Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 11

Chương 11
Tình bạn của tôi

Tình bạn của con gái, ngay từ khi họ còn là những đứa trẻ cũng đã rất phức tạp rồi.

Tình bạn của con trai thì giống như trò đá bóng, có ranh giới và luật chơi, trong lòng họ đều hiểu rất rõ, phân biệt rõ ràng giữa cạnh tranh và hợp tác, trong lúc giao chiến hò hét, mồ hôi hòa quyện vào nhau. Tình bạn của con gái lại giống như nấu ăn, không có công thức, cũng không có quy tắc, chua cay mặn ngọt, đều có thể cho vào thức ăn, mùi vị phức tạp đến mức ngoài người nấu ra, không ai biết rút cục có những gia vị gì trong đó.

 

Tôi, Quan Hà, Trương Tuấn được phân vào các lớp khác nhau, tôi học lớp 7 (1), không cùng lớp với bất kỳ bạn tiểu học nào. Cảm giác đầu tiên của tôi lúc ấy là phải tạ ơn Trời Phật.

Tòa nhà lớp học của trường cấp hai có tất cả ba tầng, tầng một là dành cho khối bảy, tầng hai khối tám, tầng ba khối chín. Tòa nhà lớn đó được xây theo hình chữ Z, có điều nét sổ dọc trong chữ Z này được xây vuông góc. Từ lớp 7 (1) đến lớp 7 (3) được bố trí trên cùng một hành lang, có nghĩa là cùng nằm trên nét sổ ngang phía dưới của chữ Z, sau đó đi đến chỗ rẽ chính là văn phòng giáo viên, chỗ rẽ tiếp theo là năm phòng học liền nhau, đánh theo số thứ tự từ lớp 7 (4) đến lớp 7 (8). Mỗi chỗ rẽ trên một tầng đều có cửa ra riêng, Quan Hà học lớp 7 (5), Trương Tuấn học lớp 7 (8), hai lớp đó nằm trên cùng một hành lang, còn tôi lại ở một hành lang khác, cơ hội giáp mặt của chúng tôi rất hiếm.

Lớp 7 (1) của tôi gần với cửa ra của hành lang thứ nhất, cửa ra lại thông với một khu vườn nhỏ được thiết kế theo kiểu giả cổ điển, có đình nghỉ chân và một cái hồ nhỏ. Hành lang bên lớp Trương Tuấn và Quan Hà có hai cửa ra, cửa ra phía trước cũng thông với khu vườn nhỏ giả cổ đó, cửa ra phía sau lại thông với một sân vận động nhỏ, trên sân vận động có tám bàn bóng bàn được xây bằng xi măng, bên ngoài là rừng cây bạch dương, đi qua rừng bạch dương là sân bóng chuyền, tòa nhà khoa học kỹ thuật, tòa nhà thực nghiệm, ký túc xá, nhà ăn…

Tôi cảm thấy vô cùng hào hứng, mơ tưởng về sự khởi đầu của một cuộc sống mới, hy vọng sự khởi đầu mới này sẽ mang lại cho tôi một cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống hồi tiểu học.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tôi dạy tiếng Anh. Thầy có đôi mắt nhỏ ti hí, họ Thôi. Thầy Thôi vừa tốt nghiệp đại học, được phân về trường tôi giảng dạy. Ban giám hiệu tin tưởng để thầy làm chủ nhiệm lớp, vì vậy thầy rất nghiêm túc, bất kỳ cử động nào của chúng tôi cũng không thoát khỏi ánh mắt thầy.

Giờ ngữ âm còn chưa kết thúc, đám bạn trong lớp đã đặt biệt danh cho thầy, nói th y có đôi mắt nhỏ tụ quang, nên mỹ danh của thầy sẽ là “Chậu Của Cải”.

Ông thầy với biệt danh “Chậu Của Cải” này có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời tôi, có đóng góp không nhỏ trong việc tạo dựng tính cách nhanh nhẹn của tôi, có điều câu chuyện về thầy tôi sẽ kể sau.

Giáo viên đầu tiên xảy ra va chạm với tôi là cô giáo ngữ văn, cô Tằng Hồng. Nhìn cô rất giống con trai, tóc ngắn, thích hút thuốc, cũng là cô giáo duy nhất biết hút thuốc mà tôi biết.

Tháng Chín hằng năm, học sinh nhập trường, đều có lễ khai giảng, trình tự sẽ là: Hiệu trưởng lên phát biểu, tuyên bố năm học mới bắt đầu, sau đó khối chín sẽ cử đại diện lên phát biểu, đại diện cho học sinh toàn khối thể hiện quyết tâm, cố gắng vượt qua kỳ thi lên cấp ba thuận lợi. Khối bảy cũng sẽ có đại diện thay mặt toàn bộ học sinh mới lên phát biểu. Cuối cùng là lễ trao thưởng cho những học sinh ba tốt1 và các cán bộ lớp xuất sắc của học kỳ trước. Trong lễ khai giảng, dù là học sinh nào, chỉ cần được lên bục cũng đã đại diện cho học sinh ngoan, vô cùng vinh dự. Những người không có thành tích học tập xuất sắc thì không bao giờ được nằm trong số đó.

Năm ấy, thầy hiệu trưởng giao cho cô giáo Tằng nhiệm vụ chọn ra một học sinh đại diện cho đám học sinh mới lên bục phát biểu. Cô Tằng lại không coi trọng chuyện đó. Ngay trong giờ ngữ văn tự học buổi sáng, cô gọi vài bạn gái cô thấy ưng mắt lên bục giảng đọc bài, sau đó không buồn ngẩng đầu lên mà chỉ thẳng vào tôi.

Khi ấy, tôi ngờ rằng có lẽ cô đã bị va đầu vào cửa. Hết giờ, tôi đi tìm cô, cô đang bắc chân chữ ngũ ngồi hút thuốc.

Tôi nói: “Thưa cô, em không thể đại diện cho học sinh mới lên phát biểu được đâu ạ.”

Cô liền hỏi tôi: “Tại sao em lại không thể?”

Tôi trả lời: “Vì em học không giỏi.”

Cô nhả khói, hỏi thầy giáo cũng đang ngồi hút thuốc đối diện với mình: “Trường có quy định phải là học sinh đứng nhất lớp mới được lên phát biểu không?”

Thầy giáo kia cười trả lời: “Không.”

Cô Tằng nhún nhún vai, nói với tôi: “Nghe thấy chưa? Không có quy định ấy.”

Suýt nữa thì tôi trừng mắt lườm cô, nhưng vẫn nhẫn nại nói: “Em chưa từng phát biểu trước đám đông bao giờ.”

Cô đáp: “Ai cũng có lần đầu tiên, thế chẳng phải tốt hay sao, cô sẽ giúp em bắt đầu lần đầu tiên của mình.” Nói xong, cô tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn, đuổi tôi đi: “Em sẽ lên phát biểu! Có thời gian ở đây mà dài dòng thì mau về viết nháp trước đi, đừng làm phiền chúng tôi soạn bài nữa.”

Lần này thì tôi lườm thật, soạn bài? Hút thuốc thì có!

Gặp phải cô giáo đầu bị va vào cửa thế này, cũng chẳng còn cách nào, tôi đành về viết nháp bài phát biểu. Viết nháp xong, cô Tằng đọc một lượt, tùy tiện sửa vài lỗi chính tả rồi nói là được rồi. Nhìn bộ mặt đau khổ nhăn nhó của tôi, cuối cùng cô cũng chịu mở miệng thốt ra mấy lời vàng ngọc: “Đừng căng thẳng, chẳng có gì là ghê gớm cả, em cứ đứng trên bục nhìn đám bạn phía dưới cười là được, cười mệt rồi thì cũng phát biểu xong.”

Khóe miệng tôi giật giật, cười, tôi cười!

Khi đó, trường cấp hai của chúng tôi, từ khối bảy đến khối chín, mỗi khối có tám lớp, mỗi lớp hơn bốn mươi người. Trong hội trường rộng lớn, đối mặt với hàng nghìn cái đầu đen sì lố nhố phía dưới, lại thêm ánh đèn chiếu thẳng vào đỉnh đầu, chân tôi run lẩy bẩy.

Lúc mới bắt đầu, tôi nhớ lời cô Tằng đã nói, nhìn họ và cười là được, nhưng càng về sau, đầu tôi càng cúi thấp, thấp đến mức cằm chạm cả vào áo, đầu óc hoảng loạn, không còn biết mình đang nói gì nữa.

Lần phát biểu đó, tôi vô cùng mất mặt, bởi vì nghe nói, tất cả mọi người đều nghe thấy tiếng tôi run rẩy, mỗi lần run rẩy, lại bỏ vài từ, vừa lên cao giọng, lại vội vàng hạ thấp, cuối cùng chỉ còn nhìn thấy môi tôi mấp máy, không nghe thấy tôi nói gì.

Có điều, những chuyện này, rất lâu sau đó tôi mới biết, khi ấy tôi hoàn toàn không biết gì, mặc dù đứng trên bục, chân tôi líu ríu, run rẩy, nhưng vừa xuống khỏi bục, tôi lại cảm thấy vô cùng đắc ý, dù sao đây cũng là lần đầu tiên tôi đứng phát biểu trước nhiều người như thế, cảm giác mình rất giống nhân vật tầm cỡ nào đó. Cô Tằng cười híp mí khen tôi nói hay, có được sự khẳng định của cô, tôi càng tự tin gấp bội, khi ấy tôi còn băn khoăn không biết Trương Tuấn và Quan Hà ngồi dưới kia nhìn thấy tôi phát biểu, tâm trạng họ thế nào, từ trước tới nay đều là tôi nhìn họ, hôm nay cũng đã đến lượt họ phải nhìn tôi. Tôi càng băn khoăn suy nghĩ thì thói hư vinh lại càng bạo phát cao ngùn ngụt. Nếu như tôi biết khi ấy mình đã có những biểu hiện mất mặt đến như thế nào, chắc chắn tôi sẽ lao về phía cô Tằng Hồng, cả hai cùng chết vẫn còn tốt hơn là sống như thế này.

Sau lần đại diện cho học sinh mới lên phát biểu đó, các bạn đều cho rằng cô Tằng thích tôi. Mà vị thế của cô Tằng trong khối lại rất đặc biệt, bởi tính cách cô nhanh nhẹn, lại dũng cảm, còn là họ hàng thân thích của vị lãnh đạo nào đó, đến tổ trưởng bộ môn còn phải nhịn cô vài phần, nên có được sự coi trọng của cô, tôi coi như cũng trở thành nhân vật tầm cỡ trong lớp.

Tôi quen ba người bạn gái, người thứ nhất là Lý Tân – cô bạn gái xinh đẹp, học giỏi trong top đầu của lớp; người thứ hai, không những xinh đẹp, học giỏi, mà còn hát hay múa giỏi, bạn ấy tên là Lâm Lam; người còn lại học thì không giỏi, nhưng gia đình lại rất có tiền, tên Nghê Khanh. Chỉ thoáng nhìn qua nhóm chúng tôi, cũng có thể đoán biết được ngay, chúng tôi chính là những cô gái nổi bật nhất trong lớp.

Ngày ấy, trải qua thời tiểu học bị cô lập, nên tôi khao khát có bạn có bè. Thực ra tính cách của tôi không hợp với ba cô bạn đó lắm, nhưng tôi giấu đi suy nghĩ thật của mình, để được trở thành một thành viên t rong nhóm. Tôi cùng họ bình luận về những bạn nữ khác, tranh luận xem bạn nam nào lạnh lùng nhất, chi phối mọi dư luận trong lớp. Có thể nói thế này, các bạn nam trong lớp đều đứng về phía chúng tôi, còn các bạn nữ thì không dám đắc tội với chúng tôi.

Trên kênh truyền hình dành riêng cho thiếu niên của Mỹ đang thịnh hành một seri phim về học đường, đó là những câu chuyện xoay quanh các nữ sinh mang phong cách Popular girl. Tôi thường ngồi xem rất thích thú, bạn bè thường cười nhạo sao tôi có thể xem những phim nhạt nhẽo như thế. Họ không biết rằng qua hình ảnh xinh đẹp, kiêu ngạo, lắm chiêu lắm trò, ganh đua nhau từ cách trang điểm cho đến các kiểu quần áo, so sánh xem ai có nhiều người theo đuổi hơn của những nữ sinh ấy, tôi được gặp lại tuổi thanh xuân nông cạn, hợm hĩnh của mình.

Thầy Chậu Của Cải chọn một bạn gái khá béo làm lớp trưởng. Cô bạn ấy học không giỏi bằng Lâm Lam, nhưng tương đối điềm tĩnh và có tinh thần trách nhiệm, từng làm lớp trưởng hồi tiểu học. Nhưng Lâm Lam tỏ vẻ không phục, vì vậy luôn tìm mọi cơ hội để chèn ép cô bạn ấy.

Ví dụ, nếu lớp trưởng mặc một chiếc quần màu tím, chiếc áo màu hồng, Lâm Lam sẽ cười, và nói với chúng tôi: “Hồng đi với tím ngang với màu cứt chó”.

Ví dụ, nếu lớp trưởng mặc một bộ quần áo sọc ngang, Lâm Lam sẽ cười nhạt và nói với giọng chế giễu: “Ngựa vằn có thể mặc đồ sọc ngang, bởi vì người ta gầy, từ bao giờ mà voi lại dám mặc đồ sọc ngang thế? Còn sợ mình chưa đủ to, không đập được vào mắt người khác sao?”

Ăn mặc, trang điểm, về mặt này, cả ba người bọn họ đều là chuyên gia, còn tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng tôi vẫn cười cùng họ.

Ban đầu, lớp trưởng còn nhẫn nhịn, nhưng sau đó bị Lâm Lam kích nổ, định lợi dụng quyền uy của chức lớp trưởng để phản kích, nhưng bạn ấy chỉ có một, còn chúng tôi có bốn, cộng thêm những nam sinh thích Lâm Lam và Lý Tân trong lớp nữa, sự phản kích của lớp trưởng thất bại thảm hại. Tất cả các bạn nữ trong lớp đều cô lập bạn ấy, cho rằng bạn ấy vừa béo vừa đần vừa xấu, phải chơi cùng một người như thế thật đáng xấu hổ.

Dần dần lớp trưởng trở nên trầm lặng, không thèm để ý tới bốn chúng tôi nữa, dù chúng tôi nói chuyện trong giờ tự học, hay truyền giấy để nói chuyện với nhau trong giờ học, bạn ấy đều coi như không nhìn thấy. Lý Tân và Nghê Khanh càng kiêu căng hơn, còn tôi, qua ánh mắt buồn bã, trầm lặng của bạn ấy, như nhìn thấy thứ gì đó từng rất thân quen.

Không biết tại sao, khắp thành phố từ bé gái sáu tuổi cho tới bà lão sáu mươi tuổi đều mặc quần legging. Nữ sinh trong trường cũng không ngoại lệ. Người người mặc legging. Mẹ của bạn lớp trưởng cũng mua một chiếc quần legging cho con gái.

Ai cũng mặc thì không sao, nhưng Lý Tân lại chế nhạo lớp trưởng: “Chân to như chân voi mà cũng học đòi người ta mặc legging, không biết soi gương hay sao”.

Trong tiếng cười phá lên của bạn bè, dường như tôi nhìn thấy có cái gì đó ngân ngấn trong mắt lớp trưởng trước khi bạn ấy vội vàng cụp mí mắt xuống.

Trong khoảnh khắc đó, tôi đột nhiên cảm thấy người xấu xí không phải là bạn lớp trưởng. Lý Tân còn định châm chọc nữa, tôi liền nói: “Bạn ấy đã nhượng bộ rồi, đừng săn đuổi đến cùng như thế, để cho người ta ba phần đường sống, cũng là giữ lại cho mình một phần đường lui.”

Lý Tân tỏ ra bực bội trước câu nói của tôi, Lâm Lam nhìn xoáy tôi một cái, rồi nói với Lý Tân: “Sau này nếu nó không trêu chọc gì bọn mình thì bọn mình cũng không cần phải chỉnh nó nữa”.

Cuộc tranh đấu với bạn gái lớp trưởng kết thúc bằng thắng lợi vang dội thuộc về phía chúng tôi. Đám con gái trong lớp càng nể sợ và muốn lấy lòng chúng tôi hơn.

Chúng tôi mặc dù còn là trẻ con, tâm địa và phương thức đấu đá có thể không tàn khốc như trong thế giới của người lớn, nhưng kết quả thì tàn khốc không kém. Tôi tin bạn lớp trưởng ấy vốn là một cô bạn tự tin, vui vẻ, cũng có thể khi còn nhỏ, bố mẹ và thầy cô giáo đều khen bạn ấy là người làm việc nghiêm túc, cẩn thận, nhưng chính vì những lời cười nhạo, chế giễu vô tình của bốn đứa chúng tôi, cùng với sự a dua của bạn bè trong lớp, khiến bạn ấy dần dần trở nên tự ti. Có thể hằng ngày, mỗi khi mặc đồng phục đứng trước gương, bạn ấy đều có cảm giác lo sợ, không biết hôm nay bạn bè sẽ chê cười mình điều gì, bạn ấy sẽ tự ti và xấu hổ về cơ thể của mình. Vì tự ti, nên bạn ấy bắt đầu không tin vào bất kỳ việc gì mình làm, bắt đầu sợ này sợ kia.

Kiểu tổn thương về mặt tâm hồn này, tàn nhẫn tới mức có thể làm thay đổi quỹ đạo cuộc đời của một con người, thậm chí còn hủy diệt luôn người ấy, nhẹ thì cũng để lại trong lòng người ấy một ký ức niên thiếu không bao giờ dám nhìn lại.

Khi tôi hiểu và biết hổ thẹn về những việc mình làm, thì cô bạn lớp trưởng đó đã biến mất trong dòng sông thời gian, tôi không bao giờ có thể nói được hai từ xin lỗi với bạn ấy nữa. Đó là nỗi hổ thẹn vĩnh viễn không phai mờ trong ký ức của tôi.

Dường như trong một nhóm con gái bao giờ cũng phải có nhân vật trung tâm. Trong nhóm của chúng tôi, mặc dù không nói thẳng ra, nhưng ai cũng tự hiểu, cô bạn Lâm Lam xinh đẹp, thông minh, thích nổi trội hơn người, học giỏi kia chính là nhân vật trung tâm. Lý Tân và Nghê Khanh đều rất nghe lời bạn ấy. Lý Tân còn phục tùng tới mức gần như cung cúc lấy lòng Lâm Lam, như sợ Lâm Lam sẽ không cho mình chơi cùng nữa.

Tới tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại như thế, rõ ràng là một cá thể độc lập, lại không có quan hệ lợi ích cấp trên cấp dưới như trong xã hội của người lớn, giữa những đứa con gái mới hơn mười tuổi, tại sao lại có thứ quan hệ mạnh yếu rõ ràng đến thế?

Nhưng mối quan hệ giữa con gái với nhau là như thế, mặc dù cách ăn mặc, trang điểm khác nhau, nhưng dù là ở Trung Quốc, hay nước ngoài, thì những chuyện như thế vẫn được lặp đi lặp lại, hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Nghê Khanh không xinh xắn, học cũng không giỏi, nhưng có tiền, thường xuyên mời chúng tôi đi ăn kem, uống nước… Có thể trong lòng Lý Tân nghĩ bạn ấy rất ngốc, nhưng bên ngoài lại đối xử với bạn ấy rất tốt. Cái mà tôi có thể cho Lý Tân rất ít, vì vậy tôi liền trở thành “quân xanh” trong mắt Lý Tân. Bạn ấy luôn tìm cách đẩy tôi ra khỏi nhóm, nhưng Lâm Lam lại rất tốt với tôi, vì vậy bạn ấy cũng không biết làm thế nào, chỉ còn cách đối với Lâm Lam tốt hơn nữa, với mong muốn Lâm Lam sẽ xa lánh tôi.

Ban đầu có bạn lớp trưởng, nên tranh chấp nội bộ chỉ âm ỉ tồn tại, nên mọi người đều vờ như không có chuyện gì.

Không có cuộc chiến đấu với “kẻ thù bên ngoài” là bạn lớp trưởng nữa, thì đấu đá nội bộ lại ngày càng thể hiện rõ. Lý Tân không biết đã liên kết với Nghê Khanh từ bao giờ, càng ngày càng tỏ rõ thái độ muốn hất bỏ tôi, nói bóng gió xa xôi. Tôi không phải là đứa nhanh mồm nhanh miệng nên đành vờ như không hiểu những lời châm chích của họ. Lâm Lam chuyện gì cũng biết, nhưng bạn ấy lại đứng từ trên cao nhìn xuống quan sát ba chúng tôi, làm như không phát hiện ra bất kỳ điều gì, chỉ khi nào Lý Tân và Nghê Khanh có hành động quá đáng, bạn ấy mới ra tay giúp tôi, để duy trì sự cân bằng.

Trong mắt người ngoài, bốn đứa chúng tôi là những người bạn tốt không thể tốt hơn. Trong giờ học thì viết giấy nói chuyện với nhau. Giờ ra chơi thì chơi cùng nhau. Đến đi vệ sinh cũng mình đợi cậu, cậu đợi mình, cùng nhau nghe những bài hát đang thịnh hành nhất, cùng nhau chơi đùa với những cậu bạn đẹp trai nhất lớp, một người bị bắt nạt, cả bốn người sẽ cùng phản kích. Không ít bạn nữ ngưỡng mộ bộ tứ chúng tôi, muốn được cùng chơi với chúng tôi. Nhưng chỉ có chúng tôi mới biết, trong mối quan hệ có vẻ đẹp đẽ đó đang ẩn giấu những gì.

Tôi thận trọng và đau khổ duy trì “tình bạn” của mình. Chơi cùng với họ, tôi rất mệt mỏi, nhưng nếu không chơi với họ, tôi lại rất cô đơn.

Tôi vẫn luôn hy vọng cuộc sống ở trường trung học cơ sở sẽ hoàn toàn khác với trường tiểu học, thì tôi đã làm được rồi. Bây giờ tôi có thể được coi là một trong những nữ sinh nổi bật nhất, có thế lực nhất của lớp. Cô giáo ngữ văn thích tôi, các bạn nữ tìm cách lấy lòng tôi, nhưng tôi lại chẳng cảm thấy vui vẻ gì.

Người giữ vị trí thứ nhất trong lớp là một bạn nam, tên Trần Tùng Thanh, chỉ học cùng tôi hai năm, nhưng cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ cậu ấy, bởi vì cậu ấy đã từng nói với tôi mấy câu.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

 

Nguồn: truyen8.mobi/t33112-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận