Số Đỏ Chương 9


Chương 9
Cảnh bồng lai trên cõi thế Môn triết lý của người đàn bà ngoại tình Gương "bán sử nữ"

Về phía tây thành Hà Nội có một cái hồ mà người ta chịu khó ngăn đôi ra thành một con đường cho nó thành ra hai cái hồ. Con đường ấy là con đường Cổ Ngư, nổi tiếng khắp xứ, trong hai mươi triệu đồng bào không còn ai là không biết, vì những thiếu nữ hoặc khuê các hoặc không, cùng những ông sinh viên trường cao đẳng hoặc trường luật học, hoặc sinh viên không trường nào cả, thường đêm đêm đem nhau lên đó để làm nũng với nhau, để mạt sát những chế độ gia đình của nhau, độ vài tháng, để rồi sau cùng, thì rủ nhau nhảy xuống hai cái hồ ở đấy.

Thoạt đầu người ta hay nhảy xuống Hồ Tây, nhưng vì Hồ Tây sâu lắm, những kẻ tự tử chẳng may phần nhiều không mấy ai thoát chết cả, thành thử người ta bảo nhau nhảy xuống cái bên cạnh là hồ Trúc Bạch nông hơn. Vì lẽ Nhà nước cũng khôn, đã cho trồng mấy cái bảng lớn "Cấm ngặt đổ rác xuống Hồ Tây" nên hồ Trúc Bạch lại càng đắt khách. Đêm đêm, những bác phu xe ế khách, những kẻ trai tráng biết bơi mà thất nghiệp, thường lên chờ ở đấy để hễ nghe thấy những tiếng kêu thảm thương ai oán: "Ai cứu tôi với!..." là nhẩy ùm xuống, là vớt ngay được một tiểu thư đẹp nõn lên, rồi đến bóp Hàng Đậu lĩnh tiền thưởng, và sau cùng, thấy ảnh mình đăng trên báo, kèm với những cuộc phỏng vấn ỏm tỏi. Vì những lẽ ấy, hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà trở nên một cách oanh liệt, là một sân khấu của tất cả những tấn đại thảm kịch của những cảnh địa ngục giữa Hà Thành, là những gia đình Việt Nam, những trở lực tai hại cho những cuộc tự do kết hôn, tự do ly hôn, tự do cải giá, tự do tục huyền... Hồ Trúc Bạch cứ là một thứ hàn thử biểu, thời khắc biểu về những tấn bi kịch mới cũ xung đột, cá nhân, gia đình, hy sinh, giác ngộ, áp chế, giải phóng mãi mãi, mãi mãi, nếu không có một nhà thương nòi yêu giống xây ngay trên bờ hồ ấy một khách sạn mà Tây phương có lẽ cũng thèm muốn, là khách sạn Bồng Lai.

Muốn cho làn không khí trên hồ trở nên trong sạch như xưa, ngày khánh thành khách sạn Bồng Lai, chính phủ bảo hộ đã ra lệnh cho tất cả các trường nữ học dạy nữ học sinh nhẩy múa để làm tiên giáng thế, để giải thoát cho một vài linh hồn chẳng may chết vì tự tử.

Thành thử khách sạn Bồng Lai cũng được nổi tiếng y như đường Cổ Ngư và hồ Trúc Bạch. Những người Việt Nam hoàn toàn, những người Việt Nam biết tự trọng thì phải có bổn phận là khách hàng của khách sạn ấy ít ra là một lần, nếu không muốn bị những bậc trí thức tân tiến khinh bỉ là dân vong bản, vong quốc vân vân...

Bởi vậy, hôm nay Tuyết và Xuân rủ nhau lên đây, cô thì vì tư tưởng giải phóng muốn bị mang tiếng là hư hỏng, cậu thì vì cái trách nhiệm nặng nề muốn làm hại đời một tiểu thư khuê các. Khi vượt qua cái cổng xi măng xây theo lối Nhật, Tuyết bảo Xuân:

- Chúng ta sẽ thuê chung một gian phòng! Chúng ta sẽ ăn uống với nhau! Khiêu vũ với nhau, đánh ping poong với nhau, chèo thuyền với nhau. Tôi cần phải làm tất cả mọi người được trông thấy là đi với mình, mình ạ.

Xuân muốn tìm một câu rất văn hoa để đáp, nhưng chỉ nhớ được thói quen của ông Typn lúc tiếp khách hàng phụ nữ, bèn nói:

- Chúng tôi rất được hân hạnh.

Vẻ mặt ngây ngô của Xuân khiến Tuyết tưởng thế là một lối pha trò tài tình! Cô ả cứ cười rầm rĩ như những phụ nữ tự nhiên tân tiến và ngặt nghẽo nói:

- Giời ơi! Anh đốc có duyên quá đi mất!

Hai người lững thững đi qua vườn hoa, tự nhiên như một cặp tình nhân chân chính đương thực hành một cuộc tình duyên vụng trộm. Thốt nhiên, Tuyết lại nói:

- Ta hãy ngoạn du khắp cảnh Bồng Lai rồi hãy thuê phòng!

Khách sạn Bồng Lai, thật vậy, là một tòa lâu đài đồ sộ trong đó có đủ các bộ phận có thể ban hạnh phúc cho tất cả những người Việt Nam nào thừa xu tiêu! Một tốp kiến trúc sư đã góp sức đấu trí để xây tòa nhà phi thường ấy một nửa trên mặt đất, một nửa trên mặt nước, có bao lan ngồi trên mặt hồ để quý khách ngồi xem bơi thuyền, xem bơi lội... Trong vườn hoa thì nào là sân quần, sân ping poong, bể bơi... Trong khách sạn có phòng khiêu vũ, máy vô tuyến điện. Cơm cho khách thì cơm Tây, cơm Tầu, nem, chả, đủ! Ai cũng có thể cứ ở trong khu vực ấy thôi là đủ hưởng hết mọi thi vị của cuộc tân sinh hoạt, mọi cái phong lưu lịch sử của đất đế đô văn vật, miễn là người ấy có xu... Thật vậy không có khách sạn Bồng Lai thì thật là một cái quốc sỉ cho người Việt Nam, đối với con mắt của người ngoại quốc. Những bọn trưởng giả vô công rồi nghề phải hẹn hò với nhau ở đấy thì mới không thấy đời là đáng buồn. Ngoài số sáu chục gian phòng ngủ, khách sạn còn có đến hơn chục thiếu nữ đi bán ái tình, những con gà mái thượng hạng xa xỉ, theo hệ thống các khách sạn ở những nước văn minh.

Bữa ấy, tuy cũng nhằm ngày chủ nhật, nhưng mới có tám giờ sáng, nên khách khứa chưa đến đông. Một vài người đánh quần. Một vài người đánh ping poong. Độ chừng năm sáu giai thanh gái lịch ngồi giải khát trên bao lan nhìn ra hồ. Ba con gà mái thượng lưu của khách sạn ăn mặc trá hình ra tiểu thư khuê các để rủ bọn mày râu đi tắm... Tuyết và Xuân lên thềm giữa lúc mọi người nói bông nói đùa với nhau. Một cô gái mới đứng lên bắt tay Tuyết và Xuân, rồi giới thiệu cho cả bọn:

- Xin giới thiệu các ngài, đây, ông Xuân, quản lý tiệm may Âu hóa, một nhà nghệ sĩ, đo đắn khéo, chế nhiều kiểu áo rất đẹp, chị em chúng tôi được hưởng cái tài trí của ông đã nhiều lắm.

Một nhà thiếu niên kính cẩn hỏi:

- Thưa ngài, vậy ra ngài là đồng sự của ông Típ Phờ Nờ?

- Vâng!

Giữa lúc ấy, ông chủ khách sạn, với bộ quần áo đại tiệc chạy ra. Xuân Tóc Đỏ tái mặt, chỉ muốn chạy trốn. Tuyết giới thiệu:

- Anh đốc Xuân, bạn giai của tôi... ông Victor Ban, chủ nhân Bồng Lai...

Ông Victor Ban kinh hãi cúi đầu rất thấp, bắt tay Xuân Tóc Đỏ xong thì đứng ngây mặt ra như người bằng gỗ. Thật vậy, chính sự nghiệp của ông, cũng đã là kỳ lạ, từ khi ông làm Vua Thuốc Lậu và chủ tiệm Bồng Lai... Vậy mà người ấy bây giờ lại là đốc tờ thì thật không thể tưởng tượng được!

Sau khi làm nghề cưỡi ngựa thi mà không phất, ông Victor Ban nhận thấy bóng văn minh tràn sang xứ ta bằng những vi trùng giang mai và lậu, bèn đổi nghề. Ông ta tìm một ít ban miêu, một ít dầu bạch đàn, một ít đất thó nữa, chế tạo ra được một môn thuốc lậu rất hiệu nghiệm. Vì lẽ cũng như các ông Vua Thuốc Lậu biết tự trọng khác, nghĩa là không bao giờ chữa cho các bệnh nhân khỏi như lời cam đoan, ông mới hai năm, đã trở lên đại phú. Có tiền rồi, ông xây ngay một cái nhà săm vĩ đại ở ngoài châu thành Hà Nội chứa được chục gái giang hồ. Những thiếu niên trai tráng kiện lành đến đấy rồi thì lại được bọn gái giang hồ gửi trả lại hiệu thuốc của ông Victor Ban. Khỏi rồi thì họ lại đến với bọn gái giang hồ, thành thử họ làm những cái thoi đưa từ nhà săm đến phòng khám bệnh... Và như thế thì ông Victor Ban càng giàu chứ sao? Ông đặt đại lý ở khắp các tỉnh của ba kỳ. Xe hơi của hiệu thuốc ông chạy khắp các phố phường, máy phóng thanh của ông luôn luôn nhắc cho đồng bào biết rằng ai cũng di tinh, lãnh tinh, mộng tinh, mắc thiên trụy, mắc bạch đái, tim la, lậu kén, lậu nhiệt, hoặc vỡ phổi, thủng dạ dày, rách tim, đau mắt, thối tai, vân vân... Mải nghe quảng cáo của ông, những người vô bệnh cũng tưởng mình sắp chết, và mua thuốc, và cảm ơn ông ở chỗ ông cứu nhân độ thế, thương yêu chủng tộc. Thành thử, ông được đủ 20 triệu đồng bào biết đến tên tuổi...

Thế rồi, muốn ban cho cái dải đất đầy những vi trùng hoa liễu này một cảnh bồng lai, cho chúng sinh quên bớt những sự đau đớn, rức buốt những vết thương... ông mới mở ra khách sạn Bồng Lai.

Mới cách đây vài năm, thằng Xuân kia, cái ông đốc Xuân kia, chỉ là một thằng ma cà bông, mà ông đã thuê hai hào một ngày để ngồi trên mũi ô tô mà thổi loa, mà gào thét những chữ: di tinh, mộng tinh... vào máy phóng thanh, mà bây giờ đã là bạn giai của cô con gái út của cố Hồng, mà lại là ông đốc! Thật quá sức tưởng tượng.

Hai bên đương lấm lét nhìn trộm nhau, may sao cho Xuân là cô gái mới lại hỏi:

- Cửa hàng của ngài độ này có đông khách không?

Tuyết đỡ lời:

- Đông nhất! Vì thế, anh ấy thôi học, vì người ta dạy mình có ra gì, mà cái trường thuốc ở đây có ra gì, mà bảo học! Bây giờ anh ấy chỉ tiêu khiển bằng tennít.

Một thiếu niên nhìn mãi cái đầu tóc đỏ ấy rồi lễ phép hỏi:

- Thưa ngài, tóc ngài nhuộm bằng thứ thuốc hóa học nào đấy thế ạ? Bẩm đẹp lắm, thật là hợp thời trang! Chúng tôi cũng muốn nhuộm tóc mà không biết thuốc... Giá lại hơi uốn quăn nữa thì tuyệt đẹp.

Xuân đáp:

- Nếu ngài lại tiệm Âu hóa của tôi thì tôi sẽ mách dùm cho.

Cô gái mới nhìn Tuyết phê bình nịnh:

- Rõ khéo cái anh này! Ông ấy chủ trương cái hợp thời, những mốt lịch sự, thì hẳn tóc ông ấy phải đẹp, lại còn khen phò mã tốt áo!

Ông Victor Ban hỏi Tuyết:

- Quý nương lên chơi chốc lát hay cả ngày?

Tuyết thích khuỷu tay vào mạng mỡ Xuân hỏi:

- Nào! Ông bạn giai định ở cả ngày hay vui chơi đây vài ngày nào?

Xuân ngẫm nghĩ, không biết muốn làm hại đời một người con gái tử tế thì mất mấy ngày hay chỉ độ nửa giờ thôi cũng đủ, liền đáp:

- Để chốc nữa ăn trưa rồi sẽ liệu.

Ông Victor Ban quay đi thì một thanh niên lịch sự khác đứng lên:

- Thưa ngài, tôi rất được hân hạnh nếu ngài cho tôi hầu ngài vài séc.

Thế là cả bọn kéo nhau ra chỗ sân quần. Trong một tiếng đồng hồ, Xuân Tóc Đỏ đã hạ nổi thiếu niên. Những tiếng vỗ tay luôn luôn tăng thanh thế cho nó trước mặt Tuyết. Những cách nắm ban, vợt ban, một lối cầm vợt kiểu cách, một cử chỉ làm bộ, đã đủ khiến Xuân có những dáng điệu của một phong lưu công tử, ít ra cũng là con một ông tổng đốc như những tài tử quần vợt khác. Lúc ông Victor Ban chạy ra ngó một phút thì những lời khen ngợi Xuân của khán giả bắt ông ta ngờ ngợ dễ thường mình đã nhầm, rằng ông đốc Xuân này không có một mảy may dính dáng gì đến thằng Xuân thổi loa của mình mấy năm xưa.

Xong cuộc, những tay bại trận đều tỏ lời kính phục Xuân và ước ao sẽ được có ngày tái ngộ. Tuyết thấy rằng Xuân không những đáng là bạn giai mình mà thôi, nhưng giá có làm hại cả một đời Tuyết một cách thật sự thì cũng xứng đáng lắm.

Khi hai người vào cái phòng riêng thì Xuân nằm đờ ra, vì mệt. Thấy thái độ lễ phép không thể tha thứ được như thế Tuyết ngồi lên tay ghế, buồn rầu. Tự nhiên thấy ở phòng bên cạnh có tiếng đàn bà hát vang lên:

- Dè... đờ... dà... múa...!

Mông pế y ề Pa rí!...(1)

Tuyết đang lắng tai nghe kinh ngạc thì Xuân rền rĩ gọi:

- Em ơi, em!... Tuyết ơi, Tuyết!

- Im đi! Hình như là... như là ... Giời ơi... chị tôi! Hoàng Hôn!

Câu ấy nói làm cho Xuân ngồi nhổm lên, sợ hãi hỏi:

- Chết! Ai? Bà Văn Minh ấy à?

- Không! Khẽ chứ! Ấy là chị tôi, chị phán dây thép ấy mà!

- Thế à? Thế có ông phán mọc sừng đấy không?

Tuyết ngơ ngác hỏi:

- Sao anh biết rõ thế? Hở? Hở anh? Sao anh!lại biết Hoàng Hôn có hai mối tình?

- Sao lại không biết!

Sự thực, lúc ấy có Hoàng Hôn, vợ ông phán mọc sừng, đương bù khú với nhân tình ở phòng bên cạnh, thật không ngờ rằng Xuân và Tuyết ở bên này lắng tai nghe...

Người nhân tình nói:

- Mình ạ, tôi không muốn tình thế này cứ kéo dài ra mãi, nguy hiểm lắm.

Cô Hoàng Hôn hỏi vặn một cách căm tức:

- Thế anh muốn gì nữa nào?

- Tôi muốn mình... chúng ta lấy hẳn nhau!

- Nghĩa là tôi xin ly dị chồng tôi?

- Chứ gì nữa!

- Không, thưa ông ạ. Tôi chỉ muốn mình là người yêu của tôi thôi! Mình là chồng tôi nữa? Mình là chồng tôi? Thế thì mình lại mọc sừng mất! Chẳng thà cứ để hắn mọc sừng hộ mình có hơn không?

- Chết chết! Đàn bà gì lại có thứ đàn bà có những tư tưởng đến thế!

- Sao? Làm sao? Chỉ có đàn ông là không bao giờ có những tư tưởng đến thế mà thôi! Chứ đàn bà, đời bây giờ, ai cũng nghĩ như thế cả! Có chồng thôi mà không có nhân tình? Thế là hèn, là xấu, là không có đức hạnh gì cả, không có thông minh nhan sắc gì cả, nên chẳng ma nào nó thèm chim! Nếu tôi không có nhân tình thì bạn hữu tôi sẽ khinh bỉ tôi, tôi còn sống với đời sao được? Có ăn có chọi mới gọi là trâu chứ? Thế mà tôi cũng giữ trinh tiết với mình, không có ai là nhân tình thứ hai nữa, thì mình nên cho là hạnh phúc rồi:

- Thì sao mình không kêu là giữ trinh tiết cả với chồng mình có được không?

- Chứ sao lại không? Giữ trinh tiết với cả hai người! Chồng và nhân tình! Nếu không thế được thì là cái giống gì ấy chứ còn là đàn bà sao được nữa!

- Chỉ sợ có phen nó biết...

- Chả đời nào! Tạo hóa sinh ra nó mọc sừng thì sao nó lại biết được. Nếu cú có biết thân cú hôi thì cú đã chả hôi!... Dè đờ dà múa! Mồng á măng, mồng mà rrrí!

Thế rồi người đàn bà ngoại tình cứ hát cái bài "Tôi có hai cái tình" một cách véo véo, von von...

Ở bên này, Xuân nói thầm vào tai Tuyết:

- Thật là một người đàn bà đức hạnh! Xứng đáng! Tân tiến!

Thấy Xuân khen chị mình, Tuyết hóa ra ghen mà rằng:

- Còn tôi dễ thường...

Xuân hôn Tuyết một cái rất kêu, rồi khẽ nói:

- Tuyết cũng đáng quý trọng như thế!

Được thể, Tuyết lên mặt, bĩu môi nói:

- Nhà tôi là một nhà sang trọng, văn minh, mấy chị em phải giống nhau như đúc, nếu không thì còn ra cái thể thống gì nữa?

Xuân lại phóng tay lên ngực Tuyết nhưng lần này lại bị cự tuyệt:

- Một lần thôi chứ? Đã biết không là bằng cao su rồi thì thôi chứ?

Xuân Tóc Đỏ còn đùa nhả bằng nhiều cách khác nữa thì Tuyết lại dẫn chứng rằng bụng dạ đàn bà là khó hiểu, vì cứ im.

Hai bên cứ vừa đùa nghịch nhau, chốc chốc lại nói một cách thành thực đáng khen:

- Chúng ta yêu nhau một tấm ái tình cao thượng... - Đôi ta yêu nhau bằng thứ linh hồn trong sạch...

Mãi cho đến khi Xuân Tóc Đỏ muốn xin cái "ân huệ cuối cùng" thì Tuyết đứng lên giận dữ:

- Im! Để yên! Không bao giờ tôi cho mình cái ân huệ cuối cùng! Mình không phải là người lịch sự! Tôi không dại dột như những cô gái ngây thơ đâu! Ít ra tôi cũng đã là một trang bán sử nữ!

Xuân Tóc Đỏ ngây người ra không hiểu. Tuyết nói nốt:

- Nghĩa là demi vierge! Nghĩa còn tân một nửa!

Xuân ngây ngô hỏi lại:

- Còn một nửa cái tân thôi? Còn một nửa chữ trinh thôi.

Tuyết đài các đáp:

- Chứ lại gì! Chứ khi nào lại mất tân hẳn được! Chứ khi nào lại để cho ngày nhị hỉ thấy lợn cắt tai được!

Từ đây trở đi, Xuân ngoan ngoãn đứng đắn khác trước. Nó đã hiểu Tuyết là một bán sử nữ hoàn toàn đáng mặt đàn bà nước Nam vào thế kỷ hai mươi, chứ không phải sự thường.



1. Một bài hát phổ biến trước cách mạng: Tôi có hai mối tình, Tổ quốc và Pari...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85885


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận