Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 14

Chương 14
Cô Cao bóc cam, đặt vào tay tôi, cười nói: “Em và Trương Tuấn sau này có thể cùng nhau đến thăm cô, chúng ta lại cùng trò chuyện.”

Mẹ đi gặp thầy Chậu Của Cải, thầy Chậu Của Cải kể hết tội lỗi của tôi với mẹ, hy vọng gia đình kết hợp với nhà trường để giáo dục tôi. Sau khi về nhà, mẹ kể lại mọi chuyện với bố.

Có lẽ do hồi tiểu học tôi đã có những thành tích như đánh nhau, ăn trộm để so sánh, nên việc lên lớp không nghe giảng, phá hoại của công kia trở nên quá đỗi bình thường. Bố tôi chẳng để ý, không chừng trong lòng ông còn thầm nghĩ thầy Chậu Của Cải chuyện bé xé ra to. Mẹ tôi mặc dù có chút buồn phiền, nhưng cũng bất lực, sự xa cách lạnh nhạt của tôi đối với họ, trong lòng bà biết rất rõ, nên bà không dám nặng lời, sợ ép tôi chuyển từ lạnh nhạt sang phản nghịch, chỉ tế nhị khuyên tôi nên kính trọng thầy cô giáo.

Thầy Chậu Của Cải không biết tình hình cụ thể của gia đình tôi, thấy mẹ tôi là người hiểu biết, cứ nghĩ rằng cuối cùng cũng đã tìm ra cách trị tôi, không ngờ vui mừng chưa được mấy ngày, liền phát hiện tôi vẫn tự tung tự tác như thế, thậm chí còn ngày càng táo tợn hơn. Ngoài giờ ngữ văn của cô Tằng là tôi tương đối nghiêm túc ra, tất cả những giáo viên bộ môn còn lại đều phàn nàn tôi không chịu nghe giảng, nói rằng cho học sinh xuống ngồi cuối lớp không phải cách hay.

Trước những ý kiến phản đối của giáo viên bộ môn, thầy Chậu Của Cải đành phải đổi chỗ cho tôi, từ chỗ cực đoan này đi đến chỗ cực đoan khác, lại chuyển tôi lên ngồi ở bàn đầu giữa lớp, bàn áp sát với bục giảng của giáo viên, ngay dưới tầm mắt của thầy.

Thầy tỏ ra rất tự phụ, như muốn nói “xem cô còn có thể làm gì khi ngồi ngay dưới tầm mắt của tôi”.

Kết quả chưa đến một tuần, các giáo viên lại đi tìm thầy Chậu Của Cải để phàn nàn về tình hình của tôi. Giáo viên dạy toán thì nói tôi làm bài tập lý trong giờ của thầy ấy. Giáo viên dạy lý thì tố tôi làm bài tập địa lý trong giờ của cô ấy. Giáo viên dạy địa lý thì bực bội nói tôi làm bài tập toán trong giờ của thầy ấy. Thầy Chậu Của Cải rất đau đầu, tìm tôi nói chuyện, hỏi tôi tại sao lại làm như thế, tôi thật thà trả lời: “Bởi vì hết giờ thì em muốn đi chơi, không có thời gian làm bài tập, nên em cần phải làm xong bài tập trước khi tan học”.

Thầy Chậu Của Cải tức giận tới mức đôi mắt nhỏ của thầy muốn tóe lửa. Để tôi không thể làm bài tập trong giờ học nữa, thầy phạt tôi đứng ngoài hành lang.

Phạt đứng trong lớp hay ngoài lớp, về cơ bản đều là phạt đứng, nhưng trên thực tế, ý nghĩa lại rất khác nhau. Trong lớp, thì như chuyện xảy ra trong nhà mình, bất luận tốt xấu thế nào đều xảy ra ở phía bên trong cánh cửa, nhưng bên ngoài lớp, thì không khác gì vạch áo cho người ta xem lưng. Mới đầu, đúng là tôi rất khó chịu, xấu hổ tới mức không dám ngẩng đầu lên. Mọi người đi qua đi lại chỗ tôi, đều quay sang nhìn tôi một cái, tôi chỉ ước tìm được lỗ nào mà chui ngay xuống, nhưng xấu hổ là chuyện của xấu hổ, muốn tôi khuất phục, còn lâu!

Vì vậy, mỗi khi bị thầy Chậu Của Cải phạt đứng, tôi như quả cà tím phải sương muối, héo khô héo quắt, trên cổ như phải đeo thêm một cái biển nặng hàng nghìn cân, đầu cúi gằm thiếu nước chạm cả vào cổ áo. Nhưng khi thầy vừa tha cho tôi vào lớp, tôi sẽ lại làm bài tập lý trong giờ toán, làm bài tập địa trong giờ lý, làm bài tập toán trong giờ địa, giờ anh văn thì đọc tiểu thuyết, không hề thay đổi. Thầy giận tím mặt, đành phải tiếp tục đấu với tôi.

Trong lúc tôi và thầy Chậu Của Cải nghĩ mưu tính kế để đấu với nhau, kỳ thi cuối kỳ đã đến, đấu thì đấu, nhưng không hề ảnh hưởng tới thành tích học tập, thậm chí còn tiến thêm vài bậc so với trước. Chút phiền muộn, lo lắng cuối cùng trong lòng bố mẹ cũng tan theo mây khói. Suy nghĩ của họ rất đơn giản, chỉ cần tôi không trốn học, làm bài tập đầy đủ, kết quả học tập không đến nỗi nào, cho thấy tôi vẫn quan tâm tới việc học, vậy thì tất cả những chuyện khác, bất luận là làm vỡ cửa kính, hay nghịch ngợm trong giờ học, thậm chí tranh luận gay gắt với giáo viên, đều là bình thường. Đặc biệt, bố tôi còn cho rằng nghịch ngợm, hiếu động, gây họa gì gì đó mới giống trẻ con. Ông luôn lo lắng trước sự trầm lặng ít nói, u uất đáng sợ suốt thời tiểu học của tôi. Tất nhiên, bố mẹ không dám để thầy Chậu Của Cải biết là họ nghĩ như thế.

Đối với việc tôi bị thầy phạt đứng ngoài hành lang, Hiểu Phi không những không cảm thấy mất mặt, ngược lại còn tỏ vẻ sùng bái tôi. Cô ấy cho rằng tôi rất lạnh lùng, dám đối đầu với thầy giáo, học sinh lớp 7 mặc dù không còn tôn sùng thầy cô giáo như hồi tiểu học nữa, nhưng có mấy ai dám đứng ra ngang nhiên chống đối lại họ, đặc biệt lại là con gái.

Trước suy nghĩ của cô ấy, tôi chỉ còn biết cười khổ, tôi đâu có muốn tỏ vẻ cool, hot gì đâu? Tôi là bị ép!

Nghỉ đông, cuộc sống của tôi tương đối thoải mái, không phải đi học, không phải làm bài tập, không cần phải đấu với thầy Chậu Của Cải, cả ngày có thể đọc những cuốn sách mà mình thích. Mùng ba Tết, tôi đến chúc Tết cô Cao, cô Cao hỏi về chuyện học hành của tôi. Tôi thật thà báo cáo lại tình hình, cô cười hỏi: “Rút cục là em đã cố gắng được mấy phần?”

Sau khi suy nghĩ nghiêm túc, tôi nói với cô: “Cũng không nhiều ạ, thật ra học hành rất vô vị.”.

Cô Cao cười ngất: “Em và Trương Tuấn sao vẫn còn trẻ con như thế? Cả ngày chỉ nghĩ đến chơi”.

Tôi thản nhiên hỏi: “Trương Tuấn cũng đến ạ?”

Cô Cao đáp: “Ừ, hôm qua có đến chúc Tết cô. Cô hỏi bạn ấy là đã chăm chỉ học hành chưa, bạn ấy chỉ cười không nói, có điều chơi thì cứ chơi, nhưng đừng để bị rớt lại xa quá là được, dù sao các em cũng vẫn còn nhỏ tuổi, nghĩ đến chuyện thi đại học bây giờ thì hơi sớm”.

Cô Cao đúng là thật lòng quý tôi và Trương Tuấn, trong mắt những giáo viên khác chúng tôi ngang bướng bất kham, âm trầm quái dị, nhưng trong mắt cô chẳng qua cũng chỉ là những trò nghịch ngợm ngoan cố của những đứa trẻ chưa lớn. Thật ra cô không biết, tôi và Trương Tuấn phức tạp, trưởng thành sớm hơn những người bạn cùng tuổi rất nhiều.

Cô Cao bóc cam, đặt vào tay tôi, cười nói: “Em và Trương Tuấn sau này có thể cùng nhau đến thăm cô, chúng ta lại cùng trò chuyện.”

Tôi mỉm cười ngồi ăn cam, không nói gì.

Sau khi rời nhà cô Cao, tôi vừa đi vừa hối hận, lẽ ra nên tới chúc Tết cô vào ngày hôm qua. Tâm trạng đang chới với, đột nhiên nghe thấy giọng ca của nhóm Tiểu Hổ vọng ra từ một cửa hàng băng đĩa.

“Xâu trái tim của bạn và của tôi thành một chuỗi. Xâu một chuỗi cỏ ba lá. Xâu một vòng tròn đồng tâm. Để tất cả những kỳ vọng về tương lai đồng hành với tuổi thanh xuân. Đừng để những người trẻ tuổi càng trưởng thành càng cô đơn.”

Giờ đã là thời của Lâm Chí Dĩnh, trên hộp bút của các bạn nữ trong lớp đều có dán ảnh Lâm Chí Dĩnh, sao cửa hàng bán băng đĩa này vẫn còn mở bài của nhóm Tiểu Hổ?

Tôi đứng bên ngoài ngẩn người ra nghe một lúc, rồi sải bước.

Cuộc sống trong kỳ nghỉ đông rất bình yên, ngoài mấy ngày Tết phải đi chúc Tết với bố mẹ ra, gần như ngày nào tôi cũng đến quán karaoke của Tiểu Ba, cuộn người trên ghế sofa đọc tiểu thuyết mượn từ thư viện trường, hết quyển này tới quyển khác, Ô Tặc thường trêu tôi nói: “Còn chê mắt kính trên mũi chưa đủ dày phải không?”

Tôi không thèm để ý tới anh ta. Giờ anh ta đang kiêu căng đắc ý, dù gì Tiểu Ba cũng còn nhỏ tuổi, rất nhiều trường hợp không tiện ra mặt, đành phải để Ô Tặc đứng ra xử lý, rất nhiều người không biết cho rằng, quán karaoke này là của Ô Tặc, đi đến đâu cũng có người châm thuốc dâng rượu, rất đàn anh, lại có cô bạn gái xinh đẹp làm bạn, xem ra tình trường thương trường đều thu hoạch lớn.

Quán chủ yếu hoạt động vào buổi tối, Tiểu Ba là người cẩn thận, nên việc gì cũng tự mình làm lấy, thường xuyên bận rộn chạy qua chạy lại như con thoi, hai ba giờ sáng vẫn chưa được ngủ. Ban ngày, anh ấy thường nằm ngủ trên ghế sofa, tôi ngồi trên chiếc sofa khác đọc sách, thỉnh thoảng tỉnh dậy, anh ấy thường nhờ tôi rót cho cốc nước, uống vài hớp, rồi trở mình ngủ tiếp, tôi lại tiếp tục đọc sách.

Những lúc không ngủ, anh ấy cũng đọc sách, có điều sách anh ấy đọc khác với loại tôi thường đọc, tôi thích đọc tiểu thuyết, còn anh ấy lại thích đọc những cuốn anh hùng trong chiến tranh, hay tiểu sử của những người thành công, hoặc đơn thuần chỉ là sách về quản lý doanh nghiệp, kinh tế thị trường, vừa đọc vừa ghi chép rất cẩn thận.

Vì đang nghỉ đông, nên không tiện đến thư viện trường để mượn sách, anh ấy đưa tôi đến thư viện sách của thành phố, nhân viên thủ thư của thư viện nhìn thấy anh ấy, liền niềm nở chào hỏi: “Đến mượn sách phải không? Vài ngày trước thư viện mới nhập về một lô sách mới về mảng tiếp thị, marketting, mục lục sách ở đây này.”

Lúc này tôi mới biết anh ấy là khách quen của thư viện. Tôi cũng làm một thẻ của thư viện thành phố, bắt đầu mượn sách ở đây để đọc.

Chúng tôi thường xuyên ở bên nhau cả ngày, gần như chỗ nào có tôi là có anh ấy, chỗ nào có anh ấy là có tôi. Thực ra, mặc dù chúng tôi ở bên nhau, nhưng sách ai người nấy đọc, việc ai người nấy làm, không ảnh hưởng gì đến nhau cả.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t33115-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-14.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận