- hình ảnh đó hừng hực trong tâm trí anh, hình ảnh con thú đáng thương ấy - bị trói gô trên một bãi biển về đêm ở Costa Rica vô vọng nhìn con báo đốm vồ lấy nó, cắn sứt đầu nó, rồi ăn thịt nó trong khi chân nó vẫn còn giãy đạp yếu ớt. Và cả những tiếng xương bị nghiền răng rắc nữa. Xương đầu của nó.
Mark Sanger đâu ngờ sẽ thấy cảnh tượng khủng khiếp như vậy. Anh đi đến bãi biển ở Tortuguero vì muốn được tận mắt thấy những con rùa luýt khổng lồ bò lê khỏi đại dương để đẻ trứng trên cát. Là nhà sinh học, anh biết đây là một cuộc di trú vĩ đại mà hành tinh đã chứng kiến qua vô số các niên kỷ. Đám rùa cái đang bận rộn thể hiện một trong những hành động săn sóc con vĩ đại của người mẹ, bò cao lên bãi biển, vùi trứng sâu dưới đất, che trứng bằng những chiếc chân chèo mệt nhọc, rồi cẩn thận quét sạch đất cát để xóa đi toàn bộ dấu vết cho thấy có trứng bên dưới. Đây là một nghi thức chậm rãi, nhẹ nhàng được thực hiện dưới sự chi phối của những gien đã sống sót từ hàng thiên niên kỷ qua.
Rồi con báo đốm xuất hiện, một vệt đen trong đêm. Và mùa hè vừa qua Mark Sanger hụt hẫng chứng kiến mọi thứ thay đổi. Sự tàn bạo của cuộc tấn công, sự mau lẹ của nó, sự man dã của nó, làm anh sửng sốt tột bậc. Nó xác nhận nghi ngại của anh về sự xuống dốc thảm thiết của thế giới tự nhiên. Mọi thứ loài người đang làm trên hành tinh này đã phá vỡ sự cân bằng mỏng manh của tự nhiên. Ô nhiễm, công nghiệp hóa tràn lan, mất môi trường sống - khi động vật phải chen chúc và bị dồn vào góc, chúng thường có những hành vi hung hăng để nỗ lực sinh tồn một cách vô vọng.
Đó là lý giải cho cuộc tấn công ghê tởm mà anh vừa chứng kiến. Thế giới tự nhiên đang sụp đổ. Anh đề cập điều này với nhà tự nhiên học rất điển trai Ramon Valdez đi cùng mình. Valdez lắc đầu. “Không đâu, ông Sanger, từ thời bố tôi, ông tôi, ông cố tôi thì đã luôn như vậy rồi. Họ lúc nào cũng nói chuyện báo đốm tấn công vào buổi tối. Đây là một phần của chu kỳ sống.”
“Nhưng bây giờ lại có nhiều vụ báo tấn công hơn,” Sanger nói. “Cũng vì những thứ ô nhiễm...”
“Không đâu, thưa ngài. Chẳng có gì thay đổi cả. Mỗi tháng mấy con báo đốm đó ăn hai tới bốn con rùa. Ta có số liệu từ nhiều năm trước cơ.”
“Sự bạo hành mà ta thấy ở đây không bình thường.”
Cách chỗ họ một khoảng ngắn, con báo ấy vẫn đang ăn con rùa mẹ. Xương xẩu vẫn kêu lên răng rắc.
“Bình thường chứ.” Ramon Valdez nói. “Mọi thứ đều như vậy cả.”
Sanger không muốn nói chuyện đó nữa. Rõ ràng Valdez là người biện hộ cho mấy tay tư bản công nghiệp và những kẻ gây ô nhiễm, chính là những công ty lớn của Mỹ thống trị Costa Rica và những quốc gia Mỹ La tinh khác. Tìm được một người như thế ở đây không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ CIA đã kiểm soát Costa Rica hàng chục năm nay rồi. Đây không phải là một quốc gia; đây là một công ty con đem lại hứng thú cho doanh nghiệp Mỹ. Mà doanh nghiệp Mỹ thì cóc thèm để ý đến môi trường.
Ramon Valdez nói, “Mấy con báo đốm cũng phải ăn chứ. Tôi nghĩ thà rùa làm thức ăn cho chúng còn hơn là một đứa nhỏ.”
Chuyện đó, Mark Sanger nghĩ, tùy cách nhìn của mỗi người thôi.
Trở lại ngôi nhà của mình ở Berkeley, Sanger ngồi trong căn gác lửng nghĩ ngợi phải làm gì. Tuy nói với mọi người mình là nhà sinh học, nhưng anh chưa bao giờ được đào tạo chính quy trong ngành này. Anh học đại học được một năm thì nghỉ học để đi làm một thời gian ngắn cho một công ty kiến trúc cảnh quan là Cather and Holly; khóa học về sinh học duy nhất mà anh học là ở trường trung học. Là con của một ông chủ ngân hàng, Sanger sở hữu một quỹ ủy thác kếch xù và không cần phải làm việc để nuôi sống mình. Tuy vậy, anh lại cần một mục đích trong đời. Của cải, theo kinh nghiệm của anh, gây trở ngại hơn nữa cho công cuộc tìm kiếm giá trị của bản ngã. Và càng lớn tuổi, anh càng thấy khó suy tính chuyện trở lại trường để hoàn tất bậc đại học.
Gần đây, anh bắt đầu tự định nghĩa mình là một nghệ nhân, mà nghệ nhân thì lại không cần đào tạo chính quy. Thật ra, giáo dục chính quy sẽ gây trở ngại cho khả năng cảm nhận tinh thần thời đại của người nghệ nhân, cho khả năng lướt ngọn sóng thay đổi qua mọi ngóc ngách của xã hội, và cho khả năng đưa ra phản ứng đối với những thay đổi đó. Sanger suy xét rất thấu đáo mỗi khi đưa ra ý kiến. Anh đọc báo ở Berkeley, thỉnh thoảng đọc những tạp chí như Mother Jones, và nhiều tạp chí môi trường khác nhau. Không phải tháng nào cũng đọc, mà chỉ thỉnh thoảng thôi. Đúng vậy, thường thì anh chỉ xem hình ảnh trong đó, đọc lướt qua những câu chuyện. Nhưng để theo dõi tinh thần thời đại thì chỉ cần có vậy.
Nghệ thuật nói về cảm giác. Nói về cảm giác sống trong thế giới vật chất này như thế nào, giữa những xa hoa lòe loẹt, những lời hứa giả dối, và những thất vọng tột bậc. Điều sai lầm của con người ngày nay là họ lờ đi cảm giác của mình.
Công việc của nghệ thuật chính là làm sống lại những cảm giác chân thật. Là làm con người sửng sốt để bừng tỉnh. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều nghệ nhân trẻ sử dụng những kỹ thuật gien và chất liệu sống để tạo ra nghệ thuật. Nghệ thuật ướt, họ gọi nó như vậy. Nghệ thuật mô. Nhiều nghệ nhân giờ đây làm việc toàn thời gian trong các phòng thí nghiệm khoa học và loại nghệ thuật được tạo ra từ đó mang tính khoa học rất nổi bật. Một nghệ nhân đã nuôi được bít tết trong đĩa Petri rồi trình diễn màn ăn bít tết trước công chúng. (Người ta nói mấy miếng bít tết ấy ăn dở tệ. Dù sao thì chúng cũng đã được chuyển đổi gien mà. Ặc.) Một nghệ nhân ở Pháp đã tạo ra một chú thỏ con phát sáng bằng cách chèn vào nó gien phát quang từ đom đóm hoặc một con vật khác. Chưa hết, những nghệ nhân khác đã thay đổi màu lông của thú vật, cho chúng trở thành bảy sắc cầu vồng, và đã nuôi cấy được lông nhím trên đầu của một chú cún con dễ thương.
Những tác phẩm nghệ thuật này khơi gợi những cảm giác mạnh mẽ. Nhiều người thấy ghê tởm. Nhưng họ cần phải thấy sự ghê tởm đó, Sanger nghĩ. Họ cần phải cảm nhận sự ghê tởm tương tự như sự ghê tởm mà chính bản thân anh đã từng cảm nhận khi xem một con báo đốm mổ thịt một con rùa mẹ trên bãi biển ở Costa Rica. Sự đồi bại khủng khiếp ấy của tự nhiên, sự man rợ ghê tởm ấy mà anh không thể nào đưa ra khỏi tâm trí.
Và dĩ nhiên, đó chính là lý do để tạo ra nghệ thuật.
Không phải nghệ thuật vì nghệ thuật, mà là nghệ thuật vì mục đích mang lợi ích cho thế giới, nghệ thuật vì mục đích giúp ích cho môi trường. Đó là mục tiêu của Mark Sanger, và anh cương quyết đạt được nó.
BÁC SĨ ĐỊA PHƯƠNG BỊ BẮT _VÌ TỘI LẤY CẮP NỘI TẠNG
Có sự dính líu của nhân viên bệnh viện Long Beach Memorial;
Kẻ cắp bán xương, máu, nội tạng
Một bác sĩ nổi tiếng ở bệnh viện Long Beach đã bị bắt giữ vì tội bán nội tạng khai thác trái phép từ tử thi ở bệnh viện Long Beach Memorial. Bác sĩ Martin Roberts, quản trị chính của phòng thí nghiệm bệnh lý, bị cáo buộc đã 143 lần thu hoạch trái phép bộ phận cơ thể từ xác chết rồi bán lại cho các ngân hàng mô.
Barbara Bates, công tố viên quận Long Beach, nói, “Nội dung của cáo trạng như một kịch bản phim kinh dị rẻ tiền vậy.” Trong cáo trạng, Bates cũng cho rằng bác sĩ Roberts đã giả mạo giấy khai tử, làm giả kết quả xét nghiệm, và cấu kết với các nhà tang lễ và nghĩa trang địa phương để che giấu thời kỳ thống trị đầy sai phạm của mình.
Vụ việc này chỉ là một tình tiết mới nhất trong dịch đào mộ diễn ra khắp nước Mỹ thời nay. Những vụ khác có thể kể đến là vụ “Bác sĩ Mike” Mastromarino, một nha sĩ triệu phú ở Brooklyn (New York), trong suốt khoảng thời gian năm năm đã lấy cắp nội tạng của hàng ngàn xác chết, bao gồm xương của một bệnh nhân chín mươi lăm tuổi tên Alastair Cooke; một công ty y sinh ở Fort Lee (New Jersey) bán bộ phận của Mastromarino cho các ngân hàng mô khắp nước Mỹ; một lò hỏa táng ở San Diego được cho là đã lấy cắp bộ phận cơ thể từ xác chết được gửi ở đó; một vụ khác ở Lake Elsinore (California), nơi bộ phận cơ thể được giữ lạnh trong tủ đá khổng lồ trước khi đem bán; và trung tâm y khoa của UCLA, nơi năm trăm xác chết bị mổ ra và đem bán với giá bảy trăm ngàn đô la, một số xác bán cho công ty Johnson & Johnson.
“Đây là vấn đề toàn cầu,” công tố Bates nói. “Lấy cắp mô cũng đã xảy ra ở Anh, Canada, Úc, Nga, Đức và Pháp. Chúng tôi tin những vụ lấy cắp như thế này ngày nay xảy ra mọi nơi trên thế giới,” Bates nói thêm. “Bệnh nhân rất hoang mang.”
Bác sĩ Roberts cho rằng mình vô tội trước toàn bộ các cáo buộc ở tòa án cấp cao và đã được phóng thích với số tiền bảo lãnh một triệu đô la. Cùng bị truy tố là bốn nhân viên khác của bệnh viện Long Beach Memorial, trong đó có Marilee Hunter, trưởng phòng xét nghiệm gien của bệnh viện.
Quản trị bệnh viện Long Beach Memorial là Kevin McCormick bày tỏ sự sửng sốt trước các cáo trạng, và nói rằng “Hành vi của bác sĩ Roberts đã đi ngược lại hình ảnh tiêu biểu của bệnh viện.” Ông nói ông đã yêu cầu rà soát lại toàn diện các quy trình ở bệnh viện và sẽ công bố bản báo cáo khi quá trình rà soát hoàn tất.
Các nguyên cáo nói họ để ý đến những vụ việc này là do một người chỉ điểm tên Raza Rashad mách bảo. Anh Rashad là sinh viên y khoa năm đầu ở San Francisco trước đây từng làm việc trong phòng bệnh lý của bác sĩ Roberts, nơi anh đã tận mắt chứng kiến nhiều hoạt động phạm pháp. “Lời khai của anh Rashad rất thiết yếu trong việc xây dựng cơ sở khởi tố vụ này,” Bates nói.
Josh Winkler hối hả chạy vào phòng nghiên cứu động vật để xem Tom Weller muốn nói gì. “Bao nhiêu con chuột chết vậy?” anh nói.
“Chín con.”
Chín cái xác chuột cứng đờ nằm nghiêng trong chín cái chuồng đặt liền kề nhau làm Josh Winkler bắt đầu vã mồ hôi. “Chúng ta phải mổ chúng ra,” anh nói. “Chúng chết khi nào?”
“Chắc đêm qua,” Tom nói. “Chúng ăn lúc sáu giờ, lúc đó chẳng có biểu hiện gì bất thường cả.” Tom đang nhìn tấm bảng ghi chép.
“Chúng nằm trong nhóm nghiên cứu nào?” Josh nói. Vừa nói vừa lo sợ mình đã biết câu trả lời.
“A-7,” Tom nói. “Nghiên cứu về gien trưởng thành.”
Chúa ơi.
Josh cố giữ bình tĩnh. “Chúng bao nhiêu tuổi rồi?”
“Ừm... để xem. Ba mươi tám tuần và bốn ngày tuổi.”
Ôi Chúa ơi.
Tuổi thọ trung bình của một con chuột bạch là một trăm sáu mươi tuần - tức hơn ba năm một chút. Những con chuột này đây lại chết khi mới được một phần tư số tuổi đó. Anh thở sâu một hơi. “Còn mấy con khác cùng đặc điểm thì sao?”
“Nhóm ban đầu có hai mươi con,” Tom nói. “Giống y hệt nhau, cùng tuổi nhau. Hai trong số đó chết vài ngày trước vì bị nhiễm trùng đường hô hấp. Lúc đó tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều. Còn mấy con khác thì... ừm, tốt hơn hết là anh nên tự mình xem.” Anh dẫn Josh đi dọc theo dãy chuồng đến chỗ mấy con chuột còn lại. Tình trạng của chúng rõ ràng ngay trước mắt.
“Lông bờm xờm, không năng động, ngủ li bì, hai chân sau đứng không vững, cơ teo dần, có bốn con bị tê liệt chân sau.”
Josh nhìn trân trân. “Chúng già quá,” anh nói. “Con nào cũng già hết.”
“Phải,” Tom nói. “Không thể lầm lẫn được: đây chính là chứng già trước tuổi. Tôi đã quay lại kiểm tra mấy con chết cách đây hai ngày. Một con bị u tuyến yên còn con kia thì bị thoái hóa dây sống.”
“Dấu hiệu lão hóa...”
“Phải,” Tom nói. “Dấu hiệu lão hóa. Rốt cuộc thì cái gien này chắc không phải là sản phẩm kỳ diệu mà Rick đang tin cậy đâu. Gây tử vong sớm như thế này. Gien này sẽ gây tai họa thôi.”
“Anh cảm thấy như thế nào ư?” Adam nói khi hai anh em họ ngồi ăn trưa cùng nhau. “Anh thấy khỏe lắm, Josh, nhờ em đấy. Đôi khi anh cũng hơi mệt một chút. Da anh thì khô lắm. Anh còn có vài nếp nhăn nữa. Nhưng anh thấy mình ổn. Sao vậy?”
“Chỉ thắc mắc vậy thôi,” Josh nói, cố hết sức tỏ vẻ thoải mái. Anh cố không nhìn chăm chăm vào người anh của mình. Thực tế thì bề ngoài của Adam đã thay đổi đáng kể. Nếu trước đây anh ấy có một ít tóc bạc ở hai bên thái dương thì giờ đây anh ấy có một mái đầu đầy tóc muối tiêu. Phần tóc trước trán đã thưa nhiều. Phần da quanh mắt và môi nhăn nheo thấy rõ. Trán anh ấy đầy vết hằn sâu. Trông anh ấy già nua hơn nhiều.
Adam chỉ mới ba mươi hai tuổi.
Chúa ơi.
“Không còn, ờ, chơi thuốc nữa à?” Josh hỏi.
“Không, không. Chuyện đó chấm dứt rồi, cảm ơn Chúa,” Adam nói. Anh vừa gọi hamburger, nhưng chỉ sau vài miếng thì đã bỏ chiếc bánh xuống.
“Bánh không ngon hả?”
“Một cái răng bị đau. Anh phải đi nha sĩ.” Adam sờ vào má. “Không phải phàn nàn chứ, thật ra thì anh nghĩ mình nên tập thể dục. Anh cần tập thể dục. Lâu lâu anh lại bị bón.”
“Anh định gia nhập nhóm bóng rổ cũ à?” Josh hào hứng nói. Người anh của anh trước đây có chơi bóng rổ hai lần một tuần với mấy tay chủ ngân hàng đầu tư.
“À, không đâu,” Adam nói. “Anh đang tính chơi tennis đôi, còn không thì chắc là golf.”
“Ý hay đấy,” Josh nói.
Im lặng lấp đầy bàn ăn. Adam đẩy đĩa thức ăn sang một bên. “Anh biết mình trông già hơn,” anh nói. “Em không cần phải giả vờ là không để ý. Ai cũng thấy như vậy mà. Anh hỏi mẹ, mẹ nói bố cũng y như vậy; khi bố ngoài ba mươi thì tự nhiên trông già hơn. Giống như qua một đêm là trở thành như vậy. Nên chắc là di truyền thôi.”
“Ừ, có thể.”
“Sao vậy?” Adam nói. “Em biết chuyện gì à?”
“Em ư? Đâu biết chuyện gì đâu.”
“Tự nhiên hôm nay em lại nằng nặc muốn ăn trưa là sao? Không chờ được hả?”
“Lâu rồi em chưa gặp anh. Vậy thôi.”
“Đừng nói nhảm nữa Josh,” anh nói. “Mày lúc nào cũng nói dối dở như cứt ấy.”
Josh thở dài. “Adam,” anh nói, “em nghĩ mình nên làm một vài xét nghiệm.”
“Xét nghiệm bệnh gì?”
“Tỷ trọng xương, dung tích phổi. Rồi chụp cộng hưởng từ nữa.”
“Để làm gì? Xét nghiệm mấy thứ này để làm gì?” Anh ta nhìn Josh trân trân. “Để xem có bị lão hóa không ư?”
“Ừ.”
“Anh lão hóa quá nhanh à? Có phải tại cái thuốc xịt gien đó không?”
“Mình phải tìm hiểu xem có phải tại nó không,” Josh nói. “Em muốn gọi cho Ernie.” Ernie Lawrence là bác sĩ gia đình của họ.
“Được, sắp xếp đi.”
Hết phần 39. Mời các bạn đón đọc phần 40!