Việc đầu tiên co muốn làm ở Copenhagen là đi xem pho tượng Nàng Tiên Cá. Ngay từ ở Hà Nội cô đã quyết như thế. Nàng Tiên Cá. Và thêm bảo tàng nhà văn Andersen. Người viết ra truyện ngắn mà cô đọc từ nhỏ. Chuyện về Nàng Tiên Cá.
Trại sáng tác quốc tế mở ra cho những nhà điêu khắc và họa sĩ trẻ. Ba tháng ở Copenhagen cơ mà, tha hồ thời gian. Nhưng cô biết, rất nhiều khi người ta chăm chăm đi thăm thú những nơi ngoại vi, những vùng xa, mà lướt qua những cái ở gần. Tự bảo, cái ở gần thăm lúc nào chả được. Cứ thế, suốt một đời có khi ta cũng chẳng đến. Như trong thành phố ta sống chẳng hạn.
Buổi sáng cô đi bộ xuyên qua mấy khu phố cổ Copenhagen lên phía đông bắc thành phố. Đường phố trung tâm nhiều xe đạp vun vút lướt qua. Thành phố Bắc Âu giờ nhiều xe đạp, đường phố tiện cho xe đạp, xe đạp lại tốt cho môi trường. Cô đã định dùng xe đạp của một anh bạn họa sĩ trong trại, nhưng lại chọn đi bộ. Nàng Tiên Cá đã lên bờ đi trên những con đường này, đi bộ. Nàng mới đổi cái đuôi cá lấy đôi chân người.
*
*
Nhà văn Andersen kể trong truyện ngắn xuất bản lần đầu năm 1837: Nàng Tiên Cá mê vị hoàng tử trên chốn trần gian. Nàng nhờ mụ phù thủy đổi cho kiếp tiên cá lấy kiếp người để lên bờ đi tìm hoàng tử. Lâu lâu trước đó, có lần hoàng tử bị rơi xuống nước. Nàng lao đến cứu, đưa chàng vào bờ khi chàng vẫn còn mê man. Cứ thế mà tơ tưởng cho đến khi nàng bước những bước chân người lên bờ. Lên bờ rồi thì nàng hoàn toàn câm lặng, nàng không có giọng nói của con người, giọng nói và tiếng hát đã phải đánh đổi lấy trái tim con người. Nàng không thể thổ lộ, không thể nói được rằng chính nàng đã cứu hoàng tử. Định mệnh là Nàng Tiên Cá sẽ phải chết vào ngày hoàng tử cưới nàng công chúa láng giềng, chàng tưởng là công chúa đã cứu chàng. Các chị của Nàng Tiên Cá nổi lên mặt nước, trao cho nàng một con dao. Chỉ còn cách đâm con dao ấy vào tim hoàng tử thì nàng mới trở lại được kiếp tiên cá, nàng sẽ sống thêm ba trăm năm nữa. Không. Nàng Tiên Cá chọn cách lao mình xuống nước, chấp nhận kết cục bị tan thành bọt biển...
Lãng mạn nhỉ. Mong manh nhỉ. Thế mà câu chuyện gần hai trăm năm qua đã mê hoặc bao nhiêu người. Thế mà câu chuyện làm một cô gái Việt lúc này phải đi bộ dọc theo bến cảng đông bắc Copenhagen. Cứ căn theo bản đồ cô đi. Loanh quanh một lát thì lạc lối. Bờ vịnh đã rất gần rồi, cô lại lạc vào pháo đài Kastellet. Pháo đài ba trăm năm trước là nơi đóng quân của lực lượng phòng thủ Copenhagen. Pháo đài bây giờ là doanh trại quân đội. Quân doanh gì mà dân thường cứ được phép đi qua những chiếc cầu bắc ngang con kênh bảo vệ vòng quanh thành, cứ qua cổng bảo vệ, cứ leo lên cả tường thành ngắm nhìn bến cảng.
Loanh quanh thêm một lúc nữa, cô mới đến được chỗ Nàng Tiên Cá.
Bàng hoàng.
Tảng đá nàng vẫn ngồi bây giờ trơ ra đấy. Trên đó không có Nàng Tiên Cá. Chỉ có tấm ảnh chụp pho tượng, đây là tượng Nàng Tiên Cá, đây là tảng đá nàng ngồi, đây là sóng nước. Dưới tấm ảnh là những dòng chữ giái thích: tượng đá được gửi ra nước ngoài, trưng bày tại một hội chợ quốc tế và sẽ được đưa về vào ngày ấy tháng ấy.
Tóm lại là lúc này, trước mắt cô chỉ có cái bệ tượng, chỉ có tảng đá.
Bờ vịnh vắng. Bến cảng vắng. Tảng đá trống vắng. Bệ tượng không có tượng. Không có ai ngồi trên ấy. Thốt nhiên cô nảy ra ý thử lên ngồi trên ấy. Nghĩ là làm. cô neo lên cái tảng đá cao quá đầu người. Hai chân xếp xuôi ra sau về bên trái, tay phải chống lên tảng đá. Đúng tư thế pho tượng. Nghệ sĩ điêu khắc hiếm khi ngồi làm mẫu cho người khác nặn tượng, cũng như họa sĩ hiếm khi ngồi làm mẫu trước tấm toan. Chỉ người đời mới phải thành nhân vật cho nhà điêu khắc. Còn bây giờ nhà điêu khắc trở thành nhân vật, trên tảng đá này. Cô đã thành Nàng Tiên Cá. Nói cho chính xác, cô đã thành pho tượng Nàng Tiên Cá.
*
* *
Tôi. Pho tượng. Tôi sinh năm 1913. Hoài thai bốn năm trời mới sinh ra được. Chẳng là năm 1909 ông vua bia Đan Mạch là Carl Jacobsen mê mẩn vở ballet Nàng Tiên Cá đến mức ông đi đặt làm tượng. Nhà điêu khắc Edvard Eriksen nhận lời làm. Nhà điêu khắc là cha sinh ra tôi. Vợ ông chịu ngồi làm mẫu cho ông mượn thân hình thanh mảnh của nàng. Gương mặt và cái đầu Tiên Cá, ông lấy của nữ nghệ sĩ ballet danh tiếng đương thời Ellen Price. Bàn tay phù thủy của nghệ sĩ làm hài hòa hồn nọ vía kia. Nhưng có khi đấy cũng là điềm báo khiến tôi bị cưa đầu những hai lần. Cưa. Lấy kéo mà cưa đứt rời ra. Hồn nọ vía kia. Nhưng đấy là chuyện tôi sẽ kể về sau. Giờ hãy biết là pho tượng được dựng trên bến cảng sau bốn năm. Nàng Tiên Cá tôi ở thế ngồi cao 1,25 mét, nặng 175 cân.
*
* ★
Tụt xuống khỏi bệ đá, trên đường trở về qua những phố cổ, cô không phải nhìn đến bản đồ cầm tay, cũng không phải hỏi đường. Thế mà không bị lạc lối. Như là vừa từ dưới vịnh lên bờ và đã lang thang trên phố cổ suốt cả trăm năm nay.
Vài tuần sau thì có tin Nàng Tiên Cá đã được đưa về trả lại chỗ cũ. Hội chợ đã hết. Người nào vật nào về chỗ ấy. Có ra bờ vịnh. Tượng đấy. Ngồi đăm chiêu. Hay là thẫn thờ. Hay là tương tư. Hay là tuyệt vọng. Du khách người bình thế này người bình thế nọ. Nhiều người kêu sao tượng bé tí hin thế này thôi à. Bến cảng trời nước mênh mông làm cho tượng càng bé.
Tối hôm ấy, cô lại tản bộ ra bờ vịnh. Chắc sẽ được một mình đối diện pho tượng. Một mình.
Đúng là một mình.
Chỉ có tảng đá trơ ra đấy.
Không có pho tượng.
Chẳng nhẽ đêm đến người ta mang tượng cất đi để bảo vệ hay sao? Không hề nghe ai nói chuyện đó. Không hề.
Cô leo lên tảng đá. Ngồi vào chỗ pho tượng mới ban ngày còn thấy. Bỗng nhiên, cô nhớ chuyện sáng nay đi với anh bạn họa sĩ Đan Mạch ra vẽ ở bờ vịnh. Anh vẽ sơn dầu. Một cơn gió bỗng lồng từ ngoài vịnh vào hất tung tấm toan, làm sơn màu vung vãi trên bức tranh đang vẽ. Tóe loe. Nhem nhuốc.
★
★ *
Tôi. Pho tượng. Nhiều lần tôi bị bôi sơn trát thuốc. Lần đầu có kẻ đang đêm leo lên bệ đá, vẽ lén người tôi một bộ bikini, vẽ gần một giờ thì xong. Sơn dầu. Đấy là năm 1961. Cuối năm ấy thì một bọn khác leo lên sơn tóc tôi thành màu đỏ. Năm 1963 là dịp sinh nhật lần thứ năm mươi của tôi, tôi chỉ biết ngồi im khi bị chúng sơn đỏ từ đầu đến chân.
Một hôm khác, cô đi ngang pho tượng lúc chiều tà. Du khách vẫn đấy, vẫn chụp ảnh, vẫn kêu sao tượng bé. Buổi tối, bỗng dưng cô nghĩ, thử kiểm chứng xem buổi tối pho tượng có còn nguyên ở đó hay không?
Không. Lại chỉ có cái tảng đá trống không. Tảng đá trống như mời mọc cô leo lên. Thì lên. Lại ngồi xếp chân xuôi ra sau về bên trái. Lại chống tay vẩn vơ.
*
★ ★
Tôi. Pho tượng. Có lần vào giữa thế kỷ hai mươi, người ta phát hiện ra mấy phát đạn trên mình tôi. Hoảng hồn. Đang lúc thanh bình, ai bắn, bắn lúc nào, sao chẳng người nào biết. Đem đi phẫu thuật chẩm mỹ. Đem đi giám định điều tra. Cảnh sát kết luận đầu đạn là của đạn súng trường và súng ngắn Đức, chứng tỏ tượng bị bắn trong thời gian chiến cranh thế giới thứ hai. Cả đất nước thở phào. Không phải là vụ khủng bố khi đất nước đã thanh bình.
Nhưng rồi cũng không nhẹ nhõm được lâu. Tôi hai lần bị cưa đầu. Tử hình. Một lần bị cưa tay. Làm
cho tàn tật. Chúng làm vậy vì lẽ gì. Tôi đâu biết. Tượng đồng chỉ biết ngậm miệng. Nàng Tiên Cá bằng xương bàng thịt cũng chỉ biết ngậm miệng. Nàng đã phải đổi giọng nói tiếng hát lấy trái tim người. Tim người phải yêu, phải đau, đổi làm gì. Nhưng mà nàng cứ đổi. Giờ thì tôi phải ngồi yên cho chúng nó cưa đầu, đêm 24 tháng 4 năm 1964. Người ta phải làm cho tôi một cái đầu khác, vẫn là gương mặt của vũ nữ ballet Ellen Price. Ba mươi tư năm sau, đầu cũ chưa tìm được thì tôi lại phải ngồi im cho chúng cưa đầu lần thứ hai, năm 1998. Lần này thì chúng trả đầu. Ba ngày sau, chúng bỏ cái hộp đựng đầu tôi trước trụ sở đài truyền hình Copenhagen.
Còn cánh tay tôi bị cưa vào năm 1984. Tay phải. Chính cánh tay chống xuống tảng đá này. Xoèn xoẹt chúng cưa. Doanh trại quân đội trong pháo đài không xa mà chẳng ai biết gì. Hai thằng cứ thế mà xoèn xoẹt. Cưa thì quyết tâm. Cưa thì hào hứng. Nhưng ngày hôm sau chúng suy sụp. Mặc cảm tội lỗi. Hai thằng đến đồn cảnh sát trả lại cánh tay tôi và tự thú.
Sau đó, ông cảnh sát trưởng Copenhagen có lần tuyên bố: “Tấn công Nàng Tiên Cá cũng như bắt cóc nữ hoàng. Đó thậm chí là một vụ giết người không có máu chảy”.
★
★
Giờ thì cô đã như thành thói quen. Hễ hôm nào ngang qua pho tượng lúc ban ngày, thấy nàng ngồi đấy, thì buổi tối cô không cưỡng được ý muốn đi ra bến
Cảng. Ra đến nơi và trèo lên trên tảng đá. Ngồi. Một mình nhìn ra vịnh. Nhìn bờ bên này bờ bẽn kia. Tàu ra thuyền vào. Đèn trên bến dưới tàu lấp lánh. Rồi chìm đi trong màn đêm.
Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Đi đêm lắm có ngày gặp cưa. Ở đây. Lúc này không cưa mà có đứa mang thuốc nổ đến.
*
★ ★
Giống như chúng đã mang thuốc nổ đến vào đêm tháng 9 năm 2003. Tôi. Pho tượng. Chúng cho gài thuốc nổ bên mình rôi rồi châm hỏa. Tôi chỉ còn cách im lặng. Thản nhiên. Một đời tôi đã chịu nhiều bi thương. Không kêu cứu. Không la hét. Tôi bay lên không trung, quay một vòng như tiên cá quẫy mình nhảyv lên đớp trăng. Đớp vào đám khói dầu tàu xuồng xả ra. Rồi rơi xuống đáy vịnh nằm giữa lớp bùn cũng có cặn dầu. Một tháng trời tôi được đưa vào xưởng đồng để chữa trị. Một tháng ấy người ta dựng một tấm biển gần bệ đá như bản thông báo thương tật: một lỗ thủng ở chân, chân tay nứt, đầu bị móp và mặt sây sát.
Lúc này cô đang ngồi trên tảng đá thì có đứa mang thuốc nổ đến. Hai thằng léo xéo trao đổi. Chẳng nhẽ đất nước này không còn gì khác đáng kể. Chẳng nhẽ đất nước này không có gì khác đáng quan tâm, ai ai đến đây cũng chỉ tiên cá với lại tiên cá.
Một thằng đứng dưới, nhô nửa thân hình lên. Thằng kia trèo hẳn lên tảng đá. Phải đến lúc trèo hẳn lên thì nó mới nhận ra một điều gì đó. Cô định kêu lên. Không biết tiếng Đan Mạch thì ít nhất cũng phải kêu lên. Tiếng Anh. Tiếng Việt. It’s me. Tôi đây. I’m not the statue. Tôi không phải là tượng. Nhưng cô đã mất tiếng. Và thằng trèo lên cũng đã nhận ra. Nó vẫn thấy đó là pho tượng. Đúng cái dáng ngồi chống tay phải xuống tảng đá. Đúng đôi chân xếp về bên trái xuôi ra phía sau, vuốt xuống thành cái đuôi cá. Đúng gương mặt nàng Ellen Price lờ mờ trong đêm. Nhưng mà có cái gì rất khác. Hình như là hơi hướm. Hình như là thần thái. Hình như là một tư thế sẵn sàng quật cường.
Bỗng nhiên nó bảo, thôi thôi. Thằng kia hỏi, sao sao. Giật mìn cũng được, nhưng không phải là đêm nay. Không đêm nay thì đêm nào. Đêm nào cũng được nhưng không phải đêm nay.
Cứ thế chúng đi.
Cô lặng người. Hai đứa kia chìm vào màn đêm rồi, cô vẫn lặng ngưòi. Bất chợt cô nhận ra có một cái bóng ngồi trước mặt mình nãy giờ. Chắn ngay đằng trước. Hình như cái bóng chỉ đến ngồi chắn khi hai thằng nọ trèo lên. Bây giờ cái bóng thoát ra đúng dậy. Cái bóng khẽ khàng trèo xuống khỏi tảng đá. Đi lên bờ.
★
* *
Cô rón rén xuống theo đi theo.
Cái bóng đi vào phố cổ. Tuyến đường ngoằn ngoèo đi qua trước hoàng cung. Nơi ấy ngày xưa có chàng hoàng tử mà Nàng Tiên Cá mê đắm. Nhưng chàng ta không hề biết người thực sự cứu chàng đang câm lặng đứng ngoài kia. Câm lặng đứng nhìn nhìn đám cưới của chàng với người mạo nhận cứu chàng. Cái bóng bây giờ cũng đứng nhìn vào hoàng cung. Lâu lâu. Rồi đi tiếp. Giờ thì cô đã nhận ra cái bóng đang đi về khu vườn giải trí lớn bậc nhất vùng Bắc Âu. Công viên Tivoli. Hàng chục cái đu quay, vòng quay, tàu dóc ngược mạo hiểm. Hàng mấy cái sâán khấu ngoài trời, rạp chiếu phim, thủy cung náo nhiệt. Đúng lúc pháo hoa rực rỡ bắn đùng đùng lên trời. Đêm nay thứ bảy. Thứ bảy nào công viên Tivoli cũng bắn pháo hoa lúc không giờ. Pháo hoa ấy như cái đêm hoa đăng trên con tàu lúc hoàng tử bị rơi xuống biển. Và Nàng Tiên Cá đã đến cứu chàng.
Pháo hoa tắt. Vườn Tivoli chìm vào bóng đêm. Cô kịp thấy cái bóng đi về phía hồ nước trong công viên. Một cái hồ nhỏ. Đến đấy thì không thấy cái bóng đâu nữa.
Giữa hồ có một pho tượng Nàng Tiên Cá. Giống hệt. Cùng kích thước.
Bên bờ hồ có tấm biển. Ánh đèn điều chỉnh đủ độ để người ta có thể đọc được những dòng chữ trên đấy: những người thừa kế của nhà điêu khắc Edvard Eriksen đã hào phóng cho dựng lên phiên bản pho tượng này để những ai đến vườn Tivoli cũng có thể gặp được Nàng Tiên Cá.
Có lý. Lúc nửa đêm này ở bến cảng ngoài kia không có Nàng.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!