Tôi Học Đại Học Chương 29

Chương 29
Những ngày hè ở Lò Đúc

Năm học 1967-1968 kết thúc. Trường cho phép sinh viên có quê từ Thanh Hóa trở ra được vẻ nhà nghỉ hè. (Thời gian này, sau cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 của quân dân miền Nam, giặc Mỹ buộc phải xuống thang cuộc chiến tranh phá hoại miên Bắc bằng không quân và chịu ngồi vào bàn hòa đàm VỚI ta tại Paris, Pháp. Từ đây các tỉnh từ vĩ tuyến 20 trở ra sẽ tạm thời im tiếng máy bay Mỹ).

Biết tôi đi về một mình sẽ rất khó, Lê Huy Hòa quyết định báo cáo với lớp sẽ về nhà tôi nghỉ hè. Đây là kỳ hè tôi thực sự thấy vui và thoái mái. 5 môn thi cuối kỳ hai vừa qua tôi đều đạt điểm tốt dù cả học kỳ đã 4 lần phải đi nằm bệnh xá. Cuốn tự truyện sau gàn 2 năm vật vã viết đi viết lại, sửa đi sửa lại, chép đi chép lại, tổng cộng tới mấy trăm trang nay đã hoàn tất và nộp cho anh Phan Xê theo đúng kế hoạch.

Trên đường qua Hà Nội, tôi hồi hộp cùng Hòa tìm đến Nhà xuất bản Kim Đồng ở 62 Bà Triệu để thăm dò xem số phận đứa con tinh thần đầu đời của mình ra sao. Anh Phan Xê niềm nở đón tiếp, vui vẻ giới thiệu chúng tôi với cả phòng biên tập rồi dẫn đến gặp ban giám đốc.

Dù mới gặp lần đầu song ai cũng dành cho tôi sự ân cần quý mến như đã quen biết thân thiết từ lâu. Họa sĩ Thi Ngọc tranh thủ ký họa chân dung tôi ngay tại chỗ (đây cũng là bức ký họa được ông dùng trên bìa cuốn lự truyện của tôi xuất bản lần đầu). Nhà thơ Định Hải hỏi tôi có bài thơ nào đọc anh nghe. Tôi đọc luôn bài thơ Núi bắt phi công mới viết và đăng báo Thiếu Niên Tiền Phong, anh gật gù khen được. Anh bảo tôi đọc cho anh chép lại. Tôi mừng quá, chậm rãi đọc luôn:

NÚI BẮT PHI CÔNG

Núi cao vời vợi

đứng ngay sau nhà

Em lên đính núi

với được trời xa

Chúng em thầm thì

Chuyện to chuyện nhỏ

Chẳng có chuyện gì

Núi không nghe rõ

Núi cũng có tóc

Trắng như tóc bà

Mẹ bảo mây bạc

Vắt ngang đấy mà


Núi cũng có mắt

Em đi xa gần

Núi đều quay mặt

Dõi từng bước chân

Ngay kia lưng núi

Một chiếc dit rơi

Thằng giặc bối rối

Núi bắt gọn rồi

Từ đó ngọn núi

 Như lớn mênh mông

Dân làng quen gọi

Núi bắt phi công

(Đại Từ, Thái Nguyên tháng 12-1966)

(Sau này bài thơ được in trong tập "Chú ngựa. bay", NXB Kim Đồng, 1969. Đây cũng là bài thơ đầu tiên của tôi được in sách)

Giám đốc Nguyễn Đình Báng và Trưởng ban Biên tập Bùi Văn Hồng giữ tôi lại hỏi han, chuyện trò khá lâu. Các anh nói đã đọc tự truyện của tôi và đều nhận xét bản thảo có chủ đề giáo dục tốt, cách viết giản dị, chân thực, nhiều chi tiết cảm động. Các anh cũng khẳng định bản thảo sẽ được sử dụng với yêu cầu tối khẩn trương tu sửa và hoàn thiện lại càng sớm càng tốt theo yêu cầu biên tập.

Sau đó anh Phan Xê gặp riêng tôi, trao đổi cụ thể từng câu, từng từ, từng chi tiết cần sửa, cần thay đổi, cần gia công cho cụ thể hơn, sống động, thuyết phục hơn. Tôi vừa mừng khôn xiết, vừa lo vô chừng.

Vậy là tác phẩm đầu tay của tôi đã có hy vọng. Sự gian nan, nhọc nhằn sau bao tháng ngày kiên nhẫn cầm bút bằng bàn chân đa đoan khốn khó cùng bao công sức tấm lòng tâm huyết của Hạnh Nhu giờ đã không uổng phí. Nếu Hạnh Nhu biết thông tin này hẳn sẽ vui lắm!

Chính Nhu sau khi giúp tôi chép xong trang bản thảo cuối cùng đã trực tiếp nhờ Kim Xuyến - bạn thân cùng lớp của Nhu - mang về Hà Nội gửi anh Phan Xê đấy. (Xuyến lúc này đã trở thành ngưới yêu của anh Phan Xê khi hai người tình cờ quen biết nhau sau những lần anh Phan Xê lên khu sơ tán gặp tôi để bàn về cuốn tự truyện của tôi. Cả hai đều quê xứ Quảng, trưởng thành từ các trường dành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc. Sau này họ thành đôi bạn trăm năm và sống rất hạnh phúc).

Cứ nghĩ tự truyện của mình sắp được in, lòng tôi lại náo nức dâng trào niềm hân hoan khó tả. Song cứ nghĩ cảnh lại phải ngồi hì hụi suy ngẫm tu sửa lại, chép lại cả trăm trang bản thảo giữa những ngày hè oi bức này, tôi cảm thấy hơi ngán ngẩm. Đúng là viết chục trang không ngại bằng sửa lại 1 dòng. Nhưng biết sao được? Khó mấy cũng phải hoàn thành theo đúng yêu cầu thôi! Đành nhẽ mang nó về quê sửa trong dịp hè vậy. Đoán được ý định này, anh Phan Xê vỗ vai tôi cười hiền:

-   Ký định mang bản tháo về quê vừa nghỉ hè vừa sửa đúng không?

-   Dạ! Vâng! Em hứa cố gắng xong trong tháng hè. Khi lên trả phép sẽ nộp lại cho anh.

Những tưởng anh Phan Xê vui vẻ chấp thuận, nào ngờ anh lắc đầu với vẻ mặt thoáng băn khoăn:

-   Không được đâu Ký ơi! Ý Ban Giám đốc muốn em ở luôn Hà Nội sửa cho xong rồi mới về quê nghỉ hè. Hòa vui lòng ở lại giúp Ký nhé! Vừa hỗ trợ Ký trong sinh hoạt, vừa chép lại cho bạn những trang, những chương đã hoàn tất. Kết thúc xong chương nào, bọn anh sẽ nhận về đọc luôn, biên tập luôn chương đó. Chỗ nào cần chỉnh lại ta sẽ thực hiện ngay. Như vậy rất thuận lợi cho cả phần biên tập của bọn anh và việc sửa bản thảo của em.

Tôi phân vân bộc bạch luôn:

-   Hơi khó đấy anh ạ! Cái em lo không phải mất đi thời gian nghỉ hè với bao ao ước dự định đầy hấp dẫn, thú vị mà chính ở chỗ nếu ở lại Hà Nội em sẽ ăn ở đâu, ngủ ở đâu để viết?

Nỗi băn khoăn của tôi liền được anh Phan Xê đề đạt với Ban Giám đốc. Sau đó, anh gặp lại tôi và Hòa với vẻ mặt vui khác thường:

-  Gỡ được cái khó cho em rồi Ký ơi! Ban Giám đốc thống nhất sẽ ứng trước nhuận bút cho em 100 đồng (tương đương khoảng 3 tháng lương tối thiểu của công chức thời đó). Còn chỗ ở, bọn anh sẽ liên hệ Ban Quản lý ký túc xá của Trường tổng hợp sắp xếp.

(Anh Phan Xê cũng học khoa Văn của Trường Dại học Tổng hợp Hà Nội, trước chúng tôi 4 khóa).

Ngay chiều đó, anh Phan Xê dẫn tôi và Hòa đến ký túc xá của Trường Tổng hợp tại phố Lò Đúc. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ đã cứng tuổi. Sau khi nghe anh Phan Xê trình bày ý định, một thoáng chần chừ qua nhanh, bà dẫn chúng tôi ra một căn phòng nhỏ mái bằng, trông rất chắc chắn, nằm riêng rẽ sát cổng, vui vẻ giới thiệu:

-  Chỉ còn chỗ này có thể dành cho các anh được. Có điều nó không phải phòng ở mà là cái bốt điện. Nhìn có vẻ nguy hiểm nhưng không sao. Được cái ở đây thì yên tĩnh tuyệt đối. Ngồi mà viết văn, làm thơ thì chắc là hợp lắm! Nếu dược, tôi trao chìa khóa cho các anh và sẽ nói thợ điện mắc luôn cho một bóng đèn.

Anh Phan Xê có ý nhường quyền quyết định cho tôi và Hòa. Tôi đưa mắt nhìn Hòa. Hòa liền gật đầu, chậc lưỡi:

-  Thôi cũng được! Dẫu sao có chỗ yên tĩnh mà tá túc để làm việc giữa thủ đô thế này là quý rồi!

Mọi việc tưởng thế là tạm ổn. Nào ngờ khi đi vào thực hiện mới thấy trăm cái khó, cái khổ. Căn phòng quá hẹp (chỉ chừng chục mét vuông). Đã vậy còn kín mít vì không hề có cửa sổ. Căn phòng càng trở nên nóng bức chật chội thêm khi trên trần, xế vẻ một góc, ngổn ngang chằng chịt nào máy biến thế, nào dây diện nối nối móc móc như mớ bòng bong.

Vốn đã quen với khí hậu mát mẻ thoáng đãng vùng sơn cước, nay về với đất Hà thành đông đúc ngột ngạt, lại giam mình trong không gian nhỏ hẹp bức bối ấy, tôi và Hòa đành bấm bụng nhập vai AQ mà nói vui với nhau rằng: "Thôi coi như đây là cơ hội quý để hiểu thế nào là "Hỏa Lò".

Có ngày bị ảnh hưởng gió Lào, căn phòng nóng hầm hập như có lửa đốt vây quanh. Chỉ cần bước vào phòng, mồ hôi túa ra như tắm. Son g vì yêu cầu của công việc, nơi căn phòng đầy cực hình ấy, tôi và Hòa vẫn mải mê bên nhau tối ngày với tập bản thảo đầy những vết mực đỏ ghi dấu những chỗ cần sửa của người biên tập. Tôi sửa chữa xong trang nào thì đọc lại cho Hòa "kiểm định" luôn trang ấy. Nếu chưa được, tôi lại ngồi hì hục sửa tiếp. Khi cả hai thấy ổn rồi, Hòa khẩn trương giúp tôi chép lại ngay.

Không giường. Không màn. Không quạt máy. Bàn viết cũng không. May có chị Thu Yến – một cán bộ tốt bụng ở khu tập thể - thương tình cho mượn chiếc chiếu lớn. Chiếc chiếu ấy thật tác dụng. Nó được trải ra nền xi măng. Khi viết nó là bàn. Khi ăn nó là mâm. Khi ngủ nghỉ, nó vừa là giường vừa là chăn là màn (vì muỗi quá nhiều mà màn thì không có, nên cực chẳng đã tôi và Hòa liền nảy "sáng kiến" dùng một nửa chiếc chiếu để nằm, còn nửa kia để đắp).

Quả thật "sáng kiến" đó hạn chế được muỗi phần nào. Nhưng chao ôi, trời đã oi, phòng đã nóng lại đắp thêm chiếu nữa nên sự bức bối càng tăng bội lần. Đúng là "sáng kiến" lại hóa "tối kiến". Hiểu vậy. Nhưng không vậy không được. Nóng quá, không ngủ được, nhiều lúc chúng tôi đành tung chiếu ra. Lũ muỗi đói được dịp lại bu vào tấn công. Thế là buộc phải đắp chiếu lại. Chẳng khác gì cảnh "Bức sốt mà mình vẫn áo bông". Tôi và Hòa ôm nhau cùng đọc vang câu thơ ấy của ông Tú Xương mà cười ra nước mắt.

Những lúc đợi tôi hoàn tất công việc, Hòa thường nằm đọc báo hoặc đi ra ngoài để dạo mát, đọc sách dưới gốc cây nơi sân ký túc xá. Nhiều lúc thấy tôi áo ướt đẫm, mồ hôi nhễ nhại đến mức nhiều giọt rơi xuống làm nhòe cả bản thảo, Hòa không nỡ ra ngoài, lại lặng lẽ lấy khăn thấm nước lau mặt, lau lưng cho tôi rồi dùng quạt tay phe phẩy cho tôi.

Những lần như vậy, tôi càng nhận ra sự cảm thông, thương mến mà Hòa dành cho thật vô giá. Cây bút trong chân tôi như có thêm sức mạnh diệu kỳ, không nghĩ gì đến thời gian, đến sự nóng bức bủa vây, lại say sưa tốc ký những dòng suy nghĩ cảm xúc mới đang ào ạt tuôn chảy từ khối óc, con tim tràn ra nơi mỗi trang bản thảo đang sửa.

Có trang phải căng óc đọc đi đọc lại, rồi tẩy tẩy, xóa xóa, thêm thêm, bớt bớt biết bao lần từ sáng tới tận khuya mà nghe vẫn chưa ưng ý. Giấc ngủ đã khổ sở vì nóng và muỗi lại luôn thao thức bởi những ý tưởng sửa chửa bản thảo còn dang dở như vậy nên nhiều đêm, tôi gần như không sao nhắm mắt nổi.

Mặc dù vậy, công việc của chúng tôi vẫn tiến triển khá tốt. Chúng tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu: cứ ngày nào sửa hoàn tất được 5 trang là cả hai được tưởng thưởng niềm vui: cùng nhau ra xếp hàng ở cửa hàng ăn uống của Nhà nước ngay đầu ngõ, giữa phố Lò Đúc, để được mua một vại bia hơi, một suất cơm phần tem phiếu cải thiện khá xôm tụ; và tối đó được nghỉ ngơi đi chơi phố, đến thăm bạn bè, thầy cô. Cũng có ngày mua hẳn chai xi rô mang về phòng. Lúc nào mệt, cả hai cùng giải lao, giải khát. Nhờ số tiền nhuận bút ứng trước mà việc tiêu pha của chúng tôi trong suốt tháng ở Hà Nội trở nên thoải mái như vậy đó.

Ngày trang bản thảo cuối cùng vừa sửa xong, tôi đang ngồi đọc cho Hòa nằm bò ra chiếu chép lại thì anh Phan Xê đến. ít phút sau, mọi việc hoàn tất. Ba anh em cùng uống xi rô, hoan hỉ vui chuyện. Anh Phan Xê hỏi tôi về ý định đặt tên cuốn tự truyện. Vì đã có sự chuẩn bị trước tôi nói luôn:

-  Em định lấy tên "Lớn lên giũa yêu thương" được không anh?

-  Em nói xem, vì sao lại chọn tên đó? - Anh Phan Xê hỏi lại.

-   Vâng! Nếu không có yêu thương của muôn người bao bọc em sẽ không có hôm nay. Trong cả cuốn sách anh thấy đấy, bao lần em gặp khó là bấy lần em gặp được tấm lòng thương yêu giúp đỡ hết mình của gia đình, bạn bè, thầy cô, của bao người xa lạ đế em vượt lên, lớn lên và trưởng thành. Vì thế, qua cuốn sách này em muốn gửi đến mọi người lòng tri ân sâu sắc. Quả thật em đã bất hạnh vì hỏng đôi tay, song em đã rất may mắn, rất hạnh phúc được lớn lên giữa yêu thương, giữa tấm lòng cao cả của muôn người, của cuộc đời. Và tên cuốn sách đã nảy sinh trong em từ những suy nghĩ đó.

Nghe tôi lý giải, cả Hòa và anh Phan Xê xem chừng cũng thấy ưng ưng. Anh Phan Xê hứa sẽ về xin ý kiến Ban Giám đốc và thống nhất với tôi trong một ngày không xa. (Cuối cùng, cuốn sách mang tên Những năm tháng không quên. Khi tái bản, sách được đổi tên mới là Tôi đi học. Theo anh Phan Xê nói lại, cái tên do tôi đặt khá hay và hợp. Song Ý các anh là cái tên ấy có gì hơi chung chung, nhân tính quá).

Trước khi tạm biệt, anh Phan Xê móc ra 10 đồng bỏ vào túi tôi:

-  Đây là tiền nhuận bút nhà xuất bản ứng thêm cho Ký để hai em có điều kiện đi tàu xe về quê Ký nghỉ hè cho thoái mái. Công việc coi như đã hoàn thành. Khi nào có kết quả anh sẽ báo. Chúc hai em có những ngày hè thật thú vị, bổ ích!

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t49193-toi-hoc-dai-hoc-chuong-29.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận