Chiếc xe đến đón em lúc 8 giờ 15. Em có cuộc hẹn lúc 9 giờ. Theo lời thầy Fernand khuyên, em ăn mặc cẩn thận: cùng tông màu đen và áo khoác nâu nhạt, không có gì đáng thu hút cả. Tuy nhiên, em thấy bộ trang phục tầm thường này cũng không phù hợp như bộ hóa trang kỳ dị nhất . Đây là lần đầu tiên em mặc kiểu công sở.
Em rời xe bước xuống thềm lúc 8 giờ 43. Ba phút sau, em bước qua cánh cổng. Em không biết tại sao lại nói với anh những con số này. Có lẽ, đơn giản chỉ để nói với anh rằng mặt em dán vào từng phút hiện trên mặt đồng hồ - những con số, chúng luôn làm em tĩnh tâm.
Ở cửa vào, em trình các giấy tờ cho người máy - Lila K, in rõ ràng, em vẫn luôn không tin nổi - rồi em đi qua cổng từ an ninh, và bước đến bàn đón tiếp.
Vừa nhìn thấy em, cô tiếp tân khẽ giật mình, rồi ngay lập tức trấn tĩnh lại. Em tự hỏi liệu có gì không ổn, trong dáng vẻ hay trong cách cư xử của mình, em đã phạm sai sót gì, nhưng em không phát hiện ra. Cô gái trẻ tiếp tục chăm chú nhìn, mắt hơi nheo lại, tóc vàng, môi có viền khá rõ ràng, được tôn lên bằng một nét màu đỏ thắm.
- Chào chị, tôi tên là Lila K. Tôi có hẹn với ông Copland.
Cô gái liếc nhanh qua bản danh sách, rồi gật đầu.
- Cô theo lối đi giữa, rồi rẽ bên phải. Sau đó, dùng thang máy D, lên tầng 76. Tôi sẽ báo cho ông Copland là cô đến.
- Cảm ơn chị.
- Không có gì, - cô gái trả lời trong một điệu cười làm hai gò má nhô cao kỳ thị, trong khi đôi mắt cô được tạo hình như thể hai khe hẹp, sắc và màu xanh lơ. Em quay đi, không được thoải mái, và theo hướng được chỉ dẫn. Trước lúc rẽ sang hành lang bên phải, em liếc nhìn lại phía sảnh: cô gái trẻ vẫn luôn nhìn em.
Ông Copland đợi sẵn em trước ngưỡng cửa văn phòng. Khi nhìn thấy em, ông cũng khẽ giật mình, như cô gái dưới bàn đón tiếp. Em tự hỏi liệu đó là do ngạc nhiên hay ghê tởm. Suy nghĩ thật kỹ, em vẫn không hiểu. Để lấy can đảm, em lén nhìn đồng hồ: đúng 9 giờ. Em thấy luôn luôn thoải mái khi đến chính xác giờ đã hẹn. Nhưng lần này, việc ấy không đủ làm em an tâm nữa.
- Chào cô K. Mời cô vào, - ông Copland nói.
Hai người bắt tay nhau. Em tự kiềm chế - em biết việc đó là cần thiết và phải thường xuyên làm lại thủ tục nhàm chán và hơi mất vệ sinh này. Ông Copland làm ra vẻ không nhận thấy mồ hôi dấp dính trong lòng bàn tay em. Ông mời em ngồi, rồi mới ngồi xuống. Trong một khoảnh khắc, em đã nghĩ việc này vượt quá sức của mình, cuộc nói chuyện một đối một, mặt đối mặt, với một người không quen biết. Một khoảnh khắc yếu đuối và cô đơn mênh mang. May thay, giữa ông ta và em có một cái bàn.
- Hân hạnh chào đón cô, - ông Copland nói với vẻ thân thiện. - Thầy Ferand Jublin đã kể với tôi rất nhiều về cô, cô biết đấy.
- Không, tôi không biết đâu.
Em không dám hỏi thầy Fernand đã kể chính xác là những chuyện gì. Đằng nào Trung tâm chẳng đã cho gửi đến ông ta một hồ sơ chi tiết, cùng với toàn bộ lịch sử đã tra cứu trong grammabook của em - có thể nói ông biết rõ về em.
- Tôi nghĩ cũng nên có cuộc nói chuyện này để giải thích với cô những nét chính trong công việc cô sẽ làm, và để giúp cô làm quen với nơi này.
- Ông thật chu đáo.
- Như thầy Jublin chắc đã nói với cô, cô sẽ đảm nhận vị trí số hóa các tài liệu giấy - chủ yếu là báo. Nhiệm vụ của cô sẽ là scan những tài liệu đó, đồng thời thực hiện nhiều mức độ mã hóa khác nhau, và nhập vào một từ khóa. Công việc thì tương đối đơn giản, nhưng đòi hỏi phải rất cẩn thận. Một vị trí ở hạng E. Không cần sáng kiến, không phải chịu trách nhiệm, nếu có thì đó là trách nhiệm thực hiện chính xác nhiệm vụ cô được giao.
- Việc này hoàn toàn phù hợp với tôi.
Ông Copland làm vẻ tra cứu grammabook đặt trên bàn.
- Ở đây tôi đang có bức thư của thầy Fernand Jublin giải thích với tôi rằng công việc này theo thầy ấy là dưới mức khả năng của cô. Thầy khẳng định cô có thể đảm nhận tốt một vị trí hạng A. Cô nghĩ sao?
- Tôi nghĩ là thầy Fernand Jublin đánh giá tôi quá cao. Công việc mà ông đề nghị hoàn toàn phù hợp với tôi.
- Vậy thì trước mắt chúng ta thống nhất như thế nhé. Nhưng hãy nhớ rằng nếu cô mong muốn tương lai công việc hấp dẫn hơn, chúng ta có thể thu xếp để xem xét lại vị trí
- Tôi cảm ơn ông.
Ông ta gật đầu.
- Lát nữa, tôi nhờ cô Garcia đưa cô đi tham cơ quan và hướng dẫn cô thực hiện các thao tác. Nhưng tôi phải báo cho cô trước, vì luật bắt buộc tôi phải làm vậy, về các nguy cơ dị ứng da và rối loạn hô hấp do sử dụng giấy. Do đó, tôi đề nghị cô tuân thủ cẩn thận các trình tự an toàn hiện hành trong công việc: việc đeo găng tay là bắt buộc, cũng như việc đeo mặt nạ trong trường hợp làm việc với các loại tài liệu đã bị hư hại. Các yêu cầu này có trong tờ nội quy sẽ được cô Garcia mang đến. Cô nên đọc chúng thật kỹ, ký tên vào phía dưới, rồi gửi lại cho chúng tôi trong thời gian sớm nhất.
- Tôi sẽ thực hiện đầy đủ, thưa ông, - em khẽ nói, hoàn toàn hoảng sợ trước dồn dập những cảnh báo không bình thường ấy. Không qua nổi mắt ông Copland, ông gằn giọng, như thể ông ta muốn nói cho rành rọt.
- Fernand Jublin nói với tôi cô có nhiều sách cũ lắm, trong nhiều năm qua.
- Điều đó là chính xác, thưa ông.
- Vậy thì chắc hẳn cô đã quen thuộc với những thao tác bắt buộc này rồi.
- Không đâu ạ. Thực sự mà nói, tôi đã không theo quy định an toàn đặc biệt nào. Tôi vẫn giở các trang sách bằng
tay không.
Ông ấy nhìn em, hốt hoảng.
- Trung tâm đã để mặc cho làm một điều như thế ư?
- ...
- Điều này có vẻ điên rồ. Khiến một đứa trẻ có nguy cơ chịu những rủi ro như vậy... Bê bối bắt đầu từ đây chứ đâu!
- Tôi... tôi đã không gặp vấn đề gì. Không dị ứng, không bị gì hết.
- Cô đã gặp may, thưa cô, và Trung tâm cũng vậy!
- Tôi cũng nhận thức được điều đó, thưa ông, - em nhún nhường trả lời - ông Copland hẳn là người cuối cùng được nói ngược lại.
Ông ta mau chóng kết thúc cuộc nói chuyện. Sau khi nói lại với em những lời chào mừng, ông ấy giao em cho chị Garcia, một cô gái tóc vàng với khuôn mặt trắng nõn và hai gò má cao. Chị này là bản sao của cái chị ở quầy lễ tân, cứ như là người ta đã sản xuất hàng loạt ra họ vậy. Khi nhìn em, cũng như những người khác, chị ta khẽ giật mình. Lần này thì không còn nghi ngờ nữa: chắc chắn em phạm một điều vụng về nào đó mà em chưa phát hiện ra. Em tự hứa sẽ nói chuyện này với thầy Fernand ngay khi có thể.
- Cầm lấy này, - cô gái tóc vàng nói với em, bằng giọng thân thiện vừa đủ - thẻ của cô. Nó sẽ giúp cô lên được tầng 121 - đó là nơi cô sẽ làm việc. Bộ phận số hóa tài liệu phân tán trong khoảng bốn mươi tầng khác nhau, nhưng mỗi nhân viên chỉ có thể vào tầng có phòng của mình. Vấn đề an ninh. Còn bây giờ, hãy đi theo tôi, tôi sẽ đưa cô đi tham quan.
Chị ta và em đi thang máy lên tầng 121. Em theo gót chị ta trong một hành lang rộng có tường phủ thạch cao. Được vài mét, cô gái tóc vàng dừng lại.
- Đây là văn phòng của ông Templeton, giám đốc bộ phận mã hóa.
- Không phải ông Copland là giám đốc sao ạ? - Chị ta đưa mắt nhìn trời.
- Ông Copland là phó giám đốc. Còn giám đốc là ông Templeton. Có ghi ở đây này, - chị ta nói đồng thời chỉ lên tấm biển khắc tên trên cánh cửa. Cô biết đọc chứ?
Em cảm thấy đỏ mặt.
- Hiện nay ông Templeton đang đi công tác ở Vùng Tối. Phải nhiều tháng nữa ông ấy mới trở về. Trong thời gian đó, nếu cô có bất cứ vấn đề gì, thì cô nói chuyện với ông Copland. Cô hiểu rõ rồi chứ?
Chị ta thực sự bắt đầu khiến em bực, với vẻ làm phách và bộ mặt nhựa. Nhưng em quyết nhẫn nhịn. Em làm ra vẻ phục tùng, gần như sợ sệt: Vâng, vâng, đã hiểu rồi ạ. Em thấy chị ta nở một nụ cười thỏa mãn.
Qua khe rèm cửa, tôi liếc nhìn vào văn phòng rộng có tường bằng kính. Nhiều tài liệu chất đống gần như khắp nơi, trên bàn, trong các tủ kính, được bảo vệ cẩn thận bằng lớp bọc kín. Trên một chiếc bàn chân quỳ, có một bộ sưu tập những cây bút cổ. Trên tường, một loạt những bức chân dung, đàn ông, đàn bà và trẻ con với những khuôn mặt không cười nhưng ngay lập tức em thấy thân quen một cách lạ thường.
- Nào, - cô gái tóc vàng gằn giọng, - tôi không rảnh rỗi cả ngày đâu. Chúng ta tiếp tục thôi, nếu cô không phiền.
Em ngoan ngoãn đi theo chị ta - không bao giờ nên chống lại một con cái đầu đàn. Bên hành lang là những ngăn phòng nhỏ cửa kính trong đó những nhân viên, tay mang găng đến tận khuỷu, đang mải scan những trang báo. Không một ai ngẩng mặt lên.
- Nhà vệ sinh ở kia. Đối với những đồ dùng cá nhân, mỗi nhân viên có một ngăn tủ ở bàn làm việc. Ở đây có một phòng chung, với nhiều máy bán đồ ăn uống tự động, nhưng nội quy nghiêm cấm ăn trong các phòng làm việc. Bây giờ, đi theo tôi, tôi sẽ chỉ phòng làm việc của cô.
Ở tận cuối, hành lang ngoặt sang phải, rồi tiếp tục, thêm vài mét nữa, trước khi đột ngột đổ ra một lối thoát hiểm. Ở đây chỉ có một ô phòng duy nhất, vẫn còn trống.
- Đây là một hộc tủ cũ được người ta sửa lại. Hy vọng là cô sẽ hài lòng, - cô gái tóc vàng nói, giọng hơi chế giễu.
- Chị không tưởng tượng nổi tôi vui thế nào đâu!
Chị ta nhìn em, sửng sốt. Chị ta tưởng em nói đùa, em nghĩ vậy. Nhưng em không nói đùa: một căn phòng nhỏ, tối và hẹp, ở cuối hành lang, em không thể mơ hơn thế. Ít ánh sáng, ít người qua lại, em sẽ được bình yên. Tất nhiên, có máy quay trên tường, đối diện vách kính. Nhưng cả anh và em đều biết chúng ta luôn có thể biết cách qua mặt một cái
máy quay.
Em cần chưa đến hai giờ để học xong cách sử dụng máy scan. Cô gái tóc vàng đã chỉ cho em thao tác với những tài liệu như thế nào, và thực hiện việc mã hóa ra sao. Không có gì phức tạp.
- Mỗi ngày cô sẽ xử lý một số trang tài liệu - không nhiều lắm, trong thời gian đầu, thời gian để cô làm quen công việc. Mỗi một tài liệu được đưa đến với những yêu cầu chính xác về chỗ cắt và chỉnh sửa. Không cần suy nghĩ, chỉ việc thực hiện thôi.
Em gật đầu, cô gái tóc vàng nói tiếp:
- Những đoạn cắt bắt buộc phải được đánh dấu.
Chị ta ấn vào một nút phía bên phải bàn phím.
- Cô thấy đấy, khung hình sẽ tự động hiện ra. Cô phải thêm vào một gợi nhớ phần văn bản xử lý mà nguồn của nó hiện ngay ra sau lệnh hủy. Chỉ việc tìm trong phần trình
đơn thôi.
Em chăm chú quan sát để ghi nhớ thao tác.
- Cô có hỏi gì không?
- Có ạ. Tôi muốn biết làm sao có được những tài liệu để làm việc. Cần phải đi lấy chúng từ một nơi đặc biệt nào chăng?
- Các tài liệu được lưu giữ trong kho, ở dưới tầng âm. Các nhân viên mã hóa không được đến đó. Những người quản lý kho phụ trách việc vận chuyển. Mỗi một quản lý kho đảm trách một tầng. Tầng của cô là của Mặt Sẹo.
- Mặt Sẹo ư?
- Thật ra, cậu ta tên là Justinien, nhưng ở đây, mọi người gọi cậu ta là Mặt Sẹo. Tôi báo luôn cho cô biết, cậu ta chẳng dễ chịu đâu! Nhưng đó là người được ông Templeton che chở, vì thế mọi người buộc phải chịu đựng cậu ta.
- Mặt Sẹo...
Chị ta khẽ cười.
- Cô sẽ thấy, cô sẽ không thất vọng đâu.
Em thật sự không hiểu điều chị ta muốn nói, và em không có ý định hỏi chị ta cho rõ. Em không cần tìm hiểu hơn nữa để biết rằng ngay bây giờ cái tên Mặt Sẹo đối với em lại là người quan trọng nhất trong thư viện này, người mà tất cả những cố gắng của em phải tập trung vào đó.
Ngay buổi tối hôm ấy, thầy Fernand qua nhà em để hỏi thăm tình hình. Con Pacha nằm ngủ trên tấm thảm, vùi trong tấm chăn của nó.
- Nó thế nào?
- Ổn nhất có thể, em nghĩ thế.
- Nó chịu ăn không?
- Một ít thôi ạ. Ôm nó vào lòng, em có thể dùng tay cho nó ăn được mấy miếng patê.
- Và nó để cho em làm thế sao? Còn tôi, tôi đã thử nhiều lần mà nó không bao giờ muốn.
- Em đã nói với thầy rồi: thầy không biết cách chăm
sóc nó.
Thầy cười cay đắng.
- Em làm được, đó là điều cốt yếu. Tốt... Còn về em? Cuộc hẹn gặp với ông Copland thế nào?
- Rất tốt, thầy Fernand ạ, rất tốt. Em đã đi thăm bộ phận em sẽ làm việc, họ đã hướng dẫn cho em tất cả. Em bắt đầu làm việc từ ngày kia.
- Vậy em hài lòng chứ?
- Vâng, khá hài lòng ạ.
- Không có gì khó chịu chứ?
- Không ạ. Thậm chí em không cần đến những viên thuốc an thần.
- Tuyệt hảo. Nhưng không cần đóng vai nữ anh hùng đâu. Đừng ngại dùng chúng trong trường hợp cần thiết nhé.
- Chúng làm em mụ người đi, thầy biết rõ mà.
- Thà bị mụ đi một chút còn hơn là gây ra cơn hoảng loạn nơi đông người.
- Thầy đừng lo, thầy Fernand ạ, em biết em làm gì.
Thầy cười.
- Đúng vậy. Em tự xoay xở rất tốt, và tôi tự hào về em.
- Thầy Fernand này, tuy nhiên có một điều em muốn nói với thầy. Sự việc hơi lạ. Có thể em... em hơi hoang tưởng, nhưng... em có cảm tưởng tất cả mọi người đều như nhìn xuyên qua em vậy.
- Sao thế được, xuyên qua?
- Một cách kì cục vậy. Nhìn chằm chằm. Tuy nhiên, em đã rất chú ý, em làm đúng những lời thầy khuyên. Em mặc nhã nhặn, em đã rất đúng mực. Em không hiểu.
Thầy Fernand có vẻ không hài lòng.
- Em cảm thấy như thế ở tất cả mọi người sao?
- Tất cả mọi người, em không biết nói thế nào, nhưng tóm lại... Khi em đến Thư viện, ở đó có cô tiếp tân. Sau đó, có cả ông Copland. Biết giải thích với thầy thế nào nhỉ... Ông ấy giật mình khi nhìn thấy em. Sau đó, ông ấy bình thường trở lại, nhưng hành động đó không qua được mắt em. Và sau nữa, là cô gái tóc vàng đưa em đi thăm qua tầng làm việc. Và vừa mới đây, trên phố, dưới tòa nhà, một người đàn ông... Em... em đảm bảo với thầy là em không hoang tưởng!
Thầy Fernand suy tư một lúc.
- Em đã làm điều gì đó dở tệ, thầy nghĩ thế không?
- Thì cũng không quá lạ lùng đến thế.
- Ý thầy là: không quá lạ lùng khi em làm điều gì đó dở
tệ ư?
- Không phải, Lila ạ! Thì cũng không quá lạ lùng đến thế khi người ta nhìn em. Em là một người nổi bật.
- Sao ạ, nổi bật ư?
Em thấy thầy ngần ngại một hồi, hơi đỏ mặt.
- Em thu hút những ánh mắt, Lila ạ, bởi vì em... ờ... điều người ta gọi là vẻ đẹp.
- Thầy Fernand, thầy nói nghiêm túc chứ ạ?
- Bình thường tôi có hay nói đùa không?
- Đúng thế, em quên mất. Vậy là, thầy nói nghiêm túc.
Thầy gật đầu, rồi khẽ nói, không nhìn em:
- Em đã trở thành một cô gái rất xinh đẹp, Lila ạ. Người ta... nhìn em là bình thường.
- Nhưng... tại sao thầy đã không nói trước cho em?
Thầy khẽ cười.
- Bình thường, mọi người không cần người khác nói cho họ điều ấy. Tự họ sẽ nhận ra.
- Thầy Fernand, - em hoảng hốt nói, - làm sao em có thể tránh, nếu mọi người chằm chằm nhìn em như thế, mọi lúc?
- Ồ, không phải hoảng sợ đâu. Dù sao đó cũng không phải một thảm họa! Hãy cứ tiếp tục mặc những trang phục nhã nhặn và kín đáo, như tôi từng khuyên em. Hãy thận trọng. Và nhất là, Lila ạ, nhất là, thầy nói rõ từng từ, nếu có thể thì hãy tránh ánh mắt của đàn ông.
Em làm theo lời khuyên của thầy từng li từng tí: ngày đầu đến làm việc tại Thư viện, em mặc một chiếc áo khoác cổ cuốn màu đen và chiếc váy dài màu xám. Người ta khó có thể mặc khô khan hơn thế, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để em thấy yên tâm. Em cảm thấy lo lắng và một chút khó thở. Tuy nhiên, em chống lại ý định uống mấy viên thuốc an thần: em biết em sẽ cần tỉnh táo hoàn toàn để đối diện với những giờ đồng hồ sắp tới. Không còn cách nào khác, em thầm thì:
- Việc này không dễ, bác biết đấy.
- Bác biết, cô gái bé nhỏ ạ, bác biết.
- Bác không thể giúp cháu sao?
- Tự cháu luôn xoay xở rất tốt.
- Đúng là bác không bao giờ ở xa.
Điều ấy là đúng: ông ấy không bao giờ ở xa. Chỉ cần em nghĩ tới ông trong vài khoảnh khắc là đủ để thấy lại tinh thần và giọng nói của ông.
- Bác vẫn ở đây chứ?
Ông không trả lời. Lúc này, em thở dài:
- Nhất trí, cháu hiểu rồi: cháu sẽ tự xoay trở một mình.
Ngay sau đó em nảy ra ý định. Em bước đến tủ quần áo, mở ngăn kéo đầu tiên, luồn tay dưới chồng áo may ô ngắn tay. Chiếc khăn quàng đợi ở đó, thật mềm mại dưới những ngón tay, một sự vuốt ve thật sự. Em rút chiếc khăn ra khỏi nơi cất giữ và quàng lên cổ. Rồi em che nó dưới cổ áo cuộn tròn, không thể nhận ra được nữa. Em không biết có phải do sắc màu, hơi ấm của nó hay việc biết ông từng quàng nó một ngày nào đó: em mỉm cười trong gương, lòng bỗng thấy
bình yên.
- Tuyệt vời! - Ông nói. - Có lẽ bác không thể làm tốt
hơn được.
Chiếc xe đưa em đến dưới tòa tháp A lúc 8 giờ 34. Em bước thẳng, đầu cúi thấp - tốt hơn nên đi nhanh và không nghĩ ngợi quá nhiều. Em bước vào cổng an ninh, trình giấy tờ, đi qua sảnh với bước chân như chạy, và, không ngẩng đầu lên - em không muốn chẳng may va phải ánh mắt của người phụ nữ trẻ ở bàn lễ tân - em ùa vào trong thang máy.
Cả tầng vẫn còn vắng lặng. Em lao nhanh đến đoạn hành lang cụt của mình. Em nhốt mình trong phòng, và ở đây, em ngồi chờ đợi bên máy scan, lưng quay lại bức tường kính - nếu người ta không muốn nhìn thấy ai, thì càng nên hạn chế những cơ hội để điều đó xảy ra.
9 giờ đúng, cánh cửa mở ra cùng với tiếng ồn ào khủng khiếp. Em giật bắn người và hét lên.
- Ôi xin lỗi, thưa chị, tôi không có ý định làm chị sợ đâu!
Em sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc này, em nghĩ vậy. Khuôn mặt ấy quá hung tợn, quá đáng sợ. Tất cả những vết sẹo ấy. Cậu ta ngượng ngùng đứng sau một chiếc xe đẩy to đùng chất đầy những tập tài liệu được bọc kín. Hai má rách bươm, hai môi te tua vì những vết cắn. Hai mí mắt đầy sẹo của cậu ta không ngừng nhấp nháy, giật giật kích động.
- Tôi xin lỗi, thưa chị. Chị có sao không?
Em quá khiếp sợ nên không thể trả lời.
- Xin chị hãy nói gì đi...
Cuối cùng em cũng tìm thấy cách để nói:
- Cậu... cậu là người giữ kho à?
Cậu ta cười, như thế trông càng tệ hơn nữa.
- Vâng, thưa chị.
Em thực hiện một nỗ lực cực lớn.
- Justinien, đúng không?
Cậu ta gật đầu lia lịa.
- Nhưng nếu muốn, chị có thể gọi tôi là Mặt Sẹo. Ở đây, họ thích gọi tôi như vậy, vì những vết sẹo.
- Không, tôi thích gọi Justinien hơn.
- Tùy chị thôi, thưa chị.
Cậu ta thận trọng lùi lại ngưỡng cửa, như thể lo ngại làm em hoảng sợ một lần nữa nếu cậu ta dám tiến thêm một bước. Cậu ta có vẻ đau buồn đến nỗi bỗng nhiên em cảm thấy mình chẳng ra sao. Em bình tĩnh lại, rồi lại gần.
- Hãy thứ lỗi cho tôi, Justinien, tôi đã không tự giới thiệu: tôi tên là Lila K, và hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của tôi ở Thư viện.
Cậu ta mở to mắt, như bất ngờ sửng sốt.
- Ôi trời ơi, chị xinh đẹp quá! Trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người xinh đẹp đến thế!
- Cậu... cậu thật tử tế, cảm ơn, - em trả lời, hơi ngượng ngùng.
Và theo bản năng, em lùi lại một bước. Bây giờ cậu ta đang nhìn ngắm em như một thần tượng, hoàn toàn mê muội.
- Chị xinh đẹp vô cùng!
Em cảm thấy một cái rùng mình chạy trên hai vai. Nhưng cậu ta, cậu ta vẫn tiếp tục nuốt chửng em bằng đôi mắt, ngất ngây. Thỉnh thoảng, cậu ta lại đưa tay vuốt về phía sau mớ tóc rủ xuống cái trán đầy vết bầm tím. Em sắp sửa ngất xỉu. Đột nhiên, cậu ta tỉnh khỏi cơn mê:
- Chị đừng lo sợ, thưa chị. Tôi mang đến tài liệu để chị làm việc trong ngày hôm nay, và tôi không làm phiền chị nữa.
Cậu ta cầm một bọc trên cùng của chồng tài liệu, và đặt lên bàn.
- Đây là của chị. Các yêu cầu ở có bên trên.
- Cảm ơn, Justinien.
- Ồ, không có gì đâu, thưa chị. Với vẻ đẹp trong đôi mắt chị, thì tôi luôn sẵn lòng, tôi đảm bảo. Còn bây giờ, chúc may mắn, trong ngày đầu tiên này, và hẹn ngày mai.
- Hẹn ngày mai, Justinien.
Em mở cửa ra cho cậu ta. Cậu ta đẩy chiếc xe trong
hành lang.
- Và xin lỗi đã làm chị khiếp sợ, - cậu ta nói đồng thời vẫy tay chào.
Lúc này em mới nhận ra các ngón tay của cậu ta bị khoèo, và có nhiều vết thương trên hai cánh tay.
Ông Kauffmann đã liên tục nhắc đi nhắc lại rằng em sẽ vượt qua được tất cả mọi thử thách, bởi vì em dũng cảm và bền bỉ. Em không biết ông ấy có đúng hay không, nhưng cần phải thừa nhận em đã tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì mình hình dung. Trong vài tuần, em đã thấy những điểm mạnh của mình. Bất chấp những cố gắng đến kiệt sức mà thử thách đòi hỏi, và bất chấp những lo sợ, em vẫn trụ vững. Có thể việc hàng ngày ở giữa Thư viện Quốc gia đã cho em sức mạnh ấy. Cảm nhận những cuốn sách xung quanh, trong các tầng nhà và các phòng kho dưới tầng âm, tất cả những dòng thẳng hàng ấy, những từ ấy, những câu ấy, với sự thật có ở trong câu chữ ấy - hoặc ít nhất, một phần sự thật - sẽ đưa em về với mẹ.
Mỗi buổi sáng, em đến rất sớm, để không chạm mặt ai. Tầng nhà vẫn còn sáng điện. Những chiếc đèn tường vẽ dọc theo những chiếc cột thành một con đường ánh sáng - đủ để đưa em đến căn phòng nhỏ ở cuối hành lang.
Khi bước đi, em luôn nhìn vào văn phòng lớn tường kính. Trong bóng mờ tối, những bức chân dung chằm chằm nhìn em bằng ánh mắt siêu thoát và mãnh liệt. Mỗi lần, cái nhìn của họ sưởi ấm trái tim em, đồng thời cũng làm nảy sinh trong em một nỗi buồn không thể lý giải.
9 giờ, Justinien đến cùng với tiếng ồn ào khủng khiếp, đẩy ở đằng trước chiếc xe đáng nguyền rủa. Do đã biết trước, em không bị giật mình nữa. Cậu ta để cho em số tài liệu cần số hóa trong ngày, và lấy lại từ trong tủ các tài liệu em đã làm hôm trước, cậu ta sẽ cất số tài liệu ấy trong kho một khi vòng đi giao tài liệu kết thúc.
Sau những ngày đầu tiên, cậu ta khá bình thản: cậu ta không còn nhắc lại câu nói trời ơi chị xinh đẹp quá, vào bất cứ lúc nào, và giờ chỉ nhìn em chằm chằm. Em cũng vậy, hoàn toàn bình tĩnh. Cuối cùng em cũng đã quen với những vết sẹo, với những vết thương không ngừng đổi mới của cậu ấy. Em đã hiểu điều đó là không tránh khỏi: Justinien không có cảm giác đau đớn; cậu ta tự làm mình đau mà không nhận ra. Đôi khi, trong đêm, khi mơ ngủ, cậu tự cào rách cả những mảng da non.
Cậu ấy và em luôn dành một khoảng thời gian để tán gẫu với nhau, trước khi cậu ấy lại đi phân chia tài liệu cho các phòng khác. Em luôn cố moi thông tin từ cậu ấy về cách vận hành của Thư viện. Justinien chỉ là một bánh răng nhỏ bé trong tổ chức rộng lớn và phức tạp này; tuy nhiên, cậu ấy biết rất rõ các quy trình thủ tục, vô tình cung cấp cho em nhiều thông tin quý giá.
Nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà em cố tỏ ra thân thiện với cậu ấy. Thật sự, em quý cậu ấy - mong là anh tin em. Em thấy cậu ấy hiền lành và dễ mến, thông minh nữa, theo cách của cậu ấy. Mỗi buổi sáng, các cuộc nói chuyện của hai đứa là điều an ủi mà em nóng lòng chờ đợi - em chỉ có chúng để thoát khỏi sự cô đơn. Các nhân viên khác làm em thấy e sợ. Em trốn tránh họ chừng nào có thể. Justinien chia sẻ những nỗi sợ hãi của em.
- Họ chẳng tử tế với tôi khi ông Templeton không ở đây. Họ làm tôi bực mình. Nhiều lần, họ kẹp các ngón tay tôi trong cánh cửa, để cười đùa. Tôi bực lắm mặc dù không
bị đau.
- Nhưng mà, Justinien, cậu không nên để họ đối xử tệ thế chứ! Cần phải báo cho ông ấy biết.
- Chẳng làm gì được: ông Templeton thì không ở đây, còn ông Copland, ông đấy chẳng thèm để ý đến tôi đâu. Nhưng đừng băn khoăn gì, chị ạ. Dù sao đi nữa, ngay từ đầu tôi đã chẳng quan tâm, bởi vì tôi là nhà thơ.
Em ngạc nhiên nhìn cậu ấy. Cậu ấy cười:
- Ừ đúng thế đấy, tôi viết thơ, vào buổi tối. Tôi có nhiều tài lắm, chị biết đấy. Tôi viết nhiều bài thơ, vì thế, chẳng có gì là nghiêm trọng cả nếu những người khác chẳng tử tế với tôi. Nghệ thuật xoa dịu tất cả, chị ạ.
Cậu ấy có kiểu lanh lợi ấy, anh nhớ không? Như thể tâm hồn cậu ấy, vẻ thô lỗ quen thuộc của cậu ậy bỗng nhiên mở toang thời gian bằng một tia sáng rực rỡ, chói lòa, trước khi bị che mờ trở lại. Nghệ thuật xoa dịu tất cả. Chính vì điều đó mà em yêu quý Justinien. Vì bất ngờ về những điều kỳ diệu nho nhỏ lóe ra mà không hề báo trước từ cái đầu đầy u cục đó.
Sau khi cậu ấy đi, em bắt đầu công việc, và cả buổi sáng em chúi mũi vào chiếc máy scan. Đến 13 giờ, em xuống ăn một món trộn trên bãi trống trước Thư viện, dưới chân
Đài Tưởng niệm - em chưa đủ dũng cảm đến phòng ăn dành cho nhân viên Thư viện. Tất nhiên thầy Fernand khuyên em đến đó:
- Đấy sẽ là một cơ hội tuyệt vời để giao lưu.
Em trả lời thầy:
- Tất nhiên rồi, thầy Fernand ạ, tất nhiên rồi, ý kiến đó là tuyệt vời. Chỉ xin cho em thời gian để em làm quen dần.
Và thầy gật đầu với vẻ thông cảm.
Vậy là luôn chiến thắng.
Thỉnh thoảng, tranh thủ giờ nghỉ em vào phòng đọc, thực hiện những tìm kiếm bất kì, nhằm làm quen với phần mềm. Còn với thứ trong lòng vẫn luôn muốn tìm kiếm, em vẫn chưa dám. Em biết là em đang bị giám sát. Đây không phải lúc để phạm phải điều gì khinh suất.
14 giờ, em quay lại phòng làm việc, nép sát vào tường. Khi chạm mặt một đồng nghiệp, em cẩn thận luôn tỏ ra lễ phép, và cũng luôn bước đi ngay. Em không nhìn vào mặt ai.
17 giờ, em về nhà bằng xe con thoi, kiệt sức, mãn nguyện. Em thực sự đã tìm thấy công việc lý tưởng.
Đôi khi, em bất ngờ gặp phải bà bảo vệ, và mỗi lần lại là một thử thách khác nhau, vì hình thức xấu xí của bà ấy và vì vẻ khó chịu của bà ấy. Từ khi em từ chối để bà điều chỉnh hình chiếu trên tường nhà, bà ta tỏ ra lạnh lùng với em. Em đã cố gắng tỏ ra vô cùng lễ phép - chào bà, chúc bà một ngày tốt lành -, nhưng không thể làm bà ta hồ hởi trở lại. Một hôm, trong một lúc, em nhìn thấy bà ta thè ra ngoài cặp môi mỏng cái lưỡi dài, màu nâu và bị chẻ đôi, với tiếng rít đặc trưng của các loài động vật nhỏ máu lạnh. Nhìn thấy em giật mình, bà ta cười, vui sướng ra mặt vì làm em sợ. Chính vì điều này em đã quyết định nói lại với thầy Fernand.
- Em đừng hoảng hốt, - thầy động viên. - Thỉnh thoảng bà ấy vẫn làm thế, khi bà ấy căng thẳng - đấy là tật của bà ấy - nhưng không có gì hơn thế đâu. Sẽ không bao giờ bà ấy dám tấn công bất cứ ai.
- Làm sao thầy dám chắc về điều đó?
- Bà ấy biết rõ ràng rằng chỉ cần một rắc rối nhỏ nhất, sẽ là cái chết nhân đạo ngay lập tức dành cho bà ấy và hãy tin tôi, bà ấy sẽ không mạo hiểm đâu. Ngay cả những con quái vật cũng có bản năng sinh tồn.
- Dù sao, sẽ là yên tâm hơn nếu có một người máy thay thế con người lưỡi rắn đó!
- Trước đây, vấn đề này được đề cập đến nhiều lần, nhưng chi phí tốn kém quá. Cuối cùng, bà đầu sư tử đó vẫn có ưu thế hơn, vì vậy, chúng ta phải chịu đựng bà ấy... Điều đó nghĩa là người ta chỉ dung thứ nếu bà ấy trêu đùa làm em sợ thế thôi. Tôi sẽ cảnh báo trước với người đại diện.
Lời phàn nàn của thầy Fernand đã có tác dụng: bà bảo vệ bị nhắc nhở kèm theo những lời cảnh cáo rõ ràng, và bà ấy dịu lại ngay tức khắc. Thầy Fernand nói đúng: ngay cả những con quái vật cũng có bản năng sinh tồn.
Thầy Fernand đáng mến, thầy vẫn buồn khổ, đúng vậy, nhưng em phải thừa nhận thầy luôn ở đây mỗi khi em cần thầy. Thầy đến thăm em mỗi thứ bảy hàng tuần, vào cuối buổi chiều. Thầy giải đáp các câu hỏi của em, cho em những lời khuyên, giúp đỡ em mỗi khi em yêu cầu. Em tự hỏi em sẽ trở thành như thế nào nếu không có thầy.
Chủ nhật, em đi một vòng trong khu phố. Đó là một thử thách, nhưng em biết em không có lựa chọn: không bao giờ họ để em tiếp tục, nếu em chết vì sợ sệt mỗi khi đặt chân ra ngoài. Và rồi, còn có mẹ em. Em phải có năng lực để gặp lại mẹ, cho dù mẹ ở đâu. Đó là động lực còn mạnh hơn cả nỗi sợ hãi bị tống trở lại Trung tâm.
Thời gian đầu, em chỉ quanh quẩn gần tòa nhà em ở, răng cắn chặt, đôi kính đen dính trên mũi. Điều này không dễ dàng: em cố tách mình ra khỏi thế giới xung quanh nhưng vô ích, cuối cùng em vẫn luôn bị hòa vào trong đám đông. Bỗng chốc, đám đông trở nên đặc kín, và đó là nỗi kinh hoàng. Em dừng lại giữa vỉa hè, mắt nhắm lại, ngừng thở, bàn tay nắm lấy hộp thuốc an thần mà em vẫn luôn giữ trong túi. Bình thường, thế là đủ để em bình tĩnh lại: sau một lúc, em lấy lại tinh thần, lại rảo bước chân vội vã giữa những người qua lại. Hai hoặc ba lần gì đó, em đã nôn, nhưng em đã phòng bị trước: em nôn vào một túi giấy, và hầu như không ai phát hiện thấy.
Ở nhà, em rất cảnh giác. Em cố gắng hạn chế nhất có thể việc mở tủ tường, để ngăn chặn mọi cám dỗ. Em ăn chậm, không bao giờ bỏ một bữa nào, và không bao giờ để xuất hiện một dấu hiệu chán ăn nào. Tối tối, em cho Pacha ăn, từng miếng, từng miếng một. Mỗi tối, nó lại đòi ăn thêm một chút. Đôi khi, em đã định liếm thử ngón tay mình, thật nhẹ thôi, nhưng em cưỡng lại. Em không muốn phải gánh chịu bất cứ một rủi ro nào với thức ăn. Em biết rằng họ đang theo
dõi em.
Tháng thứ hai kết thúc và em không phạm phải một sai sót nào. Ủy ban giám sát đã đánh giá rất tích cực. Hãy tiếp tục cố gắng. Cô đang đi đúng hướng. Không ngờ họ lại cho ý kiến tốt như vậy.
Pacha dần lấy lại sức. Giờ đây, mỗi tối nó chén cả nửa hộp thức ăn, và bắt đầu mọc lông tơ màu nâu vàng mềm mại và nhẹ nhàng như nhung lụa. Thật tốt khi thấy nó tìm lại các sắc màu của nó. Một cách bình thản, em chờ đợi lượt
của mình.
Lúc này em đã biết thêm một chút về Justinien. Cậu ấy sống một mình, trong một căn phòng nhỏ, không xa Thư viện lắm. Cậu mất bố mẹ từ rất sớm, mà theo lời thú nhận tội nghiệp của cậu ấy, thì cậu ấy không có một chút ký ức nào về họ, nhưng điều này không ngăn cản cậu thường xuyên nói chuyện về bố mẹ mình với em, như nói về những người anh hùng xa xưa bỗng đột ngột biến mất. Cậu ấy cũng không biết bố mẹ mình đã mất như thế nào - về chuyện này, Justinien chưa bao giờ rõ ràng, chưa bao giờ nhất quán: theo từng ngày, cậu ấy lại nói là do tai nạn máy bay, do hỏa hoạn hay do bị những kẻ khủng bố trong Vùng Tối bắt cóc. Em nhanh chóng hiểu rằng cậu ấy bịa chuyện. Việc ấy không làm em khó chịu. Bản thân em cũng che giấu cậu ấy đủ thứ chuyện nên không cảm thấy bực mình với cậu ấy về điều đó.
Một hôm, khi em đang ngồi ăn trưa một mình trên bãi đất trước Thư viện, thì cậu ấy đến tìm.
- Tôi có thể ngồi với chị một lát được không?
Em không hề mong muốn người ta nhìn thấy chúng em ở bên nhau. Việc này sẽ thu hút sự chú ý, và không có lợi cho các dự định của em. Nhưng từ chối như thế nào đây? Thế nên, em đành trả lời:
- Được... được, tất nhiên rồi.
Và cậu ấy ngồi xuống, không khách sáo, vẻ hớn hở.
- Tôi rất vui lại gặp chị. Tôi không nghĩ sẽ gặp chị ở đây.
- Tôi thường đến đây, vào giờ ăn trưa. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cậu ở đây.
- Bình thường, tôi không có thời gian nghỉ trưa. Có quá nhiều việc dưới kho. Tôi đến đây vào buổi tối.
- Tất cả các buổi tối ư?
- Vâng. Tôi rất thích nơi này.
Cậu ấy chỉ tay về Đài Tưởng niệm.
- Bố mẹ tôi ở đó.
Em ngẩng mắt nhìn lên tấm đá nguyên khối sửng sốt. Tất cả những cái tên ấy, có đến hàng trăm cái tên, chữ mạ vàng trên nền đen.
- Cậu muốn nói tên bố mẹ cậu được viết trên đó, phải không Justinien?
Cậu ấy gật đầu.
- Jutisnien này, tôi nhận ra chưa bao giờ hỏi cậu bố mẹ cậu tên là gì...
- Điều này, tôi không biết: tôi đã quên, bởi vì tôi bị mắc chứng hay quên. Nhưng tôi biết bố mẹ tôi có tên trên tấm
đá ấy.
Em nhớ lại chuyện cậu ấy đã kể với em về cái chết của bố mẹ: rơi máy bay, hỏa hoạn, bọn khủng bố bắt cóc. Chuyện có thể không được nhất quán lắm, sau tất cả: việc phá hủy tòa tháp thứ tư đã gây ra tất cả cùng lúc.
Em nhìn kỹ khuôn mặt cậu ấy đang hướng về tấm bia đá. Mắt cậu ấy nhìn theo danh sách tên, từ khoảng cách này thì không thấy gì. Cậu ấy có vẻ bình yên. Em thầm nghĩ đây chính là thời điểm thích hợp.
- Cậu biết không, Justinien, tôi cũng vậy đấy, tôi không biết tên họ bố mẹ của mình.
- Vậy sao, thật là buồn.
- Đúng vậy, thật buồn.
Ánh mắt cậu ấy bỗng rực sáng.
- Nhưng mà, điều đó làm chúng ta có một điểm chung, chị và tôi!
- Đúng vậy, Justinien, tôi cho rằng chúng ta có thể nói như vậy.
- Tôi rất thích những điểm chung. Chúng làm mọi người gần nhau hơn, và cùng với thời gian, tuy không phải là quá phổ biến, mọi người gần nhau hơn. Chị không thể biết điều này làm tôi vui thế nào đâu!
- Tôi cũng vậy, Justinien ạ. Tôi cũng vậy.
Lúc này, em đã rời Trung tâm được ba tháng. Em biết từ nay em ít bị theo dõi hơn. Thầy Fernand không nói thẳng nhưng cho em hiểu như vậy. Ủy ban giám sát tập trung sự chú ý đến những kẻ nguy hiểm, những ca khó, những kẻ bướng bỉnh. Và vì không thể để mắt tới khắp mọi nơi, họ nới lỏng mức độ giám sát đối với những người không gây chuyện. Một cô gái không gây chuyện, chính xác em đang là như thế - hay ít nhất, em làm họ tin là em như thế từ khi em rời Trung tâm. Bản báo cáo của tháng thứ ba còn có nhiều lời khen ngợi hơn hai bản báo cáo trước đó. Nhiều nỗ lực thích nghi đáng ghi nhận. Nhiều tiến bộ về mọi mặt. Hãy tiếp tục. Vì chính họ đã nói vậy, em sẽ không lấy làm ngượng với bản thân.
Thời gian sau, em đến phòng đọc vào giờ nghỉ trưa. Em làm vẻ tra cứu vài ba bài báo vu vơ, câu chuyện có thể giải thích sự có mặt của em nếu họ có hỏi. Rồi em truy cập vào phần mềm. Em biết chính xác việc em cần phải làm.
Đúng là hồ sơ của em đã không tiết lộ tên hay khuôn mặt của mẹ em. Nhưng nó cho em biết người ta kết án mẹ em vì tội gì, và vào thời gian nào mẹ em bị bắt. Thế cũng là khá đủ để lần tìm lại dấu vết của mẹ.
Trong mục tìm kiếm, em nhập ngày tháng: 16 và 17 tháng 11 năm 2095 - ngày và ngày hôm sau em được đưa vào Trung tâm. Rồi mục khu vực địa lý, em điền khu vực bên ngoài bức tường. Và cuối cùng, từ khóa: mẹ, đứa con, bạo hành, ngược đãi. Việc này làm em đau đớn, em có thể nói với anh như vậy - như thể em đã thừa nhận rằng mẹ em phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều khiếp sợ mà người ta bắt em phải chịu đựng vậy. Nhưng trong mắt mọi người, thì chính là do mẹ, vì vậy, không có cách nào điền những từ khác được.
Những từ khóa tìm kiếm không được rõ ràng lắm, em biết vậy. Vùng Tối là một khu vực rất rộng, và đầy rẫy bạo lực. Thậm chí chỉ trong khoảng thời gian ngắn hai ngày thôi, em có thể bị dẫn đến nhiều trường hợp khác nhau, điều này sẽ làm chậm đáng kể quá trình tìm kiếm của em. Em ngập ngừng trong giây lát, rồi em quyết định: trong các từ chìa khóa ấy, em thêm vào từ tủ quần áo. Rồi em dừng thở, và ấn nút tìm kiếm.
Các câu trả lời hiện ra ngay lập tức - 36 kết quả tất cả - với thông báo bên cạnh rằng các bài viết này đã chưa được số hóa. Quá mới, hoặc có thể, quá nhạy cảm. Hiếm có chuyện gì liên quan đến Vùng Tối có thể truy cập trực tiếp được. Đối với mọi yêu cầu tra cứu, mời quý vị liên hệ Hội đồng đọc, Hội đồng sẽ xem xét đề nghị của quý vị trong thời hạn nhanh nhất (tờ khai mẫu để tải xuống và gửi lại cho chúng tôi sau khi đã điền đầy đủ thông tin, kèm theo một thư trình bày lý do, mục đích). Các mức phí được kèm theo, lũy giảm theo số lượng yêu cầu.
Em đã dự kiến trước. Ngay từ lúc bắt đầu, em đã chuẩn bị tâm lý sẵn, và em không hy vọng sẽ đạt được ngay mục đích của mình. Em chóng mặt - do thiếu ôxi - và các dòng trên màn hình như hơi uốn cong, nhưng không có chuyện hít thở trở lại trước khi kết thúc. Em sao chép tất cả các danh mục hiển thị vào một thẻ nhớ. Việc này chỉ dài bằng một phần của giây. Rồi em thoát ra. Vậy là xong. Sau tất cả những năm chờ đợi ấy, một phần của giây và em chạm được tay vào câu trả lời. Câu trả lời đang nằm trong chiếc thẻ nhớ mà bàn tay em đang nắm chặt, nó nằm đâu đó tại một trong các bài viết ấy. Tên của mẹ em, cuối cùng cũng sẽ có. Em chỉ còn phải thuyết phục được Justinien nữa thôi.
Cùng với những lần chuyện trò giữa chúng em, em đã biết được rất nhiều về Thư viện, và em nhận thấy các kho lưu trữ bị giám sát tương đối lỏng lẻo: chỉ một người duy nhất đảm nhiệm việc theo dõi các máy quay nằm rải rác trong các phòng lưu trữ, dưới tầng âm. Thế là ít, vì có đến cả một đội quân những người giữ kho đi khắp các phòng này theo mọi hướng từ sáng đến tối. Thực tế, thiết bị an ninh chủ yếu nhằm tránh việc mất mát dữ liệu, do vậy phần lớn nhằm vào việc giám sát liên tục các máy scan, và việc đánh dấu điện tử của các bản gốc: không thể lấy cắp một tài liệu giấy nào hay sao chép trái phép nó mà không bị phát hiện ngay tức khắc. Điều duy nhất mà những người xây dựng hệ thống dường như đã không dự tính đến là người ta có thể lén mang lên các tài liệu từ tầng âm, đọc chúng, và đơn giản ghi nhớ chúng trong đầu. Và chính xác đây là điều em định làm.
- Chuyện gì sẽ xảy ra, hả Justinien, nếu một ngày cậu lấy ra từ kho lưu trữ một bài viết không nằm trong danh sách được chuyển cho cậu mỗi sáng?
- Nhưng không bao giờ tôi chuyển lên các tài liệu không có trong danh sách cả! Tôi luôn rất chú ý để không nhầm lẫn.
- Nhưng nếu một ngày, cậu quyết định làm thế, thì liệu cậu có thể làm được không?
- Tại sao tôi lại làm thế chứ, hả chị? Tôi không phải người như thế đâu.
- Tôi biết mà, Justinien ạ. Đó chỉ là một giả thuyết
đơn giản...
- Dù sao, việc đó là không thể, bởi vì nó bị cấm. Có bà Cléry ngồi trong cái phòng nhỏ của bà ấy, bà ấy theo dõi tất cả trên các máy quay giám sát. Nếu bắt gặp tôi làm điều gì đó ngu ngốc, bà ấy sẽ mách với ông El Kassif, giám đốc an ninh. Và thế là tôi toi đời!
Lúc này, cậu ấy run run tự cào mạnh vào hai tay, hoảng hốt vì chủ đề nói đến.
- Đừng làm thế, Justinien, cậu tự làm mình đau đấy!
- Tôi không bao giờ đau, chị ạ. Tôi chỉ sợ thôi. Đúng đấy, tôi sợ.
Bây giờ, em đã hiểu rằng mọi chuyện có lẽ sẽ không đơn giản như em hy vọng.
Thật may mắn, có Pacha giúp em trụ vững. Lúc này nó đã hoàn toàn hồi phục, và rất thích thú để ngắm nhìn, bộ lông hoàn toàn mới, sáng bóng một ánh màu xanh lơ. Em vẫn ngứa ngáy vì quen tự đút cho nó ăn. Vì thế, khi múc patê ra chiếc đĩa ăn của nó bằng chiếc thìa nhỏ, em luôn tìm cách để quệt một ít lên các ngón tay. Sau đó, em kín đáo cho lên miệng, lưng quay lại với máy quay. Đó là điểm yếu duy nhất của em.
Con Pacha lao đến ăn với sự háo hức đến kinh ngạc, như thể nó đang ăn trả bữa sau quãng thời gian ốm yếu vậy. Nó ăn không biết chán, luôn muốn ăn thêm. Trong khi em ăn, nó đến cọ cọ vào hai chân em, kêu meo meo để xin xỏ một chút từ suất ăn tối của em. Em lén cho nó mấy miếng thịt băm, mấy mẩu thịt gà hay chút thịt nướng. Nó nhai với niềm thích thú. Không gì có thể làm em yên lòng hơn khi nghe thấy tiếng răng va rối rít của con sư tử con háu đói này. Ít nhất trong lúc ấy, tất cả diễn ra như dự tính.
Mỗi buổi sáng, em tiếp tục mơ màng trước những tấm chân dung buồn trong văn phòng rộng vắng lặng. Thỉnh thoảng, em nhận thấy có chút thay đổi: một chồng tài liệu đặt trên bàn, được gói trong bọc, hoặc có bày thêm một tủ kính nữa, đầy ự những cuốn sách cổ. Thậm chí có lần, một tấm chân dung mới đặt trên chiếc bàn chân quỳ - một người đàn ông có khuôn mặt xanh xao và trán xăm hình một
ngôi sao.
- Ông Templeton vừa trở về trong dịp cuối tuần, để điểm lại tình hình công việc với ông Copland, - Justinien thỉnh thoảng kể với em. - Ông ấy có rất nhiều việc trong Vùng Tối, nhưng vẫn luôn dành thời gian đến nhà thăm tôi, mỗi lần ông ấy về. Điều đó nói lên rằng ông ấy quan tâm đến tôi. Tôi thấy như thế rất quan trọng, khi một ai đó quan tâm đến mình. Chị đồng ý không?
- Có chứ, Justinien, tất nhiên rồi.
- Tôi đã nói chuyện với ông ấy về chị đấy.
Em thấy không thoải mái khi biết cậu huyên thiên như thế về mối quan hệ giữa cậu ấy và em, rằng em đã tử tế với cậu ấy như thế nào, và dễ mến, và mọi chuyện. Em sợ làm đánh thức những nghi ngờ.
740f
Đáng ra em sẽ đợi thật lâu sau mới dám nhắc lại trước Justinien những câu chuyện về kho lưu trữ và tài liệu bí mật, nếu không phải chính cậu ấy cho em cơ hội.
Chúng em ăn trưa cùng nhau trên bãi đất trống trước Thư viện, như thỉnh thoảng vẫn có dịp mỗi khi cậu ấy rảnh - thật may là không nhiều dịp như thế. Mùa đông đang trải qua những ngày cuối cùng, thế nhưng, ánh sáng buổi giữa trưa vẫn giống như ánh sáng lúc chiều tàn. Nhưng trời không lạnh. Cậu ấy đột ngột hỏi em:
- Mẹ chị thế nào?
- Tôi không biết, Justinien ạ.
- Sao lại như thế được, sao chị lại không biết?
- Tôi đã quên.
- Cũng giống như tôi với bố mẹ tôi ư?
- Cũng như cậu, có thể nói như vậy. Chỉ khác một chút là tên bố mẹ cậu được khắc ở kia, trên phiến đá kia, nhưng cậu không nhận ra họ được. Trong khi tôi, có lẽ tôi sẽ nhận ra tên của mẹ mình, nếu tôi có thể đọc được các bài báo mà người ta viết về câu chuyện của mẹ tôi.
- Người ta viết tên mẹ chị trên báo ư?
- Đúng vậy, Justinien ạ. Thậm chí là trong nhiều bài báo.
Em đưa tay vào trong túi để lấy ra chiếc thẻ nhớ, mà em luôn mang theo bên mình.
- Tất cả danh mục đều nằm trong này.
Cậu ấy giương mắt.
- Vậy vì sao chị không đọc chúng, các bài viết ấy?
- Vì chúng vẫn còn chưa được số hóa, vậy nên, chưa thể tiếp cận được.
Cậu ấy vặn mình, khó chịu.
- Chị có thể làm một yêu cầu tại Hội đồng đọc sách, nếu chị muốn.
- Tôi biết chứ, Justinien. Chỉ có điều, như thế sẽ lâu lắm, và hơn nữa là, chỉ nói với mình cậu thôi nhé, tôi muốn Hội đồng không biết về các tìm kiếm của tôi.
Cậu ấy gật đầu với vẻ chắc chắn.
- Tôi hiểu: tất cả chúng ta đều có riêng những bí mật nho nhỏ, đúng không? Cuộc sống đầy bí mật.
Một lúc sau, cậu ấy nói với em bằng giọng trầm:
- Tôi đã hiểu việc chị muốn tôi làm, chị biết đấy. Tôi không phải là một thằng ngố.
Em quay mặt đi, không thể chịu nổi ánh mắt cậu ấy.
- Tôi không yêu cầu cậu làm gì cả, Justinien ạ.
- Tôi rất muốn giúp chị, hãy tin tôi, nhưng việc ấy là không thể.
Em đã nghĩ, thế là hỏng, và bỗng nhiên, em cảm thấy mình ngu ngốc vì đã tưởng tượng cậu ấy sẽ chấp nhận tự làm hại bản thân không gì ngoài đôi mắt đẹp của em. Như một cái máy, em lấy ra từ túi chiếc kính đen.
- Chị giận tôi, vì không giúp chị ư?
- Tôi không yêu cầu cậu làm gì cả, - em nhắc lại mà cố không để giọng mình run rẩy.
- Vâng, nhưng dù sao...
- Cậu tôn trọng nguyên tắc, Justinien, thế là bình thường. Ai có thể giận cậu vì điều đó chứ?
- Bây giờ, chị sẽ làm gì, việc tìm mẹ chị ấy?
- Không có gì to tát cả, tôi sợ, - em trả lời cay đắng.
Cậu ấy bắt đầu tự cào cấu hoảng loạn, như mỗi lần ấy cảm thấy bồn chồn. Em không tìm cách ngăn cậu ấy lại. Em chỉ biết nhìn chiếc thẻ nhớ trong lòng bàn tay.
- Tôi sẽ cất nó vào trong ngăn kéo bàn làm việc, và sau đó, chúng ta sẽ không nói về chuyện này nữa.
- Ngăn kéo bàn làm việc của chị, - cậu ta lẩm nhẩm, như thể đang nỗ lực để ghi nhớ.
Em thầm nghĩ rằng có thể có một hy vọng.
Nhiều tuần trôi qua mà không có chuyện gì xảy ra. Mỗi sáng, em đều kiểm tra trong ngăn kéo bàn làm việc xem chiếc thẻ nhớ có ở đúng vị trí. Nó vẫn ở đó. Em không dám làm liều. Em không có khả năng làm như thế.
Tất cả các ngày cuối tuần, em đi chạy theo dòng sông xanh, về địa điểm khu ngoại vi cũ. Ban đầu, em rất đau đớn. Em nhớ không khí tù túng của phòng tập thể dục - rõ ràng, em không thích nơi thoáng đãng. Sự có mặt của những người đi dạo và những người chạy bộ khác làm em căng thẳng đến nỗi, những lần đầu tiên, em quay ngược về ngay từ cửa ngõ Dauphine. Không có gì đâu, thầy Fernand nói với em. Hãy kiên trì. Em sẽ thấy, em sẽ quen. Đúng là thế: chẳng mấy chốc, em đã không bận tâm đến mọi người ở xung quanh, và em lại bắt đầu chạy nhanh như ngày trước ở phòng tập thể dục. Em thầm nghĩ, em đang chạy đến với mẹ. Nghĩ đến điều đó: em đang chạy đến với mẹ. Bây giờ, đó chỉ là một hình ảnh, nhưng chắc chắn một ngày, đó sẽ là sự thật.
Đầu tháng Năm, em được triệu tập để đánh giá cho kì đầu tiên - ba ngày kiểm tra và phỏng vấn nhằm điểm lại toàn bộ quá trình tái hòa nhập. Em thì hoàn hảo - thầy Fernand đã dạy em quá tốt để đạt được như vậy. Em nói: Tất cả đều tốt, công việc làm em hài lòng, căn hộ của em tiện nghi dễ chịu. Với những người khác, em còn cảm thấy khó khăn, nhưng em cảm thấy tốt dần lên. Tóm lại, em đã thích nghi: không có gì phiền nhiễu, không có gì quá mức. Điều đó làm họ rất hài lòng. Bản tổng kết rất tích cực, họ đã ghi thêm như vậy trong hồ sơ. Em cảm thấy kiệt sức nhưng vui sướng. Em đáng ra còn vui sướng hơn nhiều nữa nếu em có thể đoán biết tất cả hệ quả sau đó.
Em đã không báo trước với Justinien rằng em sẽ vắng mặt. Em không có ý định nói với cậu ấy về chuyện thi và kiểm tra tâm lý xã hội này - chúng ta đều có những bí mật nho nhỏ, đúng không? Em tự nhủ em sẽ luôn thấy một cách nói dối nào đó, thay cho lời giải thích.
Khi em trở lại Thư viện, cậu ấy đón em như đón một người chết sống lại.
- Chị ạ, tôi vui quá! Tôi cứ tưởng chị sẽ không trở lại. Còn những người khác, họ nói với tôi là chị đã chết.
Cậu ấy khóc vì vui, và thật thương xót khi nhìn thấy tất cả các vết cào trên cổ, các vết rách trên lưng bàn tay cậu ấy.
- Những người khác trêu cậu thôi, Justinien ạ. Tôi chỉ... chỉ hơi ốm thôi.
- Bị ốm! Nhưng vì sao?
- Tôi... tôi không biết. Đó là những điều vẫn xảy ra. Nhưng không có gì nghiêm trọng đâu.
- Ốm vì buồn ư?
- Không, Justinien ạ, không liên quan gì đâu.
- Nỗi buồn, nó có thể làm người ta ốm đấy. Tôi có kinh nghiệm rồi, đừng có tưởng.
- Justinien, tôi đảm bảo với cậu là không phải...
- Đó là vì mẹ của chị, đúng không?
Em không biết nói gì nữa. Cậu ấy bắt đầu cắn các ngón tay, mạnh đến nỗi em nghe thấy tiếng xương kêu.
- Justinien, dừng lại!
Cậu ấy không nghe em - trong đầu cậu ấy, bây giờ là một cơn giông. Cậu ấy tiếp tục cắn các ngón tay từ các phía. Khi em nhìn thấy một đốt tay cậu ấy bị trật khớp, em hét lên:
- Justinien!
Cậu ấy nghiêng về phía em, ánh mắt van nài:
- Chị có thể thừa nhận với tôi điều đó, rằng đó là vì mẹ của chị. Dù thế nào, ngay cả nếu chị không nói gì hết, tôi cũng biết lòng người mà.
Mặt cậu ấy ngay sát mặt em, những cái sẹo to tướng, mũi chảy nước. Vì kinh quá, em nhắm mắt.
- Chính là vì nỗi buồn không biết về mẹ chị đã làm chị bị ốm, tôi chắc chắn.
Trong giọng nói thảm thương, tinh thần lung lay của cậu ấy run rẩy. Cậu ấy sắp nhường bước, em cảm thấy điều đó. Em vẫn nhắm mắt, để không dao động. Có nhiều khoảng khắc cần phải biết nắm lấy mà không tự đặt ra các câu hỏi. Nắm lấy cơ hội, khi nó xuất hiện, ngay cả khi chúng ta không chờ đợi nó nữa, giữ chặt lấy nó bằng tất cả sức lực. Chiếc thẻ nhớ ở kia, trong ngăn kéo bàn làm việc. Em nghe tiếng cậu ấy nhắc lại:
- Tôi chắc chắn là như thế...
Thật từ từ, em gật đầu, và em nói khẽ, như khi người ta thú nhận điều gì đó:
- Làm sao cậu lại đoán được, hả Justinien?
Đó là cách em đạt được mục đích của mình: giữ cho tinh thần của Justinien lung lạc đến độ không thể chịu đựng nổi, buộc cậu ấy phải nhường bước, cậu ấy còn muốn thách thức các điều cấm kị và nỗi sợ của cậu ấy đã tan biến. Có thể anh nghĩ rằng em lợi dụng cậu ấy. Hãy nói với nhau rằng em đã biết tận dụng tình huống mà em không hề suy tính trước. Em thừa nhận điều đó, và em thấy hơi xấu hổ. Chỉ hơi xấu hổ thôi. Bởi vì, có thể nói thẳng với anh, em không cảm thấy thực sự có lựa chọn.
Ngày hôm sau, khi mở ngăn kéo, em phát hiện chiếc thẻ nhớ đã biến mất. Chỉ còn việc phải chờ đợi thôi.
Việc đó cũng không lâu. Mấy ngày sau, khi chuyển cho em tập tài liệu để xử lý trong ngày, Justinien nói thầm:
- Tôi có một thứ dành cho chị ở phía dưới cùng. Một thứ đặc biệt... Chị hiểu không?
Em gật đầu, thật khẽ. Em đã mong mỏi nó mãi mà không được, em không dám tin.
- Nhất là đừng nói gì với tôi. Chị không nên nói gì.
Em chỉ biết thì thầm:
- Cảm ơn cậu.
Giọng em không còn giống giọng em chút nào nữa.
Cậu ấy cười.
- Với tôi, tất cả những gì tôi muốn, đó là thấy chị vui.
Khi nâng chồng tài liệu bằng hai tay đeo găng để làm lộ ra tập tài liệu cuối cùng, em không run. Tuy nhiên, có cảm giác gì đó. Tất cả những năm trời chờ đợi ấy, hy vọng điên rồ ấy - để thấy thứ gì, em không biết nhiều, nhưng sau những bức ảnh của hồ sơ, em nghi ngờ rằng sẽ không dễ chịu lắm. Em có thời gian hai tháng để chuẩn bị trước, vậy mà quá khứ của em vẫn như một nắm đất ném thẳng vào giữa mặt. Em thậm chí không nháy mắt, khi em đọc thấy dòng tựa Scandal trong Vùng Tối: một bé gái bị nuôi nhốt trong tủ quần áo.
Bài báo kể về việc bắt giữ mẹ em: ngày 16 tháng Mười một năm 95, lúc 6 giờ sáng. Một phụ nữ trẻ vô công rồi nghề, nghiện ngập, bán dâm. Căn phòng bị tàn phá. Những chai rượu, những mẩu thuốc lá trên sàn nhà. Ga trải giường bẩn thỉu, cơ thể tan nát của em nằm dài trên giường. Tủ quần áo đầy những thứ nhớp nhúa, những con thú bông chất đống lúc nhúc những chấy rận. Em không kể thêm với anh từng chi tiết nữa.
Bốn bài báo khác cũng viết giống hệt: cùng nỗi kinh hoàng, và cùng những lời kêu than đau xót, vụ bê bối, không thể tưởng tượng nổi, làm sao người ta có thể. Trong một bài báo, có một bức ảnh: mẹ em ra khỏi tòa nhà giữa những người mặc trang phục màu đen. Họ kéo mẹ; họ gần như là khiêng mẹ. Chiếc áo trói người điên tạo thành một vệt trắng. Tóc mẹ xù rối che mất khuôn mặt. Mẹ đi chân trần.
Sẽ là nói dối nếu em bảo rằng điều đó không làm em xúc động. Chúng ta có chuẩn bị trước cho mọi thứ, nhưng vô ích, vẫn luôn có điều tồi tệ khi xảy đến. Sau đó, đó chỉ còn là vấn đề quan điểm: chúng ta có thể lựa chọn nhìn cái chai vơi mất một nửa, hay cái chai vẫn còn một nửa. Em chọn cái chai vẫn còn một nửa - vấn đề về nguyên tắc, và cả về sự sống sót - ngay cả khi cần phải uống đến tận giọt cuối cùng.
Cho dù họ có thể viết bất cứ điều gì họ muốn - quái vật, kẻ tra tấn, người mẹ xấu xa, bại hoại - em không quan tâm. Em biết điều em biết, tình yêu của mẹ, nụ cười của mẹ. Và nhất là, có món quà ấy dưới mắt em, ở giữa những cảnh ghê rợn ấy. Một niềm vui quá lớn lao đến nỗi nó làm em gần như quên hết tất cả những thứ khác. Được viết ở kia, trên mặt giấy mỏng manh đã ố vàng này: tên của mẹ em.
Mẹ em tên là Moïra Steiner. Moïra Steiner, Moïra Steiner, Moïra Steiner. Em không biết đã thầm nhắc lại bao nhiêu lần cái tên ấy trong phòng em, và sau đó, buổi tối, tại nhà em, và những ngày tiếp sau. Em vẫn luôn hết sức ngạc nhiên vì đã tìm ra tên của mẹ. Moïra Steiner, đó là một cái tên hoàn hảo, dịu dàng và bí ẩn, đúng là một cái tên của nữ anh hùng. Em không ngừng nói cái tên ấy. Em cần cảm thấy cái tên ấy trong cổ họng em, trong miệng em. Em cần nghe thấy cái tên ấy vang lên bên tai em, để em tin cái tên đó là một thực tế. Moïra Steiner! Để chắc chắn sẽ không bao giờ quên cái tên ấy nữa.
Suốt cả ngày, em vẫn vững vàng: em làm việc siêng năng. Không có chuyện em để mình phân tán. Em trở về nhà như thể không có chuyện gì xảy ra. Pacha mừng đón em, và điều đó tốt cho em, bởi vì mặc dù em vui, chuyện ấy không phải là dễ dàng gì.
Trong bữa tối, em không thể nuốt được gì: em lén cho con mèo ăn những viên thịt băm, cùng với cơm, và bánh nhân kem. Em giấu phần rau vào trong đám đất trồng cây dương xỉ. Như mọi khi. Rồi em đứng ngoài ban công, chờ đêm xuống.
Cho đến khi bóng tối hoàn toàn che phủ, em mới trở vào trong. Em không bật đèn. Không phải vì em muốn giấu mình - em biết rằng các máy quay hoạt động không khác biệt lắm giữa ngày và đêm - chỉ là, từ khi sống một mình, em có thói quen di chuyển trong bóng tối mỗi khi đêm xuống. Em thích màu đen: không gian bị xóa nhòa, các đồ vật biến mất, và sự êm dịu rơi xuống mắt em, làm dịu mát mắt em, gột tẩy đi những tàn xỉ ánh sáng mà ban ngày vương lên đó.
Em vào bếp. Em lấy hộp thức ăn trên giá. Rồi em bước đến tủ tường. Em mò mẫm bấm mã số. Cánh cửa tủ trượt sang bên không gây tiếng động. Đáy tủ quang đãng - em luôn cẩn thẩn không chất đầy nó. Em nằm xuống, hộp thức ăn giữa hai tay. Tất nhiên, em biết các rủi ro - vào bất cứ lúc nào, một sự kiểm tra là hoàn toàn có thể -, nhưng lần này, điều đó mạnh hơn chính em. Em đã cưỡng lại ý định đó quá lâu rồi.
Thật từ từ, em đóng cánh tủ lại. Em ở bên trong. Cái tủ của em đóng kín, cũng dịu dàng, cũng tối đen như em mơ ước. Tủ có mùi thơm, và thật tuyệt vời. Em mở hộp thức ăn. Em thò tay vào trong, và em ăn lấy ăn để như chưa bao giờ được ăn, liếm lòng bàn tay, mút các ngón tay. Em cần như thế, patê đầy trong miệng, đến chảy cả nước mắt, nước mũi, đến phát sướng, đến phát sợ, như ngày xưa, trong cái kén tằm ấm áp của em. Lila và Moïra, Moïra và Lila.
Trong cả đêm ấy, lần đầu tiên, em đã thấy lại mẹ không phải với một khuôn mặt mơ hồ, một nụ cười khi mẹ nói: Bé yêu, lại giường ngồi với mẹ nào. Em thấy lại nhiều hình ảnh kinh hãi. Đừng hỏi em thấy gì. Em không muốn nói về điều đó. Vào lúc này, em không thể.
Nếu em kể cho anh lúc này, anh sẽ không hiểu. Anh cũng sẽ giống như những người khác: anh cũng sẽ ném đá mẹ em, sỉ nhục mẹ em, lên án mẹ em. Mẹ em không xứng đáng bị như thế, em chắc chắn với anh. Hãy cho em thêm chút thời gian, và em sẽ kể với anh tất cả. Sau này, em hứa đấy. Những ký ức của em, và câu chuyện của mẹ em. Những ký ức của em cùng với câu chuyện của me, đó là cách duy nhất để kể lại mọi việc và để hiểu rõ các sự việc đó.
Hôm sau, Justinien đã hỏi em:
- Thế nào, chị hài lòng chứ?
- Rất hài lòng, Justinien ạ. Thật lòng cảm ơn cậu.
Khuôn mặt cậu ấy sáng lên.
- Vậy thì những tài liệu của ngày hôm nay hẳn sẽ làm chị vừa lòng!
Dưới tập tài liệu, còn có hai bài báo khác. Ngày hôm sau, có ba bài báo khác. Suốt nhiều tuần liền, em chỉ sống vì điều đó, vì những mẩu báo cậu ấy mang lên mỗi ngày từ kho lưu trữ. Đọc chúng không chớp mắt, học thuộc lòng từng từ một. Xem các bức ảnh. Và cuối cùng, tìm lại khuôn mặt của
mẹ em.
Phần lớn các tờ báo dùng lại các ảnh chụp tại sở cảnh sát - ảnh trực diện, ảnh nghiêng, tên. Mẹ em có đôi mắt lơ mơ, khuông mặt bị giày vò. Bên má trái, một vết sẹo màu hồng. Thiên thần trong ký ức của em bị sỉ nhục. Đôi cánh bị cắt xén, vẻ đẹp lung linh bị biến mất. Quá dữ dội, quá đau đớn. Có những đêm, em có cảm giác đã lãnh trọn tất cả các cú đau đớn mà em từng chịu đựng. Nhưng điều đó không làm thay đổi gì cả, em vẫn còn đòi hỏi thêm nữa; em luôn muốn hơn nữa, bởi vì đó là cuộc đời của em.
Buổi đêm, trong tủ tường, các ký ức ùa về theo từng đợt. Đôi khi, nó như là một con sóng từ dưới đáy mà chúng ta không nhìn thấy nó đến; không được nao núng. Đôi ba lần, em đã phải kìm chế, bởi vì em quá sợ để mình bị cuốn đi.
Cũng may, còn có những lúc dịu dàng và hạnh phúc tràn ngập, như cái đêm bài hát mẹ ru em ngủ bỗng nhiên trở lại:
Trời mùa hè, và cuộc sống dễ chịu
Con cá nhảy và bông bay cao
Ồ, cha con thì giàu còn mẹ con thì xinh
Vậy thì hãy nín đi con,
Con đừng khóc...
Mẹ nghiêng về phía em.
Một sáng hè con sẽ lớn
Rồi con vỗ cánh và con sẽ bay lên bầu trời
Mẹ cười với em, một nụ cười yêu thương, nụ cười xóa đi tất cả những thứ khác.
Nhưng cho đến buổi sáng ấy, không gì có thể làm con đau
Vì cha và mẹ ở bên cạnh con yêu.
Mẹ có giọng rất hay, em đã nói với anh điều đó
chưa nhỉ?
Khi đã xem lại kỹ càng các bài báo, em quay lại phòng đọc để tìm kiếm thêm. Lần này, em đi thẳng tới mục đích: em gõ Moïra Steiner, và phần mềm hiển thị hơn năm trăm danh mục.
Trái ngược với điều em lo lắng, em không gặp bất cứ khó khăn nào khi thuyết phục Justinien. Mấy tuần hoạt động vụng trộm vừa qua mà không hề bị trừng phạt đã khiến cậu ấy hoàn toàn yên tâm. Cậu ấy khoái trí, vô cùng sung sướng vì có thể có ích cho em, và có thể còn hơn thế nữa, vì cảm thấy cậu ấy trở thành không thể thiếu đối với em.
Cậu ấy bắt đầu mang lên cho em hàng chục bài báo mỗi ngày. Em bí mật đọc hết chúng - việc này không dễ dàng gì, bởi vì em cũng phải hoàn thành số lượng công việc của mình. Em thường bị muộn. Em khắc phục bằng cách rút ngắn thời gian ăn trưa, và luôn đến làm sớm hơn vào mỗi sáng. Em lấy tập tài liệu từ tủ tường, em chạy máy scan, và tất cả nhằm vờ như kiểm tra lại một cách cẩn thận công việc của em trong ngày hôm trước, em đọc những bài viết dưới cùng.
Rất nhiều các tờ báo viết về phiên tòa của mẹ em - ba ngày sau đó mẹ em đã bị tước bỏ các quyền làm mẹ, bị kết án mười sáu năm tù vì bắt cóc trẻ em, khai man, ngược đãi trẻ dưới mười lăm tuổi, có hành vi tra tấn, tàn bạo, chèo kéo khách, sử dụng chất ma túy, và bị giam ở Nhà tù trung tâm Chauvigny, quận 17. Hơn nữa, thuộc Vùng Tối.
Trong nhiều tháng em cố gắng xua đuổi nó ra khỏi trí nhớ của mình, như thầy Fernand khuyên, không nghĩ đến nó nữa, hoặc nghĩ về nó chỉ như một nơi trừu tượng, một nơi độc hại không có thật. Vùng Tối, đó là nơi xa xôi, lạ lẫm với cuộc đời em, và không bao giờ đặt chân đến đó nữa. Em tin chắc điều đó, cho nên, không bao giờ em nghĩ mẹ em lại có thể ở đó.
Bây giờ, em biết: Nhà tù trung tâm Chauvigny, quận 17, không nghi ngờ gì nữa. Mẹ em đang ở trong Vùng Tối. Em cần phải gặp lại mẹ chính tại nơi đó. Em toát mồ hôi, trong lòng sợ hãi. Nhưng không bao giờ em nghĩ sẽ từ bỏ. Em đã vượt qua quá nhiều thử thách, bất chấp quá nhiều điều cấm kỵ nên không có chuyện để buông xuôi. Em phải tiến lên phía trước, nỗi sợ hãi sẽ không làm thay đổi được gì.
Em còn thời gian hơn một năm cho đến khi được giải phóng, một năm để em chuẩn bị. Việc này sẽ khó khăn - còn khó khăn hơn như em tưởng tượng, nhưng em sẽ cố gắng. Em tự tin. Tuy nhiên, giờ đây em biết, sẽ không thể làm được gì nếu không có anh.