Nhất Phẩm Giang Sơn Chương 114 : Vụ buôn bán lớn

Nhất Phẩm Giang Sơn
Tác Giả: Tam Giới Đại Sư
Quyển 4: Vũ Lâm Linh
Chương 114: Vụ buôn bán lớn

Nhóm dịch: Đọc Truyện Đêm Khuya
Nguồn: MeTruyen




- Ồ...
Bạch Nhã Minh có chút bất ngờ liếc nhìn hắn, cười nói:
- Thật không ít.

Sáu vạn quan chính là sáu vạn lượng bạc, đổi thành nhân dân tệ cũng khoảng sáu mươi triệu.

Với số tiền này dựa theo giá cả trung bình ở Biện Lương có thể mua được một trăm ngàn thạch lương thực, hoặc sáu mươi nghìn tấm lụa, hoặc ba trăm nghìn tấm vải, hoặc sáu mươi nghìn con lợn, hoặc mười hai nghìn đầu trâu, hoặc hai mươi nghìn con nghé, hoặc hai mươi nghìn con dê… hoặc có thể mua được mười tòa nhà thượng hạng trong kinh thành để ở, hoặc có thể chi trả tuế tệ (xưa chỉ tiền vật mà hàng năm triều đình giao nộp cho ngoại tộc) cho Liêu quốc một phần năm .....



Được rồi, không nói chuyện mất hứng nữa. Nếu hắn dùng số tiền này vào những việc như ăn uống, đám tang cưới hỏi, tiệc ngày lễ tết, ăn ở mặc, để duy trì mức sống bình thường thì số tiền này đủ cho hắn tiêu trong vòng 1643 năm. Còn nếu muốn đến lầu xanh, uống rượu hoa, yêu cầu cuộc sống cao hơn thì chỉ đủ để cho hắn tiêu trong mười sáu năm… Tất nhiên, chẳng có ai có thể đêm đêm đàn hát, bằng không chẳng cần đến mười sáu năm, chỉ sáu năm thôi thì cũng trở thành bộ xương khô trong mộ.

Nếu như còn muốn hưởng thụ thì có thể nuôi tì thiếp, tự tiêu khiển, tự làm mình vui. Triều Tống cấm việc gạt bán người nhưng lại cho phép mua bán tì thiếp tự nguyện hợp pháp, tì thiếp tầm thường thì không tới một trăm quan tiền nhưng vấn đề ở chỗ, chỉ có thể mua đứt trong ba năm. Ba năm sau, hoặc là ký mua bán lại lần nữa, hoặc là người ta sẽ trở về nhà tìm mẹ, nếu ngăn cấm họ thì mình là người phạm pháp.

Thiếp và tỳ là cùng loại hợp đồng lao động như nhau, chỉ là loại hình nghề nghiệp khác nhau mà thôi. Khác với giá cả tương đối cố định của tỳ nữ, giá của thiếp tùy theo tướng mạo có sự khác biệt rất lớn, người có tướng mạo tầm thường thì cũng phải ba trăm quan tiền, muốn có được mỹ nữ thì phải mất bảy tám trăm quan tiền, còn danh hiệu tuyệt sắc thì phải lên đến trên nghìn đến hàng chục nghìn quan, không có giới hạn.

Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, kiều thiếp mỹ cơ không phải cứ mua về là xong. Nha hoàn, vú em, nhà cửa, ngựa xe đều phải cho người ta tương xứng như thế. Nếu ở trong căn nhà cho thuê giá rẻ của nhà nước thì ngươi có thể không biết xấu hổ mà nuôi tì thiếp sao? Cho nên việc mua và chơi gái thì rốt cuộc cái nào càng phí hơn, điều này rất khó nói.



Trở lại chủ đề chính.

Sáu mươi nghìn quan tiền, con số này quả là số tiền lớn, nhưng triều đình nhà Tống nơi mà giàu nghèo chênh lệch nhau lớn như thế này thì đó cũng chẳng là gì hết. Ngoài lương bổng chính của quan nhất phẩm ra, cộng thêm biết bao danh mục trợ cấp phúc lợi, thu nhập một tháng trung bình cũng là ba bốn trăm quan tiền, thì đó cũng chỉ là số tiền lương mười năm mà thôi. Vả lại người có nhiều tiền nhất trong thành Biện Lương không phải là quan lớn mà là phú thương, là nhà Vương công...

Cho nên đối với Bạch Nhã Minh đã nhìn quen với những cảnh tượng lớn mà nói, thì số tiền này tuy lớn nhưng cũng chưa đủ để khiến y phải cảm thán. Ý của y chính là, nếu ngươi muốn gửi tiền thì tiêu phí có thể rất cao… Đầu tiên nhất định phải chuyển tiền cho cửa hàng Giao tử, một trăm lấy một, tức là muốn gửi sáu mươi nghìn quan tiền thì sau mỗi năm gửi tiền, không những không có khoản lợi tức mà còn phải trả phí bảo quản, phí một năm là ba phần nghìn...

Tức là nói, Trần Khác gửi tiền một năm thì phải trả cho người ta một trăm tám mươi quan tiền, mẹ nó, so với Tứ Đại Hàng (chỉ bốn ngân hàng lớn nhất của Trug Quốc là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông Nghiệp TQ, Ngân hàng Công Thương TQ, Ngân hàng Xây Dưng TQ), còn dã man hơn!

Trông thấy Trần Khác lộ vẻ trầm ngâm, Bạch Nhã Minh mỉm cười nói:
- Nếu Tam Lang ngại làm như vậy thì vẫn còn một cách khác.

- Nói.

- Không gửi đổi thành mượn.
Bạch Nhã Minh thản nhiên nói:
- Không chỉ miễn toàn bộ số phí trên mà chúng ta còn có thể trả lãi.

- Ồ...
Trần Khác lộ vẻ mặt trầm ngâm nhưng thực ra trong lòng thì giật mình, thì ra tên người Do Thái này đã sớm phát hiện ra nguyên lý thợ kim hoàn. Chỉ có điều không biết điều này là do dân tộc này ký hiệp ước với Thượng Đế, quan niệm khế ước đã đi ăn sâu vào xương tủy tạo thành, hay là sau hàng nghìn năm lưu vong, quá quý trọng vùng đất yên vui ở Biện Kinh, bọn họ không tự ý đụng vào tiền gửi của khách hàng, mà là dùng thuật nói làm đảo lộn tâm tư để khiến cho khách hành tự nguyện ký điều ước.

- Không cần lo lắng về số tiền vốn.
Bạch Nhã Minh lại cho hắn một viên thuốc an thần, nói:
- Người Nhất Tứ Nhạc Nghiệp chúng tôi sẽ cung cấp mức đảm bảo tương đương.

- Ta có thể hỏi.
Trần Khác nghĩ ngợi một chút rồi chậm rãi nói:
- Cửa hàng Giao tử này rốt cuộc là của nhà nước hay là của người Nhất Tứ Nhạc Nghiệp các người. Còn nữa, các ngươi dùng tiền này vào đâu?

- Câu hỏi thứ nhất, cửa hàng này đương nhiên là của nhà nước, nhưng hiện nay chúng tôi là những bao thương (nhà thầu).
Bạch Nhã Minh mỉm cười nói:
- Còn về câu hỏi thứ hai, điều này thuộc về bí mật buôn bán, không thể nói được.

- Ha ha ha...
Trần Khác cất tiếng cười lớn nói:
- Không nói thì ta cũng biết!

- Ồ...
Bạch Nhã Minh thản nhiên như không nói:
- Nếu không ngại có thể nói nghe một chút.

Trần Khác chỉ về hướng bắc, lại chỉ về hướng tây bắc, chỉ cười không nói.

- Ha ha ha...
Bạch Nhã Minh cũng cười, sau khi cười xong, chắp tay nói:
- Mời Tam Lang, vào một thời gian thích hợp nhất định phải đến chỗ chúng ta làm khách, ta tin rằng chúng ta sẽ nói chuyện thật vui.

- Không thành vấn đề.
Trần Khác mỉm cười nói:
- Sáu mươi nghìn quan tiền này, gửi mười nghìn, số còn lại, cho các người mượn.

- Ồ?
Bạch Nhã Minh sửng sốt, y cho rằng, Trần Khác sẽ không thấy thỏ không thả chim ưng, đợi bàn xong rồi hãy nói.

- Chút tiền này, có gì đâu mà khó tính toán.
Trần Khác lắc đầu cười, rất có điệu bộ không hiểu mà giả bộ hiểu nói:
- Ta để ý là, của cải giàu ngang một nước. Mong là tới lúc đó, các người có thể làm tốt công tác chuẩn bị.

Tống Đoan Bình và vài người khác cùng than thầm, cũng không hề sợ gió lớn đầu lưỡi.


- Đến lúc đó, nhất định phải rửa tai lắng nghe.
Bạch Nhã Minh vẻ mặt kích động nói.

Hẹn được ngày gặp mặt rồi, Bạch Nhã Minh liền tiễn Trần Khác ra ngoài phố, nhìn theo họ đến khi họ rời đi. Đến lúc này mới cười khổ một tiếng, thật sự là tuổi trẻ bồng bột...



Sau đó vài ngày, Trần Khác cùng mấy anh em huynh đệ đi dạo quanh đây, nhưng không có người bản địa nào dẫn đi, dường như là đi chơi nhưng không hề có cảm giác, dứt khoát liền ở nhà đọc sách, qua hai ngày sau hãy nói.

Chưa đến hai ngày, lúc ăn cơm tối, Trần Hi Lượng nói, ngày mai là tuần nghỉ của mình, có thể dẫn bọn họ đi chơi, hỏi xem bọn hắn muốn đi đâu.

Lại nói tiếp, số ngày nghỉ của quan chức thời nhà Tống nhiều tới mức, có thể nói là những triều đại Minh Thanh về sau không thể bì được… Lại cộng thêm kỳ nghỉ mười ngày nữa, một năm có kỳ nghỉ của cả trăm năm, tương đối giống với hai nghìn năm sau.

- Hay là dẫn dì Tào đi.
Trần Khác cùng vài người khác cười lớn nói:
- Mấy ngày nay chúng con ở đây đã quấy rầy cuộc sống của hai người rồi.

- Nói tầm bậy...
Trần Hi Lượng đỏ mặt nhưng vẫn hỏi:
- Thật không cần ta dẫn đi chứ?

- Thật sự không cần.
Trần Khác nói:
- Chúng con phải đi thăm sư phụ.

- Nhà Âu Dương học sĩ ở ngay bên cạnh Tân Trịnh môn...
Trần Hi Lượng nói:
- Ta gọi Trần Thực dẫn các con đi.

- Không cần, lúc đến đây, Tô bá bá đã chỉ cho chúng con biết rồi.

Sáng sớm hôm sau, bọn người Trần Khác mang theo những thổ sản từ Mi Châu, đi về hướng tây nam thành. Đi được nửa canh giờ, tới vùng gần cầu Ngân Lương bên trong Thuận Thiên môn, không cần hỏi thăm, đi một lát liền tìm được cổng lớn nhà Âu Dương Tu…

Người ngoài cửa quá đông khiến cái ngõ nhỏ càng thêm chật chội.

Khỏi cần nói, ở đây tất cả đều đến bái kiến người đứng đầu giới văn học. Sau lần tái nhậm chức này, vị thế của Âu Dương Tu được kéo lên nhanh chóng như mặt trời ban trưa vậy. Chỉ một lời khen chê của ông ta cũng có thể tạo nên hoặc hủy diệt đi một văn nhân. Giang hồ truyền rằng, những văn sĩ hiện nay không sợ trừng phạt, không sợ biếm quan, cũng không sợ Hoàng đế, chỉ sợ một lời nói của Âu Dương Tu...

Đương nhiên, những học sĩ này đều khá tự cao tự đại, chẳng ai cho mình là kém cỏi hết, nên khi biết tin hôm đó ông ta trở về từ Biện Lương, thì cái ngõ nhỏ này lại chật ních người toàn học sĩ. Mỗi lần Âu Dương lão đại nghỉ ngơi ở nhà, mọi người đều lần lượt cầm theo bản trình bày, bảng thành tích, và còn cả thư giới thiệu nữa đến xếp hàng trước cửa nhà ông ta cả đêm, có những lúc đội ngũ người xếp hàng kéo dài tới tận cầu Ngân Lương.

Cảnh sôi nổi này có thể so với cảnh mua vé tàu ngày Tết, chỉ là người xếp hàng này đều là những người có học thức. Tuy nhiên nó lại không hề đơn điệu nhàm chán, bởi người năm sáu mươi tuổi có, mười lăm mười sáu tuổi cũng có, thậm chí có cả lão già, cũng run rẩy đứng xếp hàng. Mọi người ai cũng khuyên lão nên về nhà chăm cháu, nhưng lão lại nói lão tuy già nhưng chí thì không ngừng.

Kinh doanh cũng cần phải dựa vào thời cơ mới có thể phát triển được. Vì thế nên, rất nhiều con buôn làm rượu trái cây, cháo gạo gan xào, và những cuốn tuyển chọn văn thơ nổi tiếng đủ loại, đều đến đây chào hàng.

Đám người Trần Khác rất khó khăn để đi xuyên qua ngõ nhỏ giống như cái chợ này, nhưng chẳng mấy chốc bị người khác chú ý. Một tên thư sinh hô lớn:
- Này, sao các ngươi lại chen ngang như thế!

Chỉ một tiếng hô đã khiến đám người Trần Khác đã trở thành tiêu điểm của đám đông. Người thư sinh này nhìn họ với ánh mắt khinh miệt giống như nhìn một tên trộm vậy, khiến bọn họ không khỏi thấy ngượng ngùng. Tống Đoan Bình cười hi hi nói:
- Đừng hiểu lầm, đừng hiểu lầm, chúng tôi là đến thăm người thân thôi.

- Thật không?
Một người thư sinh cao gầy, mặt không biểu lộ cảm xúc nói:
- Trước các người cũng có mười tám người dùng lý do này rồi.

- Thật là.
Tống Đoan Bình vò đầu bứt tai nói:
- Chúng tôi là học trò của Âu Dương Tu...

Không nói thì không sao, câu nói ấy vừa thốt ra khỏi miệng âm thanh nổi lên bốn phía, không biết bao nhiêu người đồng loạt nói với giọng khinh bỉ:
- Trong cái ngõ nhỏ này, làm gì có ai không phải là học trò của Âu Dương Tu? Mau ngoan ngoãn xếp hàng đi, bằng không chúng ta không khách khí đâu?
- Đúng đấy, đừng nghĩ các người cao to lực lưỡng, phải biết, con người một khi nổi giận thì đừng động tới.

Đám người Trần Khác lập tức thấy nhức đầu vô cùng, đã đến tận cửa nhà người ta rồi lại quay qua đánh người thì thật là bôi nhọ thanh danh Âu Dương công. Nói thế nào thì mọi người cũng không tin, chen vào cũng không chen được, mà quay trở lại thì thật không còn mặt mũi nào... những lúc như thế này thật là nhớ tới tiểu hòa thượng Huyền Ngọc, y chỉ cần một tiếng hét sư tử có thể bảo đảm người bên trong sẽ ra mở cửa.

Đang lúc quẫn bách, ngoài đầu ngõ lại có người tiến vào. Thật đúng là núi này cao còn có núi khác cao hơn, cách đối xử của mọi người với họ khác hẳn so với đám người Trần Khác. Đám thư sinh này tự động tránh ra thành một lối đi, lại còn nhiệt tình chào hỏi họ, những người lớn tuổi hơn chút thì gọi là “Tử cố huynh”, những người trẻ tuối thì gọi là “Nam phong tiên sinh”.

Cái người thư sinh cao gầy kia vui sướng nhìn về phía đám người Trần Khác nói:
- Lư Lăng công phái đệ tử đến rồi, thật muốn xem xem họ có biết các người không?

- Biết thì sao?

- Ta gọi ngươi là ông nội.

- Ta không có người cháu như ngươi.
Trần Khác thản nhiên liếc mắt nhìn y một cái, suýt nữa thì tức chết với người thư sinh kia. Sau đó tên thư sinh liền nhìn về phía “Tử cố huynh” kia, hô lớn:
- Nam Phong tiên sinh, ở đây có người mạo nhận là sư đệ của huynh này.

- Ồ?
Vị Tử cố huynh này dáng người không cao, bị những người khác vây kín, chỉ nghe thấy tiếng nhưng không thấy người.

Mọi người vội vã tránh ra nhường lấy một lối đi, mong rằng y sẽ tới để vạch mặt đám người lừa đảo Trần Khác.

Vị “Tử cố huynh” này khó khăn lắm mới chen vào được nhưng vừa trông thấy Trần Khác thì vui mừng ôm cổ nói:
- Sư đệ, sao đến nhanh quá vậy!

Nguồn: tunghoanh.com/nhat-pham-giang-son/quyen-4-chuong-114-WDKaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận