Lằn Ranh Sinh Tử Chương 5

Chương 5
Trong Loonie dường như có một nghị lực phi thường, một tinh thần bắt lửa kỳ lạ khiến ta phải bật cười vì bị sốc. Nó lao mình vào trong cuộc đời. Không bao giờ bạn có thể đoán trước về nó một giây, và một khi nó đã lao vào một việc nào thì không có gì giữ nó lại được. Nhưng chính điều làm bạn khâm phục ấy thực ra lại khiến cho bạn thấy căng thẳng khó chịu. Có những ngày thứ hai tôi thấy nhẹ nhõm khi ngồi trên xe buýt trở lại nhà trường.
Vào thời ấy chẳng có gì hấp dẫn tôi ở đấy nhưng tôi thực sự thấy thích được đến trường. Có một sự tẻ nhạt êm đềm trong lớp học, một sự yên vắng trong đó tôi đã lớn lên. Đó có thể là một mái nhà ngăn nắp để con người phát triển, một sự an toàn vì luôn luôn biết trước những gì sắp diễn ra. Dù sao, cuộc sống ở nhà trường của tôi không hề giống với cuộc sống của Loonie. Với tôi thì không có những chuyện hục hặc thường xuyên, không có những cảnh nhìn tai hạiề Tôi yêu thích sách – thích sự thảnh thơi và riêng tư của chúng – những cuốn sách về cây cối, về sự hình thành băng giá, và về những cuộc chiến tranh thế giới. Mỗi khi đắm chìm trong sách vở, tôi thấy mình được tự do. Nếu không có Loonie bên cạnh thì tôi muốn sống âm thầm không ai biết đến, và dù trong những năm còn nhỏ điều này khiến cho tôi trở nên cô độc, nhưng lúc này thì một chút cô độc lại là điều tôi mong muốn.
Nhiều khi sau giờ học, nếu trời còn sáng thì tôi lội bộ vào trong khu rừng và lang thang một mình. Tôi biết rằng một nơi nào đó ở đây, cạnh một giàn cưa cũ, những học trò trường Nông nghiệp có giăng một sợi cáp treo. Loonie thường khoe khoang về những chuyến đi ngang qua sông, bên trên những ngọn cây đong đưa. Nó ca ngợi tiếng rì rào của sợi dây cáp, cái cảm giác hai cánh tay như muốn giật ra khỏi khớp. Nó luôn rủ tôi đi chơi một chuyến cho biết trước khi nhân viên kiểm lâm phát hiện và cắt mất đi, nhưng tôi nghi ngại đám người của trường Nông nghiệp nên chỉ thích đi vào trong rừng một mìnhể
Mỗi khi đi vào rừng, tôi phải tìm cách giấu cha mẹ tôi. Đây là một kiểu lừa dối khác đã thành quen thuộc trong nếp sống thường ngày, vì cha mẹ tôi cũng giống như tất cả những người già cả khác trong thành phố ở chỗ là rừng cây cũng như biển cả đều khiến họ lo lắng. Những người dân địa phương có thể vào rừng từng đoàn để tìm cảm giác, nhưng có vẻ như chẳng ai muốn đi một mình, và nhất định là khi không có một lý do thực tế nào để vào đấy. Chẳng một ai nói rằng mình sợ sệt, nhưng đó là tâm trạng chung của họ, và tôi có thể hiểu được điều đó, vì ngoài ấy có những âm thanh cót két, va đập và rền rì. Một làn gió nhẹ trên các cành cây karri đủ gây ra tiếng rì rào khiến bạn phải dựng tóc gáy. Bạn đi quanh quẩn trong vùng cảnh quan đông đúc này và một phần nào của bộ não bạn không chịu chấp nhận sự kiện bạn đang cô độc. Tôi thích lần mò đi lên các gò đất cao cho đến khi Sawyer bị các chòm cây che khuất và thậm chí cũng không nhìn thấy được biển ở ngoài xa. Thế rồi tôi đi vào trong vùng cảnh trí phía sau, nơi chỉ có mặt trời ban mai rọi vào và tôi chẳng bao giờ gặp một bóng người nào. Đến chạng vạng thì tôi trở về nhà với hai tai còn nghe văng vẳng sự im vắng.
 
Một buổi sáng mùa xuân trời nắng chúng tôi đạp xe ra bờ biển, leo lên ngôi nhà kỳ lạ nọ để lấy mấy tấm ván của mình và thấy ông Sando đã trở về. Vào những ngày ấy, chúng tôi vẫn còn chưa biết tên của ông là gì. Ông ta nhìn lên từ nơi ông đang đánh bóng tấm ván gác ngang trên hai cái giá cưa. Lưng ông phơi trần dưới ánh nắng dịu, Ông để dụng cụ đánh bóng lủng lẳng trên sợi dây bên cạnh mình. Con chó băng qua vạt đất trống lao tới chỗ chúng tôi.
- Nào, nào, ông nói. Khách quý cả đây mà.
Bà Eva khập khiễng bước ra ngoài hàng hiên một quãng đủ để nhìn xem ai rồi quay vào trong trở lại.
- Các bạn đến vừa đúng lúc để đi nhờ xe đó, ông ta vừa nói vừa vuốt một bàn tay trên lớp keo bọc bóng loáng của tấm ván mới. Mình muốn xuống dưới ấy để thử tấm ván này. Ông ta lật tấm ván lên. Tấm ván nhỏ nhắn và có hình đĩa với cặp bánh lái đôi. Ông sơn nó màu vàng vỏ chuối.
- Đánh sáp cho nó giùm mình, nhé? Chút xíu nữa mình trở lại.
Loonie và tôi tìm mấy cục sáp bên dưới ngôi nhà, rồi trở lại nơi mấy cái giá cưa, mỗi đứa đứng một bên tấm ván mới toanh, thấy đẹp quá không nói được lời nào. Chúng tôi chỉ biết lùa hai bàn tay bên dưới mấy tay vịn trơn bóng của nó mà thôi. Làm bẩn một món đồ đẹp như thế này bằng sáp là chuyện không nên, và khi ông Sando bước xuống cầu thang với bộ đồ lặn thì chúng tôi hãy còn đứng ngây ra đó.
Ngày hôm ấy chỉ có một con sóng nhỏ và chẳng có ai ra Mũi đất ngoài chúng tôi. Chúng tôi thay nhau cưỡi sóng. Nước trong và dòng xoáy nhè nhẹ. Ông Sando trượt đi đây đó trên chiếc đĩa nhỏ màu vàng của ông, đẩy nó đi tới, thử lướt trên những con sóng cao tới ngang hông. Có một nét uy nghi trong cách lướt ván của ông, một sự lả lướt khiến cho tất cả mọi cử động của chúng tôi đều trở thành nhát gừng và do dự. Ông là một người to lớn, khỏe mạnh. Bộ áo lặn bó sát làm nổi rõ lên từng đường nét trên thân hình, bề rộng của đôi vai, và bắp thịt trên cặp đùi ông. Nước lấp lánh trên bộ râu ông. Ánh mắt ông sáng như thép. Trong những khoảng tĩnh lặng dài, chúng tôi trồi lặn hai bên ông, mấy bàn chân quẫy đạp cầm chừng. Chúng tôi thấy rụt rè ở trước mặt ông.
- Bà ấy nói rằng hai cậu đã có một cuộc cưỡi sóng lớn trong thời gian tôi đi khỏi.
Loonie bèn kể lại với ông ta về trận bão và những con sóng từ bên ngoài Mũi đất ập vào. Nó kể chuyện những người dân Angelus và chuyến đi mạo hiểm của chúng tôi băng qua vịnhế Một khi đã nói thì nó cứ thao thao bất tuyệt, câu chuyện nó kể nghe càng lúc càng lớn lao, ghê gớm hơn – sự can đảm vô biên của chúng tôi, cách thức chúng tôi đương đầu với hiểm nguy, ông Sando mỉm cười độ lượng, có vẻ hoài nghi. Ông nói là Loonie đã kể lại một cuộc chơi giỏi, nghe thế Loonie lại tiếp tục kể với ông ta về việc chúng tôi đã chạy xe dọc theo gờ đất và các vách đá để nhìn thấy vỉa đá ngầm dậy sóng.
- À, ông Sando nói. Đó là Old Smoky. Tên nó là như thế.
- Đã có ai lướt sóng ở đó chưa? – Tôi hỏi.
Ông Sando nhìn kỹ tôi một lát:
- Có, ông nói nho nhỏ. Chỉ nghe nói lại thôi.
- Nó phải cao đến hai mươi bộ – Loonie nói.
- Đó là một bờ biển lớn, hoang vu ở ngoài xa. Ớ đó có rất nhiều chuyện lạ. Những thú vui, những trò chơi, dành cho người thượng lưu khép kín.
Ông ta có một cách nói chuyện khác thường, mơ mộng, và chúng tôi ngồi bên cạnh ông lắng nghe chăm chú cho đến khi một con sóng nhỏ hiện ra thì ông Sando vội vã phóng đi và ông nhảy vào trong đó mà thậm chí không cần chèo nữa. Tôi nhìn theo hình dạng lờ mờ màu vàng tấm ván của ông xuyên qua phần sau lấp lánh của con sóng. Tôi thấy hai bàn tay ông lóe sáng và hai cánh tay ông vung lên. Ông đang khiêu vũ.
 
Loonie và tôi đến nhà ông Sando nhiều lần trong mùa xuân năm ấy. Chúng tôi đến lấy ván mang đi, hy vọng có ông ở nhà hoặc ở ngoài Mũi đất, nhưng thường không gặp được ông. Khi ông có nhà hoặc đang vui vẻ thì ông chỉ chúng tôi cách đọc bản đồ thời tiết, tiên đoán tình hình sóng biển, hoặc ông dạy chúng tôi sử dụng sợi thuỷ tinh và nhựa thông để chữa những chỗ trầy trên ván của chúng tôi. Thế nhưng cũng có những ngày ở ngoài Mũi đất ông chẳng thèm để ý đến sự có mặt của chúng tôi, nhất là khi đám người Angelus đang ở đấy. Ông ngồi tách khỏi mọi người, chờ đợi cơn sóng vào giờ đó, và khi đã bắt được một con sóng thì ông gần như bay qua bên cạnh những người còn lại, hai bàn chân lớn, quắp chặt của ông giang ra thật rộng. Trong những ngày ấy, đôi mắt ông đờ đẫn xa xăm, không thấy lóe lên một ánh cảm nhận nào.
Có những buổi chiều, trong bóng rợp bên dưới ngôi nhà của mình, ông kể lại những câu chuyện bình lặng về các hòn đảo: những cuộc hành trình xuyên qua các đồng lúa và rừng cây cọ để đi tới những ngôi làng cheo leo và hang động; mùi nhang trầm, mùi cá khô và mùi dầu dừa; những con sóng uốn khúc tuyệt vời qua các bãi rộng san hô.
Ông Sando đã tự làm một số tấm ván cho mình, ông đang tạo hình cho chúng ở trong sân, dù thỉnh thoảng lại có những tấm ván mới được giao đến cho ông, gói trong những tấm các-tông bao bì tủ lạnh cũ và được ràng bằng băng keo. Ông không cho chúng tôi biết việc mua bán đó như thế nào và ai là người gởi hàng đến. Đã hơn một lần, tôi lẻn vào phía sau nhà kho, nơi ông chất đống các bao bì đã xả vụn ra làm phân rác, và lén ghi lại địa chỉ của những người gửi ở Perth, Sydney, San Francisco và Maui. Có một thùng từ Peru, một thùng khác từ Mauritius. Những tấm ván được gởi đến và những tấm ván gửi đi. Ông dùng một vài tấm để cưỡi, còn những tấm khác thì gửi đi.
Đến tháng mười một, chúng tôi chuyển qua công việc cắt cỏ, và lấp các lỗ trũng trên đường chạy xe vào nhà của ông bằng những xô đá vụn. Đôi khi ông trả tiền cho chúng tôi, nhưng phần nhiều là chúng tôi thấy vui vì được ở bên ông. Ông Sando hoàn toàn không giống với những người khác mà chúng tôi được biết. Có vài vị thầy mà tôi không dám phiền trách, nhưng bạn không thể nào quên được sự kiện là họ được trả tiền để tỏ ra quan tâm tới bạn. Còn Sando thì gần như không sốt sắng gì. Khi nào thấy được thì ông ta bằng lòng cho chúng tôi ở bên ông. Ông ta thường tỏ ra lãnh đạm và có thể là thất thường. Có những khi ông tỏ thái độ dè dặt thấy rõ, khiến người ta có cảm tưởng rằng ông nói nhiều hơn là ông đang làm.
Những lần hiếm hoi được mời vào bên trong nhà ở của ông, tôi để ý thấy những chiếc mặt nạ và hình chạm treo trên vách, những trướng rèm bằng len và các món đồ thủ công bằng xương được mua về từ những nơi mà tôi chỉ có thể phỏng đoán thôi. Trên bức tường đối diện với cái lò sưởi chất đầy những cuốn sách: Jack London, Conrad, Melville, Hans Hass, Cousteau, Carlos Castaneda và Lão tử. Những vỏ ốc bào ngư láng bóng đặt trên một cái bàn nhỏ thấp, những cái đèn dầu bằng đồng, chiếc ống didj và một đốt xương sống cá voi giống như một chiếc ghế đẩu khổng lồ chơm chởm.
Trong những ngày đầu ấy, mỗi khi có mặt Eva thì ông Sando tỏ ra khách sáo với chúng tôi, thậm chí còn thận trọng nữa. Eva thường mệt nhọc và có vẻ chỉ chấp nhận sự có mặt của chúng tôi là vì ông thôi. Một đôi lần nhìn bà một lúc lâu tôi có cảm tưởng như bà đang ấp ủ một điều gì đó, một tâm hồn đau khổ. Tôi đã thấy vẻ mặt của bà khi nghe chúng tôi nói ra những chuyện con nít; bà có thể gán cho một câu nói hiền lành nhất một ý nghĩa châm chọc, thế nên tôi tìm mọi cách để tránh gặp bà ta. Dù sao tôi cũng chỉ cần chú ý đến ông Sando mà thôi. Tôi thích ở nơi có sự hiện diện của con người to lớn, râu ria và cuồn cuộn bắp thịt ấy. Cơ thể ông là một bản đồ về những nơi ông đã đi qua. Những cục u lớn trên đầu gối và bàn chân ông là do kiểu lướt sóng theo truyền thống, hai cánh tay trước của ông bầm giập những vết sẹo đá ngầm, và những năm trời dang nắng đã làm bạc trắng mái tóc và chòm râu của ông. Đối với chúng tôi, ông là cả một thế giới bí ẩn thú vị. Ông chẳng bao giờ làm theo những gì chúng tôi mong đợi ở ông, và chẳng có người đàn ông nào ở Sawyer hay Angelus chơi thân với ông.
Trong thời gian có đợt sóng nhồi lớn vào cuối mùa, một ngày thứ bảy tại Mũi đất, khi những người dân Angelus kéo đến nhiều, Loonie và tôi ra ngoài để tranh chấp những con sóng với họ tại đỉnh tận cùng của mũi đất, nhảy xuống những cú thật dốc khiến cho ruột gan như lộn lên cổ, thì khi ấy ông Sando hiện ra trên bãi biển mà không mang theo tấm ván, ông được kéo đi trên cặp thăng bằng trong bộ đồ lặn speedo và nằm sấp trên các ngọn sóng lớn nhất trong ngày. Ông ta cũng chẳng gật đầu về phía chúng tôi. Ông trồi lên hụp xuống giữa các ngọn sóng trong vùng nước xoáy trông như một con hải cẩu, như thể ông chẳng phải giống người như chúng tôi, chưa nói gì tới ngôn ngữ. Bọn chúng tôi mười người ngồi yên đấy giữa tiếng ầm ầm và bọt nước tung tóe, cố tình không nhìn vào ông, vì dù không có ván nhưng ông vẫn lướt hay hơn tất cả chúng tôi. Không một người nào dám bơi về phía một ngọn sóng mà Sando tỏ ra thích thú. Lần đầu tiên những người lướt ván chúng tôi – cả lớn và nhỏ – thấy mình phải khâm phục một tay bơi đơn giản. Khi ông ta phóng vào trong bãi một lần sau cùng và vung cặp thăng bằng lên rồi đi bộ về phía chòm cây, tôi nghĩ là hầu hết chúng tôi đều thấy thất vọng khi nhìn ông bỏ đi.
 
Một ngày tháng chạp trong khi đạp xe một mình trên con đường bờ biển, tôi nhìn thấy chiếc Volkswagen của ông Sando đậu nghiêng nghiêng trên bờ lề rải đá. Những vệt bánh cao su đen sì kéo dài trên mặt đường nhựa phía sau, và khi tôi đến nơi thì ông ta đang đứng bên một con kanguru què. Bên cạnh ông là một cái cần con đội. Ông ta có vẻ rầu rì và bực tức. Ánh mắt dữ dằn của ông khiến tôi phát sợ.
- Gặp phải cái cảnh này. Bực mình quá.
Ông ta giáng mấy cây vào đầu con thú cho nó chết, rồi kéo nó lên sàn xe và nhìn trở lại con đường phía sau ở nơi hẳn là con thú đã nhảy vọt ra. Đó là một con kanguru màu xám và không to lắm. Tôi không biết ông ta sẽ làm gì nó. Những người khác thì chỉ có việc kéo xác con thú ra khỏi mặt đường rồi thôi; một số người khác thậm chí còn
không thèm mất công đến thế. Sàn xe bằng gỗ thông đánh bóng mà dính máu con thú thì thật khó coi.
- Kìa – Ông nói – Đã đến thì lên đây.
Tôi liệng chiếc xe đạp lên bên cạnh con kanguru rồi leo lên bên cạnh ôngể Người ông nồng sặc mùi mồ hôi và mùi súc vậtề Tôi chẳng nói gì và cũng chẳng dám hỏiề Khi về đến nhà, ông bước ra và cột con chó lại. Ông vào trong nhà kho rồi trở ra với một cái móc sắt và một sợi dây. Tôi đứng bên cạnh trong khi ông móc con thú lên bằng cái đuôi. Rồi ông hùng hổ đi vào trong nhà và để tôi ở đấy dưới tàn cây marri. Từ trên nhà cao, tôi nghe một tiếng kêu thét nghẻn nghẹt. Bà Eva có vẻ hoảng sợ và tôi không biết là bà ta nói gì. Con chó tru lên, giật mạnh sợi xích.
Con kanguru xoay vặn trên sợi dây, máu từ miệng nó chảy ra chậm dần chậm dần xuống nền lá bên dưới. Với hai chân trước căng ra, con vật trông như đang đâm đầu lao xuống. Tôi nhìn nó một hồi lâu. Con kanguru như đang hướng tới, hướng tới mà chẳng bao giờ tới được. Chỉ có máu của nó xuống tới đất thôi. Tôi nghĩ về nó lúc đang ở bên vệ đường, trong bụi cây rậm, thu mình để phóng ngang qua con đường nhựa. Tôi tự hỏi loài kanguru có biết suy nghĩ không. Bởi vì nếu có thì tôi thấy dường như là những ý định của con kanguru này đã khiến cho nó băng ngang con đường, chúi đầu tới trước theo kiểu giống như dòng máu đang chảy giờ đây của nó. Ý nghĩ này khiến tôi choáng váng. Trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến một điều như thế.
Sando trở lại với một con dao con và một con dao lớn. Ông có vẻ bực tức, nhưng việc mài lưỡi dao dường như đã khiến cho ông bình tĩnh trở lại.
- Ít nhất cũng phải làm thế này chứ, ông ta nói. Lãng phí sự sống, lãng phí protein.
- Vâng – Tôi đáp lấp lửng.
- Toàn thịt nạc đấy – Ông nói.
Tôi không nói gì. Tôi nhìn ông lột da con thú rồi mổ bụng nó ra để cho bộ lòng đổ xoà trên đấtẳ
- Tôi đi đây – Tôi nói.
- Khoan đã – Ông ta nói – Lấy một ít về cho cha mẹ cậu.
Tôi đứng lại đấy khó chịu, lùi ra xa ông một tí. Ông có vẻ biết cách làm thịt một con thú, nhưng rõ ràng ông không phải là dân của thành phố này. Bởi nếu là dân ở đây thì ông hẳn đã biết rằng tổ tiên tôi đã không ăn thịt kanguru hàng triệu năm nay. Chúng tôi thậm chí cũng không có một con chó nào để cho nó ăn nữa. Kanguru cũng như là thỏ, chỉ những người nghèo khó hoặc cùng đường mới ăn thịt chúng, và nhất định là không ai ăn thịt một con vật chết vì xe đụng cả.
Cuối cùng, ông Sando gởi cho tôi mang về hai miếng thịt thăn giống hình sợi dây, bỏ vào trong cái bao đựng bột mà tôi đã vứt vào bụi cây trên đường trở về Sawyer.
 
Mùa hè đến với những ngày nghỉ chơi, nhưng mặt biển nhìn chung vẫn phẳng lặng. Một buổi chiều không lướt sóng, Loonie và tôi đạp xe tới nhà ông Sando để kiếm việc gì làm, nhưng ông và bà Eva đã đi khỏi. Nhà kho bị khoá và chiếc xe đã đi rồi. Chỉ còn con chó ở đấy thôi. Chúng tôi quanh quẩn chờ đợi, hy vọng ông Sando sẽ về, nhưng rõ ràng là chúng tôi đã cất công đạp xe đi một quãng đường dài mà chẳng được việc gì.
Chúng tôi ngồi một lát trên bậc cấp lát đá sỏi, nơi cái cây vẫn còn treo cái móc và sợi dây. Tôi không nói cho Loonie biết về chuyện con kanguru; tôi không biết nên kể câu chuyện khác thường này như thế nào để không khiến ông Sando trở thành con người kỳ quặc. Loonie vốn là một quan toà khe khắt, và tôi cảm thấy mình là người phản bội khi kể câu chuyện về con kanguru. Ngoài ra, tôi đã đạp xe một mình trong ngày hôm ấy với hy vọng tìm thấy ông Sando và nói chuyện riêng một lát mà không muốn cho Loonie biết. Sau khi ngồi ném đá mãi phát chán, chúng tôi lò mò đi vào không gian lạnh lẽo bên dưới ngôi nhà, nhìn những tấm ván treo trên giá, ở đây chúng tôi thấy một vỏ thùng đựng chuôi bên trong có nhiều tạp chí về lướt sóng mà người nào đó đã đặt lên trên mấy tấm ván của chúng tôi dưới gầm ghế. Tôi bực mình thấy hộp chuối này làm bẩn tấm ván của chúng tôi. Tôi lôi nó ra và vứt trên mặt ghế. Loonie lấy từ trong đống này ra một tờ tạp chí và lật xem. Đây là một số báo cũ từ những năm sáu mươi với những hình chụp đen trắng của người lướt sóng hớt tóc ngắn và với những tấm ván khá giản đơn. Tôi lục trong thùng và tìm được những số báo mới hơn được in bằng màu. Đó là những tạp chí của người Mỹ, in ra với sự phong phú và tự tin, gồm nhiều tiết mục quảng cáo sản phẩm và hình ảnh những tay lướt ván nổi tiếng ở các vùng biển Hawaii như Sunset Beach, Pipeling và Makaha. Chỉ trong vài phút tôi đã nhận ra một dáng đứng quen thuộc, một hình người mà tôi đã biết rất rõ.
- Ô kìa, nhìn này! – Tôi nói.
Loonie chồm người tới và chẳng cần nhìn theo chú thích bên dưới ngón tay tôi, nó đọc:
- Billy Sanderson, biểu diễn ở Mủi Rocky. Trời đất!
- Còn nữa. Nhìn đây.
Chúng tôi đổ mớ sách đựng trong thùng ra trên chiếc ghế dài và xốc xốc để tìm các tấm hình khác của ông Sando. Đây rồi, hình ông ở Maui năm 1970, ở Morocco mùa đông năm 68 và ở Hollister Ranch năm 71. Tôi thấy ông trong trang phục phi công và ông đội một chiếc mũ Billy Jack trong hình quảng cáo toàn trang cho các tấm ván lướt Dewey Weber. Còn có cả một bức hình cũ của ông khi còn là một chú bé tai sừng mang giày đi cát, cưỡi trên một tấm ván dài với cái lưng uốn cong, cánh tay và đầu bật ngửa ra sau giống như một tay đấu bò, với câu chú thích Nhóc con Bill Sanderson, Vỉa Đả Nhọn.
Suốt hơn một giờ, từ tất cả những chú thích và hình ảnh rời rạc này, Loonie và tôi đã cố góp nhặt cho thành một câu chuyện, nhưng tất cả những gì mà chúng tôi có được là việc Sando – đã có một thời gian, à nhiều địa điểm vốn là huyền thoại đối với những người như chúng tôi – từng là một người quan trọng. Tôi cảm thấy mình ngu ngốc đã không biết được điều này, nên phần nào thấy xấu hổ, và việc nhận thức rằng ông Sando giấu không cho chúng tôi biết đã làm cùn nhụt sự náo nức khám phá của chúng tôi.
Thế rồi con chó bí mật bỏ chúng tôi đi và một lát sau chiếc Volkswagen tròng trành đi vào trong khoảnh đất trông. Chúng tôi dồn mọi thứ vào trong thùng các- tông, nhưng khi chưa kịp tuồn nó vào dưới chiếc ghế thì ông Sando đã hiện ra nơi khung cửa. Nụ cười biến đi trên gương mặt ông ta. Loonie và tôi ngồi suốt nửa giờ trên bậc thang dưới cùng trong khi bà Eva và ông Sando cãi cọ rồi kêu khóc trong nhà. Chúng tôi rầu rĩ nhìn mấy chiếc xe đạp của mình, muôn trôn cho khỏi cái cảnh này, nhưng không đứa nào trong chúng tôi có can đảm cãi lại ông Sando sau khi ông đã long trọng yêu cầu chúng tôi ở lại.
- Cô đang làm gì thế? Cô đang làm cái trò gì vậy?
- Kìa, anh là ông thầy của chúng, phải không? – Eva gào lên – Anh không cho chúng chạm tới những dấu tích thiêng liêng của anh, đọc những sách báo về anh hay sao? Thực ra, anh không muốn tôi tiết lộ về anh với các học trò của anh phải không?
- Cô đã biết là tôi nghĩ thế nào về những chuyện tầm phào này rồi chứ. Tôi thật không hiểu nổi cô.
- Phải, anh nói đúng đấy, Billy. Rốt cuộc là chính anh tự nói ra đấy nhé; anh chẳng hiểu gì tôi cả.
- Đừng có gay gắt như thế.
- Anh chẳng có chút quyền gì bảo tôi đừng gay gắt.
- Cô chỉ là cái thứ…
- Cái thứ gì, hả anh yêu? Kinh tởm hả? Anh không thích thứ kinh tởm nữa hay sao?
- Ghen tuông không phải chỉ đáng tởm mà còn đáng buồn nữa.
Thế là bà Eva gào lên. Một vòi nước được mở ra và khi nó ngưng lại thì các ống nước vang lên rổn rang. Trong sự tĩnh lặng mới này, con chó trở xuống các bậc thang để ngửi ngửi chúng tôi và thở ra mùi thịt khắp nơi. Tôi không thể không nghĩ đến con kanguru.
- Mẹ kiếp! Loonie nói – Họ sắp hôn nhau và dàn hoà rồi. Mình đi thôi.
- Không – Tôi nói khẽ – Hãy chờ đã.
Nguồn: truyen8.mobi/t104224-lan-ranh-sinh-tu-chuong-5.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận