Lão Già Mê Đọc Truyện Tình Chương 3


Chương 3
Antonio José Bolívar Proaño biết đọc, nhưng không biết viết.

Cố lắm lão cũng chỉ nguệch ngoạc ra được tên mình mỗi khi cần ký giấy tờ gì đó, như khi bầu cử chẳng hạn, nhưng những lần như thế rất hiếm và đã lâu lắm đến nỗi lão sắp quên biến cả cách cầm bút.

Lão đọc rất chậm, đánh vần từng âm tiết một và lẩm nhẩm khe khẽ như thể đắm chìm trong niềm hưởng thụ mê say, và khi đã xoay xở xong trọn một từ, lão sẽ đọc lại trong một hơi rành rọt. Sau đó, lão lại thực hiện quy trình y hệt với cả một câu, rồi cũng với cách này lão dần dần nắm được toàn bộ cảm xúc và ý tưởng thấm đẫm từng trang sách.

Khi phát hiện một đoạn nào mình đặc biệt thích thú, lão sẽ đọc đi đọc lại cho đến khi thấy đủ để hình dung ra vẻ đẹp tuyệt vời của ngôn ngữ loài người.

Lão luôn phải dùng kính lúp mới đọc được, và đó là đồ vật quý giá thứ hai trong gia tài của lão. Đứng thứ nhất là bộ răng giả.

Lão sống trong một căn lều tre rộng mười mét vuông bày biện tất cả số đồ đạc sơ sài của lão: một cái võng bằng sợi đay, một cái thùng đựng bia cũ để đặt bếp dầu, và một cái bàn cao ngất ngưởng, là do có một hôm đột nhiên thấy đau lưng, lão nhận ra tuổi già sắp tóm được mình mất rồi, bèn quyết định sẽ gắng càng ít ngồi càng tốt.

Chẳng bao lâu sau đó, lão tự đóng cái bàn có chân rất dài này để đứng ăn cơm, và đứng đọc tiểu thuyết tình yêu.

Căn lều có lợp mái rơm che mưa che nắng và có một cửa sổ nhìn ra sông. Đây cũng là chỗ lão đặt cái bàn cao.

Một cái khăn tắm cũ xơ treo gần cửa ra vào, bên cạnh miếng xà bông thay mỗi năm hai lần. Đấy là loại xà bông tốt, sực mùi mỡ động vật, chuyên để làm sạch quần áo, bát đĩa, đồ bếp, tóc và cả cơ thể.

Bức tường đối diện với cái võng có treo bức chân dung một đôi trai gái, đã được một họa sĩ vùng núi tỉa tót cẩn thận.

Chàng trai, là Antonio José Bolívar Proaño, mặc bộ vest màu xanh rất thanh nhã, sơ mi trắng, và cà vạt kẻ sọc, toàn những thứ chỉ có trong trí tưởng tượng của một họa sĩ vẽ truyền thần mà thôi.

Cô gái, là Dolores Encarnación del Santísimo Sacramento Estupiñán Otavalo, trong một trang phục lộng lẫy tới mức chỉ tồn tại và vẫn tiếp tục tồn tại trong những góc khuất bướng bỉnh của ký ức, nơi bắt rễ loài cỏ dại cô đơn.

Một tấm khăn choàng nhung xanh che hờ mang lại vẻ quý phái cho mái tóc đen huyền được rẽ ngôi giữa và thả dài tự nhiên xuống lưng. Trên tai cô lấp lánh đôi bông tai trong bằng vàng, và trên cổ cô cũng rực sáng mấy chuỗi hạt vàng.

Lộ ra trên khoảng ngực áo của cô là nét thêu thùa truyền thống sang trọng riêng có ở áo cánh của phụ nữ vùng Otavalan, và ngay phía trên là một đôi môi đỏ đang mỉm cười.

Hai người quen nhau từ tấm bé, khi còn ở San Luis, một ngôi làng trên núi gần ngọn núi lửa Imbabura. Hai người đính hôn khi mới mười ba tuổi, rồi hai năm sau đó, sau một nghi lễ mà cả hai cùng chỉ đóng một chút vai trò, còn đang ngượng ngùng với ý nghĩ đâm đầu vào một chuyến mạo hiểm quá sức, thì cả hai chợt nhận ra họ đã được cưới cho nhau từ lúc nào.

Đôi vợ chồng trẻ con sống ba năm đầu hôn nhân trong ngôi nhà của bố cô dâu, một người đàn ông góa vợ già cả, người đồng ý coi cả hai là những người thừa kế để đổi lại cho những quan tâm săn sóc và những lời cầu nguyện từ họ.

Ông cụ mất vào năm hôn nhân thứ mười chín của hai người, và họ được thừa hưởng một miếng đất con con không đủ nuôi một gia đình, cùng vài con gia súc đã bị nướng sạch vào chi phí đám tang.

Thời gian trôi qua, người đàn ông cày cấy miệt mài trên mảnh đất của gia đình và cả trên những mảnh đất của người khác. Họ kiếm chỉ đủ để trang trải tối thiểu cho cuộc sống, nhưng thứ mà họ có vô biên là những lời đồn độc địa , không nhằm vào lão, mà là vào Dolores Encarnación del Santísimo Sacramento Estupiñán Otavalo.

Vợ lão chưa bao giờ có thai. Mỗi tháng bà lại ra máu đều đặn một cách đáng ghét, và mỗi kỳ kinh tới lại làm tăng thêm sự khinh miệt xa lánh.

“Mụ ấy bị vô sinh,” một bà già bảo.

“Tôi đã thấy máu tháng lần đầu tiên của mụ ta,” một bà khác lên tiếng. “Có cả nòng nọc chết trong ấy đấy.”

“Mụ ta đã chết cứng trong người rồi. Đàn bà như thế thì còn tích sự gì nữa?” họ bồi thêm.

Antonio José Bolívar Proaño gắng động viên vợ và họ theo hết thầy nọ đến lang kia, thử đủ loại lá cỏ và thuốc mỡ chữa bệnh sinh sản.

Tất cả đều vô vọng. Tháng này qua tháng khác, người vợ lại giấu mình trong góc nhà khi dòng máu hổ nhục trào tuôn.

Họ quyết định rời vùng nói khi một gợi ý xúc phạm bắt đầu nhằm vào người chồng.

“Có khi là lỗi của lão hết. Lão nên để bà ta lại trong suốt mùa lễ hội ở San Luis.”

Người ta bảo rằng lão nên mang vợ đến những cuộc hội hè tháng Sáu, ép bà nhập vào cái đám người đông nghẹt chỉ chực nhảy nhót điên cuồng và rượu chè trác táng ngay khi cha xứ vừa quay lưng đi. Đám người ấy sẽ cứ uống, uống mãi, rồi nằm ngồi ngả ngớn khắp cả nền nhà thờ, cho tới khi rượu rum cất từ đường mía, thứ rượu mạnh “tinh khiết” được đem đến từ nhà máy đường, dẫn họ tới một cuộc nhào trộn hỗn loạn các cơ thể trong bóng đêm đồng lõa.

Antonio José Bolívar Proaño từ chối tất cả những lời khuyên làm cha của một đứa bé sinh ra từ hội hè. Thay vào đó, lão chú ý đến cái tin chính phủ có kế hoạch cho định cư trên một phần vùng đất Amazonia(1). Chính phủ còn hứa hẹn về những khu đất rộng lớn và những hỗ trợ kỹ thuật dành cho người tới khai hoang tại các khu vực đang tranh chấp với Peru. Biết đâu sự thay đổi khí hậu có thể làm bình thường lại cái không bình thường ở một trong hai người.

Tới sát lễ hội San Luis, họ gom góp chút của cải đơn sơ, khóa cửa ngôi nhà cũ rồi lên đường.

Mất đến hai tuần họ mới tới được cửa sông El Dorado. Có nơi họ đi bằng xe buýt, có nơi thì xe tải, nơi khác lại phải đi bộ; họ đã đi qua những thành phố có các phong tục kỳ lạ, như Zamora, hay Loja, nơi người Anhđiêng Saraguru vẫn còn mặc đồ đen, vẫn để tang cái chết của Atahualpa(2) trong niềm thương tiếc khôn nguôi.

Thêm một tuần đi nữa, lần này bằng xuồng, chân tay đã cứng đờ ra vì thiếu hoạt động, họ bị đẩy lên bờ trên một khúc quanh của con sông. Ngôi nhà duy nhất ở đấy là một căn lều lợp tôn, múi rất lớn, là cơ quan hành chính, là cửa hàng dụng cụ và hạt giống, cũng là chốn nương thân cho tất cả những người định cư mới tới. Đó chính là El Idilio.

Ở đó, sau một vài nghi thức ngắn gọn, họ được trao một mảnh giấy có đóng dấu rất long trọng tuyên bố rằng họ là những người khai hoang vinh quang. Họ được giao hai héc-ta rừng, một đôi dao rựa, vài chiếc thuổng, mấy túi hạt giống đã bị mọt ăn gần hết, và một lời hứa hỗ trợ kỹ thuật chẳng bao giờ thành hiện thực.

Hai vợ chồng xắn tay vào việc, đầu tiên là dựng lên một chiếc lều ọp ẹp, rồi sau đó bắt đầu dọn sạch cỏ rừng. Quần quật từ sớm cho tới khuya, họ mới nhổ được sạch rễ một cây thân gỗ, những đám cây thân leo, cỏ bụi, và sớm hôm sau đã thấy chúng mọc trở lại, với sức mạnh trẻ trung hừng hực cứ như thể báo thù.

Cho đến lúc mùa mưa đầu tiên vừa chớm, lương thực dự trữ đã cạn và họ hoàn toàn không biết phải làm gì tiếp theo. Vài người khai hoang khác còn có vũ khí là những cây súng cũ, nhưng thú rừng thì nhanh thoăn thoắt và đầy mưu mô. Ngay cả lũ cá dưới sông cũng lộ vẻ coi thường, nhảy tưng lên ngay trước mũi họ nhưng chẳng bao giờ chịu mắc vào lưỡi câu.

Bị cô lập bởi những cơn mưa và bão táp xa lạ, ho tuyệt vọng hiểu ra rằng chỉ còn có thể trông chờ vào phép màu nhiệm khi thấy nước sông cứ dâng liên tục, cuốn trôi những thân gỗ lớn và những xác động vật trương phềnh theo dòng chảy của nó.

Những người khai hoang đầu tiên bắt đầu chết. Vài người ăn phải cây quả lạ; một số người khác bị những cơn sốt quật ngã, thậm chí một số còn mất dạng trong cái bụng dài của loài trăn, chuyên gia nghiền xương, luôn biết cách quấn thân mình quanh con mồi, ép thật chặt, và nuốt chửng họ vào một quy trình tiêu hóa chậm rãi đến kinh hoàng.

Họ thấy mình hoàn toàn bị bỏ rơi trong cuộc chiến tuyệt vọng với những trận mưa mỗi lần ập xuống đều đe dọa cuốn trôi những căn lều; làm mồi cho lũ muỗi cứ mỗi lúc cơn bão tạm ngưng là lại tấn công hết sức hung bạo, bu lấy khắp người họ, cắn, hút, để lại trên da những nốt sưng vù ngứa ngáy và bên dưới là lũ ấu trùng chỉ chực chảy mủ đau nhức ngay khi chúng thoát ra bên ngoài với ánh sáng và tự do; bị bao vây bởi bầy thú đói khát lang thang khắp rừng sâu, với vô vàn tiếng tru hú ghê rợn khiến giấc ngủ trở thành thứ xa xỉ – cho tới khi sự cứu tế xuất hiện cùng những người đàn ông trong hình dạng ở trần, mặt bôi nước achiote hồng và đầy đồ trang trí đủ màu sắc trên khắp đầu và hai cánh tay.

Đó chính là người Shuar, thấy tội nghiệp cho những kẻ tới khai hoang nên đã đến giúp một tay.

Người Shuar dạy họ săn bắn, câu cá, xây những căn lều vững chãi để chống chọi với mưa gió, dạy cả cách phân biệt quả độc và quả ăn được. Và trên hết, họ đã dạy những người tới khai hoang cách sống hòa thuận với núi rừng.

Khi mùa mưa qua, người Shuar còn giúp họ dọn quang các triền đồi, nhưng vẫn nhắc rằng như thế chỉ phí công mà thôi.

Mặc kệ lời các thổ dân, họ vẫn gieo những đám hạt giống đầu tiên, để rồi nhanh chóng phát hiện ra rằng đất đai ở đó quá tệ. Những cơn mưa xói đất liên miên đã khiến cây cối không thể kiếm đủ chất dinh dưỡng cần thiết, đến nỗi chết mà chưa kịp ra hoa, cây cối trở nên còi cọc hoặc cũng bị lũ côn trùng ngấu nghiến mất.

Khi mùa mưa tiếp theo vừa chớm, những cánh đồng mà họ đã quần quật gây dựng bị cuốn trôi sạch sẽ ngay trong trận mưa đầu tiên.

Dolores Encarnación del Santísimo Sacramento Estupiñán Otavalo không sống nổi sang năm thứ hai, sốt rét hủy hoại cơ thể bà, và một cơn sốt cháy da cháy thịt cuối cùng đã tước mạng sống khỏi tay bà.

Antonio José Bolívar Proaño biết rằng lão không thể quay về ngôi làng cũ trên núi được. Những kẻ nghèo có thể tha thứ bất kỳ điều gì trừ sự thất bại.

Lão chẳng còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục trụ lại, chỉ còn ký ức làm bạn. Lão muốn trả mối hận thù cái vùng đất đáng ghét ấy, cái địa ngục màu xanh đã cướp mất người yêu dấu và những giấc mơ của lão. Lão mường tượng ra một ngọn lửa khổng lồ sẽ biến toàn bộ Amazon thành một lò lửa bừng bừng dữ dội.

Nhưng trong nỗi cô đơn không nơi bấu víu, lão nhận ra rằng lão chưa hề hiểu hết rừng để có thể căm ghét được rừng.

Lão học tiếng của người Shuar bằng cách tham gia những cuộc đi săn với họ. Họ săn heo vòi, paca, capybara(3), lợn cỏ peecari, lợn lòi rừng nhỏ và ngon thịt, khỉ, chim, và cả các loài bò sát. Lão còn học được cách dùng cái ống thổi rất êm ái và hiệu quả khi đi săn, và cái xiên dài để bắt loài cá bơi nhanh thoăn thoắt.

Đi cùng họ, lão bỏ dần tính kiểu cách của nông dân Công giáo. Lão bắt đầu cởi trần và tránh làm thân với những người mới đến khai hoang, những người coi lão là kẻ mất trí.

Antonio José Bolívar Proaño, người chưa từng nghĩ đến hai chữ “tự do” giữa chốn rừng sâu, nay đang được hưởng thụ một tự do không biên giới. Cho dù có cố hết sức khôi phục lại lòng căm giận xưa kia, lão cũng không thể nào không sinh lòng yêu mến cái thế giới ấy, và rồi lòng căm giận cứ phôi phai thêm nữa khi lão bị mê hoặc bởi những vùng đất mênh mông vô biên và vô chủ.

Hễ đói là ăn. Lão luôn chọn những loại quả ngon ngọt nhất, bỏ qua những loài cá bơi chậm quá làm mất hứng, bám đuổi một con thú hoang, nhưng ngay khi con thú nằm vừa trong tầm ngắm của chiếc ống thổi lão lại thấy cả thèm một thứ gì đó khác hơn.

Đêm xuống, nếu muốn ở một mình, lão chui xuống nằm trong xuồng, và nếu ngược lại, muốn có ai đó ở bên, lão tìm đến với người Shuar.

Và họ chào đón lão rất hào hứng. Họ chia cho lão thức ăn, xì gà tự cuốn, và trò chuyện hàng giờ liền, khạc nhổ ầm ĩ xung quanh ba chiếc cọc lò sưởi rực sáng luôn luôn.

“Chúng mình thế nào nhỉ?” họ hỏi lão.

“”Thân thiết như thể một bầy khỉ, lắm mồm như là bọn vẹt say, khoác lác y như lũ quỷ sứ.”

Người Shuar nghe những lời so sánh ấy thì cười ầm ầm và đánh những cú rắm đầy thỏa mãn.

“Còn ở ngoài kia, chỗ ngày xưa của mày đó, thì như thế nào?”

“Lạnh lắm. Buổi tối và buổi sáng lạnh cóng như băng. Phải mặc poncho(4) dài bằng len, đội mũ nữa.”

“Đấy là lý do chúng mày cứ thối um lên. Khi đi ỉa, chúng mày vãi ra cả poncho.”

“Không phải đâu. Hoặc chỉ là thỉnh thoảng thôi. Vấn đề ở chỗ trời lạnh quá nhiều khi bọn tao muốn tắm mà chẳng được, cũng giống chúng mày thôi.”

“Khỉ của chúng mày có mặc poncho không?”

“Trên núi không có khỉ. Cũng chẳng có lợn cỏ pêcari nữa. Dân vùng núi không săn bắn.”

“Vậy bọn nó ăn gì?”

“Ăn những thứ có ở đó chứ sao. Khoai tây, ngô. Thỉnh thoảng có lợn hoặc gà vào những ngày lễ. Hoặc có chuột lang vào ngày chợ phiên.”

“Vậy không săn bắn thì bọn nó làm gì?”

“Làm việc. Từ lúc mặt trời lên đến lúc mặt trời lặn.”

“Lũ ngốc thật! Dốt thật!” người Shuar xuýt xoa.

Sau năm năm trời ở đó, lão biết rằng mình sẽ không bao giờ rời xa rừng nữa. Hai cái răng nọc rắn quỷ quyệt đã chịu trách nhiệm đem lời nhắn nhủ ấy đến với lão.

Từ người Shuar, lão đã học được cách di chuyển trong rừng rậm, đặt lòng bàn chân cho phẳng trên mặt đất, đôi mắt và đôi tai phải thật nhạy cảm với mọi tiếng rì rầm, và con dao rựa phải luôn sẵn sàng trong tay. Ngày nọ, trong một phút bất cẩn, lão cắm con dao xuống đất để xốc lại túi hoa quả, và khi cúi xuống nhấc dao lên lão nhói người nhận ra chiếc răng nọc nóng nực của loài rắn độc equis đã đâm thẳng vào cổ tay phải mình.

Lão thoáng thấy dáng con bò sát dài một mét nọ đang bỏ chạy, vẽ thành dấu X trên mặt đất  – chính là lý do nó được đặt cho cái tên Tây Ban Nha ấy – trườn đi nhanh thoăn thoắt. Lão nhảy theo con rắn, vung con dao lên bằng cánh tay phải bị thương, chém liên hồi lên lưng nó, cho tới khi nọc độc bắt đầu làm mờ mắt lão.

Lão mò mẫn tóm lấy cái đầu con rắn và, cảm nhận mạng sống của chính mình đang từ từ ra đi, quay đầu tìm về khu người Shuar.

Những người Anhđiêng trông thấy lão lảo đảo lê lết về phía mình. Lão không nói được, vì cái lưỡi, và cả cơ thể lão, đã sưng vù và biến dạng. Cái chết dường như sắp giành được lão. Trước khi gục xuống mê mân, lão còn gắng giơ cho họ thấy cái đầu rắn trong tay mình.

Vài ngày sau, lão tỉnh lại, giữa những đợt sốt cao, người vẫn còn sưng vù, và run rẩy từ đầu đến chân.

Được một thầy phù thủy Shuar chăm sóc chữa trị, lão dần khỏe lại.

Thảo mộc ủ đã lấy đi nọc độc. Tắm trong tro lạnh giúp hạ sốt và giảm những cơn ác mộng. Và chế độ ăn uống chỉ óc, gan, và bầu dục khỉ đã giúp lão đứng dậy được sau ba tuần nằm bẹp.

Suốt thời gian phục hồi sức khỏe, họ giam lão trong khu đất của mình, và những người phụ nữ thanh tẩy phủ tạng cho lão theo một trình tự khắt khe.

“Mày vẫn còn chất độc trong người. Mày phải tẩy nó cho sạch, chỉ giữ lại một tí chút phòng khi bị cắn lần nữa thôi.”

Và rồi khi lão không muốn nữa, họ vẫn ép lão uống nước hoa quả, trà thảo mộc và các loại nước ngâm ủ khác để giúp lão lợi tiểu.

Khi thấy lão đã hồi phục hoàn toàn, người Shuar tắm đẫm lão bằng những món quà: một cái ống thổi mới, một bó tên, một dây chuyền ngọc trai sông, một dải lông chim tu căng, cùng những tràng vỗ tay chúc mừng để lão hiểu rằng lão vừa vượt qua một trò tinh nghịch mà những vị thần ranh mãnh bày ra, những vị thần nhỏ này thường ẩn mình trong đám bọ cánh cứng hay đom đóm mỗi khi muốn giở trò trêu chọc con người, và thường hóa trang thành các vì sao để tạo ra những khoảng đất quang ảo ảnh trong rừng sâu.

Để thể hiện lòng kính trọng đối với lão, người Shuar sơn lên người lão muôn sắc màu óng ánh của loài trăn lớn và mời lão tham gia một điệu nhảy.

Lão là một trong số ít người từng sống sót sau nhát cắn của loài equis, và sự kiện hiếm hoi này phải được ghi nhớ trong Lễ hội Thần rắn.

Cái buổi lễ ấy, lão uống chén natema đầu tiên, loại rượu mùi ngọt tạo ảo giác chế từ rễ cây yahuasca đun sôi, và trong giấc mơ ngay sau đó, lão thấy mình là một phần không thể tách rời của những vùng đất luôn biến đổi không ngừng nghỉ ấy, giống như chỉ là một sợi tóc thêm vào cái cơ thể màu xanh to lớn vô hạn kia, mang suy nghĩ và cảm nhận như một người Shuar; rồi, vận quần áo của một tay thợ săn chuyện nghiệp, lão đang lần theo dấu một con thú bí ẩn, không hình không dạng, cũng chẳng mùi chẳng tiếng, nhưng rực lên đôi mắt sáng màu vàng.

Đó chính là tín hiệu ngầm yêu cầu lão ở lại, và thế là, lão ở lại.

Về sau, lão kết bạn với Nushiño, một người Shuar cũng tới từ một vùng đất xa xôi lắm, xa đến nỗi hình dung về nó đã mất dạng nhạt nhòa giữa những nhánh nhỏ của dòng Marañón Vĩ đại. Một ngày nọ, Nushiño đến đây với một vết đạn trên lưng, món quà kỷ niệm từ cuộc hành trình khai hóa của quân đội Peru. Người ta tìm thấy anh đang bất tỉnh, gần như cạn máu sau nhiều ngày trôi dạt bất lực trên chiếc xuồng của mình.

Người Shuar vùng Shumbi săn sóc và chữa trị cho anh, và vì họ cùng có chung dòng máu, họ đã đồng ý cho anh ở lại.

Antonio José Bolívar và Nushiño cùng nhau lang thang khắp rừng rậm. Nushiño rất khỏe. Anh ta có cái eo thon và đôi vai rộng, chuyên gia bơi thi với cá heo sông và lúc nào cũng vui vẻ hào hứng.

Người ta hay trông thấy hai người cùng săn đuổi một con thú lớn, hay trầm ngâm bên dấm máu nó làm rớt lại, và, khi cả hai đã chắc chắn nắm được con mồi, Antonio José Bolívar sẽ chờ ở một khoảng đất trống trong khi Nushiño nhử con thú đang núp trong bụi cây rậm rạp xông ra và dẫn dắt nó tới đúng tầm ngắm mũi tên độc của lão.

Đôi khi hai người còn săn một con lợn cỏ pêrica cho những người khai hoang, và số tiền họ nhận lại có thể đổi được một con dao rựa mới hoặc một túi muối.

Những lúc không đi săn cùng bạn, Antonio José Bolívar dành thời gian lần tìm dấu vết những con rắn độc.

Lão biết cách tiếp cận chúng, huýt một điệu sáo the thé đánh lạc hướng chúng, cho tới tận khi đôi diện với chúng. Chỉ bằng một cánh tay, lão sẽ nhại những cử động của loài bò sát này khiến cho con rắn, hoàn toàn bối rối và mê mẩn, bắt chước lại những cử động là bản sao của chính nó. Rồi, cánh tay còn lại của lão sẽ vung lên thật chính xác. Bàn tay lão tóm chặt lấy cổ con rắn đang còn hết sức bàng hoàng kia, bóp thật mạnh để nọc độc phun hết ra từ những cái răng nọc vào trong một cái vỏ bầu khô rỗng.

Khi giọt cuối cùng nhỏ xuống, con vật thẳng đơ người ra, không còn chút sức lực nào cho lòng căm hờn nữa, hoặc có lẽ nó đã nhận ra lòng thù hận thật phù phiếm vô nghĩa, còn Antonio José Bolívar thì khinh khỉnh quẳng nó vào bụi rậm.

Người ta trả giá cho nọc rắn rất hậu. Cứ sáu tháng một lần, một nhân viên từ phòng thí nghiệm nào đó, nơi nghiên cứu loại huyết thanh chống nọc độc của rắn, sẽ đến mua những loại nọc chết người kia.

Thỉnh thoảng có con còn nhanh hơn cả lão, nhưng lão cũng chẳng sợ. Lão biết mình rồi sẽ phình ra như một con cóc và sốt mê man vài ngày gì đó, nhưng sau lúc ấy giây phút trả thù sẽ tới. Lão đã được miễn dịch, và lão thích nghêng ngang qua lại trước mặt những người khai hoang, khoe ra hai cánh tay mình phủ đầy sẹo.

Cuộc sống nơi rừng thẳm đã tôi luyện từng centimét cơ thể lão. Các khối cơ bắp của lão trở thành cơ bắp của loài mèo, và ngày càng rắn chắc hơn theo thời gian. Lão hiểu rừng già như một người Shuar. Lão có thể lần ra dấu vết như một người Shuar. Lão bơi giỏi như một người Shuar. Tóm lại, lão giống họ, nhưng vẫn không phải là một trong số họ.

Đấy là lý do tại sao thỉnh thoảng lão phải ra đi: vì họ đã giải thích cho lão, rằng tốt hơn cả là lão không trở thành một trong số họ. Họ muốn trông thấy lão, muốn có lão ở bên, nhưng cũng muốn cảm nhận được sự vắng mặt của lão, nỗi buồn khi không được nói chuyện với lão, và niềm hạnh phúc trong tim mình khi lại thấy lão xuất hiện.

Nhiều mùa mưa, mùa nắng trôi qua. Suốt thời gian ấy, lão học được cái nghi lễ và sự bí ẩn của những con người ấy. Lão dự vào thứ nghi lễ hàng ngày của họ là tôn sùng những cái đầu khô quắt của kẻ thù đã chết như những chiến binh anh dũng, và cùng với họ, lão cất giọng hát khúc anent, những bài ca cảm ơn lòng dũng cảm được lưu truyền, và những lời nguyện cầu cho hòa bình mãi mãi.

Lão cũng dự vào những buổi tiệc tùng hào phóng của những người già quả quyết rằng đã đến lúc phải “lên đường”, và khi họ đã thiếp đi, chìm đắm hoàn toàn trong men bia chicha và natema, trong nỗi mê đắm hoan hỉ khôn cùng của những giấc ảo giác đang mở cho họ những cánh cửa tới kiếp sau, lão giúp khiêng họ đến một cái lều thật xa và phủ đầy người họ một lớp mật ngọt từ cây cọ.

Ngày hôm sau, vừa ca lên những khúc anent để tiễn đưa họ đến với cuộc đời mới của loài cá, loài bướm, hay một loài thú thông minh nào khác, lão vừa giúp thu nhặt những chiếc xương trắng, giờ đã sạch bong, còn cái phần di hài vô tích sự thì đã được vận chuyển tới cuộc đời mới bằng những bộ răng hàm không biết nương nhẹ của đội quân kiến.

Khi sống với người Shuar, lão chẳng cần đến một câu truyện tình nào để hiểu được tình yêu.

Lão không phải là một trong số họ, vì thế lão không thể có nhiều vợ. Nhưng lão giống họ, và đó là lý do người đàn ông Shuar đã cho lão nơi ăn chốn ở suốt những mùa mưa lại mời chào năn nỉ lão chấp thuận một trong số những người vợ của anh ta, coi đó là niềm hân hạnh cho địa vị và ngôi nhà của mình.

Người phụ nữ được mang ra dâng tặng ấy đã đưa lão tới bờ sông. Ở đó, vừa hát khúc anent, cô vừa tắm rửa, chải chuốt, và xức nước thơm cho lão; rồi cả hai trở về lều, đùa giỡn âu yếm trên tấm thảm sậy, với đôi chân cô gái huơ cao trên không, với hơi ấm dịu dàng của lò sưởi, họ lại ca lên những khúc anent, những bài thơ âm mũi mô tả vẻ đẹp cơ thể mình và về nỗi sung sướng khoái lạc được nhân lên gấp bội bởi vẻ diệu kỳ của sự mô tả ấy.

Đó là thứ tình yêu trong trẻo mà kết cục của nó, không gì khác, vẫn là tình yêu. Không sở hữu, và không cả lòng ghen.

“Kh 2aec ông ai trói buộc được tiếng sét và không ai lấy được cho riêng mình cái sung sướng vô ngần của người khác vào khoảnh khắc được tự do.”

Có lần người bạn Nushiño đã giải thích với lão như thế.

Nhìn dòng Nangaritza trôi, người ta dễ nghĩ rằng thời gian đã bỏ quên góc nhỏ đó của vùng đất Amazonia, nhưng lũ chim thì biết rằng những cái lưỡi hùng mạnh đang từ phía Tây vươn tới, thăm dò và xâm nhập vào bên trong cơ thể rừng già.

Một lực lượng máy móc khổng lồ đang mở ra những con đường, và người Shuar ngày càng phải di chuyển nhiều hơn. Từ giờ trở đi họ không còn tiếp nối được cái truyền thống lâu đời là ở một chỗ chỉ trong ba năm rồi chuyển đi nơi khác để cho Tự nhiên hồi phục. Cứ mỗi mùa sang, họ lại phải nhấc căn lều của mình cùng với xương của những người đã chết lên và ra đi, tránh những kẻ lạ mặt đang tới định cư dọc bờ sông.

Ngày càng nhiều người khai hoang tới theo lời hứa hẹn hấp dẫn về một tương lai có thêm gia súc và gỗ xây dựng. Họ mang theo rượu, nhưng chẳng vì một nghi lễ nào cả, mà cùng với nó là sự thoái hóa của những kẻ yếu đuối nhất. Và hơn hết là lũ người đi tìm vàng ngày càng nhiều thêm, những kẻ vô liêm sỉ đến từ khắp mọi nơi chỉ với một mục đích duy nhất là làm giàu thật nhanh chóng.

Người Shuar đành đi về phía Đông, kiếm tìm chốn hẻo lánh của dải rừng già không ai có thể xâm nhập.

Một sớm nọ, ống thổi của Antonio José Bolívar phóng chệch khỏi mục tiêu, và lão nhận ra mình đã già. Vậy là cũng đã đến lúc lão phải đi tiếp rồi.

Lão quyết định sẽ tới sống ở El Idilio và săn bắn để kiếm ăn. Lão biết lão không thể tính toán được chính xác thời điểm mình chết và cũng không thể để cho lũ kiến ngấu nghiến làm thịt mình được. Và cho dù lão có tính toán được, thì đó cũng sẽ là một nghi lễ thật buồn.

Lão giống họ, nhưng lão không phải là một trong số họ, vì thế lão sẽ chẳng có buổi tiệc lớn nào, cũng chẳng có chuyến đi sang thế giới bên kia bằng ảo giác nào cả.

Một ngày, khi đang mê mải làm một cái xuồng có thể đương đầu với bất kỳ thứ gì, lão nghe thấy một tiếng nổ lớn vang lên từ một nhánh sông, cái dấu hiệu sẽ dẫn tới cuộc giã từ của lão.

Lão chạy tới nơi phát ra tiếng nổ và trông thấy một nhóm người Shuar đang khóc lóc. Họ chỉ trỏ về phía một đám cá chết nổi lềnh phềnh đầy mặt nước, và trên bãi cát là một nhóm người nước ngoài đang giương súng nhằm thẳng về phía họ.

Đó là một nhóm năm kẻ thám hiểm tìm vàng, để thông dòng con suối, đã cho mìn nổ tung cái đập chắn là nơi lũ cá tụ tập sinh sản.

Mọi thứ xảy ra rất nhanh. Những người da trắng, hoảng loạn trước sự xuất hiện của những người Shuar, đã nổ súng và bắn trúng hai người thổ dân, rồi nhảy lên thuyền bỏ chạy.

Lão biết, vậy là đám người da trắng chẳng còn đường thoát. Người Shuar bám theo bằng đường tắt và chờ bên một khe núi hẹp, nơi bọn chúng dễ dàng trở thành cái đích cho những mũi tên tẩm thuốc độc của họ. Tuy nhiên, một kẻ trong số chúng đã nhảy lên được, bơi thoát sang bờ bên kia, rồi biến mất sau bụi cây.

Mối quan tâm hàng đầu của lão là tới ngay chỗ hai người Shuar đã ngã xuống.

Một người đã chết, đầu nổ tung vì một phát súng bắn trực diện, và người kia đang quằn quại đau đớn với bộ ngực bị xé toang. Đó chính là người bạn Nushiño của lão.

“Một cuộc giã từ tồi tệ,” Nushiño thì thầm trong đau đớn, đưa tay run rẩy chỉ về phía quả bầu khô đựng thuốc độc của mình. “Ta không thể nào yên lòng ra đi được, người anh em ạ. Khi cái đầu của hắn còn chưa bị treo trên cọc, ta sẽ vẫn còn lang thang như một con vẹt mù buồn bã, vơ vẩn đâm đầu vào các thân cây. Hãy giúp ta, hỡi người anh em.”

Xung quanh lão là người Shuar. Chỉ có mình lão biết được kiểu cách của những kẻ da trắng, và giọng nói yếu ớt của Nushiño báo cho lão biết rằng thời khắc trả món nợ của lão đối với người Shuar kể từ khi hộ cứu sống lão sau lần bị rắn cắn ấy đã đến.

Cũng phải thôi, món nợ của lão, lão phải trả, và rồi mang theo một chiếc ống thổi, lão bơi ngang qua sông, bắt đầu cuộc săn người đầu tiên.

Rất nhanh, lão tóm được dấu vết của hắn. Vì quá sợ hãi và lo lắng, kẻ tìm vàng đã bỏ lại nhiều dấu vết rõ mồn một, lão chẳng phải tốn công tìm kiếm.

Vài phút sau lão đã thấy hắn đang đứng đờ ra vì kinh hãi trước một con trăn lớn đang ngủ say.

“Tại sao mày làm thế? Tại sao mày bắn họ?”

Hắn giương khẩu súng săn lên ngắm thẳng vào lão.

“Bọn Jibaro. Chúng nó đâu rồi?”

“Bên kia sông. Họ không theo mày đâu.”

Thở phào nhẹ nhõm, tên đào vàng hạ nòng súng xuống, và Antonio José Bolívar nắm ngay thời cơ, giương chiếc ống thổi lên.

Cú bắn quá tồi. Tên đào vàng choáng váng nhưng không ngã, và lão không còn cách nào khác đành quăng mình về phía hắn.

Hắn rất khỏe, nhưng sau một hồi vật lộn Antonio José Bolívar đã giành được khẩu súng của hắn.

Lão chưa bao giờ cầm một khẩu súng nào trong tay, nhưng khi lão trông thấy hắn sắp tóm được con dao rựa thì ngón tay lão, rất bản năng, đã đẩy vào đúng vị trí, và tiếng nổ ầm vang khiến lũ chim kinh hoàng vụt bay lên náo loạn.

Bất ngờ vì sức mạnh của phát súng, lão bước tới gần hắn. Hắn đã nhận hết đạn từ cả hai nòng súng đầy vào bụng và đang quằn quại trong đớn đau khủng khiếp. Phớt lờ tiếng gào thét của hắn, lão trói hai cổ chân hắn lại, lôi hắn về phía bờ sông, và khi mới bơi được một chặp đầu tiên, lão cảm nhận được kẻ xấu số đã tắt thở.

Người Shuar đang đợi lão ở bờ bên kia. Họ chạy tới để giúp lão lên bờ, nhưng vừa nhìn thấy cái xác, họ chợt òa lên trong cơn khóc than không ngừng trước nỗi hoang mang của lão.

Họ khóc, không phải cho tên ngoại quốc kia, mà là cho Nushiño.

Antonio José Bolívar không phải là một trong số họ, nhưng lại giống họ. Và vì thế lẽ ra lão phải giết kẻ kia bằng một mũi tên tẩm thuốc độc, sau khi đã cho hắn được chiến đấu như một chiến binh; rồi, khi đã bị tê liệt bởi thuốc độc, tất cả lòng can đảm của hắn sẽ phát lộ ra trong cái thần thái sẽ được lưu giữ, giam cầm mãi mãi trong cái đầu khô quắt của hắn, hai mí mắt, mũi, và miệng được khâu chặt lại để nó không thể thoát ra ngoài.

Làm sao họ có thể đem phơi cái đầu ấy được nữa, khi nó đã há hoác đông cứng lại trong nỗi kinh sợ và đau đớn?

Vì lỗi lầm của lão, Nushiño sẽ không thể ra đi được. Nushiño sẽ vẫn như một con vẹt mù, cứ mãi đâm đầu vào thân cây, gây lòng oán ghét ở những người xa lạ khi va phải họ, làm xáo động giấc mơ của những con trăn đang say ngủ, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những con thú bị săn đuổi bằng tiếng đập cánh lang thang vô định của mình.

Antonio José Bolívar đã tự hạ thấp bản thân, và vì thế phải chịu trách nhiệm cho nỗi đau khổ vĩnh viễn của người bạn ấy.

Không ngừng than khóc, họ trao cho lão chiếc xuồng tốt nhất. Không ngừng rơi nước mắt, họ ôm hôn lão, cấp lương thực cho lão, và nói rằng từ nay về sau, lão không bao giờ còn được chào đón nữa. Lão có thể đi qua khu lán trại của người Shuar, nhưng không còn quyền nán lại nữa.

Người Shuar đẩy chiếc xuồng ra theo dòng nước và rồi xóa đi dấu chân lão còn lại trên cát.

——————————————–

(1). Amazonia: vùng lòng chảo sông Amazon ở Nam Mỹ.

(2). Atahualpa: vị hoàng đế cuối cùng của đế chế Inca.

(3). Paca, capybara: thú thuộc loài gặm nhấm sống chủ yếu gần sông ở Nam Mỹ.

(4). Poncho: tấm vải choàng có một lỗ ở chính giữa để chui đầu qua.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87752


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận