Khi Vết Thương Nằm Xuống Chương 6


Chương 6
Ngôi nhà của người đàn bà xa lạ này là nấc thang nào?

Bà ta có thực sự là ngôi sao hộ mệnh, là người sẽ nâng niu cậu trên vài ba bước đường tiếp theo không (không dám chắc nâng đỡ cả đời). Cậu đọc được trong mắt bà ý nghĩ của một người mẹ, tín hiệu của tình yêu lớn…

Một hôm, người đàn bà gạt phăng tất cả rào cản (do bà nghĩ ra) để có thể làm cho tình cảm giữa bà và cậu bé này khăng khít hơn. Bà muốn giữa hai người có sự gần gũi cần thiết. Nên bà đã gọi Kiêu là con và xưng là mẹ. Bà gợi ý: “Hãy làm như vậy nhé, gọi ta là mẹ, ta gọi con là con. Dù sao thì ta cũng đang cô đơn”. Kiêu tin điều đó. Cậu tự bảo hãy coi đây như một may mắn của mình. Chẳng cần phải sống khép mình làm chi. Trong hoạn nạn, nếu không có sự giúp đỡ, con người có thể sẽ cô đơn mà chết. Cậu không muốn mình chết trong cô đơn.

- Mẹ, con rất thích gọi mẹ bằng mẹ. - Nói ra được điều này, cậu thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. Bà Hát vui không gì tả xiết.

- Mẹ rất mát lòng, con ạ. Mẹ rất muốn điều này. Con cứ ở đây nhé, mọi chuyện rồi chúng ta sẽ tính tiếp.

- Vâng!

 

Chẳng phải đợi chờ Kiêu cũng được thấy sự nhộn nhịp của những người bạn của mẹ mình. Bây giờ, cậu nhận bà Hát là mẹ, ngôi nhà này là nhà cậu rồi. Khách đến cũng đối xử với cậu như cậu chủ. Cậu vẫn bị đau, nằm ở giường trong. Một người đàn ông và đàn bà bước vào, nói cười bả lả. Mẹ đi ra tiếp khách. Cậu biết ý, cứ nằm ở trong. Có tiếng hỏi thăm của người đàn ông: “Thằng bé thế nào rồi?”. Có nghĩa là ông ta biết thông tin cậu đang ở đây. Chắc hẳn bà mẹ nuôi đã thuật lại, cậu nghĩ. Mẹ nuôi nói: “Nó đỡ rồi, có vẻ rất ổn!”. “Thế thì tốt quá. Quê ở đâu vậy?”

Mẹ thuật lại sơ qua tình huống hôm đó, cả lý lịch trích ngang, hoàn cảnh của cậu. Bà cũng nói đã nhận cậu làm con nuôi và thể hiện sự vui mừng đối với sự kiện này. Hai người bạn kia tỏ ra thích thú đề tài con nuôi, một chút nào đó đồng tình với việc làm của bà. Kiêu lim dim mắt, hít hà cảm giác nhớ quê hương.

Lát sau có hai người phụ nữ nữa chở nhau bằng xe máy đến. Người đàn ông kia ngồi thì thào một lát rồi đi có việc. Cuối cùng còn bốn người phụ nữ ngồi nói chuyện với nhau. Ba người kia đều là giảng viên đại học còn đang công tác. Mẹ nuôi trước đây cùng dạy với họ nhưng vài ba chuyện vặt vãnh duyên tình đã đẩy bà ra, làm việc khác và ngồi vẽ tranh. Sâu xa của vấn đề này là bà bất mãn với đồng nghiệp cả về ý thức giảng dạy và tư tưởng “thời đại mới”. Họ sống và làm việc bằng sự buông thả và nhạt nhẽo. Sự thực dụng ăn sâu vào máu, không cần nghĩ đến chất lượng dạy học. Bà Hát ghét làm việc hời hợt, ghét những sự qua loa tính toán. Đất nước với những người thầy qua loa làm sao có được thế hệ tương lai giỏi. Do vậy, bà đã làm cuộc “bùng nổ” của riêng mình. Xả hết những bức bối, tức giận ra rồi... chuồn. Bà muốn chứng tỏ rằng, ở hệ thống này, bà không phải là cái máy. Bà cần là mình.

Sơ qua thì chẳng nghe chuyện gì ra với chuyện gì, chỉ một mớ hỗn độn âm thanh người. Nhưng nếu chịu khó mà phân tích cũng đọc ra được giọng điệu ngôn ngữ của từng người. Giọng của mẹ nuôi thì hiển nhiên rồi. Một người khác rất chanh chua. Người kia đầm ấm dịu dàng. Giọng của một người nữa lại có vẻ như ném thêm muối. Nghe đến nỗi, Kiêu nghĩ mình có thể hình dung được khuôn mặt và tính nết của người đó thế nào thông qua giọng nói. Đề tài của họ ngoài chuyện quần áo, mua sắm, phấn son ra còn đả động đến vài ba vấn đề thời sự như giá cả, rồi đến những người đồng nghiệp, đặc biệt cánh đàn ông.

Chân dung những người đàn ông đó đều có sừng có mỏ, rất bỉ ổi và đôi khi ti tiện đến bẩn thỉu. Cậu biết chân dung đó thông qua miệng của những người phụ nữ đã có phần khinh miệt sẽ trở nên tệ hại hơn rất nhiều. Họ có thể thổi phồng, tô vẽ thêm một số chi tiết làm nó trở nên sinh động, cũng giống như mẹ nuôi tô màu vào phông tranh. Muốn thô thiển thì vẽ nó thô thiển, muốn thanh thoát thì vẽ thanh thoát. Một bà nói:

“Tay trưởng phòng công tác chính trị mới này kinh khủng làm sao. Người ngợm hôi hám thậm tệ, đảm bảo hàng tháng không giội một gáo nước, đi đến đâu là bốc mùi đến đấy. Nhưng rất háu gái và thường xuyên... ăn tiền”.

Người kia đệm thêm: “Nữ sinh nào ăn mặc đẹp chút ít đến nhà thể nào cũng có vấn đề. Gã động tay động chân ngay. Tốc độ nhanh và chuyên nghiệp. Cho nên nhiều em ngán không dám mặc đẹp, có đến chỉ sơ sài bộ quần áo cũ nhất. Thế nhưng có đứa con gái trắng trợn muốn đổi chác thật. Nó dường như muốn “câu” gã này bằng vốn tự có. Vợ gã đi công tác xa, đứa con gái đến nộp mạng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Lặp lại cái chuyện gạ tình lấy điểm ở ngôi trường nọ”.

Không chỉ vậy. Vấn đề đạo đức người thầy được họ diễn đạt không thiếu một chi tiết nào. Sẽ đau đớn cho những cô cậu hào hứng bước đến giảng đường đại học vẫn ngờ nghệch tin rằng mọi thứ trên đời đều màu hồng, và thầy cô của mình thần thánh lắm. Có biết đâu họ quá ư phàm trần đầy đặn ham muốn. Mỗi ngày qua đi con người ta có biết bao nhiêu ham muốn. Các đấng bậc ấy chẳng thể thoát khỏi hỷ nộ ái ố dục. Cho nên tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ nghề nào, người nào.

Câu chuyện làm Kiêu nhớ đến thầy Tước cô Tâm ở trường cấp III mình xưa. Cô thầy yêu nhau, gần đến ngày cưới thì thầy Tước sa lưới tình của một học trò lớp 12 mà đến năm tám tuổi mới học lớp vỡ lòng, vú và mông đều ở tầm mĩ mãn nên không cách nào cưỡng được. Hai người quan hệ. Chuyện dập dìu đi chung không giấu được mọi người, đặc biệt là đôi mắt của cô Tâm. Cô Tâm theo dõi, bắt được quả tang hai người đi chơi với nhau, còn thoải mái ôm nhau nữa. Đòn ghen nổ ra, nhưng cô chẳng nhận được gì ngoài mấy lời lăng mạ của thầy Tước. Cha thầy Tước biết chuyện, trách mắng, lấn át thầy, đòi thầy phải làm gương cho các em, cho học sinh. Nhưng mọi chuyện đều quá muộn. Gia đình nhà cô bé kia đem con đến bắt đền thầy vì nó có thai. Có ai tả được nỗi nhục mà người thầy sẽ phải nhận. Thầy Tước đi đường mặt cúi gằm. Cha thầy không dám gặp người làng và bạn bè. Đôi bên chưa tìm được cách tốt nhất để ổn thỏa thì đã xảy ra to tiếng. Bên nhà gái nhất định không chịu đưa con đi giải quyết và nhận bồi thường. Họ đòi cưới. Đời vẫn xảy ra những chuyện dở khóc dở cười, chuyện tương tự thì Kiêu chưa thấy. Nó là đề tài nóng hổi và mới mẻ đối với thế hệ học sinh, phụ huynh giai đoạn này.

Cưới cô gái kia làm vợ là một hình phạt nặng nề mà thầy Tước phải chịu. Nam nhi đại trượng phu, dám làm dám chịu. Thầy Tước khiên cưỡng làm đám cưới. Cô học sinh nhỏ kia xấu hổ không dám đi học tiếp, ở nhà chờ sinh con. Tan tác một ước mơ, gần như thối rữa một đời thầy. Cô Tâm cũng chịu đựng thiệt thòi và tủi hổ.

Kiêu nghe được câu chuyện này dù cậu không muốn nghe. Cậu đã bật ti vi lên rồi tắt đi. Với cậu nó rất mới mẻ.

Tiếng một người đàn bà:

“Tôi không chịu được cảnh thiếu tiền”.

Một người khác to hơn:

“Chẳng ai thích thiếu tiền. Chỉ có điều khả năng không cho phép, và khả năng chịu đựng là thế nào”.

Mẹ nuôi nói:

“Rõ ràng quá. Chưa có ai dám nói mình hiểu hết khía cạnh xã hội của đồng tiền và ý nghĩa của nó đối với nhân loại. Nó mạnh hơn cả những ham muốn thể xác khác. Nghe thì có vẻ thực dụng nhưng rất chính đáng. Tôi muốn nói rằng đề tài ham muốn là đề tài rất đáng được nghiên cứu. Ham muốn tiền còn mang tính chất xã hội rộng rãi. Vì thế, đôi khi tôi vẽ ham muốn của mình bằng đôi bàn tay của nghệ thuật”.

Người khác: “Cứ có năng khiếu như bà lại hay. Làm một việc nhẹ nhàng, ngồi vẽ tranh kiếm thêm, vừa là cái thú…”

“Tôi cho rằng cái thú của mình là dạy dỗ bọn trẻ, cũng đáng được tôn thờ. Mình áp đặt mọi thứ, đứng mà độc thoại, chúng không muốn cũng phải cố mà ngồi. Dù biết rằng như vậy quá nhàm chán, nhưng nó lại là cái thú của tôi. Vả lại, tôi thích những đứa tìm đến với tôi, dù chỉ là nói dăm ba câu kiểu van lơn, rồi để lại cái phong bì và đi”.

“Đúng, dù biết cái tâm của người thầy quan trọng. Ai cũng có thể giảng bài ca đạo đức, trong khi đó giá cả và cuộc sống đầy lo toan không chịu hiểu cho chúng ta. Chúng đổ bộ vào đời sống chúng ta, đồng lương chúng ta không thể đủ cho những chi tiêu. Khiến cho lũ sinh viên phải cầu cạnh chúng ta là phương pháp tăng thu nhập tốt nhất trong lúc này.”

“Quả là có chuyện đó. Tôi rất sợ giá cả. Tôi cũng sợ người ta hô hào nhân cách và tuyên thệ bảo vệ truyền thống. Ngoại trừ một số người giàu có mà quá ư tham ô ra, chúng ta là những người chịu thiệt thòi. Chuyện này chỉ có thể tính sổ với đám sinh viên”…

Chuyện mỗi lúc thêm sôi nổi. Họ tự tung hô những xấu xa của mình và biện hộ cho nó như thể đó là tất yếu mà chính họ không muốn thế. Một tất yếu của lịch sử, của xã hội hay cơ quan đầu não là Chính phủ.

Những điều này khiến Kiêu thực sự dị ứng. Cậu chưa qua đại học và, chẳng hiểu nhiều lắm về những tiêu cực, tệ nạn xã hội, những mánh khóe và thủ đoạn của nó. Nhưng cậu đủ nhạy cảm để nhận ra những điều nhóm người kia nói về vấn đề gì. Như vậy thì hỡi ôi, nghề làm thầy. Nhân tâm ở đâu, đạo đức nghề nghiệp ở đâu. Câu chuyện góp phần làm phong phú thêm đầu óc của cậu. Trong giây lát, Kiêu nghĩ rằng mình cần phải nạp thêm nhiều “vốn sống” hơn nữa. Bởi vì cậu quá kém hiểu biết về đời, mà đời quá nhiều cạm bẫy.

Đám phụ nữ đó còn ở lại nấu ăn. Ở cốp xe của họ đã có sẵn một vài thứ được mua từ chợ. Bắt buộc Kiêu phải dậy để tham gia. Họ đồng loạt động tay động chân vào bếp. Va vào cả con rùa. Con rùa cũng khiến một bà thốt lên.

- Nhà bà nuôi rùa hả?

- Ừ. - Mẹ nuôi trả lời. - Buồn quá nên nuôi chơi thôi.

Khi Kiêu đứng dậy, đi ra ngoài và chào mọi người, thì mẹ nuôi cũng giới thiệu.

- Con trai tôi đây, chưa được khỏe cho lắm. Đây là các bác bạn của mẹ. Con làm quen nhé.

Mẹ nuôi vừa nhìn con vừa quay sang những người bạn. Họ đều có vẻ rất hồ hởi và phần nào mong đợi cuộc gặp gỡ này. Đó là cảm giác sâu xa của Kiêu.

Người đàn bà mặt rỗ nói:

- Bác tên Hạnh, chơi với mẹ nuôi cháu nhiều năm rồi. Cháu đã đến hai mươi tuổi chưa?

Kiêu thưa:

- Dạ, cháu vừa đến tuổi hai mươi từ hôm qua. Cháu đã qua hai mươi năm sống trong gian khổ.

Câu trả lời của cậu khiến cho các bà phải thốt nhiên quay về phía cậu, ngạc nhiên là chuyện quá ư bình thường đối với một câu trả lời lạ.

- Cháu nói vậy là sao? - Bác Hạnh hỏi lại.

Khuôn mặt Kiêu gần như nhão ra. Mẹ nuôi nhìn cậu muốn cổ vũ nói ra lý do thốt lên câu vừa rồi. Ba người đàn bà còn lại cũng đang chờ đợi.

- Nói cho các bác xem đi nào.

- Bởi vì tuổi thơ của cháu quá thiệt thòi. Cháu gần như không có tiếng cười.

Giọng Kiêu chùng xuống, dự báo sự gào thét. Những người có mặt không muốn thấy nước mắt trào ra. Bởi vì họ không nghĩ rằng lúc này Kiêu không thể khóc. Mẹ nuôi nói:

- Nếu không muốn nhắc đến chuyện buồn nữa thì thôi.

Kiêu lắc đầu. Bằng vốn hồi tưởng của một chàng trai, cậu tóm tắt sơ lược về quá trình mình tìm ra phố và đã gặp mẹ nuôi thế nào. Còn sự cô đơn của tuổi nhỏ như một dòng sông ngầu đục không thể nào trong, lúc nào cũng cuộn sóng thì cậu không nhắc đến. Cậu muốn đóng kín ký ức đó trong lúc này. Nhất là khi có ba người xa lạ mà cậu chưa thể nhận biết được đối với cậu, họ có sự hằn học gì.

Bữa cơm diễn ra sôi nổi và đậm chất bạn bè. Những người phụ nữ vốn đã nhiều tuổi, nhưng vẫn thoải mái nói chuyện, tuyệt nhiên không có khiên cưỡng nào. Sự gần gũi đến đã làm cho ngôi nhà vốn thiếu vắng tiếng cười trở nên ấm áp. Họ gắp thức ăn cho Kiêu, như chăm một đứa trẻ. Kiêu càng muốn nói để cháu tự gắp thì bát của cậu không ngừng được tiếp thêm thức ăn. Kết quả là cậu phải ăn liên tục. Mẹ nuôi nhìn cậu mãn nguyện, bởi bà thấy các bạn của mình quý con nuôi mình đến thế.

Xong bữa, một người ngồi gọt hoa quả, ba người kia rửa bát đĩa. Tiếng nói cười bả lả không ngừng. Kiêu hiểu rằng giữa họ đã có một sự gắn kết nào đó được khẳng định bằng thời gian. Cho nên, câu chuyện có những lúc nghiêng về tục tĩu, thô thiển, mà họ vẫn chấp nhận, lại hào hứng cổ vũ. Họ rủ nhau về khi đã ba giờ chiều, cũng là lúc người đàn ông ban sáng ra đi quay trở lại đón một người. Mẹ nuôi ngồi lại với cậu. Mẹ nói đó là những người bạn tốt nhất của mẹ thân thiết với nhau từ lâu. Ăn nói thì có vẻ khó nghe, tếu táo đôi chút, nhưng vui kịch liệt.

“Vui kịch liệt” là từ mới mà Kiêu sẽ ghi nhớ. Lại còn có người đàn bà đẹp dã man. Ở quê, cậu chưa biết cụm từ này. Những từ như: xấu khủng khiếp, xấu ma chê quỷ hờn, đẹp long lanh…thì cậu bắt gặp rồi. Ngay cả cô bạn gái tên Quê cũng đôi lần nói Kiêu khỏe cực kỳ. Còn cậu tặng lại bạn gái câu “Quê đẹp dễ sợ!”. Ngôn ngữ tiếng Việt phong phú đến... bật cười.

 

Mẹ nuôi trở về với hai con rùa, với lòng hận thù sôi máu. Kiêu đã lên giường ngả lưng. Bà Hát nói sẽ vẽ tranh nhưng bà chưa ngồi cạnh phông tranh ngay. Bà tìm đến con rùa. Con tên Ngõa. Người đàn ông tên Ngõa hèn nhát đã ra đi, không hiểu mỗi lúc bà Hát trút giận lên con rùa, thì ông ta có cảm giác thế nào. Nếu thực sự ông ta là người đã gây ra đau đớn cho người đàn bà này, rồi bỏ đi thì ông phải nghĩ sẽ có lúc người ta nhớ đến ông và căm thù. Con rùa ngo ngoe nhìn về phía trước, nó nhìn thấy ánh mắt không chút thiện cảm của người đàn bà đang ở trước mình. “Ngõa ạ, tao sẽ hành hạ mày. Muốn chết sớm cũng không được đâu. Phải cố sống mà chịu nỗi đau”. Bà Hát nói với con rùa. Cứ ngỡ Kiêu ngủ rồi không nghe thấy. Không, Kiêu đang lắng nghe từng lời.

Trời thay mùa và cây thay áo mới. Vết thương của Kiêu đã dần qua tận cùng đau đớn, dần trở lại bình thường, rồi từ bình thường đó bình phục hoàn toàn. Da thịt dần thoát khỏi sự hành hạ của đau đớn. Kiêu có thể đứng dậy, đi lại, dạo phố bằng đôi chân tập tễnh của mình, bằng thân thể còn nhiều nhức nhối nhưng cần phải quên đau đi. Chẳng bao lâu cậu sẽ chạy nhảy bình thường, cơ bắp sẽ lại nổi lên cuồn cuộn, sức mạnh đổ tràn trên thân thể cường tráng. Cậu thấy những cô gái đi trên phố hoàn toàn đáng yêu. Cô thì lượn xe máy, động tác hết sức linh hoạt, và sở hữu những đường cong gợi cảm trên thân thể. Còn những cô nàng dạo trong công viên hoặc một mình, hoặc với người yêu thì thanh thoát duyên dáng lạ kỳ.

Các cơ bắp được khởi động lại và dần trở nên linh hoạt. Gió mới xạc xào những tán cây. Mà cây cỏ lại quá biết làm dáng, biết trước cả con người, vì vậy mà có những nơi con người bị quyến rũ bởi hoa lá tự nhiên. Gặp một cô gái và làm quen, nói chuyện là điều không tưởng đối với Kiêu. Cậu chưa đủ mạnh dạn để làm chuyện này. Cậu chưa biết được rằng mở rộng quan hệ là ham muốn của con người. Tuy nhiên, họ có ham muốn làm quen với người hơn họ, giống như để họ phục ở một khía cạnh nào đấy, hoặc ít nhất người ấy có địa vị trong xã hội. Để làm quen với một cô gái ngồi cô độc trên ghế đá không phải là chuyện dễ dàng. Tim cậu nhảy múa và đầu óc dâng lên mặc cảm. Cậu thấy miệng mình cứ khép im ỉm. Kiêu quyết định ngồi ở một ghế đá khác nhìn mặt hồ, những con cá vui tính quẫy đạp, con kéo vó khuỳnh khoàng mấy cặp chân cao lêu đêu. Không cần để ý đến một người xa lạ. Lúc này, cứ nên ở tư thế “phòng thủ” là hơn. Thế nhưng, chẳng bao lâu, cô gái đã chủ động tiến về phía cậu, đề nghị bằng cử chỉ rất đỗi học thức trên cả tưởng tượng của cậu: “Em ngồi đây được chứ ạ”. Kiêu thẽ thọt gật đầu: “Vâng, chị ngồi đi” theo kiểu của một cậu nhóc nhà quê chưa am hiểu gì đô thị. Cô gái ngồi xuống, chắc chắn là muốn làm quen nên chủ động rời ghế của mình.

- Anh học ở gần đây phải không, hoặc nhà ở gần đây.

Kiêu vẫn ở tư thế cũ:

- Nhà em ở gần đây, chị là…

- Em là sinh viên, em đi dạo. Cũng đôi lúc cảm thấy chán chường mà. Không khí ở đây tuyệt vời quá. Ngày nào em cũng ra đây, ít nhất là nửa tiếng.

Lại chính cô gái là người có thể nói ra những chuyện riêng tư trước. Những thú vui, hay chỉ là sở thích vốn vụn vặt của cánh đàn bà con gái. Chuyện ở trường lớp thì tuyệt nhiên thú vị với cô rồi. Nó khiến cô có thể thao thao bất tuyệt hàng giờ. Cô gái tên Liễu. Do sự cởi mở muốn giao lưu của cô nói ra. Và thốt nhiên, không thể từ chối một câu hỏi “còn anh tên gì?”. “Tên em là Kiêu. Nhưng không phải kiêu ngạo đâu”. Cô gái cười ý nhị: “Anh không có vẻ gì kiêu ngạo cả”. Chính miệng Kiêu nói ra mình không phải là sinh viên và chỉ là con của một người bình thường. Tất nhiên, cậu không thể dễ dàng tâm sự chuyện quá khứ. Chỉ là hé lộ một chút gì đó, cho dễ bề nói chuyện trong lúc này. Từng cử chỉ của cô gái khiến Kiêu hướng về người con gái tên Quê của mình thuở nọ. Cô ta như một nàng công chúa nhỏ đến để làm cậu thêm chút ý nghĩa trong mênh mông biển người mà cay nghiệt này. Đại loại cậu để ý đến âm điệu của lời nói, cái mím môi, gò má, bờ môi, ánh mắt, những ngón tay…Sự mạnh dạn của những cử chỉ hay là sự táo bạo của người con gái.

Cô gái hỏi thêm tình hình kinh tế trong gia đình Kiêu. Những câu hỏi liên quan đến việc làm của cha mẹ cậu. Và ở câu hỏi nào, cô cũng nhận lại một sự thất vọng ngầm chảy ở bên trong, nhưng vẫn cố tỏ ra mình còn đang nhiệt tình hỏi. Cô gái say sưa nói về dự định trong thời sinh viên của mình. Tất cả sẽ được khẳng định bằng nghị lực của cô gái đầy mơ ước. Câu chuyện mỗi lúc thêm nhộn. Thấp thoáng lá rơi và xào xạc của gió. Sự tác động của ngoại cảnh cũng dễ khiến người ta đồng cảm với nhau.

Có một chàng trai đứng phía bên kia đợi. Không giống một người yêu. Anh ta cao to và dữ dằn. Liễu là cô gái yếu đuối, có thể rất sợ anh ta. Mà biết đâu được, ở đời vẫn có sự khó hiểu. Cô gái tên Liễu vội tạm biệt Kiêu, hẹn sẽ gặp lại nếu như cậu còn muốn ra công viên ngắm cảnh. Chiếc đuôi áo của cô lả lướt trong gió.

 

Ngày hôm sau, không phải là ngày tệ hại gì đối với Kiêu, nhưng cậu vẫn ra công viên cho thoải mái. Lại những cử chỉ hành hạ hai con rùa của người mẹ nuôi. Bà sẽ hận thù đến bao giờ. Một con người mãi ôm trong mình hận thù thì chẳng thể tìm đâu thanh thản. Thanh thản không cho phép hận thù ở bên mình. Con rùa chẳng phải là linh vật thể hiện sự vĩnh cửu trường tồn? Bà Hát thừa hiểu bản chất văn hóa của nó. Lũ rùa trong Văn Miếu đội bia đứng đó trăm năm, rêu mốc thắp lên thân mình. Chúng cõng chứng tích và kết quả đèn sách của một thời đại đằng đẵng. Vậy nên, dùng hình ảnh rùa để trả thù là quá cao tay. Hận thù sẽ trường tồn, cho đến chết, thậm chí hết đời bà, thì con rùa tên Ngõa, tên Tân kia vẫn sống. Rùa lại chậm chạp đến khó tả. Sự chịu đựng, chậm chạp của nó tượng trưng cho nỗi hèn hạ của gã đàn ông mà bà đang hướng đến. Kiêu sợ sự hận thù như vậy. Cảnh bà đè chân lên con rùa khiến cậu nhoi nhói trong tim.

Khung cảnh bên ngoài vẫn được tô vẽ sinh động bằng hương hoa cây trong phố. Không mong gì gặp gỡ cô gái đáng yêu hôm qua. Cô ít hơn Kiêu vài tháng. Chẳng rõ cô nói thế để “chịu làm em” hay đã già hơn mình biết bao nhiêu giờ phút, cậu nghĩ, hay chỉ là cách mà những cô gái có sừng có mỏ thể hiện. Tuy nhiên, cậu không nghĩ cô gái kia có sừng có mỏ. Cô không giống một đứa con gái hư hỏng.

Thế mà cậu đã gặp cô, nhưng là ở khung cảnh khác, hoàn toàn lãng mạn với kẻ khác và rất đỗi ngượng ngùng với cậu. Cô gái đang trong vòng tay một gã đàn ông, với bốn cánh tay quấn siết vào nhau trên ghế đá, được bố trí rất khéo léo dưới gốc cây lim già, ngay một góc khuất. Kiêu chẳng hiểu sao chân mình lại bước vào đây mà vốn nó rất hãn hữu người vào. Cứ cho là không phải cô đi, thì đôi mắt cậu đã rất lạ lùng với cảnh trai gái ở nơi có người qua lại, nơi thanh thiên bạch nhật. Những chi tiết mà cậu thấy trên đầu cô giống của ngày hôm qua, khiến cậu không thể nào nghĩ đó là ai khác. Cô gái không biết cậu đã nhìn thấy họ, còn gã đàn ông thì thấy. Anh ta có vẻ đã cứng tuổi, với thân hình sồ sề, đôi bàn tay to bè như tay gấu, mái tóc không được nuôi dưỡng một cách mượt mà nên cứ xù lên. Dù không là gì của nhau, nhưng cậu cảm thấy vừa đánh mất điều gì đó to lớn. Ít nhất là cô trong lúc này, đang bị sở hữu bởi một kẻ khác, không thể ngồi mà nói chuyện. Cô gái nhắm mắt chịu đựng, cũng có chút say đắm giả tạo hiện lên. Nhưng không cho Kiêu suy đoán được rằng đây chỉ là một sự đóng kịch. Cô gái chỉ vờ vịt qua chuyện, cầm tiền rồi thôi.

Hôm sau nữa, vẫn gặp cảnh huống này. Cậu không nghĩ sẽ đi lại phía Liễu đang ôm choàng, hôn hít với một gã đàn ông khác khi mình đã nhận ra cô từ xa. Mỗi hôm một người. Đó là loại tình yêu gì vậy? Không, đó không phải tình yêu. Kiêu bắt đầu suy diễn. Đây không phải tình yêu giống như thứ tình yêu học trò với Quê mà cậu đã trải qua. Hẳn là cô đang làm đĩ, đang dùng cái thứ của mình để kiếm tiền. Lòng trống tênh và bải hoải. Cậu định ngồi một lát rồi quay về. Đằng nào thì cậu cũng không nên có mặt ở nhà trong lúc này. Mẹ nuôi đang nói chuyện với một người đàn ông lạ cậu chưa từng gặp. Chắc chắn là chuyện quan trọng, bởi hai người đã nói rõ cần phải thẳng thắn nói chuyện với nhau. Lát sau cô gái tiến lại, bần thần ngồi xuống bên Kiêu, chưa nói gì vội. Hai người im lặng trong giây lát.

Cô lên tiếng:

- Anh khinh bỉ em lắm phải không?

Kiêu vờ không hiểu gì hết, hỏi lại:

- Khinh bỉ gì cơ, chị đâu có…em đâu có gì để anh phải


khinh bỉ.

- Anh đã thấy hết mọi việc của em rồi. Anh đã nhìn thấy em và…Thú thực, đó là nghề của em. Em đã dối anh. Thú thực, lúc làm quen anh, em cứ ngỡ anh là gã trai có tiền nên định…Biết anh không phải là sinh viên, và ăn nói không có gì “sành điệu” của người có tiền nên em thôi mồi chài. Xã hội vẫn gọi những đứa như chúng em là điếm.

Cô gái nói có vẻ rất thật lòng, bằng 112d quả tim và bằng chính hơi thở cô. Kiêu không có cách phản ứng nào khác là lắng nghe và thông cảm. Cậu bảo đó chỉ là một cái nghề. Rốt cuộc, cậu cũng nói được câu hay ho, mà sau này cậu nghĩ lại, thấy phục mình: “Điếm chỉ là một nghề thôi, có người cần thì mình cung cấp. Không xấu như người ta nghĩ. Ăn cướp mới xấu”. Lời lẽ của cậu nhận lại vẻ sướt mướt trong lời chuyện của cô gái. Giọng nói của cô báo hiệu một cơn mưa tuôn trào. Cô trình bày ngắn gọn nỗi khổ mình đang trải qua. Rồi cô đứng lên. Kiêu ngước mắt lên thì bắt gặp gã đàn ông đang ra hiệu cho cô gái. Chính là gã mà hôm đầu hai người gặp nhau có xuất hiện. Liễu nói “Đó gọi là bảo kê. Gã này bảo vệ em và cũng thu tiền mà em kiếm được. Em chỉ được trả phần trăm”. Rồi cô bước đi, leo lên xe gã đàn ông kia, không hẹn sẽ gặp, cũng chẳng thể hiện tín hiệu gì cho cậu là có nên gặp nhau nữa
hay không.

Lại thêm chút ít thực tế cuộc sống nữa ngấm vào tâm hồn còn non nớt của cậu. Đứng lên, đi về trong tâm trạng bải hoải não nề. Những ông già bà trẻ muốn kéo dài tuổi thọ, đang gắng chạy quanh hồ, tay vung vít một cách vừa hoạt bát vừa nặng nề. Về nhà, Kiêu thấy người đàn ông kia vẫn chưa đi. Chiếc xe máy còn án ngữ ở cái sân hẹp. Có chiếc lá vàng hiền từ đậu trên yên. Con chim gì gân cổ hót sau vòm lá, nghe là lạ. Cậu cất chân quay ra, tiến đến quán chè cóc của bà già người ta vẫn gọi “U Sẻ”. U Sẻ tóc trắng lòa xòa, gầy đét như con cá mắm. Sở hữu một ông chồng ốm o quanh năm và chẳng hơn cá mắm bao nhiêu. Cũng sở hữu hai cô con gái người tròn vo nặng hơn năm mươi ký cao gần một mét bốn nhăm. Chỉ nhìn thôi đã biết được sự hành hạ của mưu sinh khắc nghiệt thế nào đối với thân thể bà. Nhưng bà lại vui vẻ, ai cũng gọi con xưng u. Quán nước chè của bà đông khách, có cả những vị quan chức thích dân giã. Vì thế mà bà có thể nuôi được ngần ấy miệng ăn. Đôi lần, bà bị đám sinh viên chịu. Có một gã chịu quá ba trăm ngàn không có cơ trả, bà cất công đi lùng mãi không được. Một hôm gã đến, đưa bà năm mươi ngàn rồi khất. Lúc đó, bà cứ cầm, được ngần nào tốt ngần ấy. Bà hiểu rằng số tiền còn lại cứ coi như đã đánh rơi xuống cống, không trông chờ tìm thấy.

Uống cốc nước chè và nhai kẹo cao su. Khi thấy người đàn ông kềnh càng cưỡi xe máy lao ra khỏi ngõ mới toan đứng dậy trả tiền, ra về. Mẹ nuôi đang nói chuyện với ai đó trong điện thoại. Chắc chắn là lời mời mọc mẹ đi dạy cho một trường nào đó. Cậu chỉ thấy mẹ từ chối. Mẹ muốn tự do, là chỉ làm tư vấn cho một cơ quan liên quan đến sức khỏe sinh sản, vẽ tranh sơn dầu, làm tranh minh họa và đôi khi nhận vẽ bìa sách. Mẹ bảo không còn ham muốn đứng trên bục giảng. Đó là khả năng của mẹ, và sự cầu cạnh của người khác đối với người có tầm vóc. Còn với Kiêu, nếu được làm giảng viên của một trường đại học, thì điều đó quả là trên cả tuyệt vời. Nhưng mẹ đã sốt sắng từ chối rồi hạ điện thoại. Nhìn mặt mẹ đỏ bừng, có thể cuộc nói chuyện lúc trước quá căng thẳng, khiến mẹ không còn tâm trạng nào để chấp thuận một lời mời.

Mẹ nuôi hỏi “Con vừa ra công viên về à?”. Kiêu vâng. Mẹ nói: “Con ở nhà, mẹ đi đằng này một lát, rồi sẽ đi chợ cho bữa tối luôn”.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83351


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận