Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 8

Chương 8
Ông ngoại qua đời

Thời gian là khoảnh khắc, rất ngắn ngủi, vì vậy, tình yêu và sự ấm áp luôn vội vàng trôi qua rất nhanh, còn chưa kịp trân trọng, chớp mắt đã xa.

Thời gian cũng là vĩnh hằng, mãi mãi, vì vậy, tình yêu và sự ấm áp, luôn được ghi khắc trong tim, suốt đời, không thể nào quên.

 

Sau giấc ngủ dài, Trương Tuấn tỉnh dậy, chống hai tay trên phiến đá, nửa nằm nửa ngồi, tôi liền thu lại chiếc mũ đội lên đầu mình, mắt nhìn xa xăm.

Cậu ấy nhìn tôi, mỉm cười nói: “Cậu lỡ giờ cơm trưa rồi.”

Tôi cúi đầu, vừa đi giày vừa đáp: “Không sao!” như rất vội phải về nhà. Thực ra, tôi không dám nhìn cậu ấy.

Tôi vội vàng định đi, cậu ấy liền hỏi: “Cậu về muộn, bố mẹ có mắng cậu không?”

Tôi thành thật trả lời: “Có lẽ sẽ nói vài câu, có điều mình cũng chẳng để ý, thỉnh thoảng họ cũng có vẻ sợ mình, không dám nói nặng lời.”

Lời tôi nói, người thường nghe không thể hiểu được, nhưng dường như Trương Tuấn hiểu, vẻ mặt không tỏ ra ngạc nhiên, chỉ cười cười.

Tôi đã đi rồi, đột nhiên nghĩ ra, cậu ấy chưa bao giờ phải vội vàng về nhà. Quay đầu lại, thấy cậu ấy vẫn ngồi trên phiến đá, không kìm được, tôi liền chạy lại, đứng trên cầu hỏi: “Cậu không về nhà à?”

Cậu ấy ngẩng đầu lên: “Nhà mình không có ai, mình về hay không cũng có khác gì đâu.”

Tôi giật mình, chẳng phải trên cậu ấy còn có bốn chị gái, cậu ấy là đứa con khó khăn lắm bố mẹ mới có được, chẳng phải là bảo bối được cả nhà cưng chiều sao?

“Chẳng phải cậu có bốn chị gái à? Bố mẹ cậu đâu?”

Trương Tuấn cười giải thích: “Bố mình là kỹ sư công trình, công trình ở đâu thì người ở đấy; mẹ mình gần như ở lại hẳn Thành Đô, trông con giúp chị cả; chị hai làm việc ở Thâm Quyến; chị ba ở trong ký túc của đài truyền hình, còn bận chuyện yêu đương; chị tư thì vừa thi đỗ đại học, lên Thượng Hải học rồi, giờ ở nhà chỉ còn mình.”

“Vậy ai nấu cơm cho cậu ăn?”

“Có một cô ở quê đến chăm sóc mình, có điều cô ấy chẳng quan tâm tới việc mình làm gì.”

Tôi đứng ở đầu cầu, im lặng.

Cậu ấy ngửa cổ nhìn tôi một lúc, dịu dàng nói: “Về nhà đi, bố mẹ cậu sẽ lo đấy.” Nói xong, cậu ấy đứng dậy, định đi thì tôi lại hỏi: “Cậu đi đâu?”

Trương Tuấn bám vào thành cầu bật người trèo lên: “Đi tìm bạn chơi.”

T ôi không muốn để cậu ấy đi, tôi rất muốn nói, chúng ta cùng chơi, nhưng không sao mở miệng ra được, đành lê bước về nhà.

Nghỉ hè, những hôm không phải đi học bồi dưỡng, tôi thường đến quán game của anh Lý để đọc tiểu thuyết.

Một người bạn chạy xe đã mang cho anh Lý một dây nho từ Tân Cương về, Tiểu Ba đem trồng ở góc tường, còn dùng dây thép và thanh trúc buộc thành giàn cho nó leo, giờ giàn nho đã xanh mướt một màu, tôi thích ngồi đọc sách ở đó.

Anh Lý đang bận với công việc làm ăn mới nên giao toàn bộ việc quản lý cửa hàng cho Tiểu Ba và Ô Tặc. Khi có người đến mua đồ, Tiểu Ba sẽ ra ngó một lát, nếu không có ai, Tiểu Ba ở trong sân chơi bida, thỉnh thoảng lại nói vu vơ một, hai câu với tôi trong lúc tôi ngồi đọc sách dưới giàn nho.

Cách dăm ba ngày lại có người đến đặt cược, có lúc cược nhỏ, lúc cược lớn, khi có trận cược lớn, anh Lý sẽ dọn dẹp sân vườn, đóng cửa, sai người đứng ở ngoài canh chừng, không cho người lạ vào. Có một lần họ đánh cược, tôi đang ngồi đọc sách ở đó, Tiểu Ba không đuổi tôi ra, anh Lý và Ô Tặc cũng không để ý gì đến tôi, mặc tôi ra vào tự do. Tôi đứng một bên nhìn, dần dần cũng hiểu được một vài chuyện, người đến đặt cược lắm kẻ trên người có đầy hình xăm, ăn nói thô tục, nhưng cũng có người ăn mặc tươm tất, nói chuyện nho nhã, khách sáo, câu nói “tam giáo cửu lưu”1 dùng ở đây thì thật quá hợp tình hợp cảnh.

Những lúc cược nhỏ, thỉnh thoảng tôi cũng đặt, anh bạn Tiểu Ba chơi rất khá, chưa bao giờ thua nên tôi không bị thua tiền. Nhờ Tiểu Ba, sau khi trả tiền nước cam, tôi còn có thể mua một vài quyển sách mà tôi thích và dư tiền thuê truyện ở quầy thuê truyện bên cạnh. Có quầy truyện này, tôi bắt đầu được đọc đầy đủ những bộ tiểu thuyết của Cổ Long, bộ Hoan lạc anh hùng là tôi thích nhất, tôi đọc đi đọc lại, chỉ bởi vì trong đó không có sự cô độc.

Đọc sách mệt, nếu ở đó không có người, Tiểu Ba sẽ dạy tôi chọc bida, dạy từng thế, từng thế một. Tiểu não của tôi không phát triển, nên môn thể dục chưa bao giờ được điểm cao, nhưng đối với môn thể thao trí tuệ nửa động nửa tĩnh này lại có chút tài năng, học khá nhanh.

Thỉnh thoảng, anh Lý và Ô Tặc ở đó, bốn chúng tôi ngồi dưới giàn nho chơi bài chéo cánh. Lúc mới chơi, Ô Tặc và anh Lý đều chê tôi trẻ con, không biết gì, không chịu bắt cánh với tôi, chỉ có Tiểu Ba là tốt bụng, chẳng màng chuyện thắng thua, nên nhận tôi vào và hướng dẫn tôi chơi.

Ai thua, sẽ bị dán một miếng giấy màu trắng lên mặt, chúng tôi thường xuyên thua, mặt ai cũng dính đầy giấy.

Sau khi đã nắm vững luật chơi và đường đi nước bước, trình độ chơi bài của tôi đã có những tiến bộ vượt bậc, theo cách nói của anh Lý thì là, lì lì xì ra khói. Còn như lời của Ô Tặc là: xảo quyệt. Tiểu Ba đánh bài tính toán rất giỏi, lại có tôi phối hợp, chúng tôi kẻ tung người hứng, đánh cho anh Lý và Ô Tặc phải nghiến răng trèo trẹo. Họ muốn tách tôi và Tiểu Ba ra, tôi không chịu, trước đó còn coi thường tôi, giờ tôi mới không thèm ở cùng cánh với hai người!

Anh Lý và Ô Tặc trêu tôi thù dai, tôi nghiến răng nghiến lợi nói: “Người không ghi nhớ thù hận thì cũng không biết ghi nhớ ân nghĩa.”

Mặc kệ hai người bọn họ chê cười thế nào, tôi cũng chỉ ở cùng phe với Tiểu Ba.

Thỉnh thoảng, bốn người chúng tôi còn chơi trò quan binh bắt trộm, tôi thích nhất là làm tên lâu la, cầm cái thước sắt thích đánh ai thì đánh. Ô Tặc luôn chơi xấu. Tôi liền đuổi theo anh ta để đánh. Dưới giàn nho, bốn chúng tôi quây quần vui đùa.

Tôi không còn ngoan ngoãn, trầm lặng như trước nữa mà bắt đầu thích cười thích đùa, giương nanh múa vuốt. Ô Tặc thường cằn nhằn Tiểu Ba, nói tưởng nhận nuôi một con mèo, không ngờ lại là một con báo nhỏ. Tiểu Ba cười trêu: “Ai bảo anh thích chọc cô nhóc?”

Khi chơi bài, anh Lý và mọi người uống bia, còn tôi uống Kiệt Lực Bảo, thời ấy Coca Cola, Pepsi, Fanta, Wahaha đều chưa xuất hiện, loại đồ uống có ga vị cam đó là thứ cao cấp nhất trong lòng tôi.

Sau này, mỗi lần nhớ lại kỳ nghỉ hè ấy, tôi đều liên tưởng tới bốn chữ Du Trường Giả Kỳ. Tôi biết, kỳ nghỉ hè của mình không liên quan chút nào tới nội dung của bộ phim Nhật Du trường giả kỳ1, nhưng năm tháng qua đi, mỗi khi tôi nhớ lại kỳ nghỉ hè ấy, trước mắt tôi lại tràn ngập ánh mặt trời rực rỡ, dòng sông với những con sóng lăn tăn đuổi nhau, những chiếc lá nho xanh biếc, những tiếng cười vui vẻ, vị ngọt ngào thanh mát của cam trong miệng, mấy người bạn tốt, còn cả cậu bạn mà tôi thích.

 

Không biết trào lưu này bắt đầu từ đâu, nhưng khi tôi biết đến thì tất cả các bạn nam và nữ trong lớp đều đang chơi trượt patin. Cứ đến giờ ra chơi, các bạn liền ùa ra khoảng sân bê tông trước lớp để trượt. Giày trượt patin thời đó rất đơn giản, chỉ có vài miếng sắt ghép trên bốn bánh xe, thêm miếng da mềm và dây đai. Miếng sắt có thể kéo ra kéo vào để điều chỉnh độ lớn nhỏ, không cần phải cởi giày, buộc thẳng giày trượt bên ngoài giày của mình là được.

Số người có giày trượt trong lớp không nhiều, vì vậy mọi người đều vây quanh mấy bạn đó, xếp hàng chờ tới lượt mình mượn chơi. Những trò chơi thời thượng kiểu này, Trương Tuấn không bao giờ chịu là người tụt hậu, trong khi những bạn nam khác còn đang đi giày trượt, run run rẩy rẩy lần mò từng bước, thì cậu ấy đã trượt rất thuần thục rồi. Ngay lập tức, cậu ấy trở thành người được các bạn nữ trong lớp chào đón nhất, vì họ vừa phải mượn giày vừa phải nhờ cậu ấy dạy trượt.

Tôi đứng từ xa nhìn các bạn bay lượn hết sức tự nhiên trên nền xi măng, trong lòng dấy lên cảm giác thèm muốn, nhưng bề ngoài lại tỏ vẻ thờ ơ. Tôi không muốn vì một đôi giày trượt patin mà phải nịnh bợ người khác, cho dù người ấy có là Trương Tuấn, mà đặc biệt, người ấy lại là Trương Tuấn.

Sau khi nhận được một bức điện báo, mẹ nói phải về quê gấp, dặn tôi và em gái phải nghe lời bố. Tôi hỏi mẹ liệu có thể cho tôi về cùng không, nhưng mẹ nói tôi còn phải đi học, không thể bỏ học được. Tôi thức cả đêm để viết một lá thư dài, kể với ông ngoại rằng mọi chuyện của tôi ở đây đều rất ổn, có một cô giáo họ Cao đối xử với tôi rất tốt, khen tôi thông minh, bạn bè đều rất quý tôi, tôi có rất nhiều bạn, tôi cũng đã đọc rất nhiều sách, tôi sắp lớn rồi, đợi khi tôi lớn, tôi sẽ về thăm ông, cùng ông đi câu cá…

Sáng sớm hôm sau, mẹ đi vội vội vàng vàng. Tôi mong ngóng ngày mẹ quay về, tưởng tượng xem ông ngoại sẽ gửi cho tôi những gì, có thể là một đôi giày trượt patin, tôi sẽ trượt rất giỏi, khiến Trương Tuấn phải kinh ngạc.

Hơn một tuần sau, mẹ quay trở về với bộ dạng tiều tụy, người gầy đi rất nhiều, tôi quấn lấy mẹ mà hỏi: “Ông ngoại có đọc được thư của con không? Ông có gửi quà cho con không? Ông nói gì…”

Bố kéo tôi sang một bên rồi nói: “Ông ngoại con bị ung thư thực quản, đã qua đời rồi, mẹ con đang rất buồn, đừng quấn lấy mẹ nhắc tới ông nữa.” Tôi đứng ngây người nhìn bố, bố cho tôi năm tệ, nói: “Con đi chơi đi, đói bụng thì mua thứ gì đó để ăn.”

Tôi cầm tiền đi ra cửa, giữa trời đất bao la này, tôi không biết có thể đi đâu. Ông ngoại qua đời rồi sao? Qua đời rồi nghĩa là người đó sẽ hoàn toàn biến mất khỏi thế giới này sao? Sau này tôi không bao giờ còn được gặp lại ông nữa. Tôi khao khát chờ đợi mình lớn lên, bởi vì sau khi lớn rồi, tôi có thể quay về bên ông, giờ tôi biết phải làm thế nào? Sau khi lớn rồi tôi biết làm gì đây? Tôi biết đi đâu đây?

Tiểu Ba đang quét rác trước cửa hàng game, nhìn thấy tôi, cười hỏi: “Em sao thế? Sao mắt cứ nhìn chằm chằm về phía trước thế?”

Tôi nói: “Em mời anh đi ăn thịt dê nướng.”

Anh hơi khựng người lại nhìn tôi, tôi và anh đều là những kẻ hà tiện, ít khi vung tay tiêu tiền linh tinh, gần như không bao giờ ăn quà vặt. Tôi thì tiết kiệm tiền vì muốn đọc sách, còn anh tiết kiệm tiền theo thói quen. Hôm nay đột nhiên tôi lại thay đổi tính nết, trở nên hào phóng bất thường. Anh dựng chổi vào góc tường, reo lên: “Được thôi!”

Chúng tôi đi đến trước quầy hàng bán thịt dê nướng ở góc phố, tôi đưa năm tệ cho người bán hàng, nói: “Hai mươi xiên thịt dê nướng, mười xiên ít ớt, mười xiên cho thật nhiều ớt.”

“Thêm ít ớt nữa, thêm ít ớt nữa đi…” Tôi cứ liên tục đòi thêm ớt, vì vậy mà xiên thịt dê nướng của tôi gần như trở thành xiên ớt nướng.

Chúng tôi cầm những xiên thịt vừa đi vừa ăn, mỗi lần đưa vào miệng, cảm giác cay tới mức khoang miệng muốn phồng rộp, nhưng tôi vẫn ăn hết từng miếng, từng miếng một. Tiểu Ba cầm mấy xiên thịt dê của mình, im lặng nhìn tôi.

Ăn hết thịt dê xiên, tôi vừa lau nước mắt vừa nói: “Cay thật đấy!”

Nước mắt dù lau thế nào cũng không thể lau hết, giống như con sông bị vỡ đê, ào ạt tràn ra, thậm chí càng lúc càng nhiều. Tôi cảm thấy rất ngại, co chân lên định bỏ chạy, Tiểu Ba liền nắm lấy cánh tay tôi, đưa tôi vào sân từ cửa sau.

Tôi đứng dưới giàn nho, mặt quay vào tường, nước mắt lã chã rơi. Anh ấy ngồi trên bàn bida, lặng thinh.

Tôi không biết mình đã khóc bao lâu, có lẽ là rất lâu, bởi vì trong lúc tôi khóc, Ô Tặc có vào một lần, nhưng bị Tiểu Ba đuổi ra, còn có vài người đến đặt cược, cũng bị Tiểu Ba từ chối.

Đợi khi khóc xong, tôi dùng tay áo lau mặt, quay người lại, Tiểu Ba hỏi: “Đói bụng rồi phải không? Anh mời em đi ăn mì bò.”

Tôi gật gật đầu, hai chúng tôi cùng đi ăn mì bò. Trong quán mì, tôi cúi gằm mặt nói với anh: “Ông ngoại em mất rồi.”

Anh im lặng, tôi nói tiếp: “Bố mẹ nghĩ em còn nhỏ, không nhớ gì, thực ra, em nhớ hết, tất cả những chuyện liên quan đến ông ngoại, em đều nhớ, bởi vì ngày nào em cũng nghĩ đến ông.” Nước mắt tôi lại bắt đầu trào ra nơi khóe mắt, tôi không dám nói nữa, xì xụp ăn mì.

Ăn mì xong, Tiểu Ba đưa tôi đến một quầy tạp hóa, nói: “Anh muốn mua ít đồ ăn vặt, em thấy ăn cái gì thì ngon?”

Tôi chỉ ngay vào hộp sô cô la không chút do dự, đáp: “Loại nhân rượu ngon nhất.”

“Có sô cô la nhân rượu sao? Cho nửa cân.”

Tiểu Ba mua nửa cân sô cô la nhân rượu, ăn một viên, mời tôi ăn cùng. Tôi cũng nhón lấy một viên bóc vỏ, bỏ vào miệng, vẫn là vị đắng đó, nhưng sao tôi lại cảm thấy ngon ngọt lạ thường.

Buổi tối sau khi về nhà, mẹ đưa cho tôi bản Ỷ Thiên Đồ Long ký chép tay của ông.

“Đây là cuốn sách mà ông ngoại con chép tay, ngoài ra ông còn để lại cho con mấy vạn tệ nữa…”, mẹ khẽ thở dài, “mẹ chỉ có thể mang cái này về cho con, con hãy giữ gìn cẩn thận”.

Sự mệt mỏi và tiều tụy khiến mẹ trông gầy và đen đi rất nhiều, mẹ không biết đến sự đau buồn của tôi, nhưng tôi lại có thể hiểu được nỗi đau buồn của bà, tôi khẽ nói: “Mẹ ngủ sớm đi!”

Mẹ xoa xoa đầu tôi, rồi đi ra.

Tôi lật giở Ỷ Thiên Đồ Long ký bắt đầu đọc, mặc dù đã từng xem phim Thư kiếm ân thù lục, Anh hùng xạ điêu, nhưng đối với tôi, cái tên Kim Dung vẫn còn rất xa lạ, Thần điêu đại hiệp tôi cũng chưa từng đọc, vì vậy khi đọc đến đoạn Quách Tương cưỡi lừa lưu lạc giang hồ, mặc dù trong lòng có hơi buồn bã, nhưng lại mơ mơ hồ hồ. Khi đọc đến chương ba, ngay câu đầu tiên: “Hoa nở hoa tàn. Hoa tàn hoa nở. Người thiếu niên giang hồ năm nào nay cũng đã già, thiếu nữ hồng nhan tóc mai đã điểm bạc…” tôi bỗng cảm thấy vô cùng đau đớn. Nét chữ còn đây, người đã không còn nữa! Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự tàn khốc vô tình của thời gian một cách rõ ràng như lúc này.

Tôi lập tức gấp sách lại, không đọc tiếp nữa. Sau khi vào đại học, mới dám tiếp tục đọc Ỷ Thiên Đồ Long ký, lúc đấy tôi cũng mới thật sự biết, người con gái tôi yêu quý bao nhiêu năm qua – Quách Tương, trong truyện này, thậm chí còn không được coi là một nhân vật phụ.

Tôi vẫn đi học như bình thường, nhưng thế giới trong mắt tôi đã không còn giống như trước kia nữa. Nửa đêm tôi thường giật mình tỉnh giấc, vùi mình vào chăn mà khóc. Tôi nhớ ông ngoại da diết, nhớ món sô cô la nhân rượu mà ông thường mua cho tôi, nhớ mùi mực Tàu thoang thoảng trên người ông, cả ánh mắt yêu chiều dịu dàng của ông. Tôi biết rất rõ rằng, trên thế gian này, sẽ không có ai yêu thương tôi vô điều kiện như ông nữa.

Bạn bè tôi vẫn còn vô lo vô nghĩ, nhưng tôi đã hiểu được thế nào là mất mát. Trên thế giới này, thì ra càng có nhiều bao nhiêu thì khi mất đi càng đau khổ bấy nhiêu. Ông trời cho từng nào, sẽ lấy đi của bạn từng đấy.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t32069-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận