Suối Nguồn (The Fountainhead) Chương 13

Chương 13
Vào một ngày tháng Mười, khi biệt thự Heller gần hoàn thành,

một người đàn ông trẻ, gầy, cao lêu nghêu trong bộ quần áo bảo hộ lao động bước ra từ một nhóm ít người đang đứng quan sát ngôi nhà từ phía đường. Anh ta tiến lại gần Roark.

“Anh chính là người đã xây cái nhà thương điên này à? “anh ta hỏi khá rụt rè.

“Nếu anh muốn nói căn nhà này, thì đúng,” Roark trả lời.

“Ồ tôi xin anh thứ lỗi. Chỉ là vì mọi người xung quanh đây gọi nó như vậy. Chứ không phải tôi có ý gọi nó như thế đâu. Anh thấy đấy, tôi có một dự án xây dựng... thật ra thì không hẳn là một dự án, nhưng tôi đang chuẩn bị xây một trạm bán xăng của riêng tôi cách đây mười dặm, dưới đường Post. Tôi muốn nói chuyện với anh.”

Lát sau, trên một cái ghế dài trước gara nơi anh làm việc, Jimmy Gowan giải thích một cách chi tiết. Anh nói thêm: “Và tôi tình cờ nghĩ đến anh, anh Roark ạ, vì tôi thích nó, căn nhà ngồ ngộ của anh ấy. Tôi không biết tại sao nhưng tôi thích nó. Tôi thấy nó hợp lý. Và rồi tôi lại nhận thấy mọi người há hốc miệng nhìn nó và bàn luận về nó; dĩ nhiên, đối với một ngôi nhà thì điều đó chẳng có lợi gì, nhưng đối với một cơ sở kinh doanh thì như thế lại tốt; cứ để cho họ cười khúc khích, nhưng hãy để họ bàn luận. Cho nên tôi đã nghĩ tôi sẽ mời anh xây nó, và khi đó mọi người sẽ bảo tôi là một gã khùng, nhưng ai mà thèm quan tâm? Tôi không hề quan tâm.”

Jimmy Gowan đã làm việc như một con la trong mười lăm năm để tiết kiệm tiền cho công việc kinh doanh của riêng mình. Người ta tỏ ý phản đối kịch liệt vì sự lựa chọn kiến trúc sư của anh; Jimmy không đưa ra một lời giải thích hay biện minh nào; anh nói lịch sự: “Có thể như vậy, các vị, có thể như vậy,” và vẫn tiến hành thuê Roark xây trạm xăng của mình.

Trạm xăng khai trương vào một ngày cuối tháng Mười hai. Nó nằm ở rìa đường Boston Post; hai kết cấu nhỏ bằng kính và bê tông tạo nên một hình bán nguyệt giữa những cái cây: văn phòng có hình trụ dài, nhà ăn có hình bầu dục bẹt, những máy bơm xăng đặt thành những trụ ở khoảng sân giữa văn phòng và nhà ăn. Nó là một công trình của những đường tròn; không hề có cạnh hay đường thẳng nào. Trông nó giống như những khối vật chất được đông cứng lại trong lúc đang chảy, được giữ bất động vào chính cái thời điểm chúng được đổ xuống, ở chính cái thời khắc mà chúng đang tạo nên một sự hài hòa – quá hoàn hảo đến nỗi không thể do người ta cố tình tạo ra. Trạm xăng trông như một chùm bong bóng treo thấp phía trên mặt đất, không thật sự chạm đất và có thể bị cuốn bay ngay lập tức bởi một cơn gió mạnh; trông nó vui vẻ – một sự vui vẻ tự tin và thoải mái do hiệu quả bố trí mang lại – giống như một động cơ máy bay mạnh vậy.

Roark đã ở trạm xăng vào cái ngày nó được khai trương. Anh uống cà phê trong một cái cốc trắng sạch sẽ bên quầy của quán ăn, và anh quan sát những chiếc ô-tô dừng lại trước cửa. Anh rời trạm xăng khi trời đã khuya. Anh nhìn lại nó một lần trong lúc lái xe dọc con đường dài vắng vẻ. Ánh đèn của trạm xăng nhấp nháy, chạy xa dần anh. Trạm xăng đứng đó tại chỗ giao của hai con đường, và những chiếc xe hơi sẽ chảy qua nó ngày và đêm, những cái xe đến từ những thành phố nơi mà không có chỗ nào dành cho những kiến trúc như vậy, và sẽ đi tới những thành phố cũng không có những kiến trúc như thế này. Anh quay về phía con đường trước mặt, và giữ cho mắt mình không nhìn vào chiếc gương vẫn đang phản chiếu những đốm sáng lấp lánh nhẹ nhàng cứ lùi dần lại phía sau anh...

Anh lại quay trở về với những tháng dài nhàn rỗi. Anh ngồi ở văn phòng mình mỗi sáng, bởi vì anh biết rằng mình phải ngồi ở đó, để nhìn cánh cửa không bao giờ mở, để những ngón tay lãng quên trên chiếc điện thoại không bao giờ rung chuông. Cái gạt tàn thuốc lá mà anh đổ hàng ngày khi anh rời văn phòng, không có gì ngoài những mẩu thuốc lá của chính anh.

“Anh định thế nào về chuyện này, Howard?” Austen Heller hỏi anh trong một bữa ăn vào một buổi tối nọ.

“Không gì cả.”

“Nhưng anh phải làm gì chứ.”

“Tôi chẳng thể làm gì.”

“Anh phải học cách đối đãi mọi người.”

“Tôi không thể.”

“Tại sao chứ?”

“Tôi không biết. Tôi sinh ra đã thiếu một giác quan nào đó.”

“Cái đó người ta học dần dần.”

“Người tôi không có bộ phận nào để chứa nó. Tôi không biết liệu có phải do tôi thiếu thứ gì đó; hay là một cái gì đó thừa ra đã luôn ngăn tôi lại. Ngoài ra, tôi không ưa những người lại cần người khác đối đãi.”

“Nhưng bây giờ anh không thể cứ ngồi một chỗ và không làm gì cả. Anh phải theo đuổi các dự án thầu.”

“Tôi có thể nói với người ta cái gì để nhận được các công trình? Tôi chỉ có thể chỉ cho họ thấy công trình của mình. Nếu như họ không nghe thấy cái đó, họ sẽ không nghe thấy bất kỳ cái gì tôi nói. Tôi chẳng là gì đối với họ, trừ công trình của tôi – công trình của tôi là tất cả những gì chúng tôi có chung. Và tôi không có mong muốn nói với họ về bất kỳ cái gì khác.”

“Vậy anh định làm gì? Anh không lo lắng à?”

“Không. Tôi đã biết trước rồi. Tôi đang chờ đợi.”

“Chờ cái gì nào?”

“Chờ kiểu người của tôi.”

“Kiểu người nào đây?”

“Tôi không biết. Thực ra, tôi biết nhưng tôi không thể nào giải thích được. Tôi thường ước là mình có thể làm được. Phải có một nguyên lý cơ bản nào đó bao trùm kiểu người đó nhưng tôi không biết đó là cái gì.”

“Sự trung thực?”

“Vâng... à không, chỉ một phần thôi. Guy Francon cũng là một người trung thực, nhưng kiểu người của tôi không phải như vậy. Can đảm ư? Ralston Holcombe có sự can đảm theo theo cách riêng của ông ấy... Tôi không biết. Tôi không mù mờ về những thứ khác như thế này. Nhưng tôi có thể nói được kiểu người của tôi thông qua vẻ mặt họ. Nhờ một cái gì đó trên mặt họ. Sẽ có hàng nghìn người đi qua nhà ông và đi qua cái trạm xăng đó. Nếu như trong hàng nghìn ngườ i này, một người dừng lại và nhìn thấy – đấy là tất cả điều tôi cần.”

“Thế thì rốt cuộc anh có cần những người khác, đúng không hả Roark?”

“Tất nhiên rồi. Ông đang cười gì thế?”

“Tôi luôn nghĩ rằng anh là nhân vật bài trừ xã hội nhất mà tôi từng có hân hạnh được gặp.”

“Tôi cần người ta giao cho tôi công việc. Tôi không xây lăng tẩm. Ông có cho là tôi nên cần họ theo một cách nào đó khác? Theo một cách gần gũi hơn, riêng tư hơn?”

“Anh chẳng cần bất kỳ ai theo cách riêng tư cả.”

“Đúng vậy.”

“Anh thậm chí không khoe khoang về điều này.”

“Tôi nên ư?”

“Anh không thể. Anh quá kiêu ngạo để khoe khoang.”

“Đó là con người tôi sao?”

“Anh không biết anh là người như thế nào sao?”

“Không. Không theo kiểu mà ông hay người nào khác nhìn nhận tôi.”

Heller ngồi lặng lẽ, cổ tay ông vẽ nên những vòng tròn với điếu thuốc lá. Sau đó Heller cười to, và nói:

“Thật đúng kiểu của anh.”

“Cái gì?”

“Việc anh đã không hỏi tôi xem tôi nhìn nhận anh thế nào. Bất kỳ ai khác có lẽ cũng đã làm điều này.”

“Tôi xin lỗi. Đó không phải là sự thờ ơ đâu. Ông là một trong số những người bạn ít ỏi mà tôi muốn giữ. Tôi chỉ không nghĩ đến việc hỏi.”

“Tôi biết anh đã không nghĩ đến. Đó chính là vấn đề. Anh là một con quái vật tự cho mình là trung tâm, Howard ạ. Mà càng quái đản hơn vì anh hoàn toàn ngây thơ về điều đó.”

“Điều đó đúng.”

“Anh nên tỏ ra quan tâm một chút khi anh thừa nhận điều đó.”

“Tại sao?”

“Anh biết không, có một điều tôi không hiểu. Anh là người lạnh lùng nhất mà tôi biết. Và tôi không hiểu lý do tại sao – mặc dù tôi biết anh thực sự là một người tai quái theo cái kiểu lặng lẽ của anh – tại sao tôi lại luôn có cảm giác, khi tôi nhìn thấy anh, rằng anh là người sống nhiệt tình nhất mà tôi từng gặp.”

“Ý của ông là gì?”

“Tôi không biết. Chỉ như thế thôi.”

Hàng tuần lễ trôi qua, Roark đi bộ tới văn phòng của anh mỗi ngày, ngồi tám tiếng ở cái bàn của mình và đọc rất nhiều. Vào lúc năm giờ anh đi bộ về nhà. Anh đã chuyển tới một căn phòng tốt hơn ở gần văn phòng; anh chi tiêu rất ít; anh có đủ tiền cho một quãng thời gian dài phía trước.

Một buổi sáng tháng Hai chuông điện thoại trong văn phòng của anh rung lên. Một giọng nói phụ nữ dứt khoát và linh lợi yêu cầu một cuộc hẹn với kiến trúc sư Roark. Buổi chiều hôm đó, một phụ nữ nhỏ bé, nhanh nhẹn, có nước da sẫm màu bước vào văn phòng; bà mặc một cái áo khoác lông chồn và đeo những đôi khuyên tai k lạ cứ kêu leng keng mỗi khi bà lắc mái đầu. Bà hay lúc lắc cái đầu, bằng những cái giật ngắn rõ nét như của loài chim. Bà là Wayne Wilmot ở Long Island và bà muốn xây một trang viên. Bà giải thích bà chọn Roark để xây nó vì anh đã thiết kế căn nhà cho ông Austen Heller. Bà ngưỡng mộ Austen Heller; bà nói ông là đấng tiên tri trong tất cả những người giả vờ – dù chỉ là một chút ít – sùng bái danh hiệu trí thức tiến bộ – “phải không anh?” – và bà làm theo Heller như một tín đồ, “đúng đấy, theo đúng nghĩa đen, giống như một tín đồ.” Cậu Roark rất trẻ, phải không? – nhưng bà không bận tâm về điều này, bà là một người tân tiến và bà vui mừng được giúp đỡ những người trẻ tuổi. Bà muốn có một ngôi nhà rộng, bà có hai con, bà tin tưởng vào việc để những đứa trẻ bộc lộ cá tính – “anh có tin không?” – và mỗi đứa có một phòng trẻ riêng, bà muốn có một thư viện – “Tôi đọc sách đến phát điên.” – một phòng nhạc, một nhà kính trồng cây – “chúng tôi trồng hoa lan chuông, bạn bè tôi bảo đó là loài hoa của tôi” – một phòng nhỏ làm việc riêng cho chồng bà, người tin tưởng bà hoàn toàn và để cho bà thiết kế căn nhà – “bởi vì tôi khá thành thạo việc này, nếu như tôi không phải là phụ nữ tôi cam đoan là tôi đã là một kiến trúc sư rồi” – các phòng cho những người giúp việc và những thứ tương tự, một garage cho ba xe ô-tô. Sau một tiếng rưỡi giải thích cặn kẽ, bà nói: “Và tất nhiên về mặt phong cách của ngôi nhà thì sẽ là phong cách Tudor[58] của Anh. Tôi mê kiến trúc Tudor của Anh.”

Anh nhìn bà. Anh hỏi một cách chậm rãi: “Bà đã nhìn thấy ngôi nhà của ông Austen Heller chưa?”

“Chưa, mặc dầu là tôi rất muốn nhìn thấy ngôi nhà, nhưng làm sao tôi có thể? – Tôi chưa bao giờ gặp ông Heller, tôi chỉ là một người hâm mộ ông ấy, chỉ vậy thôi, một người hâm mộ bình thường và đơn giản, ông ta là một người như thế nào về mặt cá nhân? – anh phải nói cho tôi, tôi khao khát được nghe điều này – không, tôi vẫn chưa nhìn thấy ngôi nhà của ông ấy, nó nằm ở đâu đó phía trên Maine phải không?”

Roark lấy những tấm ảnh từ ngăn kéo bàn ra và đưa chúng cho bà.

“Đây,” anh nói, “là ngôi nhà của Heller.”

Bà nhìn những bức ảnh, cái nhìn lướt qua của bà giống như nước trượt qua bề mặt bóng loáng của những tấm ảnh vậy, và bà ném những bức ảnh xuống mặt bàn.

“Rất thú vị,” bà nói. “Thật khác thường. Khá ngạc nhiên. Nhưng tất nhiên đó không phải là thứ tôi muốn. Một ngôi nhà như vậy sẽ không thể hiện được cá tính của tôi. Những người bạn của tôi nói với tôi rằng tôi có một cá tính kiểu Elizabeth.”[59]

Lặng lẽ, kiên nhẫn, anh cố giải thích cho bà tại sao bà không nên xây một ngôi nhà theo kiến trúc Tudor. Bà ngắt lời anh ở giữa câu.

“Xem này, anh Roark, anh không cố dạy bảo tôi điều gì, đúng không? Tôi khá chắc rằng mình có một thị hiếu tốt, và tôi biết rất nhiều về kiến trúc, tôi đã từng tham gia một khóa học đặc biệt ở câu lạc bộ. Những người bạn của tôi nói rằng tôi còn hiểu biết hơn nhiều kiến trúc sư khác. Tôi quyết định là tôi sẽ xây một ngôi nhà mang kiến trúc Tudor của Anh. Tôi không muốn tranh luận về vấn đề này.”

“Bà sẽ phải đến chỗ một kiến trúc sư nào khác, bà Wilmot ạ.”

Bà nhìn anh chằm chằm một cách hoài nghi.

“Ý của anh là, anh đang từ chối công trình này?”

“Vâng.”

“Anh không muốn công trình của tôi?”

“Không.”

“Nhưng tại sao?”

“Tôi không xây những thứ như thế.”

“Nhưng tôi cứ nghĩ là những kiến trúc sư thì...”

“Vâng. Những kiến trúc sư sẽ xây bất cứ cái gì bà yêu cầu. Bất kỳ một kiến trúc sư nào khác trong thành phố sẽ làm thế.”

“Nhưng tôi đã cho anh cơ hội đầu tiên.”

“Bà làm ơn giúp tôi một việc! Bà có thể nói cho tôi biết vì sao bà gặp tôi nếu tất cả những gì bà muốn là một ngôi nhà kiểu Tudor?”

“À, tôi đã nghĩ một cách chắc chắn là anh sẽ đánh giá cao cơ hội này. Và sau đó, tôi nghĩ tôi có thể nói với các bạn tôi là tôi đã thuê kiến trúc sư của Austen Heller.”

Anh cố gắng giải thích và thuyết phục bà. Anh biết, trong khi anh nói, rằng điều này vô ích bởi vì những lời nói của anh như thể đạp vào chân không vậy. Không hề có bà Wayne Wilmot; chỉ có một lớp vỏ bao gồm những quan điểm của những người bạn của bà, những tấm bưu thiếp ảnh mà bà đã từng nhìn thấy, những tiểu thuyết về các điền trang nông thôn mà bà từng đọc; đấy chính là những thứ mà anh đang tiếp chuyện, thứ phi vật chất không thể nghe thấy anh nói, hay trả lời anh, điếc đặc và vô cảm như một miếng bông gòn vậy.

“Tôi xin lỗi,” bà Wayne Wilmot nói, “nhưng tôi không quen làm việc với một người hoàn toàn không biết điều. Tôi chắc chắn mình sẽ tìm được khối người tài giỏi hơn vui vẻ làm việc cho mình. Chồng tôi đã phản đối ý định chọn anh thiết kế căn nhà, ngay từ đầu, và tôi rất tiếc nhận thấy là chồng tôi đã đúng. Chúc anh một ngày tốt lành, anh Roark.”

Bà bước ra với một vẻ cao thượng, nhưng bà lại đóng sầm cánh cửa. Anh vứt những bức ảnh trở lại ngăn kéo bàn của mình.

Ông Robert L.Mundy – người tới văn phòng của Roark vào tháng Ba – đã được Austin Heller gửi tới. Giọng nói và mái tóc của ông Mundy xám như thép, nhưng mắt ông lại màu xanh nước biển, dịu dàng và đăm chiêu. Ông muốn xây một căn nhà ở Connecticut, và ông nói về nó một cách rụt rè như một chú rể trẻ, như một người đàn ông đang sờ soạng tìm mục tiêu bí mật cuối cùng của mình.

“Nó không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà,” ông nói rụt rè, như thể ông đang nói chuyện với một người nhiều tuổi hơn và nổi tiếng hơn bản thân ông, “nó giống như... giống như là vật biểu tượng của tôi. Nó là một cái gì đó tôi đã chờ đợi và làm việc cho nó trong suốt những năm vừa qua. Đã quá nhi u năm trôi qua... Tôi phải kể với anh điều này để anh hiểu. Giờ đây, tôi có rất nhiều tiền, nhiều hơn mức tôi buồn nghĩ đến. Tôi không phải luôn có nhiều tiền như thế. Có thể điều này tới quá muộn. Tôi không biết. Những người trẻ tuổi nghĩ rằng anh sẽ quên những gì đã xảy ra trên con đường anh đi đến thành công. Nhưng không phải như vây. Một số điều vẫn lưu lại. Tôi sẽ luôn nhớ mình đã là một cậu bé sống như thế nào – ở một vùng nhỏ thuộc Georgia, vậy đó – và tôi chạy việc lặt vặt cho một người làm yên ngựa như thế nào, và những đứa trẻ cười nhạo khi xe ngựa đi qua và làm bắn bùn lên cả cái quần của tôi. Chính từ lúc đó tôi quyết định rằng một ngày nào đó tôi sẽ có một ngôi nhà của chính mình, kiểu nhà mà các xe ngựa phải dừng trước nó. Sau đó, dù đôi khi có khó khăn đến thế nào đi chăng nữa, tôi luôn nghĩ về ngôi nhà đó và nó đã giúp tôi. Về sau, có nhiều năm tôi đã lo sợ về căn nhà – tôi lẽ ra đã có thể xây được nó nhưng tôi lo ngại. Và bây giờ thì thời khắc đó đã đến. Anh có hiểu không Roark? Austen nói rằng anh chính là người sẽ hiểu được.”

“Vâng,” Roark hào hứng nói, “Tôi hiểu.”

“Có một ngôi nhà lớn,” ông Mundy nói, “dưới đó, gần thị trấn quê tôi. Biệt thự lớn nhất toàn hạt này. Ngôi nhà Randolph. Một cái nhà đồn điền cũ, vì họ không còn xây chúng nữa. Trước đây thỉnh thoảng tôi mang đồ đến đó, theo lối cửa sau. Đó chính là ngôi nhà tôi muốn, anh Roark ạ. Giống như thế. Nhưng không phải ở Georgia. Tôi không muốn trở lại. Ngay đây, gần thành phố này. Tôi đã mua đất. Ông phải giúp tôi bài trí nó giống hệt như nhà Randolph. Chúng ta sẽ trồng cây và cả những khóm cỏ bụi, giống như loại ở Georgia, rồi cả hoa nữa, mọi thứ. Chúng ta sẽ tìm cách giúp chúng sinh trưởng được tại đây. Tôi không quan tâm việc sẽ mất bao nhiêu chi phí. Tất nhiên giờ chúng ta sẽ phải có đèn điện và gara ô-tô chứ không phải xe ngựa. Nhưng tôi muốn đèn điện phải được làm giống như nến và gara phải trông y như những chuồng ngựa. Mọi thứ đều phải giống như trước đây. Tôi có những tấm ảnh chụp ngôi nhà Randolph đây. Và tôi cũng đã mua một ít đồ đạc cũ của họ.”

Khi Roark bắt đầu nói, Mundy lắng nghe với vẻ ngạc nhiên lịch sự. Nhưng ông không có vẻ gì tức giận trước những lời này. Những lời này chẳng lọt vào đầu ông.

“Ông không thấy sao?” Roark nói. “Đó là một tượng đài ông muốn xây dựng nhưng không phải cho bản thân ông. Không phải cho cuộc sống của chính ông hay cho những thành tựu của riêng ông. Mà là cho những người khác. Cho ưu thế áp đảo của họ đối với ông. Ông không hề thách thức cái uy quyền này. Ông đang làm cho nó trở nên bất tử. Ông không vất bỏ nó mà ngược lại vẫn cõng nó theo mãi mãi. Chả lẽ ông sẽ hạnh phúc khi ông niêm phong mình, trong suốt quãng đời còn lại, vào trong một hình dáng vay mượn? Hay là ông sẽ vùng thoát ra, dù chỉ một lần thôi, và xây cho mình một ngôi nhà mới, của chính ông? Ông không hề muốn ngôi nhà Randolph. Ông muốn cái mà nó đại diện. Nhưng thứ mà nó đại diện cho lại chính chính là cái mà ông đã chống lại suốt cuộc đời.”

Mundy lắng nghe một cách trống rỗng. Và Roark lại cảm thấy một sự bất lực trước cái-không-có-thực: không hề có cái người gọi là Mundy; chỉ có tàn tích của những người đã từng cư ngụ tại khu Randolph; và người ta không thể van nài hoặc thuyết phục những tàn tích được.

Cuối cùng Mundy lên tiếng: “Không. Có thể anh nói đúng nhưng đó không phải điều tôi muốn. Tôi không nói là anh không có những lý do của anh, và những lý do này nghe có vẻ hợp lý, nhưng tôi thích nhà Randolph.”

“Tại sao?”

“Chỉ vì tôi thích nó. Chỉ vì đấy là cái tôi muốn.”

Khi Roark nói rằng Mundy sẽ phải tìm một kiến trúc sư khác, Mundy bất ngờ nói: “Nhưng tôi thích anh. Tại sao anh không thể xây nó cho tôi? Làm như thế cũng có khác gì cho anh đâu?”

Roark không giải thích.

Sau đó, Austen Heller đã nói với anh ta: “Tôi cũng đã thấy trước điều này. Tôi đã e rằng anh sẽ từ chối ông ta. Không phải tôi đang trách anh đâu, Howard. Chỉ là ông ta quá giàu. Công việc này đáng lẽ đã có thể giúp anh nhiều lắm đấy. Suy cho cùng thì anh cũng cần phải sống chứ.”

“Không phải bằng cách đó” Roark nói.

*

* *

Tháng Tư, ngài Nathaniel Janss thuộc công ty bất động sản Janss-Stuart gọi Roark tới văn phòng của ông ta. Janss là một người thẳng thừng. Ông ta nói rằng công ty của ông đang lên kế hoạch xây dựng một tòa nhà văn phòng 30 tầng ở phía cuối đường Broadway, rằng ông cũng không thích chọn Roark làm kiến trúc sư cho công trình này, thực tế, ông còn ít nhiều phản đối anh. Tuy nhiên, bạn của ông, Austen Heller đã khăng khăng là ông nên gặp Roark và nói chuyện với anh về vấn đề này. Janss không nghĩ về công việc của Roark nhiều lắm, nhưng Heller đơn giản là ép buộc ông và ông sẽ lắng nghe ý kiến của Roark trước khi đưa ra quyết định, còn Roark sẽ nói gì về chủ đề này đây?

Roark có rất nhiều điều để nói. Anh nói một cách điềm tĩnh, và ban đầu điều này thật khó khăn bởi vì anh thật sự muốn tòa nhà đó, bởi điều anh cảm nhận thấy là sự khao khát giành lấy công trình này từ tay Janss bằng cách dí súng vào ông ta, nếu như anh có một khẩu súng thật. Tuy nhiên, sau vài phút, mọi việc trở nên dễ dàng và đơn giản hơn nhiều, ý nghĩ về khẩu súng đã biến mất, thậm chí ngay cả niềm mong ước về ngôi nhà cũng không còn. Đó không còn là một công trình phải giành được và anh không ở đó để tìm cách chiếm đoạt nó; anh chỉ đang nói về những tòa nhà thôi.

“Ông Janss, khi mua một chiếc ô-tô, ông không muốn có những vòng hoa hồng trên cửa sổ, một con sư tử ở mỗi bên thân xe và một thiên thần ngồi trên nóc. Tại sao lại không nào?”

“Như thế thật ngớ ngẩn,” ông Janss nói.

“Tại sao lại là ngớ ngẩn? Tôi thì lại cho rằng như thế sẽ rất đẹp. Ngoài ra, vua Louis Mười bốn có một cỗ xe ngựa giống như vậy. Theo tôi thì những gì vua Louis thấy là hay thì đối với chúng ta cũng tốt. Chúng ta không nên chạy theo sự cách tân bừa bãi và cũng không nên phá bỏ đi những truyền thống.”

“Nào, anh biết quá rõ là anh không tin vào bất cứ cái quái gì anh vừa nói!”

“Tôi biết là tôi không tin. Nhưng đó là điều ông tin, đúng không? Nào, hãy xét một cơ thể con người. Tại sao ông không thích nhìn một cơ thể người có một cái đuôi cong và một túm lông đà điểu? Và một đôi tai có hình lá cây ô-rô? Ông biết đấy, như thế sẽ có tính trang trí, thay vì vẻ xấu xí trần trụi u ám mà chúng ta đang có. Tại sao ông lại không thích ý tưởng này? Bởi vì nó vô dụng và vớ vẩn. Bởi vì vẻ đẹp cơ thể con người là ở chỗ nó không có một cơ bắp nào không phục vụ cho mục đích của nó cả, ở chỗ không có một đường nét nào thừa thãi, ở chỗ mọi chi tiết đều phù hợp với một ý niệm, đó chính là ý niệm của một con người và sự sống của anh ta. Vậy tại sao khi chuyển sang một ngôi nhà, xin ông hãy cho tôi biết, ông lại không muốn nó trông như thể nó có ý niệm về mục đích của nó, tại sao ông muốn khiến nó trở nên ngột ngạt với đủ thứ đồ trang trí, tại sao ông lại muốn hy sinh mục đích của tòa nhà cho vẻ ngoài của nó mặc dù ông thậm chí còn không biết tại sao ông lại muốn có cái vẻ ngoài ấy? Ông muốn nó trông giống như một con thú được lai tạo từ con hoang của mười loài khác nhau cho đến khi ông cho ra sản phẩm là một sinh vật không có ruột, không có trái tim cũng như khối óc, một sinh vật chỉ toàn da, đuôi, móng vuốt và lông vũ? Tại sao lại như vậy? Ông phải nói cho tôi biết, bởi tôi chưa bao giờ hiểu được điều này.”

Janss nói: “Ồ, tôi chưa từng nghĩ theo cách này.” Ông nói tiếp, giọng không được tin tưởng lắm: “Nhưng chúng tôi muốn công trình của mình phải có được sự đàng hoàng, anh biết đấy, và vẻ đẹp, cái mà người ta gọi là vẻ đẹp thật sự.”

“Cái gì mà ai gọi là vẻ đẹp?”

“Hừm”

“Hãy nói cho tôi biết, ông Janss, ông có thực sự nghĩ rằng những cột trụ theo kiểu Hy Lạp và những giỏ trái cây đặt vào một tòa nhà văn phòng làm bằng thép kiểu hiện đại là đẹp không?”

“Tôi không biết là tôi đã bao giờ nghĩ đến chuyện tại sao một công trình lại được cho là đẹp, dù là theo kiểu này hay kiểu khác hay chưa,” Janss thú nhận, “nhưng tôi đoán đó là những gì mọi người muốn.”

“Tại sao ông cho rằng người ta muốn thế?”

“Tôi không biết.”

“Vậy tại sao ông phải quan tâm đến việc họ muốn gì?”

“Anh phải quan tâm tới công chúng chứ.”

“Chẳng lẽ ông không biết rằng hầu hết mọi người có được nhiều thứ chỉ vì chúng được đưa đến cho họ và họ chẳng có bất cứ một ý kiến nào hay sao? Ông muốn làm theo điều mà họ mong rằng ông nghĩ là họ nghĩ thế, hay ông muốn làm theo sự đánh giá của chính bản thân ông?”

“Anh không thể tọng cái đánh giá đó vào họng họ được.”

“Ông không phải làm như vậy. Ông chỉ phải kiên nhẫn mà thôi. Bởi vì ông có lẽ phải đứng về phía ông – phải, tôi biết, không ai thực sự muốn có lẽ phải đứng về phía mình – trong khi chống lại ông chỉ có sự trì trệ, mơ hồ, nặng nề và mù quáng.”

“Tại sao anh lại cho rằng tôi không muốn có lẽ phải đứng về phía tôi?”

“Không phải ông, ông, Janss. Đó chỉ là cách mà hầu hết mọi người đều cảm thấy. Họ phải mạo hiểm, tất cả những gì họ làm luôn có tính mạo hiểm, nhưng họ sẽ cảm thấy an toàn hơn nhiều nếu như họ mạo hiểm với một cái gì đó mà họ biết là xấu xí, phù phiếm hay ngu xuẩn.”

“Đúng thế thật, anh biết đấy,” ông Janss nói.

Cuối buổi trò chuyện, ông Janss trầm ngâm: “Anh Roark, tôi không thể nói rằng những điều anh nói là không có ý nghĩa. Hãy để tôi suy nghĩ kỹ về nó. Anh sẽ sớm nhận được tin của tôi.”

Một tuần sau, Janss gọi lại cho Roark. “Chính ban giám đốc sẽ đưa ra quyết định. Anh có sẵn sàng thử không Roark? Hãy vẽ mặt bằng và một số bản vẽ phối cảnh sơ bộ. Tôi sẽ đệ trình lên ban giám đốc. Tôi không thể hứa trước điều gì. Nhưng tôi ủng hộ anh và tôi sẽ đấu tranh với họ.”

Trong vòng hai tuần Roark đã làm việc ngày đêm cho các bản vẽ mặt bằng. Rồi chúng được đệ trình. Sau đó anh đã được gọi lên trước ban giám đốc của công ty bất động sản Janss Stuart. Anh đứng ở cạnh một chiếc bàn dài và thuyết trình, đôi mắt anh lướt chậm rãi qua từng gương mặt. Anh cố gắng không nhìn xuống bàn, nhưng ở dưới tầm mắt mình anh vẫn có thể thấy được đốm trắng của những bản vẽ trải ra trước mắt mười hai người đàn ông Người ta đặt ra cho anh rất nhiều câu hỏi. Janss thỉnh thoảng xen vào để trả lời thay anh, để đấm vào bàn, để hằm hè với những người xung quanh: “Các ông không thấy sao? Điều này chưa rõ ràng hay sao?... Thì đã sao nào, ông Grant? Nếu chưa ai từng xây dựng một công trình như thế này thì đã sao nào?... Kiến trúc Gothic ư, ông Hubbard? Tại sao chúng ta phải xây theo kiểu Gothic?... Tôi sẽ rất muốn từ chức nếu như các ông từ chối cái này!”

Roark nói một cách bình thản. Anh là người duy nhất trong căn phòng cảm thấy chắc chắn về những gì mình nói. Anh cũng cảm thấy mình chẳng có chút hy vọng nào. Mười hai gương mặt trước anh có sắc thái khác nhau; nhưng có cái gì đó chung, không phải màu sắc cũng chẳng phải hình dáng, trên tất những khuôn mặt đó, giống như một mẫu số chung vậy, một thứ gì đó hòa tan sự biểu cảm của chúng, khiến chúng không còn là những gương mặt nữa mà chỉ còn là những hình bầu dục trống rỗng của xác thịt. Anh đang nói với tất cả. Mà lại chẳng nói với một ai. Anh không cảm nhận được lời đáp nào, thậm chí không có cả tiếng vọng của chính những lời anh nói, dội lại từ một cái màng nhĩ nào đó. Những lời nói của anh đang rơi xuống giếng, đập vào những mỏm đá, và mỗi mỏm đá không chịu chặn chúng lại mà lại ném chúng ra xa hơn, hất chúng từ mỏm này đến mỏm nọ, làm cho chúng rơi xuống một cái đáy không hề tồn tại.

Người ta nói với anh rằng anh sẽ nhận được thông báo về quyết định của ban giám đốc. Anh đã biết trước quyết định này. Khi nhận được bức thư, anh đọc mà chẳng có cảm giác gì. Bức thư là của Janss và nó mở đầu như sau: “Anh Roark thân mến, tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo với anh rằng ban giám đốc của chúng tôi thấy rằng họ không thể giao cho anh công trình...” Có một lời cầu xin ẩn trong sự trang trọng nghiệt ngã và khó chịu của bức thư: đấy là lời cầu xin của một người đã không thể đối mặt với anh.

*

* *

John Fargo bắt đầu lập nghiệp với nghề bán hàng rong bằng xe kéo. Ở tuổi 50 ông đã sở hữu một tài sản khiêm tốn và một cửa hàng bách hóa làm ăn phát đạt nằm cuối Đại lộ thứ Sáu. Trong nhiều năm qua, ông đã cạnh tranh thành công với cửa hàng lớn bên kia đường, một trong những cửa hàng do một gia đình lớn để lại. Mùa thu năm ngoái, cả gia đình này đã chuyển cửa hàng đó tới một khu phố mới, xa hơn về phía bắc thành phố[60]. Họ tin rằng trung tâm của việc buôn bán lẻ của thành phố đang dịch chuyển lên phía bắc, và họ đã quyết định sẽ đẩy nhanh sự sup sụp của khu phố cũ bằng việc để trống cửa hàng cũ của họ – một sự nhắc nhở nghiêm khắc và gây xấu hổ cho đối thủ của họ ở bên kia đường. John Fargo đã trả lời bằng việc thông báo rằng ông sẽ xây dựng một cửa hàng mới của riêng mình, ở đúng chỗ đối diện, ngay cạnh cửa hàng cũ của ông – một cửa hàng mới hơn và đẹp hơn bất cứ cửa hàng nào thành phố này đã từng nhìn thấy. Ông tuyên bố ông sẽ bảo tồn vị thế cho cả khu phố cũ này.

Khi cho gọi Roark đến văn phòng, ông không nói rằng ông sẽ phải đưa ra quyết định sau hay suy nghĩ lại mọi việc. Ông chỉ nói: “Anh sẽ là kiến trúc sư cho tôi.” Ông ngồi, chân gác lên bàn, miệng ngậm tẩu, vừa nói rít lên vừa phả khói thuốc. “Tôi sẽ cho anh biết tôi cần bao nhiêu không gian và tôi muốn chi bao nhiêu tiền cho việc này. Nếu anh cần nhiều hơn – thì cứ bảo với tôi. Phần còn lại tùy anh. Tôi không biết nhiều về các tòa nhà. Nhưng tôi có thể nhận biết một người biết về chúng khi tôi nhìn thấy anh ta. Hãy làm đi.”

Fargo đã chọn Roark vì, một ngày nọ, ông đã lái xe qua Trạm xăng Gowan, đã dừng lại, bước vào trong và hỏi vài câu. Sau đó, ông đã hối lộ người đầu bếp nhà Heller để cho ông xem qua căn nhà khi Heller vắng mặt. Fargo không cần thêm một lý lẽ nào nữa.

*

* *

Cuối tháng Năm, khi mà bàn vẽ của Roark đang ngập trong những bản vẽ phác thảo cho cửa hàng của Fargo, anh lại nhận được một công trình mới.

Người khách – ông Whitford Sanborn – sở hữu một tòa nhà do Henry Cameron xây dựng cho ông cách đây nhiều năm. Khi Sanborn quyết định xây một dinh thự mới ở nông thôn, ông đã bỏ qua mọi tiến cử của vợ mình về những kiến trúc sư khác; ông viết thư cho Henry Cameron. Cameron đã viết một bức thư trả lời dài đến mười trang giấy. Ba dòng đầu của bức thư nêu rằng ông đã không còn tiếp tục công việc của mình nữa. Phần còn lại của bức thư là về Howard Roark. Roark không bao giờ biết được Cameron đã viết gì trong thư; Sanborn sẽ không cho anh xem thư, còn Cameron sẽ không nói cho anh biết. Nhưng Sanborn đã chọn Roark để xây cái dinh thự ở nông thôn đó, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía bà Sanborn.

Bà Sanborn là chủ tịch của rất nhiều tổ chức từ thiện, điều này làm bà đâm ra nghiện việc chuyên quyền mà không một thú vui nào khác có thể sánh được. Bà ao ước sẽ có một dinh thự kiểu Pháp được xây dựng trên mảnh đất mới bên sông Hudson. Bà mong nó sẽ có vẻ trang nghiêm và cổ kính như thể nó đã luôn thuộc về gia đình bà; tất nhiên, bà thừa nhận, rằng mọi người đều biết là không phải thế, nhưng nó sẽ có vẻ như vậy.

Ông Sanborn ký hợp đồng sau khi nghe Roark trình bày chi tiết về kiểu nhà mà ông sẽ có. Ông Sanborn đồng ý với nó một cách sẵn sàng, thậm chí không chờ đến lúc được xem bản vẽ thiết kế. “Nhưng, Fanny” ông Saborn nói một cách mệt mỏi, “tất nhiên là anh muốn một ngôi nhà hiện đại. Anh đã nói điều này với em từ rất lâu rồi. Đó là thứ mà Cameron hẳn sẽ thiết kế.”

“Cameron thì có ý nghĩa quái gì ở đây chứ?” bà hỏi.

“Anh không biết, Fanny. Anh chỉ biết rằng không có tòa nhà nào ở New York giống với tòa nhà mà ông ấy đã thiết kế cho anh.”

Cuộc tranh cãi kéo dài nhiều buổi tối trong căn phòng khách kiểu Victoria lộng lẫy, u tối, đầy đồ gỗ gụ bóng loáng của gia đình Sanborn. Ông Sanborn dao động. Roark hỏi, cánh tay anh khoát qua căn phòng xung quanh họ: “Cái này là cái ông muốn sao?” “Hừ, nếu anh định chõ vào...” bà Sanborn hất đầu, nhưng ông Sanborn nổi nóng: “Lạy Chúa, Fanny! Anh ấy đúng! Cái này chính là cái tôi không muốn. Cái này là cái mà tôi phát ốm lên.”

Cho đến khi hoàn thành bản vẽ Roark không gặp ai cả. Căn nhà – làm bằng đá trơn với những khung cửa sổ lớn và rất nhiều mái hiên – đứng trong những khu vườn bên bờ sông, rộng lớn như dòng nước trải dài, thoáng đãng như những khu vườn, và người ta phải lần theo những cái gờ của nó một cách chăm chú mới có thể tìm thấy những bậc thang mà từ đó ngôi nhà được gắn với khúc quanh của những khu vườn. Những mái hiên được dâng dần lên từ từ, những bức tường cũng hiện hữu một cách từ từ; những cái cây dường như rủ xuống và xuyên qua ngôi nhà; như thể ngôi nhà không phải là một vật chắn ánh sáng mà là một cái bát để tụ ánh sáng, để ngưng nó thành một khối rực rỡ hơn cả không khí bên ngoài.

Ông Sanborn là người đầu tiên được thấy bản vẽ thiết kế ngôi nhà. Ông xem xét chúng, rồi nói: “Tôi... tôi không biết phải nói gì, anh Roark ạ. Nó thật tuyệt. Cameron đã đúng về anh.”

Sau khi những người khác đã xem bản vẽ, ông Sanborn không còn chắc chắn về điều này nữa. Bà Sanborn thì nói rằng căn nhà thật kinh khủng. Và những cuộc tranh cãi dài buổi tối lại quay trở lại. Bà Sanborn hỏi: “Nào, tại sao, tại sao chúng ta không thể thêm những tháp nhỏ ở đây, ở những góc này? Có rất nhiều chỗ trống trên những mái nhà bằng phẳng đó.” Khi đã bị can ngăn về những cái tháp canh, bà lạ i đòi hỏi: “Tại sao chúng ta không thể làm những cửa sổ có chấn song? Như thế thì có khác gì cơ chứ? Chúa chứng giám, những khung cửa sổ đủ rộng – mặc dù tôi không hiểu tại sao chúng phải rộng như thế, chẳng còn cho ai chút riêng tư nào – nhưng tôi cũng vui lòng chấp nhận những cửa sổ của anh, anh Roark, nếu anh cứ nhất định phải như thế, nhưng tại sao anh lại không thể đặt chấn song cửa? Như thế sẽ làm mọi thứ mềm mại hơn, và mang lại một vẻ vương giả, anh biết đấy, một không khí của thời vua chúa.”

Những người bạn và họ hàng mà bà Sanborn vội cho xem những bản vẽ không thích ngôi nhà chút nào cả. Bà Walling gọi nó là vô lý, và bà Hooper thì gọi là thô thiển. Ông Melander nói là ông sẽ không muốn nó như một món quà. Bà Applebee nói là nó nom như một xưởng giày vậy. Cô Davitt liếc nhìn những bản vẽ và nói với vẻ đồng tình: “Ôi trời ơi, nó mới nghệ thuật làm sao! Ai đã thiết kế vậy?... Roark à?... Roark?... Chưa bao giờ nghe về anh ta cả... Ồ, thẳng thắn mà nói, Fanny, nó trông giống như đồ dỏm ấy.”

Hai người con trong gia đình bị chia rẽ trong vấn đề này. June Sanborn, mười chín tuổi, luôn có ý nghĩ rằng tất cả kiến trúc sư đều lãng mạn, và cô rất vui mừng khi biết họ sẽ thuê một kiến trúc sư trẻ; nhưng cô lại không thích vẻ bên ngoài của Roark cũng như sự thờ ơ của anh trước những gợi ý của cô, vì vậy cô tuyên bố ngôi nhà trông thật kinh khủng và cô, ít nhất là cô, sẽ từ chối sống trong đó. Richard Sanborn, 24 tuổi, người đã từng là một sinh viên ưu tú ở trường đại học và đang từ từ chết chìm trong men rượu, đã làm cả nhà giật mình khi thoát ra khỏi trạng thái thờ ơ thông thường và tuyên bố rằng ngôi nhà thật tuyệt vời. Không ai có thể nói đấy liệu là biểu hiện sự đánh giá cao về mặt thẩm mỹ hay là biểu hiện sự căm ghét với bà Sanborn hay cả hai.

Whitford Sanborn cứ nghiêng ngả với mỗi đợt sóng mới. Ông càu nhàu: “À, bây giờ không phải là các chấn song nữa, tất nhiên là cái đó vớ vẩn, nhưng anh không thể cho bà ấy một cái mái đua được à, anh Roark, để giữ hòa khí trong nhà? Chỉ là một cái mái đua có lỗ châu mai thôi, sẽ chẳng làm hỏng bất kỳ cái gì đúng không? Hay là có?”

Cuộc tranh cãi kết thúc khi Roark tuyên bố anh sẽ không xây dựng công trình này trừ phi ông Sanborn chấp nhận bản thiết kế như nó vốn có và ký xác nhận sự đồng tình này trên tất cả các trang của bản vẽ. Ông Sanborn đã ký.

Không lâu sau đó, bà Sanborn hài lòng khi biết rằng không nhà thầu có uy tín nào sẽ tiến hành xây dựng ngôi nhà. Bà nói đầy vẻ đắc thắng: “Ông thấy chưa?” Ông Sanborn không muốn chấp nhận điều này. Ông đã tìm được một nhà thầu không mấy tiếng tăm để đảm nhận công việc, một cách bất đắc dĩ và như thể đang làm ơn cho ông. Bà Sanborn biết rằng mình có nhà thầu này làm đồng minh của mình, và bà đã bỏ qua tiền lệ xã hội đến mức mời ông ta uống trà. Kể từ lâu bà đã mất đi ý niệm rõ ràng về ngôi nhà, bà chỉ đơn thuần căm ghét Roark. Nhà thầu của bà thì, về nguyên tắc, ghét tất cả các kiến trúc sư.

Việc thi công ngôi nhà Sanborn d iễn ra trong suốt những mùa hè và mùa thu, mỗi ngày nó lại mang lại những cuộc chiến mới. “Nhưng, tất nhiên, anh Roark, tôi đã nói với anh là tôi muốn có ba cái tủ tường trong phòng ngủ của tôi. Tôi nhớ rõ ràng, hôm đó là ngày thứ Sáu và chúng ta ngồi trong phòng khách, ông Sanborn thì ngồi trên chiếc ghế to cạnh cửa sổ và còn tôi thì... Thế còn đồ án thì sao á? Đồ án nào? Làm sao mà anh lại hy vọng là tôi hiểu những đồ án của anh chứ?” “Cô Rosalie nói rằng cô ấy không thể leo được cầu thang xoắn, anh Roark. Chúng tôi sẽ làm gì nào? Chọn khách cho phù hợp với căn nhà của anh ấy à?” “Ông Hulburt nói rằng kiểu trần nhà đó sẽ không đỡ được... À, phải đấy, ông Hulburt rất am hiểu về kiến trúc. Ông ấy đã ở Venice hai mùa hè.” “June, ôi tội nghiệp con tôi, nói rằng căn phòng của nó sẽ tối om như một cái hầm rượu. Phải, nó cảm thấy thế đấy anh Roark ạ. Thậm chí nếu như phòng không tối nhưng nếu nó làm con bé cảm thấy tối, thì cũng thế cả thôi.” Roark thức suốt nhiều đêm để vẽ lại những sơ đồ sửa đổi mà anh không thể tránh được. Điều đó có nghĩa là nhiều ngày phá bỏ các sàn nhà, cầu thang, vách ngăn đã được xây dựng; điều đó có nghĩa là những khoản phí thêm chồng chất lên ngân sách của nhà thầu. Nhà thầu nhún vai và nói: “Tôi đã bảo bà rồi. Đó là điều luôn xảy ra khi bà thuê một tay kiến trúc sư ngông cuồng. Bà hãy đợi và xem thứ này sẽ tốn của bà bao nhiêu tiền trước khi anh ta hoàn thành.”

Thế rồi, khi ngôi nhà thành hình, chính Roark lại là người thấy rằng anh muốn có một thay đổi. Cánh phía đông của ngôi nhà chưa lúc nào khiến anh hài lòng. Nhìn nó mọc lên, anh nhận rõ lỗi trong thiết kế của anh và cũng nhận rõ cách sửa nó; anh biết như thế sẽ khiến cho ngôi nhà trở thành một tổng thể hợp lý hơn. Anh đang bắt đầu những bước đầu tiên trong xây dựng và đây là những thử nghiệm đầu tiên của anh. Anh có thể công khai thừa nhận. Nhưng ông Sanborn từ chối cho phép có những thay đổi; giờ thì đến lượt ông. Roark nài nỉ ông; một khi hình ảnh về cái cánh nhà mới đã trở nên rõ ràng trong tâm trí của Roark thì anh không thể chịu được khi ngắm nhìn ngôi nhà như trong tình trạng hiện tại: “Không phải là tôi không đồng ý với anh,” ông Sanborn lạnh lùng nói, “Thực ra, tôi biết anh đúng nhưng chúng tôi không thể đủ tiền cho việc đó. Xin lỗi.”

“Việc đó sẽ tốn của ông ít hơn là những thay đổi vô lý mà bà Sanborn bắt tôi phải làm.”

“Đừng nói lại vấn đề này nữa.”

Roark hỏi chậm rãi: “Ông Sanborn, ông sẽ ký tờ giấy cho phép thay đổi, miễn là nó không làm ông tốn tiền chứ?”

“Tất nhiên rồi. Nếu anh tạo ra được phép lạ để làm như thế.”

Ông đã ký. Cánh phía đông đã được xây lại. Roark đã tự bỏ tiền ra. Khoản tiền anh phải bỏ ra lớn hơn tiền công anh nhận được. Ông Sanborn hơi lưỡng lự: ông muốn hoàn trả lại cho Roark khoản tiền này. Nhưng bà Sanborn đã ngăn ông. Bà nói: “Đó chỉ là một trò bịp thấp hèn của Roark thôi, chỉ là một dạng áp lực mạnh. Hắn đang tống tiền dựa vào thiện cảm của ông đấy. Hắn hy vọng ông sẽ trả tiền. Cứ chờ xem. Rồi hắn sẽ đòi tiền cho mà xem. Đừng để hắn bỏ trốn với cái đó.” Roark không đòi tiền. Ông Sanborn cũng không bao giờ trả cho anh.

Khi ngôi nhà được xây xong, bà Sanborn từ chối đến đó ở. Ông Sanborn nhìn ngôi nhà với vẻ đăm chiêu, quá mệt mỏi để thừa nhận rằng ông thật sự thích nó, rằng ông luôn mong muốn có một ngôi nhà như thế. Ông đầu hàng. Căn nhà không được trang bị đồ đạc. Bà Sanborn đưa bản thân bà, chồng và con gái bà rời đến Florida trong mùa đông, “nơi,” bà nói, “chúng tôi có một ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha tử tế, ơn Chúa! – vì chúng tôi đã mua nó được xây sẵn. Đây là điều xảy ra khi anh liều tự xây dựng lấy, với một tay kiến trúc sư ngu xuẩn!” Con trai bà, trước sự ngạc nhiên của mọi người, lại bùng nổ một ý chí mạnh mẽ đột ngột: cậu ta từ chối đến Florida; cậu ta thích ngôi nhà mới, cậu ta sẽ không sống ở đâu khác cả. Vì thế ba trong số các căn phòng được sắm sửa đồ đạc cho cậu ta. Gia đình rời đi còn cậu ta chuyển vào sống một mình trong căn nhà bên sông Hudson. Vào ban đêm, người ta có thể thấy từ phía dòng sông một ô chữ nhật màu vàng, nhỏ bé và lạc lõng, giữa những cửa sổ của ngôi nhà chết rộng lớn.

Bản tin của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ đưa một mẩu tin nhỏ:

“Một sự kiện đáng tò mò, và lẽ ra đã có thể làm người ta thích thú nếu như nó không tồi tệ, đã được thông báo với chúng tôi về ngôi nhà mới xây của ông Whitford Sanborn, một nhà công nghiệp đáng kính. Thiết kế bởi Howard Roark và xây dựng với chi phí vượt quá 100 ngàn đô la, ngôi nhà này bị gia đình chủ coi là không thể ở được. Nó đứng đó, bỏ không, như một nhân chứng hùng hồn cho sự thiếu khả năng chuyên môn.”

 

Nguồn: truyen8.mobi/t99480-suoi-nguon-the-fountainhead-chuong-13.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận