rằng bố không có quyền phá tủ riêng và đọc nhật ký của tôi. Tôi cho rằng tôi muốn sống như thế nào thì sống, không ai có quyền can thiệp! Mẹ tôi chỉ biết ôm mặt khóc ròng. Em gái tôi cũng nước mắt vòng quanh. Nó cũng đã đi học đại học, nhưng nó chưa hiểu chuyện gì. Nhưng nó thấy bố đúng hơn và anh đã gây ra tất cả chuyện này khiến bố mẹ đau lòng. Như vậy là anh sai.
Giờ đây tôi hiểu khi đó bố đã quá thất vọng về đứa con trai duy nhất của mình. Đứa con trai sẽ cho ông những đứa cháu nội. Đứa con trai sẽ có một sự nghiệp thật nam nhi khiến ông có thể tự hào. Nhưng khi biết tôi chỉ yêu và quan hệ với đàn ông thì tất cả những mơ ước đó sụp đổ. Nói đúng ra, ông không vượt qua nổi những kỳ thị mà thiên hạ đã dành cho những người đồng tính thông qua những danh từ đầy miệt thị như: “Pê đê”, “bóng”, “ái” (Hồi đó từ “gay” còn chưa phổ biến). Tôi cũng không biết ông có nghiên cứu về đồng tính luyến ái không? Dù ông là bác sĩ… Rất nhiều người vẫn nghĩ đồng tính luyến ái là một căn bệnh và nó có thể lây, ngược lại cũng có thể chữa khỏi. Lại có những người nghĩ đồng tính luyến ái là một “lối sống” và có thể bị “nhiễm”, ngược lại có thể “cải tạo” được người đồng tính… Buồn thay, đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Thế nên nó không hề lây nhưng cũng không thể “chữa”. Nó cũng không phải là cái “học đòi”, “quen thói”, không thể học được, mà học để làm gì? Học để mình khác thường, để khổ sao?
Mấy năm đã trôi qua, thái độ của bố với tôi cũng đã khác trước, nhưng ông vẫn đau khổ vì tôi. Tôi biết điều đó qua mái đầu bạc nhanh của bố. Nhưng tôi nay cũng đã khác trước rất nhiều. Thay cho thái độ thách thức, nhưng bên trong là mặc cảm tự ti, giờ đây tôi vững vàng và biết cách sẻ chia hơn. Tôi mong muốn một ngày nào đó, bố con tôi sẽ cùng chia sẻ nỗi đau, để gắn bó như chúng tôi vốn có.
Bố ơi, con vẫn là con trai bố!
***
Biến cố đó gây ra một bước ngoặt lớn trong đời tôi. Nhiều điều sau này tôi mới ý thức được, nhưng ngay lúc đó, có một diễn biến tâm lý rất rõ: Tôi thấy thoải mái về tư tưởng, như một người vừa được cởi trói. Trước đó tôi phải che dấu rất nhiều từ tác phong, điệu bộ, lời ăn tiếng nói đến những quan hệ, còn khi đó tôi có cảm giác như một hòn đá tảng đè trên ngực đã được dỡ xuống. Thậm chí thái độ của tôi có phần quá khích: muốn ra sao thì ra, ai muốn nghĩ về tôi thế nào cũng được…
Bố mẹ tôi đã gọi cho gia đình B.T.D, theo số máy còn lưu lại trong hoá đơn điện thoại. Sự “liên minh” này nhanh chóng tan rã vì không đạt được thoả thuận chung nào mà cả hai bên đều bị kích động và ác cảm với nhau: gia đình B.T.D dọa nếu tôi vào Sài Gòn, họ sẽ thuê đầu gấu giết. Biện pháp được thực hiện ngay lập tức: gia đình hạn chế không cho B.T.D đi diễn nữa, đi đâu cũng có người kèm. Tức là cả chuyện điện thoại hay gửi thư cũng hoàn toàn bị chặn đứng. Bố mẹ tôi đương nhiên cũng cấm tiệt tôi không được giao tiếp với B.T.D nữa. Nhưng lúc này tôi đã đi làm nên bố không thể cấm tôi ra khỏi nhà được. Chuyện qua chuyện lại, bên kia đổ cho phía gia đình tôi không biết giáo dục con, để tôi “quyến rũ” con nhà họ. Bên gia đình tôi cũng nghĩ gần gần như thế, nhưng trách nhiệm đảo ngược. Đồng thời còn chê trách gia đình bên đó là loại buôn bán, chỉ biết đến tiền…
Chỉ riêng tôi lúc đó như một vật thừa, chẳng ai hỏi han gì đến tôi dù tôi là nhân vật chính của câu chuyện. Bố tôi thì không thèm nhìn tôi. Em tôi cũng xa xa như tôi mắc phải một bệnh truyền nhiễm nào đó. Chỉ có mẹ vẫn thương tôi nhưng mẹ cũng không biết nói gì. Giữa lúc đó, một lối thoát mở ra. Cô chú tôi – chính là những người đã xin cho tôi được vào làm trong ngành xăng dầu năm trước đã đến tìm tôi. Nói đúng ra là chú, cô đã ý nhị lánh đi. Tôi vẫn nhớ trước khi gặp chú, tôi căng hết người lên, sẵn sàng phản ứng nếu chú lại “khuyên” tôi sống khác, đừng đi vào “con đường đua đòi”… Nhưng, chú đã nhìn thẳng vào tôi. Cái nhìn thông cảm và hiểu biết:
-Cháu nên chấp nhận mình…
Thật tuyệt vời, những người đồng tính như tôi đều cần một lời như thế. Thật sự, tôi phản ứng, quậy phá cũng vì tôi căm thù chính mình, trước khi căm thù cuộc đời này. Rất nhiều người trong chúng tôi là vậy, từ trong sâu thẳm, họ khinh ghét chính mình. Lòng tự trọng của họ bị đánh sập từ bên trong. Tại sao không chấp nhận mình? Chỉ có như thế, người đời mới có thể chấp nhận mình!
Chú khuyên tôi nên tránh mặt đi một thời gian. Nhà cô chú ở Gia Lâm, gần đó có căn phòng trong một khu tập thể hiện bỏ không, của một người đồng hương Nam Định, cũng quen với bố mẹ tôi và cô chú. Nếu tôi muốn qua ở cô chú sẽ thu xếp. Tôi mừng quá. Quả thật tôi không chịu nổi không khí nặng nề mỗi khi về nhà. Cô chú nói chuyện riêng với bố mẹ tôi và bố mẹ cũng ngầm đồng ý. Tôi dọn đến căn phòng đó, mua giường, tủ, bếp và tự nấu ăn hàng ngày.
Khi đó tôi sống gần như hoàn toàn tự do. Đi làm, rồi về lại chui vào căn phòng riêng. Cô chú ở gần đó nhưng cũng không “quản”, lúc nào tôi cần gì thì qua nhà cô chú, lúc nào cô chú cần bảo gì mới sang, không gặp thì để giấy lại. Cô chú cũng làm trung gian giữa tôi với bố mẹ, nhờ đó tôi vẫn biết tin trong gia đình… tôi ở đó khoảng nửa năm… Đó là thời gian giúp tôi lắng lại, cũng là thời gian sống tự lập rất tốt cho tôi sau này.
Sau khoảng nửa năm, căn phòng đó bị cơ quan thu lại phân cho một người khác, tôi lại về với gia đình. Không còn sự căng thẳng sôi sục nhưng vẫn còn một hố sâu ngăn cách. Chỉ có mẹ là vẫn thương tôi, dù mẹ không thế chấp nhận thực tế. Mẹ âm thầm tìm cách hướng tôi đến với những người con gái. Sau này tôi đã có một mối quan hệ như thế, nhưng đó là chuyện xin được kể sau.
***
Quan hệ vớ B.T.D, tôi chơi cả với một cô bé là người múa cặp với B.T.D. Cô bé rất xinh xắn. Tôi mang ảnh chụp vũ đoàn Hoàng Thông có B.T.D và cô ra giới thiệu với nhiều người trong cơ quan và úp mở cố tình làm mọi người hiểu cô bé đó là người yêu mình… Nhớ B.T.D quá, tôi xin nghỉ phép và nói với cơ quan là vào Sài Gòn thăm người yêu. Mọi người rất tông cảm, biết đâu rằng người yêu tôi là một cậu xinh trai. B.T.D cũng thường nói dối gia đình đi diễn ở các tỉnh. Lúc này sự kiểm soát cũng đã giảm, chúgn tôi có thể bí mật gặp nhau, ở với nhau. Lần gặp nào cũng như ngày hội. Khóc cười, giận hờn, thương nhớ lâu ngày được thoả. Tình yêu bị ngăn cấm càng lãng mạn. Ngày sinh nhật B.T.D tôi vào Sài Gòn bí mật rồi mới gọi điện cho B.T.D. Em cuống lên. Lần đó chúng tôi còn dẫn nhau đi mua nhẫn đôi. Những chiếc nhẫn xinh xinh, hoa văn ẩn hiện, được đánh bằng nhiều chât liệu từ cực đắt đến rẻ tiền, nhưng đều có màu ánh bạc. Giới chúng tôi thích màu đó.
Bẵng đi một thời gian không gặp nhau được vì cách trở, rồi B.T.D lại ra. Lần đó B.T.D có những biểu hiện lạ như đi lại bất thường, có những cuộc hẹn bí ẩn. Qua một người trong giới, tôi phát hiện B.T.D có nhiều mối quan hệ phức tạp ở ngay Hà Nội. Trong giới đồng tính có rất nhiều người thích khoe khoang về những “chiến tích” của mình. Và, tôi đã nghe được dư âm của những “chiến tích” đó từ vài người với một “vũ công Sài Gòn”, không mấy khó khăn tôi biết đó là B.T.D. Gần gũi được với một người như vậy, đối với nhiều người trong giới cũng là một thành tích đáng tự hào. Tôi tức quá và lặng lẽ bỏ đi Hạ Long, không liên lạc với B.T.D nữa.
Mãi sau này, tình cờ gặp lại B.T.D nhìn tôi đượm buồn và nói:
-Chưa ai yêu em như anh…
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!