Thắm Sắc Hoa Đào Chương 1


Chương 1
Cành lê hoa đọng giọt mưa xuân.

Về xuất thân của Minh Minh, trong cái ngõ này mỗi người nói một cách khác nhau.

Mẹ của Minh Minh là diễn viên hài kịch - ai cũng nói như thế, nhưng không biết rằng, từ trước đấy rất lâu bà là diễn viên kịch hiện đại - năm mười ba tuổi theo một ông chú họ làm chân hát đế, sắm vai trẻ con trong một ban kịch diễn ở Đại Thế Giới. Minh Minh có khuôn mặt xinh xắn, cặp lông mày thanh tú, mắt rất đẹp, đuôi mắt dài hơi vểnh lên. Nhưng không phải là mắt xếch, mà như ta vẫn nói, mắt phượng, lúc cười cặp mắt cong xuống rồi lại uốn lên. Làn môi mỏng, môi trên hơi cong. Thời ấy, người đẹp Chu Tuyền mới xuất hiện, ai cũng gọi Minh Minh là Chu Tuyền. Vì giống người đẹp Chu Tuyền, lại biết hát, nhưng giọng không thanh, không sang như Chu Tuyền, mà hơi the thé, trong ban kịch ai cũng bảo nàng có cái họng “vòi nước”, đanh đá, không phù hợp với vẻ mặt. Điều đáng quý là, Minh Minh biết hát các điệu dân ca các miền, biết nói tiếng các vùng. Hát Thân Khúc, Than Hoàng, Trích Đốc, Nhiệt Hôn, Bình Đàn, Hoài Dương, giọng ông già trong Kinh kịch; biết nói tiếng Tô Châu, Vô Tích, Hàng Châu, Ninh Ba, Thiệu Hưng, Thượng Hải, Sơn Đông, Quảng Đông... Cái giọng the thé, lúc lên cao vút, lúc xuống thật thấp, mới nghe phải giật mình, nghe nhiều cảm thấy hay, không mệt. Hơn nữa khẩu hình đẹp, nhả chữ rõ, người xem rất thích. Năm mười lăm tuổi, nghe nói có một trường kịch chiêu sinh, cô rủ mấy bạn cùng lớp đi thi. Ở cái tuổi ấy, bất cứ lúc nào, đi đến đâu cũng đều chú ý cơ hội, không bằng lòng với hiện trạng. Như Minh Minh, cũng đã từng gặp may, tự giác quen với nghề son phấn, cần thử cứ thử một phen. Hồi ấy, đang phổ biến phong cách học sinh, cô cắt tóc ngắn, đuôi tóc uốn cuộn vào trong. Đeo cái kính gọng đen, mặc váy liền áo kiểu phương Tây, lụa xanh màu táo, tay bồng, thêu hoa, đi giày da đen mõm vuông, cài khoá ngang, giống như cô tiên Bồ Đào học sinh vẫn diễn trên sân khấu. Cổ tay quàng cái ví hạt cườm màu trắng, trong để khăn tay, phấn son, cây bút máy, một con dấu xương khắc tên, thêm một bao thuốc lá. Tất cả những thứ đó cũng không làm cô già đi, mà trông rất nhí nhảnh ngây thơ. Vốn người nhỏ nhắn, ngồi với đám học sinh mười hai, mười ba tuổi cùng dự thi trông cô cũng không lớn hơn mấy. Trong số các thầy giám khảo có một người mặc đồ Tây màu kem, giày da bóng loáng, nhưng tay cầm ống điếu thuốc lào rất quê, trông như cái tẩu hút thuốc phiện, rít thuốc kêu lọc xọc, đi dọc theo đám học sinh đang ngồi thành hàng ngang. Khi đến trước mặt cô, người này hỏi bằng cái giọng Tô Châu: cô tên cái chi? Cô trả lời cũng bằng tiếng Tô Châu: con chó con mèo cũng có tên, sao hỏi tên cái chi là mần răng? Vị giám khảo nhìn cô, nhìn một lúc rồi bỏ đi chỗ khác. Vì trường kịch thực chất là trường dạy Kinh kịch, chiêu sinh Kinh kịch, cho nên cô không đỗ, nhưng vị giám khảo hỏi “tên cái chi” làm quen với cô từ đấy. Không ngờ họ lại gặp nhau, lần ấy, hai người gặp nhau đúng với nghĩa ân nhân cứu mạng.

Một dạo mọi người gọi cô là Chu Tuyền, sau lại gọi cô là Bạch Quang, rồi Điền Lệ Lệ. Cô bắt chước ai cũng giống, nhưng rốt cuộc chỉ là theo đuôi người ta, nhìn cho vui mắt. Trông cô rất non nớt, mười bảy mười tám tuổi vẫn có thể sắm vai trẻ con, nhưng đã có phần miễn cưỡng. Cô cũng muốn đổi nghề, tìm được sư phụ mới, tự đặt cho mình một cái tên, tên gọi Tiếu Minh Minh. “Tiếu” gần với âm “tiểu”, lại có ý nghĩa vui vẻ, còn là danh nghĩa chính truyền, vì trong đó có cả chữ tên của sư phụ. Cô ra khỏi đoàn kịch hiện đại đi diễn kịch độc diễn. Thời ấy kịch độc diễn đang thịnh hành, kịch hiện đại càng ngày càng mờ nhạt. Trong ban kịch độc diễn, cô vẫn là diễn viên mặc áo rồng, nhưng không được nổi như trước. Kịch độc diễn “cười” sang trọng, cô còn trẻ đẹp, trong thâm tâm không muốn đem mình ra làm trò cười, không thể hy sinh bản thân để “cười”. Tuy có tên, nhưng không nổi danh, tất nhiên cũng cảm thấy buồn. Còn may đang thời tuổi trẻ, có nhan sắc, lại thêm chút tiếng tăm trong quá khứ, nên cũng nổi trội trong con mắt người đời, có thể cân bằng được mất. Có một khán giả quen thuộc rất chung tình kể từ ngày Minh Minh vào nghề, tưởng chừng chờ cô lớn lên, chờ cho cô gặp điều không may, lúc ấy mới xuất hiện. Đương nhiên Minh Minh không nghĩ đấy là chuyện nghiêm túc, không phải vì không ưng anh ta, mà vì không thể dễ dãi quyết định chuyện lớn trong đời. Tương lai của  nữ diễn viên vừa mờ mịt lại vừa có chút hy vọng, tóm lại chưa biết ra sao, không hiểu phía trước là những gì đang chờ đón. Tuy vậy, mỗi tối tan diễn đều có người gọi xe kéo chờ sẵn ở cửa sau nhà hát, mời đi ăn đêm, chủ nhật đưa đi mua vải may xường xám, trả hộ mấy khoản nợ nần, cùng đi xem phim, ăn kem, nghe cô nói xấu vai nữ chính, tóm lại toàn những chuyện có thể diện. Cho nên, hai người cũng tốt với nhau một độ. Trong mênh mông biển người, hiếm được người nhắm vào mình, trung thành với mình, khó mà nói không sinh lòng yêu thương. Nhưng nhiều lắm chỉ là ôm nhau, không làm điều gì quá. Thực ra, nữ diễn viên không phải ai cũng nhẹ dạ như mọi người vẫn tưởng, ngược lại, họ giữ mình như giữ ngọc. Ở chốn nam nữ lẫn lộn, lại quen với trăng gió yêu đương từ lời kịch, chuyện đó chẳng có gì là lạ, nhưng ai cũng hiểu số phận nằm ở chính bản thân, không thể sa sẩy, khinh suất, vậy nên rất mực gìn giữ. Vị khán giả được hưởng tài sản của ông cha - phàm tài sản ông cha đến đất Thượng Hải là cứ co dần, càng co càng ít đi, lớp con cháu hậu thế không có bản lĩnh chăm lo gia sản, lúc nào cũng túng tiền - rất tận tâm tận lực đánh đổi tấm lòng chân thành của một nữ minh tinh. Cả hai đều là người bình thường, đều phải tuân theo nhân tình thế thái, không có tham vọng gì lớn, cùng cảm thấy được như thế là tốt lắm rồi. Cho nên, đó là giai đoạn lãng mạn yên bình, cảm thông và chăm sóc cho nhau. Giai đoạn lãng mạn này kết thúc vào lúc Minh Minh đi Hồng Công.

Công ty điện ảnh Vĩnh Hoa của Hồng Công đến Thượng Hải tuyển diễn viên, mấy chị em trong đoàn kịch cùng đi dự thi. Nơi tuyển sinh đặt tại một nhà xe ô tô trong con hẻm đường Trường Đua. Nhà xe một nửa thấp dưới mặt đường, một nửa ngang với mặt đường, cửa sổ có song sắt tựa như nắp đậy cống ngầm. Ngồi trong đấy nhìn qua cửa sổ chỉ thấy chân người đi lại làm ánh sáng loang loáng, mặt người bên trong loang lổ. Ba vị người Hồng Công, chen lẫn giữa đám trai tài gái sắc đang ngồi chật căn phòng, không nhìn rõ mặt. Người đông, cũng không kịp nói chuyện, chỉ trao một tấm ảnh, đi qua trước mặt người Hồng Công như lướt qua sân khấu rồi ra ngoài. Ra ngoài, đứng dưới nắng thu bốn giờ chiều, trên tường in bóng gầy guộc mờ nhạt, tưởng như trở về cõi nhân gian. Vòng hai ít người hơn, người đến đều nhận được giấy báo, nữ nhiều nam ít, ngồi thành vòng tròn trong nhà. Đạo diễn, một trong số mấy người Hồng Công, bảo mọi người chơi trò trẻ con, ném khăn tay. Hát xong một bài hát, khăn tay trong tay ai, người ấy phải đứng dậy trình bày một tiểu phẩm. Lúc bắt đầu, đôi bên còn thiếu tự nhiên, vào cuộc thì thoải mái hẳn. Có người giả tiếng mèo kêu, có người bắt chước chó nhảy, cũng có người làm trò ảo thuật, diễn tạp kỹ. Minh Minh nhận ra một nữ diễn viên của một công ty điện ảnh, từng sắm vài vai phụ. Còn một đôi trai gái là học sinh trường kịch công lập, đang lúc chiến tranh, nghe nói nhà trường sắp đóng cửa. Vào cái thời loạn lạc, thanh niên không biết đi đâu, làm gì, dù là sinh kế hay sự nghiệp thảy đều mờ mịt. Chiếc khăn đến tay Minh Minh, cô lập tức đứng dậy biểu diễn màn kịch vui nổi tiếng “Đánh mạt chược”, một người cùng lúc đóng bốn vai Thiệu Hưng, Ninh Ba, Giang Bắc, Tô Châu, vô cùng sinh động và vui nhộn. Hai trong số ba người Hồng Công kia vốn là người vùng Giang Tô-Triết Giang, cho nên nghe hiểu, còn một người tuy nghe không hiểu, nhưng trông cách diễn vui vẻ hoạt bát, rất hứng thú, nên cũng tâm phục khẩu phục. Thế là, Minh Minh may mắn trở thành một trong bốn nữ một nam thi được vào công ty điện ảnh Vĩnh Hoa, chỉ ít ngày sau thì lên đường đi Hồng Công. Thời ấy, Hồng Công trong con mắt người Thượng Hải là một vùng hoang vu, lạc hậu. Những người như Minh Minh, chỉ loanh quanh nơi bến tàu Thượng Hải, cho rằng ngoài Thượng Hải ra còn nữa đều là nông thôn, nghĩ Hồng Công vô cùng quê mùa. Cho nên, cô chuẩn bị hai va li to áo quần, vì phải chờ may xong mấy chiếc xường xám, đành đi chuyến tàu sau, trơ trọi một mình. Nhưng vì cô đi làm sớm, từng tiếp xúc với đủ người đủ việc, không còn lạ lẫm gì, nên cứ thản nhiên lên đường. Một cô gái trẻ xinh đẹp ra đường tự khắc có người ân cần giúp đỡ, cô lên khoang hạng ba, cơ hồ không phải đụng tay vào hai cái va li to. Có hai sinh viên đi Hồng Công để rồi tới Hawai học tập, một thương nhân, thậm chí cả một người Bồ Đào Nha da trắng thay phiên nhau ăn cơm, nói chuyện, ngắm mặt biển, xem phim trên tàu cùng cô. Một tuần trên đường không những không cô đơn mà còn rất vui. Có điều, càng đến gần Hồng Công không khí càng nóng ẩm, toàn thân nhớp nháp tưởng như trong nhà tắm, rất khó chịu. Lên bến, hai cái va li to cho vào cốp taxi, cô nhanh nhẹn ngồi vào ghế sau, vẫy tay chào tạm biệt những người bạn đường. Một người  bạn đường đóng cửa xe, làm xong nghĩa vụ cuối cùng. Xe đi vào phố phường Hồng Công.

Dù là thời chiến, Hồng Công về đêm vẫn rất đẹp. Đường phố lên xuống quanh co theo triền núi, nhà cửa lúc ẩn lúc hiện, đèn lúc sáng lúc tối, đẹp một cách kỳ ảo. Quen dần với ánh sáng và cảnh vật xung quanh, phố xá hai bên hiện rõ và cụ thể hơn, trông cũng rêu phong cũ kỹ, nhà gác làm nhô ra lối đi giống như đường Tứ Mã của Thượng Hải, phía dưới tối tăm, bốc mùi tanh tưởi của cá và các thứ khác. Theo ý khách, xe dừng lại trước một tòa chung cư. Minh Minh xuống xe, lấy hành lý, lúc này chỉ còn lại một mình. Cô không sợ, mỗi tay xách một va li, bước vào chung cư. Bất kỳ ai nếu trông thấy một cô gái đi giày cao gót, ăn mặc mốt như vậy, mà hai tay rất nhẹ nhàng xách đống hành lý nặng, ắt đều phải giật mình. Cô bước vào sảnh, một bác già ngăn lại. Bác già mặc áo đồng phục ngắn tay màu ghi nhạt, quần cộc, chân đi guốc mộc gõ lộc cộc trên nền gạch, hỏi cô tìm ai ở phòng nào. Minh Minh nghe hiểu một ít tiếng Quảng Đông, thậm chí ứng phó được đôi câu, bảo với bác già tìm công ty nào, ở phòng nào, tầng nào. Sau đấy thì nghe không hiểu nữa, phải đợi hỏi lại mấy lần, bác già còn giải thích thêm mấy lần nữa, đầu óc Minh Minh ù lên, không hiểu gì. Một tuần trên biển không say sóng, vậy mà lúc này không chịu nổi. Cô đặt va li xuống, ngồi lên đấy định thần lại. Bác già đi vào rồi quay ra, tay cầm hộp dầu Vạn Kim đưa cho Minh Minh. Cô gạt đi, chỉ xin ông một ly nước. Nước đưa ra, cô ngửa cổ uống cạn, rồi hỏi gần đây có khách sạn nào không. Bác già chỉ  chỗ, cô đứng dậy, xách hành lý, gót giày nhọn gõ lên nền gạch, chỉ giây lát đã không thấy đâu.

Phòng khách chỉ chừng bốn, năm thước vuông, chỉ có một cửa sổ trông ra giếng trời, phía đối diện có lẽ là nhà bếp, quạt hút gió chạy ù ù, đẩy hơi nóng và khói mỡ ra ngoài. Minh Minh ngồi trên giường, nghĩ xem tiếp theo phải làm gì. Cô là một người rất thực tế, không muốn tìm hiểu nguyên do nào Công ty điện ảnh Vĩnh Hoa vừa đến Thượng Hải tuyển diễn viên, lại đổ bể nhanh chóng như thế? Tìm hiểu để làm gì? Những người kia dù có là quân lừa đảo hay không thì lúc này cũng không thể làm gì nổi. Những người đi trước lúc này cũng không biết ở đâu, không sao tìm thấy. Cô chỉ còn biết tính tiền đi đường cho mình. Cái gọi là Công ty điện ảnh Vĩnh Hoa chỉ cho tiền đi cũng coi như quá lắm rồi, hai cái vé hành lý phải tự bỏ tiền ra mua. Cô vốn có một khoản tích góp, ở Thượng Hải đã sắm sanh quần áo mất quá nửa, còn thừa không nhiều. Kết quả sau khi tính toán là, cô phải tìm việc gì đó ở Hồng Công, ít nhất phải đủ tiền mua vé tàu về. Tất nhiên, có cơ hội phát triển, chắc chắn cũng không bỏ qua. Nhưng ở Hồng Công không quen ai, ngôn ngữ thì không thật thông hiểu, liệu tìm được việc gì? Cô nghĩ nhiều, nhưng không tìm ra phương sách nào, đành đi ngủ. Hai hôm tiếp theo, đã quen với hoàn cảnh, biết quặt ra góc phố kia có hàng cháo, biết ở phía Bắc nơi ở là vị trí nào của đảo Hồng Công, cô còn hứng thú ra vịnh nước cạn chơi. Ở đấy giống như một Hồng Công khác, nắng vàng rực rỡ, trời biển một màu xanh, hoa nở rộ, dù che nắng căng trên bãi cát trắng mịn, người nước ngoài, nhất là trẻ con da trắng trông như búp bê. Nhà hàng trang trí thật xa hoa, vẻ sang trọng diễm lệ của người Quảng Đông cộng với phong cách cổ điển thực dân, trai gái dập dìu ăn diện chẳng kém gì Thượng Hải. Minh Minh từ Thượng Hải đến đây, biết được thế giới phân chia nhiều thứ bậc, thứ nhất dựa vào đầu thai, thứ nhì dựa vào sức lực, cho nên cũng chẳng cảm thấy ngạc nhiên. Cô ngồi trên bức tường ngăn xây bằng đá xanh nơi bãi cát ngắm cảnh đẹp trời nam, nghĩ đến chuyện tiếp theo phải làm gì. Ngồi cho đến lúc mặt trời lặn mới đứng dậy ra về. Ráng chiều nhuộm đỏ mặt biển trông như thép nung chảy, lũ trẻ con nước ngoài reo hò, để trần cơ thể trắng muốt, chạy nhảy trong ánh chiều tà. Với Minh Minh, tất cả như người và cảnh trong tranh, không liên quan gì đến cô. Minh Minh xếp cái ô lụa trắng, rũ sạch cát trong giày, lên xe đi về. Về đến nơi ở phía bắc đảo thì trời đã tối. Ông chủ nhà đang ngồi ở quầy uống rượu gạo, với một bát cơm rang. Thấy cô về, ông hỏi có cần mua gì ăn không. Cô bảo cần, ông sai người đi xuống, chỉ lát sau đem về một tô mì bò. Cô cởi giày, đứng ngay quầy, một người trong một người ngoài cùng ăn bữa tối, uống chút rượu chủ nhà mời, tưởng đâu chủ khách thân tình lắm.

Nhà trọ này thực chất là hai đơn nguyên liền kề của một chung cư, bác già gác cửa tòa nhà có Công ty điện ảnh Vĩnh Hoa là họ hàng của ông chủ quán trọ này, nên giới thiệu cô đến ở đây. Khách của nhà trọ phần đông từ lục địa ra, có người là thương khách, có người trọ chờ tàu, lúc này còn có cả người chạy nạn. Thật ra, đó là gia đình một người Thượng Hải, chồng là công chức của một công ty nhỏ ở Hồng Công, vợ đem hai đứa con nhỏ ra lánh nạn, không ngờ chồng có vợ khác, đành để người vợ kết tóc xe tơ ở tạm nhà trọ này rồi thu xếp cho vẹn cả đôi đường. Người vợ kia không chịu lép vế thua thiệt, son phấn lòe loẹt suốt ngày rong chơi phố xá Hồng Công, tiêu xài đã có chồng, chị ta không xài thì người đàn bà kia cũng xài mất. Anh chồng cũng khổ sở lắm, người thì thấp bé gầy còm, mới ba mươi tuổi mà tóc đã rụng, mặc bộ đồ Tây nhạt màu, vì trời nóng bức, mồ hôi ra vàng nách áo. Minh Minh nhìn anh ta, nghĩ bụng nuôi vợ bé cũng cần phải lượng sức mình. Bất giác cô thốt lên: nghiệp chướng! Anh chồng đang mở cửa, chợt nghe thấy tiếng Thượng Hải, quay lại nhìn Minh Minh. Lúc ấy mới nhận ra anh có đôi mắt một mí, mí mắt dưới hơi mọng lên, không cười cũng như cười. Nhưng kiểu mắt ấy không cần già, chỉ thêm vài tuổi nữa, sẽ lập tức có bụng mắt chảy xệ. Tưởng đâu anh ta đang cố níu kéo tuổi xuân ngắn ngủi để tận hưởng cuộc đời. Thậm chí ở đây Minh Minh còn gặp đồng nghiệp, một đôi trai gái Hoa kiều người Manila đi Thượng Hải học kịch phương Tây. Trong con mắt hiểu biết của Minh Minh, ngờ rằng đôi trai gái này bỏ nhà đi với nhau. Tuy hai người tuổi tác và tướng mạo tương xứng, song xuất thân có phần chênh lệch. Cô gái là tiểu thư con nhà giàu, mặc đồ học sinh, nhưng ngón tay đeo nhẫn mặt ngọc, không phải là thứ của học sinh vẫn dùng. Có lúc cửa không đóng, thấy anh kia đang đánh xi đôi giày trắng của cô bạn, tay chân ngượng ngùng nhưng lại rất ân cần, cô gái thì tựa giường đọc sách. Anh con trai điển hình một người Nam Dương, khung xương nhỏ gầy, khuôn mặt dài, da đen, ngũ quan rất nét. Anh ta mặc đồ Tây trắng, đầu đội mũ cối trắng. Cách ăn mặc nho nhã càng lộ ra nét ấu trĩ ngây thơ, một đứa trẻ chưa kịp lớn. Bộ đồ ấy là sự tận lực của một gia đình nghèo, tưởng đâu cả gia sản lúc nào cũng ở trên người. Hai người ở mấy hôm rồi đi, hình như mua vé tàu đi Thượng Hải. Xem ra, chỉ còn Minh Minh và người phụ nữ Thượng Hải kia ở lâu dài. Đã qua hai tuần lễ rồi Minh Minh đi khắp đảo Hồng Công, đến một cửa hàng bách hóa gần trung tâm để dự tuyển nhân viên bán hàng, chủ đòi văn bằng trung học cơ sở, cô đâu có. Đành phải thôi. Ở con phố hẻo lánh phía sau, một xưởng may treo biển tuyển thợ, nhưng Minh Minh không biết may. Cô cũng đã vượt biển sang Cửu Long một chuyến, cảnh tượng bên Cửu Long càng thê thảm hơn, nhà cửa xiêu vẹo, cống rãnh ngay trước hiên nhà. Một cô gái ăn mặc tươm tất như cô bước vào những con hẻm chằng chịt như mạng nhện sẽ gợi nhiều ánh mắt tò mò khả nghi. Có người hỏi có phải cô đi tìm việc làm. Cô vờ nghe không hiểu, lại vờ như đi tìm người, cuối cùng đi ra. Tối hôm ấy cô lại ngồi trước quầy uống rượu với ông chủ nhà trọ, nhưng thức nhắm do cô mua, lạc rang và khô cá. Ông chủ nhà là người quen duy nhất ở đây. Cô đã nhờ ông đưa hai cái xường xám ra tiệm cầm đồ. Ông chủ vừa rũ hai cái xường xám lên kệ tiệm cầm đồ, đúng là căn phòng như bừng sáng. Trong lòng ông cũng tiếc cho cô gái, một con người xinh đẹp, thông minh, nhanh nhẹn không nên rơi vào cảnh ngộ này. Ông cũng muốn giúp, biết rằng cô rất muốn có việc làm, nhưng không biết người như cô liệu thích hợp với công việc gì. Đắn đo mãi, ông khuyên cô đi làm vũ nữ ở vũ trường. 

Ông già chỉ quen với củi lửa mắm muối, không có quan hệ gì đến chuyện nhảy múa, chẳng qua chỉ gợi ý thế thôi, rồi chỉ cho cô mấy chỗ. Không ngờ, đi cho mòn đường nát cỏ, cuối cùng lại dễ dàng đến thế, không tốn công sức là mấy. Minh Minh mới đến nhà đầu tiên đã được nhận ngay. Cô không nghĩ phải làm cao một chút, cần đi vài chỗ để so sánh. Cô đồng ý, hôm sau đi làm ngay. Tuy là thời chiến, mọi việc buôn bán đều hiu hắt tiêu điều, nhưng vũ trường thì vẫn sôi động, có phần giống như sống say sưa mơ màng trước khi đại nạn giáng xuống. Hồng Công lúc ấy chẳng khác nào Casablanca, đường phố đầy dân tị nạn, rồi từ đây tràn đi các ngả. Song phàm những người có thể chạy loạn hoặc có tiền, hoặc có sức, ở cái nơi tạm trú chân này làm gì thích hợp nhất đây? Làm khách khiêu vũ. Khách đến vũ trường, người Thượng Hải không ít, cho nên, những tiểu thư Thượng Hải như Minh Minh rất được hoan nghênh. Thế mà, không ai ngờ, Minh Minh biết hát, biết diễn kịch nhưng lại không giỏi khiêu vũ. Hồi còn ở Thượng Hải cũng cùng anh chàng si mê kia đến vũ trường vài lần, nhưng đều là anh dìu cô. Minh Minh vốn khéo léo nhẹ nhàng, nhưng khi bước vào sàn nhảy lại cứng như gỗ, không nhảy với cô thì không biết. Giẫm lên chân khách vài lần, đụng vào người khác dăm bận, nên phải ngồi nhiều, ít được mời nhảy. Một nửa thời gian phải ngồi chờ, lấy mấy tấm vé khiêu vũ làm quân bài chơi. Quy định ở vũ trường này cũng giống với Thượng Hải, lĩnh lương theo vé, cứ như Minh Minh thì không được bao nhiêu, chỉ đủ trả tiền nhà trọ, đừng nói đến tiền mua vé tàu về Thượng Hải.

Vũ trường nơi cô làm ở ngay cảng Đồng La, thuộc loại trên trung bình, tất nhiên không thể so sánh với Bách Lạc Môn hoặc Tiên Lạc Ty của Thượng Hải, nhưng cũng tương đối đông khách. Mấy tầng dưới là quầy hàng bách hóa, mấy tầng trên cùng là nhà dân, cửa sổ quay ra đường, tiếng ồn của phố xá tràn vào, thỉnh thoảng tiếng chuông tàu điện lẫn với tiếng nhạc. Đèn như sao sa, không sáng như ban ngày nhưng cũng là cảnh đêm huyên náo. Đèn nê ông xanh đỏ tím vàng, màu sắc thì quê mùa, vẫn là màu tối, nhưng chụm lại thành chùm, cái bật sáng cái tắt đi, trông cũng nhấp nháy bắt mắt. Khách đến khiêu vũ cũng có phần quê mùa, nhất là người địa phương, phần nhiều là đen, gầy, quê. Người Quảng Đông có khuôn mặt của kẻ đi làm ăn, tướng mạo khắc khổ, không thích hợp với những nơi ăn chơi nhảy múa. Người từ nội địa ra, phần đông bị bưng bít lâu ngày, lúc này được mở mang tầm mắt, trông ai cũng có dáng vẻ rụt rè hoặc chậm chạp. Có vài khách nhảy già trông ăn chơi hơn, nhưng cũng có tuổi, chỉ nhảy đôi bài rồi từng cặp một biến mất. Cho nên, Minh Minh ngồi buồn, thứ nhất vì nhảy không giỏi, cũng vì tính kiêu ngạo, nên không kiếm được. Nhưng đấy cũng là tính cách của Minh Minh, đến đâu cũng rất tự tin, không chịu lép vế. Mới đấy mà đã làm được mấy tháng, việc về lại Thượng Hải trở thành bong bóng. Thượng Hải cũng không còn ai nhớ đến cô, những người như cô từ thuở nhỏ đã sống với bè bạn, không ở với người nhà, giống như người không cha không mẹ. Thân ở Hồng Công, nhưng người và đất thì xa lạ, làm vũ nữ đều dùng biệt danh, cái tên Tiếu Minh Minh không rõ là trai hay gái, không có màu sắc. Vậy là, giữa thế giới ồn ào, con người cô như bị đánh mất, không tiếng không tăm, không tìm đâu thấy. Nhưng không ngờ, vẫn có người nhớ đến cô. Tất nhiên, nhớ không thôi không đủ, phải có cơ duyên, cơ duyên gặp lại, vớt cô lên từ giữa biển người. Đấy là con người từ mấy năm trước, trong buổi tuyển sinh trường kịch, hỏi Minh Minh “tên cái chi?”

Người này ăn mặc chải chuốt, nhà mở xưởng làm bột mì, mua ruộng đất ở vùng trồng lúa mạch Từ Châu, thuê nông dân cày cấy, đưa lúa mạch về Thượng Hải gia công chế biến, bán khắp cả nước và vùng Đông Nam Á. Đời tổ phụ là nhà thực nghiệp, nên tư tưởng cũng cởi mở, không buộc con cái phải theo nghề buôn bán kế thừa gia nghiệp, mà cổ vũ tiếp thu giáo dục khoa học phương Tây. Có thể đó là kinh nghiệm từ thời loạn lạc, ruộng bề bề không bằng nghề trong tay. Cho nên, lớp con cháu bất luận trai hay gái đều phải học, trai học cơ khí hoặc hỏa xa, hoặc học về hóa chất, phần lớn đều xuất dương du học; con gái lấy chồng làm việc sở Tây. Chỉ có người này, không có tiền đồ. Học hành không chăm chỉ, chỉ thích văn nghệ. Các vị tiền bối ở nhà rất ghét những chuyện vô bổ và hay thay đổi, cấm chỉ anh đến xưởng phim Đại Thế Giới và nhà hát. Nhưng chân mọc ở người, lại không còn là trẻ con, muốn giữ không giữ nổi, vậy là gia đình đành nghĩ thoáng hơn, coi anh như lúa hoang ngoài đồng, không trông mong gì, mặc anh phát triển. Anh được tự do, công khai không làm bài vở, bỏ học, chuyên làm văn nghệ. Về mặt này, anh không có tài nghệ gì, chỉ nhiệt tình và ham thích. Nhưng như vậy cũng tốt, anh không thiên kiến cao thấp sang hèn gì với nghệ thuật hí khúc, tất cả đều coi trọng, chỉ cần hát xướng, đàn địch, nhảy múa, không có liên quan gì đến sinh kế, hư cấu, không tưởng, lấy giả làm thật, lấy thật làm giả, anh chấp nhận tuốt. Tuy không biết gì, giọng thì khàn khàn, người gầy, khô, vàng, không ra sao, nhưng có sở trường riêng. Anh hiểu nhân tình thế thái, ấy là “sân khấu là thế giới nhỏ, thế giới là sân khấu lớn.” Nhất là đối với kịch hiện đại, không như Kinh kịch, Côn khúc có lớp lang trình thức, có tiếp nối, từng màn rõ ràng, tất cả đều dựa vào diễn viên tạo nên tình tiết. Anh có giảng tình tiết kịch cho diễn viên thì cũng không đi vào trọng tâm, mà nói chuyện trời nam bể bắc, cổ kim đông tây. Xong cũng không đòi thù lao, vì ban kịch đều rất nghèo, với lại xưa nay cũng không có mức thù lao nào cho đạo diễn, ngược lại anh còn mời trà nước, thậm chí ra nhà hàng mở tiệc chiêu đãi. Vì anh nghiện nói, chỉ sợ nói không có người nghe. Vai trò của anh giống như Tề Như Sơn ở Bắc Kinh, nhưng Tề Như Sơn là bậc đại lão của triều đình xưa, có học, thông hiểu quốc kịch, có tiếp xúc, gặp được nghệ thuật gia hạng nhất Mai Lan Phương, cho nên mới thành đại sự nghiệp, trong nước ngoài nước đều biết tiếng. Còn anh ta ở một nơi như Thượng Hải, tuy mới đấy, nhưng nông cạn, hời hợt, còn xa mới lên đến đỉnh cao. Nhưng anh cũng giống như Tề Như Sơn tiên sinh, giảng giải nhân tình, nhân sinh trong kịch, không xa rời ý nghĩa. Lâu dần, anh cũng tô vẽ được tên tuổi trong làng kịch Thượng Hải. Đúng là anh rất yêu thích nghệ thuật, diễn ở đâu anh cũng có mặt, thậm chí đi các nơi xa. Lúc này, nghe nói Hồng Tuyến Nữ ra Hồng Công diễn việt kịch, anh đến công ty bột mì nhận nhiệm vụ đi Hồng Công thị sát tình hình tiêu thụ bột ở ngoài ấy, chi tiền cùng mấy người bạn ra Hồng Công xem hát. Đến Hồng Công rồi mới biết tin đồn thất thiệt, nhưng đã ra đến đây cũng phải ở chơi ít ngày. Tối hôm ấy, anh uống trà ở vịnh Đồng La, nhân tiện rẽ vào vũ trường, và đã gặp lại người quen cũ.

Lúc mới vào, Minh Minh đang ngồi trong bóng tối, dùng vé vũ trường chơi trò đánh bài của trẻ con trong ngõ. Cô mặc xường xám gấm màu ánh bạc không tay, mái tóc uốn rất ngắn, tém sát sau tai, để hở đôi hoa tai mặt đá lấp lánh theo nhịp tay. Vị khách mới vào cảm thấy tình tiết này thật thú vị, ngồi trơ một mình nhưng vẫn tự vui, bất giác để ý. Cô gái cảm giác có người nhìn mình, cũng quay lại, hai người cùng thấy quen quen, nhưng vẫn chưa nhận ra ngay. Khách hỏi: xin vui lòng nhảy một bài. Minh Minh bỏ vé khiêu vũ đấy, đứng dậy, ra nhảy với khách. Vừa đi được vài bước, khách nói một mình bằng tiếng Thượng Hải: nhảy chẳng ra sao. Minh Minh lập tức trả lời bằng tiếng Thượng Hải: em không xuất thân khiêu vũ. Câu trả lời khiến khách phải ngớ ra, tưởng như đã quen, hơn nữa lại là người Thượng Hải. Anh cúi xuống nhìn, nhận ra người quen, nói: thì ra cô, tại sao lại ra đây? Minh Minh thoáng chút nghi ngờ, vì cô gặp nhiều người Thượng Hải, không biết con người này ở đâu. Khách nhắc, ở đâu, lúc nào, hai người đã nói gì với nhau. Minh Minh thở dài: anh Hai nói đúng rồi, “tên cái chi” cũng không phải nữa. Khách nói: lùi một vạn bước, tóm lại vẫn là “chó cún mèo con.” Vậy là, hai người có được lối xưng hô suốt đời: “anh Hai” và “chó cún mèo con”. Cách xưng hô ấy đã nói lên một cách tốt nhất quan hệ giữa hai người, mở đầu ân nghĩa, kết thúc ân nghĩa, khoảng giữa không đi đường vòng. Minh Minh xem thường tướng mạo của anh Hai, còn anh Hai thì sao? Gia đình cho phép anh chơi bời, nhưng không thể đồng ý cho anh lấy một diễn viên kịch hiện đại, bản thân anh cũng không nghĩ đến chuyện ấy, vì vậy cuối cùng cũng không đi cùng đường với Minh Minh. Cũng vì không nghĩ đến hôn nhân, nên hai người là bạn suốt đời.

Anh Hai mua vé tàu cho Minh Minh về Thượng Hải, còn chuộc cho cô hai cái xường xám ở tiệm cầm đồ. Chỉ có điều Hồng Công trời nóng, áo quần để ở hiệu cầm đồ nhiều, không tránh khỏi bị nhậy cắn. Vậy là, cuối tuần tình cờ gặp anh Hai, đầu tuần sau lên tàu về. Giữa đi và về, hơn nửa năm chớp mắt trôi qua, Minh Minh cảm thấy dài như một đời người. Đất Hồng Công không có gì để cô phải lưu luyến, chỉ toàn ẩm thấp, nóng bức, không như ý. Duy có chủ nhà trọ, một ông già nhân từ, nghĩ đến lại cảm thấy ấm lòng. Cái thứ rượu gạo chua chua của ông già, hai người một đứng một ngồi, uống với nhau vài ly, uống bao nhiêu cũng không say, chỉ thấy phấn chấn, những đêm những ngày nỗi buồn bám chặt, khiến cô hiểu thêm cuộc đời.

Chừng như vừa bước lên bờ thì gặp ngay chiến tranh Thái Bình Dương, đất liền mặt biển bị phong tỏa. Nóng ruột vì anh Hai kẹt ở Hồng Công không biết thế nào, kỳ thực anh đã đáp máy bay về đến Thượng Hải trước cô một ngày. Nhưng phải mấy năm sau hai người mới liên lạc được với nhau. Về đến Thượng Hải, Minh Minh quay trở lại nghề cũ. Gặp lúc mấy đoàn kịch độc diễn và kịch hiện đại hợp nhất, đi diễn ở Tô Châu, cô lập tức tham gia. Tuy xa một thời gian không dài, nhưng hài kịch đã có sự đổi mới, kịch độc diễn và kịch hiện đại hợp nhất, dựng nên nhiều vở hài kịch lớn. Điều này chỉ có lợi cho Minh Minh, vì cô xuất thân là diễn viên kịch hiện đại, biết diễn, nhưng không sở trường cười to. Hơn nữa, từ Hồng Công về, trải qua một lần rèn luyện, cô khéo léo hơn và cũng sắc sảo hơn. Đầu tiên chỉ vào vai mặc áo thụng vô danh, nhưng cô đã diễn vô cùng sống động, vậy là vai diễn được phân mỗi ngày một nhiều thêm, vai diễn không những có tên có tuổi mà còn xuất hiện ở hàng trước, cái tên “Minh Minh” được đưa lên quảng cáo. Hồi ấy, Minh Minh bớt dần vẻ trẻ con, mặt cũng đầy đặn hơn, làm thay đổi nét thanh tú nhu mì trước kia, trông ra dáng dấp phụ nữ. Hồi ấy đang thịnh hành mốt tỉa lông mày cong, cô cũng tỉa thật nhỏ thật cong đôi hàng lông mày, trông có phần lẳng lơ. Người cũng đầy đặn hơn, xường xám may trước đây đều hơi chật, trong tay không sẵn tiền, chưa kịp may mới, mặc lên người, đường cong nổi rõ, nhưng cũng chưa đến mức chật quá, nhìn quen lại có vẻ đẹp riêng. Đoàn kịch diễn ở nhà hát lớn Tô Châu liền mươi bữa nửa tháng, nhà hát Vô Tích lại đến đón, vậy là cả đoàn đến Vô Tích. Sau Vô Tích đến Thường Châu, cứ đi đi lại lại tuyến Thượng Hải - Ninh Ba. Úc Tử Hàm xuất hiện trong dịp này.

Gia đình ấy vốn là một đại gia vùng Nam Tô Châu, chỉ có điều đã suy tàn. Cứ như nhà họ Úc, những hộ nhỏ không nói làm gì, đã nghèo túng lắm rồi mà vẫn không chịu từ bỏ lề thói, trong nhà vẫn giữ nhiều tật quái dị của loại gia đình dòng dõi. Từ nhỏ không mặc áo ngắn, không ăn thịt thủ, lòng lợn, từ già đến trẻ không ai buôn bán, không học nghề thủ công. Nhưng thật ra, truyền thống canh độc vi bản(1)_ đến thời cận đại, nói thì dễ làm thì khó, “canh” thì không có ruộng đất, “độc” thì sao? Phần nhiều phải có chỗ dùng. Cho nên, người trong nhà đa số rỗi rãi, sống nhờ vào một chút địa tô, học tư thục vài năm, vì không có tiền tiêu, cho nên suốt ngày đóng cửa ngồi nhà, không biết gì thế giới bên ngoài. Đến lúc có chiến tranh, không thu được tô mấy mảnh ruộng ở ngoại thành, đành cho thuê mấy gian nhà phía trước. Cho ai thuê? Cho đoàn hài kịch Thượng Hải thuê. Nhà họ Úc không mở cửa thì thôi, hễ mở là cả một thế giới ồn ào náo nhiệt. Sinh hoạt của đoàn kịch lúc nào cũng ồn ào khác thường, buổi sáng ngủ, ngủ cho đến hai, ba giờ chiều, lúc ấy mới uể oải dậy, súc miệng rửa mặt, phơi áo quần ở sân, thỉnh thoảng lại hát lên vài câu. Bốn năm giờ chiều kéo nhau ra rạp điểm danh, đi cho đến mười một, mười hai giờ đêm mới về. Tan buổi diễn ở rạp, lúc ấy mới bắt đầu buổi diễn ở nhà. Trai gái ngồi đầy sân, ăn uống, chuyện trò, nói không to, phải chiếu cố hàng xóm, nhưng giọng điệu vui vẻ. Sự hưng phấn của buổi biểu diễn chưa qua, lại vừa được ăn đêm, bữa đêm là bữa chính trong ngày, ăn rồi phải để tiêu hóa. Họ ngồi đến hai, ba giờ sáng mới buồn ngủ, sau đấy mới về phòng. Ánh trăng Tô Châu hình như mát mẻ dịu dàng hơn, người cảm thấy khoan khoái, cơn buồn ngủ cũng rất dễ chịu. Nhà chủ thường đi ngủ sớm, vì không có việc gì, thêm vào đó là đói rét. Nhưng cả ngày nhàn nhã, cũng không ngủ nhiều được, cho nên về đêm người nằm trong bóng tối, nhưng tai vểnh lên nghe ngóng động tĩnh. Cánh nghệ sĩ ngồi với nhau, chuyện trò hát xướng, trong đó có giọng nữ khàn khàn hát nghe rất ỡm ờ, hát được các làn điệu địa phương, bài hay nhất là “Đánh mạt chược”, trong đó có đoạn dùng lời quan thoại Tô Châu giống y hệt. Đến chiều hôm sau, nghe có tiếng động ngoài sân, người nhà chủ thắc thỏm, ngó qua khe cửa, so sánh người và tiếng đêm qua.

Minh Minh ra đổ nước rửa mặt, nhìn thấy cửa sổ nhà chủ, một góc rèm vén lên, một thiếu niên đang ngây người ngó ra. Trước khi cậu ta thấy Minh Minh thì Minh Minh đã trông thấy. Cảm giác vui vui, liền cười. Cậu thiếu niên bối rối, vội bỏ tay buông rèm, không thấy gì nữa. Dáng vẻ giống như tiểu thư khuê phòng, rất lý thú, Minh Minh lập tức có ấn tượng. Lần thứ hai trông thấy cậu chơi nhảy dây với em gái ở sân. Một sợi dây thừng thắt nút hai đầu, hai tay dang rộng, cùng nhảy với bạn, nhảy đẹp như một cánh hoa, không bị rối. Đó là trò chơi của con gái, nhưng cậu thiếu niên này mặc áo dài xanh lơ, đứng dưới bóng cây lê, đúng là giống một cô gái xinh đẹp. Chợt trông thấy Minh Minh, mặt cậu ta đỏ bừng. Bất giác Minh Minh cười thầm. Ngày thứ ba, Minh Minh bắt chuyện, hỏi có thích xem kịch không, cô sẽ đưa đi xem. Cậu ta chắp hai tay sau lưng, đứng tựa cửa, xấu hổ mặt đỏ nhừ. Lúc này Minh Minh nhìn rõ dáng người, khuôn mặt trái xoan, vì đời sống thanh bạch mà nước da trắng trẻo, trắng gần như trong suốt. Sống mũi rất cao, cặp mắt dài, mắt một mí, làn môi mềm mại, cằm lẹm. Khuôn mặt thật thanh tú! Cậu ta không ngờ Minh Minh nói chuyện với mình, luống cuống không biết làm gì, cuối cùng lùi vào trong cửa, đã vào rồi còn ngoái lại lén nhìn. Minh Minh cũng thò đầu vào ngó, cả hai cùng cười, có đôi chút ngầm hiểu nhau. Sau đấy, mỗi lần gặp Minh Minh, cậu ta vẫn cố tránh. Gặp lúc Minh Minh vui, cô đi nhanh tới như trêu trẻ con, làm bộ đuổi theo, giống như một trò đùa vui. Không ngờ, khi đoàn kịch đã rời Tô Châu đến Vô Tích, một hôm, Minh Minh đang trên đường đến rạp hát, chợt thấy phía trước có một thanh niên dáng hao gầy, chính là cậu ta. Minh Minh giật mình. Nói chung, mỗi nữ diễn viên đều có vài người mến mộ, không thiếu người theo đuổi, nhưng trường hợp này lại không thế, con người này chưa đi khỏi nhà bao giờ, vậy mà dám đến Vô Tích. Bất giác Minh Minh ngớ ra, trước kia chị em trong đoàn vẫn đùa vui trao đổi các chiêu ứng phó với nhau, nhưng lần này không dùng được chiêu nào. Hai người đứng ngây ra một lúc, cậu thiếu niên kia lên tiếng trước, giống như xưng danh khi ra sân khấu: em tên là Úc Tử Hàm.    

Minh Minh có phần xem thường sự từng trải của Úc Tử Hàm. Tuy cậu ta không đi đâu, không hiểu biết thế sự, nhưng lại hiểu biết chuyện trăng gió, ấy là đọc trong sách. Theo lệ thường, những gia đình quan cách nền nếp không có những sách ấy, nhưng tuổi trẻ ở nhà buồn tẻ, nhiều thời gian biết làm gì cho hết? Vậy là, lớn lôi kéo bé, trai lôi kéo gái, hoặc xem, hoặc kể, những là Hồn Ngọc Lê, Giọt lệ nhân duyên, Nụ cười duyên số, Sóng nước mùa xuân... Người ngoài thì không biết, trong nhà vợ chồng đùa vui giận dỗi, tình tiết giống như lấy ra từ tiểu thuyết. Tử Hàm là con trai nhỏ nhất của gia đình, còn lâu mới đến ngày lấy vợ, tiểu thuyết đọc rồi không có đất dụng võ, chỉ biết thường xuyên diễn tập trong lòng. Lẽ ra chỉ diễn tập, bất ngờ một đoàn kịch Thượng Hải tới, đưa đến một đám trai gái tưng bừng sôi nổi, trong đó có Minh Minh.

Tử Hàm mê Minh Minh thật rồi! Nhà cậu ta tính tình ai cũng dịu dàng, lại ít hiểu biết, đọc truyện đến mê mẩn, lời nói hành động giống như trong mơ. Tử Hàm chưa bao giờ gặp ai như Minh Minh, một con người hoạt bát. Mẹ và chị bàn tán nhiều về Minh Minh, nói cô tầm thường. Nhưng Tử Hàm lại thích cái “tầm thường” ấy. Cuộc sống của cậu và gia đình quá lặng lẽ, lặng lẽ đến mức nhạt nhẽo. Đoàn kịch Thượng Hải đi rồi, áo quần các màu phơi ở sân không còn, trên nền gạch xanh không còn bóng người lại qua, trống vắng vô cùng. Tiếng ríu ra ríu rít về đêm đã hết, không phải yên tĩnh, mà là xôn xao hơn, xôn xao tâm trạng. Tử Hàm dốc sạch ống tiền để dành, lại vay thêm ống tiền để dành của em gái. Đấy là tiền mừng tuổi vào dịp Tết, không biết dùng vào việc gì, cũng không nghĩ sẽ dùng vào việc gì. Tử Hàm không ngờ, hai ống tiền mua được một cái vé tàu đi Vô Tích, chỉ thừa lại vài đồng. Tiền đã tiêu như thế đó. Có thể coi đấy là nhận thức đầu tiên  của Tử Hàm đối với thế giới bên ngoài. Cho nên, Minh Minh đánh giá cao việc Tử Hàm đến Vô Tích tìm mình. Không phải Tử Hàm dũng cảm, mà là không biết gì, hoặc nói vì không biết gì nên dũng cảm. Những ngày sau đó, Minh Minh dần phát hiện, con người bẽn lẽn ấy còn vô cùng quả cảm. Nói gì đi nữa, cậu thiếu niên yếu đuối chưa ra khỏi nhà bao giờ, có thể đến được Vô Tích, lại hỏi thăm được rạp hát nơi đoàn đến diễn, tìm được đường đến rạp, gặp được Minh Minh, cũng có thể coi là cử chỉ đẹp. Sau đấy, Tử Hàm ở cùng đám nam diễn viên, buổi tối cùng mọi người ra rạp, ngồi bên cánh gà, ngồi bên dàn trống kèn. Tử Hàm không mê hát lắm, cậu xuất thân là người đọc tiểu thuyết lãng mạn, thuộc phái theo chủ nghĩa thương cảm. Hài kịch ồn ào, đông chật dân kẻ chợ thô bỉ, thiếu sức tưởng tượng. Rạp hát thì lộn xộn, bẩn thỉu, cũng rất thô bỉ. Nhưng không sao, chỉ cần Minh Minh thôi. Giống như đứa trẻ quen bầu vú mẹ, có chút gì đó không muốn rời ra. Mẹ Tử Hàm tính tình vốn lạnh lùng, khiến cậu không cảm nhận được tình mẫu tử.

Có thể coi Tử Hàm trong cuộc sống nghề nghiệp của Minh Minh là sự khác biệt. Phần đông nghệ sĩ mang hơi hướng thành thị, lại diễn hài kịch, diễn toàn chuyện ngày nay. Không giống như Kinh kịch, Côn khúc, là người cổ chuyện cổ, xa với thế tục. Họ như đắm mình trong cuộc sống sân khấu và đời thường. Đời sống của diễn viên cũng thật khắc nghiệt, thậm chí có lúc thua cả ăn mày, phải tập luyện cho rắn rỏi, đâu có yếu ớt non nớt như Tử Hàm. Dù là con nhà giàu có bị sa sút, nhưng vẫn giữ nền nếp gia phong, gia đình cách biệt, khép kín với thế gian, nên không bị hao mòn bởi sự biến đổi của thời cuộc. Tử Hàm, với người trong đoàn kịch, tựa như người khách đến từ ngoài bầu trời, nói gì đến băng thanh ngọc khiết. Minh Minh không coi những người trong đoàn kịch là tầm thường, cô lớn lên cùng với họ, họ đều là bậc cha chú anh chị. Minh Minh rất quý mọi người, sống rất hồn nhiên, cùng vui đùa cãi cọ, nhưng không bao giờ vượt quá giới hạn. Rất kính yêu, sự kính yêu vẫn thường thấy trong các gia đình. Tình cảm của Minh Minh đối với Tử Hàm có thể gói gọn trong hai chữ: yêu thương. Nhưng không phải sự yêu thương như của người mẹ, thậm chí cũng không phải là sự yêu thương giữa trai và gái trong yêu đương, mà đơn thuần, là một người đối với một người. Giống như trên sân khấu việt kịch, tình cảm của vai nữ đối với vai nam, coi mình là nam, nhưng biết mình đích thị là nữ. Không phải đồng tính luyến ái, nói đồng tính luyến ái là quá chung chung. Những người sống bằng nghề son phấn hát xướng có thể quen với tình yêu trai gái, coi tình yêu chẳng là chuyện gì, họ chỉ bị hấp dẫn bởi những tình cảm đặc biệt. Tử Hàm ngồi bên cánh gà, người và vật qua lại trước mắt, nhìn mà không thấy, chỉ chăm chú vào Minh Minh. Mỗi lần Minh Minh từ ngoài sân khấu bước vào phía bên này, Tử Hàm đều mỉm cười với cô. Xem ra, cậu không quen cười, mỗi lần cười đều đỏ mặt, giống như cười khó chịu, thật ra là cái cười trinh nguyên.

Cứ nghĩ Tử Hàm đến vài hôm rồi về Tô Châu, nhưng cậu không nhắc nhở gì đến chuyện về. Kỳ lạ hơn, người nhà cũng không đi tìm, hoặc cảm thấy bữa ăn thiếu mất một người. Với một gia đình ngồi ăn sơn long núi lở, kết quả cuối cùng có thể là mọi người sẽ bỏ đi. Cứ vậy, sau đợt diễn ở Vô Tích, cậu theo đi Thường Châu, rồi đến Thái Thương, Côn Sơn, lại về một rạp khác ở Tô Châu. Tử Hàm về nhà lấy thêm áo quần, bẻ một cành hoa lê trong sân rồi quay lại đoàn kịch. Hoa lê tặng Minh Minh, cắm vào một cái bình thủy tinh. Mọi người đều bảo cậu này si mê mất rồi, nhưng đều thấy đấy là sự si mê đẹp. Sau đợt diễn ở Tô Châu, một số người đi Vô Tích, lập một đoàn khác, còn lại về Thượng Hải. Minh Minh để Tử Hàm ở tạm nhà thầy dạy nghề, cô và chị em trong đoàn ở trong một gian xép không thể thêm nổi ai. Buổi chiều, cậu vẫn đến rạp, vẫn ngồi bên cánh gà xem Minh Minh diễn. Tử Hàm không cảm thấy có chuyện gì, nhưng Minh Minh lại thấy đây không phải là cách lâu dài. Diễn từ các địa phương về, coi như kết thúc chuyến du lịch trăng mật, bắt đầu với cuộc sống thường nhật. Minh Minh đi tìm anh Hai. Minh Minh xem anh như người nhà, ngoài anh ra liệu còn ai có được giải pháp hay, liệu còn biết trao đổi với ai? Minh Minh nói, Tử Hàm còn quá trẻ, phải có bản lĩnh lập thân mới có thể tồn tại dài lâu ở đời được. Anh Hai thì nghĩ theo hướng khác. Không giống với nếp giản dị đôn hậu của những vùng khác, Thượng Hải đô hội đông vui, với người tỉnh lẻ xa xôi vừa được mở tầm mắt, vừa bị kích thích mạnh, rất nguy hiểm nếu để nhàn rỗi. Còn làm gì thì hai người rất nhất trí, phải học. Vấn đề là học gì? Tử Hàm đã có vài năm học trường tư thục, không bằng học ở các trường công lập, cũng phải học một chút thực tế để tìm việc làm. Anh Hai đưa ra ý kiến, đi Bắc Bội học kế toán ở trường Lập Tín, thân thích của anh là một trong những vị lãnh đạo nhà trường, anh nói để Tử Hàm được vào học miễn thi tuyển. Trường kế toán Lập Tín có chương trình cơ bản ba năm, rất nổi tiếng, học sinh tốt nghiệp đều tìm được việc làm đúng ngạch. Với lại, học ở Bắc Bội còn hơn học ở Thượng Hải. Các trường ở Thượng Hải có nhiều học sinh chơi bời, học chữ không vào, nhưng học thói đua đòi hư hỏng lại nhanh. Minh Minh nói kế hoạch ấy với Tử Hàm, anh Hai cũng ngồi đấy. Phản ứng của Tử Hàm tương đối lạnh nhạt, chừng như không vừa ý. Minh Minh khuyên giải, vẽ ra một tương lai: sau ba năm học, có bằng cấp về lại Thượng Hải, đến lúc ấy chiến tranh có khi đã kết thúc, sẽ tìm việc trong các sở Tây, ngày ngày xách cặp đi làm, mặc đồ Tây, đeo kính trắng gọng vàng. Cô nói như dỗ trẻ con. Anh Hai nhìn, một vài lần bắt gặp ánh mắt Tử Hàm, không biết đa nghi hay thật vậy, ánh mắt Tử Hàm như trách móc, hình như biết đây là ý của anh Hai, biết cả dụng tâm của anh Hai. Anh Hai không khỏi cảnh giác với con người sinh ra trong một gia đình dòng dõi thế gia. Anh Hai nhìn Minh Minh, nói hết mọi nhẽ, xin miễn cho một nửa học phí, lại chi tiền đi đường. Minh Minh đưa cậu ra tận Cửu Giang, hai người chia tay nước mắt lưng tròng. Tử Hàm mới cắt tóc, cắt hơi ngắn, trông khác đi. Vẻ mặt già dặn hơn, lông mày hơi cau lại. Minh Minh chỉ cảm thấy cậu ta đáng thương, không đủ buồn thương. Chẳng biết đường đi thế nào, cho nên, từ ngày ở Hồng Công về tích góp được một ít tiền, cô đưa cả cho Tử Hàm. Tử Hàm cầm số tiền kia, số tiền không nhiều, cậu gấp lại, tiện tay cho vào túi quần bên dưới áo dài. Vậy là hai người chia tay, không biết ngày nào mới gặp lại. 

Họ gặp lại nhau vào năm thứ hai sau ngày chiến tranh kết thúc, thời gian đã trôi qua bốn năm. Thật ra, Minh Minh đã bàn chuyện yêu đương, hôn nhân với một người làm ở Công ty Con Sò. Người này cũng do anh Hai giới thiệu, người Quảng Đông, mồ côi từ nhỏ, được vợ chồng một người cô giàu có nuôi dạy trưởng thành, học xong bậc trung học, vào thực tập ở một sở Tây. Bản tính cần cù, cố gắng, từng bước đi lên, vào làm cho Công ty Con Sò, phụ trách một bộ phận nhỏ, đến nay đã ba mươi. Người con gái theo nghề nghệ thuật ít ai tìm chồng cùng nghề, bởi cùng biết cái vất vả và không ổn định của nghề. Nói chung đều tìm một người thành thật, có công việc kha khá, không cần tiền nhiều, tự các cô cũng có chút dành dụm, cũng biết tiền đem lại hạnh phúc, nhưng cũng đem tai họa đến. Tóm lại, muốn có một gia đình yên ổn. Con người này đúng như mong muốn, hơn nữa, xuất thân không phải gia đình danh giá, không còn cha mẹ, không thành kiến với nghề nghiệp của Minh Minh, sau khi lấy nhau, cô vẫn đi diễn. Trong chuyện này, người kia không có ý kiến trái ngược. Cuối cùng là anh Hai, con người tinh thông thế sự, cũng hiểu “Chó cún mèo con”. Hai người gặp mặt, cảm thấy mến nhau. Người kia có cái dáng điển hình Quảng Đông, gò má cao, má hóp, nhưng làm ở một công ty lớn, tập cho mình cái tính quy củ, nền nếp. Đồ Tây thẳng nếp, cổ áo, tay áo sơ mi trắng sạch, không chút bẩn. Móng tay, đầu tóc cắt gọn gàng sạch sẽ. Áo quần chỉnh tề, lịch sự lễ phép. Minh Minh là con người từ nhỏ đã va chạm với xã hội, lại là người của sân khấu, bề ngoài không có điều gì để chê trách. Hơn nữa, cũng quen với lời lẽ giao tiếp, luôn tỏ ra nhiệt tình, khiến mọi người tin cậy. Cho nên, gặp nhau lần thứ hai, thứ ba, chỉ ít lâu sau, người Quảng Đông kia đưa Minh Minh đến nhà bà cô chơi. Người nuôi dưỡng thay cha mẹ tiếp đãi. Rồi hai người đi tìm thuê nhà, mua sắm đồ đạc, đăng tin báo hỷ, mời anh Hai chứng hôn. Đang bận rộn thì Tử Hàm xuất hiện.

Tử Hàm gõ cửa căn gác xép Minh Minh và cô bạn cùng thuê, cô bạn đã đi lấy chồng một năm trước đấy, Minh Minh cũng sắp rời nơi này. Thoáng gặp, Minh Minh không nhận ra, Tử Hàm cao hơn nửa cái đầu, mặc bộ đồ tây cũ rách, rất đáng ngờ, trên người đầy mùi dầu mỡ. Nhưng tất cả những thứ đó vẫn không làm thay đổi hình ảnh con người Tử Hàm, có chăng chỉ là khuôn mặt khác đi. Trước đây là đường cong mềm mại, bây giờ là những đường thẳng cứng cỏi. Con mắt, sống mũi, gò má, làn môi tất cả đều có góc cạnh, khuôn mặt dài ra. Giống như con tằm thoát khỏi kén, đó là hình hài của một thanh niên vừa thoát khỏi cái vỏ non nớt ấu trĩ của một cậu thiếu niên. Không chỉ có vậy, vừa thoát khỏi vỏ bọc liền gặp phải sự chà xát, tôi luyện của thế giới bên ngoài, tạo nên con người trước mắt đây.

Trong bốn năm Tử Hàm đi xa, trải qua những gì, Minh Minh không hề nghĩ tới. Thật ra, cậu vào học trường kế toán ở Bắc Bội được hơn một năm, rồi bỏ học. Học hành cũng thật vất vả, Bắc Bội là một nơi nhỏ bé, lúc bấy giờ đầy những học sinh và thầy giáo nghèo chen vai hích cánh, chỉ cảm thấy một bầu không khí khổ cực bao trùm. Những ngày nghèo túng của Tử Hàm bắt đầu từ cảnh thanh bần, khép kín của gia đình, cho nên nghèo đến tận cùng. Bước ra khỏi nhà, đến với xã hội, ồn ào lộn xộn đầy chuyện dung tục tầm thường, nhưng lại giàu có. Người của giới nghệ thuật quen sống phóng khoáng, ăn mặc sành điệu, rộng rãi. Kiếm tiền theo tài năng bản lĩnh, chi tiêu tùy theo ý mình, tầm mắt rộng mở. Tử Hàm học hưởng thụ, quên mất những ngày bần hàn. Phong cách Bắc Bội cũng rất rộng rãi, nhưng là rộng rãi của sự nghèo khổ, thô tục. Khát khao của thanh niên, sức sống căng đầy, mùi vị nghèo khổ cũng đậm hơn, sôi sục hơn. Cánh học sinh có thể đem chăn đệm ra làm một bữa no nê, sau đấy chui vào nằm nhờ chăn đệm của bạn. Những ngày đi chợ, họ chen chúc ngoài phố, không mua gì, mắt cứ hau háu như muốn ăn sống nuốt tươi con gà trong làn người khác. Tử Hàm rất ghét những chuyện ấy, cảm thấy xấu hổ và nhục nhã. Ở trường kế toán phần đông là con em nhà nghèo, túng bấn đến đáng thương, Tử Hàm càng không thể nhìn nổi, phải hai ba tháng sau mới có bạn. Cậu này tên là Vương, cũng người Thượng Hải, thật ra là một tên ma cà bông, nhưng Tử Hàm kém hiểu biết, làm sao nhận ra nổi? Chỉ thấy cậu này bề ngoài trông khá lắm, đầu tóc gọn gàng, mặc đồ Tây, đeo kính trắng gọng vàng, giống như người trong tương lai mà Minh Minh vẽ nên. Cậu này nói năng vui vẻ, tỏ ra xem thường người và việc ở Bắc Bội, có chuyện để nói với nhau. Hai người kết giao, lập tức thân thiết, ngày nào cũng ra quán, Tử Hàm bỏ tiền, Vương thì ba hoa trên trời dưới biển. Về sau, Tử Hàm cũng túng, bên Thượng Hải chỉ cung cấp cho một người, không phải cho hai. Cậu Vương tìm tôn, gò bếp dầu. Cậu này cũng khéo tay, hình như đã đi làm công nhân, kỹ năng của cậu ta có đất dụng võ. Đã có bếp, Vương lại tỏ ra là một đầu bếp giỏi. Những hôm đi chợ, hai người mua thức ăn về, xào, rán, nấu, luộc, nhà hàng ăn ở ngay trong chỗ ở. Tử Hàm ăn quen, ở cái nơi này ngoài ăn ra còn làm gì nữa? Ít ra Vương còn có niềm vui nấu nướng, Tử Hàm không biết, nhiều lắm chỉ biết bóc hành nhặt rau, rồi ngồi chờ nấu chín, hai người cùng xì xụp ăn uống. Lúc này, Tử Hàm thành đồ đệ của ăn nhậu. Người khác còn có thú vui sách vở, nhưng cậu thì không, chỉ còn biết thèm ăn. Cái vẻ trẻ trung thanh tú, người khác không nỡ ghét bỏ.

Tử Hàm cũng không còn đủ hứng thú và niềm tin vào học hành, mấy lần kiểm tra đều không đủ điểm. Vương lại khen đấy là con người của thơ phú văn chương, không thích hợp với nghề kế toán hiện đại, xui Tử Hàm đi Côn Minh vào đại học Thanh Hoa học văn. Tử Hàm nghe lọt tai. Thật ra cả hai cũng chán cái nơi Bắc Bội này, đều muốn đi Côn Minh. Vậy là xin thôi học, để dành học phí, một mặt viết thư về Thượng Hải, nói với Minh Minh đã trúng tuyển đại học Thanh Hoa, cần tiền đi Côn Minh và xin thêm một khoản học phí. Trong lúc chờ tiền, hai người đi Trùng Khánh, thăm thú cái thành phố miền sơn cước này và thưởng thức của ngon vật lạ nơi đây. Cảnh phồn hoa đô hội ở kinh đô thứ hai khiến Tử Hàm nhớ Thượng Hải, nhớ Đại Thế giới và Minh Minh, lòng chợt buồn man mác. Nhưng nơi kia và hiện thực cách nhau quá xa, không thể giúp được gì, vậy là tinh thần lại trở về với những gì đang ở trước mắt, xem và ăn. Vương dạy cho Tử Hàm biết hưởng lạc, cũng dạy cho cậu ta biết tương kế tựu kế. Có tối, hai người phải ngủ dưới gậm cầu, cũng may trời không lạnh. Vì tính toán lại, thấy tiền không đủ, hai người để hành lý - thứ gọi là hành lý cũng chỉ có vài cái áo quần cũ, bàn chải răng, khăn mặt - ở nhà trọ, đi người không về Bắc Bội, kết quả lại bị những trò chơi bời, thăm thú lôi kéo, đành ở thêm một ngày. Về đến Bắc Bội được ít lâu, tiền của Minh Minh gửi đến tay. Lấy được tiền, việc đầu tiên của Tử Hàm là ra hiệu quần áo cũ, mua bộ đồ Tây để thay cái áo dài. Tử Hàm bất ngờ xuất hiện trước Minh Minh chính với bộ đồ Tây này. Còn Vương thì rất biết tính toán, đem bán bếp dầu, nồi niêu bát đũa và cả sách vở cho một bạn học, ít ra cũng đủ tiền cho vài bữa ra quán. Sau đấy, hai người đi Côn Minh. Đường đi Côn Minh đầy hiểm trở, cũng may trong lòng hai người cũng không quá bức xúc đạt mục đích, với tâm thế của kẻ ngao du, ngày đi đêm nghỉ, giống như hai chàng hiệp sĩ thời cổ xưa. Có lúc họ đi xe, có lúc đi bộ, có lúc ngồi thuyền, lại có lúc ngồi xe lừa kéo của người dân tộc thiểu số, tay cầm cành cây, ngất ngưởng như người đánh xe. Nắng vùng á nhiệt đới phơi cho đen nhẻm, nhưng không khí trong lành, không ưu tư phiền muộn, cho nên cũng không tiều tụy mà trông rất thoải mái. Mãi nửa năm sau mới đến Côn Minh, hai người không đi tìm đại học Thanh Hoa, mà thuê nhà để sống. Đúng là Côn Minh có một cảnh sắc khác, đừng nói gì, chỉ khí hậu không thôi cũng đã rất thích thú, trời nắng đẹp, không âm u như ở Bắc Bội. Lúc này, đã có tin chiến tranh kết thúc thắng lợi, ai ai cũng bàn chuyện hồi hương. Đáng tiếc là, đường bưu điện rối loạn, bị tắc nghẽn mấy chỗ, thậm chí không có tin tức gì của Thượng Hải, thư xin tiền gửi đi như ném đá xuống biển. Trong thời gian ấy, Tử Hàm và Vương bàn cách kiếm sống, gom được một ít xà phòng, đem bán, kiếm chút ít sống đỡ vài ngày. Vương lại tìm đồng lá, sắt tây gò đồ trang sức của phụ nữ, đem ra chợ bán, cũng kiếm được vài đồng. Đến lúc quẫn b 3fab ách mới nhận ra cậu này là con người trọng nghĩa khí, không bỏ rơi bạn. Nhớ lại, đã tiêu của Tử Hàm không ít, mà cũng đang xa nhà, dù sao có bạn vẫn hơn, cho nên sẵn sàng bao bạn. Chừng hơn nửa năm sau, đúng là chiến tranh đã kết thúc, vào lúc vui mừng chiến thắng lại xảy ra một cuộc lộn xộn, hỗn loạn. Người và xe về Bắc cứ nườm nượp qua phố, thành phố bất ngờ trở nên vắng vẻ. Hai người liệu có yên tâm ở lại không, Thượng Hải vẫy gọi, cả hai đều nhớ quê. Lúc ấy, họ có thêm một người bạn nữa, một cô gái chừng hai tám, hai chín tuổi, nói giọng Nam Kinh, ăn mặc rất mốt, xem ra là dân buôn, không hiểu tại sao lại một mình dạt đến tận vùng này, thuê nhà ở sát vách, trở thành hàng xóm. Vốn ít nói chuyện với nhau, nhưng biết cùng là người tha hương, chờ đến ngày chấm dứt chiến tranh sẽ về quê, bất giác chuyện trò nhiều hơn, toàn nói chuyện về quê. Ba người làm thành một nhóm. Đầu tiên là cậu Vương dùng sắt tây làm huy chương, trên đấy hình cờ bốn nước chiến thắng là Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ. Sau đấy, cô gái Nam Kinh mặc đồ quý tộc, đem đến một cửa hiệu ngũ kim đặt mua huy chương này, đặt cọc hai mươi đồng. Ngày thứ ba, đến lượt Tử Hàm ra quân, đem tác phẩm của cậu Vương đi bán. Ông chủ cửa hiệu ngũ kim thấy đúng là thứ hàng mà nữ khách hôm trước hỏi, lập tức tạm ứng một nghìn đồng để mua hai nghìn chiếc. Có được một nghìn đồng, ngay trong đêm cả ba vội vã rời Côn Minh, đến một thị trấn nhỏ ở tạm một đêm, liên hệ được một chiếc xe tải chạy dầu, sẵn sàng đổi công để khỏi phải trả tiền xe, ba người cùng lên thùng xe. Xe đi được một chặng dài, cô gái Nam Kinh lên ngồi buồng lái, đổi chỗ cho một thương khách người Giang Âm, suốt dọc đường cô ta nói cười, hết lời bốc thơm anh lái xe. Vị khách người Giang Âm phải lên thùng xe bực lắm, nghĩ mình đã trả tiền xe, nên không chịu làm gì. Bởi vậy, suốt từ đầu đến cuối, Tử Hàm và cậu Vương lo việc ăn uống, nấu nước, thổi cơm. Ngoài ra, hết dầu chạy xe, phải khởi động một thiết bị khác: lò đốt than, vậy là hai người phải đi lấy nước, quạt lò. Chiếc xe tải chạy qua mấy nghìn cây số, cuối cùng đưa Tử Hàm về với Minh Minh.

Gặp Minh Minh, Tử Hàm chỉ còn biết đau lòng rơi lệ, chợt cảm thấy nỗi buồn chán suốt mấy năm qua, lúc bấy giờ thì không biết, nhưng lúc này nghĩ lại mới thấy kinh động lòng người. Tử Hàm vừa khóc, vừa lần mò trong túi tìm một tập vở ghi, lấy ra mấy ngọn lá đỏ lá vàng ép trong đó, đưa cho Minh Minh, khiến Minh Minh cũng phải rơi lệ. Từ đấy, sự việc bất ngờ chuyển hướng, chuyển hướng nhanh chóng. Minh Minh từ hôn với anh chàng người Quảng Đông, thuê một gian gác hai trong con hẻm trông sang Nam Khách Đường và kết hôn với Tử Hàm. Năm ấy, Minh Minh hai mươi sáu tuổi, Tử Hàm hai mươi mốt. Tuy anh chàng người Quảng Đông là mẫu chồng lý tưởng, Minh Minh rốt cuộc vẫn là con người tình cảm, bất kể những năm vừa rồi Tử Hàm thay đổi ra sao, trong tim Minh Minh anh vẫn là cậu thiếu niên dưới bóng hoa lê. Anh Hai khuyên can thế nào cũng không nổi, cuối cùng anh phải giải thích, an ủi người bạn Quảng Đông kia, rồi lại hứa tìm việc cho Tử Hàm. Tử Hàm còn biết mua một tấm bằng giả ở Côn Minh, dựa vào lòng tốt của anh Hai, tìm được việc sửa mo-rát cho một nhà in, coi như yên ổn gia đình cùng Minh Minh. Minh Minh mời anh Hai ăn cơm để cảm ơn. Thấy cô đến một mình, anh cảm thấy đây là con người thân cận, hiểu mình, lòng càng phục hơn. Giữa hai người, tuy không có quan hệ tình ái nhưng có một tấm lòng mà người khác không thể hiểu nổi. Anh Hai nói, tôi thấy cô đang nhảy vào lửa đấy. “Chó cún mèo con” nói, nhưng anh cứu em ra. Xem ra, cả hai đều thấy mối nhân duyên này không thật tốt đẹp, nhưng không thể khác được. Ít năm sau, anh chàng người Quảng Đông lại một lần nữa thấy Minh Minh trên sân khấu trong vai một bà già, nói giọng Tô Bắc dí dỏm, hoạt bát. Cô béo ra, mặc cái áo dài cài khuy bên sườn, mặt mày vẫn sáng sủa, tóc tém gọn ra phía sau thay vì búi, trước trán có vài sợi. Đôi mắt vẫn đoan trang, nhưng đã nhạt đi, mọi đường cong không còn. Anh chàng người Quảng Đông không hiểu nổi tại sao người con gái suýt thành vợ mình kia, làm sao có thể thế được?

Minh Minh và Tử Hàm lấy nhau, năm đầu sinh con trai, cách một năm có thêm cô con gái, sau đấy nghỉ vài năm. Đúng là Tử Hàm đeo kính trắng gọng vàng, mặc đồ Tây, xách cặp da, tóc chải mượt. Chữa mo-rát trong nhà in tất nhiên được coi là công việc văn phòng, nhưng vẫn mang ý nghĩa làm công, ăn mặc như anh không hợp mốt, nhưng mọi người đều biết vợ anh là diễn viên khá nổi tiếng, ít nhiều cũng nhìn anh bằng con mắt khác. Lúc này đoàn hài kịch Minh Minh vẫn làm, nhập với một đoàn khác lấy tên là đoàn kịch Phương ngôn Thượng Hải, biên chế vào nhà nước, bỏ chế độ thù lao chuyển sang lĩnh lương tháng. Nghệ sỹ trở thành cán bộ nhà nước, tất cả đều mặc kiểu áo Lê nin may bằng vải ka ki xanh hoặc xám, đội cùng một kiểu mũ. Minh Minh cũng làm đầu tóc mới. Tóc vén trong mũ, vẫn đeo hoa tai kim cương. Kiểu áo Lê nin, quần Âu ống bó, đi giày da đen. Đó là mốt của năm 1949. Họ dọn nhà một lần nữa, dọn sang hẻm bên cạnh, một con hẻm rối rắm và chật chội, phía trước là mặt phố, tầng dưới là cửa hàng, tầng hai và tầng ba là nhà ở, họ ở căn hộ hai tầng trên đó. Theo lối vào sau con hẻm, cầu thang lên thẳng tầng hai. Vách gỗ ngăn phòng nọ với phòng kia, gian ngoài là cầu thang, theo cầu thang đi xuống một ngăn nhỏ để thùng phân. Khoảng trống trước cầu thang là bếp, nơi để lò than quả bàng, chạn bát. Đi lên là tầng ba, nhưng lại là một gian lớn thoáng đãng, kê một bộ đồ gỗ màu đỏ, giường trải khăn gấm có tua. Rèm cửa sổ cũng là loại vải hoa có tua, ban ngày vén gọn sang hai bên, nhưng có thêm tấm sa mỏng để che bớt ánh sáng. Trên tấm sa mỏng in bóng cây ngô đồng xanh mướt bên vỉa hè đường phố. Đó là căn phòng của hai vợ chồng. Trẻ con ngủ với chị bảo mẫu ở tầng hai, không ồn ào gì đến họ. Hai người vẫn như vợ chồng mới cưới, đi đâu cũng có đôi. Minh Minh đi diễn hàng đêm, tan buổi diễn, Tử Hàm ra cửa sau nhà hát đón vợ. Anh không còn là cậu thiếu niên ngồi bên cánh gà, cạnh nhóm kèn trống ngẩn ngơ nhìn, mà là chủ gia đình, là chồng của vợ, nhưng là một người chồng đa tình. Đón Minh Minh ở cửa, hai người ngồi xích lô cùng đi ăn đêm, tận khuya mới về nhà. Lên đến tầng hai, Minh Minh sợ làm ồn các con, liền cởi giày xách trên tay, một tay nắm tay chồng, rón rén lên tầng ba. Hai người giống như nữ sinh trốn bố mẹ đi khiêu vũ về. Ngày nghỉ, bữa trưa bữa tối đều ăn ngoài. Bữa trưa ăn cơm Tây, ăn chay, bánh ngọt hoặc mời bạn bè, hoặc được bạn mời, hoặc chỉ hai người ngồi đối diện như trên tàu. Họ rất ít khi ăn ở nhà, giống như đôi vợ chồng âu yếm yêu thương, đối với con nhạt nhẽo, hai đứa con một trai một gái được nuôi nấng thế nào, hai người cũng ít biết.

Như đã nói, Tử Hàm quen ăn ngon. Tất nhiên Minh Minh biết chồng mình ăn uống không biết chán, còn cô, con người không biết tương kế tựu kế, nhưng sống với nghệ thuật ít nhiều có thói quen tùy tiện, hôm nay có rượu hôm nay say, rất thoải mái. Cho nên không uốn nắn chồng, ngược lại còn chiều chồng. Nhưng rồi Minh Minh không ngờ, Tử Hàm lại không biết thế nào là đủ. Nếu không gặp cuộc vận động “ba chống”(1) thì mọi chuyện còn qua được, nhưng thâm hụt mà lớn, tội có thể chém đầu. Ở nhà in Tử Hàm làm, có một nữ đồng sự làm ở phòng tài vụ, là cô gái tình cảm, rất thích Tử Hàm. Con người Tử Hàm vốn tính khinh bạc, nhưng đối với Minh Minh và cuộc hôn nhân của mình lại rất thỏa mãn. Anh giành được Minh Minh, vào lúc trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm cuộc đời nên bất chấp trước sau, nếu là hiện tại, có thể anh không làm thế. Với lại, Minh Minh cũng rất tình nghĩa với Tử Hàm, anh không quên ơn, quên sẽ hại đến âm đức. Điều ấy thì anh hiểu. Với lại, anh cũng không thích cái cô đồng sự kia, cô này trẻ hơn Minh Minh, cũng vì cậy trẻ hơn mới dám theo đuổi anh. Tử Hàm không thích trẻ, vì trẻ không chiều anh, mà đòi anh phải chiều. Huống hồ, lại là đồng sự ở cái chỗ làm vô vị này, không có sự lãng mạn trong tình yêu. Trong căn phòng cũ kỹ, tối tăm của nhà in, dưới cái trần nhà cao rộng bàn ghế trở nên thấp bé, người cúi rạp trong đống giấy tờ, gần như không trông thấy. Sở dĩ Tử Hàm kiên trì làm việc ở đây, thứ nhất là vì, thích xách cặp, ra ra vào vào, coi mình là người của công việc, sau nữa là cũng vì có người vợ như Minh Minh, sớm hôm có nhau, điều chỉnh được sự nhàm chán của công việc. Cho nên, với việc cô gái kia theo đuổi, đầu tiên anh không để ý, sau đấy cũng phải giật mình, tiếp theo là không kịp lẩn tránh. Cô gái này rất quyết tâm. Cô nhận ra Tử Hàm thích ăn uống, liền mời anh ăn cơm. Từ chối một lần, hai lần, ba lần, lần thứ tư không từ chối nổi, đành phải đi. Đã đi lần đầu, sẽ có lần thứ hai, lần thứ ba. Cô gái kia toàn mời anh đến những chỗ sang trọng, cứ như thể đã nghiên cứu trước, ở đâu có cá ngon, ở đâu có bánh bao nhân thịt cua biển, cuối cùng mời về nhà bảo mẹ làm cơm thết khách, nói mẹ biết làm món ăn ngon. Không rõ lai lịch của cô gái, chỉ biết hai mẹ con ở một nửa ngôi biệt thự có vườn hoa, nửa kia ngăn cách, đi lối khác. Tử Hàm khá kính trọng bà mẹ, cử chỉ lời nói đều rất đoan chính, quả là người làm thức ăn rất khéo. Dù là vây cá, hải sâm hay chỉ một quả trám bình thường, bà làm cũng khác người. Nếu là người tinh mắt sẽ nhận ra, người mẹ này là vợ bé của một người giàu có, cô gái là con bà vợ bé, gia chủ hoặc đi đâu đó hoặc đã chết, để lại một ít tài sản làm sinh kế cho cô nhi quả phụ. Tất nhiên Tử Hàm không hiểu được chuyện đó, anh chỉ bị thu hút bởi món ăn, thức uống ở đây. Với lại, nhà cửa cũng làm anh cảm thấy thảnh thơi, vui vẻ. Nói ra cũng thật khó hiểu, Minh Minh và anh đã ăn uống no đủ, anh vẫn còn có thì giờ đến đây ăn uống. Ví dụ: bữa trưa, khi Minh Minh đi diễn, bữa tối một mình anh, ăn rồi lại đi ăn đêm với vợ; hoặc những lúc Minh Minh đi diễn ở các địa phương khác, không những ăn, anh còn ở luôn đấy. Những chuyện ấy mọi người đều biết, chỉ có vợ là không biết. Tử Hàm đêm không về, chị bảo mẫu cũng kín mồm kín miệng bởi không muốn gây chuyện, làm hỏng bát cơm của mình. Cũng rất khó tìm một chủ nhà như vậy, thật ra chị bảo mẫu làm chủ, có thể đánh mắng con cái họ. Cô gái đồng sự chẳng những cho anh ăn, còn cho anh tiền tiêu vặt. Anh thì không thiếu tiền, anh lấy tiền ấy để mua đồ trang sức tặng lại cô gái. Coi như cô ta tự chi tiêu cho mình, nhưng trao đi đổi lại như thế tình cảm càng thêm mặn nồng, rất có tác dụng. Bà mẹ chắc có vốn riêng, nhưng giữ rất chặt. Tử Hàm đã thấy cô gái đưa tiền cho mẹ, dặn dò mua thức ăn. Chưa bao giờ anh nghĩ tiền kia ở đâu ra. Cho đến khi xảy ra chuyện, cô gái làm cùng sở đã thâm thủng hơn một trăm triệu đồng công quỹ.

Cô gái bị mười năm tù. Tử Hàm bị kết án đồng phạm, thêm vào đấy là tội trai gái, cộng hai năm, vị chi mười hai năm. Cũng may, có Minh Minh bồi hoàn, bán rẻ bộ đồ gỗ, bộ đồ gỗ màu đỏ lúc đưa vào phòng phải dòng dây qua cửa sổ kéo lên, lúc này bán đi cũng phải dòng dây qua cửa sổ cho xuống. Lúc bấy giờ là niềm vui hạnh phúc, lúc này là thê lương nhục nhã. Minh Minh vẫn rất bình tĩnh, khuôn mặt không lộ vẻ buồn, vẫn lớn tiếng chỉ huy người đến chuyển đồ, xoay đầu thế nào, nâng đỡ ra sao. Sau đấy, một mình ngồi tựa giường, căn phòng trống trải, ở những chỗ kê đồ sàn nhà còn mới, chỗ nào cũng để lại dấu vết. Minh Minh ngồi hút thuốc suốt đêm, đêm thứ hai thu dọn ảnh, cắt tất cả những ảnh chụp chung với Tử Hàm, xé nát nửa kia; đêm thứ ba thu dọn áo quần, những áo quần Tử Hàm vẫn mặc gói thành một bọc, chờ đến ngày đi thăm tù. Ngày đến thăm chồng trong tù, hai người ngồi hai bên bàn, gần đấy có người canh, khó nói chuyện với nhau. Tử Hàm chỉ khóc, anh hối hận, cảm thấy oan, lại xấu hổ. Minh Minh lấy từng thứ một ra, ngồi chờ, cho đến khi anh không khóc nữa, nói rất gọn với anh, cô đã xin ly hôn, hai đứa con cô nuôi. Tử Hàm vô cùng ngạc nhiên ngước lên, nước mắt cạn khô. Anh không ngờ Minh Minh lại tuyệt tình đến vậy, cứ nghĩ người con gái này sẽ rộng lòng tha thứ. Trong tiếng khóc của anh, thật ra đã có ý van xin. Sau đấy nghĩ lại, cũng chỉ có con đường ấy, không còn cách nào khác. Minh Minh đối xử với anh đến thế là cùng!

Sau khi ly hôn, Minh Minh không lấy ai, nhưng điều khiến nhiều người bàn tán là một năm sau cô lại sinh một đứa con gái, vẫn lấy họ của anh chị nó, họ “Úc”, biến âm họ “Tiếu” của mình thành “Hiểu”, thêm tên “Thu”, Úc Hiểu Thu.  

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25700


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận