Trong khoảng hai ba phút, thằng bé cứ đứng nhìn quanh, còn Mary thì nhìn nó. Rồi Dickon bắt đầu bước thật nhẹ nhàng, nhẹ nhàng hơn cả Mary vào cái lần đầu tiên ở trong bốn bức tường. Đôi mắt thằng bé dường như gắn chặt lấy mọi thứ - đám cây cối xám màu có dây leo xám xịt quấn quýt khắp thân mình và lòa xòa rủ xuống từ trên cành, mớ cành rối bám trên tường rồi lan xuống cỏ, những góc vườn có thường xuân mọc, cùng các ghế đá và chậu hoa cao cao ở giữa.
- Tôi không bao giờ nghĩ mình lại thấy một chỗ như thế này, - cuối cùng thằng bé thì thầm bảo.
- Anh có nghe nói gì về nơi này không? - Mary hỏi.
Con bé nói khá to nên Dickon phải ra hiệu cho nó.
- Chúng ta nói khẽ thôi, - thằng bé bảo, - nhỡ có người nghe thấy lại thắc mắc mình đang làm gì ở đây.
- Ồ, tôi quên mất! - Mary bảo, nó chợt thấy lo sợ và vội đưa tay lên bịt miệng. - Anh có biết gì về khu vườn này không? - Nó hỏi lại khi đã trấn tĩnh.
Dickon gật đầu.
- Chị Martha bảo với tôi rằng có một nơi mà chưa từng có ai vào được bên trong. Chúng tôi thường tự hỏi không hiểu nơi đó thế nào.
Dickon ngừng lại, nhìn một lượt đám dây leo màu xám quanh vườn, đôi mắt to của nó ánh lên vẻ hạnh phúc lạ lùng.
- Chà, khi xuân sang thì quanh đây sẽ đầy ắp tổ chim, - thằng bé bảo. - Đây là chốn làm tổ an toàn nhất trên nước Anh này. Chẳng có loài nào chưa từng tới gần đám dây leo và bụi hồng kia làm tổ. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao tất cả các loài chim trên cánh đồng hoang lại không làm tổ ở đây.
Cô chủ Mary lần nữa bất giác đặt tay lên cánh tay nó.
Chúng có nở thành những bông hồng không, - con bé thì thào. - Anh có thể cho tôi hay chứ? Tôi cho rằng có lẽ chúng đã chết cả rồi.
- Ấy! Không đâu! Chúng không chết. Chẳng có cây nào chết cả! - Dickon đáp. - Cô trông đây!
Thằng bé dấn bước tới cái cây gần nhất - một cái cây nom già cỗi, trên thân bám đầy địa y màu xám và từ trên ngọn rủ xuống cả một bức mành được kết bởi những nhánh dây leo. Nó lấy từ túi quần ra một con dao dày và mở một lưỡi dao.
- Có quá nhiều cành chết cần cắt bỏ, - Dickon nói, - cùng với khá nhiều bụi cây già nữa. Nhưng năm vừa rồi, chúng cũng đâm ra được một số cành mới. Đây là một cành mới, - nó chạm tay vào một cành cây màu xanh xám thay vì xám nâu khô khốc.
Mary cũng tự tay chạm vào cành cây với vẻ háo hức, long trọng.
- Cành này sao? - Con bé nói. - Có phải cành này vẫn hoàn toàn sống?
Dickon toét miệng cười.
- Nó còn sống mệt nghỉ như cô và tôi vậy, - thằng bé nói; và Mary vẫn còn nhớ Martha bảo nó rằng “sống mệt nghỉ” có nghĩa là “vẫn sống” hoặc “đầy sức sống”.
- Tôi lấy làm mừng vì nó còn sống mệt nghỉ! - Con bé kêu lên khe khẽ. - Tôi muốn bọn chúng cứ sống mệt nghỉ. Bây giờ chúng ta thử đi vòng quanh vườn này và đếm xem bao nhiêu cây còn sống đi.
Con bé thở hổn hển vì háo hức, Dickon cũng phấn khích chẳng kém gì nó. Chúng đi hết cây này sang cây khác, bụi này sang bụi khác. Dickon cầm sẵn con dao trong tay và chỉ cho Mary những thứ mà con bé cho rằng vô cùng tuyệt vời.
- Chúng sống hoang dại, nhưng những cây khỏe thì vô cùng phát triển. Cây nào yếu thì tàn lụi, nhưng bọn còn lại cứ thế mà lớn lên và vươn xa đến độ làm ta phải kinh ngạc. Nhìn này! - Dickon kéo xuống một cành cây xám nâu khô khốc. - Có thể người ta bảo đây là cành chết, nhưng tôi không nghĩ vậy. Nhìn xuống gốc này, tôi sẽ rạch thử xem sao.
Nó quỳ xuống, dùng dao cắt ngọt qua một nhánh cây khô tưởng như không còn sự sống, chỗ không xa mặt đất là mấy.
- Đó, thấy chưa! - Nó nói, vẻ mặt phấn khởi. - Tôi đã bảo cô mà. Có màu xanh bên trong thân gỗ. Cô nhìn vào đây này.
Mary đã quỳ trên hai đầu gối trước khi Dickon bảo, căng mắt ra nhìn.
- Chừng nào còn chút màu xanh và nhựa ứa ra thế này thì còn sống mệt nghỉ, - thằng bé giải thích. - Còn khi nào bên trong khô đét và dễ dàng bẻ gãy được như cái cành tôi vừa bẻ đây thì gay rồi. Nhìn bộ rễ này là ta biết cây còn phát triển, - nó ngừng nói, ngẩng mặt nhìn những nhánh cây đang đung đưa trên đầu, - vào mùa hè nơi đây sẽ là cả một đài phun nước kết bằng hoa hồng.
Chúng tiếp tục đi từ bụi này sang bụi khác, từ cây này sang cây khác. Thằng bé tỏ ra mạnh mẽ và linh lợi với con dao trong tay, nó biết cách cắt bỏ đi những cành khô nhánh chết, và có thể chỉ cho Mary rõ cành nào tưởng chừng chẳng mấy hy vọng mà vẫn còn sự sống xanh rờn bên trong. Mới chưa đầy nửa giờ mà Mary thấy chính nó cũng tự biết được điều đó. Mỗi khi Dickon cắt ngang một nhành cây trông như đã chết, nó lại cố kìm một tiếng kêu vui sướng khi bắt gặp dấu hiệu nhỏ nhoi thoáng qua của màu xanh ẩm ướt. Mai, cuốc và chĩa tỏ ra rất có ích. Dickon chỉ cho con bé cách dùng chĩa, trong khi nó dùng mai để xén bớt rễ cây và xới đất cho thoáng khí.
Hai đứa miệt mài cắt tỉa quanh một trong những khóm hồng thường lớn nhất, bỗng Dickon nhìn thấy vật gì đó khiến nó kinh ngạc thốt lên.
- Tại sao thế nhỉ! - Thằng bé kêu khẽ và đưa tay chỉ vào vạt cỏ cách đó vài bước chân - Ai đã làm việc ấy?
Thì ra đó là một trong mấy khoảng đất quanh những chấm xanh đã được Mary dọn quang.
- Tôi làm đấy. - Mary bảo.
- Sao, tôi cứ ngỡ cô không biết gì việc làm vườn cơ mà, - Dickon kêu lên.
- Tôi không biết, - Mary đáp, - nhưng chúng thì bé tẹo teo, mà cỏ dại thì dày đặc và mọc khỏe quá, tưởng chừng chúng không còn chỗ để thở nữa. Bởi thế tôi dọn chỗ cho chúng. Tôi thậm chí cũng không biết chúng là giống cây gì nữa.
Dickon bước tới quỳ xuống bên đám mầm cây, rộng miệng cười.
- Cô hoàn toàn đúng, - thằng bé bảo. - Một người làm vườn cũng không thể nói đúng hơn cô. Giờ đây chúng sẽ mọc nhanh như thổi. Toàn là nghệ tây, hoa giọt tuyết. Còn đây là thủy tiên, - quay sang khoảnh đất nhỏ khác, nó bảo - và kia là thủy tiên hoa vàng. Hây, chúng đều đã nhú lên rồi!
Thằng bé chạy từ khoảnh đất đã dọn sạch này sang khoảnh đất khác.
- Cô làm được hàng núi công việc, thật chẳng kém gì một cô gái trưởng thành, - thằng Dickon vừa nói, vừa đưa mắt nhìn Mary từ đầu đến chân.
- Tôi đang béo lên, - Mary bảo - và cũng thấy khỏe lên. Tôi vốn hay mệt mỏi, vậy mà khi đào xới thì chẳng thấy mệt gì hết. Tôi thích được ngửi mùi đất mới lật lên.
- Điều đó có lợi cho cô đấy, - vừa nói, Dickon vừa gật gù ra vẻ hiểu biết. - Đó là mùi của đất sạch, và còn mùi của cây cối đang đâm chồi nảy lộc sau khi được tưới tắm dưới những trận mưa nữa. Nhiều bận đang lang thang trên cánh đồng hoang thì cơn mưa ập xuống, tôi liền nằm trú dưới một bụi cây, lắng nghe tiếng mưa rơi rả rích trên lá thạch thảo và cứ hít hà mãi. Mẹ tôi thường bảo cái mũi của tôi lúc nào cũng run run chẳng khác nào mũi một con thỏ.
- Anh không bao giờ bị cảm lạnh à? - Mary hỏi, chằm chằm nhìn thằng bé với vẻ hết sức ngạc nhiên. Con bé chưa từng gặp một đứa con trai nào lại ngộ nghĩnh và cũng dễ thương đến thế.
- Chưa, - Dickon nhe răng cười. - Tôi chưa bao giờ bị cảm lạnh từ khi ra đời, dù tôi chẳng được nuôi dưỡng đầy đủ. Tôi chạy băng băng trên khắp cánh đồng hoang, trong mọi thời tiết, như là bọn thỏ vậy. Mẹ bảo tôi đã hít quá nhiều không khí trong lành trong suốt mười hai năm qua nên một chút khí lạnh cũng chẳng thể làm tôi khụt khịt nổi. Tôi dẻo dai như một sợi dây kết bằng đay trắng.
Thằng bé vẫn làm việc không ngơi tay trong lúc trò chuyện, còn Mary lẽo đẽo theo sau và giúp Dickon khi thì bằng chiếc chĩa ba, khi thì bằng xẻng của nó.
- Còn rất nhiều việc phải làm ở đây! - Dickon nói và nhìn quanh, vẻ hân hoan.
- Liệu anh có quay lại cùng làm giúp tôi không? - Mary khẩn khoản - Tôi dám chắc tôi có thể giúp anh. Tôi có thể xới đất, nhặt cỏ và làm bất kỳ việc gì anh bảo. Ôi! hãy đến nhé, Dickon!
- Tôi sẽ đến đây hàng ngày, nếu cô muốn, dù mưa hay nắng, - Dickon đáp lại chắc nịch. - Đây quả là chuyện vui nhất mà tôi từng có trong đời: bị nhốt lại đây và đánh thức cả một khu vườn.
- Nếu anh tới, - Mary nói, - nếu anh giúp tôi làm cho nó sống lại thì tôi sẽ... tôi quả không biết sẽ phải làm gì nữa! - Con bé dừng lại một cách tuyệt vọng. Bạn có thể làm gì nữa với một cậu bé như vậy?
- Tôi sẽ bảo cho cô những việc cô phải làm, - Dickon đáp, nhe răng cười vui vẻ. - Rồi cô sẽ béo tốt lên, sẽ thấy đói ngấu nghiến như một con cáo non, và rồi cô sẽ học được cách nói chuyện với chim ức đỏ chẳng kém gì tôi. Ôi! Chúng ta sẽ có biết bao trò vui.
Thằng bé bắt đầu đi loăng quăng, hết ngước trông các ngọn cây lại nhìn những bức tường và khóm cây với vẻ suy nghĩ.
- Tôi không muốn biến nó thành như vườn của một người làm vườn, chỗ nào cũng được xén tỉa gọn ghẽ ngăn nắp, thế còn cô? - nó nói. - Cứ như thế này có khi lại đẹp, cứ để các cành các nhánh bò lan hoang dại, đu đưa rồi xoắn quyện lấy nhau.
- Đừng làm chúng ngăn nắp quá, - Mary nói vẻ lo âu. - Nếu chúng ngay ngắn đâu ra đấy thì còn gì là một khu vườn bí mật.
Dickon đứng vò vò mái tóc nâu bù xù của nó, nom khá bối rối.
- Cứ như thế này trông cũng đủ là một khu vườn bí mật rồi, - nó bảo, - nhưng hình như ngoài con chim ức đỏ ra, phải còn ai nữa sống ở đây kể từ ngày nó bị đóng kín cách đây mười năm.
- Nhưng cánh cửa thì bị khóa, còn chìa thì bị vùi kỹ, - Mary bảo. - Không ai có thể vào trong được.
- Sự thật là thế, - Dickon đáp. - Đây quả là một chốn kỳ dị. Tôi thấy hình như sau mười năm thì gần đây có ai đã tỉa xén bớt cây đi thì phải.
- Nhưng làm việc ấy bằng cách nào? - Mary hỏi.
Sau khi xem xét một nhánh hồng bình thường, Dickon lắc đầu.
- Phải rồi! Làm sao có thể làm việc đó được nhỉ? - Thằng bé thì thầm. - Với cánh cửa bị khóa, còn chìa thì bị vùi kín.
Mary luôn cảm thấy rằng dù con bé có sống bao nhiêu năm, nhưng nó sẽ không bao giờ quên cái buổi sáng đầu tiên khi khu vườn của nó bắt đầu sống dậy. Dĩ nhiên rồi, nơi ấy dường như đã bắt đầu sống dậy vì nó kể từ buổi sáng đó. Khi Dickon bắt tay vào dọn chỗ để gieo hạt, con bé nhớ lại những lời thằng Basil đã hát để chọc tức nó.
- Có giống hoa nào nom giống những quả chuông không? - Con bé hỏi.
- Hoa lan chuông, - Dickon đáp, tay vẫn đang cầm xẻng xới đất, - và cả hoa chuông vùng Canterbury.
- Chúng ta trồng thử một ít đi, - Mary bảo.
- Hoa lan chuông thì ta có sẵn ở đây rồi; tôi đã thấy chúng. Chúng sẽ mọc quá gần nhau, ta sẽ phải tách chúng ra. Còn giống kia phải mất tới hai năm mới nở hoa kể từ lúc gieo hạt, nhưng tôi có thể mang cho cô một số cây có sẵn từ vườn nhà chúng tôi. Nhưng tại sao cô lại muốn chúng?
Mary bèn thuật lại cho Dickon nghe về Basil cùng đám anh chị em của nó ở Ấn Độ, và con bé đã ghét chúng ra sao, cả việc chúng gọi nó là “Cô chủ Mary quá ư ngang ngược.”
- Chúng thường nhảy nhót quanh tôi, nhìn tôi mà hát. Chúng hát rằng:
Cô chủ Mary này, thật quá ư ngang ngược,
Làm sao vườn cô mọc nổi đây?
Khi chuông bạc rồi vỏ sò tạp nhạp,
Cùng cúc vạn thọ lẫn lộn cả một nơi.
Tôi vừa chợt nhớ tới bài hát đó và tự hỏi không biết có đúng là có những bông hoa trông như những chiếc chuông bạc không.
Con bé khẽ cau mày rồi ấn chiếc xẻng của nó xuống đất khá là hằn học.
- Tôi không hề ngang ngược như lời chúng hát.
Dickon bật cười.
- Ồ! - Thằng bé tiếp lời, và trong lúc làm cho tơi lớp đất đen màu mỡ, nó hít hà hương thơm của đất, - dường như chẳng ai có thể ngang ngược được nữa khi hoa lá đua nở, muông thú thân thiện, ríu rít đào hang xây tổ và hót ca, phải không nào?
Mary đang quỳ bên Dickon, tay cầm hạt giống, nó nhìn sang thằng Dickon và thôi cau mày.
- Dickon, anh thật tốt, đúng như lời Martha đã nói về anh. Tôi rất thích anh, và anh trở thành người thứ năm rồi đấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể thích những năm người.
Dickon ngồi tì lên gót chân, giống cách Martha vẫn ngồi trong khi đánh bóng chiếc ghi lò. Cậu ấy trông thật ngộ và vui tính, Mary nghĩ bụng, với đôi mắt to xanh biếc, hai má đỏ hồng và chiếc mũi hếch đầy mãn nguyện của cậu.
- Cô chỉ yêu quý có năm người thôi sao? Bốn người kia là những ai vậy?
- Mẹ anh và Martha, - Mary đếm họ trên các ngón tay của nó, - rồi chim ức đỏ và ông Ben Weatherstaff.
Dickon cười ngặt nghẽo đến nỗi nó phải vội đưa tay bịt miệng để ngăn tiếng cười lại.
- Tôi biết cô nghĩ tôi là một đứa kỳ quặc, nhưng tôi cho rằng cô mới là cô nàngbé nhỏ kỳ quặc nhất mà tôi từng thấy.
Lúc ấy, Mary đã làm một việc lạ lùng. Nó ngả người về phía trước, hỏi thằng bé một câu mà nó không bao giờ tưởng tượng nó sẽ hỏi ai đó từ trước tới giờ. Nó cố gắng hỏi câu đó bằng giọng Yorkshire bởi đó là ngôn ngữ của thằng bé, và ở Ấn Độ một người địa phương thường tỏ ra hài lòng nếu bạn thạo lối nói của anh ta.
- Anh có thích tôi không(1)?
- Ôi! - Thằng bé thành thật đáp - Tôi thích chứ. Tôi thích cô lắm, và chim ức đỏ cũng thế, tôi tin thế.
- Vậy là có hai. - Mary bảo. - Có tới hai người bạn dành cho tôi.
Từ lúc ấy trở đi, chúng làm việc chăm hơn và cũng vui hơn. Mary giật mình và tiếc nuối khi nghe tiếng chuông đồng hồ lớn trong sân điểm giờ ăn trưa của nó.
- Tôi phải về rồi, - nó buồn rầu nói. - Và anh cũng phải về, đúng không?
Dickon nhoẻn cười.
- Tôi mang theo bên mình bữa trưa của tôi một cách dễ dàng. Mẹ luôn cho phép tôi được nhét một thứ gì đó trong túi áo.
Nó nhặt chiếc áo khoác dưới bãi cỏ rồi lấy từ đó ra cái túi nhỏ, trong có một vật được bọc giữa chiếc khăn tay màu trắng và xanh rất sạch sẽ. Chiếc khăn gói hai lát bánh mì đầy đặn cùng miếng gì đó kẹp ở giữa.
- Thường là chẳng có gì ngoài bánh mì, - nó nói - nhưng hôm nay tôi lại được thêm một chút thịt lợn xông khói béo ngậy ngon lành.
Mary thấy bữa ăn mới kỳ dị làm sao, nhưng có vẻ như thằng bé sẵn sàng thưởng thức nó.
- Cô về nhà mà ăn trưa đi. Tôi sẽ dùng bữa của tôi trước. Tôi sẽ nán lại làm thêm một chút trước khi về.
Nó ngồi xuống, tựa lưng vào một gốc cây.
- Tôi sẽ gọi con chim ức đỏ đến, cho nó chút thịt xông khói. Bọn chúng rất thích món ăn béo ngậy tuyệt vời này.
Mary không muốn để thằng bé ở lại. Đột nhiên, nó cảm thấy Dickon như một cậu tiên rừng sẽ biến mất khi nó trở lại khu vườn. Dickon là cậu bé tốt đến không thể tin được. Nó đã đi được nửa đường ra tới chỗ cánh cửa ẩn trong bức tường, nhưng rồi nó liền trở lại.
- Dù bất kể chuyện gì xảy ra, anh... anh cũng không bao giờ nói ra chứ? - Nó nói.
Đôi má ửng màu hoa anh túc của thằng bé lúc này đang phồng lên vì miếng bánh to tướng cùng với thịt xông khói, nhưng nó vẫn cố mỉm cười động viên Mary:
- Nếu cô là một con chim hét tầm gửi và chỉ cho tôi biết tổ ở đâu, cô có nghĩ tôi sẽ kể với ai không? Không đời nào. Cô thì cũng sẽ được an toàn không khác gì một con chim hét.
Và con bé cũng khá chắc chắn là nó sẽ được an toàn như thế.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !