Đã hai tuần lễ nay, phong trào Bình dân toàn thắng.
Là vì sự tình cờ đã xô đẩy Xuân Tóc Đỏ, đã hai tuần lễ vào cái gia đình trưởng giả của Văn Minh. Thanh thế nó mỗi ngày một to tướng mãi ra. Ảnh hưởng của nó cũng vậy. Nó cứ tự nhiên tham dự vào những việc rất can hệ cho xã hội mà nó không biết. Sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, là sự khiêm tốn, nên nó lại càng được yêu mến hơn... Nó chỉ còn chờ... Nó biết rõ điều ấy lắm. Nó chờ số phận lôi nó lên cao chót vót.
Ông thầy số, những khi lai vãng nhà bà Phó Đoan để khen bà ta là trinh tiết, và cậu con cầu tự (Em chã!) thật là con Giời con Phật, không bao giờ quên cổ động cho Xuân Tóc Đỏ là có một tương lai rực rỡ, lừng lẫy tiếng tăm có phen... Bà Phó Đoan lại cổ động cho Xuân là có học thức, với ông phán mọc sừng. Ông này lại luôn khen ngợi trước mặt cụ Hồng (Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!...) rằng Xuân là một người đứng đắn, mặc lòng hãy còn trẻ trung.
Cụ cố Hồng đã công kênh Xuân Tóc Đỏ là sinh viên trường thuốc, trước mặt cụ cố tổ và cụ bà... Những người này vô tình nhắc lại những lời ấy cho nhiều người khác cùng biết. Đối lại kết quả bất ngờ ấy, Xuân Tóc Đỏ chỉ việc cổ động cho ông thầy số là Quỷ Cốc Tử tái thế, ấy chỉ có vậy thôi.
Chỉ có cặp vợ chồng Văn Minh là biết rõ sự thực, nhưng mà ở vào trường hợp há miệng mắc quai. Tuyên bố rằng Xuân vốn con nhà hạ lưu, làm nghề nhặt banh sân quần, vì một trò dâm dục bỉ ổi mà phải đuổi? Chao ôi! Thế thì còn gì là tiệm may Âu hóa nữa!
Thế thì còn đâu là những cái thích của bọn khách hàng phụ nữ vốn ưa cái nhanh mồm nhẹ miệng và những cử chỉ ngộ nghĩnh của Xuân Tóc Đỏ nữa?
Vợ nghĩ thế, còn chồng lại, vì lẽ đã bịp cả ông bố hiếu danh rằng Xuân vốn là sinh viên trường thuốc, "ông đốc" cẩn thận, bây giờ biết ăn làm sao, nói làm sao? Cho nên dù Văn Minh rất oán hận Xuân ở chỗ nó đã chẳng may cứu sống được ông nội mình bằng thuốc thánh đền Bia - một sự ông ta không thể tha thứ được - ông ta khoanh tay chịu nhịn vậy. Riêng về phần cụ Hồng (Biết rồi! Khổ lắm!) thì tuy cũng có cụt hứng vì bố mình lại không chết vì chai nước ruộng và mấy cái lá thài lài, cụ cũng không dám tỏ lòng bất bình ra với Xuân. Con giai cụ đã kêu đó là sinh viên trường thuốc và con rể cụ - ông phán mọc sừng - vẫn luôn luôn nhắc cho cụ khỏi quên rằng đó là một người đáng kính trọng, vì có học thức lắm, và đúng đắn hết mực.
Thành thử Xuân cứ nghiễm nhiên tọa hưởng kỳ thành, im lặng mà mỉm cười những khi cụ Phán bà, ông Hai, cô Nga, cô Tuyết, ông Joseph Thiết, gọi nó là quan Đốc, và làm cái bộ mặt thờ ơ lãnh đạm mỗi khi bà Phó Đoan nhìn trộm nó mà mỉm cười toe toét một cách rất đa dâm.
Sau khi cụ cố tổ đã bình phục hẳn, muốn trả ơn thầy, cụ bà đã mời Xuân Tóc Đỏ dự một bữa tiệc rất trọng thể linh đình. Việc ấy mở đầu cho một kỷ nguyên mới để thành ra một thói quen... Từ đấy mà đi, Xuân luôn luôn dự tiệc với bà Phó Đoan, với vợ chồng Văn Minh, bằng các lý tưởng tự do, bình đẳng. Sau cùng thì mỗi khi ai mời Xuân một bữa cơm, là được một cái hân hạnh nữa rồi! Đã có người mến nó, kính sợ nó. Đã có người ghen ghét nó nữa, nhưng cái đó không hề gì. Lại có người phải lòng phải mặt nó nữa, điều ấy là đáng quan tâm.
Lâu lâu, sống mãi trong bầu không khí hỗn loạn những sự kính trọng, sợ sệt, mơn trớn của kẻ chung quanh, Xuân Tóc Đỏ đâm ra khinh người. Vì lẽ theo thói thường những kẻ nhũn nhặn hay bị coi khinh, nên Xuân Tóc Đỏ càng kiêu ngạo, càng làm bộ làm tịch bao nhiêu, lại được thiên hạ càng kính trọng. Một cái lặng im của nó cũng có giá trị của một cái đặc ân. Bọn thợ may và thợ thêu cho nó là có thế lực đối với ông chủ, bà chủ. Cô Tuyết kính thờ nó vì Xuân được cụ bà... kính thờ. Ông Typn, ông Joseph Thiết, cả ông đốc Trực Ngôn nữa, cả cậu!Tú Tân là em ruột ông Văn Minh nữa, cũng ra vẻ nịnh hót nó để lấy lòng nó, vì ai cũng tưởng cụ cố Hồng (Biết rồi! Khổ lắm!) đương chủ trương những tư tưởng cổ điển bí mật là gả cô Tuyết, cô con gái rượu, gái yêu quý, cho Me-sừ Xuân? Hoặc tự mình lừa dối mình, hoặc bị vô số kẻ khác lừa dối, ai cũng ở cảnh bó buộc không sợ hãi hoặc không kính trọng Xuân thì không được.
Như vậy thật là sự đắc thắng của Bình dân vậy thay!
Hai giờ chiều hôm ấy, bà Phó Đoan đánh xe hơi lại mời Xuân lên Hồ Tây xem một cái hội ghê gớm là Ngày hội của các gái nhảy ở Hà Nội (Lajournée des cavalières Hanoiennes) có các vị tai to mặt lớn trong chính giới chủ tọa. Khi thấy chỉ có Xuân Tóc Đỏ thôi bà Phó ngơ ngác mà rằng:
- Ông Xuân nhỉ? Sao lại không nghỉ hẳn một buổi?
Xuân thản nhiên đáp trống không:
- Việc gì phải nghỉ hẳn? Họ đi thì đã có tôi ở nhà thay quyền!
Bà Phó Đoan nghĩ ngợi hồi lâu rồi khoe:
- Ông Xuân đã biết chưa? Hở ông?
- Cái gì?
Trước lời hỏi sỗ gọn như một câu gắt, bà Phó Đoan vội:
- Bẩm... bẩm cái sân quần... sắp xong.
Xuân lại làm một câu gọn thỏn lỏn:
- Được lắm!
Bà Phó tuy cũng hơi kinh ngạc về những ngôn ngữ khác thường ấy, nhưng mà chưa chi bà đã vội đem cái ngu dốt của bà ra tra khảo đã. Ắt hắn nếu không có cái "vì một lẽ gì" mà bà chưa hiểu được thì Xuân Tóc Đỏ hắn không dám có giọng nói sỗ sàng với bà dường kia. Nghĩ rằng như thế mà đi ra ngay thì trơ, bà lại hỏi:
- Thưa ông, thế ông không đi xem hội.
- Việc Âu hóa không có tôi một ngày cũng không được!
- Bẩm thế thợ khâu... thợ may đâu cả ạ?
- Có mấy cô khâu thì đã phải vận cả mấy bộ y phục đại tang và tiểu cớ, do ông Typn vừa chế tạo, mà người nhà này chưa ai mặc đến, vì cụ tổ đã được tôi cứu cho khỏi chết... Mấy cô khâu mặc những quần áo ấy và ăn tiền công của Ma nơ canh, bà đã hiểu chưa? Quần áo trót may thì phải lăng xê để quảng cáo chứ? Mấy ông thợ cũng được đi xem hội để phát giấy chiêu hàng.
- Tôi có ý muốn lại cùng đi chơi với vợ chồng Văn Minh và rủ ông nữa.
- Ấy họ đã đi cả.
Xuân Tóc Đỏ cứ đáp lửng khửng đủng đỉnh như thế, tay vẫn mân mê bộ vú bằng cao su mà Tây phương mới gởi sang cho công cuộc Âu hóa ở bên Đại Cồ Việt này. Những khí cụ của nhan sắc ấy được để trong cái hộp rất đẹp, lót năm bảy lần giấy thủy tinh lóng lánh. Bà Phó Đoan nhìn những của quái ấy bằng hai con mắt thèm thuồng, lại nhận thấy Xuân lúc ấy chỉ có một mình trong gian hàng rộng - sự ấy thật hãn hữu - nên bà không muốn bỏ một cơ hội tốt. Bà còn trù trừ đứng tìm một câu gì để đả động đến những cái vú cao su ấy thì chẳng may cậu Phước ngồi ở xe hơi đỗ bên ngoài cứ em chã, em chã mãi, và khóc thét lên. Bà đau lòng phải bắt tay Xuân và ra thẳng.
Xuân đứng cười thầm một mình, bà Phó Đoan tuy già nhưng còn hư hơn các thiếu nữ ngây thơ nhiều, điều ấy nó biết lắm. Nó chỉ gật đầu một cái là ăn thua ngay! Nhưng mà già như thế thì còn... nước mẹ gì! Họa chăng có các tiền! Nó nghĩ thế rồi càng phục ông thầy số là tài, khi ông bảo nó năm nay gặp vận đào hoa. Rồi nó mơ màng những cách làm tiền, nếu bà Phó Đoan biết cho tâm sự của nó. Thành thử vô tình, Xuân Tóc Đỏ đã thực hành một phương châm mà những nhà triết học đã sống đến bạc đầu mới tìm ra được: ấy là phải lên mặt với ái tình thì cuộc chinh phục mới dễ dàng hơn và bền chặt.
Nó đương sung sướng bỗng phải cụt hứng vì ông phán mọc sừng. Ông này tập tễnh bước vào, mặt lầm lầm, không nói gì cả, giơ tay ra bắt... Xuân Tóc Đỏ bắt tay xong, ưỡn ngực lên cất giọng lanh lảnh nói to:
- Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!
- Hay lắm! Xin đa tạ... cảm ơn vạn bội.
Ông phán mọc sừng cảm ơn tha thiết như ông ta, lần này là lần đầu, được có người đến mách cái tin sét đánh là vợ ông ngủ với giai. Nhưng đó là tại ông quen mồm đi mà thôi, chứ không phải là ông cảm động, vì ông kéo ngay ghế ngồi trước mặt Xuân, và nói:
- Ấy lần sau quan bác cứ dõng dạc thế cho. Tôi nói lần sau nghĩa là lần nào bác thấy cả mặt tôi lẫn vợ tôi, nhất là trước mặt cụ Hồng hay cụ Tổ thì càng hay lắm!
Xuân ngẫm nghĩ rồi nói:
- Ai lại nói thế trước mặt bác gái hay cụ Hồng hay cụ Tổ!
- Phải thế chứ! Không thì tôi thuê quan bác chục bạc làm gì?
Xuân lo lắng hồi lâu, lại hỏi:
- Hay là rồi tôi trả lại quan bác số tiền ấy vậy nhé?
Ông phán đứng phắt dậy như bị một cái lò so đẩy lên, kêu thất thanh:
- Giời ơi! Thế thì tôi chết mất! Thế thì tôi đến phải tự tử...
Xuân cũng cảm động mà rằng:
- Chết nỗi! Nhưng sao quan bác lại cần tôi phải... công kích quan bác về tội mọc sừng?
Nhưng ông phán không những không cắt nghĩa rõ mà lại nói rằng:
- Không! Không thế được! Quan bác đã hứa rồi. Chỉ có những người giữ lời hứa là đáng quý. Hai nữa, quan bác có biết rằng địa vị quan bác trong cái nhà này đã lung lay lắm rồi không?
- Lung lay? Xuân Tóc Đỏ hỏi thế một cách lo sợ.
- Phải! Tôi xin làm phúc mà mách với quan bác rằng ông Typn hiện giờ đương ghen tức bác và bác đã làm vợ ông ta hư hỏng là một, tiếp khách khéo hơn ông ta là hai, lại đã biết đo các phụ nữ may áo là ba, làm giảm thế lực của ông ấy là bốn. Bà Phó Đoan cũng có vẻ hằn học với bác lắm, vì lẽ gì tôi chưa rõ. Còn chính vợ chồng ông chủ thì không những ghét ngầm hờn mát bác mà thôi, mà còn coi bác là kẻ tử thù. Tại sao? Bác có biết không? Tại bác đã làm cho cụ tổ khỏi hẳn bệnh là một, và làm cho cô Tuyết nó hối hôn với một đám đã sêu tết là hai, vậy quan bác phải coi chừng đó! Tôi xin lấy tình thân mà bảo rõ cho bác biết để bác liệu... Thế thì, tôi đối với bác đã như vậy, mà bác lại không chịu giúp tôi cái việc ấy hay sao?
- Thế bây giờ phải làm thế nào?
- Phải làm như tôi đã dặn. Làm như thế là nhất cử lưỡng tiện.
- Làm sao?
- Làm như thể bác chuộc lại cái lỗi xưa, những người thù bác sẽ trở lại yêu bác.
- Tôi mà bị thù à? Bị thù vì chữa khỏi bệnh cho cụ cố à?
- Chính thế. Chỉ có cụ phán bà là hâm mộ bác vì việc ấy. Nhưng cụ bà có thế lực gì đâu? Bác phải trông ở cụ Hồng, ở vợ chồng Văn Minh...
- Thế nghĩa là phải bảo bác mọc sừng trước mặt cả vợ bác lẫn cụ tổ?
- Bẩm chính thế ạ! Nếu vậy tất cụ tổ phải chết tức khắc... Mà do thế, ai cũng có tiền tiêu. Cả tôi nữa, tôi cũng sẽ có tiền tiêu...
- Thật không?
- Rồi bác sẽ biết, vì nếu tôi có tiền thì rồi bác cũng... được tiêu.
Nhưng Xuân lưỡng lự rồi nguẩy đầu:
- Tôi chả thế. Thế là giết người! Tôi không muốn làm một kẻ sát nhân! Một tội ác! Không thể thế được!
- Ồ! Nếu bác giết có một người, trái lại, bác cũng làm cho số đông người khác được sung sướng. Nên lắm, bác ạ. Nếu không, chẳng chóng thì chầy, bác sẽ... mất việc.
Xuân Tóc Đỏ giơ tay ra cho ông phán mọc sừng:
- Vậy thì tôi xin hứa một lần nữa... danh dự... cam đoan.
Ông phán sung sướng bắt tay Xuân rất chặt, nói rối rít:
- Thôi, tôi vào sở, cảm ơn bác trước nhé!
Ông phán vừa đi khỏi thì một mỹ nhân chạy tọt vào. Xuân tưởng lại là một phụ nữ tân tiến muốn may mặc gì, lòng đã mừng thầm, nhưng đó chỉ là Tuyết. Cô này hổn hển hỏi:
- Anh phán, liệu anh ấy có trông thấy tôi không, hở ông?
Xuân đáp liền:
- Không, ông ấy có quay lại nhìn sau lưng đâu?
- Thế thì tốt lắm. Nhà đi vắng cả?
- Vâng. Sao cô không lên Hồ Tây xem hội?
- Không thích chứ sao! Trên ấy... trên ấy đầy những cô đầu với gái nhảy họ ăn mặc lại tân thời hơn mình hoặc y như mình! Tôi, tôi là con nhà danh giá, tôi không muốn bị thiên hạ nhầm là gái nhẩy.
- Cô nói phải lắm.
- Nhưng mà đừng tưởng là tôi không biết khiêu vũ đấy nhé?
- À... vâng.
- Ông có biết nhẩy không? Ta làm thử một bài tango xem nào!
Xuân sợ hãi, lắc đầu:
- Để khi khác... vả lại, phải có âm nhạc chứ? Nếu quý nương muốn thì hôm nào ta đi bar chơi hơn.
- Thật không? Y hẹn rồi đấy nhé? Ông sinh viên trường thuốc làm bộ nhé?
Xuân chối cãi:
- Chết nỗi! Quý nương cứ nói thế chứ... Tôi ít nói ai cũng tưởng nhầm tôi là khinh người. Vả lại khinh ai chứ khinh sao được quý nương mà dám khinh! Cô không khinh tôi là phúc.
Lần này là lần đầu Xuân dám tán tỉnh - và cũng có cơ hội - nên Tuyết rất lấy làm cảm động. Muốn giấu sự xúc động, cô chỉ đống vú cao su hỏi:
- Những cái gì thế ông?
- À, những vú cao su đấy... Để cho phụ nữ tân tiến văn minh Âu hóa.
- Thế à! Để tôi mách chị em bạn tôi mới được. Tôi có nhiều bạn gái mới lắm. Như thế là đắt khách cho hiệu Âu hóa của ông đấy nhé?
Xuân nói nửa nạc nửa mỡ:
- Chứ còn cô thì không cần dùng.
Tuyết bĩu môi và ưỡn ngực ra:
- Cần gì nữa? Vú tôi thế này lại không nở nang chán ra hay sao? Mấy cô gái mới chả có cái ngực như tôi được! Mà thật đấy chứ không bằng cao su đâu nhé?
Chừng như sợ mình chỉ nói thế chưa đủ là văn minh tân tiến, Tuyết lại bảo:
- Tôi cho phép ông khám mà xem!
Tinh quái, Xuân Tóc Đỏ còn khoanh tay sau lưng:
- Thời buổi này, biết sao được! Giả dối hết thẩy! Yêu cũng yêu giả dối, tân thời cũng tân thời giả dối, hủ lậu cũng hủ lậu giả dối!
Tuyết phải cáu một cách rất chính đáng mà rằng:
- Thì ông cứ thử khám xem tôi có... giả dối không này!
Xuân nhìn ra phía ngoài thấy không có ai, liền phóng tay lên ngực Tuyết, nắn tay xem của thật hay của giả... Sau khi không còn ngờ gì nữa, nó cảm ơn bằng cách tiện thể hôn luôn tay của Tuyết mà rằng:
- Chỉ có một mình quý nương là không giả dối như đời mà thôi.
Tuyết thở dài, cảm động. Sau cùng khẽ nói:
- Ông... anh, tôi muốn anh giúp tôi một việc, em rất cảm tạ.
- Chúng tôi rất được hân hạnh!
- Tôi không muốn lấy cái người ấy, vì nếu tôi lấy hắn, chắc hắn sẽ mọc sừng. Thí dụ một người như ông mà hỏi tôi thì còn gì! Đằng này hắn lại nhà quê, không biết yêu vợ như những người văn minh. Buồn lắm, anh ạ.
- Tôi phải làm gì?
- Phải giả vờ chim tôi..., chúng ta giả vờ chim nhau, mê nhau... Cho hắn bỏ tôi, mình hiểu chưa? Ta giả vờ với nhau thôi mà! Tôi cần mang tiếng hư hỏng lắm mới được.
- Thế sao nữa ạ?
- Anh thì anh cũng phải mang tiếng là làm hại một đời tôi mới xong!
- Nếu em hứa là sau này đừng làm anh mọc sừng là anh xin làm hại một đời em thật sự, chứ không còn "mang tiếng" gì nữa.
- Anh đốc, anh nói thật đấy chứ?
- Xin lấy danh dự ra mà làm hại một đời em!
- Cảm ơn! Yêu lắm! Quý lắm! À, thế nhưng mà anh cần xin nghỉ việc mới được. Thế muốn làm hại một đời người con gái tử tế đứng đắn thì mất mấy ngày? Hở mình?
Từ đấy trở đi, Tuyết và Xuân còn nói nhiều, một bên thì lấy tư cách bình dân, bên kia thì lấy tư cách phụ nữ tân tiến.