Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 21

Chương 21
Một hôm, tôi chọn bài Đại bi bạc đầu ông của Lưu Hy Di:

Lạc Dương thành Đông đào lý bay

Dập dìu qua lại, rụng nhà ai?

Cô gái Lạc Dương xinh biết mấy

Gặp những hoa rơi cứ tiếc hoài.

Năm nay hoa rụng, dung nhan đổi

Năm sau hoa nở còn ai đợi?

Mấy độ nương dâu hóa biển xanh

Bao lần tùng bách khô thành củi.

Thành Đông người cũ vắng xa rồi

Người nay trong gió ngắm hoa rơi

Năm năm tháng tháng hoa còn đó

Tháng tháng năm năm khách đổi dời.

Nhắn kẻ trẻ trung tươi má thắm

Thương lão già nua tóc bạc thôi.

Ông lão thương thay tóc trắng ngần

Vốn má đào xưa lúc tuổi xuân

Cây thơm công tử vương tôn hội

Hoa rơi múa hát đẹp quây quần.

Ao đài gấm vóc dinh quang lộc

Lầu gác thần tiên phủ tướng quân

Ai biết bệnh nằm trong một sớm

Còn đâu vui thú những ba xuân?

Mày ngài mềm mại dễ bao thời?

Tóc rối như tơ một thoắt thôi

Chốn xưa múa hát nay nhìn lại

Chỉ còn chim liệng bóng chiều rơi.

Mặc dù trước khi đứng lên đọc, tôi đã luyện tập và đọc thử nhiều lần, tôi cũng biết bài thơ này là một lời cảm thán về sự vô tình của thời gian, nhưng khi đứng lên đọc, không biết tại sao, đọc đến hai câu “Năm năm tháng tháng hoa còn đó, Tháng tháng năm năm khách đổi dời”, đột nhiên cảm thấy buồn vô hạn.

Hôm nay, chúng tôi cùng nhau ngồi trong lớp học này, ngày mai, chúng tôi sẽ ở đâu? Tôi ở đâu? Hiểu Phi sẽ ở đâu? Trương Tuấn ở đâu? Tiểu Ba ở đâu?

Cổ nhân cũng đưa ra câu hỏi cho ngày hôm nay của tôi, vì vậy khi tự chất vấn: “Mày ngài mềm mại dễ bao thời?”, câu trả lời là: “Nhắn kẻ trẻ trung tươi má thắm, Tóc rối như tơ một thoắt thôi”.

Chúng ta muốn sớm thoát khỏi sự kìm kẹp của gia đình, thầy cô để trưởng thành như thế, nhưng sau khi trưởng thành rồi, có phải lúc ấy chúng ta mới hiểu quãng thời gian của ngày hôm nay thật đáng quý biết bao?

Tôi đọc xong, cô Tằng ra sức vỗ tay, các bạn thì ngồi ngây ra nhìn thầy tr chúng tôi. Họ hoàn toàn không hiểu được những gì tôi vừa nghĩ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nhưng có lẽ cô Tằng đã hiểu được.

Cô Tằng bảo tôi về chỗ ngồi, nói với tôi rằng, tôi không phải đọc diễn cảm thơ cổ nữa, bắt đầu từ ngày mai, trong giờ ra chơi thì đến văn phòng của cô.

Cô đưa tôi đến hội trường, bảo tôi đứng trên bục giảng, từ trên cao nhìn xuống những dãy ghế trống.

“Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta chính thức luyện tập diễn thuyết, diễn thuyết không giống như đọc diễn cảm thơ ca, mà còn phải dùng ngôn ngữ cơ thể để tác động đến cảm xúc của người nghe, chúng ta cần phải luyện cách sử dụng ánh mắt, nụ cười, động tác của tay để khơi dậy tình cảm của khán giả.”

Dưới sự hướng dẫn của cô Tằng, tôi bắt đầu luyện tập bài thuyết trình hết lần này tới lần khác một cách buồn tẻ, cô chỉnh sửa từng động tác nhỏ của tôi, giúp tôi học được cách thể hiện mình một cách tự nhiên thoải mái, khảng khái, hiên ngang, thể hiện mình bi ai mà không buồn thương. Thậm chí, cô còn mời giáo viên đội múa của khối cấp ba hướng dẫn tôi cách đi từ dưới sân khấu đến trước micro như thế nào cho đẹp mắt, rồi sau khi trình bày xong, duyên dáng cúi người chào khán giả đi vào như thế nào.

Tôi học những cử chỉ và cách đi lại duyên dáng từ cô giáo của đội múa, đi đi lại lại trên sân khấu, cô Tằng đứng dưới sân khấu hút thuốc, hai tay chống nạnh, hình ảnh hết sức thô tục.

Cô giáo dạy múa là bạn học cấp ba của cô Tằng, lại cùng tốt nghiệp đại học sư phạm, tình cảm sâu đậm, thường vừa dạy tôi vừa mắng cô Tằng: “Tằng Hồng, cậu còn như thế nữa, sẽ không lấy được chồng đâu.”

Cô Tằng Hồng nhổ đầu thuốc ra, phớt lờ những lời cô giáo dạy múa vừa nói, sau đó chỉ vào tôi, lạnh lùng mắng: “La Kỳ Kỳ, sao em ngu ngốc như heo thế? Vừa dạy xong mà em đã quên ngay rồi! Cười! Cười lên! Dù trong lòng em có không vui thế nào, thì ngoài mặt vẫn phải cười lên cho tôi!”

Nhờ sự ban tặng của thầy Chậu Của Cải, tôi cũng có chút tiếng tăm trong giới giáo viên, cô giáo dạy múa chú ý tới thần sắc của tôi, thấy tôi không hề biến sắc trước những lời mắng mỏ đó. Cô cảm thấy lạ, có vẻ tôi không giống với những lời đồn: một con ngựa bất kham, trong mắt không coi ai ra gì. Giờ nghỉ giải lao, cô nói với cô Tằng: “Cô bé này khá thú vị đấy, chẳng trách một kẻ lười biếng như cậu lại phải bỏ tâm sức nhiều đến thế.”

Giờ tôi đã không còn là đứa trẻ lên ba nữa, sớm đã biết trong những lời mắng mỏ, trong những lời tốt đẹp đều có ẩn ý riêng, có người sẽ giấu sự ác ý trong những lời khen ngợi, cũng có những người lại chôn vùi sự khổ tâm trong những câu mắng mỏ. Những người đối xử tốt với bạn chưa hẳn là đã tốt, những người xấu với bạn chưa hẳn là đã xấu.

Cả khối không phải chỉ một mình tôi tham gia cuộc thi diễn thuyết. Cô giáo dạy ngữ văn ở những lớp khác cũng chỉ chọn ra người giỏi nhất trong lớp, yêu cầu họ đọc qua vài lần, chỉnh sửa xong thì thôi, nhưng cô Tằng vớ phải một đứa kém cỏi như tôi, lại không ngại khó ngại khổ làm khó bản thân mình, phải làm phiền người khác tới dạy tôi, cho dù cô có mắng tôi cả trăm câu là đồ óc heo, tôi cũng vẫn nghe được.

Năm trường trung học cơ sở trọng điểm của thành phố tập trung tại hội trường của trường Nhất Trung. Cuộc thi diễn thuyết được chia theo từng khối, bên đài truyền hình thành phố còn cho người tới quay. Cuộc thi sẽ được phát giới thiệu trong chương trình thời sự của đài.

Tôi cũng coi như không phụ công rèn luyện của cô Tằng, đạt giải nhì trong cuộc thi. Cô giáo dạy múa tỏ vẻ tiếc nuối, nói người đạt giải nhất chỉ hơn tôi giọng nói ngọt ngào, hình tượng tươi sáng, trẻ trung, tràn đầy sinh lực, chứ thực ra phong thái khi hùng biện của tôi lão luyện hơn.

Nhưng tôi và cô Tằng đều cảm thấy rất hài lòng về kết quả này, đối với tôi mà nói, đứng trên sân khấu mà sắc mặt thản nhiên như không, phát huy được hết những gì đã học, là thành công rồi. Còn cô Tăng Hồng đào tạo được một kẻ khi đứng trên bục phát biểu chân run lập cập, không cả dám ngước mắt lên nhìn mọi người ở phía dưới thành một học sinh có nụ cười tươi tắn, diễn đạt ý tứ đâu ra đấy, thì coi như cũng đã nhìn thấy sự thành công của mình rồi.

Tôi phát hiện ra tôi và cô Tằng có điểm khá giống nhau, chúng tôi đều là những người sẽ cố gắng toàn tâm toàn sức trong quá trình rèn luyện, nhưng khi có kết quả, chỉ cần đạt yêu cầu tối thiểu nhất, sẽ thỏa mãn. Chúng tôi đều không phải những kẻ cố chấp, nhất định phải giành vị trí số một cho bằng được.

Khi lên bục nhận giải, tôi thoáng liếc mắt thấy một hình dáng quen thuộc, Trương Tuấn đang đi về phía cửa. Tôi đột nhiên thất thần. Hội trường có sức chứa khoảng hai nghìn người, nên nhà trường không yêu cầu tất cả các học sinh đều phải đến tham dự đầy đủ, đa phần những học sinh hôm nay đến đây đều là con ngoan trò giỏi trong mắt thầy cô giáo, những người thích tham gia những hoạt động tập thể, quan tâm tới danh dự của tập thể. Còn những học sinh kém nhân cơ hội không phải lên lớp này, coi như nhà trường cho nghỉ, đã chạy đi chơi từ lâu rồi. Mặc dù thành tích học tập của Trương Tuấn không phải kém, nhưng tôi không tin cậu ấy nghĩ cho bạn bè hay thầy cô giáo, mà đến để ngồi nghe cuộc thi diễn thuyết dài dằng dặc và nhàm chán này.

Tại sao cậu ấy lại đến đây?

Tư duy vừa mở ra, lại lập tức bị chính bản thân mình gào lên đòi khép lại, tại sao cậu ấy đến đây, thì có liên quan gì tới tôi?

Sau khi đạt giải trong cuộc thi diễn thuyết, tất cả những cuộc thi lớn nhỏ sau này như thi ngâm thơ, thi diễn thuyết, các thầy cô giáo đều cử tôi đi. Tôi cũng chẳng từ chối bao giờ, từ cấp trường tới cấp thành phố, tất cả mọi hoạt động tôi đều tham gia. Một mặt là vì giải thưởng, mặt khác là muốn có cơ hội luyện tập nhiều hơn, nâng cao kỹ năng.

Qua cuộc thi diễn thuyết, các thầy cô giáo đều cho rằng tôi nhanh mồm nhanh miệng, nên thi hùng biện cũng cử tôi tham gia.

Thực ra, sau khi khắc phục được tính nhút nhát và hay căng thẳng, thi diễn thuyết không còn tính thử thách nữa, mà thi hùng biện thách thức hơn, có yêu cầu cao hơn về mặt kiến thức và tốc độ phản biện, rất hợp với ý tôi. Tôi thích tìm ra những lỗ hổng về logic trong ngôn ngữ của đối phương, hoặc dùng những từ ngữ đã được thiết kế sẵn dẫn dắt đối phương rơi vào bẫy của mình, phương thức đa dạng, biến hóa khôn lường, chỉ cần có thể khiến đối phương cứng họng là được.

Tôi vô cùng thích thú với cái giây phút đối phương bị mình hỏi vặn lại ấy.

Trong các cuộc thi hùng biện, tôi cũng dần dần đạt được rất nhiều giải thưởng, thậm chí còn ở cùng đội các sư huynh, sư tỉ của khối cấp ba trường Nhất Trung tham gia cuộc thi hùng biện toàn tỉnh.

Cùng với những lần “xuất đầu lộ diện” của mình, dần dà tôi cũng có chút tiếng tăm đối với phụ huynh, giáo viên và các bạn, thậm chí ngay cả đồng nghiệp của bố tôi cũng nghe nói đến tài “ăn nói lưu loát” của tôi.

Bề ngoài tôi tỏ ra thờ ơ, không quan tâm, nhưng trong lòng lại âm thầm đắc ý trước những “thành tựu” của mình. Mỗi lần lĩnh thưởng, chỉ cần nghĩ đến trong đám bạn học ngồi phía dưới có Quan Hà và Trương Tuấn đang nhìn tôi, tôi liền cảm thấy vô cùng hứng khởi, dường như người mà tôi đánh bại không phải là đối thủ, mà là Quan Hà; dường như thắng lợi của tôi không phải vì lớp vì trường, mà là vì Trương Tuấn.

Tôi âm thầm đắc ý với sự tiến bộ của mình, nhưng tôi lại quên mất rằng, khi tôi đang tiến về phía trước thì Quan Hà cũng không chịu đứng im tại chỗ.

Một bài viết mà Quan Hà viết cho báo trường được cô giáo dạy ngữ văn lấy gửi cho tờ Văn nghệ thiếu niên. Tờ Văn nghệ thiếu niên không những cho đăng bài đó, mà thậm chí còn cho đăng ở vị trí nổi bật nhất, mấy giáo viên ngữ văn của khối cấp hai khi lên lớp đều nhắc đến bài văn này. Cô Tằng Hồng yêu cầu tôi đứng lên đọc to cho cả lớp cùng nghe, cùng nhau thưởng thức, phân tích lối hành văn xuất sắc của Quan Hà.

Có thể bây giờ rất ít người còn đặt mua Văn nghệ thiếu niên nữa, nhưng ở thập niên chín mươi, hầu như phòng đọc của tất cả các trường đều đặt cuốn tạp chí này, trong tình hình báo chí khan hiếm như thời ấy, phạm vi phát hành rộng rãi của nó, sức ảnh hưởng to lớn của nó trong cả nước còn lớn hơn bất kỳ một loại tạp chí dành cho thanh thiếu niên nào thời nay. Nếu đem ra so sánh, thì giải nhì trong cuộc thi diễn thuyết của tôi, bản tin kéo dài ba giây trên đài truyền hình thành phố đó thực sự không đáng được nhắc đến.

Nhìn nét chữ của Quan Hà biến thành những chữ chì và được in ấn trên trang giấy tinh xảo, đẹp đẽ, tôi cũng không rõ cảm giác của mình lúc ấy thế nào, dù sao ngoài ngọt, chua, đắng, cay đều có cả, còn vừa đọc vừa phải mỉm cười, thật đã không phụ công rèn luyện của thầy Chậu Của Cải và cô Tằng Hồng, một người là ác quỷ còn người kia là thiên thần. Nụ cười của tôi ngày hôm nay cũng đạt tới mức công phu xuất quỷ nhập thần, biến hóa khôn lường, ít ra đến ngay cả sư phụ tôi là cô Tằng Hồng còn không nhận ra nụ cười đó là giả tạo.

Nghĩ đến cảnh giáo viên ngữ văn lớp 8 (8) chắc chắn cũng đang khen ngợi tài năng của Quan Hà trong tiết học của mình, không chừng cũng đang gọi một bạn trong lớp đứng lên đọc to bài văn đó để cả lớp được thưởng thức và cùng phân tích, tôi không kìm được khi nghĩ đến cảm giác của Trương Tuấn. Có lẽ tâm trạng của cậu ấy cũng rất phức tạp, nhưng chắc chắn sẽ không chất chứa sự ghen tức, đau khổ như tôi.

Nguồn: truyen8.mobi/t66702-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-21.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận