Trái tim những người trẻ tuổi non nớt và yếu mềm. Vì vậy, sự tổn thương và ấm áp đều được khắc rất sâu trong đó. Cuối cùng, những thứ bị khắc ghi đó, cùng với thời gian, trở thành tính cách của chúng ta.
Khi sắp đến kỳ thi cuối kỳ, đã xảy ra một chuyện.
Một hôm trong giờ ra chơi, đến phiên tôi trực nhật. Sau khi quét lớp xong, tôi và mấy bạn nữa vừa xách nước ra lau sàn vừa nói chuyện. Chúng tôi ngang nhiên gọi các thầy cô giáo bằng biệt danh, bình luận từng động tác nhỏ của các thầy cô khi lên lớp. Tôi đang kéo dài giọng gọi biệt hiệu của thầy chủ nhiệm là “Chậu Của Cải, Mắt Nhỏ Tụ Quang”, thì thầy Chậu Của Cải đi vào. Thầy cũng không có phản ứng gì, kiểm tra khắp một lượt lớp học xem chúng tôi có quét dọn sạch sẽ không rồi lại đi ra. Mấy đứa chúng tôi đều sợ tới nghẹt thở, đợi thầy đi rồi, mới vỗ vỗ ngực nói: “May mà thầy không nghe thấy.”
Đôi lúc, tôi lại rất mẫn cảm. Tôi đã cảm nhận được vẻ khó chịu của thầy Chậu Của Cải, chắc chắn thầy đã nghe thấy tôi gọi biệt hiệu của thầy, cười đùa cử chỉ lúc giảng bài của thầy. Nhưng tôi không thấy sợ. Suy nghĩ của tôi rất đơn giản, chẳng qua chỉ là một biệt hiệu thôi mà! Thầy lại là đàn ông, chắc không đến nỗi nhỏ mọn thế chứ. Ô Tặc ngày nào chẳng gọi tôi là “Gấu Trúc Bốn Mắt”, tôi có giận bao giờ đâu.
Nhưng, tôi đã sai. Thầy Chậu Của Cải không những tức giận, mà còn rất để bụng, lúc ấy thầy muốn giữ gìn hình ảnh, nên đã không thể hiện ra ngoài. Nhưng ngay ngày hôm sau, thầy bắt được lỗi của tôi, và mắng tôi một trận té tát trước lớp, nhưng cả tôi và thầy đều biết rất rõ rằng, thầy mắng tôi không phải vì tôi không tập trung nghe giảng trong giờ học. Sự chế giễu của tôi hiện rõ trên nét mặt, khiến lửa giận của thầy càng bốc cao, lập tức ra lệnh cho tôi phải đổi chỗ ngồi, chỉ vào góc khuất nhất cuối lớp, nói với tôi: “Em chỉ thích hợp ngồi ở chỗ ấy thôi, chuyển bàn của em xuống đấy ngay, bao em giờ biết mình sai ở đâu, thì lúc ấy mới được trở về chỗ cũ”.
Góc lớp đấy là nơi để chổi, cây lau nhà, thùng nước, bình xịt, và thùng rác. Rất nhiều bạn nam lười không chịu xuống tận nơi bỏ rác vào thùng, thường chơi trò ném bóng rổ, nhiều rác bẩn bị ném trượt ra ngoài thùng rác, nơi ấy có thể coi là bãi rác của lớp.
Tôi không nói không rằng, chuyển bàn xuống “bãi rác”. Sau khi ngồi xuống, mới phát hiện ra khoảng cách từ đây đến dãy bàn cuối cùng khá xa.
Sắc mặt thầy Chậu Của Cải đanh lại. Các bạn trong lớp đều im thin thít, ánh mắt của những người trong nhóm Lý Tân sáng lên vui sướng trước cảnh ng ời khác gặp nạn. Cảm giác hoang mang hồi tiểu học lại trỗi dậy một lần nữa, tôi lại bị cả lớp bỏ rơi.
Tôi lặng lẽ ngồi đó, sau khi hết giờ, thầy Chậu Của Cải tập trung mọi người lại để cùng đi chơi bóng chuyền, đồng thời cũng phân nhóm luôn, chỉ duy nhất tên tôi không có trong đó. Các bạn cười cười nói nói ra ngoài, trong lớp còn lại một mình tôi. Tôi nhìn căn phòng trống rỗng, đột nhiên, sự kiên cường giả tạo sụp đổ, nước mắt không chịu nghe lời cứ thế lăn dài xuống má. Tôi không biết tôi đang khóc vì cái gì, hối hận vì mình đã đắc tội với thầy chủ nhiệm, hay hoảng sợ trước cơn ác mộng sắp tới.
Đã rất lâu rồi tôi không khóc, nhưng lần này, tôi nằm bò trên mặt bàn, càng khóc càng thương tâm, chỉ cảm thấy như mình lại một lần nữa bị đẩy vào cảnh cô lập không biên giới, dường như cơn ác mộng hồi tiểu học lại sắp tái hiện.
Vô thức, tôi đã quên mất là phải kiềm chế tiếng khóc của mình, tôi nấc lên thành tiếng.
Đột nhiên, một giọng nói rất dễ nghe cất lên hỏi tôi: “Cậu làm sao thế? Ai bắt nạt cậu à?”
Tôi ngẩng đầu, một cậu bạn cao lớn đang đứng trước mặt tôi, nhìn tôi với vẻ quan tâm. Người đó lại chính là Thẩm Viễn Triết.
Cậu ấy mặc một chiếc quần màu đen, chiếc áo len cao cổ màu trắng, mái tóc màu đen hơi quăn, đeo kính gọng vàng, ánh mắt dịu dàng và ấm áp. Toàn thân cậu ấy như được phủ một lớp ánh sáng màu bạc, giống hệt bạch mã hoàng tử vừa bước ra từ cuốn truyện tranh, nhưng tôi lại không phải là một nàng công chúa xinh đẹp.
Tôi ngẩn người ra nhìn cậu ấy một lúc, rồi cúi đầu, tiếp tục khóc.
Cậu ấy kéo một chiếc ghế lại, ngồi trước bàn tôi, ôn hòa và nhẫn nại nói: “Cho dù là có chuyện gì, cứ nói ra, biết đâu sẽ có cách giải quyết.”
Tôi vẫn chỉ lau nước mắt khóc nức nở, cậu ấy không nói gì nữa, nhẫn nại ngồi đó, yên lặng bên tôi. Cuối cùng, có thể là do sự dịu dàng và nhẫn nại của cậu ấy khiến tôi cảm thấy chuyện gì cậu ấy cũng hiểu được, cũng có thể là do ánh mặt trời của buổi chiều ngày hôm đó chiếu lên người cậu ấy, khiến cậu ấy trông ấm áp vô cùng, mà thế giới của tôi lại đang thiếu sự ấm áp đó. Tôi bắt đầu vừa khóc vừa kể, mấy lần phải dừng lại vì đau lòng không nói tiếp được, sự kiên nhẫn của cậu ấy lại như vô hạn, chăm chú lắng nghe với vẻ mặt hết sức nghiêm túc.
Kể xong, tôi thấy khá hơn rất nhiều, mặc dù vẫn thút tha thút thít, nhưng nỗi sợ hãi đã hoàn toàn tiêu tan.
Thẫm Viễn Triết liên tục an ủi tôi, kiên nhẫn dỗ dành tôi, cho đến khi tôi không nín hẳn, cậu ấy mới đứng dậy, nói: “Sắp vào học rồi, mình đi đây. Đừng lo, vài ngày nữa thầy giáo nguôi giận, nhất định sẽ chuyển cậu về chỗ cũ.”
Cậu ấy ra đến cửa, tôi mới nhớ ra là mình còn chưa cảm ơn, tôi gọi: “Này!”
Cậu ấy dừng bước, quay đầu nhìn tôi, tôi nói: “Cảm ơn cậu!”
Cậu ấy dùng tay khẽ đẩy gọng kính lên, mỉm cười đáp: “Không cần phải khách sáo, mình có giúp được gì đâu.”
Sau khi cậu ấy đi, các bạn trong lớp mới lục tục quay về, không khí ồn ào náo nhiệt, nhưng vì sợ thầy chủ nhiệm nổi giận, nên không ai dám hỏi han tôi, tôi lại chẳng màng tới việc đó, mà bắt đầu hoang mang, chuyện vừa xảy ra kia có phải là thật không? Chàng bạch mã hoàng tử Thẩm Viễn Triết trong mộng của các nữ sinh đã từng xuất hiện ở đây sao? Thật giống một giấc mơ, cứ như giấc mơ tôi tự tưởng tượng ra để an ủi mình vậy.
Chính bởi vì có vẻ không thực, nên tôi không kể với Hiểu Phi, chỉ nói với cô ấy rằng, tôi bị thầy chủ nhiệm chuyển xuống ngồi cuối lớp. Khi nói điều này, tôi cười rất vui vẻ, Hiểu Phi từ nhỏ tới lớn thành tích luôn xuất sắc, chưa bao giờ bị thầy cô giáo trách phạt, do đó, thấy tôi nói vô tư như vậy, cô ấy cũng nghĩ là chẳng phải chuyện gì to tát, còn đùa với tôi, nói một mình ngồi cuối lớp thật tự do, muốn làm gì thì làm.
Thầy Chậu Của Cải đuổi tôi xuống cuối lớp ngồi xong, còn thường xuyên điểm mặt gọi tên để phê bình tôi, dường như muốn dùng quyền uy của người thầy khiến tôi phải cúi đầu, nhưng tôi là người sống với tôn chỉ người kính ta một thước, ta trả người một trượng, quyết không vì bị đàn áp mà cúi đầu trước thầy, ngược lại còn ương ngạnh hơn, càng bị vùi dập càng dũng mãnh. Tôi không buồn để ý đến thầy, giờ tiếng Anh của thầy, tôi không nghe giảng, vừa đọc Quỳnh Dao vừa nhai kẹo cao su, thổi bong bóng.
Còn thầy Chậu Của Cải, vừa tham gia công tác, lại được phân vào dạy ở một trường điểm của tỉnh, được ban giám hiệu tin tưởng giao cho trọng trách làm chủ nhiệm một lớp, chắc chắn trong lòng đang chất chứa tham vọng, muốn nhanh chóng thể hiện mình để báo đáp lại sự tin tưởng đó. Nếu như coi tất cả học sinh là đám ngựa non, thì thầy chính là người thuần hóa, còn tôi chính là con ngựa hoang đầu tiên trong sự nghiệp thuần hóa ngựa của thầy. Đối với thầy, việc tôi có thể bị thuần phục hay không, không chỉ đơn thuần là chuyện thầy sẽ giữ được sự uy nghiêm của mình trước toàn thể học sinh trong lớp nữa, mà còn liên quan đến tự trọng nghề nghiệp, vì vậy, cả hai chúng tôi đều ra sức đối kháng nhau.
Ban đầu, phương pháp mà thầy áp dụng vẫn hết sức đơn giản, phổ biến, đó là khiển trách, phạt làm vệ sinh, phạt đứng, nhưng nhìn bộ dạng tôi đứng nơi cuối lớp, còn có vẻ như dễ chịu hơn cả khi ngồi, thầy bắt đầu hiểu những biện pháp dùng để đối phó với những nữ sinh thông thường không có tác dụng với tôi.
Có một lần, vừa ăn cơm trưa xong là tôi chạy ngay đến trường chơi, bị thầy bắt gặp. Điều bất hạnh hơn nữa là, tôi bất cẩn làm vỡ kính cửa sổ trong lớp. Thầy nổi trận lôi đình, đòi gặp bố mẹ tôi.
Tôi rất lo lắng, về nhà lí nhí nói với mẹ rằng, thầy chủ nhiệm muốn gặp mẹ.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !