Người Đi Bỏ Mặc Câu Thề Truyện ngắn 13


Truyện ngắn 13
TIẾNG GÀ

Vốn sinh ra từ ruộng đồng rơm rạ, vì điều kiện công tác nên ông Phán phải ra sống ở thị thành. Sống, làm việc rồi cưới vợ, sinh con, cưới dâu, gả con cũng ở... thị thành nốt. Thấm thoắt vậy mà cũng đã mấy mươi năm. Mấy mươi năm uống nước máy, ở nhà lầu râu ria thưa thớt dần, chân tay nhỏ lại, da dẻ trắng trẻo ra, mọi nếp sinh hoạt cũng dần thay đổi cho phù hợp với cuộc sống thị thành và đặc biết là phù hợp với bà vợ dân Tràng An... đời F2. Ngẫm lại ông đã làm một cuộc hội nhập gần như toàn diện. Và nếu cứ cái đà ấy thì ông cũng sẽ thanh thản đến lúc tuổi già xế bóng để rồi nhẹ nhàng làm một chuyến ra đi cuối cùng không thể cưỡng về Văn Điển, về với tổ tiên như bao bạn bè. Nhưng khốn nỗi cuộc đời nó không chịu chiều theo ý ông. Ngày chưa nghỉ hưu, công việc nó tất bật, sáng sáng, chiều chiều cứ gọi là quáng quàng chả có thời gian đâu mà tơ với tưởng. Chỉ đến ngày nghỉ hưu, thời gian sao nó nhiều thế, nhiều hơn cần thiết. Thời gian lại thấy càng nhiều hơn đối với một người đã từng giữ những trọng trách rất chi là quan trọng trong thời kỳ tại chức như ông Phán. Thời gian rỗi nhiều, ông đâm nhớ đến nhiều thứ, mơ đến nhiều thứ, đặc biệt là những thứ đã đằm sâu vào trong ký ức ông, những thứ tưởng chừng như đã quên hẳn, mất hẳn giờ lại ùa về. Đó là tiếng gà và tiếng mời uống nước chè xanh. Sáng sáng ông thèm quá, thèm đến quay quắt một tiếng gà gáy báo thức, chiều chiều ông bồn chồn trông chờ được nghe một giọng mời râm ran chè xanh... Cái sở thích nghe tiếng gà gáy sáng không quá đỗi cao sang nên bà vợ thị thành... F2 cũng không nỡ tước nốt đi của ông. Còn tiếng gọi râm ran chè xanh thì bói đâu ra giữa chốn thị thành. Nhất là khi ông đã hồi hưu. Hồi hưu tiếng nói, tiếng hỏi, tiếng chào của bạn bè chiến hữu còn ít nói gì đến tiếng mời! Để đáp ứng được sở thích hồi cố của ông, bà vợ thị thành F2 cũng gặp lắm gian nan. Ban đầu bà ra chợ gà đầu hẻm mua cho ông một con gà trống công nghiệp(loại gà siêu sạch). Ừ! trông cũng oai vệ ghê! Ông Phán vừa ngắm chú gà vừa gật gù, vừa lim dim mắt khi nghĩ đến cái cần cổ rất chi là trường lực kia chắc cũng sẽ trường thanh phải biết. Từ đây rồi cứ sáng sáng, chiều chiều từ ban công tầng tư ngôi biệt thự này tiếng gà nhà ông sẽ bay cao, bay xa lan ra khắp thành phố. Tiếng gà sẽ chở ông về với ước mơ tuổi thơ cua cáy với ruộng đồng, tiếng gà của thanh bình xóm ấp... Ông háo hức đợi chờ cho trời mau sáng, hết nằm rồi lại ngồi. Sáng đó ông háo hức trông chờ tiếng gà, chờ cho đến khi sáng bảnh mắt vẫn không nghe tiếng gáy. Đến khi không còn kiên nhẫn đợi chờ hơn được, hết ngồi rồi đứng bật truyền hình cáp năm mươi sáu kênh không có kênh nào làm ông vừa mắt nữa. Ô hay sao trời lâu sáng quá, sao chưa có tiếng gà? Ngày xưa ở quê, ông chưa tròn giấc thì gà đã gáy thức mẹ ông dậy ra đồng, ra chợ, ông chưa tròn giấc thì gà đã gáy cho cha rít thuốc lào rồi dong trâu vào núi... sao nay, sao nay... .có thức đêm mới biết đêm dài... đợi mãi, đợi mãi khi không còn kiên nhẫn được nữa, ông đến bên cửa sổ mở tung cả hai cánh ra và lóa cả mắt. Trời sáng tự bao giờ? Sao không nghe tiếng gà gáy? Vội vàng ông chạy ra chuồng gà xem. Ôi thôi con gà đẹp mã, sạch sẽ, tinh tươm đang còn bận ngủ vùi. Vâng! Ngủ vùi, ngủ thực sự chứ không phải ngủ gà, ngủ gật. Ông buồn rầu trở vào nhà pha trà uống một mình. Nhạt thếch, chán ngắt. Chả có gì chán hơn khi phải uống trà một mình! Chả bù cho ngày xưa, cái ngày xưa ngỡ như thân ái ấy, anh anh, em em, bằng bằng, hữu hữu bù bù, khú khú bên chén trà, cốc rượu sao mà râm ran, sao mà nhộn nhịp, sao mà bốc đồng, tán dương nhau nhiều đến thế?!

 

*

*    *

 

 Bà vợ thấy thương ông chồng hay hồi cố lại ra chợ. Lần này bà mua về một chú gà trống Tam Hoàng. Cũng sạch sẽ, đẹp mã, đầy đủ mọi thứ, nhưng - lại nhưng- chỉ thiếu mỗi tiếng gáy! Thế là hai con gà trống lần lượt được tắm nước sôi. Ông buồn bà có vui đâu bao giờ! Lần này bà quyết chí chiều chồng, bởi bà tâm tâm, niệm niệm một câu: "nuôi hưu còn hơn nuôi heo”. Ông sống vui, sống khoẻ thêm được ngày nào có lợi cho con cháu ngày đó. Khi tư tưởng đã thông thì lòng bà phải quyết, nhân chuyến đi lễ chùa, bà về hẳn quê tìm mua cho ông một con gà thả rông, gà đồi, gà chó đuổi đứt hơi. Khi bà đưa chú gà trống về đến nhà, ông nheo nheo đôi mắt già nhìn ngắm và kí ức tuổi thơ xa lắc lơ lại hiện về. Ông ôm chú gà reo lên như trẻ nhỏ: "Ôi con gà trống kiến của tuổi thơ ta, bà muôn năm và gà vạn năm..." Giống gà trống kiến, trống ta, trống ré tuy hơi nhỏ con trông lại còn bân bẩn nhưng được cái tiếng gáy thổ đồng to, dài, vang xa đáo để, ông đã toại nguyện, đã tìm lại được chí ít một phần nhỏ của cái gọi là ngày xưa. Nhưng- vẫn lại cái chữ nhưng chết tiệt- chú gà trống kiến đã chuyển hộ khẩu ra thành thị rồi nhưng vẫn giữ nguyên nếp sống quê. Cô đơn, xa mấy ả gà mái, buồn tình nên lại càng... hay gáy. Ông buồn, tất bà sẽ buồn! Nhưng ông vui chưa chắc bà đã vui! Đặc biệt là mấy cô mấy cậu trong nhà, rồi lan sang cả các nhà hàng xóm. Tiếng gà bay đến đâu thì ông bà được ở đó trả về cho bao lời bực bội, bao tiếng bức, tiếng chì. Nào là cái sở thích nhà quê, nào là H5N1... Mọi sự rút kinh nghiệm thường quá muộn. Chú gà ta có tiếng gáy thổ đồng khi kịp nhận biết một chân lý: Hóa ra người thành thị không phải thức khuya, không phải dậy sớm như người nông thôn. Họ không phải thức khuya dậy sớm nhưng họ vẫn có được cuộc sống no đủ hơn người thôn quê. Họ không phải dậy sớm nên tiếng gáy của chú ta cứ gióng giả, thổ đồng lúc năm giờ sáng rất chi là có ích cho bà con nông dân nhưng ngược lại đã làm kinh động đến giấc điệp của bao người thành thị thì đã quá muộn, nồi nước bắc trên bếp ga đã bắt đầu sủi tăm, lá chanh đã được thái nhỏ... Nào phải sự nhiệt tâm nào cũng tốt! Muộn quá khi biết được điều đó, muộn quá mất rồi.

 Từ đó bà nhà cũng không còn kiên trì đi tìm gà cho ông nữa. Trọn đời ông mãi đến khi nhắm mắt vẫn thiếu mỗi một tiếng gà!

 

 NT

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88900


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận