Những Thiếu Thời Lơ Lửng Hạ non h.n

Hạ non h.n
“thành phố thời anh mười bảy tuổi viển vông cay đắng u buồn” (Lưu Quang Vũ)

Năm mười chín tuổi, tôi nhận ra mình chưa bao giờ thực sự hạnh phúc. Tôi không bất hạnh, tôi không cô độc nhưng đồng thời tôi cũng không hạnh phúc. Mọi chuyện diễn ra đều đặn như bốn mùa, xuân hạ thu đông và chẳng có nơi đâu để dừng lại. Cứ như vậy, tôi trải qua việc lớn lên một mình, nghe nhạc, đọc sách, đôi khi tôi cũng viết nữa, dù chỉ là một chút ít thôi, khi tôi vướng phải điều gì đó không thể dễ dàng nói cho ai nghe được. Đó là khoảng thời gian sau khi tôi tốt nghiệp trung học được một năm. Thay vì thi vào một trường đại học nào đó, tôi ở nhà. Bố mẹ nói, nếu không đi học trong nước thì con hãy mau chọn lấy một trường mà con thích ở nước ngoài đi, nước nào cũng được. Những chuyện sau đó, có rất nhiều thứ đã xảy ra nhưng kể lại vào đây thì sẽ dài dòng lắm, nên tôi chỉ nói đại ý với bạn vậy thôi, đại để là cuối cùng sau khi đã bàn tới bàn lui, tôi cũng chọn được một trường đại học có cả hệ cao đẳng, tôi nghĩ ngành học thích hợp với tôi hơn cả là dinh dưỡng, tôi thích ăn uống và hơn nữa tôi cũng để ý tới cân nặng và vóc dáng của mình. Được đấy, bố tôi nói. Mùa hè năm tôi mười chín tuổi và đợi đến hai mươi, tôi ở nhà, ăn táo, uống nước chanh cả ngày, chờ kết quả. Vào một buổi chiều, khi tôi đang xoay xở với việc bản thân mình chưa từng biết hạnh phúc ra sao, tôi đã gặp người phụ nữ ấy.

Đúng ra, tôi gặp cô ta trong một quán cà phê nhỏ có ban công nhìn ra mặt nước. Thông thường không bao giờ tôi lui tới những quán cà phê nơi người đi đường có thể dễ dàng dòm vào tận trong để soi xem các thực khách đang uống gì. Không, tôi hay chọn những quán kín đáo hơn, tối một chút, chẳng ai nhìn rõ ai mà người ta chỉ mải nhìn cô nhạc công đang hát những ca khúc da vàng. Chuyện vì sao tôi lại đến quán cà phê hở hang kia một mình để rồi gặp cô ta ngồi trong góc là một thiên truyện dài không hẳn là kì lạ. Lúc đó tôi đang trên đường ra hiệu sách thì mắc mưa, thế là tôi phải mau chóng tấp xe vào một quán nào đó. Trước khi đi mẹ đã cảnh báo tôi phải quan sát những dấu hiệu rõ rệt của bầu trời. Mây đen từ đằng tây kéo đến che kín cả ánh sáng, những tòa cao ốc bình thường to lớn và rực rỡ trở nên tối mịt và ảm đạm như những công trình bị bỏ hoang, gió nổi lên và bụi bặm từ các công trường tỏa ra bốn phía. Đứng từ ban công, tôi có thể thấy rõ thành phố ban nãy hãy còn tươi sáng và quang đãng bỗng biến thành một phiên bản tận thế yêu thích của các nhà làm phim phương Tây.

Vậy là bất chấp những lời cảnh báo từ bầu trời mùa hè ban chiều, tôi lên đường. Giữa chừng mưa bắt đầu nặng hạt dần nhưng do chủ quan, tôi mặc kệ. Đi thêm một chút nữa gió mạnh lên và cơn giông thực sự kéo tới. Những cây lớn giũ lá trong không trung tạo thành một bản hợp âm rùng rợn, tôi vừa đi vừa nhìn trước ngó sau. Người ta gần như dừng hết lại vì gió lớn, điều khiển xe trong điều kiện thời tiết như thế này gần như là không thể. Tôi nhìn thấy biển hiệu của quán cà phê đúng lúc người đàn ông đang đi trước mặt tôi bị những cơn lốc nhỏ giật xuống đường, bác ta loạng choạng tìm cách đứng lên nhưng không được vì chuyện bất ngờ quá, chưa kịp định thần đã bị cả cái xe cồng kềnh đổ vào chân. Vài người dân xung quanh đội áo mưa ra giúp còn tôi vội vã tấp xe vào lề đường.

Có rất nhiều người ở trong quán cà phê. Mọi người hầu như đứng phía bên ngoài, gần cửa để quan sát sự tình. Họ bàn tán xôn xao, kể cả chẳng ai quen nhau trong đám người đó hết. Tất cả chen chúc đứng nhìn và bình luận đủ kiểu, trời nóng quá, các ông các bà thấy đấy, nhìn con sấm kia xem, lúc này mà còn ở ngoài đường thì xui phải biết, và đủ thứ chuyện. Trong lúc đó tôi tranh thủ lẩn vào cái bàn khuất và gọi một tách cà phê đen. Nếu vào quán quen thuộc của tôi, tôi sẽ gọi cà phê sữa đá. Tôi cũng thích cà phê đen nhưng tôi chỉ uống vào buổi sáng, đấy là thói quen và theo như tôi biết thì những thói quen tốt chẳng việc gì phải gỡ bỏ. Tuy nhiên lúc này, để cho hợp thời và hợp cảnh, tôi tự hợp thức hóa bản thân vào một cuốn tiểu thuyết cũ xưa, hơi rẻ tiền, lấy bối cảnh những năm 60, địa điểm là một con phố nhỏ đang oằn mình chống chọi cơn bão lớn, mọi người run lên vì sợ hãi còn tôi là một thám tử tư nhỏ bé đội mũ phớt che kín mặt và mặc áo bành tô, miệng ngẩm tẩu, ung dung thư thả uống cà phê và phá án. Lúc này tôi chọn một đĩa nhạc của Dolly Parton trong bộ nhớ và mở bản Jolene. Tôi ngâm nga trong lúc lau tóc bằng giấy ăn và chỉnh lại quần áo. Đúng lúc đó, trong góc, một làn khói thuốc mỏng mọc ra.

Mùi thuốc ban đầu không làm tôi chú ý lắm, mặc dù nó đã phảng phất ở đó từ lúc tôi bước vào. Có lẽ mùi ẩm ướt của nước mưa đã rù quyến tôi và trong một chốc, tôi lang thang trong cuốn tiểu thuyết trinh thám nhỏ của mình. Vậy là, ở trong góc, có ai đó đang ngồi. Cái góc nhỏ, tối vì không được mở đèn, đối diện với chỗ ngồi nhìn ra cửa của tôi. Khói thuốc, chúng bay ra từ đó thành cụm nhỏ, xoắn xuýt vào nhau như một lũ bông gòn. Nếu nhìn kĩ, tôi có thể bắt được những đường nét lờ mờ của một khuôn mặt sắc cạnh, dáng người nhỏ nhắn và đôi bàn tay gầy. Trong một lúc lâu, tôi cứ nhìn chằm chằm vào bóng tối.

Cà phê được người ta mang ra sau khi tôi đã quên mất sự hình thành của nó. Tôi để tách cà phê trên bàn, bị kích thích một chút bởi thứ mùi hương đậm đặc quen thuộc của loại cà phê hòa tan mà tôi thường hay uống. Cà phê được pha trong một cái tách nhỏ, rất nóng và nên uống chậm nếu không sẽ làm lưỡi bị bỏng. Cái bóng người trong góc thu hút hết sự chú ý của tôi và cùng tiếng mưa rơi ngoài kia, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho một cuốn tiểu thuyết khác. Đó là một người phụ nữ, nếu phải áng chừng thì cô ta hơn tôi khoảng mười tuổi. Tuy nhiên cái điều mà tôi dựa vào để phán đoán độ tuổi của cô ta không phải là sắc phục hay thần thái hay cách nhìn và bàn tay đưa thuốc. Cái tôi dùng ngay lúc đó để đưa ra nhận xét về người phụ nữ này là lấy chính mình làm thước đo. Tôi dựa vào cảm giác mà người phụ nữ mang lại và ngay lập tức tôi đã hình thành loại ý nghĩ rằng phải rồi, cô ta hơn mình ít nhất là mười tuổi. Tôi đã nghĩ như vậy, vào cái khoảnh khắc người phụ nữ trượt vào bể ánh sáng khi cô ta đứng dậy, đẩy cái bàn con sang một bên tạo thành một khe hẹp và lách về phía tôi. Người phụ nữ mặc một chiếc váy đen bó, loại váy cổ điển bạn biết đấy, cô gái nào cũng nên có một cái treo trong tủ, vòng ngọc trai đeo trên cổ và đồng hồ đính đá trên tay. Những móng tay dài được mài giũa kĩ càng và phủ một lớp sơn bóng dưỡng. Nước da tạo cảm giác trong suốt và hoàn toàn không trang điểm, ngoại trừ đôi môi tô một lớp son đỏ như những trái anh đào. Khi cô ta đứng trước mặt tôi, không cách nào tôi dừng nhìn thẳng vào cô ta, một cái nhìn trực diện và xiên thấu như những mũi dao sắc nhọn, và dù biết như vậy là khiếm nhã tôi cũng không thể quay đầu đi hay nhắm mắt lại. Bên tai, tôi nghe được tiếng mưa dữ dội như những sợi dây đàn đang rung lên trước khi bị giật đứt.

“tôi ngồi đây được không? Trong góc kia tối quá” – người phụ nữ nói. Dolly thì thầm, Jolene, Jolene, Jolene.

“được thôi” – tôi đáp. Được thôi, dĩ nhiên rồi. Cô có thể ngồi ở bất kì đâu cô muốn. Trên người tôi chẳng hạn, cô nghĩ sao.

“mưa lớn quá nhỉ” – người phụ nữ nói, cô ta đan hai tay trước mặt và đặt cằm xuống, thuần thục như những đứa trẻ con – “cô cũng phải ghé vào đây trú mưa à?”.

“vâng. Tôi đang đi mua sách” – tôi nói, chỉ cho người phụ nữ cái túi đựng sách mà tôi đã mang theo. Đây không phải những cuốn tôi đã mua, đây là những cuốn tôi mang đi để bán. Một vài cuốn đã cũ và tôi không thực sự cần đến chúng nữa. Có một chỗ thu mua mà tôi quen nên tôi mang lên đó, nếu không bán được tôi sẽ đổi lấy những cuốn mới hơn.

“tôi cũng mê đọc sách lắm” – người phụ nữ tiếp tục nói, cô ta mỉm cười với tôi và dùng đôi mắt màu nâu ghim chặt lấy tôi, không cách nào cựa quậy. Khi cô ta châm thuốc hay khi cô ta đưa tách cà phê lên miệng, đôi đồng tử vẫn bám lấy tôi không buông tha như những con thú nhỏ từ chối chứng kiến cái chết của cha mẹ chúng bằng cách nhìn thẳng vào đôi mắt trắng dã của gã thợ săn. Nói thật là cách cô ta quan sát làm tôi sợ. Tôi nghĩ tôi sẽ bị bóc trần dù cô ta không nói ra. Một điều gì đó bị giấu kín trong lòng tôi mà tôi cũng chẳng biết là điều gì sẽ bị lộ tẩy. Đột nhiên tôi lo lắng.

“ban nãy ấy mà, để tôi kể cô nghe, tôi đã cãi nhau với bạn trai đấy. Cậu ta trẻ, trẻ hơn tôi nên cũng ngu ngốc hơn một chút, đàn ông mà” – người phụ nữ phả khói ra đằng mũi, trông cô ta tôi hình dung ra Audrey đang ngồi trước mặt tôi với cái tẩu mảnh dẻ của nàng – “đàn ông trẻ tuổi thì lại rặt một tụi ngu đần. Vậy là chúng tôi cãi nhau trong phòng của cậu ta, thế rồi tôi nói, ồ được thôi và tôi xách túi cùng các thứ khác ra khỏi nhà, cậu chàng kêu ghê lắm rồi bảo là cậu ta sẽ chết đấy nhưng tôi không thèm nghe, hay chưa?”.

“nếu là tôi tôi cũng làm vậy thôi” – tôi nói.

“vậy à” – người phụ nữ mỉm cười với tôi – “cô bao nhiêu tuổi rồi? Mười sáu, hay mười bảy? Cô đã yêu ai trẻ hơn cô chừng năm tuổi chưa?”.

“thú thật là chưa” – tôi đáp.

“tôi biết” – người phụ nữ châm một điếu thuốc khác và sau khi rít một hơi dài, cô ta chăm chú nhìn tôi, đôi môi cô ta hé mở như những đóa hoa hồng – “nói cho cô thêm một chuyện này nữa, ghé tai vào đây nào”.

Tôi đổ người về phía cô ta. Cái đầu tôi quay nghiêng và với tầm nhìn ấy, tôi trông rõ có một cái cây lớn bị lốc quật ngã, người ta rú lên như những con thú nhỏ bất lực và bị thương, ngoại trừ họ đứng yên và họ sửng sốt, chẳng thể làm được gì. Cơn mưa vẫn tiếp tục quăng những mũi kim bỏng rát xuống mặt đường như thách thức cả thế gian về sự tồn tại vĩnh hằng của nó. Và tôi nghe người phụ nữ nói, cô ta nói, tôi nghe được cả tiếng cười nhỏ nhẹ và dịu dàng của cô ta, trong khi cô ta nói, rồi cậu ấy chết thật.

“vậy à?” – tôi đưa tách cà phê lên miệng – “cậu ta tự sát à?”.

“tôi đâu có biết” – người phụ nữ nhún vai và dập điếu thuốc vào gạt tàn. Dưới đáy gạt tàn có một ít nước trà. Những đầu lọc thuốc cháy nham nhở trôi nổi dập dềnh trong thứ bóng tối cuộn xoáy và bẩn thỉu đó như những rãnh cống ngầm. Ở dưới đó, có lẽ cái xác của cậu trai trẻ tuổi ấy đang bơi sải cùng tụi tiên cá và lũ bào ngư.

“chị đến đây bằng gì thế?” – tôi đẩy cái gạt tàn sang một bên cho khuất mắt và đổi lọ hoa vào. Cái bông hoa cúc ấy xấu xí lắm nhưng có còn hơn không.

“tôi đi bộ đấy, nhà cậu ta ngay đằng kia mà” – người phụ nữ trỏ về phía nào đó tôi không để ý lắm, cô ta chỉ đơn giản là gửi đi một thông điệp rằng, này, ở đằng đó có một đứa trẻ vừa chết vì tôi.

“chị đi trước khi cơn bão bắt đầu à?” – tôi lau tay một lần nữa và đặt những cuốn sách lên đùi. Chúng có mùi ẩm mốc, chúng là những cái xác khô đang phân hủy. Tôi mà không nhanh tay đem chúng đến cái hiệu sách cũ kia và để chúng ở đó thì tôi sẽ mang tiếng là một kẻ sát nhân. Ý nghĩ đó làm tôi bồn chồn.

“dĩ nhiên” – người phụ nữ tỏ ra ngạc nhiên rồi sau đó tôi để ý, cô ta im lặng quan sát tôi trong lúc mỉm cười và thong thả châm thêm một điếu thuốc – “tôi vừa yên vị trong góc thì những người đi đường ghé vào đây. Họ ướt sũng, tôi thật may mắn, cô biết đấy”.

“chị thật may mắn” – tôi gật đầu đồng ý với sự may mắn trời cho của cô ta.

Chúng tôi không nói gì thêm nữa. Trong yên lặng, chúng tôi đôi khi nhìn ra bên ngoài và xem xét cơn mưa theo lối riêng tư của mỗi người. Có lúc tôi mong cơn mưa sớm dừng lại để tôi có thể hoàn thành công việc và được trở về nhà, nhưng cũng có một lúc nào đấy tỉ dụ như khi tôi lén nhìn người phụ nữ kia và mong rằng cô ta không để ý, khi tôi đột nhiên nhận ra ngoài thứ mùi rẻ tiền nhưng dễ chịu của loại cà phê hòa tan đang dần nguội đi trong chiếc tách sứ, bên cạnh mùi mưa ẩm tanh nồng tràn ngập không gian và tồn tại ở một dạng song song nhưng mảnh hơn so với dải khói thuốc, ngoài ra còn một thứ mùi nữa trau chuốt và sạch sẽ như một chiếc lá trà ướt đẫm sương đêm. Tôi nhận ra thứ hương thơm đó bắt nguồn từ da thịt của người đàn bà trước mặt, khi cô ta quay nghiêng để theo dõi những diễn biến nhỏ lẻ đang nối tiếp nhau, khi cô ta áp má lên hai tay đang ôm chặt vào nhau và một lọn tóc mai của cô ta vương trên vành tai trắng muốt. Cơn mưa có thể, thật đấy, mày được phép kéo dài thêm, nhưng chỉ một chút thôi, nhớ lấy.

Mưa ngớt dần, tuy thế chớp vẫn còn và chúng thi thoảng nhá lên, bầu trời có màu tím sẫm và những tia chớp lộng lẫy như một con cú hoang bị nguyền rủa. Tôi chờ người phụ nữ lên tiếng trước. Không còn lí do gì để ở lại đây, tôi nghĩ thầm nhưng tôi vẫn ngồi đó, chần chừ kết thúc ngụm cuối cùng trong tách cà phê và mân mê những quyển sách.

“cô này” – người phụ nữ nói – “tôi thích mua sách lắm”.

“vậy à” – tôi đáp – “tôi đang tiện đường đến đó đây”.

“may quá” – người phụ nữ đứng lên và đeo chiếc xắc nhỏ lên vai – “tôi đúng là may mắn, cô thấy thế không?”.

“quả là như thế” – tôi mau chóng đứng lên và theo cô ta ra cửa.

Những gì tôi nhớ được sau đó là tôi đưa người phụ nữ hơn tôi mười tuổi, mới quen, có dáng vẻ một thiếu phụ đến từ thế kỉ trước này tới hiệu sách quen để mua ba cuốn của Hemingway và Kerouac. Cô ta bảo rằng mình rất thích sách nhưng lại không có nhiều thời gian. Tôi giới thiệu thêm cho cô ta cuốn Gatsby vĩ đại và truyện trinh thám của Poe. Cô ta không ngừng lặp lại với tôi về sự may mắn đáng chết của mình. Điều đó dù ít dù nhiều và có hơi xấu hổ, lại khiến tôi vui lòng.

Sau cơn giông, thành phố như rộng thêm. Mát mẻ và quang đãng, người ta có thể thoải mái đi dạo loanh quanh với người yêu, gia đình. Tôi gửi xe rồi tôi hỏi tên người phụ nữ. Khi cô ta mỉm cười, một lần nữa làm tôi say mê, bảo rằng tên cô là Viên, tôi đã đánh bạo hỏi liệu cô có muốn cùng tôi đi dạo thêm chút nữa.

“được chứ” – Viên đáp, cô xách cái túi lớn đựng đầy sách và tay kia cô đung đưa quanh cái xắc nhỏ của mình.

Viên thực sự hơn tôi mười tuổi, và khi tôi nói với cô rằng tôi cũng nghĩ thế Viên không tỏ vẻ ngạc nhiên. Cô cũng không hỏi tôi rằng có phải cô nhìn già hơn tuổi không hay là vì cách cô ăn mặc, Viên chẳng hỏi điều gì như thế cả. Giống như cô ấy đã quen, giống như đó là những chuyện mà người ta thường đem ra nói với cô như việc hỏi tên tuổi hay tình hình sức khỏe. Cô phải hơn tôi đến mười tuổi chứ ít đấy nhỉ, và Viên trả lời, đúng rồi, giỏi lắm, đã đoán đúng rồi.

“tôi mười chín. Tháng chín này tôi sẽ hai mươi” – tôi nói.

“khi đó tôi đã ba mươi rồi, cô bé ạ” – Viên đáp, cô cười to.

Trên đường đàn ông hay đàn bà đều nhìn Viên. Dường như họ chẳng thấy tôi, nếu có thấy tôi cũng mặc kệ. Chắc họ thấy lạ lắm khi một người phụ nữ như Viên lại đi với một đứa trẻ như tôi, chẳng có gì nổi bật, tóc ngắn màu đen, mái để ngang, váy in hình hoa lan và đi một đôi xăng đan của bố. Đứa trẻ này mặc quần áo của mẹ nó đấy hả, và trên hết, người đàn bà đẹp mê hồn kia đang làm gì với một đứa trẻ xấu xí chứ?

“chị thấy đấy” – tôi nói – “tôi không hẳn là đẹp, phải không?”.

Viên quay sang nhìn tôi và tôi đứng yên để cô nhìn. Trong một lúc lâu, Viên đắn đo, hơi nhíu mày một chút, đôi môi xinh xắn của cô mở ra rồi đóng vào liên tục, giống như cô chuẩn bị nói, ừ, cũng đúng, rồi lại thôi.

“không” – nhưng Viên nói – “tôi nghĩ em là một cô bé dễ thương, dĩ nhiên em không đẹp là vì em chưa lớn. Hiểu không?”.

“nhưng tôi sắp hai mươi rồi, tôi đâu còn là trẻ con nữa” – tôi nói, thực ra thì tôi hỏi chỉ là để hỏi mà thôi. Vấn đề ngoại hình của tôi nếu đem ra bàn tán và mổ xẻ thì sẽ mất nhiều thời gian lắm.

Viên chỉ nhún vai rồi đi song song bên cạnh tôi. Suốt từ lúc ở quán cà phê cho đến khi đi mua sách, Viên luôn đi sóng đôi với tôi, chưa bao giờ cô đi phía sau hay vượt lên trước, có lúc cô muốn dừng lại để hút một điếu thuốc, cô sẽ ra hiệu cho tôi đứng chờ. Ban đầu tôi thấy lạ lẫm vì ngoài mẹ ra, tôi chưa từng đi bên cạnh một người phụ nữ lớn tuổi nào khác. Những người lớn luôn làm tôi sợ hãi, tôi không thích để họ chạm vào hay bị họ bắt chuyện, ở bên họ tôi luôn lo lắng và rất dễ bị kích động mà nói ra những lời ngu muội. Tuy nhiên khi đi bên cạnh Viên, mãi tôi mới nhận ra tôi đang đi thoải mái bên cạnh cô. Sau khi nhận ra nỗi lo mà đáng lẽ nó sẽ còn ở đó, tôi thấy nhẹ nhõm nhưng đồng thời tôi cũng thử cố lí giải vì sao. Vì sao tôi lại muốn được ở bên cạnh người phụ nữ này mà như bình thường tôi sẽ tìm cách tránh xa, người lớn nói chung và những phụ nữ lớn tuổi nói riêng. Có lẽ tôi ngu ngốc hơn tôi tưởng vì điều duy nhất mà tôi biết được đó là tôi thấy thoải mái khi ở gần Viên. Cái lí do đồng thời cũng là thắc mắc đó làm tôi vừa sung sướng vừa bối rối.

“chị Viên này” – đi hết một vòng hồ tôi lấy can đảm để hỏi cái câu cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt từ tối – “chuyện chị nói ban nãy là thật à?”.

“chuyện gì?” – Viên nhìn tôi, trưng ra một nụ cười khác. Dù là gì thì tôi cũng rất thích, khuôn mặt khi mỉm cười của Viên dường như chỉ dành cho mình tôi ngắm nhìn.

“chuyện bạn trai của chị chết sau khi chị rời bỏ anh ta” – tôi nói.

“tôi đùa đấy” – Viên nói – “con người đâu có chết dễ dàng như vậy được. Cậu ta sẽ không chết chỉ vì tôi bỏ đi đâu, con người mạnh mẽ hơn vậy nhiều. Em biết không, vì khi đó tôi rất muốn được làm quen với em nên tôi phải bịa ra một cái gì ấn tượng. Phải như thế thì mới có sức hút chứ”.

“tóm lại là câu chuyện này không ai phải chết cả” – tôi thở phào đáp. Bây giờ tôi đã thấy nhẹ nhõm hơn một chút. Thành thật mà nói, đem lòng yêu mến một người phụ nữ như Viên trong khi biết rằng bất kì ai bị cô ta bỏ rơi đều sẽ chết làm tôi cân nhắc lại. Khó mà nói trước được rằng liệu tôi có giống cậu trai trẻ đó hay không.

“đúng vậy, một kết thúc không có hậu nhưng cũng không xấu thì mới gọi là viên mãn chứ” – Viên dịu dàng đáp.

Viên sống một mình trong căn hộ của cô ở trung tâm thành phố. Gia đình tôi cũng sống ở một căn hộ nhưng từ chỗ tôi tới nhà Viên mất chừng ba mươi phút. Tôi không phải đứa chăm chỉ gì và chưa kể sự khó chịu oi nồng của mùa hè, mất một thời gian đầu tôi không bao giờ chịu tự mình tới nhà Viên. Tôi bắt ta-xi hoặc đi xe bus, hoặc có đôi lúc tôi bảo cô đến đón tôi. Viên luôn đồng ý trừ phi cô có việc. Viên lái một chiếc xe nhỏ màu xanh nhạt, bé xíu và tuyệt đẹp như một con bọ non. Tên nó là Fiat 500, một lần Viên nói, khi tôi hỏi cô có thói quen đặt tên cho đồ vật hay không.

“tên nó là Fiat 500” – Viên đáp, trong khi sang số và đánh xe ra khỏi bãi.

“đấy đâu phải là tên. Đấy là dòng xe chứ” – tôi phản bác.

“vậy em muốn gọi nó là gì?” – Viên quay sang hỏi tôi. Cô thành thật đến nỗi tôi thấy xấu hổ. Thôi nào, đây thậm chí còn không phải vật sở hữu của tôi.

“tôi không biết” – tôi lí nhí đáp.

“vậy em hãy nghĩ thêm đi nhé. Nghĩ ra rồi thì nói cho tôi biết” – trên xe, Viên mở đĩa nhạc mà tôi đã tặng cho cô khi chúng tôi quyết định cặp kè. Đó là cái đĩa The Very Best of Dolly Parton, tuyển tập những bản nhạc hay nhất của Dolly. Tôi đã mất rất lâu để kiếm được cái đĩa mà ở đó, người ta xếp bản Jolene đứng đầu.

Tôi đã nghĩ đến Jolene khi tôi nhìn thấy chị, lần đầu tiên, khi chị bước ra khỏi bóng tối nơi chị đang ngồi. Tôi đã nghĩ rằng người đàn bà này là hiện thân của ác quỷ và chị ta vừa tách mình ra khỏi cái góc đen ngòm. Tôi đã nghĩ sự đẹp đẽ của chị được tạo nên bởi những điều độc ác đấy. Tôi đã nói như vậy khi Viên hỏi ấn tượng của tôi về cô là thế nào. Đó là khi chúng tôi gặp nhau lần thứ ba, trong một quán cà phê sang trọng trên phố. Viên gọi tôi đến khi cô được nghỉ trưa, Viên bảo công ty của cô ở gần đó, cô hay ăn ở quán cà phê này và nếu tôi rảnh, cô muốn gặp tôi để chuyện trò. Vậy là tôi đã nói như vậy, với Viên, trước khi ăn xong cái bánh mì thịt nguội mà tôi đã gọi mặc dù tôi không đói. Tôi thực sự không hề ác độc đâu, em tin tôi đi, Viên phân trần, khuôn mặt đẹp của cô trở nên buồn bã và cô cúi xuống nhìn chăm chú hai lòng bàn tay. Viên lúc đó làm tôi đau lòng, vậy là tôi rụt rè nắm lấy tay cô, rồi tôi nói với cô, những thứ xấu xa luôn cám dỗ con người, chị thấy không, tôi không thể rời mắt khỏi chị được, đến giờ vẫn thế. Ấn tượng của tôi về chị chỉ có như vậy thôi.

Còn Viên thì sao, cô nghĩ gì về tôi, điều gì đã thúc đẩy cô đứng lên để tiến về phía tôi, rốt cuộc là thứ sức mạnh duyên phận gì đã đẩy tôi vào cái quán cà phê mà tôi không bao giờ vào ấy và để tôi ngồi đó, để tôi chẳng kịp nhận biết được điều gì thì đã nhìn thấy Viên. Và vậy là tôi không còn thoát ra được nữa. Viên đã ở trong thế giới của tôi, cô đã hỏi tôi liệu cô có thể ngồi đó, cùng với tôi, trong cơn mưa này một lát. Tôi đã đồng ý. Dù tôi hoàn toàn vô can bởi khi đó tôi chẳng thể ý thức được gì.

Cách Viên đối xử với tôi không khác nào đang chiều chuộng một đứa trẻ lắm điều. Một tuần tôi gặp Viên ba lần, mặc dù tôi luôn đòi hỏi được nhiều hơn. Tôi gọi điện thoại cho cô một ngày ít nhất năm, sáu lần dù chẳng để làm gì ngoài nói những thứ vớ vẩn như thời tiết hay giá cả ngoài chợ. Viên luôn từ tốn trả lời tôi và khi tôi chưa kịp thỏa mãn thì Viên đã nói cô phải đi rồi. Những lúc như vậy tôi nổi giận thực sự. Tôi cảm thấy bị tổn thương dù tôi biết rõ Viên chẳng có lỗi gì. Tôi tự nén mình lại và đó là lúc tôi đau đớn nhận ra tôi chỉ là một đứa trẻ thậm chí còn chưa được hai mươi. Một đứa con gái mười chín không đi học mà chỉ ở nhà, đợi chờ một điều gì đó sẽ làm thay đổi số phận của nó mà không thèm cố gắng, đứa con gái ngu ngốc luôn làm bố mẹ phiền lòng và hàng ngày nó ăn uống, ngủ nghỉ và khóc lóc đều đặn như một con chó con. Tôi hay nghĩ về bản thân mình như vậy. Bây giờ, khi đã lớn hơn ngày xưa, tôi bớt dần mong muốn được chết. Quả tình tôi đã từng rất muốn chết, nhiều lần.

Lần đầu tiên là vào năm tôi mười bốn tuổi. Khi đó không rõ tôi và mẹ đã cãi vã chuyện gì mà tôi cứ ghì chặt con dao cắt chỉ vào cổ tay. Tuy nhiên hồi đó tôi hãy còn sợ đau và chẳng qua chuyện chết đi chỉ là cái gì mơ hồ như trang sách. Những vết rách hồi đó cũng không sâu và chẳng để lại vấn đề gì. Sau đó, mặc dù những vết thương đã lành nhưng đôi khi, tôi sẽ bắt đầu nghiêm túc nghĩ về cái chết. Rằng chết, bằng một cách nào đó, khi nghĩ đến nó tôi thấy an lòng. Tôi có thể bỏ đi bất kì khi nào tôi muốn mà chẳng ai làm gì được, dù tôi gây ra lỗi lầm gì hay tôi có bị ghét bỏ đến đâu đều chẳng còn nghĩa lí gì hết. Bởi vì, tôi vẫn có thể chết. Khi tôi mười sáu tuổi, sự ra đi lâu dài này trở lại ngày một nhiều hơn. Chuyện trường lớp giống như một món nợ khổng lồ mà tôi không rõ đã nhân lên từ bao giờ đè nặng trên vai tôi, lớp học biến thành nơi tù túng và giáo viên hay bạn bè là tù nhân và những tên cai ngục. Việc thức dậy vào buổi sáng mỗi ngày và thấy mình còn sống dần dần giết chết tôi. Nhưng tôi đã không chết. Tôi không biết việc đó là tệ hay không nữa.

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, quả là cuộc sống đã dễ thở hơn một chút. Không còn quá nhiều thứ dồn ép, tôi được tự do đưa ra các lựa chọn cho chính mình. Có những ngày tôi chọn việc trở nên buồn bã và nằm dài trên giường, chẳng ăn gì cả. Cũng có những ngày khác, tôi vui vẻ và cuồng nộ đầy sức sống như một bông cẩm chướng đỏ tươi. Cũng không được lâu nhưng cái quãng thời gian đó, tôi gần như có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Cho đến khi tôi mười tám, rồi sau đó, mười chín tuổi.

Thế giới bỗng trở nên mờ nhạt. Sự lặp đi rồi lặp lại của những chuỗi ngày bất tận đó và cái mùa hè oi bức này như muốn thiêu đốt trái tim tôi. Những đợt cảm xúc y hệt nhau trở thành một vòng tuần hoàn rắc rối và tôi nằm ở đó, chính giữa, trên sàn nhà để mặc ánh nắng gay gắt rọi vào người. Tôi dùng dao lam để cắt lên đâu đó trên cơ thể với hi vọng nỗi đau thể xác này sẽ thức tỉnh được một điều gì đó. Nhưng đã chẳng có gì xảy ra. Sau khi thức dậy, vẫn là cơ thể nhỏ bé của tôi bị ánh nắng chiếu vào, rõ ràng từng đường nét và tệ nhất là còn sống.

Cho đến khi tôi gặp được Viên. Viên xuất hiện như một sự cảm hóa nào đó được thấu thẳng vào tôi từ tất cả mọi giác quan và lấp đầy tôi trong giây lát. Tôi choáng ngợp trước sự có mặt của Viên, vẻ đẹp cũ kĩ của cô, những chiếc váy cô mặc, những chuỗi vòng cô nâng niu, cách cô lái xe, những câu chuyện cô kể về thời sinh viên và khi cô còn rất trẻ, khi đó tôi được biết về một Viên mười sáu tuổi điên cuồng và hoang dại như loài cúc họa mi, và Viên đi chân trần vào tháng Bảy trên mặt đường nhựa bỏng rát khi bố cô mất sau một đợt bệnh tật kéo dài. Viên khi đó, những tháng ngày đang lớn đó cô cũng giống như tôi, không hề bất hạnh hay cô độc nhưng đồng thời, chẳng hề hạnh phúc. Những thứ vui vẻ đó đã thoát ra khỏi tôi như thể có một lỗ thủng được khoan sâu nơi lồng ngực. Chỉ có buồn bã, và những chuyện không như ý muốn cùng sự bất lực, nỗi cô đơn của bản thể và chúng mình không biết phải làm sao.

Viên nói, khi đó tôi đã không biết phải làm gì với chính mình, tôi đi lang thang và thực lòng tôi mong có ai đó sẽ tìm thấy tôi, có ai đó sẽ đến cái nơi chốn hiu quạnh đó cùng tôi và tôi nguyện sẽ ở bên yêu người đó mãi mãi. Nhưng tôi đã chẳng có ai. Không một ai đi tìm tôi khi tôi lạc lối ở vùng biển hoang trong tiềm thức. Vậy nên, tôi tin rằng tôi có thể hiểu em, Viên nói, tôi có thể nhìn thấy ở em tôi của ngày xưa, cũng đôi mắt nhìn thẳng không điểm đến, sự lạnh lẽo tỏa ra xung quanh và nỗi sợ hãi như những mũi gai nhọn em dùng để bảo vệ chính mình trước sự bạo liệt của thành phố. Nhưng em này, khi em phóng những mũi gai đó ra, chúng sẽ xuyên qua thịt da của em trước. Tôi không muốn em làm đau chính mình. Tôi không muốn bởi vì tôi biết, tôi đã từng là một trong số họ. Ngay từ khi nhìn thấy em trong quán cà phê đó, tôi đã muốn được bảo vệ em.

Và Viên đã thực hiện những gì cô nói với tôi, khi cô bảo rằng cô sẽ bảo vệ tôi trong quá trình lớn lên này. Cô đã cần mẫn làm điều đó cho tôi như một con kiến thợ chăm chỉ và tự hào. Khi tôi có chuyện gì vui để kể cho Viên nghe, cô sẽ im lặng và tỏ ra hạnh phúc. Khuôn mặt Viên sáng bừng lên như một đứa trẻ khiến tôi đôi khi lạc lối trong thứ ý thức rằng ở căn phòng này chỉ có một người lớn, và người đó không phải là Viên. Khi đó tôi đã luôn ảo tưởng rằng bằng cơ thể nhỏ bé đầy khiếm khuyết của mình tôi có thể che chở được cho Viên, cho tôi, cho chúng tôi, để chúng tôi có thể đủ mạnh mẽ mà ẩn náu trong thành phố rộng lớn cô đơn ấy. Nhưng tôi đã nhầm. Vì dù sao thì, xét cho cùng, tôi cũng chỉ là một đứa trẻ mà thôi. Còn Viên, ngay từ khi bắt đầu, cô đã luôn là người đàn bà lớn hơn tôi mười tuổi. Tôi đã quên rằng Viên xuất hiện từ bóng tối. Hẳn là cô đã bỏ lại đó một phần con người mình để tiến về phía tôi.

Mùa hè năm tôi mười chín tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi thực sự tin rằng tôi vẫn còn khả năng yêu thương người khác. Ý tôi muốn nói là, những cảm xúc cần thiết của một con người vẫn tồn tại trong tôi. Trước đó tôi đã luôn lo lắng rằng tôi đã mất hết những xúc cảm hay sự tương tác với con người, rằng với họ tôi có thể bỏ đi bất kì khi nào tôi muốn, rằng trong cuộc sống này hay mai sau tôi sẽ chẳng cần đến một ai mà vẫn ổn và tôi sẽ chẳng thèm tin dù chỉ một tí vào tình yêu. Sau khi gặp Viên, hay đúng hơn sau khi Viên chủ động bước vào thế giới của tôi, từ mùa hè năm đó tôi đã biết được rằng mình không còn như trước nữa. Giống như cơn giông mà ở đó, trong cái tâm bão lặng yên không một tiếng động của nó tôi đã gặp Viên. Cô là một cánh đồng rộng lớn và tràn đầy sức sống nằm bên rìa của thế giới và không phải ai cũng có thể bước vào. Có lẽ trên con đường lạc lối rộng mở của mình, Viên đã luôn ở đó chờ đợi tôi. Hoặc tôi đã luôn chờ đợi cô. Hay thế nào cũng được, tôi không quan tâm nữa. Khi bị nhận chìm trong yêu thương thế này, trái tim con người ta bỗng dù muốn hay không đã biến thành mặt biển. Đen tối và sâu thẳm không bến bờ, đồng thời dữ dội và cũng đầy khao khát. Tôi muốn được cuộn trào như những con sóng bạc đầu và chạm vào những góc cạnh trong tâm hồn của Viên. Tôi muốn được đứng thẳng ở bên cô và nắm tay cô và trải qua tất cả các mùa hè bên nhau cho đến ngày tôi chết. Vấn đề là, tôi chỉ là một đứa trẻ.

Tôi phát hiện ra Viên có gia đình. Chồng của cô là một nhân viên văn phòng bình thường nhan nhản trên đường phố, Viên còn có một con trai hai tuổi đang sống cùng bà ngoại. Bố mẹ Viên sống trong Nam và vào những dịp lễ tết, họ thường bay ra ngoài này để thăm con gái và con rể. Hai tháng sau khi quen nhau, tôi tình cờ tìm thấy album ảnh của Viên trong tủ quần áo. Khi đó Viên đã ra ngoài để mua thức ăn cho bữa tối còn tôi ngủ đến sáu giờ mới dậy. Tôi định đi tắm và nảy ra ý định mượn quần áo của Viên. Quần áo của một người phụ nữ ba mươi tuổi. Ý nghĩ đó kích thích tôi.

Trong tủ quần áo, váy và đồ công sở được phân chia riêng rẽ. Đồ mặc ở nhà và đồ ngủ xếp ở ngăn thứ hai. Túi đựng đồ lót nằm chính giữa. Mùi của Viên chạm đến các dây thần kinh của tôi và trong một lúc, tôi đứng yên nhìn chằm chằm vào tủ. Nếu sau này tôi chuyển đến sống với Viên thì có lẽ phải mua thêm tủ nữa, không phải vì tôi có quá nhiều quần áo mà là bởi tôi không muốn trộn lẫn mùi của Viên. Nghe thì hơi ích kỉ nhưng tôi không muốn cơ thể cô bị lẫn bất cứ thứ mùi tạp nham nào khác, kể cả tôi. Vậy là tôi đứng ở đó, rồi sau đó tôi vùi mặt vào đống quần áo của Viên. Đây là, mùi của người tôi yêu. Đây là quần áo cô ấy mặc đi làm, hẳn là cánh đàn ông sẽ chết hết khi nhìn thấy Viên mặc chiếc đầm này, cả chiếc váy này nữa, tôi sẽ không đời nào để cô mặc những thứ ấy khi không có tôi. Tôi đã định khi Viên về sẽ nói chuyện đàng hoàng rằng tôi muốn cô cam kết với tôi về vấn đề trang phục. Tôi vẫn còn nghĩ linh tinh như thế cho đến khi những ngón tay tôi bên dưới đống quần áo bỗng chạm vào một cuốn sách khổ lớn bìa mềm. Tôi sờ nắn và đoán định nó rồi tôi quyết định lấy nó ra. Chẳng cần phải mở ra cũng dễ dàng biết được đây là một cuốn album gia đình. Bạn biết đấy, những cái bìa màu mè với hình trẻ em Âu Tây và những cái khung tranh ảnh cầu kì với lũ mèo chó và bóng bay các loại, kiểu thế. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, à vậy là mình có thể nhìn thấy Viên hồi trẻ trông thế nào, đúng vậy, và mình có thể lấy vài tấm về làm của riêng. Khi ấy, đó là tất cả những gì tôi nghĩ.

Tấm ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là một tấm ảnh chụp đại gia đình. Trong ảnh có ba thế hệ. Hai ông bà già, Viên và một người đàn ông, một đứa bé trai mặc lễ phục. Viên rất hạnh phúc trong tấm ảnh. Cô và người đàn ông đứng phía sau hai người già, đứa bé trước mặt họ. Người đàn ông vòng tay ôm lấy Viên và Viên nở nụ cười tôi vẫn thường nhìn thấy. Đó là nụ cười tôi luôn rất thích nhìn. Mặc dù lúc đó ngay lập tức lồng ngực tôi đã thấy đau, tôi vẫn không cách nào rời mắt khỏi nụ cười của cô được. Nó rất tự nhiên và thường trực, và chẳng cần bắt ép, Viên luôn có thể trao cho bất kì ai quyền được hưởng thụ niềm hạnh phúc của cô. Đó là sự vui vẻ tôi luôn cố gắng tạo ra khi ở gần Viên, khi tôi bỏ thời gian chọn lọc những đĩa phim hài hay những mẩu chuyện vui, những câu nói hài hước. Vì đó là Viên mà, với tôi chúng là vô giá.

Khi Viên trở về từ siêu thị, tôi không biết phải mở lời thế nào. Tôi có nên nói với Viên rằng người đàn ông trong bức ảnh là bạn trai của chị phải không, rằng vào hôm chúng ta gặp nhau chắc là chị đã cãi nhau với anh ấy hả, và sau khi biết được rồi tôi sẽ ôm lấy cô và nói với cô rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, tôi sẽ luôn ở đây, cạnh bên Viên cho đến khi nào cô không cần tôi nữa. Vậy là sau khi sắp xếp mọi thứ, tôi quyết định thu hết dũng khí và mang cuốn album vào bếp.

“chị Viên này” – tôi hỏi, Viên đứng quay lưng về phía tôi, cô đang xếp thức ăn vào tủ lạnh, tôi tự hỏi tấm lưng này đã được những ai nhìn thấy rồi – “chị có gia đình rồi à?”.

Viên không cử động nữa. Cô dừng lại và hoàn toàn bất động. Trong một lúc, tôi chờ đợi Viên. Một điều lạ là, tôi không thấy đau lòng hay cái gì đại loại như thế nữa. Tôi chỉ, có thể nói là tò mò.

“đúng rồi” – Viên nói, cô quay lại nhìn tôi – “em muốn uống cà phê không?”.

“tất nhiên rồi” – tôi đáp.

Đó là lần cuối Viên pha cà phê cho tôi.

Thực ra tôi không giận dữ đến mức đòi chia tay với Viên hay từ bỏ cô hay kiểu thế. Chỉ đơn giản là, chúng tôi dừng lại. Sau khi trở về nhà, tôi tắm nước nóng và gọi điện cho Viên để chúc cô ngủ ngon như tôi vẫn làm từ khi chúng tôi quen nhau. Nhưng Viên không bắt máy. Hôm sau khi tôi gọi điện vào buổi sáng để chúc cô một ngày mới tốt lành, Viên cũng không xuất hiện. Cả ngày hôm đó, khi tôi gọi vào buổi trưa và buổi chiều rồi buổi tối, những gì tôi nhận được chỉ là những tín hiệu truyền đi rồi truyền lại chẳng có nghĩa lí gì. Ngoại trừ một điều, tôi cảm nhận được rằng Viên đang dần rời xa tôi. Đây là cái cách cô đẩy tôi đi và khóa lại cánh cửa sau lưng mình. Mặc dù tôi biết được điều này, song tôi đã chẳng làm gì cả.

Buổi tối hôm đó khi Viên kể cho tôi về gia đình của cô, chúng tôi đã đối thoại như những người bạn. Thành thật mà nói, mặc dù tôi nói với Viên rằng tôi rất thích cô nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn có thể dừng lại. Hoặc tiếp tục mà không gặp trở ngại gì.

“tôi thích chị, rất nhiều” – tôi nói – “nhưng tôi đã hết thấy buồn bã rồi. Ý tôi là, tôi muốn có chị ở bên cạnh tôi, tồn tại trong cuộc sống của tôi, nhưng nếu chị đã có gia đình hay có người yêu, tôi cũng sẽ không phiền lòng”.

“em nói thế là sao?” – Viên ôm tách cà phê trong tay, cô hỏi tôi mà không ngẩng đầu lên hay cử động.

“tôi muốn nói là, có lẽ tôi đã nhầm lẫn” – tôi ngừng một lúc, cố gắng sắp xếp từ ngữ trong đầu cho gọn ghẽ nhưng không nổi, lúc này tôi hoàn toàn bối rối – “có thể, tôi đã rất yêu mến chị, nhưng bây giờ, tôi cũng không rõ nữa”.

“em chưa bao giờ thích tôi lắm, đúng không? Tôi muốn nói là thích giống như tôi đã thích em ấy” – mãi Viên mới nhìn tôi. Kể cả khi tôi đã quen nhìn thấy Viên, tôi vẫn không khỏi bị choáng ngợp trước cô ấy. Ở Viên có một loại sức hút nào đó vô cùng mãnh liệt khiến người đối diện mất khả năng kiểm soát.

“tôi đã nói với chị ngay từ đầu rồi” – tôi nắm lấy tay Viên – “cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào rời mắt khỏi chị được”.

Và sau đó, giống như khi xuất hiện, mùa hè kết thúc đồng thời Viên cũng không còn ở bên tôi. Tôi nhận được kết quả rồi vào mùa đông, tôi rời khỏi thành phố của mình. Thành phố mà ở đó, tôi đã để lại một phần tuổi trẻ viển vông và buồn bã, và đương nhiên, cũng có cả hạnh phúc của tôi. Ít ra, vào những ngày cuối cùng của tuổi mười chín, tôi đã biết được thế nào là hạnh phúc.

Đó là khi nỗi đau trở nên lớn đến độ không thể nào chịu đựng nổi, và từ đó về sau con người ta cứ quay quắt mãi trong nỗi tiếc nuối không ngừng.

Khi tôi bước đi trên phố, có một mùa hè lúc nào cũng song hành cạnh bên tôi. Chúng tôi rất hiếm khi trò chuyện cùng nhau nhưng sự im lặng dịu dàng đó tuyệt nhiên lại chẳng hề gượng gạo. Tôi đã nắm tay mùa hè của tôi, thật lâu. Cho đến khi dù muốn hay không, tạo hóa cũng buộc phải vặn mình đi tiếp một vòng lớn.

2014-05-23

20:18pm

Nguồn: truyen8.mobi/t119781-nhung-thieu-thoi-lo-lung-ha-non-hn.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận