Sicily - Miền Đất Dữ Chương 03

Chương 03
Montelepre là một thị trấn gồm bảy ngàn dân nằm chìm sâu dưới đáy thung lũng của dãy núi Gammarata, cũng như chìm sâu trong nghèo đói.

 

Ngày 2 tháng 10 năm 1943, dân thị trấn đang tưng bừng chuẩn bị lễ Kính Thánh Bổn Mạng (1) của thị trấn sẽ khởi đầu ngày hôm sau và kéo dài ba ngày. 
Lễ Kính Thánh Bổn Mạng là một biến cố lớn nhất trong năm của toàn thị trấn, lớn còn hơn cả lễ Phục Sinh hay lễ Giáng Sinh, lớn còn hơn cả ngày kỷ niệm kết thúc cuộc đại chiến hay kỷ niệm ngày sinh của một vị anh hùng dân tộc. Lễ Kính Thánh Bổn Mạng của mỗi vùng một khác, tuỳ vùng đó chọn vị thánh nào đỡ đầu cho mình. Đó là một trong những tập tục lâu đời và mạnh mẽ mà ngay cả chính quyền phát – xít cũng không dám đụng đến, chứ đừng nói gì đến cấm cản. 


Để tổ chức lễ Kính Thánh Bổn Mạng, mỗi năm người ta bầu ra một uỷ ban gồm ba vị thân hào danh sĩ có uy tín nhất trong thị trấn. Ba vị này sẽ chỉ định các uỷ viên lo quyên góp tiền bạc và hiện vật. Mỗi gia đình đóng góp tuỳ khả năng. Ngoài ra, còn có các uỷ viên đi quyên góp ngoài đường phố. 
Gần đến ngày trọng đại ấy, uỷ ban “tam vị” bắt đầu xuất chi cái quỹ còn tồn tại từ những năm về trước. Họ thuê một phường kèn, một anh hề, treo những giải thưởng lớn cho các cuộc đua ngựa đủ kiểu, diễn ra trong suốt ba ngày, mướn những chuyên viên trang trí nhà thờ và đường phố. Dưới bàn tay của những chuyên viên này, thị trấn Montelepre tồi tàn, nghèo nàn, u ám thoắt chốc biến thành một thành trì thời Trung cổ. Một đoàn múa rối cũng được gọi tới. Những người bán hàng quà rong dựng lều, dựng quán... tấp nập. 
Nhiều gia đình ở Montelepre có con gái đến tuổi cập kê cũng nhân ngày lễ này để kén rể hoặc cho làm lễ đính hôn. Quần áo mới, khăn choàng mới. Diêm dúa. Đám con gái điếm từ Palermo dựng lều ngay ngoài rìa thị trấn. Giấy phép hành nghề, chứng chỉ y khoa của đám con gái “Bạch Mi sư tổ” được treo ngoài vách lều bằng vải bố sọc trắng đỏ hoặc trắng xanh. Một vị thầy dòng nổi tiếng là thánh thiện cũng được mời tới để thuyết những bài giảng có tính cách lễ nghi chính thức. Sau cùng, vào ngày thứ ba cũng là ngày kết thúc dịp lễ, có cuộc rước kiệu di cốt của Thánh Bổn Mạng qua các thành phố. Toàn thể dân thị trấn - kể cả những người chỉ đến nhà thờ một lần duy nhất lúc mới lọt lòng được gia đình ẵm tới để làm phép rửa tội – đi theo hầu kiệu và dắt theo nào bò, nào ngựa, nào lừa, nào heo... để bán khoán cho thánh, đặng thánh ban phước cho ăn no chóng lớn, mạnh khoẻ dài dài để kéo xe, kéo cày cho khoẻ. Trên kiệu, chỗ để di cốt của Thánh, người ta tranh nhau chất lên đó nào là tiền, nào heo, nào bánh kẹo và cả những vò rượu nữa. 
Những ngày này là những ngày ăn chơi xả láng của toàn dân thị trấn, để rồi cả năm có phải đói dài dài cũng mặc kệ, để rồi ngày ngày có phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm hùng hục như lừa trên đất của các quận công, bá tước, đặng đổi lấy một vài đồng bạc cũng “chấp”. Chơi đã, mọi sự hậu xét. 
Ngày đầu tiên trong dịp lễ Kính Thánh Bổn Mạng của thị trấn Montelepre năm đó, Turi Guiliano được chỉ định tham gia nghi thức khai mạc: đó là cuộc “thả nọc” giữa con la “mầu nhiệm” của thị trấn Montelepre với một con lừa đực to nhất và khoẻ nhất của thị xã. Thật ra, rất hiếm khi – có thể nói là không bao giờ - một con la cái có thể thụ tinh. Giống la được liệt vào loài thú không có khả năng sinh sản. Nhưng ở Montelepre đã có một con la cái ngoại lệ và do đó “mầu nhiệm” vì nó đã đẻ con. Trước đó hai năm, nó đã đẻ ra một con lừa. Chủ nhân của con la ấy đồng ý – coi như phần đóng góp của gia đình cho buổi lễ - dâng con la ấy để làm nghi lễ khai mạc. Và nếu sự lạ xảy ra lần nữa, thì con của nó sẽ được dùng vào dịp lễ này năm sau. Trong nghi thức này có một sự chế nhạo thâm thuý, chua cay và độc địa. Vì nghi thức “thả nọc” chỉ biểu hiện cái ý thức, ý nghĩa mà nông dân Montelepre nói lên. 
Nông dân Sicilian cảm nhận sâu sắc sự tương đồng giữa mình và con la, con lừa. Hai con vật này luôn luôn phải làm lụng cực kỳ vất vả, mệt nhọc mà vẫn bị đánh đập tàn nhẫn và ăn uống thì đạm bạc mà vẫn thiếu thốn. Giống y như nông dân, hai con vật ấy có thể lầm lũi làm việc suốt mấy giờ đồng hồ mà vẫn dẻo dai. Thật khác với giống ngựa đỏm dáng, kênh kiệu nhưng mau xuống sức. Hai con vật ấy vững chân, có thể lẽo đẽo leo núi đá lởm chởm mà không bị té, bị gãy cẳng. Chẳng bù cho mấy con ngựa cái, chỉ được cái tốt mã, nhưng leo núi dở ẹc. Cũng vậy, nông dân giống lừa là ăn uống kham khổ, thiếu thốn mà vẫn sống, vẫn làm việc hùng hục, trong khi đó, loài vật khác và bọn nhà giầu mà như vậy thì chết nhăn răng từ lâu rồi. Nhưng sự tương đồng rõ nét nhất giữa nông dân Sicilian và con lừa, con la là: Phải đối đãi với nông dân, con lừa, con la một cách thân ái và trọng nể. Nếu không chúng sẽ trở thành nguy hiểm chết người, hay chí ít thì cũng lì ra, cứng đầu, bướng bỉnh. 
Tinh thần của các ngày lễ của đạo Thiên Chúa – ít ra là ở Sicilian – có nguồn gốc từ các lễ của đa thần giáo thời rất cổ xưa, nhằm cầu khẩn phép mầu nhiệm của các thần. Chính vào ngày lễ Kinh Thánh Bổn Mạng của mình, thị trấn Montelepre cũng đã xảy ra một phép mầu nhiệm làm thay đổi số phận của bảy ngàn cư dân thị trấn này. 

Dù mới hai mươi tuổi Turi Guiliano đã được coi như một người trưởng thành hay ít nhất cũng là một thanh niên đàng hoàng nhất, khoẻ mạnh nhất, chính trực nhất và được trọng nể nhất. Hắn là một người – dù mới hai mươi – nhưng rất trọng chữ tín. Nói tóm lại, đó là một người đối xử rất bặt thiệp với bạn bè, kính trên, nhường dưới. Nhưng không vì thế mà hắn chịu ngồi yên, chịu để cho người khác – dù quyền thế đến mức nào mặc kệ - nhục mạ. 
Vụ gặt năm rồi, hắn nổi tiếng vì đã từ chối không chịu làm mướn với tiền công rẻ mạt do một tên cặp -rằng ấn định. 
Hắn còn xúi các người khác đừng thèm làm để cho vụ mùa của các quận công, bá tước, đại điền chủ thối luôn cho bõ ghét. Cảnh sát đã bắt giam hắn theo lệnh khởi tố của ngài nam tước. Những người kia – vì sợ cũng có, vì đói cũng có – đã quay trở lại làm việc. Hắn chẳng trách gì mấy người kia và cũng chẳng trách gì cảnh sát vì theo ý hắn cảnh sát dù sao cũng chỉ là tay sai. Khi hắn được giáo sư Hector Adonis - bố đỡ đầu của hắn – can thiệp và được thả ra, hắn chẳng hận thù gì ai. Bản thân hắn kiên quyết tuân thủ nguyên tắc của hắn và cho rằng thế là đủ. 
Trong một dịp khác, hắn đã can ngăn được một cuộc “dao” chiến giữa Aspanu Pisciotta và một thanh niên khác chỉ bằng cách tay không đứng giữa hai con cọp đang nổi giận và bằng lời lẽ vừa hợp lý vừa khôi hài khiến cho cả hai dằn được cơn giận. Điều bất thường trong vụ này là không ai dám coi đó là dấu hiệu của trò lừa bịp hèn nhát, hoặc giả nhân, giả nghĩa vì ở Turi Guiliano có một cái gì đó khiến cho người ta không thể hiểu như vậy được. 
Ngày thứ hai trong ba ngày lễ Kính Thánh Bổn Mạng, Salvatore Guiliano – gia đình và bè bạn vẫn thân mật gọi tắt là Turi – đã phải nghiền ngẫm về cái mà đối với hắn - với tư cách là một thằng con trai – là một sự mất thể diện mất nhân cách. 
Nguyên nhân thì cũng nhỏ và thường thôi. Thị trấn Montelepre không có rạp chiếu phim, cũng không có rạp hát và các phương tiện giải trí khác. Chỉ có một quán cà - phê nhỏ có một bàn bi-a. Tối hôm trước, Turi cùng với thằng em họ là Gaspare “Aspanu” Pisciotta và vài thằng bạn khác chơi bi a trong quán. Lúc đó trong quán cũng có một vài người lớn vừa nhâm nhi ly rượu, vừa xem chúng chơi bi-a. Một người trong số đó tên là Quintana lúc đó đang hơi ngà ngà say. Đó là một tay anh chị cũng khá nổi tiếng. Gã bị Mussolini “cùm” một thời gian vì tình nghi là Mafia. Trong cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ lên đảo Sicily gã được thả ra với tư cách là nạn nhân của chế độ phát - xít. Và có tin đồn là gã sắp được bổ nhiệm làm thị trưởng Moneleprre. Khiếp thế đấy! 
Như bất cứ một người dân Sicily nào, Turi Guiliano còn lạ gì cái quyền lực đã thành thần thoại của Mafia. Vừa được tự do dưới sự cai trị của Mỹ, con rắn độc ấy - bị ngắc ngứ dưới chế độ phát – xít của Mussolini - bắt đầu ngo ngoe trên đảo như thể được chính quyền dân chủ kiểu Mỹ hà hơi tiếp sức cho. Đám chủ tiệm lớn, nhỏ trong thị xã được “người anh em” rỉ tai nhắc nhở đóng thuế. Dĩ nhiên, Turi biết chuyện đó, cũng như chuyện vô số nông dân bị cắt họng chỉ vì mỗi một tội là đã ráng đổ mồ hôi nước mắt trên ruộng đồng của các chủ đất và của các thân hào đầy thế lực để đổi lấy đồng lương chết đói, nên không có tiền đóng thuế “bảo vệ an ninh” cho “người anh em”, cũng như chuyện Mafia tha hồ tác oai tác quái trên đảo Sicily khốn khổ trước khi bị Mussolini – “mo – phú” luật pháp - siết họng hết ráo, như cái kiểu một con rắn cực độc cắn cổ một con rắn độc khác yếu thế hơn. Bởi vậy, Turi cũng như vô số người dân thị xã Montelepre cảm thấy sự đe doạ của “người anh em” cứ lởn vởn trên đỉnh đầu. 
Guido Quintana quay ra khinh khỉnh nhìn Guiliano và các bạn đang thụt bi-a. Có lẽ ma men đã làm cho gã ngứa ngáy. Gã cảm thấy đã đến lúc “phải bắt tay vào làm việc” sau khi bị chính quyền của Mussolini đày ra đảo hoang. Nay gã đã trở về quê nhà. Mục tiêu của gã trong mấy tháng gần đây là nhắc nhở cho bà con thị trấn nhớ gã là ai và thiên hạ phải nhìn gã bằng con mắt nể phục. Cũng có thể vì cái đẹp trai của Guiliano đã làm cho gã gai mắt. Vì mặt của Guido vốn cực kỳ xấu xí. Cái bề ngoài ma quái của gã không phải chỉ do bộ mặt quỉ dạ xoa tạo ra mà có lẽ còn do cái mặc cảm cứ phải cả đời chường cái mặt dễ sợ ấy cho thiên hạ quan chiêm. Cũng có thể đó là do sự tương phản tự nhiên giữa một thằng bẩm sinh đê tiện và một người bẩm sinh anh hùng. 
Dù gì đi nữa, gã cũng thình lình đứng lên, giả bộ đi qua phía bên kia bàn bi – a nhằm đúng lúc húc vào Guiliano một cái. Vốn lịch sự một cách tự nhiên đối với người lớn tuổi hơn, Turi lễ phép và thành thật xin lỗi Guido Quintana cố ý gây sự, đã khinh khỉnh nhìn Turi từ đầu đến chân, rồi nói, giọng cha chú: 
- Sao giờ này mà tụi bay không về nhà ngủ để mai chạy gạo. Đói dã họng ra không lo, mà cứ ham chơi. Mấy ông bạn tao chờ chơi bi – a cả tiếng đồng hồ rồi! 
Gã nói rồi giật lấy cây “cơ” (2) trong tay Guiliano và mỉm cười chế giễu, thách thức và ra lệnh cho Guiliano: - “Lui!”. 
Ai nấy đều nhìn sững, lối chơi trịnh thượng này xem ra cũng chưa đến nỗi nặng lắm vì dù sao y cũng lớn tuổi hơn.

Nguồn: truyen8.mobi/t112622-sicily-mien-dat-du-chuong-03.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận