Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 15

Chương 15
Phú ốm nặng. Anh bị ho nhiều và sốt về buổi chiều. Mai Du lo ngại chở chồng đi thử "măng-tu".

Tuy biết là có bệnh, nhưng Phú không muốn nằm viện. Mai Du theo đơn bác sĩ, mua thuốc về tiêm cho chồng. Mai Du bảo với Phú: "Hồi ở dưới huyện H, quen bệnh viện, thỉnh thoảng em vẫn đến học tiêm. Sau đó, có một thời gian bị viêm phế quản, em đã tự tiêm cho mình, thành thạo rồi. Anh cứ yên tâm, không đi viện thì ở nhà em tiêm cho!". Khi Mai Du đã hút một ống B12 vào sy-ranh, Phú vẫn giãy nảy không chịu tiêm. Vừa tiếc ống thuốc, vừa muốn trấn an chồng, cô vén đùi chích luôn ống thuốc vào chân mình. "Anh xem này, có làm sao đâu nào?". Một lát, nhằm lúc bạn Phú đến thăm, Mai Du hút vào ống tiêm một lọ kháng sinh. Mọi người động viên, Phú không thể chối. Hôm sau, Mai Du nửa đùa nửa thật nói với chồng: "Vạn sự khởi đầu nan, đầu đã đi thì đuôi lọt; đã tiêm một mũi là phải tiêm hết thuốc. Kháng sinh mà tiêm dở dang một hai ống thì càng gay go đấy anh!".

Hết thuốc lại xin đơn mua. Thoạt đầu tiêm bắp, sau Mai Du học cách tiêm thẳng vào huyệt phổi cho chồng. Vỏ lọ thuốc chứa đầy một rổ! Mai Du tự mình điều trị cho chồng suốt sáu tháng liền. Y tá, bác sĩ, hộ lý, cấp dưỡng của "bệnh viện nhà" đều ở một tay cô cả!

Người mẹ trẻ chở mấy đứa con đi thử "măng-tu", may mà không đứa nào hề hấn gì. Cô lại đạp xe chở chồng đi khám lại. Anh bác sĩ X quang đọc phim xong bảo với Phú: "Tốt rồi! Phổi sáng rồi! Không phải tiêm nữa đâu!". Hai vợ chồng cùng cười.

 

*

*       *

 

Mùa xuân năm 1975. Trên khắp các chiến trường miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra thần tốc. Ngày thống nhất đang đến gần. Mai Du lên phố tìm mua một lá cờ mới để treo ngày chiến thắng.

Một buổi tối, Phú về, reo vui (đã lâu rồi Mai Du mới được thấy chồng vui):

- Mai anh bay vô Nam, vậy là mình kịp dự 30-4 và 1-5 ở Sài Gòn. Anh rất mừng.

- Mới khỏi bệnh, liệu anh có bay nổi không?

 

Mai Du muốn chia vui với chồng, nhưng cô vẫn ái ngại cho sức khỏe của anh.

- Khỏi hẳn rồi, khỏe lắm rồi! Mình được bay chuyến đầu tiên xuống sân bay Tân Sơn Nhất...

Phú phấn khởi ra đi mấy tuần. Anh viết thư về cho vợ, kể chuyện Sài Gòn giải phóng, tướng tá ngụy đầu hàng. Mai Du say sưa đọc, hình dung chồng mình đang rất vui: Lần đầu tiên vào Sài Gòn, anh được chứng kiến tận mắt cảnh tượng hồ hởi của cả dân tộc trong ngày đại thắng. Lòng Mai Du cũng như reo lên!

Khi trở về, Phú đưa tặng mỗi người một món quà nhỏ. Riêng với Mai Du, anh để lên gác mới đưa: một chiếc đồng hồ đeo tay mạ vàng. Lần đầu trong đời có đồng hồ đi dạy học, Phú biết rằng Mai Du rất thích. Trưa hôm sau, Mai Du đeo cái đồng hồ Phú tặng đi đến trường. Cô Sinh nhìn chòng chọc vào tay trái của chị dâu, bật ra mấy tiếng bực dọc: "Quà cho vợ thì thế, mà quà cho em thì... thì...". Ý chừng cô em chồng so kè món quà anh trai tặng mình không đáng giá bằng chiếc đồng hồ anh tặng vợ! Mai Du im lặng ra đi, lòng thầm nghĩ: "Cô này lấy chồng rồi, hai mặt con rồi mà vẫn chưa hiểu gì về tình cảm vợ chồng?!".

Mai Du cố cắt nghĩa để thông cảm với em chồng: "Hay là bởi tại chồng cô ấy ở mãi trong quê, năm thì mười họa mới ra? Hay là bởi tại bố mất sớm, cô ấy quen được cả nhà cưng chiều?".

 

Bà Thiệu thấy con trai trở nên vui vẻ, chan hòa trò chuyện với vợ con, lại ra chiều không hài lòng. Những lo ngại rằng sự gần gũi của vợ chồng nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con trai mình, bà mắng con dâu: "Đạo đức giả, lo cho chồng đầu cửa miệng, không biết bảo vệ sức khỏe cho chồng!". Rồi bà nghĩ ra một kế: bắt con trai đưa giường xếp xuống phòng dưới, nằm ngay cạnh bà. Bà bảo cậu con trai "độc đinh" của bà: "Mới ốm dậy, phải lo giữ gìn, không thì chết sớm, chỉ thiệt cho cái thân mình!". Để đổi lấy chữ "hiếu", tất nhiên Phú cũng chiều theo cho mẹ anh hài lòng! Nhưng để giải thích về việc "cách ly" ấy của mình, Phú nói với người anh họ trước mặt Mai Du - cũng là nói với vợ: "Bà muốn sao thì làm vậy. Không tranh phải trái, đúng sai với bà!". Mai Du hiểu chồng - anh ấy không thể nói cho bà mẹ hiểu, sự gần gũi trong quan hệ vợ chồng còn là sự quan tâm, chăm sóc, tâm tình giúp đỡ lẫn nhau, chứ đâu chỉ có là phần xác? Cho nên, cô chỉ biết đứng lặng giây phút khi là người đi ngủ sau cùng, hay là người dậy sớm đầu tiên của cả nhà, để nhìn trộm một chút vào cái giường xếp, ngắm vội gương mặt chồng.

Và rồi, vẫn cái cách trò chuyện với chồng bằng thư, một buổi tối, sau giây phút đứng lặng nhìn trộm mặt chồng, và sau khi đã e ngại cảm nhận đầy đủ nỗi niềm sâu lắng của mình: "Giận thì giận, yêu còn yêu. Càng thương quý lắm càng nhiều xót xa!". Mai Du rón rén bỏ vào túi áo chồng một bài thơ:

THƯƠNG

Cảm thông cảnh ngộ của bà

Một thân ở vậy đến già nuôi con

Lưng còng, tóc bạc, vai mòn

Phải đền chữ "hiếu" cho tròn mới nên!

Ái ân gác lại một bên

Nhạt tình chồng vợ cho yên lòng già!

...

Nhưng rồi tháng lại ngày qua

Thương anh "khó xử" em đà hết xuân!

Quả thật Mai Du vừa thương chồng, thương mẹ chồng, lại vừa thương xót cho chính cái thân phận trớ trêu của mình! Lẽ tất nhiên chồng Mai Du đọc thấy. Nhưng liệu anh sẽ nghĩ gì và sẽ làm được gì?

 

*

*       *

 

Chị Thiệu của Phú ra thăm ngoại. Chị cũng muốn nhân thể góp được chút nào cho ổn chuyện nhà cậu em. Vốn tính dễ dãi và cũng có hòa hợp, chị vui vẻ đứng chuyện trò với Mai Du. Thấy vậy, bà Thiệu mắng con gái cả: "Mày nói chuyện với nó làm gì? Mày đừng có nghe mồm nó!". Chị Thiệu cười cười: "Kìa mẹ! Sao mẹ lại nói thế?". Một lát, nghe tiếng con bé lớn nhà cô Sinh khóc nhè ở ngoài sân, bà Thiệu từ nhà dưới chạy lên sấn sổ quát vào mặt Mai Du: "Tại sao mày xúi con mày đánh con nó? Mày tai ác vừa vừa chứ!". Chị Thiệu lại cười cười nhưng cái cười đã méo xệch đi khi phải cãi lại chính lời mẹ mình để bênh vực cho em dâu: "Mẹ đừng nói thế mẹ! Mai Du và con đang nói chuyện đây, có xúi giục gì đâu! Trẻ con khóc nhè là thường!". Chẳng hiểu bà Thiệu có sượng sùng không? Mai Du đang những muốn mách với chị cả: bà nói mình "là con đĩ, quyến rũ con bà, cướp hạnh phúc của nhà bà!", nhưng lại nghĩ, tình máu mủ ruột thịt, chị ấy có tin không? Mà tin thì dám làm được gì? Mai Du đành im bặt, như cô từng im bặt không dám kể lại với chồng mọi nỗi tai ương chồng chất mà bà mẹ và cô em chồng đã gieo rắc lên đời cô bấy lâu nay! Chả chắc anh ấy đã tin có sự quá quắt đến thế! Mà tin thì làm được gì? Rồi lại thêm mang cái tiếng xúi giục chồng mà thôi!

 

*

*       *

 

Bà nội về trước để giải quyết chuyện nhà cửa. Gần Tết, Phú bảo với vợ: "Ta cho các con về quê ăn cái tết cuối cùng trước khi bà bán nhà. Vả lại, còn để giúp bà làm thủ tục giấy tờ...". Mai Du thuận theo ý chồng. Nhưng mấy em gái cô thì hoảng hốt can ngăn chị:

- Một mình sức yếu, con thơ nơi xa lạ, coi chừng mà... Xảy ra điều gì thì làm thế nào?

- Có anh Phú! Chị đi với chồng chị mà!

- Anh Phú thì làm được gì? Ở đây đã xảy ra bao nhiêu điều, anh ấy làm được gì cho vợ nào?

- Anh ấy hiếu với mẹ, trách làm gì? - Mai Du


chống chế.

- Một chữ "hiếu" mù quáng! Hiếu với mẹ mà đến nỗi không biết phải trái, không dám dạy bảo em gái nửa lời về cái đạo làm người?

- Chắc là anh ấy đi xa lâu ngày nên chiều cô em, chiều bà! - Mai Du lại bào chữa cho chồng.

- Nghe nói nhà trong ấy có cái giếng? Nhỡ khi "nó"...?

- Chị nghĩ rằng không đến nỗi như vậy đâu!

- Vẫn phải cảnh giác, phải đề phòng! Cái đồ lăng loàn vô đạo ấy...

Nghe chị em Mai Du tâm sự, bà Trầm hiểu tính con gái lớn, bà bảo:

- Các con đừng can ngăn! Cứ để tự chị giải quyết! Mẹ tin Mai Du tự biết mình phải làm như thế nào?

 

Mai Du nhớ câu "xuất giá tòng phu". Cô chuẩn bị chu đáo cho chồng con một chuyến đi xa, dài ngày: chẳng những thức ăn, nước uống, quần áo, thuốc men..., cô còn mang theo cả một can nước rửa mặt cho các con sạch sẽ, đàng hoàng, đừng vì tàu xe chật chội, khó khăn mà nhếch nhác quá!

Con tàu Hà Nội - Vinh lăn bánh chầm chậm đến cái ga xép cuối cùng. Phú đứng nhìn ra sân ga. Chợt, anh thốt một câu lửng lơ: "May quá! Nó đi rồi!", và thở phào nhẹ nhõm. Thì ra anh vừa trút bỏ được mối lo nặng nề trong suốt cuộc hành trình: một cuộc đụng độ quyết liệt nữa có thể xảy ra khi cô em chồng gặp chị dâu ngay trên thông thổ nhà mình! "Nó" - em gái anh lên một toa tàu đằng trước để đi về quê chồng, khiến anh hoàn toàn yên tâm.

Phú hồ hởi xuống tàu, đưa vợ con thủng thẳng đi ra ngoài cửa ga. Mấy bà bán quà vặt nhìn thấy ba đứa con trai sàn sàn nhau, ra chiều thích thú lắm. Họ gọi bọn trẻ:

- Đến đây! Đến đây bà coi mồ (nào - tiếng địa phương).

Rồi họ kháo với nhau:

- Ba thằng!

- Ba "Cặc"! Sướng chưa tề! (kìa)

- Đứa mô cũng giống cha hề! (nhỉ)

- Mẹ ni (nà y) có hiếu với nhà chồng lắm đó!

 

- Ả ni (chị này) chắc được mụ gia (mẹ chồng) chiều lắm đó!

Phú cả cười vui vẻ. Mai Du sung sướng nhận ra đất quê chồng cũng quý người, và nhất là quý ba thằng con trai của cô - một niềm sung sướng mà cô chưa hề có trong ngần ấy năm được làm mẹ, ngần ấy năm đi lấy chồng!

Bà Thiệu bán nhà được mấy triệu. Bà tính cho mỗi đứa con đẻ vài trăm nhưng Phú nhất định không nhận một đồng nào của bà: "Bà gửi tiết kiệm cả đi, mà để dành!", anh bảo với mẹ như vậy. Trái lại, cô Sinh thì "mượn" thêm bà mấy nghìn để mua cái nhà ra ở riêng đầu lối xóm. Phú và Mai Du cùng mừng.

Nhưng chưa được bao lâu, một buổi chiều, vừa ở trường về, đang định đi nhà trẻ đón thằng út, Mai Du chợt thấy có anh công an dừng xe đạp trước cửa nhà mình:

- Nhà đây có ai tên là Sinh?

Mai Du lắc đầu rằng không, song chợt nhớ cô Sinh chưa chuyển hộ khẩu, vội trả lời:

- À có, có ạ. Đó là em chồng tôi!

- Cô ấy bị tai nạn xe cộ, đưa vào bệnh viện Bạch
Mai rồi!

- Bị thương nặng hay nhẹ? Cô ấy có tỉnh không?

- Chưa tỉnh. Cảnh sát giao thông đưa vào viện. Một người qua đường cho chúng tôi địa chỉ ở đây.

 

- Vâng, vâng, cảm ơn anh. Tôi sẽ đến ngay ạ!

Anh công an phóng xe đi. Mai Du một thoáng bối rối: bà đang về Vinh giúp chị Thiệu mới sinh, anh Phú đi công tác, chỉ có mấy mẹ con ở nhà, làm sao bây giờ? Cố trấn tĩnh, cô nhận ra việc đầu tiên phải làm là đến nhà mẫu giáo đón hai đứa con cô em chồng về nhà mình. Nhốt cả năm đứa trẻ trong nhà, Mai Du vào bệnh viện để "mục sở thị": cô Sinh nằm đó, đang trong cơn hoảng loạn! Anh công an rút lui vội, sau khi đã trả người bị nạn cho "gia đình" với vài thông tin vắn tắt: "Một cái rơ-moóc đập vào vai, cô ấy ngã xuống đường, đang nghi chấn thương não!".

Phần ở bệnh viện, phần lo ở nhà, Mai Du đang lúng túng thì có vài cô bạn của Sinh, cùng bà mẹ và cô em gái anh lái xe tải gây tai nạn đến. Như một người chỉ huy tác chiến trước giờ xông trận, Mai Du phân công: "Bây giờ thế này, chuyện phải trái xử lý gì là chuyện của công an, sau hẵng hay. Trước mắt phải thay nhau trông nom cô ấy. Tôi còn lo năm đứa trẻ ở nhà, cả con tôi và con cô ấy, và tôi còn phải đi dạy buổi chiều, thành thử tôi đến viện với cô ấy buổi sáng. Buổi chiều thì nhờ các bạn gái ở cơ quan cô Sinh, còn buổi tối, nhờ bà cụ và cô con gái bà trông hộ. Tôi sẽ điện khẩn cho chồng cô ấy, nhưng mãi trong Nghệ An, nhanh cũng mấy ngày mới ra đến nơi. Xin mọi người nhớ cho: khi cô ấy tỉnh, đừng ai nói đây là người nhà anh lái xe!".

Cứ như thế, kế hoạch của Mai Du được mọi người thực hiện nghiêm chỉnh. Ba bốn ngày sau, Lãm - chồng Sinh ra, hàng ngày về nhà Mai Du tắm rửa, ăn uống rồi đưa sữa, cháo, nước nôi vào bệnh viện chăm nom vợ. Anh lái xe tải có cái rơ-moóc quệt vào cô Sinh tâm sự với Mai Du:

- Cô ơi! Ban đầu nghe nói điện cho chú ấy ra, cháu hốt lắm! Cháu sợ chú ấy đánh! May gặp rồi mới biết chú ấy là con người rất lịch sự, một con người trí thức phải chăng lắm cô ạ.

- Ừ, yên tâm. Chú ấy là người biết điều.

Mai Du trả lời. Vài hôm sau, người anh họ của Phú vào bệnh viện về kể chuyện với Mai Du:

- Em biết không, khi cái Sinh tỉnh lại, nó hỏi chồng: "Các con đâu rồi?". Lãm trả lời: "Không ở với bác Mai Du thì còn ở đâu?" và nó bảo với vợ nó: "Em sứt đầu mẻ trán thì cũng chẳng hay ho gì. Nhưng qua đây em mới hiểu chị Mai Du!". Đấy em xem, thằng Lãm nó tranh thủ dạy vợ nó ngay khi vợ nó vừa tỉnh lại.

- Dạ. Em vẫn quý chú ấy là người biết điều.

Hai mươi ngày sau, Sinh ra viện. Những vết sây sát đã khỏi và não chỉ bị chấn thương nhẹ, khiến cô ấy hơi nghễnh ngãng một chút. Lãm đưa vợ sang nhà Mai Du để đón con, và cũng là để hai vợ chồng cùng cảm ơn chị dâu một tiếng. Lãm nói:

- Nhà em bị tai nạn, không may vào lúc cả bà và bác trai đều đi xa, thật may mà có bác...

- Không có bác thì đã có người khác - Lãm chưa nói hết câu thì Sinh đã nói tranh chồng - Thời gian ở bệnh viện, ai đến thăm cũng thương mấy đứa bé, ai cũng muốn đưa về nuôi, nhưng mà ở nhà bác rồi thì chẳng lẽ lại còn đưa đi nhà khác?

Lãm nhìn người chị dâu cười cười, vẻ ngượng ngùng, vừa lắc đầu vừa nói một câu xin lỗi:

- Nhà em thế rồi mà chưa chịu khôn cho! Cô ấy nói điều không phải, xin bác đừng chấp. Em cảm ơn bác về tất cả những gì bác đã làm cho gia đình em!

- Có gì đâu, chú! Tôi chỉ làm theo lương tâm.

Rồi Mai Du tự hài lòng với chính mình rằng đã không hề nghĩ gì tới những hận thù cay đắng mà cô em chồng gieo rắc lên đời mình suốt mười mấy năm qua!

Nguồn: truyen8.mobi/t88948-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-15.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận