Tôi kiểm tra tài khoản khi về đến Hamburg. Sau khi tôi rốt cuộc chấp nhận đề nghị, nhà xuất bản đã gửi khoản tạm ứng nhuận bút lúc tôi còn ở Campuchia. Từ lâu lắm rồi mới thấy số dư dương. Tôi để con số đó một hồi trên màn hình computer, đơn giản chỉ vì nó quá hay.
Việc đầu tiên là gửi ngay cho bố mẹ tôi khoản tiền mà họ ứng cho tôi làm đám cưới. Sau đó tôi trả Tillmann 500 euro đã vay gần ba năm trước. Tôi thanh toán cả món nợ trả dần của ngân hàng. Một cảm giác nhạ nhõm khó tả: bây giờ tôi không nợ ai nữa.
Sau đó là cú thử nghiệm: tôi ra máy ATM, cho số PIN vào để lấy 20 euro - tôi nghĩ là nên bắt đầu khiêm tốn thôi. Trong mấy giây sau khi ấn nút “Enter” và máy rút tiền suy nghĩ nên làm gì, tôi lại trải qua lần nữa cảm giác kinh hoàng. Có thể tất cả đều là ảo mộng, màn hình quan liêu sắp hiện ra một câu mắng mỏ nhục nhã, máy sắp nhổ thẻ ra như cắn phải thứ gì thiu thối. Rồi bà khách sau lưng tôi sắp chứng kiến tôi rút thẻ từ máy ra mà không nhận được tiền, và nghĩ: “Đồ khố rách áo ôm.”
Hồi trẻ con tôi thích chó, thích ngủ trong chăn của con boxer(1)_ nhà tôi hơn trên giường. Nhưng có lần tôi bị một con rottweiler(2) cắn và phải nằm viện hai tuần. Tôi vẫn thích chó, nhưng khi nó nhe răng trong lúc chơi đùa hoặc đợp vào áo quần là tôi dựng tóc gáy. Tôi quát “Thôi!” và để con chó ngơ ngác đứng nhìn. Máy rút tiền cũng giống chó - bị cắn một lần là người ta đổi khác. Cho đến hôm nay tôi vẫn hít một hơi sâu trước khi bấm máy ATM. Chắc sẽ không bao giờ sửa được.
Nhưng rồi tiếng động mong chờ vang lên. Đó là tiếng lạch xạch của máy móc khi nó tìm tiền để đẩy ra ngăn ngoài. Tôi đã mong đợi quá lâu và tưởng rằng sẽ có cảm giác ngất ngây hoặc mạnh hơn. Nhưng chẳng phải. Tôi cầm tờ 20 euro trên tay và quay lại thế giới của những người bình thường. Bây giờ tôi sẽ không phải quan sát cửa tàu điện để nhận ra ba người đàn ông vạm vỡ, quá vạm vỡ để làm một hành khách bình thường. Thậm chí tôi sẽ mời ai đó uống bia, sau đó bỏ tiền thanh toán và lịch thiệp buông một lời ngạo mạn: “Cứ giữ chỗ lẻ.” Tuy nhiên tôi sẽ không bo nhiều. Không thể khác được - tôi đã thành một kẻ bủn xỉn.
Mấy hôm sau tôi nói chuyện với Tillmann. Tôi đã suy nghĩ về công việc của mình ở tòa báo. Tôi biết mình sẽ không nên cơm cháo gì ở đây, sau khi đã làm nhiều trò gai mắt. Giờ lại còn phải viết sách nữa, và tôi muốn bắt tay vào sớm. Nhà xuất bản và tôi đã thỏa thuận nộp bản thảo cuối năm 2006. Tôi dự tính có thể viết mỗi ngày một, hai trang. Nếu còn giữ việc bán thời gian, có lẽ tôi mất hai năm mới viết xong. Tôi cho anh biết sẽ chấm dứt hợp đồng để đi Campuchia. Ở đó tôi sẽ viết sách và đợi làm thị thực xong cho Sreykeo. Tillmann không thất vọng, chỉ nói: “Anh cũng đã đoán thế.”
Buổi tối tôi mua vé đi Phnom Penh. Vé một chiều.
Mất hành lý
Như thường lệ tôi hoàn tất mọi việc vào phút chót. Sáng sớm hôm khởi hành tôi nhét đơn cắt hợp đồng điện thoại di động và thẻ giảm vé tàu hỏa vào hòm thư. Tiếp đó là một phong bì dày cộp: cuốn sách mượn thư viện lẽ ra đã phải trả lại từ vài tuần trước, quyển từ điển Đức-Khmer duy nhất có thể tìm được. Nó ra đời từ ngày còn có quan hệ xã hội chủ nghĩa anh em giữa Campuchia với CHDC Đức và dịch những câu hỏi như “Hợp tác xã nông nghiệp này có bao nhiêu máy kéo?”
Có chuông điện thoại. Tillmann gọi tôi đến tòa soạn ngay lập tức. Các đồng nghiệp cũ đã chuẩn bị cho tôi một gói quà, toàn những thứ mà tôi sẽ thiếu ở Campuchia: xúc xích gan, bánh mì đen, sô cô la và labskaus(1)_. Tổng biên tập tặng tôi một chai sâm banh. Gói quà làm tôi hạnh phúc, vì nó cho thấy các đồng nghiệp đã thứ lỗi cho tôi.
Từ tòa soạn tôi đi thẳng ra phi trường. Trên taxi tôi lục đồ đạc, tìm tấm vé và ngơ ngẩn lật đi lật lại trong tay. Vé đề rõ “một chiều”. Tôi hỏi anh lái xe người nước nào, anh nói “Pakistan”; tôi hỏi anh có uống rượu không, và anh đáp “đôi khi”. Tôi ấn chai sâm banh vào tay anh. Thực ra tôi định uống trên máy bay, nhưng rủi thay, tôi đã mua vé sang Bangkok loại rẻ nhất có thể có - một công ty hàng không Iran. Trên đó tuyệt đối cấm rượu, phụ nữ thậm chí phải trùm đầu khi ra khỏi máy bay.
Tám tiếng sau tôi ngồi ở Iran, một chốn nào đó giữa cuộc đời cũ và cuộc đời mới, ăn bánh mì đen với pa tê gan hươu. Nước này bị coi là “quốc gia bất hảo”, sân bay thì tẻ nhạt đến phát sợ, một tòa nhà hiện đại lát sàn cẩm thạch xám và lát kính tấm lớn, nhưng dường như chỉ toàn những lối đi không một bóng người. Thiếu tất cả những gì vốn được coi là đặc trưng ở sân bay: máy ATM, quầy xổ số, trạm cho thuê ô tô.
Khi người ta biết một quãng đời qua đi và vẫn chưa rõ quãng đời tiếp theo sẽ ra sao, trước tiên người ta buồn nhớ quãng đời cũ, thấy mình lơ lửng trong chân không, bị cách ly, cô độc.
Tôi phải chuyển ở Bangkok và ra quầy quá cảnh lấy vé lên máy bay đi tiếp Phnom Penh. Cô phục vụ bấm máy tính một hồi, sau đó gọi điện rất lâu, lại còn giở máy bộ đàm ra nói tiếp. Nữ phục vụ viên Thái Lan cực kỳ dễ thương khi chớp chớp mắt thỏ thẻ: “Rất đáng tiếc là chúng tôi không biết hành lý của quý vị ở đâu.” Trong hoàn cảnh này thì nụ cười của cô chẳng giúp được gì. Sợi chỉ mỏng manh cuối cùng nối tôi với cuộc đời cũ thế là cũng đứt nốt. Vậy là tôi đặt chân tới Phnom Penh chỉ với laptop, cuốn sách Cẩm nang sáng tác, bàn chải răng, dao cạo râu và bộ quần áo trên người. Cuộc đời cũ ơi, chào nhé.
Bây giờ ta bên nhau
Ra khỏi sân bay tôi thấy ngay mẹ Sreykeo dắt tay Rottana đứng đợi. Cùng lúc đó Sreykeo chạy đến, nhảy lên ôm tôi đến ngạt thở, áp đầu lên ngực tôi. Cô son phấn và mang giày cao gót, rõ ràng rất khó đi. Chào cuộc đời mới.
Chúng tôi cùng đi xe tuk-tuk về nhà Sreykeo, nhưng ở đó cô bảo mẹ xuống xe, còn cô chạy đến ô cửa tối om, thảy đôi giày cao gót - chắc là mượn của người khác - và xỏ đôi tông. Rồi cô bảo lái xe đưa chúng tôi ra nhà nghỉ ven hồ.
Vẫn là căn phòng mà chúng tôi từng ở khi tôi lần đầu tiên quay lại Campuchia. Những chuyện ngẫu nhiên luôn luôn xảy ra. Cô bám chặt tôi không rời nửa bước, tựa như sợ tất cả chỉ là một giấc mơ và sắp tan biến như bọt xà phòng.
“Bây giờ ta ở bên nhau suốt đời,” cô nói. Giọng cô hạnh phúc, nhưng không cường điệu mà rất nhẹ nhàng. Cô chỉ thốt ra một sự thật. Rồi cô nói “Em yêu anh hơn anh yêu em” khiến tôi rối trí, vì tôi hiểu đó như một trách cứ, nhưng thực ra không phải vậy.
“Em có tin là anh yêu em không?“ tôi hỏi cô.
“Có, em biết anh rất yêu em. Nhưng em yêu nhiều hơn.”
Tôi mệt mỏi vì đi đường và thiếp đi ngay.
Giữa đêm tôi thức dậy và nằm thao thức lâu. Trong hai năm qua, căn phòng không thay đổi chút nào. Quạt quay cành cạnh. Tiếng nhạc từ các nhà khách lân cận bao năm nay không đổi: Lenny Kravitz, Morcheeba và Oasis. Tiếng Sreykeo lẩm bẩm nói mê. Đột nhiên tôi ý thức được là chúng tôi có thì giờ.
Thật khó hiểu. Không còn chia ly nữa. Không bao giờ có giây phút phải buông tay nhau ra nữa. Không bao giờ có ánh mắt sầu muộn qua cửa sổ máy bay nữa. Không bao giờ nghe lời dặn “Gọi điện cho em khi đến nơi” nữa. Không nghe tiếng lạo xạo trong điện thoại nữa. Không tranh luận tiền nong và mối ngờ vực đọng lại sau đó nữa. Không còn sự bấp bênh luôn đi kèm tình trạng xa cách nữa.
Một chữ nảy ra trong óc: ngày thường. Nó có một âm hưởng cực kỳ dịu dàng trong tai tôi. Nghe như... như thế nào nhỉ? Có thể như “chuyến trực thăng thoát hiểm cuối cùng”? Không, thế thì kịch tính quá, tàn bạo quá. “Về nhà dịp Giáng sinh nhé” có lẽ chính xác hơn? Ừ, chính xác hơn thật. Hay “thấy đất liền rồi”? Đúng thế. Nghe như “thấy đất liền rồi.“ Vài người bị sóng cuốn khỏi thuyền, một cột buồm bị gãy, nhưng hải cảng đã hiện ra trong tầm mắt. Tôi không hiểu nổi ai đó sợ tình trạng thường ngày trong chung sống. Ngày thường - một điều kỳ diệu, tôi nghĩ, và chỉ tự hỏi: ngày thường của chúng tôi sẽ thế nào.
Sáng sớm chúng tôi đi mua quần áo cho tôi. Sreykeo cam đoan chợ Oroussey phía Tây thành phố rẻ nhất. Đó là một tòa nhà lớn không cửa sổ, giống một nhà để xe hay boong ke hơn một cái chợ như ta vẫn chờ đợi. Tòa nhà cao ba tầng chiếu sáng lờ mờ, một thiên la địa võng toàn hàng hóa và sạp nhỏ, lạc vào đây người ta thấy mình nhỏ nhoi và vô nghĩa. Các sạp quần áo ở tầng trên cùng, một rừng T-shirt sặc sỡ rẻ tiền in hình Chuột Mickey hay logo của Dolce & Gabbana, Gucci, Versace...
Mỗi lần bắt đầu mặc cả là Sreykeo lại đẩy tôi ra xa. Cô sợ người bán hàng không xuống giá nếu biết cô là vợ Tây. Vì thế tôi lang thang đi trong chợ Oroussey và cố gắng không nổi bật - một nhiệm vụ bất khả thi khi là người Âu duy nhất trong chợ. Tôi chú ý đến chữ in trên T-shirt và chép lại một số. Trên một áo in hình con chó mắt to và chữ “One Dogg Cute” (“Chó yêu”), một áo khác là trái tim và chữ “Erotic of warm Summer” (”Một mùa hè ấm áp khêu gợi”). “Love Soldier” (“Yêu lính tráng”) tuy ngang tai nhưng thú vị hơn, “Love Jeans” ( “Yêu quần bò”) thì quá khó hiểu. “Hotness” (“Nóng sốt”) và “Release youself” (“Hãy thả mình”) thì nhộn thật. Tôi liên tưởng đến những T-shirt in chữ Nhật Bản và Trung Quốc ở phố chợ Hamburg bán cho sinh viên môn đồ họa, không rõ chúng có ý nghĩa ngớ ngẩn gì.
Sreykeo quay lại với mấy túi trên tay. Cô mua cho mình một T-shirt in hình Chuột Mickey và chữ “Low and sweet”, mua cho tôi một xấp T-shirt nhái Calvin Klein và một đôi quần thể thao, tổng cộng tám đô la. Mặc vào có lẽ tôi đi lái tuk-tuk luôn cũng được. Tôi buồn rầu tiếc chiếc quần bò và áo thể thao đang lưu lạc vĩnh viễn ở Teheran.
Chúng tôi quay về căn hộ mà Sreykeo đã thuê trước khi tôi đến, giá 45 đô la mỗi tháng. Lần đầu tiên tôi thấy tòa nhà dưới ánh sáng trời. Cô cả quyết là nó rất “s’at” nhưng sau khi đã có kinh nghiệm với nhà hộp tôi không để tâm đến nhận định ấy lắm.
Đó là một tòa nhà sơn màu mơ, hình như xây cuối thập kỷ sáu mươi và được một Neak Ta phù hộ. Vị thổ thần này tên là Ta Kong, rất trẻ so với chức thổ thần và có bộ râu ngắn đen nhánh. Tòa nhà ở cạnh khu Hội đồng bộ trưởng, một đại lộ viền hai hàng cây nở hoa trắng thơm ngát. Mấy bà già quét hoa rụng trên lối đi rải sỏi và hót vào sọt để làm nước thơm.
Cầu thang làm tôi khá ngán, tôi bước lên thang với tâm trạng muốn quên đi pha lẫn với cảm giác đã từng chứng kiến nhiều chuyện tệ hơn. Chẳng phải cho đến nay tôi ở đâu cũng có thể sống hạnh phúc hay sao?
Vừa đi từ ngoài nắng vào, thoạt tiên tôi không thấy gì. Bốn tầng thang gác mà chỉ có hai ngọn đèn tiết kiệm năng lượng chiếu sáng. Dây điện bị cắt rủ lòng thòng trên trần xuống như dây leo. Không có cửa sổ. Chân tôi đi tông liên tục giẫm phải thứ gì đó mà tôi cũng không hề muốn biết là gì. Trên mỗi chiếu nghỉ là đồ gỗ bỏ đi, trông như đã chất ở đó trước khi quân Khmer Đỏ tiến vào. Một bà đang rán cá trên bếp trong khe tường, trong khi một chú mèo béo quay quan sát bà. Trông như bà nhóm lửa trong tủ tường. Bà nhìn tôi, ngạc nhiên không kém tôi nhìn bà.
Nhưng căn hộ rất đẹp, nếu so với hoàn cảnh chung ở Campuchia. Từ mấy chục năm nay nó không được quét sơn, nhưng có một nhà tắm lát gạch men với bồn cầu bệt kiểu Tây. Trần nhà loang lổ vết nước ngấm, không phải chuyện hiếm ở xứ nhiệt đới. Giữa phòng có một chiếc quạt trần cánh sắt bám đầy bụi. Có một cửa sổ nhỏ, và ở trên tường có một lỗ thông gió chạy ngang, ánh sáng xuyên qua chiếu thành vệt trên sàn. Người thuê nhà trước đây lắp đèn mắt trâu kiểu những năm sáu mươi, nhưng không sáng nữa. Bù lại trên tường treo ảnh nhà vua và một loạt hình các cô gái châu Á, có lẽ lấy từ tiệm làm tóc phụ nữ - tựa như sắc đẹp của họ dùng để át đi màu tường xấu xí.
Djiat, chị Sreykeo, đang giạng chân tay ngủ trên nền gạch men trước máy ti vi. Cô có mang, và khi nằm ngửa khó lòng ngồi dậy.
Tất nhiên chúng tôi sẽ không sống ở đây một mình mà cùng với chị, em gái và bạn của em gái Sreykeo là Asrey. Không rõ sẽ còn thêm ai nữa.
Một chiếc giường đôi kê ở góc phòng. Đó là thứ đồ gỗ duy nhất và choán nhiều chỗ trong phòng, dành cho hai chúng tôi. Sreykeo trèo lên một chiếc hòm và lấy sống rìu đóng hai đinh lên tường, làm lở ra một đống vữa. Cô căng một dây thép rồi treo lên một tấm rèm hồng để ngăn phòng. Lãnh địa riêng của chúng tôi. Trời đất ơi.
Chị em Sreykeo chấp nhận tôi là thành viên mới trong gia đình khá nhanh, có thể nhận ra điều đó qua cách xưng hô. Ngày xưa họ gọi tôi là “Ben” mặc dù ở Campuchia không có thông lệ gọi nhau bằng tên trống không. Người Campuchia gọi nhau bằng thứ bậc, kể cả khi chẳng họ hàng với nhau. Qua cách xưng hô có thể biết ai lớn tuổi hơn và qua đó ở bậc cao hơn. Chuyện này phức tạp, cần có thời gian làm quen và sự nhạy cảm, vì người ta rất dễ làm ai đó mếch lòng nếu đoán tuổi sai.
Trong gia đình mới của tôi thì tình hình đơn giản. Sreykeo gọi tôi là “baong”, nghĩa là “anh”. Tôi gọi cô là “on” hay “em”. Cô đã thôi gọi tôi kiểu cách là “look p’dey” - đức ông chồng - chắc vì không thấy cần thiết phải nhấn mạnh rằng chúng tôi là vợ chồng. Bây giờ cô chỉ dùng chữ ấy khi bực mình. Cheamney và Asrey gọi tôi là “baong Ben”. Chỉ mình vợ tôi được gọi tôi là “baong”, vì vậy hai cô phải thêm tên tôi vào.
Hết chương 41. Mời các bạn đón đọc chương 42!