Mơ Một Ngày Mai Chương 12

Chương 12
Trên bàn cơm, Trúc Vy cúi đầu ăn nhanh.

 

Vì ăn xong, cô còn phải ra tiệm cơm để rửa mấy cái nồi và lau sàn nhà nữa, nên không có thời gian mà ngồi đó hưởng thụ thức ăn.

Ông Văn Bình đặt chén cơm xuống bàn, nhỏ giọng hỏi bà Thúy Diễm:

- Còn hai ba tháng nữa là Bảo Ngọc và Trúc Vy thi tốt nghiệp rồi. Em thấy sao hả?

Bà Thúy Diễm không chút để ý đáp lời:

- Bảo Ngọc thì không cần phải nói. Con bé là học sinh giỏi suốt mười năm liền. Em tin nó sẽ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp này một cách dễ dàng thôi. Còn cô cháu gái yêu quý của anh thì em không chắc lắm. Mười mấy năm nay có nhận được một cái bằng khen nào đâu.

Ông Văn Bình luôn biết bà Thúy Diễm không ưa thích, và hay làm khó dễ Trúc Vy. Nhưng ông vẫn nhắm một con mắt mở một con mắt cho qua. Bởi vì, nếu như ông lên tiếng, chỉ sẽ làm cho bà Thúy Diễm càng thêm chán ghét Trúc Vy hơn mà thôi.

Nhưng này lần là chuyện liên quan đến tương lai của Trúc Vy, nên ông không thể nhượng bộ thêm được nữa.

Ông Văn Bình nén tiếng thở dài đầy bất đắc dĩ. Mãi một lúc lâu sau, ông mới chậm rãi lên tiếng:

- Đợi cho hai đứa thi tốt nghiệp xong. Anh dự định để cho hai đứa lên Sài Gòn luyện thi đại học.

Bà Thúy Diễm dằn mạnh chén cơm xuống bàn, cao giọng hỏi lại:

- Anh nói gì? Anh muốn cho Trúc Vy lên Sài Gòn học với Bảo Ngọc sao?

- Đúng vậy.                                                           

- Em không đồng ý.

Ông Văn Bình nhìn về phía Trúc Vy và Bảo Ngọc, trầm giọng bảo:

- Hai đứa lên nhà trên đi. Để cha mẹ nói chuyện một chút.

Bảo Ngọc vẻ mặt không thú vị buông đũa đứng dậy đi lên nhà trên. Trúc Vy cũng trầm mặc đi theo phía sau.

Bảo Ngọc hừ lạnh nói:

- Hay thật, cha mẹ tôi lại cãi nhau vì chị nữa rồi đấy.

Nghe thế, Trúc Vy chỉ có thể cúi đầu xuống mà nghe hốc mắt mình cay xé, hai tay nắm chặt đến trắng bệch mà không hề cảm giác.

Đợi cho Bảo Ngọc cùng Trúc Vy đi lên nhà trước. Ông Văn Bình mới cau mày nói:

- Em không nên nói như thế trước mặt hai đứa nhỏ.

Bà Thúy Diễm cầm đũa lên gắp một miếng thịt bò bỏ vào miệng, trề môi nói:

- Hừ, hễ nói tới nó là anh cứ bênh chằm chằm hà.

- Em phải nhớ Trúc Vy là cháu ruột của anh.

- Em biết chứ, nhưng nó không phải là cháu ruột của em.

Ông Văn Bình có chút tức giận quát lên:

- Em nói thế mà nghe được hay sao?

- Sự thật đúng là như thế mà. Có gì mà không nói được chứ.

- Con bé đã đủ tội nghiệp lắm rồi. Em không thể đối xử tốt hơn với con bé một chút được à?

Bà Thúy Diễm cũng lớn tiếng trả lời:

- Em nuôi nó suốt mười mấy năm, cho nó ăn, cho nó ở, lại cho nó đi học. Như thế còn chưa đủ tốt hay sao? Em nói rồi, em không đồng ý anh cho nó đi học ở Sài Gòn. Anh tưởng đi học ở trên đó ít tiền lắm à. Một tháng lương của anh còn không đến bốn triệu đồng. Số tiền đó còn không đủ để cho anh đi nhậu nhẹt với bạn bè nữa, thì lấy tiền đâu ra cho nó đi học đại học hả?

Bà Thúy Diễm đưa tay chỉ vào các vật dụng xung quanh rồi nói tiếp:

- Anh nhìn đi, tiền sinh hoạt trong cái nhà này, từ thức ăn hàng ngày, đến mỗi một cái vật dụng mà anh xài, cái nào không phải do em bỏ tiền ra mua chứ?

Dừng lại một chút, nhìn sắc mặt dần dần trở nên tái mét của ông Văn Bình, bà mới thở dài dịu giọng phân tích nói:

- Được rồi, em không cản trở anh cho Trúc Vy đi học ở Sài Gòn nữa. Nhưng anh có biết cho Bảo Ngọc đi ôn thi một tháng ở Sài Gòn phải tốn bao nhiêu tiền không hả? Tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền tiêu vặt, mỗi thứ cộng lại ít nhất cũng phải sáu triệu đồng. Nếu lo thêm cho Trúc Vy, lại phải thêm sáu triệu nữa. Trong một tháng bỏ ra mười hai triệu. Anh tưởng nhà mình giàu có lắm hay sao? Anh định lấy tiền ở đâu ra để lo cho cả hai đứa đi học đại học đây hả?

Ông Văn Bình cảm thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương một cách nghiêm trọng, trước từng câu từng chữ của bà Thúy Diễm. Nhưng ông lại không thể mở miệng phản bác lại những gì mà bà đã nói. Bởi vì, những lời bà nói đều là sự thật.

Ông đứng bật dậy, tức giận gầm lên:

- Phải, bà nói đúng. Tôi vô dụng. Tôi chỉ là một giáo viên quèn, không thể kiếm được nhiều tiền, mà phải sống nhờ vào bà. Nhưng Trúc Vy là cháu gái của tôi. Tôi sẽ lo cho nó.

Thấy ông Văn Bình cứ chăm chăm bênh vực Trúc Vy. Bà T húy Diễm cũng giận điên lên, không hề suy nghĩ liền bật thốt:

- Tại sao chúng ta cứ phải cãi nhau vì nó hả? Nó chỉ là một người ngoài mà thôi.

- Nó không phải là người ngoài. Nó là cháu ruột của tôi.

- Nó chỉ là một đứa con hoang mà thôi. Không đáng để cho ông quan tâm nhiều đến thế. Ông phải nhớ rõ, tôi là vợ ông. Bảo Ngọc mới là con gái của ông. Chúng ta ba người mới là người một nhà. Còn nó chỉ là một đứa con hoang, một đứa ăn nhờ ở đậu mà thôi.

Ông Văn Bình đưa tay vỗ mạnh lên bàn một cái rầm, giận tím mặt cắt ngang lời nói của bà Thúy Diễm:

- Bà im ngay. Bà nói bậy bạ gì đó. Trúc Vy nó là con của anh chị hai tôi, nó có cha có mẹ đàng hoàng. Ai nói với bà, nó là đứa con hoang hả?

Bà Thúy Diễm trề môi khinh miệt nói:

- Phải mà, nó không phải là đứa con hoang, nhưng là một đứa không có cha.

- Bà dám nói như thế. . .

- Tại sao tôi lại không dám nói chứ? Tôi nói có gì sai đâu nào. Nó có cha cũng như không có, là do thằng cha của nó không cần nó nên mới bỏ đi khi chị của ông đang mang thai. Một đi là đi suốt mười tám năm trời cũng không quay về một lần. Nó như thế có khác nào là một đứa con hoang đâu chứ?

- Những lời độc ác như thế mà bà cũng có thể nói ra được sao? Trái tim bà làm bằng gì hả? Chắc là bằng đá nên mới có thể vô tình đến thế. Con bé không có cha mẹ quan tâm đã đủ khổ lắm rồi. Bà đã không thương xót thì thôi, mà sao cứ luôn lấy muối xát lên vết thương của nó hoài vậy hả. Buổi tối bà có thể ngủ ngon được hay sao?

- Tôi có gì mà không ngủ ngon được hả. Tôi chẳng làm việc gì xấu xa cả, buổi tối đương nhiên là có thể ngủ rất ngon rồi.

Nói đến đây, giọng bà trở nên bức xúc hơn:

- Ông nói tôi độc ác sao? Mười mấy năm nay tôi đã vì ai hả? Tôi vì cái nhà này, thức khuya dậy sớm, mỗi ngày bận tối mặt nghĩ cách kiếm tiền để cho ông được ăn sung mặc sướng như người ta. Cuối cùng đổi lại được là gì hả? Chỉ đổi lấy được những lời trách móc không thương tiếc của ông. Ông vì một người ngoài mà nói tôi độc ác. Ông không cảm thấy lương tâm mình hổ thẹn hay sao?

Ông Văn Bình đưa tay lên vuốt mặt, cố gắng lấy lại bình tĩnh. Ông xua tay, chán nản bảo:

- Được rồi, bây giờ tôi không muốn nói chuyện với bà nữa.

Nói xong, ông Văn Bình xoay người bỏ đi ra khỏi nhà.

Bà Thúy Diễm đi lên nhà trên, chỉ thấy một mình Bảo Ngọc ngồi ở ghế sofa xem tạp chí, còn Trúc Vy thì không thấy đâu hết. Bà liền cau mày hỏi Bảo Ngọc:

- Con nhỏ đó đâu rồi hả?

Bảo Ngọc đưa mắt nhìn ra ngoài sân:

- Ở ngoài sân đó.

Bà Thúy Diễm đi ra sân, thấy Trúc Vy ngồi co ro trên chiếc xích đu, cơn giận trong lòng liền cọ cọ dâng lên.

- Sao mày còn chưa đi ra tiệm dọn dẹp? Chẳng lẽ mày còn muốn tiếp tục ăn cơm nữa hả?

Trúc Vy đứng lên, lắc đầu nói:

- Dạ, con đi ra tiệm ngay đây ạ.

- Mấy cái nồi làm ơn chùi kỹ một chút dùm tôi, bên ngoài lọ nồi cũng chùi sạch luôn có biết hay không.

- Dạ, con biết rồi ạ.                                                

Nhìn Trúc Vy đạp xe ra khỏi sân. Bà Thúy Diễm vẫn còn hậm hực nói:

- Đúng là thứ báo hại mà. Nhìn là chướng mắt. Không biết khi nào mới có thể tống cổ nó ra khỏi nhà được nữa.

Bà Thúy Diễm xoay người đi vào nhà. Thấy Bảo Ngọc vẫn còn ngồi đó, liền nhỏ giọng bảo:

- Bảo Ngọc đi ăn cơm thôi con.

Bảo Ngọc buông quyển tạp chí xuống bàn, ngữ điệu có chút không vui nói:

- Khi nãy mẹ không nên nói những lời đó với cha.

Bà Thúy Diễm nhướng mày:

- Sao hả?                                                                                                  

- Mẹ nói thế sẽ làm lòng tự trọng của cha bị tổn thương. Cha sẽ rất buồn.

Bà Thúy Diễm khó thở nói:

- Con chỉ biết cha con buồn. Vậy còn mẹ thì sao hả? Con không nghe cha con bảo mẹ là độc ác hay sao?

- Con nghĩ mẹ có chút hơi quá đáng khi nói những lời đó. Sau này mẹ không nên bảo Trúc Vy là đứa con hoang nữa. Câu nói đó chẳng hay chút nào. Con no rồi, con không ăn cơm nữa đâu. Mẹ ăn một mình đi.

Nói Xong, Bảo Ngọc đứng dậy đi vào phòng.

Bà Thúy Diễm cứ đứng đó liên tục thở dốc vì tức giận.

…………                                                         

Trúc Vy dẫn xe đạp vào tiệm và đóng cửa lại. Cô chạy nhanh vào sau vách tường, như người hết sinh khí, ngồi bệt xuống sàn nhà, cúi đầu vùi vào đầu gối bật khóc nức nở lên.

Một đứa con hoang, một đứa con không có cha. Những lời này cô đã nghe suốt mười mấy năm dài, nhưng sao mỗi lần nghe đến thì trái tim cô lại vẫn cứ đau nhói, và nỗi đau đó ngày một chồng chất thêm. Có đôi khi cô thầm nghĩ, phải chi cứ đau như thế, đau đến không còn cảm giác, không còn nhịp thở nữa thì tốt biết mấy. Như thế, có lẽ sẽ tốt hơn cho mọi người. Cậu út sẽ không buồn phiền, mợ út cũng không cáu gắt và trái tim cô cũng sẽ không rỉ máu nữa.

Ba ơi! Đã mười tám năm rồi, thời gian dài như thế sao ba còn chưa chịu trở về nữa. Ba có biết mẹ đã qua đời rồi hay không? Tuy rằng mẹ đã chờ đợi ba trong sự tuyệt vọng, trong nỗi đau và niềm nhớ, mặc cho bao lời xì xầm bàn tán, nhưng mẹ vẫn chưa bao giờ hối hận khi đã yêu và chờ đợi ba. Con cũng thế, mặc dù không biết lý do gì khiến cho ba phải rời khỏi mẹ, bỏ rơi con, nhưng con tin chắc trong lòng ba vẫn có mẹ và con. Có phải vậy không hả ba?

Mười tám năm với bao tủi nhục, bao đau khổ, nhưng Trúc Vy vẫn cắn răng kiên trì cố gắng sống cho thật lạc quan, sống luôn cho phần của mẹ chỉ với một mong mỏi là chờ đợi ba trở về.

Nhưng sao giờ phút này, Trúc Vy lại cảm thấy tuyệt vọng hơn bao giờ hết. Nhìn cảnh cãi vã gay gắt giữa ông Văn Bình và bà Thúy Diễm, cô chỉ cảm thấy trái tim mình thật đau, mờ mịt và tuyệt vọng trước tương lai.

Cũng có đôi khi cô thầm nghĩ, muốn bỏ đi đến một nơi nào đó thật xa, rời xa mái nhà duy nhất cho cô che nắng che mưa, đồng thời cũng mang đến nhiều nỗi cay đắng tủi nhục. Nhưng với một đứa con gái chưa đến tuổi trưởng thành, hai bàn tay trắng, bơ vơ côi cút, thì cô biết phải đi về đâu kia chứ?

Đã rất nhiều lần, cô cũng muốn rời khỏi căn nhà đó, để trả lại sự yên bình hạnh phúc cho gia đình cậu mợ, nhưng cô chẳng có nơi để đi, chẳng có một chỗ nào khác để dung thân cả.

Chỉ còn vài tháng nữa là đã đến ngày thi tốt nghiệp. Tương lai cô rồi sẽ ra sao đây? 

Trúc Vy khóc một lúc lâu sau, như trút bớt đi sự nặng nề, đau khổ trong lòng. Cô đưa tay lau nước mắt, cố gắng khắc chế bản thân mình trở nên bình tĩnh hơn. Vì còn có bao nhiêu là việc chờ đợi cô làm, nếu chậm trễ làm không xong nhất định sẽ bị bà Thúy Diễm mắng nữa cho xem.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t116352-mo-mot-ngay-mai-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận