Thầy Lang (Znachor) Chương 16

Chương 16
Ở nhà an dưỡng của bác sĩ Sa-tô tại Ac-ca-sơn thường thường từ đầu tháng chạp mới bắt đầu vụ nghỉ đông với hàng loạt những người ở Pa-ri bị viêm khớp ồ ạt tới.

Vì vậy, vào giữa tháng chạp khi ông Xta-nhi-xoáp Trưn-xki đến báo với bác sĩ rằng ông muốn đưa con trai về nước thì bác sĩ không hề phản đối.

- Vâng, - bác sĩ bảo, - con trai ông đã hoàn toàn khỏe mạnh. Tạm thời tôi đề nghị chưa nên để anh ấy chơi các môn thể thao nặng quá, nhưng xương đã liền hoàn hảo, bắp thịt - do tác dụng của việc xoa bóp đã nở nang tương đối khá, còn về tính tình thì tôi nghĩ rằng nó là kết quả của nỗi hoài nhớ quê hương. Việc trở lại đất nước, trở lại gia đình, chắc chắn sẽ khiến anh ấy vui vẻ và bớt trầm ngâm hơn.



- Tôi cũng hi vọng như thế, - ông Trưn-xki lắc lắc tay bác sĩ.

Giờ đây, ngồi đối diện với con trai trong toa tàu, ông không còn chút hi vọng nào cả. Sau khi bàn bạc với vợ, ông đích thân tới Ac-ca-sơn để đón Lê-sếch về nghỉ lễ. Hai vợ chồng kinh hoàng vì những bức thư của con trai. Sau một thời gian bị gửi thư tới tấp, cậu con trai chỉ trả lời bằng mỗi hai bức thư, mà lại ngắn cụt ngủn, vừa khô khan vừa dửng dưng.

Chàng cũng dửng dưng chào cha và đồng ý trở về.

- Con thì sao cũng được, - chàng chỉ nói có thế.

Chàng ngồi câm lặng, với điếu thuốc lá đã tắt ngấm từ lâu trong tay, và hình như hoàn toàn không hề nghe lời cha kể về chính trị, về tình hình kinh tế khá lớn, về những hợp đồng mới. Dường như chàng chẳng quan tâm đến gì cả, chẳng cần gì cả, không gì có thể khiến chàng nhúc nhích lên một chút. Phải chăng chấn động thần kinh mà chàng đã bị trong vụ tai nạn chẳng may kia đã vĩnh viễn biến chàng trai vui tính thành một kẻ u buồn và lãnh đạm?

Ông Trưn-xki đã hoài công cố gắng để có thể làm cậu con trai chú ý đến một chuyện gì đó. Lê-sếch chỉ hạn chế trong những câu trả lời ngắn ngủn, chàng thờ thẫn nhìn xuống mũi giày, hình như trong lòng chàng có một sự bình thản nào đó đã hoàn toàn đông cứng lại, hoàn toàn chẳng chuyển lay.

Đến đêm, ông Trưn-xki không tài nào chợp mắt được, ông liếc nhìn sang khoang của con trai. Ông có những linh cảm rất gở nào đó và quả thực đã không nhầm: mặc dù đêm giá buốt, Lê-sếch vẫn cứ hạ hết cửa sổ, và trong bộ quần áo ngủ mỏng tang bằng lụa, chàng đứng đó, thò đầu ra ngoài. Khi ông mở cửa... một luồng gió giật mạnh như băng đẩy tràn vào trong toa.

- Con làm gì thế, hả con! Ông Trưn-xki kinh hoảng, - Con bị viêm phổi mất thôi!

Lê-sếch ngoảnh lại.

- Cũng có thể thế, thưa cha.

- Cha xin con, đóng cửa sổ lại đi.

- Con nóng lắm.

- Cha muốn nói chuyện với con.

- Được thôi.

Chàng đóng cửa sổ lại và ngồi xuống.

- Con thật là thiếu thận trọng, Lê-sếch ạ, - ông Trưn-xki mở đầu - Không những con thiếu để ý đến sức khỏe của mình mà thậm chí còn cố tình hủy hoại nó.

Câu trả lời duy nhất chỉ là im lặng.

- Sao con không ngả lưng một chút?

- Con không buồn ngủ.

- Nhưng con phải nằm. Tình hình sức khỏe của con vẫn đòi hỏi phải tiếp tục chăm lo nhiều nữa.

- Để làm gì ạ? - Lê-sếch nhìn vào mắt cha.

- Sao lại để làm gì?!

- Vâng ạ, để làm gì kia? Thế cha nghĩ rằng con cần chuyện đó lắm hay sao?

- Con phải cần chứ?

- Thế à! - Chàng phẩy tay.

- Lê-sếch!

- Cha của con! Có thật cha nghĩ rằng sự sống là một thứ gì đáng phải chăm chút, phải lo lắng, vất vả?... Cha hãy tin con, bản thân con chũng không thấy cần gì đến nó.

Ông Trưn-xki cố gắng mỉm cười.

- Khi ở vào tuổi con, - ông nói dối, - cha cũng có những đợt suy sụp tinh thần như thế, nhưng cha có đủ tỉnh táo để coi chúng là những trạng thái nhất thời.

- Và chính trong việc đó chúng ta khác nhau đấy, thưa cha, - chàng gật đầu. - Con hiểu rằng đây không phải là một cơn chấn động về thể xác và tinh thần có những hậu quả nhất định. Nhưng rồi những hậu quả ấy cũng sẽ qua đi. Nó sẽ qua đi càng nhanh nếu con càng hiểu rõ tình trạng hiện nay của con. Vệc nhận thức được những nguyên nhân của sự suy sụp tinh thần là phương tiện hiệu nghiệm nhất để chống lại nó.

Ông Trưn-xki không cảm thấy rằng cái lý lẽ đầy sức thuyết phục của mình thấm được vào lòng con trai, nên ông nói thêm:

- Và còn điều này nữa. Con không được quên cha me, những người đẻ ra con, những người mà với họ, con là tất cả. Nếu như lý trí không thể lay chuyển được con, cha đành phải dựa vào tình cảm của con vậy.

Lê-sếch rùng mình và sau một lát im lặng, chàng hỏi:

- Thưa cha, có thật cha coi những tình cảm kia là một sức mạnh to lớn và đáng tôn trọng đến mực cần phải tính đến nó trong khi lòng ta xuất hiện câu hỏi kiểu Hăm-lét: tồn tại hay không tồn tại?...

- Dĩ nhiên rồi, Lê-sếch.

- Cảm ơn cha. Con cũng nghĩ như thế.

- Con trai cha, con thấy chưa. Nào, bây giờ con hãy nằm xuống và cố ngủ đi. Gần sáng ch ng ta sẽ đến nhà. Thế... con không hình dung nổi mẹ con nhớ con đến thế nào đâu. Bao giờ mẹ con cũng cố làm ra vẻ có bản tính mạnh mẽ... Nhưng hẳn con cũng biết dưới vẻ ngoài ấy ẩn giấu biết bao tình âu yếm thẳm sâu nhất. Nào, ngủ đi, con trai. Chúc con ngon giấc.

- Chúc cha ngủ ngon, thưa cha, - Lê-sếch đáp lại, giọng cứng đơ.

Chàng tắt đèn, nhưng không ngả lưng. Tiếng va xình xịch đều đặn của bánh xe, sự chao đưa nhè nhẹ của toa tầu, những chùm tia lửa rực rỡ sáng lên trên mặt cửa kính đen ngòm... Hồi ấy chàng cũng đã trở về hệt như thế này. Chỉ có điều hồi ấy chàng muốn thúc nhanh nhịp bánh tàu, chàng mang về cho nàng chiếc nhẫn đính hôn và mang cho mình niềm hạnh phúc.

Không hiểu trong nhà kính ở Lu-đơ-vi-kốp đã có tử đinh hương chưa?... Phải, hoa tử đinh hương và cây vòi voi tỏa hương ngào ngạt... chàng sẽ ra lệnh cắt hết, và có thể... Nơi ấy tuyết hẳn dày và trắng lắm. Trên mặt tuyết sẽ không hề có dấu vết gì. Một nấm đất nhỏ nhoi, bị quên lãng...

Chàng sẽ bước đi trên cái bề mặt trắng tinh, chưa hề bị ai động đến ấy... Người đầu tiên và cuối cùng... Đích chàng là đấy. Còn từ đấy sẽ không một con đường nào dẫn về đâu nữa... Chàng sẽ đặt hoa, cả nấm mộ nhỏ bé kia sẽ được phủ đầy hoa... Liệu qua làn tuyết, qua lớp đất và nắp quan tài bằng gỗ, hương tử đinh và hoa vòi voi có thấm được đến chỗ nàng? Có thấm đến chỗ nàng chăng lời chàng thì thầm gọi mãi cái tên thân yêu nhất, nói những lời âu yếm nhất, thề những câu tuyệt vọng nhất?... Liệu nàng có nghe thấy nhịp đập đang yếu dần đi, đang chết, liệu nàng có sửa soạn chăng để đón chàng, nàng sẽ vòng tay ôm ghì lấy cổ chàng như ngày nào và cho phép chàng nhìn đôi mắt sáng long lanh ấy!... mãi mãi, vĩnh hằng...

Một lòng tin dịu dàng, an ủi biết bao, xâm chiếm tâm hồn khi chàng nghĩ về điều ấy. Một nỗi thanh thản tràn ngập người chàng kể từ khi chàng quyết làm việc ấy. Bao nhiêu lần ngồi một mình, bấy nhiêu lần chàng chìm sâu vào những khoảng không gian mênh mông, vô bờ, vô cảm và giống như nỗi trống rỗng tựa vũ trụ kia của cái chết. Chàng đã hoàn toàn thuộc về chúng.

Thời kỳ đầu tiên tồi tệ và đau đớn biết bao nhiêu. Khi vừa nói được vài từ, chàng đã hỏi ngay họ:

- Cô ấy ra sao?

Khi ấy, mẹ chàng chợt rùng mình và chỉ nói rất gọn lỏn:

- Cô ấy không sống được, nhưng con đừng nghĩ đến chuyện đó.

Còn bác sỹ Pa-vơ-li-xki thì nói thêm:

- Vỡ đáy hộp sọ. Với vết thương ấy không thể sống quá vài mươi phút.

Thế là chàng lại ngất đi lần nữa. Và bao nhiêu lần tỉnh lại, thì ý nghĩ về cái chết của Ma-rư-sia lại như phủ định sự sống của chính chàng. Chàng nằm với đôi mắt nhắm nghiền, nghe những tiếng nói chuyện thì thầm. Bác sĩ trách phu nhân Trưn-xka:

- Không nên nói với anh ấy biết cái chết của cô gái kia. Đó là một việc thiếu thận trọng. Nó có thể làm cho hệ thần kinh trở nên xấu đi.

Mẹ chàng đáp:

- Tôi không biết nói dối, thưa bác sĩ. Nếu nói riêng tôi, tôi thà nghe một sự đau lòng hơn là giữ một ảo vọng. Và chăng con trai tôi cũng đâu phải chịu trách nhiệm về tai nạn ấy.

- Tôi nghĩ đến chuyện khác kia, - bác sĩ ngần ngừ. - Anh ấy có thể có tình cảm gì đó với Ma-rư-sia...

- Điều đó không thể có, - phu nhân Trưn-xka ngắt lời, hết sức dứt khoát, dường như chỉ nguyên nghĩ về việc đó đã là điều xúc phạm đến bà.

Thể lực của Lê-sếch mỗi ngày một khá lên trông thấy. Ở bệnh viện tại Vin-nô, người ta chụp nhiều ảnh Rơn-ghen cho chàng, các vết thương và những vết xây xát lành lại bình thường. Ngược lại, tình trạng tâm lý của bệnh nhân càng ngày càng khiến cho người ta lo lắng. Vì vậy, ngay khi vệc di chuyển không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của chàng, người ta đưa chàng đến bệnh viện giải phẫu ở Viên, rồi sau đó đến Ac-ca-sơn để điều dưỡng phục hồi. Môi trường quốc tế vui nhộn ở Ac-ca-sơn chắc phải gây ảnh hưởng tốt tính tình Lê-sếch. Nhưng tiếc thay, chàng tránh mặt mọi người. Chàng không hề tham gia vào các trò chơi những cuộc du ngoạn, và mặc dù chấp hành một cách máy móc phương pháp trị liệu được chỉ dẫn, tâm tính chàng vẫn không hề có một thay đổi nào cả.

Ít nhất cũng là bề ngoài. Thực ra, không hề lộ với người ngoài, trong lòng chàng đã chín mùi một quyết định...

Nó chín mùi và mang đến cho chàng sự yên ủi...

Dĩ nhiên, chàng cũng yêu thương cha mẹ và hiểu rằng chàng sẽ gây cho họ một nỗi đau như thế nào. Chàng sẵn sàng chịu đựng những sự hi sinh lớn lao hơn nhiều, nhưng nghĩ đến chuyện phải tự đầy đọa cả cuộc đời, phải chịu đựng bản án khổ sai nhiều năm ròng của những nỗi đau không thể nào nguôi ngoai, chàng lại cảm thấy điều đó là một thứ gì thật khủng khiếp, vượt quá sức chàng.

Chàng quá khao khát được chết, khát khao một sự đền bù. Chính chàng đã đường đột xông vào cuộc đời - bình lặng và vui vẻ - của con người rất mực tuyệt vời kia, không ai mời, ai gọi, gần như bằng vũ lực. Nếu không có chàng, bây giờ nàng đã có một cuộc đời, có thể là giản dị và nghèo nàn, nhưng êm ả. Chàng đã phá vỡ sự yên ổn của nàng, cuối cùng chính vì chàng mà nàng bị thiệt mạng, và chết đi rồi mà vẫn phải chịu tiếng xấu vì chàng. Chàng không đủ can đảm để đương đầu ngay với tất cả những chướng ngại kia. Chàng quá bần tiện. Bằng sự che giấu những dự định của mình, chàng muốn duy trì cho mình một đời sống đầy đủ tiện nghi, trả bằng danh tiếng của nàng!

Điều đó đòi phải trừng phạt! Và chàng sẽ phải tự trừng phạt mình, bởi chỉ có hình phạt ấy mới có thể là lời thanh minh cho Ma-rư-sia, chỉ có hình phạt ấy mới có thể gột rửa thanh danh cho con người thân yêu hơn hết thảy kia...

Tàu dừng ở một ga nhỏ, vô cùng thân thuộc. Trên đường ke là phu nhân Trưn-xka, cô Ti-ta Zê-nô-vi-rúp-na, em gái của cô là A-nhi-en-ka, ông anh họ Ka-rôn, vợ anh ta là Zun-ka và vài người nữa trong gia đình, thường hay về Lu-đơ-vi-kốp dự lễ Thiên Chúa Giáng Sinh.

Nụ cười nửa miệng gượng gạo mà Lê-sếch dùng để chào hỏi mọi người không đánh lừa nổi ai: chàng chưa bình phục hẳn. Họ cố ý ra đón chàng nồng nhiệt và ồn ào để khiến chàng vui, kéo chàng vào những chuyện thường ngày vô lo của mình. Chỉ mỗi mình cô bé A-nhi-en-ka im lặng ngắm chàng dường như đồng cảm.

- Anh ấy nhợt nhạt và buồn bã l àm sao, - cô hạ giọng nói với phu nhân Trưn-xka.

- Cháu hãy làm cho anh ấy vui và giả vờ như không thấy anh ấy có thay đổi gì cả, - phu nhân E-lê-ô-no-ra xiết chặt tay cô, - Bao giờ anh ấy cũng rất mến cháu.

Bốn chiếc xe trượt, lục lạc kêu rộn ràng, rẽ vào trước tòa dinh thự Lu-đơ-vi-kốp, chẳng khác gì một đoàn diễu hành bằng xe trượt. Suốt ngày người ta không để cho Lê-sếch một phút nào cô đơn. Trong phòng khách, ra-đi-ô và máy hát thay nhau chơi nhạc ồn ã.

Mãi đến sau bữa tối chàng mới trở về phòng riêng. Nơi đây không có gì thay đổi trong thời gian chàng vắng mặt. Chàng lo lắng nhìn vào ngăn kéo bàn giấy. Quyển nhật ký của Ma-rư-sia vẫn nằm nguyên chỗ cũ.

Chàng đọc suốt đêm, đọc đi đọc lại mấy lần liền những trang mà chàng nhớ như in nội dung, thậm chí nhớ từng chữ. Mãi gần sáng chàng mới ngủ thiếp đi và chàng tỉnh giấc rất muộn. Người hầu mang bữa sáng đến, thông báo:

- Ông bà chủ vào nhà máy và bảo tôi hỏi xem cậu chủ có muốn ghé vào đó hay không.

- Không, - chàng lắc đầu. - Nhưng anh gọi người làm vườn cho tôi.

- Xin vâng, thưa cậu chủ.

- Ở nhà kính hoa đã nở nhiều chưa?

- Cũng như lẽ thường vào dịp lễ thôi ạ, nhưng đặc biệt hoa hồng năm nay nhiều lắm.

Sau bữa sáng, người làm vườn đến, cùng chàng đi vào nhà kính. Lê-sếch trỏ cho người làm vườn đang ngạc nhiên mỗi lúc một nhiều - những đóa hoa, rồi cuối cùng chàng bảo:

- Yêu cầu cắt tất cả những hoa ấy.

- Cắt ạ?...

- Phải. Và gói lại.

- Để gửi đi đâu ạ, thưa cậu chủ?

- Tôi sẽ mang đi.

- Vậy ra ngài kỹ sư lại ra đi ạ?

Lê-sếch không đáp, bước về phía lối ra.

- Thưa cậu chủ, - người làm vườn giữ chàng lại, - nhưng cậu ra lệnh cắt gần như toàn bộ hoa. Đó không phải là việc của tôi. Có điều không rõ liệu bà chủ...

- Được rồi. Yêu cầu nói cho bà biết và hỏi xem bà có phản đối chuyện đó không.

- Bà chủ đã dùng xe ô tô đi ra ga và đến bữa trưa mới trở về kia ạ.

- Vậy sau bữa trưa Jan hãy hỏi. Tôi cũng đến sau bữa trưa mới đi kia mà.

Lê-sếch không nghi ngờ rằng mẹ chàng sẽ đồng ý ngay cả việc triệt phá mọi thứ trong phòng ấm trồng cây nữa. Dĩ nhiên, bà sẽ hiểu ngay chàng cần hoa để làm gì.

Quay về phòng, chàng bắt tay vào biết thư. Dài nhất là lá thư gửi cha mẹ. Vài bức thư ngắn và thân tình cho bạn bè, một bức thư đúng thể thức cho cảnh sát và cuối cùng là bức thư gửi bà Skốp-kô-va. Chàng quan tâm nhiều đến lá thư sau cùng. Nó phải là lời thanh minh cho Ma-rư-sia trước dư luận của thị trấn.

Chàng vừa viết xong thì bà quản gia Mi-kha-lep-xka đến gõ cửa. Hôm qua bà chưa kịp chào hỏi Lê-sếch. Bà hết sức bận bịu, như lệ thường vào dịp trước lễ tết. Và bây giờ bà lại vừa hay tin là sau bữa trưa Lê-sếch sẽ lại ra đi, nên bà bèn bỏ ngay chuyện bánh trái cho đầu bếp, để gặp bằng được cậu Lê-sếch, bày tỏ với cậu niềm sung sướng của bà rằng ơn Chúa, bà lại được gặp cậu mạnh khỏe trở về. Bà bắt đầu kể cho Lê-sếch nghe mọi người trong vùng hỏi thăm chàng ra sao, ai nói cái gì, ai làm việc gì...

Lê-sếch nghe những lời kể lể đó, chàng chợt nghĩ ra rằng chắc hẳn người đàn bà này, pho sử sống của cả huyện, phải biết rõ điều mà chàng không muốn hỏi thăm ngoài thị trấn.

- Bác Mi-kha-lê-sia của cháu, - chàng lên tiếng, - cháu có điều muốn hỏi bác.

- Hỏi tôi à?

- Vâng ạ. Bác Mi-kha-lê-sia có biết... - giọng chàng lạc đi, - Mi-kha-lê-sia có thể nói cho cháu biết... nơi nào... người ta đã chôn cất...

- Chôn ai?

- Người ta đã chôn cất... cô gái bị chết trong vụ tai nạn hồi ấy?

Người đàn bà há hốc miệng.

- Vụ tai nạn nào?

- Kìa, vụ cùng với cháu ấy mà, - chàng sốt ruột.

- Giê-su Ma-ria! - bà kêu lên - Cậu Lê-sếch nói gì thế? Sao người ta có thể chôn cất cô ấy được?... Cái cô Ma-rư-sia chứ gì?... Làm cho nhà bà Skốp-kô-va phải không?... Cô ấy vẫn đang sống kia mà!

Máu dồn hết lên mặt chàng. Chàng bật dậy khỏi ghế suýt nữa thì ngã bổ chửng.

- Cái gì?!... Cái gì?!... Chàng hỏi bằng một giọng thì thào kinh khủng, đến nỗi bà Mi-kha-lep-xka hoảng sợ lùi ra tận cửa.

- Con quỳ lạy Chúa! – Bà kêu lên. - Làm sao người ta phải chôn cất cô ấy kia chứ? Cô ấy khỏi rồi. Chính ông thầy lang đã chữa cho cô ấy khỏi và bị người ta tống giam. Còn cô ấy vẫn sống ở cối xay. Thì mọi người vẫn kể cho tôi nghe nghe thế mà. Thì chính mắt gã Pa-ve-uếc của ta, tay bếp ấy mà, chả trông thấy cô ấy đấy thôi... Lạy Chúa! Cứu tôi với!...

Lê-sếch loạng choạng, và ngã lăn ra đất. Bà quản gia kinh hồn nghĩ rằng chàng lại bị ngất đi, song rồi bà nghe thấy tiếng nức nở và những lời hỗn độn nào đó. Không hiểu có việc gì, lại cảm thấy mình đã gây ra tất cả những chuyện này, bà vừa chạy bổ ra ngoài vừa kêu cứu.

Cả nhà đang ngồi trong phòng lớn. Bà chạy lao vào đấy và hổn hển kể lại rằng cậu chủ Lê-sếch bị làm sao ấy.

Nhưng bà chưa kịp kể dứt lời thì đích thân Lê-sếch đã chạy vào, chàng băng ngang phòng lớn và lao ra hiên, không kịp đóng cửa lại sau lưng.

- Thế nào rồi cậu ấy cũng bị cảm lạnh nữa cho mà xem! - bà Mi-kha-lê-sia rên lên. - không có áo khoác! Tôi đã làm gì thế này không biết!...

Trong khi đó chàng lao về phía chuồng ngựa.

- Thắng ngựa mau lên! - Chàng quát người coi ngựa đầu tiên mà chàng gặp. - Nhanh lên! Nhanh lên!

Chàng cũng giúp một tay. Cuống cuồng cả lên. Người hầu phòng từ trong nhà lao ra mang theo chiếc áo choàng lông và mũ. Năm phút sau chiếc xe trượt đã phóng đi theo con đường đến Ra-đô-li-xki, mà phóng như điên, vì Lê-sếch giật dây cương từ tay người xà ích và đích thân đánh xe.

Đầu óc chàng quay cuồng, tim đập như trống làng. Những ý nghĩ của chàng lúc này như cũng phi một nước đại kinh hoàng. Những tình cảm trái ngược nhau giằng xé tâm hồn chàng. Một niềm hạnh phúc lớn lao tràn ngập cả người chàng, nhưng đồng thời một cơn giận dữ cũng lớn lao như thế giần giật trong các bắp thịt của chàng. Chàng sẵn sàng tha thứ cho tất cả mọi người, sẵn sàng lao vào vòng tay kẻ thù ghê gớm nhất của mình, nhưng đột nhiên một nỗi điên khùng khiến chàng nghiến chặt răng. Người ta đã lừa dối chàng! Người ta đã dùng một thủ đoạn thật thấp hèn, thật nhục nhã! Người ta giấu chàng suốt ngần ấy thời gian rằng nàng vẫn còn sống. Chàng sẽ trả thù chuyện đó, trả thù không thương xót!

Và đột nhiên chàng thấy mủi lòng: chắc hẳn nàng đã phải chịu đựng biết bao cay đắng! Chắc hẳn nàng trông mong tin chàng, thư của chàng, một dấu hiệu là chàng còn sống. Nàng đã mất dần hi vọng, nàng cô đơn, bị bỏ rơi, bị quên lãng trong nỗi bất hạnh, bởi chính một kẻ thề sẽ yêu nàng.

- Không biết bây giờ nàng có coi ta là một tên đểu cáng hay chăng?...

Chàng nghiến răng ken két.

- Đó là do bọn họ!

Ôi, chàng không thể tha thứ cho bọn họ chuyện này đâu! Chàng sẽ tát vào mặt thằng cha bác sĩ Pa-vơ-li-xki kia, sẽ cắt tai hắn trong một cuộc quyết đấu! Phải cho hắn nhớ đời rằng hắn đã hành động như một kẻ man trá. Còn mẹ chàng?... Ôi, bà sẽ phải hối hận cay đắng vì hành vi hèn hạ của mình. Chàng sẽ nói với bà rằng:

- Con trai bà suýt nữa thì đã tự tử vì chính sự dối trá của bà. Sự dối trá đã chống lại chính bà. Vì thế, bà hãy coi chính bà đã giết chết đứa con trai ấy. Và chí ít cũng là giết chết mọi tình cảm mẹ con trong lòng nó. Tôi đang và sẽ mãi mãi là một kẻ người dưng nước lã với bà.

Và từ nay trở đi chàng sẽ không thèm nói với bà một tiếng nào hết. Chàng sẽ ra đi, sẽ rời bỏ chốn này mãi mãi và ngay lập tức. Vì cả cha chàng, chàng cũng không muốn nhìn mặt nữa. Tại sao ông lại có thể im lặng để che giấu điều dối trá của mẹ chàng?

- Tình yêu thương của cha mẹ là thế đấy! Cầu địa ngục nuốt thứ tình yêu ấy đi cho rảnh nợ!

Cứ thử nghĩ mà xem, vì tình yêu ấy mà chàng đã cận kề nỗi bất hạnh xiết bao: nơi kia, tại đất Pháp, đã từ lâu chàng muốn chấm dứt mọi chuyện đi cho rồi. Chỉ có niềm khát khao được thực hiện nghĩa vụ cuối cùng đối với Ma-rư-sia giữ chàng lại. Chính vì nó, chàng đã chờ đợi, chính vì nó, chàng đã trở về nơi đây...

- Rõ ràng Chúa đã hướng dẫn những bước chân ta...

Đột nhiên, chàng ngỡ như mình đã xuyên thấu được điều bí mật của định mệnh bản thân mình, định mệnh ấy chính là một niềm hạnh phúc to lớn, vô biên, niềm hạnh phúc mà hẳn chàng sẽ không bao giờ đánh giá hết, nếu như không có những nỗi đau khổ, nếu như không có niềm tuyệt vọng vô bờ kia, niềm tuyệt vọng đã chế ngự cả tâm hồn chàng.

Chàng ngẫm nghĩ: trong đời đã bao lần chàng được gặp những niềm sướng vui, những thành công, những may mắn. Nhưng chàng đã đón nhận tất cả những thứ đó như những gì tự nhiên, thường tình mà chàng đáng được hưởng. Chàng không sao nhớ nổi có một lần nào chàng cảm thấy niềm biết ơn, có lần nào dậy lên trong lòng chàng ý muốn hòa vào lời kinh đọc theo thói quen dù chỉ một hơi thở của lòng hàm ơn. Phải chăng, cần đến những điều nếm trải nặng nề dường ấy, chàng mới học được cách đánh giá những món quà tặng lớn lao đến thế?... Mới thông qua việc thấu hiểu giá trị của chúng mà xứng đáng với chúng?... Mới được trưởng thành để đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao kia?...

Chàng nghĩ thế, song ở chàng, mỗi ý nghĩ - thông thường - đều phải tìm ngay cách thể hiện ra hành động, nên ngay ở chỗ đường rẽ đầu tiên, trước cây thánh giá, chàng ghìm ngựa m nh đến nỗi chân sau của chúng cày sâu vào tuyết, chàng ném dây cương cho người xà ích, nhẩy khỏi xe, quỳ xuống với mái đầu để trần, đăm đăm nhìn hình hài nhỏ bé của Chúa Cơ Đốc được cắt bằng tôn đã bị gỉ đỏ quạch.

- Cảm ơn Người, hỡi Chúa, xin cảm ơn Người!... Chàng lắp đi lắp lại.

Bao giờ chàng cũng nghĩ mình là người có đạo, chàng càng tin chắc điều đó bởi lẽ chưa bao giờ chàng có những mối nghi ngờ nào thực thụ. Từ thuở thiếu thời chàng đã được giáo dục theo tôn giáo, chàng không nổi bật lên bởi lòng mộ đạo nhiệt thành đến độ đặc biệt, song cũng không xem thường những lễ giáo mà giáo hội qui định trong khuôn khổ tối thiểu cho phép. Chính vì vậy, việc cầu nguyện nơi đây, dưới chiếc thánh giá trên ngã ba đường, đối với chính bản thân chàng đã là một điều khác thường. Cho đến nay chàng chưa biết rõ thế nào là một lời cầu nguyện và cũng chưa biết nó có thể trở thành cội nguồn cho những cảm nhận sâu sắc đến mức nào.

Khi lại ngồi lên xe, chàng cảm thấy trong lòng trở nên yên tĩnh, thanh thản và sáng trong. Những ý nghĩ và hành động của mẹ cũng trở nên ôn hòa hơn, những suy tưởng mới chợt nảy ra. Đồng thời ý thức về niềm hạnh phúc đang chờ đón chàng dường như mạnh hơn trước.

Họ phóng nhanh qua Ra-đô-li-xki rồi rẽ vào con đường đi về phía cối xay của ông Prô-cốp. Chiều mùa đông lạnh lẽo xuống sớm khi họ dừng chân trước chiếc cối xay.

Người thợ làm công Vi-ta-lix đang đứng trước cửa.

- Có cô Vin-tru-rúp-na ở đây không? - Lê-sếch hỏi anh ta.

- Ai cơ ạ?

- Cô Vin-tru-rúp-na.

- Tôi không biết ạ. Cô ấy không ở đây. Trừ phi đó là cô Ma-rư-sia?

- Đúng, đúng! - Chàng nhẩy ra khỏi xe. - Cô Ma-rư-sia đâu rồi?

- Cô ấy lên thị trấn. Đi đến Ra-đô-li-xki chắc ông đã phải gặp cô ấy.

- Không gặp. Cô ấy sắp về chưa?

- Chắc là sắp về ạ.

- Thế thì tôi chờ.

Đầu Zô-nhia ló ra cửa.

- Nếu ông định chờ thì tốt nhất nên vào trong phòng. Hoặc vào nhà ngang, nơi cô Ma-rư-sia ở... Xin mời ông vào.

Chị chùi tay vào tạp dề rồi đưa Lê-sếch vào phòng trong nhà ngang. Chị tìm thấy bao diêm trên lò sưởi và châm đèn. Chàng nhìn quanh phòng. Nơi đây nghèo, nhưng sạch sẽ ngăn nắp.

- Chắc Ma-rư-sia sắp về rồi. Cô ấy lên thị trấn, - Zô-nhia gợi chuyện. - Còn ông kỹ sư thì khỏe hẳn rồi thì phải, ơn Chúa.

- Tôi khỏe rồi.

- Thật may mắn quá. Lúc người ta đưa ông kỹ sư và Ma-rư-sia đến đây, những trông mà kinh. Toàn những máu là máu, lạy Chúa che chở! Chúng tôi đã đọc kinh cho người hấp hối rồi kia mà. Nếu không có An-tô-ni!... Mà nói làm gì nữa chứ! - Chị phẩy tay đầy ý nghĩa.

- An-tô-ni nào? - Lê-sếch hỏi.

- Ông An-tô-ni Kô-si-ba, thầy lang, vốn ở đây này.

- Ở ngay đây ư?

- Chứ còn ở đâu nữa ạ? Giờ thì ông ấy ngồi tù. Nhưng ông ấy đã ở đây, ông ấy sẽ lại trở về đây. Thì chính ông ấy, ngay trên chiếc ghế dài này, đã cứu chữa cho ông kỹ sư, nào dán, nào khâu, - Zô-nhia cười hi hi, - Vết máu thì tôi phải lấy mảnh chai cạo mới sạch đấy. Nó không chịu đi. Còn cô Ma-rư-sia thì ông ấy mổ trên chiếc bàn kia. Với ông kỹ sư đã nặng rồi, nhưng còn với cô ấy thì chẳng còn chút hi vọng nào hết. Cô ấy không thở một chút nào nữa cơ mà. Xương đâm hết cả vào trong óc. Khi đưa ông ra ô tô, bác sĩ bảo rằng cô ta hỏng rồi. Đối với cô gái tội nghiệp này - ông ta bảo - chỉ có chiếc quan tài thôi - ông ta bảo - thật tiếc vì cô ấy đẹp. Nói cho đúng, suốt một tuần không ai dám nghĩ là cô ấy sẽ sống. Ông An-tô-ni thậm chí đã lấy cắp cả cái va-li với các dụng cụ gì ấy của ông bác sĩ để cứu chữa cô ấy. Suốt ngày suốt đêm ông ấy quanh quẩn bên cô gái. Rồi chính ông ấy cũng hết cách, không biết nên làm thế nào nữa. Ông ấy đành gọi cả lão chăn cừu ở Pie-trơ-ki để lão làm phép. Còn cô ta thì cứ thiêm thiếp như đã chết rồi. Cuối cùng, tôi cắt cổ một con gà trắng ngay dưới cửa sổ, thì lại được việc.

Lê-sếch hết sức chăm chú lắng nghe, chàng chợt nghĩ rằng có thể chàng đã không thật đúng khi cho là mẹ chàng và bác sĩ Pa-vơ-li-xki đã cố tình lừa dối. Rất có thể cả hai người đều tin rằng cô Ma-rư-sia đang hấp hối lúc họ ra đi không thể nào khỏe lại được. Câu chuyện của người thiếu phụ trẻ này hóa ra lại có lợi cho họ. Tuy nhiên, rõ ràng là sau đó mẹ chàng được biết Ma-rư-sia vẫn còn sống. Tại sao lúc ấy bà không viết cho chàng một lời nào về chuyện ấy?... Tại sao cha chàng cũng không hề nói, tại sao mãi đến khi về Lu-đơ-vi-kốp, chàng mới được biết điều đó, mà cũng chỉ do tình cờ!?... Đó chính là lỗi của họ và chàng oán trách họ chính vì chuyện ấy. Nhưng niềm oán trách ấy giờ đây đã giảm đi nhiều nhờ cảm giác về sự thiếu công bình của bản thân. Chàng đã quá nghiêm khắc và quá vội vàng khi kết tội cha mẹ và bác sĩ Pa-vơ-li-xki.

- Thế bây giờ cô Ma-rư-sia đã hoàn toàn khỏe rồi chứ? - Chàng hỏi.

- Cô ấy không bị làm sao hết. Thậm chí còn đẹp hơn ngày trước nữa kìa, Zô-nhia cười. - Có điều cô ấy rất buồn phiền, tôi thấy cô ấy vừa đi vừa khóc.

- Buồn phiền chuyện gì?

- Tôi cũng không biết đâu. Nhưng tôi nghĩ là chuyện lo phiền thì cô ấy chẳng thiếu gì. Bởi thứ nhất, việc thì bị mất do đau ốm. Bà Skốp-kô-va lấy người khác thay vào cửa hiệu. Hình như là một người bà con thì phải.

- Nào, đó là chuyện vớ vẩn! Còn gì nữa?...

- À, chuyện ông An-tô-ni. Vì chuyện lấy cắp kia và hình như về việc chữa bệnh trái phép, họ giam ông ấy ba năm.

- Chuyện ấy đâu thể có được!

- Có thể có, bởi họ đã bắt giam rồi.

Và Zô-nhia kể tường tận cho Trưn-xki nghe mọi chuyện xảy ra.

- Chúng tôi có bàn nhau phải cứu ông ấy ra sao, nhưng làm sao cứu được kia chứ, - chị kết thúc. - Giờ thì tôi phải xin lỗi, tôi có chút việc. Ma-rư-sia chắc là cũng sắp về đến nơi rồi.

Chị bước ra, còn lại Lê-sếch, chàng mủi lòng nhìn ngắm mọi chi tiết bày biện trong phòng. Nơi đây, ở mọi vật đều có thể thấy rõ thói quen thích sạch sẽ và đẹp mắt của Ma-rư-sia. Đôi bàn tay đáng thương của nàng đã phải vất vả biết bao!

- Giờ thì chuyện ấy sẽ chấm dứt! - chàng nghĩ thầm và lòng tràn ngập niềm vui to lớn.

Ngoài cửa sổ, tuyết rơi từng bông lớn, mỗi lúc cứ dày thêm mãi.

- Mong sao nàng đừng lạc, - chàng đâm lo.

Đ ột nhiên, chàng nghe thấy tiếng dậm chân ngoài hiên. Chàng tin chắc rằng đó là nàng. Chàng bèn đứng chính giữa phòng và đợi. Cửa mở ra. Ma-rư-sia đứng đờ ra ở ngưỡng cửa, kêu lên rồi suýt nữa thì nàng ngã, nếu chàng không kịp thời ôm ghì lấy nàng. Chàng phủ lên môi, lên mắt nàng bao nụ hôn, dưới tay chàng tuyết đọng trên áo choàng của nàng tan chảy.

Dần dần nàng tỉnh lại.

- Em thân yêu duy nhất của anh, - chàng nghĩ thầm - Niềm hạnh phúc của anh... Cuối cùng anh đã có em bên mình, còn sống và vẫn khỏe mạnh, vẫn là của anh... Mọi thứ chồng chất để chống lại chúng mình, nhưng giờ đây không gì còn có thể chia rẽ chúng mình, không gì có thể tách rời chúng mình được nữa... chắc hẳn em đã nghĩ về anh rằng anh là kẻ tồi tệ, rằng anh đã quên em... Nhưng không đúng thế đâu! Anh xin thề với em rằng đó là điều không đúng! Hãy nói rằng em vẫn tin anh đi em!

Cô gái ép người vào chàng.

- Em tin, em tin, em tin...

- Và em vẫn còn yêu anh chứ?...

- Em yêu. Em càng yêu anh hơn ngày xưa em yêu nữa kia.

- Em, vầng mặt trời của anh! Phép mầu của anh! Thế em hãy nói anh nghe, em có nghĩ xấu về anh không?...

Chàng nhận thấy nỗi ngần ngừ trong mắt nàng.

- Nghĩ xấu thì em không nghĩ, - mãi sau nàng nói, - Hoàn toàn không. Nhưng có điều em buồn kinh khủng. Em cứ chờ mãi... Em chờ ghê lắm ấy... Ngần ấy ngày.

- Hãy tin anh, - chàng đột nhiên trở nên nghiêm nghị, - rằng tuy thế dù sao em cũng vẫn còn sung sướng hơn anh. Anh cũng phải trải qua ngần ấy ngày, nhưng những ngày đó trăm lần, triệu lần nặng nề hơn những ngày của em nữa kia. Bởi anh không hề chờ đợi một điều gì hết.

Chàng im lặng rồi nói thêm:

- Người ta đã đưa anh vào chỗ sai lầm.

Nàng lắc đầu.

- Em không hiểu.

Chàng cũng khó lòng nói ra sự thật. Mãi sau chàng mới thốt được nó ra thành lời:

- Người ta giấu anh chuyện em đã được... cứu sống. Ồ, xin em đừng nghĩ rằng người ta làm điều đó vì ý gì xấu. Thoạt đầu, tình hình của em là vô hi vọng, còn về sau... vả chăng không có một ai biết rằng đối với anh, em là toàn bộ cuộc đời. Vì vậy, người ta không báo tin cho anh hay.

Nàng gật đầu, mắt nàng long lanh lệ.

- Giờ thì em biết rồi, giờ thì em hiểu rồi... thế... thế anh buồn vì em... không còn sống nữa, phải không?...

- Có buồn không ư?! Chàng kêu lên. - Ma-rư-sia! đây, bằng chứng đây! Em hãy xem!...

Chàng thọc tay vào túi, rồi hai túi, chàng tìm tất cả các túi.

- Chắc anh đã để những bức thư đó lại Lu-đơ-vi-kốp rồi, ở trên bàn làm việc. Nhưng ngày mai em sẽ đọc chúng.

- Anh viết cho em ư, Lê-sku (45)? - Nàng ngạc nhiên.

- Không phải viết cho em đâu, niềm hạnh phúc của anh ạ! - Chàng lắc đầu, cắn cắn môi. - Đó là những bức thư tuyệt mệnh. Gửi cho cha mẹ, bạn bè. Anh vừa về hôm qua, sáng nay anh mới viết. Còn tối nay...

Chàng nhìn ra làn kính cửa màu đen, tuyết ngập đến lưng chừng.

- Còn lúc này... nhẽ ra anh không còn nữa.

- Anh Lê-sếch! - Nàng thảng thốt kêu lên.

- Thiếu em, anh sống làm gì?

Họ nép sát vào người nhau, nước mắt lăn từng giọt giàn giụa trên má, hòa lẫn vào nhau. Họ cùng khóc cho cái quá khứ tồi tệ đã qua, khóc cho những nỗi buồn chân thành, khóc cho niềm tuyệt vọng đã cháy cạn trong lòng họ, họ khóc cho hạnh phúc của mình, một niềm hạnh phúc vô bờ, to lớn, đến nỗi trong sự vô biên của nó chính họ cũng cảm thấy trở nên nhỏ bé, chìm ngập và rụt rè.

-------------------------------
(45) Tên gọi thân mật của Lê-sếch.

Nguồn: truyen8.mobi/t111218-thay-lang-znachor-chuong-16.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận