Asrey rất khoái khi bạn gái Cheamney của cô giờ đây có một ông anh. Chẳng mấy chốc cô nhờ tôi nói chuyện với Cheamney. Hai cô thân nhau khăng khít, nhưng Asrey than phiền vì Cheamney thay đổi. Cô vừa nói không kịp thở vừa vỗ bành bạch lên ngực. Cô quen Cheamney đã năm năm, nhưng Cheamney ngày một khác. Ngày trước cô còn đưa Asrey tiền để cất đi, phòng khi có ai phải đi bác sĩ, nhưng bây giờ cô không đưa tiền nữa, thậm chí còn bảo Asrey tự lo phận mình. Ngoài cô còn cấu đùi Asrey. Asrey dán một miếng băng dính to bằng bàn tay trên đùi, bảo là do bị Cheamney cắn.
Tôi không hiểu nổi quan hệ giữa hai cô. Nó không giống chút nào với một tình bạn như người Đức vẫn hiểu. Asrey nhỏ người, nhưng cô che giấu vẻ ngoài mảnh mai của mình bằng cử chỉ dứt khoát: cô luôn chống một tay vào cạnh sườn, tay kia vung tít mù khiến đuôi tóc của cô nhảy tưng tưng. Cheamney to con hơn, xinh hơn và điềm đạm hơn, vì vậy cô coi Asrey là em gái, mặc dù cô nhỏ tuổi hơn Asrey. Tôi không rõ nên làm trung gian giữa hai cô ra sao.
Hai cô cùng học một lớp cho vũ nữ Apsara ở tầng dưới. Hầu như mỗi gia đình trong tòa nhà này có một con gái làm giáo viên hoặc học múa. Buổi trưa, các cô gái đồng loạt biến khỏi sân và tiếng nhạc thờ buồn buồn vang lên. Đêm đến Cheamney và Asrey quặp lấy nhau ngủ trên nền gạch men như hai chú cún con trong ổ.
Có lần Sreykeo cười khúc khích chỉ cho tôi xem một tin nhắn trên điện thoại của chúng tôi. Ở Campuchia không phải chuyện lạ, khi người ta nhận được SMS tỏ tình không gửi cho mình. Không phải ai cũng có điện thoại di dộng, do đó nhiều khi SMS được gửi đến người ở cùng nhà với người nhận, hy vọng sẽ được chuyển tiếp. Ngoài ra Cheamney hay gửi lén SMS từ máy của chúng tôi cho người yêu, và tất nhiên tin trả lời cũng được gửi đến số của tôi. Ở Campuchia, nếu không là vợ chồng thì người ta không dễ dàng gặp nhau, vậy nên SMS thường là phương tiện để làm quen bước đầu. Tuy nhiên lần này là một SMS của Asrey gửi cho Cheamney: “Cậu có yêu tớ không?”
Asrey rất lo lắng cho Cheamney. Cheamney kiếm thêm tiền bằng nghề hát ở một quán bia. Ban ngày cô nằm sấp dưới sàn nhà, chống đầu lên tay và đung đưa hai chân, nghe nhạc trong radio và chép lời vào một cuốn sổ tay mòn vẹt. Rồi cô hát lại và thu vào cát-xét để kiểm tra giọng. Mỗi tối, trước khi đi hát cô quấn khăn quanh người và ngồi trước một hộp thiếc to tướng đựng son phấn, liên tục kiểm tra trong gương tay. Trước khi đi khỏi nhà cô khoác một chiếc sơ mi cũ che lấp áo dài và đội mũ vải sùm sụp. Đã từng có chuyện một nhóm thanh niên say rượu đi xe máy ép phụ nữ vào ngõ và cưỡng hiếp hội đồng, vì vậy cô giấu tóc và áo dài.
Asrey luôn lo lắng cho Cheamney khi cô ra khỏi nhà, và cô chưa đi ngủ cho đến lúc bạn gái mình quay về. Cô kể với tôi là nhiều đàn ông để ý Cheamney, cho tôi xem một SMS báo tin một người đàn ông muốn đến thăm cô.
Tôi thấy cô có lý do chính đáng để lo lắng. Cả nhà đều lo. Cuộc sống về đêm ở Campuchia không trực tiếp thì gián tiếp liên quan đến mại dâm. Tất nhiên ở quán bia nơi Cheamney hát cũng có ca ve, nhưng Cheamney tránh xa họ. Không ai nghĩ cô là gái mại dâm - cô là người có học và có ý thức tự thân, trông là biết. Bên ngoài quán bia cô không cho đàn ông nào lại gần. Mất trinh là một thảm họa lớn đối với cô.
Nhưng chính sự xa lánh ấy khiến một số khách ở quán bia thấy cô hấp dẫn. Cô nhận được điện thoại của một số bà vợ đổ cho cô quan hệ với chồng họ. Những vụ ấy dễ thoát khỏi vòng kiểm soát. Không hiếm vụ phụ nữ tạt a-xít vào mặt tình địch - hay người bị họ nghi là tình địch - hoặc người tình vì thất vọng mà bắn chết người họ theo đuổi.
Một lúc nào đó tôi cũng bỏ cuộc, không làm trung gian được nữa. Tôi hiểu là đấm đá hay cào cấu là cách hai cô chứng tỏ tình bạn của mình với nhau. Chừng nào họ còn đánh nhau thì không có gì đáng lo cả.
Tôi chỉ có vấn đề với Djiat, chị của Sreykeo. Cô chấp nhận tôi, nhưng với tư cách em trai. Tuy tôi hơn cô vài tuổi nhưng lại là chồng em gái cô, do đó trong thứ bậc gia đình cô vẫn đứng cao hơn tôi và tự cho mình quyền tự tin chìa tay xin tiền tôi với vẻ mặt bất cần. Cô làm việc đó với vẻ thản nhiên học được của mẹ cô. Nếu tôi không cho cô tiền, cô quay sang Sreykeo là người dễ bị tác động hơn. Tôi thấy thế là láo, bất kể mọi thứ bậc gia đình.
Sreykeo cho tôi biết là Djiat đi bán dâm trong mấy tuần trước khi tôi đến. Không thể để tiếp diễn được. Số tiền kiếm được cô không đưa cho gia đình mà tự giữ cho mình. Bây giờ cô ca thán rằng tự đi kiếm tiền dễ hơn xin của Sreykeo. Và cô đổ trách nhiệm cho Sreykeo về tình cảnh của chính mình.
Tôi không thể chấp nhận Djiat đem chuyện mại dâm trở lại nhà này. Tôi không muốn thấy đàn ông đến trước cửa phòng và hỏi Djiat. Cả nhà lại phải đối đầu với một vấn đề đã từng được khắc phục từng bước trước đó.
Đây không chỉ là chuyện riêng của Djiat - nó tổn hại đến ý thức tự thân của cả gia đình không một người làm nghề mại dâm. Tôi đã từng chứng kiến: nếu một cô gái trong nhà làm nghề này thì chẳng mấy chốc sẽ có một cô thứ hai theo chân. Djiat phải chấm dứt.
Tôi muốn Djiat quay về Baray, ngôi làng ở quê, lúc đó tôi mới yên tâm về cô. Tôi nhờ Sreykeo nói lại với Djiat, nhưng cô làm như không nghe thấy gì. Sreykeo không có uy tín gì đối với chị mình. Tôi phải tự nói chuyện với Djiat, và cô ta phải nhận thấy người muốn nói với cô là tôi, không phải Sreykeo.
Một đêm cô về nhà lúc ba giờ, và tôi không nhịn được nữa. Tôi cắn răng nằm trên giường và suy nghĩ nên làm gì. Sreykeo cũng giận không kém.
Sáng hôm sau tôi bảo Asrey và Cheamney ra khỏi nhà và ngồi xuống đất với Djiat. Tôi nắm chặt tay cô trong khi nói tiếng Anh với cô. Tôi hy vọng cử chỉ ấy sẽ bắt cô lắng nghe và hiểu ra mọi trốn tránh đều vô ích. Sreykeo dịch. Tôi bảo Djiat là tôi đã nói chuyện với mẹ cô và cả nhà nhất trí rằng cô không được làm ca ve nữa. Tôi cũng cho cô biết điều kiện của tôi. Cô phải luôn luôn đem chiếc điện thoại di động của tôi mua cho theo người để tôi kiểm tra cô đang ở đâu, và tối nào cũng phải về nhà trước mười giờ. Nếu không, tôi dọa, tôi sẽ đi tìm cô trong tất cả các quán karaoke ở mọi xó xỉnh, và lúc đó hãy liệu hồn.
Trong thâm tâm tôi dự đoán là cô sẽ nổi đóa và cãi lại, nhưng cô im lặng nhìn tôi và gật đầu sau mỗi câu. Sau đó cô khẽ cảm ơn. Có vẻ hiệu nghiệm. Cô đi gói đồ đạc ngay và về quê để suy nghĩ. Có vẻ như cô mừng rỡ đón lời tôi. Chưa bao giờ có ai bảo cô phải chấm dứt nghề mại dâm, chưa bao giờ có ai thèm quan tâm cô đi đâu ban đêm. Cô hoàn toàn tự do, và tôi tin đó là điều tệ nhất.
Mãi nhiều tuần sau đó tôi mới gặp Nak, em trai Sreykeo. Bây giờ cậu sống tại một ngôi đền. Bình thường ra, mỗi ngôi đền nằm giữa một khuôn viên lớn với nhiều am, điện thờ, phòng quản lý, trường học, nơi ăn ngủ cho các nhà sư. Nhưng ngôi chùa của Nak chắc còn nghèo. Ngôi chùa này chỉ có một sảnh trung tâm giữa bốn bức tường sạch sẽ và hàng cột đỡ mái trang trí vàng. Tòa nhà nhô lên giữa các túp lều lợp tôn sóng như một chiếc tàu thủy trắng trên mặt sóng bẩn thỉu.
Sau cửa ra vào là một loạt nhà xưởng chuyên dựng tượng xi măng. Phải đi qua nhà xưởng mới vào được chùa, do đó người ta đi ngang một đống tượng Phật, vũ nữ, hổ và rắn Naga hỏng nát hoặc chưa hoàn chỉnh. Hình ảnh này chắc sẽ làm một nghệ sĩ ngây ngất: tựa như người ta lướt qua một giấc mơ.
Các nhà sư ở trong một không gian hẹp sau các tượng Phật lớn, che sau một bức màn. Sách vở của họ xếp trên bậc thang lên đài chân tượng. Khi rỗi rãi họ chơi Sim City trên laptop mà tôi đã tặng Nak.
Tôi cũng gửi cậu đến một lớp tiếng Anh, nhưng hậu quả đúng như tôi đã lo ngại: thầy giáo là người Khmer chưa ra nước ngoài bao giờ, do vậy ông biết đọc và viết tiếng Anh nhưng không nói được. Mỗi sáng tôi học hai tiếng với cậu, ít lâu sau ba nhà sư nữa nhập hội.
Một thời gian dài tôi cố khuyên họ sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh của Bộ giáo dục Campuchia. Sách chỉ có giá một đô la, do nhân viên hỗ trợ phát triển Úc soạn, đi kèm phần dịch tiếng Khmer và nói về các đề tài địa phương: ruộng lúa, chùa chiền v.v. Nhưng các nhà sư cương quyết cãi lại, họ chỉ thích dùng sách Mỹ đắt gấp bội. Những đề tài trong đó không liên quan nhiều tới kiến thức chung của người Campuchia, toàn nói về trượt tuyết ở Colorado hoặc cách gọi bít tết “tái” và “chín tới” ở nhà hàng. Tôi bó tay.
Mỗi sáng tôi đứng trước bảng đen trong chùa và cố tìm cách giải thích cho các vị đầu trọc sự khác biệt giữa “nước xốt kiểu Pháp” và “nước xốt kiểu Ý.“ Nhưng tôi hiểu lý do họ đòi học sách Mỹ: họ học tiếng Anh để thoát cảnh nghèo khó chứ không để diễn tả cảnh nghèo khó ấy rõ hơn.
Một buổi trưa, đột nhiên bố Sreykeo ngồi giữa phòng. Ông khẽ mỉm cười chào tôi, còn thì cả ngày không nổi một câu. Với vẻ mặt của một đứa bé sửng sốt, ông xoay xoay trong tay mọi thứ tôi đem từ phương Tây tới hoặc mua ở siêu thị Lucky - điện thoại di động chụp ảnh, cà chua trong túi hàn kín, lăn khử mùi. Tôi không rõ ông đến đây làm gì. Ông cũng chẳng quấy ai. Suốt ngày ông mặc quần lót ngồi trên ghế mây và không mở miệng, quan sát các con gái mình đang cười đùa trêu chọc và cấu véo nhau dưới đất. Ông chỉ cười hiền hậu. Đôi khi ông nghe chiếc đài nhỏ kêu loạt soạt và chép những dãy kết quả xổ số vô tận vào vở, mặc dù ông không chơi xổ số.
Sreykeo yêu bố, mọi người trong nhà yêu ông - trừ bà mẹ. Các con muốn bố quay về. Ông sống cực kỳ nghèo khổ ở Kompong Chnang, và Sreykeo lo ông sẽ chóng chết ở đó. Ông chăm chú nghe khi cô mời ông, gật đầu và hứa sẽ chuyển về quê ở cùng chúng tôi. Ông hỏi cô tiền. Ông không bao giờ nhận quá nhiều của các con, chỉ lấy đúng số tiền ông cần. Lần này chúng tôi không cho tiền vì sợ ông sẽ mua vé xe buýt quay về Kompong Chnang.
Mấy bữa sau ông lại biến mất, và máy nghe CD của Sreykeo cũng biến theo. Sreykeo rất bực, cô cho rằng ông chỉ đến để vòi tiền.
Xem ti vi
Đã đến lúc tôi phải bắt tay vào viết sách. Việc trước tiên là kiếm bàn và ghế. Chúng tôi phải tới phố thợ mộc. Ở Đức có lẽ chẳng ai mở một xưởng mộc ngay cạnh xưởng khác có sẵn, nhưng người Campuchia nghĩ khác. Chúng ta quan niệm thương mại là tất cả thương gia cạnh tranh khốc liệt để giành giật một lượng khách hàng hạn chế, do đó cửa hiệu của họ càng xa nhau càng tốt. Ở Campuchia thì khác, khách hàng chỉ mua ở cửa hiệu của người quen hay họ hàng hoặc có quan hệ gì đó gần gũi hơn những người khác. Thêm nữa, các thương gia không thể hỗ trợ lẫn nhau khi không ở cạnh nhau. Vì vậy ở Phnom Penh có góc thợ may, phố ống máng nhựa xanh, phố xe máy cũ, phố photocopy... Phố thợ mộc là một loạt nhà nhỏ vang vang tiếng cưa đĩa và phủ kín mùn cưa đỏ quạch.
Tôi nhờ một ông già gân guốc làm cái bàn gỗ đơn giản theo kích thước đã định. Bốn hôm sau thì xong. Ông muốn đem bàn đến tận nhà. Tôi nghĩ bụng, hy vọng ông ta không buộc cái bàn hai mét sau xe máy, cầm ghế trong tay và phóng qua thành phố. Nhưng ông đã làm đúng thế.
Mọi việc sẵn sàng: tôi có bàn, ghế, computer, có thể bắt đầu viết. Lý thuyết là thế. Nhưng gia đình Sreykeo không hề biết rằng có loại người sáng sớm ngồi xuống bàn làm việc và tối đứng dậy.
Chỉ sau hai ngày, tôi có thể đọc thuộc lòng mọi quảng cáo về máy làm tăng vòng ngực, kéo dài chân, kem trắng da, tuyên truyền chống lao và HIV. Tôi cần hai, ba ngày giận dữ, kiên nhẫn và cãi cọ để giải thích cho Sreykeo và chị em cô rõ là tôi phải làm việc, nhưng không thể làm việc khi mọi người xung quanh chơi bài, vặn ti vi hết cỡ và năm đứa trẻ ngó qua vai tôi. Tôi dọa, nếu họ còn bật ti vi trong khi tôi làm việc thì tôi sẽ không cần báo trước mà ném nó xuống cầu thang. Tiếc thay, họ làm đúng như thế, bật ti vi rất khẽ và ngồi dí mũi vào màn hình. Cho đến khi Djiat về và vặn tiếng lên hết cỡ.
Cơn giận của tôi trào lên từng đợt. Thoạt tiên tôi nghĩ: “Chuẩn bị đập nát tất cả.“ Sau đó: “Bình tĩnh nào, ta đang ở châu Á, ở đây người ta không thể quát tháo ầm ĩ lên như thế. Có thể trò chuyện với nhau tử tế chứ.” Nhưng rồi ai đó bật cả radio nữa. Lần đầu tiên tôi quát vào mặt một thành viên trong gia đình. Sau đó cả phòng lặng như tờ - còn khủng khiếp hơn ồn ào.
Bố cô quay về cũng lặng lẽ như khi bỏ đi. Một ngày đẹp trời ông ngồi trong phòng, mỉm cười với tôi và hút thuốc Alain Delon như mọi khi. Chúng tôi tránh nhắc chuyện mất cắp, nói cho cùng thì ông là chủ gia đình, ít nhất là về nguyên tắc. Suốt ngày ông xem ti vi với nét mặt không đổi. Ông cũng chẳng làm được gì khác. Trèo xuống thang là sự đày đọa kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Do đó lũ con ông phải bảo đảm luôn có một đĩa phim trong đầu video.
Có lần Asrey cho một đĩa phim vào rồi đi mất. Cô mua cuốn phim ấy cùng một chồng đĩa video khác, tất cả không ghi chữ vì dĩ nhiên toàn đĩa lậu. Phim quay ở Campuchia và bắt đầu bình thường. Khi người đàn ông và đàn bà hôn nhau, tôi nghĩ bụng, có thể mọi người ở đây thoáng hơn mình tưởng. Nhưng khi người đàn bà mở nịt vú và người đàn ông cởi quần thì tôi nhận ra phim con heo. Tôi không biết phải làm gì. Ông xem cả cuốn phim với vẻ mặt hơi ngạc nhiên không đổi, rất trẻ con trong mắt tôi. Ông không nói một lời, thậm chí còn không ngửng lên. Vậy tôi cứ viết tiếp trên laptop và ra bộ không biết gì. Khi hết phim, tôi cho một đĩa mới vào, và ông xem tiếp phim ấy mà không thay đổi nét mặt.
Sreykeo gợi ý tôi nên nói chuyện với ông và khuyên ông quay về với gia đình. Đó là sự phân công công việc của chúng tôi: cô quyết định các việc trong nhà, nhưng phần thực thi thì trao cho tôi, vì tôi có nhiều uy tín hơn.
Tôi ngồi xếp bằng tròn trước mặt ông và nói bằng thứ tiếng Khmer hổ lốn đã học được từ quyển Tiếng Khmer bồi luôn cầm trên tay. Tôi cho ông biết, chúng tôi sẽ không thể hỗ trợ hai gia đình. Trước tiên ông phải về nhà thì mới tính đến chuyện được giúp đỡ. Ông nhờ tôi kiếm hộ một thứ mà tôi không tìm thấy trong Tiếng Khmer bồi. Sreykeo dịch: ông cần kéo mới để hành nghề cắt tóc ở quê.
Một hôm tôi nhận ra Campuchia đã trở thành quê hương mình khi đứng trong nhà tắm ngắm đàn kiến trên tường. Đó là một vệt lớn đùn ra từ một khe gạch men và chảy về phía cửa. Ở đó nó hợp lưu với một vệt khác từ lỗ thông hơi để cùng nhau di chuyển về phía bếp. Tôi không rõ có phải chúng làm tổ dưới đất rồi trèo hai tầng gác lên cướp bóc trong phòng bếp của chúng tôi. Hay tổ của chúng ở đâu đó trong tường? Tôi nghĩ bụng: “Kiến hoạt động mạnh quá, phải đi đổ rác thôi.”
Đúng lúc đó tôi nhận ra mọi sự đã nhanh chóng trở nên bình thường xiết bao. Nước Đức xa vời. Con người có thể vận dụng sức lực phi thường để ngăn mọi thay đổi trong đời, nhưng một khi đã thay đổi rồi thì chỉ vài ngày sau là ta không nhớ trước đó ra sao. Người ta không tưởng tượng sẽ có ngày cưới vợ, nhưng cưới rồi thì mọi chuyện rất nhanh chóng trở thành bình thường.
Qua lỗ thông hơi tôi nhìn thấy cả sân. Mùa mưa lại đến. Mới sáng sớm bầu trời đã xám đục, buổi chiều thỉnh thoảng có gió lay rèm. Tôi có thể ngửi thấy mưa trước khi nghe nước rơi. Chị em Sreykeo nhảy cẫng lên như một lũ trẻ con, hét “muay tôkk pliang” rồi vớ lấy một quả bóng nhựa mòn vẹt. Họ đá bóng chân đất ngoài đường nhựa còn ấm, cho đến khi trời mưa làm quần áo dính chặt vào người mới mò về nhà, ướt lướt thướt, mệt và sung sướng. Có lẽ đây là gia đình rách việc nhất Phnom Penh, nhưng tôi thấy mến họ. Chưa khi nào tôi khó chịu khi chia sẻ với họ hai chục mét vuông. Người ta không bao giờ cô đơn. Rất vui.
Hết chương 43. Mời các bạn đón đọc chương 44!