Tương Lai Xán Lạn Chương 23

Chương 23
1974 Hava nagila

Sau thời gian dài chờ đợi, ngày ấy rồi cũng đến: 16 tháng Tám năm 1974. Hôm nay họ ra đi. Túi xách tay màu hoàng yến của bà đựng ba chiếc vé máy bay và ba hộ chiếu mới tinh. Chiều nay, họ sẽ đi chuyến bay El Al 008 đến Tel-Aviv. Jacob và Alexandru lần đầu tiên đi máy bay. Ba chiếc vali đã sẵn sàng ở lối vào. Trên sàn của phòng khách trống trơn còn vô tuyến đang bật và tám cái hộp mà mẹ bà lát nữa sẽ đến lấy. Elena liếc qua màn hình. Một bà nông dân đang nhận huy chương Bà mẹ anh hùng khi sinh con thứ mười. Bà đeo huy chương vào cổ và cười. Bà mất một chiếc răng cửa. Bà cảm ơn Nicolae Ceausescu đã cho chiếc xe hơi và lập bập từ "ân nhân". Hiển nhiên là người ta đã viết bài phát biểu cho bà ấy. Elena tắt vô tuyến. Trong các phòng chỉ còn lại đệm và giát giường, không còn ga và tấm phủ. Những đồ đạc khác, sách và phần lớn quần áo của họ đã được gửi bằng tàu thủy từ mười lăm ngày trước và sẽ đến Ixraen trong một hoặc hai tháng nữa. Elena tự hỏi liệu cái bàn ở phòng ăn với tranh ghép bằng những miếng kính vuông nhỏ bé có chịu nổi hành trình vận chuyển không. Bà ra ban công nhìn lần cuối cùng phố Magistrale. Trời nóng, ít ra cũng hai mươi tám độ. Bà nghe thấy tiếng Alexandru chơi trong phòng nó lần cuối cùng với những mẫu máy bay quá mỏng manh nên không thể mang theo được.

Sự phấn khích với chuyến ra đi làm bà căng thẳng, nhưng bà cũng kiệt sức vì nỗi lo âu trước đó. Mọi sự đã bắt đầu một năm trước, khi em trai Jacob là Doru cùng cha ông đến Bucarest. Đó là lần thứ hai Elena gặp anh ta và bị cuốn hút bởi nghị lực, sự nhiệt tình, vẻ niềm nở và dĩ nhiên cả sự trìu mến mà anh ta truyền cho ông anh, sự quý mến mà anh ta dành cho cháu trai. Doru nói rất to và không bao giờ sợ sệt gì hết. Elena không ngừng nhòm ngó xung quanh, lo lắng, và Jacob phải nhắc em hạ giọng xuống kẻo hàng xóm nghe thấy. Chuyến viếng thăm của anh ta làm Elena tưởng như một trận cuồng phong - hoặc đúng hơn như một trận mưa rào nhiệt đới trút xuống giữa sa mạc. Sau ba ngày, Doru đã tuyên bố: "Cần đưa anh chị khỏi nơi đây. Sẽ không để anh chị mốc meo trong cái nhà tù này! Mọi chính quyền chuyên chế đều thối nát. Hẳn có một điểm yếu. Ta sẽ tìm ra." Elena nhận ra rằng đó là những lời mà bà muốn nghe từ nhiều năm nay.

Doru đã tìm ra điểm yếu. Những kiều dân Ixraen có thể mua từ chính phủ của Ceausescu thị thực xuất cảnh cho những thành viên của gia đình họ. Với một món tiền đáng kể, giống như một sự cưỡng đoạt. Số tiền tùy thuộc tuổi tác, học vấn, nghề nghiệp. Trẻ em không mất tiền, nhưng với một nhà vật lý hạt nhân và một kĩ sư thì giá rất đắt: mười nghìn đô la. Các em và cha Jacob đã không ngần ngại. Họ đã dồn tất cả tiết kiệm và mượn tiền để trả cho tự do của người con trai, vợ anh ta và đứa cháu. Elena không bao giờ dám tin lại có một sự rộng lượng đến thế.

 

Nhưng, bên trong tấm màn sắt là sự dối trá, thiếu thiện ý, trộm cắp và chủ nghĩa bài Do Thái. Tiền đã trao. Không biên nhận cũng chẳng có bằng chứng gì, vì chương trình này không chính thức. Doru đã giải thích với họ rằng một người Ixraen gốc ở Bessarabie đã mang những vali đầy tiền mặt cho một viên tướng Rumani mà anh ta đã gặp ở Đại sứ quán Rumani tại Viên. Elena trải qua bảy tháng không làm gì cả chỉ chờ hộ chiếu, trong nỗi sợ khủng khiếp rằng chính quyền đã bỏ túi mười nghìn đô la nhưng lại không cho họ ra đi. Vậy phải làm sao đây, không việc làm, không tiền dành dụm và không chỗ ở? Trước đó, bà đã phải xin thôi việc ngay trước khi nộp đơn xin hộ chiếu để có thể điền vào ô "nghề nghiệp": "nội trợ". Vì với tư cách là kĩ sư hạt nhân ở Viện Vật lí nguyên tử, bà sẽ chẳng đời nào được phép rời bỏ đất nước. Hai tháng đầu tiên, họ đã sống bằng lương của Jacob, không đủ để trả khoản vay ngân hàng, hóa đơn và những chi tiêu hằng ngày. Rồi Jacob bị sa thải. Ban đêm, bà lo lắng không ngủ được. Ban ngày, bà vẫn làm như mọi việc đều ổn để bảo vệ Alexandru. Về phía nó, ít ra không có gì bị lộ. Không ai ở trường biết cha mẹ nó đang tìm cách di cư sang Ixraen. Thậm chí người ta không biết nó có nửa dòng máu Do Thái và có gia đình ở nơi ấy. Vì vậy, giáo viên không hề phân biệt đối xử với nó; nó đã không bị khai trừ khỏi Đội thiếu niên. Tuy vậy, đứa trẻ tội nghiệp đã phải giữ một bí mật khủng khiếp làm sao! Nó không thể chia sẻ nỗi sợ cũng như niềm vui với bất kì ai, ngay cả với Razvan, bạn thân nhất của nó. Cho đến phút chót, Razvan vẫn không biết rằng Alexandru sẽ vĩnh viễn rời bỏ đất nước. Nó đã phải không ngừng che giấu sự thật.

Tì khuỷu tay lên lan can ban công, bà châm một điếu Capsha. Không còn thuốc lá Ixraen nữa. Ngay tối nay, bà sẽ lại có. Bà bắt đầu hút thuốc từ bảy tháng nay và không làm gì khác ngoài việc nghe đài Châu Âu tự do để nghe ngóng tin tức về thế giới bên ngoài. Tin tức không hề có sẵn ở Rumani, nhưng thuốc lá thì sẵn, chờ đợi đỡ sốt ruột là nhờ có thuốc lá. Bà nhìn sân chơi trẻ em cách chín tầng phía dưới, nơi Alexandru vẫn chơi khi nó còn bé, một sân vuông cỏ úa giữa những tòa tháp hiện đại. Bà nhớ lại lần nó ngã cầu trượt năm lên sáu và bà đã phát hoảng khi thấy máu phun ra từ đầu con trai. Dù đang đi giày có gót và tay bế con, bà vẫn chạy nhanh hơn cả một quán quân Olympic đến tận bệnh viện Piatsa Bucur cách nhà họ tới mười phút. Áo bà thấm đầy máu; bà chạy đến đâu mọi người đều kinh hãi tản ra nhường lối. Alexandru có một cái sẹo ở thái dương bên phải, dấu ấn nhỏ từ một sân vuông ở Bucarest mà nó suốt đời mang theo.

Nghiêng mình xuống, bà nhìn thấy mái trường học của nó ở bên trái, ở phố Oitelor. Xa hơn một chút là đồn cảnh sát, nơi bà đến điền bản khai báo bắt buộc mỗi khi cha hoặc các em của Jacob đến thăm họ. Thật nhẹ nhõm biết bao khi không bao giờ còn nhìn thấy bộ mặt đầy vẻ nghi ngờ của những nhân viên cảnh sát nữa! Ra đi sung sướng quá! Bà ghét Rumani. Và nhất là Ceausescu.

Bà ghét họ từ tận đáy lòng từ khi người đàn ông với đôi mắt cú vọ đến xem căn hộ của bà cách đây sáu tháng. Một đảng viên cao cấp. Jacob và bà đã dự kiến bán căn hộ mà họ đã mua bằng tiền dành dụm được. Một trăm nghìn lei là một món tiền lớn. Căn hộ tuyệt vời, ở giữa trung tâm, và họ bán nó chẳng khó khăn gì vì nhà ở đang thiếu. Rồi họ sẽ đổi số tiền lei ấy ở chợ đen lấy một vài nghìn đô la. Với số tiền này, họ có thể di cư sang Mỹ. Đó là kế hoạch của họ. Tuy nhiên, đúng sau khi nộp đơn xin cấp hộ chiếu, họ đã nhận được một cú điện thoại báo rằng họ sẽ phải hiến căn hộ cho một đảng viên nếu muốn được phép ra đi. "Tất nhiên", họ đã nhã nhặn trả lời, không phản đối, như thể người ta yêu cầu họ giúp một việc cỏn con. Một vài ngày sau, vị đảng viên cao cấp đã đến xem căn hộ. Một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, tóc vàng và mũi hếch nằm giữa đôi mắt ti hí. Ông ta không hề cao hơn bà, thực sự thấp so với một người đàn ông, nhưng có gì đó trong dáng dấp lộ vẻ con người có quyền lực. Bà ở nhà một mình. Ông ta đã lục khắp nơi, mở từng tủ tường một, đẩy cái giường của Alexandru ra để xem tình trạng bức tường phía sau, lật thảm, vặn vòi nước, ngắm cảnh ở ban công. "Tuyệt! Cô có những đồ đạc rất đẹp!" Bà rùng mình nghĩ ông ta có thể đòi lấy cả đồ đạc hiện đại, những thứ có một không hai mà bà đã đặt đóng theo mẫu ở những tạp chí trang trí của Pháp. Suốt thời gian đó, bà liên tục mỉm cười với ông ta như thể đang giao dịch với một người mua nhà. Khi ra khỏi căn hộ, ông ta đã nhìn thẳng vào mắt bà và nói:

- Một phụ nữ nhỏ nhắn hiền lành như cô, một phụ nữ Rumani thực thụ sẽ không nói với ai về thỏa thuận giữa chúng ta. Phải không?

Ẩn sau cái giọng dễ thương và tự tin này là sự đe dọa. Đôi mắt hạt dẻ của ông ta nhìn chòng chọc Elena với vẻ dâm đãng lộ rõ. Ông ta đưa tay sờ má bà. Một cái vỗ nhẹ không hẳn vuốt ve, không hẳn cú đánh, qua đó ông ta lặng lẽ chiêm nghiệm quyền lực của mình và sự bất lực hoàn toàn của người phụ nữ trẻ đang đứng trước ông. Sợ chết khiếp, bà vẫn đáp với nụ cười thường trực:

 

- Tất nhiên là không ạ!

Bà tự ghét bản thân vì đã cười cợt với một người đàn ông trắng trợn ăn cướp của cải của bà. Bà cảm thấy như bị ông ta hãm hiếp. "Một phụ nữ nhỏ nhắn hiền lành như cô, một phụ nữ Rumani thực thụ..." Ông ta có quyền gì mà lại nói với bà vẻ khinh bỉ như vậy? Ông ta biết ông muốn làm gì bà cũng được. Bà là đồ chơi của ông ta mà. Tất nhiên bà sẽ chẳng nói gì hết. Lẽ ra bà còn cho ông ta cả đồ đạc nữa và bất cứ thứ gì khác. Bà chỉ muốn rời bỏ đất nước này cùng với gia đình. Khi cửa đã đóng lại, bà sụp xuống tựa vào tường và khóc, ghê tởm sự hèn nhát của chính mình và sự đồng lõa thụ động với hành vi cướp bóc ấy. Một tuần sau, hợp đồng được gửi đến, nêu rõ rằng ông bà Tiberescu đã bán căn hộ của mình cho đảng viên tên thế này với số tiền là một lei. Giã từ giấc mơ Mỹ.

Từ ban công, bà nghe thấy tiếng chuông. Alexandru ra mở. Mẹ bà đi vào. Bà nói chuyện với cháu ngoại. Elena quay vào nhà và đóng cửa ban công.

- Con trông lịch lãm biết bao, Lenoush! Còn Alexandru thì ra dáng đàn ông rồi!

Bà đã chọn y phục đẹp cho chuyến đi, cho đất nước mới của họ. Alexandru mặc bộ quần áo mà bà đã may cho nó trong dịp phát phần thưởng vào tháng Sáu, và đeo một chiếc ca vát của cha nó mà bà đã làm ngắn bớt. Bà mặc một chiếc váy bằng lanh màu hoàng yến và một áo sơ mi bằng nilông đen điểm vàng, cùng với dép màu vàng gót cao. Dép phù hợp với túi xách. Nhìn chung, trông lộng lẫy và rất trang nhã.

- Mẹ vẫn tiếc chiếc áo khoác da, mẹ bà thở dài. Nhưng mà tại sao con đã không cho mẹ biết là con cần tiền cơ chứ!

- Con sẽ gửi cho mẹ một chiếc từ Ixraen, mẹ ạ.

 

Trong những tháng cuối, để sống còn, bà đã phải bán dần dần những món quà mà gia đình Jacob đã tặng họ. Cha mẹ bà đã không bao giờ hỏi có cần tiền không.

- Cha và Jacob đến gara để kiểm tra xe theo thông lệ, Lenoush ạ. Nửa tiếng nữa họ sẽ đến đón chúng ta.

Elena gật đầu. Bảy tháng trước, khi họ nghĩ sẽ di cư sang Mỹ, Jacob đã mua một chiếc Fiat nhỏ. Ở Rumani, chỉ những người sở hữu xe mới có quyền thi lấy bằng. Ông đã tính toán và thấy rằng mua một chiếc xe giá rẻ ở Rumani không đắt bằng trả tiền học lái xe ở Mỹ. Bán xe đi họ có thể được ăn cái gì khác hơn là bột mì cứng có sạn mà từ một tháng nay, tối nào họ cũng ăn. Nhưng Elena rất muốn cho cha mình chiếc xe vì cái xe mui trần cũ kĩ của ông đã hỏng từ hai hoặc ba năm trước. Như vậy, bà ra đi lương tâm thanh thản hơn. Jacob thông cảm với bà.

Mẹ theo bà vào phòng khách và thấy tám cái hộp


trên sàn.

- Cho mẹ hả?

- Vâng.

Iulia cúi xuống sờ nắn một trong những cái hộp để đoán xem bên trong đựng gì.

- Trong này có gì vậy?

- Những cái xoong ạ.

- Thế còn cái này?

- Đĩa ạ.

- Còn cái kia?

- Đĩa sứ ạ.

- Những cái đĩa từ Bessarabie phải không?

- Vâng ạ.

- A, mẹ hài lòng lắm. Mẹ rất thích chúng. Tiếc là con không đủ chỗ để mang chúng theo.

Những cái đĩa sứ bỗng gợi lại cho Elena chuyến đi của bà về Bessarabie sáu năm trước theo yêu cầu của mẹ ngay sau khi bà từ Paris về. Chính vào thời điểm ấy, cha mẹ nuôi mới tiết lộ cho bà biết bà còn hai người em trai và một người cha vẫn còn sống. Bà đã đưa Alexandru đi cùng. Bà sợ, nhưng giống như Jacob, ý nghĩ mình có hai em trai mà cuộc sống đã chia lìa và ở tuổi ba mươi hai phát hiện ra họ còn sống khiến bà có phần xao xuyến. Alexandru có hai cậu. Bà sẵn sàng mở lòng với họ. Trong một ngôi làng cách Kichinev hai giờ xe, bà đã gặp ba người xa lạ. Họ đã niềm nở đón tiếp bà, ôm Alexandru vào lòng, khen nó khôi ngô. Bà đã cùng ăn với họ một bữa ngon lành với khoai tây vùi trong than hồng và cá xông khói. Tuy nhiên, sau một tiếng chuyện trò, bà không còn gì để nói với họ nữa. Bà không thấy có chút máu mủ ruột rà nào. Đó là những người Nga của Moldavie sống ở nông thôn, những người trước đây là nông dân, giờ làm trong nhà máy. Alexandru và bà ăn mặc tươm tất hơn hẳn họ, các bà vợ và con cái họ coi người bác gái Rumani này như một quý bà ở thành phố, một quý bà giàu có. Chuyến đi ngắn ngủi này để lại cho bà một cảm giác giả tạo khó chịu.

- Này Lenoush, thế ga trải giường đâu?

- Kia, mẹ. Cái hộp xanh, trước cái cuối cùng, bên phải.

- Còn hộp cuối cùng là khăn ăn hả?

- Vâng.

Mẹ bà không nói gì khác với bà trước khi bà ra đi ư? Liệu bà ấy có nhận thấy rằng có lẽ sẽ không bao giờ được gặp lại con gái và cháu trai nữa hay không? Một câu hỏi không thể thốt thành lời cháy bỏng môi Elena: “Mẹ có phải là mẹ con không?"

- Thế còn cái kia, là gì vậy? Rèm à?

- Con không biết nữa, mẹ. Con có thể cùng Alexandru xuống hiệu cà phê ở góc phố năm phút thôi được không? Con đã hứa cho nó ăn cái bánh Joffre cuối cùng.

- Ờ, hãy đi đi! Mẹ đợi cha và Jacob để mở cửa cho họ.

Elena gọi con trai. Họ đi xuống thang gác. Bà không hề hứa cho con trai ăn một cái bánh Joffre cuối cùng vì ở tuổi mười hai, nó đủ khôn lớn để hiểu rằng một ngày như thế này có những việc quan trọng hơn là một cái bánh, nhưng bà cần hít thở không khí. Bà không thể chịu đựng mẹ thêm được nữa. Họ vượt qua đại lộ và vào trong phòng trà, nơi mỗi sáng bà thường uống một tách cà phê từ năm năm nay. Bà gọi một tách cà phê cho mình và một bánh Joffre cho Alexandru: cái bánh ốc bọt sôcôla là món tráng miệng khoái khẩu của nó. Người phụ nữ cao gầy đằng sau quầy mỉm cười với bà:

- Thế ra, ngày hôm nay là ngày trọng đại, phải không bà Tiberescu?

- Phải. Mười lăm phút nữa chúng tôi ra sân bay.

- Trời đất ơi! Tôi không thể tin nổi rằng tôi sắp không được gặp các vị nữa, bà và cháu. Nó khiến tôi thấy có gì đó, ở đây này. - Bà ta đặt tay lên vị trí của trái tim. - Chắc chắn tôi sẽ nhớ quý vị. Tôi có thể ôm hôn bà được không?

Bà ta đi vòng qua quầy hàng và dang tay ôm nữ khách hàng mà đầu chỉ vừa vặn đến vai bà. Elena bật khóc. Hai nữ phục vụ khác của tiệm cà phê liền đến bên bà.

- Bà Tiberescu, đừng khóc! Bà sẽ làm cho thằng bé sợ đấy! Bà ra đi là may mắn lắm chứ! Bà sẽ không quên chúng tôi chứ? Bà sẽ gửi cho chúng tôi một tấm bưu ảnh chứ? Bà sẽ kể cho chúng tôi bên ấy thế nào chứ?

- Mẹ ơi, mọi cái ổn thôi, rồi mẹ xem, Alexandru vừa thầm thì vừa cầm tay mẹ khi hai mẹ con đã ngồi ở cái bàn nhỏ trước tách cà phê và cái bánh Joffre cuối cùng.

 

*

 

Còn khoảng nửa tiếng nữa máy bay hạ cánh. Bà còn đủ thời gian hút một điếu thuốc cuối cùng. Bà lấy bao thuốc từ túi xách vàng đặt trên đầu gối và châm một điếu Capsha.

Bên phải bà, Jacob kiên nhẫn đọc một tờ báo bằng tiếng Anh mà ông tìm thấy trên máy bay. Bà liếc qua phía Alexandru ở bên trái, và thấy nó vẫn thắt dây an toàn. Suốt chuyến bay, nó không nhúc nhích và không tháo dây an toàn. Bộ quần áo và ca vát khiến nó có vẻ già dặn hơn: giống như là một thanh niên, nhưng với đôi má tròn và có lông tơ trẻ con. Bà ngắm nghía gương mặt nhìn nghiêng của nó, mắt đen to hình hạnh nhân với lông mi dài, mũi hơi to như mũi cha, miệng rất cân đối. Bị thu hút bởi trò chơi ô chữ cũng ở trong cùng tờ báo mà cha nó đang đọc, nó có vẻ tự xoay xở tốt. Thật hay làm sao khi họ đã nghĩ đến việc cho nó theo học những lớp tiếng Anh từ khi nó năm tuổi. Bà mỉm cười nhớ lại hôm bà bước vào phòng ngủ và nhìn thấy đứa con trai bé bỏng của bà vừa mặc quần áo mới kiêu hãnh đi lại trước gương tủ vừa lặp đi lặp lại “sexy, sexy, sexy, sexy!”. Alexandru không còn nhìn trời qua ô cửa máy bay như lúc đầu, khi nó theo dõi từng giây máy bay cất cánh, hai bàn tay bám chặt thành ghế. Cái phương tiện vận chuyển trên trời này hình như đã quen thuộc đối với nó. Bà hi vọng nó sẽ thích ứng với cuộc sống mới cũng dễ dàng như thế. Một bản nhạc bỗng vang lên trong máy bay, rất lớn, do loa truyền đi. Elena giật mình và nhận ra ngay lập tức. Bà đặt bàn tay mình lên cánh tay Jacob:

- Hava Nagila!

Họ nhìn nhau và cùng mỉm cười. Bà nghiêng về phía ông và môi họ khẽ chạm nhau. Rồi bà ngồi thẳng lên và quay về phía con trai:

- Alexandru, Hava Nagila đấy!

- Con biết rồi mẹ, nó nói nhưng mắt không rời ô chữ.

Năm trước, cha Jacob đã mang cho họ một cái đĩa và nói với họ rằng người ta hát bài đó trong đám cưới, lễ trưởng thành và lễ hội ở Ixraen. Ở Bucarest, ngày mà cuối cùng họ cũng nhận được hộ chiếu, Elena đã cho đĩa này vào máy rồi Jacob, Alexandru và bà đã nắm tay nhau, vừa cười vừa nhảy như điên trong nhà, trong tư thế sẵn sàng hòa nhập với phong tục đất nước mới của họ. Đó là một bản nhạc vui vẻ và dồn dập đến mức người ta không thể không nhảy lên và quay cuồng ngay khi nghe. Hành khách trên chuyến bay El Al 008 đều là người nhập cư như họ, vỗ tay, hát, nhảy lên ghế ngồi và đung đưa theo nhịp điệu. Máy bay đầy khách. Trước Elena vài dãy, hai người đàn ông đứng lên dù máy bay hạ cánh đến nơi; họ bắt đầu nhảy và lắc mông, mặt đối mặt trên lối đi, cánh tay dang, khuỷu gấp, bàn tay giơ lên. Mọi người hoan hô và hò hét cổ vũ họ. Rồi hai người đàn ông đứng tuổi, có râu này ngả vào vòng tay nhau và ôm hôn nhau. Elena nhìn gương mặt họ. Họ đang khóc. Đúng lúc ấy, nhạc ngừng và giọng phi công vang lên trên loa:

- Thưa quý vị, cơ trưởng đang nói với quý vị đây: mười phút nữa chúng ta hạ cánh. Xin quý vị trở lại chỗ ngồi, tắt thuốc lá và thắt dây an toàn. Chào mừng các bạn đến Ixraen! Xin chúc mừng!/Mazeltov!

Một tiếng kêu đồng thanh phấn khởi đáp lại những lời này. Elena bỗng nhận ra rằng họ đã rời Rumani và được tự do.

Phi công hạ cánh thực sự êm nên tất cả hành khách đều vỗ tay hoan nghênh. Họ phải chờ đợi hơn mười lăm phút trên máy bay thì cửa mới mở. Elena kiểm tra thấy họ không bỏ quên hành lý xách tay nào, rồi mới lách đến sau Jacob và Alexandru trong đám đông đặc đang di chuyển trên lối đi hẹp về phía cửa. Cửa thông trực tiếp với bầu trời. Ngay khi đặt chân xuống cầu thang kim loại, bà đã bị cái nóng khủng khiếp phả vào người. Họ đã rời Bucarest vào một ngày nóng nực tháng Tám, nhưng cái nóng của Ixraen không hề giống tí nào với cái nóng mà bà đã từng trải nghiệm cho đến lúc ấy. Có lẽ phải phát minh ra một từ Rumani mới để lột tả nhiệt độ ngoài trời cao như lúc này. Áo sơ mi sợi tổng hợp của bà dán chặt vào da. Khắp cơ thể đầm đìa mồ hôi, trong khi bà hiếm khi đổ mồ hôi. Hai bên thái dương bà hầu như tức thì đổ mồ hôi ròng ròng. Xung quanh họ chỉ nghe độc một câu: “Nóng kinh khủng!” Tất cả mọi người đều cởi áo khoác ngoài. Alexandru cũng như Elena lập tức làm theo. Jacob vẫn mặc áo khoác.

- Jacob! Alexandru! Elena!

Có người gọi họ. Họ nhìn xuống và trông thấy ở phía dưới cầu thang kim loại là một người đàn ông cao lớn mặc quân phục. Đó là Doru mà lần đầu tiên bà nhìn thấy mặc quân phục. Vì họ là những hành khách duy nhất được đón ngay ở đường băng, nên điều ngoại lệ này đã khiến những người xung quanh họ tò mò và kính nể. Chắc chắn cậu ấy có được đặc quyền này là nhờ cấp bậc sĩ quan. Khi họ ra đến đường rải nhựa, Doru lần lượt ôm ghì lấy họ và thậm chí còn nâng bổng cháu trai lên. Anh khóc vì xúc động. Rồi anh đứng lùi lại, nhìn họ và phá lên cười.

- Mọi người đi đưa ma đấy à?

- Chú nói gì vậy? Jacob hỏi.

- Anh chị và cháu mặc thật kì! Ở Ixraen, chả ai mặc âu phục với ca vát cả!

Elena nhíu mày nghĩ tới hàng chục bộ y phục và váy áo đã may ở Rumani trước khi ra đi. Vậy thì, những người Ixraen mặc gì khi ra ngoài buổi tối, đến công sở và đi chơi phố vào ngày nghỉ?

Em rể tháp tùng họ trong sân bay. Họ vừa mới vượt qua cửa kính thì một luồng khí mát dễ chịu lập tức thay thế cho cái lò lửa. Cậu ấy giải thích với đứa cháu về hoạt động của hệ thống điều hòa nhiệt độ. Elena vừa nghe vừa nhìn xung quanh. Sàn sạch sẽ, đại sảnh bảo quản tốt. Bà ngạc nhiên thấy có rất nhiều quân nhân mang súng tiểu liên. Thậm chí có cả những thiếu nữ mặc quân phục. Ít ra trong đất nước này, sự bình đẳng giới không phải là nói suông. Thủ tướng là một phụ nữ. Và bà sẽ không bị gạt khỏi chính quyền vì bà là người Do Thái! Golda Meir, cái tên đẹp sao!

Nhờ có em của Jacob mà họ không phải xếp hàng ở phòng hải quan. Cùng với cậu ấy, họ đến thẳng cửa dành cho phi công, tiếp viên và quân nhân. Ở phòng nhập cư, họ phải đợi một chút để được phỏng vấn vì người phiên dịch chính thức vẫn chưa đến. N gười sĩ quan khoảng năm mươi tuổi phỏng vấn họ không có vẻ đa nghi hoặc khinh khỉnh như Elena vẫn từng đinh ninh về những nhân viên chính phủ. Sau khi đóng dấu lên các giấy tờ, ông ta trao cho họ giấy nhập cảnh Ixraen.

“Cảm ơn. Toda raba”, Elena vừa mỉm cười chân tình nói, vừa phát âm từ Hêbrơ đầu tiên. Người sĩ quan thân ái mỉm cười với bà và đáp bằng một từ mà bà không hiểu nghĩa. Họ ra khỏi phòng nhập cư.

- Thế nào? Anh chị về đâu? Cho em biết với, Lenoush? Em rể hỏi bà ngay lập tức.

Anh đọc lướt tài liệu và cau mày.

- Dimona... Ở sa mạc Néguev, gần Beersheba, tận đầu bên kia đất nước! Tại sao họ lại đưa anh chị đến tận đó trong khi biết rằng anh chị có gia đình ở Haïfa nhỉ? Phi lý! Thế anh chị phải đi ngay bây giờ à?

- Đúng, bà rụt rè đáp. Phải đi xe ca ở cửa số 8.

- Không được. Tất cả gia đình đang đợi anh chị và cháu ở Tivon.

Không gõ cửa và cũng không xin ý kiến họ, Doru lao vào phòng nhập cư và cắt ngang người sĩ quan đang bắt đầu một cuộc phỏng vấn khác. Elena nghe thấy cuộc tranh luận bằng tiếng Hêbrơ. Rồi tiếng nói ầm ĩ. Bà co rúm, hoảng sợ. Doru sắp làm nhân viên nhập cư nổi giận, người ta sẽ đuổi họ về Rumani! Bà nhìn Jacob, ông nhún vai mỉm cười với bà như thể sự việc này thật buồn cười. Ông có nhận thức được mối hiểm nguy không nhỉ? Doru ra khỏi phòng nhập cư.

- Đã thu xếp xong rồi.

- Gì cơ? Elena hỏi, giọng lo lắng.

- Em đưa mọi người về Tivon. Em đã xin cho anh chị hai ngày nghỉ. Ngày kia, em sẽ đưa anh chị đến Beersheba bằng xe hơi. Giờ đây em biết tại sao họ phân anh chị về đó rồi. Tại chị đấy, Elena ạ.

Bà tái mặt. “Tại chị ư?”

Anh ta cười phá lên.

- Em đùa đấy! Thư giãn đi! Ở đây người ta sẽ không ăn thịt anh chị đâu! Có một lò phản ứng hạt nhân ở Dimova và chị lại là nhà vật lí hạt nhân, thế đấy.

Bà nở một nụ cười. Họ đi về phía lối ra. Alexandru đẩy xe hành lý. Jacob và Doru đi cạnh nó và Doru không ngừng nói oang oang, chỉ nói với anh mình cứ như là Elena không tồn tại ấy. Bà đã nhận ra điều ấy trong ba lần anh ta đến thăm họ ở Bucarest. Đó là một người đàn ông nhiệt tình và nghị lực, luôn tốt bụng với bà, nhưng chỉ nói chuyện với anh mình và bà cảm thấy hơi lẻ loi khi có mặt ở đó. Bà vừa đi theo họ vừa nhìn xung quanh mình. Không có ai ở sân bay mặc y phục trừ các thương nhân và những người nhập cư vừa mới đến, và người ta nhận ra họ một cách chính xác thông qua trang phục. Người Ixraen đều rám nắng, mặc quân phục hoặc quần áo bãi biển, quần sóoc, sơ mi cộc tay và đi dép. Bà nhìn vào số giấy tờ mà Doru vừa trả lại được viết bằng tiếng Hêbrơ, và tự hỏi tên bà ở đâu trong thứ chữ hoàn toàn xa lạ mà chẳng bao lâu nữa bà sẽ học này. Bà lại gần em rể và ngắt lời anh ta để hỏi. Anh ta chỉ ngón tay vào tờ giấy:

- Đây là họ chị, Tiberescu, tên riêng chị, Elena. Từ này nghĩa là "nữ". Ngày, tháng, năm, sinh của chị. Tôn giáo của chị: Cơ đốc. Quốc tịch: Rumani.

- Xin lỗi, chú vừa nói gì nhỉ? Tôn giáo của chị?

- Đây này. "Nosit". Cái đó nghĩa là Cơ đốc trong tiếng Hêbrơ.

- Nhưng chị không có tôn giáo. Làm sao họ biết chị theo Cơ đốc giáo?

- Hẳn là chị đã nói với họ.

Elena cau mày. Thực vậy, bà đã được đặt tên thánh/rửa tội, nhưng sĩ quan nhập cư đã không hỏi bà trong cuộc phỏng vấn. Vậy là ông ta đã biết trước. Bằng cách nào nhỉ? Bà hẳn đã ghi chi tiết này trong một mẫu khai ở Đại sứ quán Ixraen tại Rumani. Từ Bucarest, thông tin đã được chuyển đến tận đây và được ghi bằng tiếng Hêbrơ trên hồ sơ nhập cảnh Ixraen của bà: Nosit. Một nỗi sợ âm ỉ như những móng vuốt cào xé tim bà. Ở Bucarest, bà là vợ một người Do Thái. Bà những tưởng đã bắt đầu một cuộc sống mới không bao giờ bị phân biệt đối xử. Bà vừa mới chân ướt chân ráo đến mảnh đất Ixraen và phát hiện ra rằng ở đây bà là người Cơ đốc.

Vì không muốn làm hỏng niềm vui của chồng và con trai, nên bà không nói gì, cất giấy tờ vào trong túi xách tay và tiến lên kịp Alexandru, trong khi hai anh em lại tiếp tục câu chuyện của họ. Bỗng nhiên, Jacob vòng tay quanh người bà.

- Lenoush, em đã nghe rõ chưa? Đó chính vì lý do
kiểm kê.

- Gì cơ?

- Nên họ đã viết “Cơ đốc”. Họ chỉ muốn chỉ ra rằng họ tiếp nhận đến Ixraen tất cả các chủng tộc, tất cả các dân tộc, tất cả các tôn giáo. Thế thôi.

Bà mỉm cười. Như lệ thường, Jacob đã đoán được ý nghĩ của bà và đã biết làm bà an tâm.

Nguồn: truyen8.mobi/t88965-tuong-lai-xan-lan-chuong-23.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận