Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 1

Chương 1
Tất cả những màu sắc rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân đều được biểu diễn trên bức màn trắng đen rất rõ ràng đó.

 

 

Ánh mắt của mỗi người thiếu niên, đen trắng rõ ràng, giống như một bức màn.

Dũng cảm, xúc động, yếu đuối, tò mò, khát vọng, lúng túng, thương tâm, thất vọng, suy nghĩ, tìm tòi…

Tất cả những màu sắc rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân đều được biểu diễn trên bức màn trắng đen rất rõ ràng đó.

Khi nó trải rộng mọi màu sắc, thì chúng ta ngờ nghệch không biết, cho dù nó ở ngay trước mắt ta.

Chính bởi vì nó quá gần, gần ngay trước mắt chúng ta, thế nên, chúng ta không thể nhìn thấy được.

Chỉ cho đến khi nó đã dần dần rời bỏ chúng ta, chúng ta mới có thể từ từ nhìn rõ. Nhìn rõ nhân quả được mất đằng sau mỗi câu chuyện có thể là rực rỡ sắc màu, cũng có thể không rực rỡ sắc màu, nhưng tất cả đã là một bộ phim nhựa bị kẹt hình, cho dù chúng ta mỉm cười, hay rơi nước mắt, đều chỉ có thể mãi mãi đứng lại ở đầu bên này của thời gian, lặng lẽ quan sát sự tan và hợp, được và mất trên màn hình ở đầu thời gian bên kia.

Đấy chính là tuổi thanh xuân, chỉ đến khi nó đã rời bỏ ta, ta mới có thể nhìn thấy rõ nó.

1. Bắt đầu nhớ lại

Tôi sinh ra trong một gia đình rất bình thường, không giàu cũng không nghèo, trình độ văn hóa của bố mẹ không cao cũng không thấp. Trong ký ức trước lúc năm tuổi của tôi, những hình ảnh về họ rất ít, bởi vì sau khi cô em gái nhỏ hơn tôi một tuổi năm tháng chào đời, bố mẹ đã gửi tôi về sống với ông ngoại.

Ở bên ông ngoại, tôi rất hạnh phúc, vui vẻ. Tất cả tình yêu thương ông đều dành cho tôi. Tôi đúng là một đứa trẻ được sống trong “hũ mật ong” điển hình.

Ông ngoại là kỹ sư xây dựng giỏi nhất ở địa phương, vẽ hình tròn không cần dùng compa. Ông viết chữ thể khải kiểu bé rất đẹp. Về già, ông thường thích đọc tiểu thuyết của Kim Dung, tới nay trong nhà vẫn còn bộ “Ỷ Thiên Đồ Long ký” do ông chép tay lưu lại, đóng thành sách, như những quyển sách cổ đẹp và tinh tế.

Ông ngoại xuất thân giàu có, gia đình sở hữu một vựa cam lớn. Vì xuất thân đó của ông, ở thời đại ấy, ông đã phải trải qua không ít những thăng trầm, nhưng dù đau khổ, khó khăn thế nào, ông cũng bình thản đối mặt, chỉ duy nhất một việc khiến ông không thể bình thản đối mặt, chính là cuộc ly hôn của bà ngoại và ông. Sau khi ly hôn, bà ngoại đưa mẹ tôi rời xa quê nhà, lấy một người khác, người đàn ông đó đối xử rất ca y nghiệt với mẹ tôi. Thời thơ ấu và niên thiếu của mẹ có thể coi là rất bất hạnh. Khi mẹ gặp lại ông ngoại, đã là câu chuyện của hai mươi năm sau. Lúc mới gặp, mẹ không sao thốt lên tiếng “bố”. Ông ngoại từ lâu đã không còn sân si với đời, trước cảnh tượng ấy cũng không cầm nổi nước mắt.

Người đề nghị ly hôn là bà ngoại, ông ngoại không có lỗi gì, nhưng ông vẫn luôn cảm thấy có tội với mẹ tôi, hơn nữa tôi lại là đứa cháu duy nhất ở bên ông, sự yêu chiều của ông dành cho tôi nhiều đến mức khiến người và thần đều phải phẫn nộ. Theo những gì mà dì hai của tôi nhớ thì hồi nhỏ, tôi là một đứa vừa tự phụ, huênh hoang lại vừa ích kỷ. Có lần, dì mua cho tôi một đôi giày da nhỏ. Buổi sáng, dì đi giày cho tôi, tôi không chịu đi, chê giày không bóng, dù dì khuyên giải thế nào cũng không được. Dì đành bỏ cả bữa sáng để đánh giày cho tôi. Dì cằn nhằn mấy câu, tôi liền đi tìm ông ngoại mách tội, kiên quyết đòi ông phải đánh dì, ông ngoại cũng đã cuộn tròn tờ báo lại phết vào mông dì hai cái. Còn nữa, bất kỳ người nào trong nhà chụp ảnh, cũng không được bỏ sót tôi, nếu không có mặt tôi trong ảnh, thì người ấy đừng hòng được chụp, đến đồng nghiệp của dì hai chụp ảnh tập thể, tôi cũng phải góp một chân. Vì vậy, mặc dù thời đó chụp ảnh là một việc vô cùng nghiêm túc và hiếm hoi, nhưng ảnh của tôi trước năm năm tuổi vẫn nhiều tới mức xem không hết. Bức ảnh nào cũng thấy một đứa bé loắt choắt chen trong hàng, mọi người khóc dở mếu dở, còn tôi thì dương dương tự đắc.

Những câu chuyện khiến người và thần đều bất bình đó đều do dì hai kể lại, tôi không nhớ chút gì. Trong ký ức, tôi chỉ nhớ ông ngoại từng đưa tôi đi câu cá, tôi không thích ông bế, muốn tự đi, ông liền đi bên cạnh, lúc thì tôi hái hoa, lúc thì lại bắt châu chấu, đi một, hai tiếng mới tới nơi là chuyện bình thường, ông ngoại vẫn luôn theo sát tôi. Ông ngoại mua kẹo sô cô la rượu cho tôi, chỉ bởi vì tôi thích ăn, ông không quan tâm việc mọi người nói trẻ con không nên ăn nhiều, dễ say. Tôi làm dây mực Tàu vào cuốn sách cổ mà ông sưu tập, dì hai nhìn thấy mà buồn rầu, ông chỉ cười ha ha. Sáng sớm, ông dạy tôi đọc thuộc lòng: “Xuân miên bất giác hiểu1; buổi chiều, ông ôm tôi ngồi trên xích đu, đưa qua đưa lại trong ánh hoàng hôn.

Trong sự nuông chiều của ông ngoại, tôi sống vui vẻ và kiêu ngạo.

Năm năm tuổi, vì phải đi học tiểu học, bố mẹ đón tôi về sống với họ. Còn nhớ khi mẹ xuất hiện trước mặt tôi, tôi không chịu gọi bà là “mẹ”, tôi vừa mút kẹo vừa hoài nghi quan sát người phụ nữ buồn rầu từ xa tới. Trong tiếng gào khóc và những cú đấm đá túi bụi của tôi, mẹ đã ép được tôi lên tàu.

Từ đó, hạnh phúc của tôi kết thúc, khổ nạn bắt đầu.

Ở bên ông ngoại, tôi là nàng công chúa nhỏ, tôi có những món đồ tốt nhất, có trọn vẹn tình yêu của mọi người, cả thế giới này đều quay xung quanh tôi. Nhưng ở bên bố mẹ, thì một cô bé khác, em gái của tôi mới là công chúa.

Bình thường, bố mẹ tôi bận rộn đi làm, toàn bộ thời gian rảnh rỗi của họ đều dành cho em gái tôi. Từ nhỏ, em gái được sống bên cạnh bố mẹ, nhanh mồm nhanh miệng, biết làm bố mẹ vui, biết làm nũng, còn tôi lại là đứa con bướng bỉnh, suốt một thời gian dài không chịu gọi “bố”, gọi “mẹ”.

Hai đứa trẻ tuổi không hơn kém nhau là mấy, nhưng đều được cưng chiều tới mức thành người ích kỷ, khi chơi cùng nhau không tránh khỏi việc tranh giành đồ chơi, giành quà vặt. Tôi lúc nào cũng bị bố mẹ dặn dò và cảnh cáo: “Con là chị, phải nhường em!”

Dưới sự giáo dục “chị em hòa thuận, chị phải nhường em” của bố mẹ, tôi bắt đầu ngoan dần, thường tránh ra một chỗ chơi một mình, bất cứ thứ gì cũng tự giác đợi em gái chọn, cái nào nó không cần thì là của tôi, thậm chí dù đã là của tôi rồi, chỉ cần nó thích, tôi cũng phải trả lại cho nó bất cứ lúc nào. Lúc ăn cơm, tôi vào bàn ăn, không nói câu nào, nhanh chóng ăn cho xong rồi đi ra, những câu chuyện vui vẻ và tiếng cười đùa của họ dường như không liên quan gì đến tôi.

Tôi từ một đứa trẻ nhí nhảnh, dần trở nên kiệm lời. Tôi thường nhớ ông ngoại. Khi đó, mỗi lần đau khổ, cô đơn, tôi đều nghĩ sau này lớn lên, khi tôi có thể tự đi tàu hỏa một mình, tôi sẽ về với ông, chỉ có như thế, tôi mới cảm thấy cuộc sống của mình còn có chút hy vọng.

Hình ảnh sâu đậm nhất trong ký ức của tôi chính là mỗi khi hoàng hôn buông xuống, mẹ bận rộn trong bếp, tôi trốn trong góc tủ sách lật xem Họa báo nhi đồng. Bố đi làm về, vừa mở cửa, câu đầu tiên là gọi “Viện Viện”, em gái sẽ reo lên “bố”, sau đó lao đến ôm chầm lấy ông. Bố sẽ bế em và tung lên cao, rồi lại đỡ lấy. Hai người cười đùa vui vẻ, rộn rã cả phòng khách.

Tôi thì trốn trong bóng tối, lặng lẽ nhìn trộm cảnh tượng ấy. Họ chơi trò chơi, họ kể chuyện, họ cười, rồi lại cười, một tiếng đồng hồ, không ai hỏi tôi đang ở đâu. Cảm giác đó giống như tôi đang ngồi ở điểm tận cùng của vũ trụ hồng hoang, xung quanh tối đen như mực, lạnh lẽo vô cùng, cảm giác cô đơn và hoang mang bao trùm khắp thân thể. Khi ấy, có thể tôi vẫn chưa hiểu thế nào là vũ trụ hồng hoang, cũng không hiểu tâm trạng khiến tôi khao khát phải nhìn ra ngoài nhưng lại bi thương tới mức không cho phép mình đi ra đó là gì. Nhưng hình ảnh đứa trẻ ngồi thu lu trong bóng tối, hai tay ôm chặt lấy mình, nhìn ra ngoài không chớp mắt, khao khát được nghe tiếng bố gọi tên mình đó, mãi mãi khắc sâu trong trái tim tôi.

Cho tới khi cơm tối đã nấu xong, thức ăn đã bày đầy lên bàn, mẹ mới sực nhớ phải gọi tôi ra ăn cơm, tôi vẫn trốn trong góc khuất giữa tủ sách, ghế xô pha và tường không chịu ra. Tôi vừa tủi thân, vừa tự ái, trong đầu quanh đi quẩn lại một suy nghĩ kỳ lạ: Tại sao bây giờ mới nhớ đến tôi? Muộn rồi, đã muộn rồi! Nếu sớm hơn một chút, tôi sẽ vì tiếng gọi đó mà vui mừng, hạnh phúc lao ra, nhưng bây giờ, tôi không muốn thưa nữa! Tôi không muốn thưa nữa! Tôi khô ng thèm! Không thèm các người!

Mẹ mở tung tất cả các phòng ra tìm tôi, nhưng đều không thấy. Họ quay sang hỏi em gái xem tôi đi đâu, đứa bé ngốc nghếch ấy chỉ biết lắc đầu, nũng nịu nói: “Con đang chơi xếp hình, không biết chị đi đâu.”

Bởi vì người tôi nhỏ, thu mình lại trong góc, trở thành điểm mù của mắt. Tại sao họ lại không nghĩ ra, tôi đang ở trong phòng khách, ngay dưới tầm mắt họ, đó chính là một điểm mù trong tim. Vì vậy, bố mẹ vẫn không tìm thấy tôi. Trong lúc hoảng hốt, họ không còn nghĩ đến việc ăn cơm, vội vàng nhờ hàng xóm sang trông em gái. Hai người mặc áo khoác, lao ra ngoài trời đêm gió lạnh, bắt đầu túa đi khắp nơi tìm tôi, còn tôi lại chỉ ngồi trong góc phòng khách, lặng lẽ nhìn mọi việc diễn ra.

Tôi không cố ý gây ra sự hỗn loạn này, chỉ là do lúc ấy tôi thật sự không muốn đáp lại tiếng gọi của họ. Sau đó, khi mọi việc đi quá xa, tôi bắt đầu hoảng sợ, không biết nên làm thế nào, càng thu mình vào sâu hơn.

Màn kịch náo loạn này tới tận nửa đêm mới kết thúc. Đó là do em gái tôi chạy đi nhặt một khối gỗ xếp hình bị lăn mới phát hiện ra tôi. Mặt nó hớn hở như “ta đã bắt được đặc vụ của Quốc dân Đảng”, chạy đi cấp báo tâng công. Bố túm lấy tôi định đánh. Mẹ vội ngăn lại, hỏi tôi nguyên nhân, tôi nhìn bàn tay to lớn của bố, rồi xoa xoa mông mình, không kịp nghĩ ngợi gì nhiều liền buột miệng: “Con không nghe thấy bố mẹ gọi, con xem họa báo xong ngủ quên mất.”

Lời nói dối đầu tiên trong đời tôi giúp tôi tránh được một trận đòn nhừ tử.

Kém một tháng nữa là tròn sáu tuổi, tôi vào tiểu học.

Hồi ấy, độ tuổi đi học được quản rất nghiêm ngặt, chưa đủ bảy tuổi tuyệt đối không cho nhập học, đừng nói là thiếu hơn một năm, thiếu một tháng cũng không được. Bố muốn tôi đi học, vắt óc nghĩ cách, nhờ các mối quan hệ mà xin cho tôi vào trường tiểu học dành cho con em bộ đội ở địa phương, trường đó là do bộ đội tự mở, nên tiêu chuẩn cũng thoáng hơn.

Nhưng, tôi bị bệnh lao, chưa kịp học hết bảng phiên âm đã lại phải nghỉ học.

Sau một năm ở nhà dưỡng bệnh, bố mẹ hỏi tôi muốn học lại lớp một hay là muốn lên thẳng lớp hai.

Thời ấy, trong trường lưu truyền một bài đồng dao: “Học sinh lưu ban đi rang lạc, rang lạc cho bác sĩ ăn, bác sĩ bảo lạc ngon quá, hóa ra là em lưu ban.”

Tôi từng tận mắt chứng kiến một đám trẻ con tụ tập bên đường cao giọng hát đi hát lại bài đồng dao này để chế nhạo một đứa trẻ khác. Nghĩ đến đấy, tôi rùng mình, nói ngay với bố mẹ, tôi muốn học tiếp lên lớp hai với các bạn. Thế là bố mẹ cho tôi đi học lớp hai.

Tuổi của tôi ít hơn các bạn, suy nghĩ còn non nớt, lại chưa học lớp một, đương nhiên là: thành tích học tập của tôi rất kém. Do tính cách của tôi cô độc quái gở, luôn trầm tư kiệm lời, cộng thêm thành tích học tập yếu kém, từ đầu chí cuối, tôi không phải là mẫu học sinh được các thầy cô giáo yêu quý. Vì vậy, tôi lại càng thêm cô độc, kỳ quái, trầm tư kiệm lời, và thành tích học tập của tôi lại càng yếu kém.

Vấn đề là, có như thế cũng chẳng sao, bởi vì bố mẹ không bao giờ quan tâm đến thành tích của tôi. Họ không bao giờ mắng tôi vì chuyện kết quả thi đứng thứ nhất hay thứ hai lớp từ dưới lên, họ nói chỉ cần tôi cố gắng hết sức là được, vì vậy tôi không bị áp lực trong việc học. Ngoài đứa em gái khiến tôi ngưỡng mộ, ghen tị, chán ghét và một gia đình khiến tôi có cảm giác bị đàn áp và cô độc ra, cuộc sống của tôi cũng vẫn gọi là tạm ổn, thậm chí tôi còn có một người bạn rất tốt là Cát Hiểu Phi. Cô ấy học giỏi nhất lớp, là con một, và vô cùng ngưỡng mộ vì tôi có em gái để chơi cùng, còn tôi lại ngưỡng mộ tất cả những ai là con một.

Lên cấp hai, khi học môn chính trị, được biết kế hoạch hóa gia đình là quốc sách cơ bản của đất nước, tôi còn oán trách quốc sách cơ bản của đất nước mà lại không được thực thi đến nơi đến chốn gì cả.

Cát Hiểu Phi rất thích nói chuyện, còn tôi lại không thích nói chuyện. Ở bên cạnh tôi, cô ấy không cần lo lắng sẽ có người     cướp lời. Ngoài điểm khác nhau có thể bổ trợ cho nhau đó ra, tôi và Cát Hiểu Phi còn có một điểm chung nữa, chúng tôi đều không thích về nhà. Thường thì sau khi tan học, lúc các bạn đã về nhà từ lâu, chúng tôi vẫn lang thang khắp nơi trong trường.

Lang thang nhiều, suốt ngày chạm mặt nhau, đi lại một vài lần, thế là chúng tôi thành bạn thân. Khi ở bên cạnh cô ấy, thỉnh thoảng tôi cũng trở lại là một đứa trẻ hoạt bát, lanh lợi như khi còn ở bên ông ngoại. Hai chúng tôi cùng đi học, cùng về, những lúc ở cạnh nhau, thường tay nắm chặt tay, tôi có cảm giác cô ấy mới là chị em của mình. Thậm chí có một cái kẹo, tôi cũng để dành cho Hiểu Phi một nửa. Cô ấy đối với tôi cũng rất tốt, chỉ cần tôi cần, Hiểu Phi sẵn sàng nhường lại cho tôi, kể cả là cô ấy không có nữa. Khi tôi không vui, cô ấy thường tìm mọi cách để chọc cho tôi cười. Tay tôi vụng về, mỗi lần học thủ công đều làm chậm hơn các bạn khác, Hiểu Phi thường làm giúp tôi trước, sau khi hoàn thành phần của tôi xong, mới vội vội vàng vàng làm bài của mình.

Hai chúng tôi giống như một cặp song sinh, chỉ ước lúc nào cũng được ở bên nhau. Một hôm sau khi tan học, chúng tôi tay trong tay chơi rất lâu, nhưng vẫn không muốn buông tay, mà trời thì đã tối lắm rồi.

Hiểu Phi nói cô ấy không muốn về nhà, hỏi tôi có ở lại với cô ấy được không, tôi liền mời cô ấy về nhà mình. Bố mẹ thấy tôi đưa bạn về chơi, tiếp đãi rất nhiệt tình. Buổi tối, chúng tôi ngủ chung một giường, đầu kề đầu, đấy là lần đầu tiên tôi không có cảm giác cô độc khi ở nhà mình, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, nhìn vẻ mặt lo lắng của bố mẹ, mới biết chuyện Hiểu Phi cả đêm không về nhà đã gây nên một chuyện kinh hoàng. Thời ấy chưa có điện thoại, bố mẹ cô ấy đành phải đi từng nhà từng nhà để tìm, hai ba giờ sáng mới tìm đến nhà tôi. Bố tỏ ra không vui vì việc Hiểu Phi đã nói dối là mẹ cô ấy biết chuyện cô ấy ở lại nhà tôi. Mẹ tôi không nói nhiều, vẫn chuẩn bị một bữa sáng thịnh soạn để chúng tôi ăn xong còn đi học.

Cát Hiểu Phi sau một ngày buồn bã, lại vui như thường.

Nhờ có Hiểu Phi, cuộc sống của tôi dù vẫn u ám, song cũng được coi là vui vẻ. Nhưng, có lẽ, cuộc đời thấy sức nặng đè trên lưng con lạc đà nhỏ bé như tôi đây còn chưa đủ, nên nó đã chất lên lưng tôi thêm một bó củi nặng.

Năm lớp ba, do bố bị điều động công tác, tôi phải rời khỏi nơi này, chuyển đến một thành phố mới. Tôi và Hiểu Phi gạt nước mắt từ biệt nhau. Cô ấy ôm lấy tôi khóc nức nở. Khi đó, mặc dù tôi không khóc nhưng vừa lên tàu, nước mắt đã giàn giụa, tôi lại không muốn bố mẹ biết nên phải nín thở để không bật khóc thành tiếng.

Tuổi còn nhỏ, chưa thật sự hiểu thế là biệt ly, nhưng tôi cũng đã vì biệt ly mà rơi lệ.

Vào trường mới, tôi gặp một cô giáo dạy toán mới – cô Triệu. Từ đó, nỗi khổ cực mới của tôi bắt đầu.

Mụ phù thủy ác độc đó đến nay vẫn để lại ác cảm trong tôi về thầy cô giáo. Mỗi lần tôi đọc cái gì mà “thầy cô giáo như ngọn nến, tự đốt cháy mình soi đường cho học sinh”, thật muốn cười gằn. Kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời tôi lại hoàn toàn trái ngược với điều đó. Đúng là có thầy cô giáo tốt, nhưng lại có rất nhiều giáo viên coi trọng thế lực. Nếu bố mẹ của học sinh nào làm quan to, cô ta sẽ tỏ ra thân thiết với học sinh đó. Nếu bố mẹ bạn làm trong ngành giáo dục, cô ta sẽ đối xử với bạn hết sức dịu dàng, nhân từ, vô tư cống hiến, có thể còn lung linh hơn cả hình ảnh ngọn nến. Nhưng, nếu bố mẹ bạn không làm quan, lại chẳng có tiền, bản thân bạn cũng không giỏi giang gì, thành tích học tập không tốt, thì cô giáo sẽ coi bạn là mục tiêu, khi thì ném phấn trúng đầu bạn, khi lại trừng mắt nhìn bạn, nói với bạn bằng một giọng rất bình thản nhưng hàm ý khinh khi để chế giễu sự ngượng ngùng của bạn lúc trả lời sai câu hỏi.

Người lớn cứ nghĩ rằng có rất nhiều chuyện trẻ con không hiểu, thực tế thì trái tim của chúng tôi rất mẫn cảm. Chúng tôi cũng có “lòng sĩ diện”, và chúng tôi rất ghét bị cười nhạo trước mặt người khác. Sau vô số lần mặt đỏ tía tai vì xấu hổ, tôi ngày càng sợ cô giáo này, còn cô ta cũng càng ngày càng coi thường tôi, giờ học nào cũng thích gọi tôi lên để hỏi, để châm biếm vài câu. Sự vụng về của tôi, thành tích học tập yếu kém của tôi, khả năng ăn nói kém của tôi, thậm chí cả tính cách cô độc kỳ quái của tôi, đều khiến cô ta không hài lòng. Đến giờ tôi vẫn nhớ cách cô ta bĩu môi, liếc xéo tôi, dùng giọng điệu hận rèn sắt không thành thép nói với tôi: “Sao em chẳng ra dáng một đứa trẻ gì cả? Vừa đần vừa ngốc, không biết ăn cơm rồi tiêu hóa đi đâu hết nữa?”

Đứa trẻ nào cũng có một trái tim mẫn cảm bất thường, cũng thích được cô giáo cưng chiều, thích làm cán bộ lớp, thích trên cánh tay được đeo băng đô hai vạch đỏ hoặc ba vạch đỏ, tỏ vẻ nghiêm nghị đứng ở cổng trường kiểm tra xem học sinh có đeo khăn quàng đỏ hay không, nữ sinh có sơn móng tay không, nam sinh có cắt tóc cao trên tai hay không.

Trẻ con nhiều khi còn coi trọng thể diện hơn cả người lớn, bởi vì thế giới của chúng nhỏ, và thế nên, tất cả những việc nhỏ đều không nhỏ. Giáo viên tiểu học, đối với xã hội mà nói, chỉ là một người hết sức bình thường, nhưng trong mắt những học sinh mà họ dạy, lại là Thượng Đế, sự phê bình và khen ngợi của thầy cô, sự yêu và ghét của thầy cô sẽ tạo ra những chuỗi phản ứng khó có thể tưởng tượng hết được.

Thái độ coi thường tôi ra mặt của cô giáo Triệu cũng làm ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. Họ bắt đầu không thích chơi với tôi, nhảy dây, đấm bao cát, đá cầu, không ai muốn ở cùng phe với tôi. Sau vài lần rơi vào tình huống ngại ngùng như thế, tôi bắt đầu tự giác tránh xa các bạn, trong khi các bạn tụ tập vui chơi cùng nhau thì tôi ngồi thơ thẩn một mình ở vườn hoa.

Ở nhà, tôi cô độc, cái gì cũng phải nhường cho em; ở trường, tôi cô độc, cô giáo và bạn bè đều không thích tôi. Ở nhà, tôi thường ngồi một góc, lặng lẽ nhìn em gái vừa ôm vừa làm nũng bố; ở trường, tôi thường đứng từ rất xa, lặng lẽ nhìn các bạn chơi nhảy dây, đấm bao cát.

Trên thế giới này, có rất nhiều cảm giác tồi tệ, nhưng cô đơn là cảm giác khủng khiếp nhất.

Sau này, một lần tôi vô tình đọc được một cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long trên giá sách của bố. Cảm giác cô đơn, lạc lõng, bị người đời lãng quên của người anh hùng trong truyện giống như một luồng điện mạnh chạy thẳng vào tim tôi, tôi đã tìm thấy bảo bối trên giá sách. Từ đó, tôi càng lặng lẽ hơn, càng cô độc, kỳ quái trốn vào thế giới tưởng tượng của riêng mình.


1 Câu đầu trong bài thơ Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên. Dịch nghĩa là: Giấc ngủ đêm xuân không biết trời sáng.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/t32056-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận