Tôi 20 ++ Chương 4

Chương 4
Giọng hát Việt Hy vọng, hay thất vọng?

Là một fan cứng của chương trình The Voice trên thế giới, đặc biệt là hai phiên bản của US và UK, tôi không khỏi hào hứng với phiên bản Việt Nam của nó. Tất nhiên, mang showbiz Việt ra so sánh với hai nền showbiz tầm cỡ của US và UK thì thật là khập khiễng. Nhưng sự tò mò, háo hức với những tài năng mới thì chẳng chênh nhau là mấy.

Không thể phủ nhận, tôi đã thực sự bị ngỡ ngàng, trước việc Giọng hát Việt đã đảm bảo cực kì tốt truyền thống nổi tiếng của serie The Voice trên thế giới: có chất lượng thí sinh tốt nhất trong số các cuộc thi hát trên truyền hình. Ở Anh thì có X-Pactor, ở Mĩ thì có American Idol, là những cuộc thi hát trên truyền hình thành công nhất, và The Voice ngay từ khi xuất hiện đã tạo nên một cú sốc khi tìm ra những thí sinh tuyệt đối xuất sắc ngay từ vòng đầu tiên là vòng Thử giọng giấu mặt. Nếu như các fan của The Voice US đã từng tuyên bố, vòng hai của The Voice US có chất lượng còn cao hơn cả vòng chung kết của những cuộc thi khác, thì thật sự, ngay lúc này đây, khi vòng Thử giọng giấu mặt chỉ vừa mới kết thúc, các fan của Giọng hát Việt hoàn toàn có quyền hy vọng vào những màn trình diễn tuyệt hảo của những tuần tới đây.

Lý thuyết hai mặt của một vấn đê chưa bao giờ sai, câu chuyện thành công của Giọng hát Việt cũng chính là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay ngoài lề chương trình: việc cho phép thí sinh hát tiếng nước ngoài. Những bài hát ngoại quốc đã lần đầu tiên cho chúng ta thấy, hoá ra Việt Nam bây giờ có nhiều giọng ca thật là đặc sắc! Giới trẻ, với sự nhanh nhạy bản năng và sự may mắn có tính thời cuộc, đã hoà mình vào dòng chảy văn hoá của thế giới đầy ngoạn mục. Những giọng ca không chuyên, nhưng đã tự dạy được cho bản thân những luyến láy của R&B, những khúc gằn giọng của rock, những ngân nga của folk đầy tính quốc tế. Thực sự là một điều đáng mừng!

Nhưng là một chương trình truyền hình phát trên vô tuyến cho một đất nước mà 80% dần số vẫn là nông dân, việc các thí sinh hát nhạc nước ngoài bỗng khiến cho Giọng hát Việt trở nên có phần xa cách. Những cuộc tranh luận lập tức nổ ra. Những người bi quan thì phê phán rằng việc các thí sinh hát nhạc ngoại quốc sẽ khiến cho phần đông khán giả, vì không hiểu thí sinh hát gì, nên không thể cảm thụ được tài năng của thí sinh, gây ra sự thiệt thòi cho thí sinh. Lại có những bình luận của những người có vẻ là chuyên gia về âm nhạc, tất nhiên vẫn theo chủ nghĩa bi quan, rằng với một giọng hát mà khi hát tiếng nước ngoài hay, thì thường là hát tiếng Việt sẽ không hay bằng. Và họ lập tức lo nghĩ cho tương lai, rằng khi vào vòng hai, vòng đối loại trực tiếp, nếu ghép đôi một thí sinh hát nhạc ngoại quốc với một thí sinh hát nhạc Việt Nam, liệu có gây bất lợi cho những thí sinh hát nhạc ngoại!

Gay gắt hơn, phe thủ cựu lập tức lên tiếng cho rằng Giọng hát Việt thật là không thuần Việt! Người Việt thi hát với người Việt, cho người Việt nghe, trên tivi của Việt Nam, mà lại đi hát tiếng nước ngoài, thật chẳng ra làm sao cả! (Mặc dù cá nhân tôi không hiểu lắm luận điệu này, vì rõ ràng The Voice là chương trình của nước ngoài mang về, thế hoá ra cũng phải Việt hoá nó à?)

Riêng tôi, một người theo chủ nghĩa lạc quan, thì tôi vẫn thấy đây là một điều đáng mừng. Đã bao nhiêu năm rồi, chúng ta tự hỏi nhau, đến bao giờ Việt Nam mới có thể bắt đầu xuất khẩu văn hoá, nhất là âm nhạc, thì việc xuất hiện ngày càng nhiều những giọng ca “quốc té hoá” không thể nào là một việc không tốt. Còn tiếp tục “thuần Việt”, cũng có nghĩa rằng việc duy nhất chúng ta có thể làm là chờ đợi để được chấp nhận. Và chúng ta định sẽ chờ đến bao giờ, nhỉ ?

Chỉ có điều, tôi chắc chắn sẽ còn yêu thích Giọng hát Việt nhiều hơn nữa, nếu như không có một băn khoăn trong đầu, mà lại là một băn khoăn rất lớn. Nếu như đã có dịp theo dõi các phiên bản The Voice của US và UK, thì hẳn bạn cũng đã biết rằng, bốn nghệ sĩ được chọn ngồi vào ghế huấn luyện viên đều là những nghệ sĩ cực kì xuất sắc của showbiz nước họ. Họ không chỉ là những giọng ca tuyệt hảo, mà còn là những nghệ sĩ có thể tự sáng tác, tự sản xuất các tác phẩm của bản thân. Họ đủ năng lực để tự chọn cho mình một cá tính, một phong cách trong âm nhạc. Và họ đã lăn lộn trong showbiz đủ lâu để có thể bằng năng lực của chính mình, tìm thấy thành công, vươn đến đỉnh cao của nó. Đối với những thí sinh đến với The Voice, họ không chỉ đơn giản là những nghệ sĩ được yêu thích, mà họ được thần tượng, được ngưỡng mộ, được tôn trọng bởi tài năng của họ. Và khi một thí sinh lựa chọn một huấn luyện viên cho mình, thì bởi vì họ thực sự ngưỡng mộ con đường sự nghiệp của vị huấn luyện viên đó, họ tìm thấy điểm tương đồng trong tư tưởng, trong quan niệm về nghệ thuật, và họ tìm kiếm sự chia sẻ.

Còn đối với Giọng hát Việt, câu nói quen thuộc nhất tôi nghe được mỗi khi một thí sinh lựa chọn một huấn luyện viên cho mình là: “Em chọn anh/chị ABC vì em yêu thích anh/chị ấy!” Cái sự yêu thích đó, liệu có thể chuyển hoá thành những chia sẻ gan ruột về nghề, về chuyên môn âm nhạc, về ý tưởng sáng tạo, để đúc kết thành những màn biểu diễn ấn tượng, những sản phẩm âm nhạc chất lượng và những nghệ sĩ mới xuất sắc?

Nhất là khi, tôi còn chẳng nhớ nổi lần cuối cùng Trần Lập có một ca khúc mới là khi nào. Và dù anh cũng có thể coi là đại diện tiêu biểu cho Rock Việt, nhưng là một nền nhạc Rock khá nghèo nàn và chưa từng có gắng hoà nhập vào dòng chảy Rock của thế giới. Hay như Hồ Ngọc Hà, không ai có thể phủ nhận chị là một nữ ca sĩ cực kì năng động và thành công, nhưng lại chưa bao giờ là một giọng ca xuất sắc. Và nói thật, tôi biết về những bộ trang phục đẹp đẽ chị mặc đi dự tiệc hay những chuyện phiếm về gia đình chị còn nhiều hơn các tác phẩm âm nhạc của chị. Tôi thật sự yêu thích Thu Minh và giọng ca của chị, thậm chí còn may mắn đến mức đã từng được một lần trực tiếp nói với chị điều đó. Nhưng tôi cũng rất buồn, vì đến bây giờ, dường như chính chị vẫn còn rất bối rối về cá tính riêng cũng như con đường âm nhạc của chính mình. Còn Đàm Vĩnh Hưng, ấn tượng duy nhất về anh, là nhạc gì tôi cũng thấy anh hát hết, phong cách gì anh cũng “chơi” hết, đồ hiệu thì hình như không ai nhiều bằng anh và dấu ấn mạnh nhất trong các tác phẩm âm nhạc của anh là những đoạn gào thét.

Những giọng ca “quốc tế hoá” tôi đã nhắc đến ở trên, đúng là một hy vọng mới về tương lai xuất khẩu âm nhạc của Việt Nam. Nhưng tôi băn khoăn không biết những người đang mang trên mình trọng trách “huấn luyện” những tài năng mới đó có thể chia sẻ những kĩ năng, những kinh nghiệm để có thể giúp họ thực sự toả sáng và hội nhập ? Và vì thế, tôi lại thành băn khoăn về việc có nên hy vọng, để rồi thất vọng. Thôi chết, hình như tôi đã vô tình gia nhập nhóm người bi quan?

Tôi lại nhớ tôi đã phải bật cười khi hôm trước ngổi xem Giọng hát Việt với đứa cháu mới có năm tuổi, nó đã nói: “Cứ tưởng các huấn luyện viên đang khen, hoá ra là họ đang nịnh các thí sinh đấy chứ!”

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t58748-toi-20-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận