Ngày Của Kiến Chương 146-150

Chương 146-150
Hữu thân

Lũ kiến nổi loạn chạy như bay qua các hành lang Cấm Thành. Chưa bao giờ chúng đưa được con kiến chứa thức ăn này đến chỗ Tiến sĩ Livingstone. Nhiều con đã phải hy sinh để làm chậm chân đội lính gác liên bang.

Axit ào ạt bắn ra. Một con kiến hữu thần ngã sụp xuống và lại thêm một con khác nữa.

Lũ kiến nổi loạn sống sót dần dần rẽ về phía phòng nuôi rận giường. Nhưng trước khi tất cả bọn chúng cùng chết, Chli-pou-ni muốn tìm hiểu sự việc. Nó ra lệnh dẫn một trong những kẻ cuồng tín đó đến gặp mình.

Tại sao các ngươi lại làm thế? nó hỏi.

Các Ngón Tay là chúa trời của chúng ta.

Lại cái điệp khúc nhàm tai ấy. Kiến chúa Chli-pou-ni trầm ngâm khua khua râu. Bấy lâu nay, vì những lý do khó hiểu, phong trào nổi dậy ngày càng phát triển. Cách đây chỉ mới vài tuần, theo các điệp viên của kiến chúa, lũ kiến nổi loạn chỉ có khoảng mười hai con vậy mà giờ chúng đã lên tới cả trăm con.

Cần phải tăng cường săn đuổi quân nổi loạn. Giờ chúng đã trở nên quá nguy hiểm.

147. CỬA HÀNG ĐỒ CHƠI

- Giờ ta làm gì đây? Laetitia Wells hỏi.

- Ta tiến hành thôi, Jacques Méliès tự tin ra lệnh.

- Anh nghĩ họ để chúng ta vào à?

- Thực sự tôi không nghĩ đến chuyện bấm chuông đâu. Chúng ta đi lối cửa sổ trước thôi. Nếu ai đó có ý định phản đối, tôi sẽ trình lệnh khám xét ra. Lúc nào tôi cũng mang theo một cái lệnh khám xét giả trên người.

- Thật đạo đức làm sao! cô phóng viên phản bác. Rõ ràng khoảng cách giữa cảnh sát và tội phạm cũng chẳng lấy gì làm xa lắm.

- Không phải cứ đắn đo một cách tử tế và có những tình cảm cao đẹp là người ta bắt được tội phạm đâu. Tiến hành thôi nào!

Quá tò mò để có thể tiếp tục cằn nhằn, cô đi theo anh lúc anh đã trèo được lên tường bằng cách bám vào ống xả nước mưa.

Loài người di chuyển rất khó khăn trên những bề mặt thẳng đứng. Tay Laetitia và Méliès đã bị trầy xước và họ suýt ngã nhiều lần trước khi lên được tới sân thượng. May thay, ngôi nhà chỉ có một tầng và ngay phía trên đã là mái.

Họ lấy lại hơi. Điểm màu xanh ve vẫn ở đó, bất động giữa màn hình. Có lẽ Laetitia và Méliès chỉ còn cách lũ kiến giết người năm hay sáu mét gì nữa thôi. Cửa sổ ban công hé mở. Họ bước vào.

Anh dùng cây đèn pin rọi vào một phòng ngủ tuềnh toàng, trong phòng có một chiếc giường rộng phủ đầy cây đậu bọ cạp màu đỏ, một chiếc tủ kiểu Normandie và lác đác giấy hoa dán tường in hình những khung cảnh miền núi. Căn phòng toát lên mùi oải hương lẫn với mùi băng phiến.

Nó thông với một phòng khách có phong cách “Siêu thị Nội thất”, trong đó có những chiếc phô tơi chân xoay và bộ đèn chùm. Điểm độc đáo là bộ sưu tập nước hoa phương Đông được đặt trên một cái rầm chìa.

Họ nhìn thấy chút ánh sáng nằm cách đó một chút. Phía dưới, chắc hẳn mọi người đang dùng bữa tối trong bếp, mắt chăm chú xem ti vi. Méliès nhìn đăm đăm màn hình của riêng mình.

- Lũ kiến đang ở phía dưới chúng ta, anh thì thầm. Hẳn ở đó phải có một cái kho.

Họ tìm cửa sập trên trần. Trong hành lang phòng tắm, họ tìm thấy một cái thang được đặt hướng về phía nóc nhà nơi họ bắt gặp ánh sáng le lói của một ngọn đèn.

- Trèo lên đi, Méliès nói rồi rút súng ra.

Họ đi vào một căn phòng áp mái kỳ lạ. Giữa phòng là một bể đất giống cái bể của Laetitia nhưng lớn hơn gấp mười lần. Có hàng loạt ống tỏa ra từ cái bể khổng lồ này và kết nối với một chiếc máy vi tính, còn chiếc máy vi tính lại được kết nối với cả đống những chai lọ thủy tinh sặc sỡ. Phía bên trái là các dụng cụ tin học khác như bàn để máy, kính hiển vi, dây điện và bóng bán dẫn loằng ngoằng. “Cái ổ của một nhà khoa học điên rồ”, người phụ nữ trẻ đang nghĩ thế thì nghe thấy tiếng kêu sau lưng:

- Giơ tay lên!

Hai người chậm rãi quay lại. Đầu tiên, họ thấy một khẩu súng nòng to đang chĩa về phía họ. Tiếp đó, phía trên khẩu súng, họ thấy một khuôn mặt quen thuộc tới mức kinh ngạc. Họ biết khuôn mặt này từ lâu rồi, đó chính là người thổi sáo ở Hamelin!

148. BÁCH KHOA TOÀN THƯ

BỌ ĐÁNH RẮM: Bọ đánh rắm (Brachynus creptians) sở

hữu một khẩu “súng hữu cơ”. Nếu bị tấn công, chúng sẽ thải ra một loại khói, kèm đó là một tiếng nổ. Loại khói ấy được con côn trùng này sản xuất bằng cách kết hợp hai chất hóa học thoát ra từ hai tuyến hạch khác nhau. Tuyến thứ nhất nhả ra một dung dịch chứa 25% nước tăng cường ôxy và 10% hydroquinon. Tuyến thứ hai sản xuất ra một loại enzim có tên peroxydase. Các chất này hòa vào nhau trong một dạng như phòng đốt cháy và sôi ở nhiệt độ 1000C khiến khói bốc lên rồi phì ra một tia hơi nitric khiến tiếng nổ phát ra.

Nếu ta đưa tay lại gần một con bọ đánh rắm, súng của nó sẽ bắn ngay ra một loạt những giọt màu đỏ, nóng rãy và bốc mùi. Axit nitric sẽ khiến da bị rộp lên.

Loài bọ cánh cứng này biết ngắm bằng cách định hướng cái đầu bụng dưới linh hoạt nơi diễn ra hoạt động nhào trộn chất nổ. Nhờ vậy, chúng có thể bắn trúng mục tiêu cách mình vài centimét. Nếu bắn trượt thì đã có tiếng nổ khiến bất kỳ kẻ tấn công nào cũng phải cao chạy xa bay.

Một con bọn đánh rắm thường dự trữ ba đến bốn loạt đạn. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu côn trùng phát hiện ra rằng loài côn trùng này có khả năng bắn hai mươi tư phát liên tiếp nếu bị khiêu khích.

Bọ đánh rắm có màu da cam và màu xanh bạc. Phát hiện ra chúng rất dễ. Mọi chuyện diễn biến như thể vì có vũ khí mà chúng mạnh mẽ tới nỗi dám xuất hiện trong trang phục sặc sỡ. Nhìn chung, tất cả các loại bọ cánh cứng dám trưng ra sắc màu rực rỡ và những họa tiết nổi bật đều sở hữu một “vật bảo đảm” giúp chúng tự vệ và tránh xa mọi ánh mắt tò mò.

Lưu ý: Tuy nhiên, nên nhớ rằng loài chuột rất thích xơi “vật bảo đảm” này, chúng nhảy lên con bọ đánh rắm rồi ngay sau đó ấn bụng dưới con này vào cát trước khi chất nổ kịp phát huy tác dụng. Thế là đạn thì bắn vào cát còn khi con côn trùng đã mất hết đạn, lũ chuột sẽ ngốn ngấu nó, phần bị xơi trước tiên là cái đầu.

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

149. MỘT BUỔI SÁNG DỄ CHỊU

Con 24 thức dậy, nó đang nằm ở chỗ trũng của một cành keo cornigera mịn màng. Trên toàn bộ sườn nhánh, nó nhìn thấy rõ những hốc nhỏ giống như những cửa sổ được dùng để thông gió cho các phòng. Nó chọc thủng màng vách ngăn trong cùng và nhận thấy một phòng đã sẵn sàng trở thành phòng trông trẻ. Các con kiến khác vẫn đang ngủ. Con 24 ra ngoài đi dạo một lát.

Các cuống lá keo cornigera chứa nhân tố phân phối mật hoa cho kiến trưởng thành và những tiểu thể - “cốc rượu nhỏ” cho ấu trùng. Các thức ăn này chứa đầy protein và chất béo hoàn toàn thích hợp với dinh dưỡng của loài kiến ở đủ mọi lứa tuổi.

Các vách đá ì oạp tiếng gợn sóng sớm mai vỗ bờ. Không khí sực mùi hăng hắc của bạc hà và mùi hấp hơi của xạ hương.

Trên bãi cát, mặt trời đỏ lựng chiếu sáng bề mặt sông nơi những con rệp nước tung tăng lướt đi. Một cành khô nhỏ được dùng làm đê chắn sóng. Con 24 bước lên đó, qua làn nước trong vắt, nó nhìn thấy đám đỉa, ấu trùng muỗi bám thành từng chùm chi chít.

Con 24 đi ngược về phía Bắc đảo. Bờ vách được vuốt ve bởi hằng hà sa số bèo tấm nom tựa như một thảm hạt xanh tròn từ đó thi thoảng lại trồi lên đôi mắt lồi của một con ếch xanh. Trong một vũng nước ở phía xa xa, những bông súng trắng với phần búp màu tím hoa cà đã nở từ lúc bảy giờ sáng và sẽ khép lại khi chiều tàn. Hoa súng mang trong mình khả năng làm dịu trứ danh mà côn trùng con nào cũng biết. Thậm chí thời kỳ đói kém chúng còn ăn cả rễ hoa súng vốn rất giàu tinh bột nữa.

Thiên nhiên luôn nghĩ đến hết thảy, con 24 tự nhủ. Một bài thuốc luôn được đặt ở ngay gần một căn bệnh. Ven các vùng nước hôi thối luôn mọc lên những cây liễu rủ vỏ có chứa axit xalixilic (thành phần chính trong thuốc aspirin) có tác dụng chữa các bệnh dễ mắc ở những vùng ô nhiễm.

Hòn đảo thật nhỏ bé. Giờ con 24 đã sang đến bờ Đông. Nơi này được điểm tô bởi các loài cây lưỡng cư thân ngập trong nước. Cây mũi tên, cây nghề và cây mao lương sinh sôi nảy nở, điểm thêm những chấm tím nhạt hoặc trắng vào thế giới xanh mát này.

Các cặp chuồn chuồn đang xoay tròn phía trên nó. Lũ chuồn chuồn đực đang cố đặt hai bộ phận sinh dục của mình sao cho khớp với hai bộ phận sinh dục của lũ chuồn chuồn cái. Chuồn chuồn đực có một bộ phận sinh dục dưới lồng ngực và một bộ phận sinh dục ở đầu bụng dưới, về phần mình con cái có một bộ phận sinh dục ở sau đầu và một bộ phận sinh dục ở đầu bụng dưới. Để mọi thứ hoạt động suôn sẻ, bốn bộ phận sinh dục phải kết nối với nhau cùng một lúc, điều này đòi hỏi chúng phải thực hiện những cú nhào lộn phức tạp.

Con 24 tiếp tục đi thăm đảo.

Ở phía Nam, các cây vùng đầm lầy bắt rễ trực tiếp vào đất. Nào sậy, nào bấc, đuôi diều, bạc hà. Đột nhiên từ giữa bụi tre trồi lên đôi mắt đen ngòm. Đôi mắt ấy đang nhìn con 24. Chúng tiến lên. Chúng thuộc họ kỳ giông. Một loại thằn lằn da đen điểm vàng và da cam. Đầu con vật tròn ph ng, lưng hằn lên những mụn cóc xám, vết tích cuối cùng mà tổ tiên khủng long của chúng để lại. Con vật tiến lại gần. Kỳ giông rất khoái côn trùng nhưng chúng đi chậm tới nỗi thường thì con mồi của chúng chạy thoát trước khi chúng có thể tóm được nó. Thế là chúng chờ mưa xuống tiêu hủy tất cả để đục nước béo cò.

Con 24 chạy như bay về nơi trú ngụ trên cây keo.

Báo động, nó kêu lên bằng ngôn ngữ tỏa mùi, một con kỳ giông, một con kỳ giông!

Thế là lũ kiến giương hết bụng dưới lên qua các lỗ bắn trên cây. Từ đó phụt ra cả tràng axit dễ dàng chạm trúng mục tiêu vốn không được nhanh nhẹn cho lắm. Nhưng con kỳ giông không thèm bận tâm vì nó đã có lớp da sẫm màu dày dặn bảo vệ. Những con kiến vội vàng lao vào cắn con kỳ giông bằng hàm trên sẽ bị chết ngay, do thứ dịch cực độc bao quanh con bò sát. Như vậy, đôi khi một kẻ chậm chạp cũng có thể đánh bại những kẻ nhanh nhẹn.

Con kỳ giông, tự tin vào khả năng bất khả chiến bại của mình, ung dung tiến về phía một cành cây lúc nhúc kiến pháo binh. Và... đâm vào một cái gai của cây keo. Nó bị chảy máu, nó sợ hãi kiểm tra vết thương và quay đầu trốn vào giữa những cây bấc. Thứ bất động đã chiến thắng kẻ chậm chạp.

Toàn bộ cư dân trên cây hoan nghênh cái cây như thể đó là một con vật, một con vật đến bảo vệ chúng thoát khỏi loài ăn mồi. Chúng đuổi hết các loại ký sinh còn lang thang trên các cành ra khỏi cây và bón vài gam phân compôt vào chỗ gần rễ cây.

Khi nhiệt độ buổi sáng lên cao, ai nấy lại vào việc của mình. Lũ mối tìm được một mẩu gỗ trôi trên sông. Lũ ruồi hối hả với cuộc trình diễn phối giống. Loài nào cũng tìm được cho mình vùng lãnh thổ ưng ý. Đảo cornigera dâng tặng chúng tất cả những thức ăn cần thiết và tách xa chúng khỏi đám vật ăn mồi.

Dòng sông chứa đầy thứ để ăn: cây trang ba lá có thể ép cho đến khi thu được một thứ bia ngọt lịm, lá tai chuột đầm lầy, cỏ xà phòng có tác dụng tẩy trùng vết thương, gai dầu nước với những chiếc gai có tác dụng bắt cá giúp kiến đỏ hung có được thịt tươi.

Dưới đám mây muỗi và chuồn chuồn dày đặc, lũ kiến thích thú thưởng thức cuộc sống trên đảo cách xa mọi thứ nghĩa vụ cứ lặp đi lặp lại ở các đô thị lớn.

Bỗng tiếng ồn ào vang lên. Hai con bọ hươu đực đang đánh nhau.

Hai con bọ nanh sừng nhọn hoắt đang quay vòng quanh nhau dùng bộ hàm trên vốn phát triển ngoại cỡ để tóm lấy nhau, rồi chúng nâng nhau lên và lật ngược nhau lại. Các vỏ kitin va vào nhau, những cái sừng chạm mạnh vào nhau. Trận đấm bốc chuyên nghiệp. Bụi bặm và ồn ào. Chúng bay lên rồi tiếp tục choảng nhau trên trời.

Khán giả nào cũng hứng khởi hưởng ứng trận đấu tay đôi tuyệt vời này. Trong đám cử tọa, đã xuất hiện những con đập hàm trên tanh tách vì cả chúng nữa, chúng cũng muốn được đánh đấm và tranh hùng.

Trận đấu đang nghiêng về phía kẻ to xác hơn; kẻ còn lại ngã nhào, chân cẳng chổng lên trời khua khua trong không khí. Con bọ hươu chiến thắng giương cặp sừng dài sắc nhọn lên trời ra ý mình đã thành công.

103 nhận thấy một dấu hiệu qua biến cố này. Nó hiểu rằng những khoảnh khắc yên bình trên đảo cây keo đang kết thúc. Đội quân đang nóng lòng muốn được tiếp tục cuộc thập tự chinh. Nếu chúng còn ở lại đây, những cuộc quyết đấu tranh giành bạn tình, những cuộc ẩu đả, cãi lộn sẽ lại lặp lại, đối đầu giữa loài này với loài kia sẽ lại tái diễn. Liên minh sẽ tan vỡ. Lũ kiến sẽ lại gây chiến với lũ mối, lũ ong sẽ lại chống lại lũ ruồi và bọ hung sẽ nghênh chiến với bọ hung.

Cần phải tập trung các nguồn năng lượng hủy diệt này lại, làm chúng hướng về mục đích chung. Cần phải tiếp tục cuộc thập tự chinh. Nó quay sang phải, quay sang trái nói về chuyện đó. Sáng mai, ngay khi mặt trời tỏa những tia nắng đầu tiên, chúng sẽ lại lên đường.

Buổi tối, nằm sâu trong các phòng tự nhiên, chúng đã quen dông dài về mọi điều và về những con khác.

Hôm nay, một con kiến đề xuất chuyện để ghi dấu cuộc thập tự chinh, mỗi con sẽ thay số khi sinh của mình bằng một cái tên, như các kiến chúa vẫn làm.

Một cái tên ư?

Sao lại không chứ...

Phải, chúng ta hãy đặt tên cho nhau.

Các bạn sẽ gọi tôi là gì? 103 hỏi.

Chúng đề xuất gọi nó là “Kiến chỉ huy”, hoặc “Kiến đánh bại chim”, hoặc “Kiến biết sợ”. Nhưng nó quyết định rằng điều xác định đặc tính của nó chính xác nhất là thái độ nghi ngờ và tò mò. Sự vô tri là niềm tự hào lớn của nó. Nó muốn được gọi là “Kiến nghi ngờ”.

Tôi muốn mang tên “Kiến hiểu biết”. Vì tôi biết các Ngón Tay là chúa trời của chúng ta, con 23 lên tiếng.

Tôi lại muốn các bạn gọi tôi là “Kiến là một con kiến”, con số 9 nằn nì, bởi tôi đấu tranh vì loài kiến và chống lại mọi kẻ thù của loài kiến.

Tôi muốn các bạn gọi tôi là “Kiến...”

Trước đây, “tôi” là một từ cấm kỵ. Việc tự đặt cho mình một cái tên chứng tỏ nhu cầu được thừa nhận không chỉ với tư cách một phần của tổng thể, mà còn với tư cách cá nhân riêng rẽ.

103 cảm thấy lo lắng. Tất cả những chuyện này đều không hề bình thường. Nó đứng lên trên bốn chân. Nó yêu cầu bỏ ngay ý tưởng này.

Các bạn chuẩn bị đi, mai chúng ta sẽ khởi hành sớm. Càng sớm càng tốt.

150. BÁCH KHOA TOÀN THƯ

AUROVILLE: Biến cố ở Auroville (viết tắt của Aurore-ville,

tức Thành phố Rạng đông), một thành phố thuộc đất nước Ấn Độ, gần Pondichéry được coi là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của cộng đồng người không tưởng. Năm 1968, một nam triết gia người Bengale tên là Sri Aurobindo và một nữ triết gia người Pháp tên là Mira Alfassa (nghĩa là “Mẹ”) đã tiến hành lập ra ở đây “ngôi làng” lý tưởng. Ngôi làng hẳn là mang hình dải thiên hà để tất cả cùng có thể tỏa sáng từ khu vực trung tâm có hình tròn. Họ chờ người đến từ mọi đất nước. Và người đến đây chủ yếu là người châu Âu với mong muốn kiếm tìm một điều tuyệt đối không tưởng.

Đàn ông đàn bà cùng nhau tạo ra động cơ gió, xây dựng các xưởng thủ công, khơi thông kênh rạch, xây trung tâm thông tin và một xưởng gạch. Họ tiến hành trồng trọt ở nơi vốn rất đỗi khô cằn này. Mẹ viết rất nhiều tập sách kể lại các trải nghiệm tâm linh của mình. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp cho tới khi các thành viên trong cộng đồng quyết định tôn Mẹ làm thánh sống. Thoạt tiên Mẹ từ chối vinh dự ấy. Nhưng vì Sri Aurobindo đã qua đời nên chẳng còn ai đủ mạnh để nhận lấy vinh dự ấy thay cho bà. Thế là Mẹ không thể cưỡng lại được những người tôn thờ mình lâu hơn nữa.

Họ nhốt Mẹ trong bốn bức tường phòng và quyết định rằng vì từ chối trở thành thánh sống, nên Mẹ sẽ là thánh chết. Có lẽ Mẹ cũng không nhận thấy được bản chất thần thánh của mình nhưng chẳng vì thế mà Mẹ không thể là một vị thánh!

Lần cuối cùng Mẹ xuất hiện với vẻ lả đi và như bị sốc. Cứ khi nào Mẹ cố tìm cách nói về cảnh mình bị giam cầm và hành vi đối xử của những người tôn thờ mình là những người này ngắt lời Mẹ và đưa Mẹ trở lại phòng. Dần dần Mẹ trở thành một bà lão già nua héo quắt trước những thử thách mà đám người khẳng định là tôn thờ Mẹ bắt Mẹ phải chịu đựng.

Thế nhưng Mẹ cũng lén chuyển được một bức thông điệp cho bạn bè cũ: bọn người kia tìm cách đầu độc Mẹ để biến Mẹ thành thánh chết, và như vậy Mẹ sẽ trở nên đáng kính hơn. Lời cầu cứu vô ích. Tất cả những ai có ý định giúp đỡ Mẹ đều bị đuổi ra khỏi cộng đồng. Phương thức giao tiếp cuối cùng: giữa bốn bức tường, Mẹ chơi đàn ống để diễn tả bi kịch của mình.

Chẳng ăn thua gì. Có thể là nạn nhân của một liều asen mạnh, Mẹ qua đời năm 1973. Auroville tổ chức tang lễ cho Mẹ như cho một vị thánh.

Thế nhưng không có Mẹ, chẳng còn gì giúp đô thị bền vững được nữa. Đô thị tan đàn xẻ nghé. Các thành viên chống lại nhau. Quên bẵng đi điều không tưởng về một thế giới lý tưởng, họ lần lượt kéo nhau ra tòa và rất nhiều vụ kiện khiến người ta nghi ngờ một trong những trải nghiệm cộng đồng thú vị của con người, trải nghiệm mà từng có thời được xếp vào hàng được kỳ vọng nhất và thành công nhất.

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

Hết chương 150. Mời các bạn đón đọc chương 151!

Nguồn: truyen8.mobi/t40108-ngay-cua-kien-chuong-146-150.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận