Ngờ đâu Cưu Ma Trí vươn tay ra, lòng bàn tay như có sức hút, nhuyễn tiên ở tận đằng xa cũng chộp ngay được, nói:
- Quá đại hiệp, chúng ta là khách từ xa đến, có gì để nói chuyện đầu đuôi, chưa việc gì phải động võ.
Y cuộn nhuyễn tiên lại trao trả cho Quá Ngạn Chi. Quá Ngạn Chi mặt đỏ gay, cầm cũng dở mà không cầm thì cũng không được, chợt nghĩ ngay: "Hôm nay chuyện báo thù mới là chuyện lớn, phải nén cái nhục nhất thời để có binh khí cầm trong tay." Y nghĩ thế bèn đưa tay cầm lấy.
Cưu Ma Trí nói với ông lão:
- Chẳng hay thí chủ tôn tính đại danh là gì? Là thân thích của Mộ Dung tiên sinh, hay là bạn bè?
Ông già nhếch mép cười đáp:
- Lão đây là đầy tớ của công tử, làm gì có tôn tính đại danh? Nghe nói đại sư phụ là bằng hữu của lão gia khi còn tại thế, không biết muốn sai bảo chuyện gì?
Cưu Ma Trí đáp:
- Việc của ta khi gặp mặt công tử rồi sẽ phụng cáo.
Ông già đáp:
- Thế thì thật lỡ làng, hôm qua công tử gia đã ra khỏi nhà, không chừng phải một hai ngày mới về.
Cưu Ma Trí hỏi lại:
- Thế công tử đi đâu thế?
Ông lão nghiêng đầu ngẫm nghĩ, giơ tay gõ gõ lên trán nói:
- Cái đó ư! Ta cũng quên khuấy đi mất, hình như là qua Tây Hạ, cũng có thể là nước Liêu, không chừng lại qua Thổ Phồn, hoặc giả là Đại Lý.
Cưu Ma Trí hừ một tiếng, trong bụng không vui. Thời đó năm nước chia năm góc thiên hạ, trừ đương địa là Đại Tống không kể, lão già này nói cả bốn nước còn lại. Y biết ông lão giả vờ lú lẫn bèn nói:
- Nếu đã thế, ta không thể đợi công tử về được, xin quản gia dẫn ta lại mộ phần tiên sinh lạy một lạy để cho trọn tình cố nhân.
Ông già kia xua tay rối rít nói:
- Chuyện đó ta không quyết định được, ta nào có phải quản gia đâu.
Cưu Ma Trí nói:
- Thế thì ai là quản gia trong tôn phủ? Xin mời ra cho ta gặp.
Ông lão gật gù nói:
- Được chứ, được chứ! Để ta đi mời quản gia.
Y quay người lẩy bẩy đi ra ngoài, lẩm bẩm nói một mình: "Ta bằng từng này tuổi đầu, trên đời này chuyện ma mãnh gì ta chẳng biết? Biết ngay giả làm sư mô đạo sĩ bịp bợm xin cúng đường. Việc gì lão cũng thấy cả rồi, đừng có mà tính chuyện qua mặt."
Đoàn Dự nghe nói thế cười rộ lên. A Bích vội nói với Cưu Ma Trí:
- Đại sư phụ đừng giận, Hoàng bá bá lẩn thẩn rồi, lúc nào cũng ra vẻ sành sỏi, nói năng hay làm mích lòng người khác.
Thôi Bách Tuyền giật giật tay áo Quá Ngạn Chi lôi qua một bên nói nhỏ:
- Thằng trọc này tự xưng là bằng hữu của nhà Mộ Dung, nhưng bọn này rõ ràng đâu có coi y là khách quí. Mình chớ có nóng nảy, để xem thế nào rồi hãy tính.
Quá Ngạn Chi đáp:
- Vâng!
Hai người trở lại chỗ cũ nhưng chiếc ghế tre Quá Ngạn Chi ngồi đã bị y đánh vỡ nát rồi thành thử không còn chỗ nào. A Bích nhắc chiếc ghế của nàng lại, mỉm cười nói:
- Quá đại gia, mời ông ngồi đây.
Quá Ngạn Chi gật đầu nghĩ thầm: "Nếu ta có phải giết sạch cả nhà Mộ Dung thì cũng tha cho con tiểu a đầu này." Đoàn Dự thấy ông lão bộc đi vào, trong bụng cảm thấy có điều gì khang khác, xem ra không ổn nhưng đó là việc gì thì chàng không thể nói được. Chàng quan sát kỹ càng những đồ đạc trong gian nhà nhỏ này, cây cối ngoài sân, tranh vẽ trên vách, rồi lại nhìn kỹ A Bích, Cưu Ma Trí, Thôi Bách Tuyền, Quá Ngạn Chi bốn người, chỗ nào lạ lùng chàng không thể tìm ra, nhưng trong bụng càng lúc càng ngờ vực.
Một lát sau có tiếng chân người, từ nội đường một gã gầy gò tuổi độ ngũ tuần bước ra. Y mặt mũi vàng vọt, dưới cằm để một túm râu dê, trông ra vẻ nhanh nhảu lanh lợi, quần áo mặc trông cũng khá tươm tất, ngón tay út bên trái đeo một chiếc nhẫn ngọc, xem chừng là quản gia trong nhà Mộ Dung. Gã đó quay sang Cưu Ma Trí và cả bọn hành lễ nói:
- Tiểu nhân Tôn Tam bái kiến các vị. Đại sư phụ, lão nhân gia muốn đến một lão gia chúng tôi tế một tuần, chúng tôi thật là cảm kích. Có điều công tử đã đi khỏi, không ai hoàn lễ, thật không cung kính chút nào. Đợi công tử về rồi, tiểu nhân đem tấm lòng của đại sư phụ trình lên vậy…
Y nói đến đây, Đoàn Dự bỗng ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng, trong bụng chợt động: "Lạ thật! Lạ thật!" Hồi nãy khi lão bộc bước vào tiểu sảnh, Đoàn Dự cũng ngửi thấy một mùi thơm nhẹ nhàng. Mùi hương đó tương tự như mùi thơm trên người Mộc Uyển Thanh, tuy cũng có khác nhưng đều là hương của đàn bà con gái. Lúc đầu Đoàn Dự còn tưởng là ở người A Bích tỏa ra nên không để ý, nhưng khi lão bộc kia ra khỏi phòng rồi, mùi thơm kia liền không còn nữa, đến lúc gã tự xưng là Tôn Tam kia bước vào, Đoàn Dự lại ngửi thấy mùi hương kia. Chàng liền hiểu ra, việc mình thấy có gì khác lạ chính là vì tại sao từ một lão già tám, chín mươi lại có mùi con gái mười bảy, mười tám, nghĩ thầm: "Không lẽ sau nhà có trồng kỳ hoa dị thảo gì, nên ai từ đó bước ra thân thể cũng có mùi hương thoang thoảng? Nếu không thì cả lão bộc lẫn gã gầy gò này đều là con gái cải trang."
Mùi hương đó tuy làm Đoàn Dự khởi nghi nhưng thực ra rất là nhẹ, Cưu Ma Trí và hai người kia không ai nhận ra được. Đoàn Dự sở dĩ ngửi thấy được vì chàng và Mộc Uyển Thanh hai người đã trải qua một thời gian thực là nguy hiểm nơi thạch thất, mùi hương đàn bà kia, người khác không nhận ra nhưng chàng đã ghi lòng tạc dạ, so với sạ hương, đàn hương, hoa hương còn đậm đà hơn nhiều. Cưu Ma Trí tuy nội công thâm hậu nhưng cả đời nghiêm thủ sắc giới, dẫu má hồng tóc xanh dưới mắt y cũng chẳng khác gì khô lâu bạch cốt, phấn dịu son thơm cũng không khác gì mùi máu mủ tanh hôi, không phân biệt mùi con trai với con gái.
Đoàn Dự đã nghi Tôn Tam là con gái cải trang, nhưng nhìn qua nhìn lại không thấy chút sơ hở nào, người này thần tình cử chỉ hoàn toàn đàn ông, đến cả hình mạo thanh âm cũng không có chút nào đàn bà con gái. Chàng đột nhiên nghĩ ra: "Đàn bà nếu giả làm đàn ông thì hầu kết(11.8) cũng không thể nào giả được." Chàng chăm chú nhìn vào cổ Tôn Tam, thấy chòm râu dê của y phủ xuống không nhìn thấy được cổ họng.
Đoàn Dự đứng lên, giả vờ thưởng ngoạn các bức thiếp và tranh vẽ treo trên tường, đi đến ngang bên Tôn Tam liến qua nhìn lén một cái, thấy cổ họng y quả không có gồ lên, lại nhìn xuống thấy ngực y đầy đặn, tuy không dám chắc đây là đàn bà nhưng một gã đàn ông ốm o như thế, ngực không thể nào tròn trịa như vậy được. Đoàn Dự tìm ra được cái bí mật này thật là thú vị nghĩ thầm: "Bọn họ thật là lắm trò để xem họ định làm gì nữa đây?"
Cưu Ma Trí thở dài:
- Ta và lão gia các ngươi năm xưa gặp nhau ở Tứ Xuyên, đàm luận võ công, ai bên đều phục tài lẫn nhau nên kết bạn. Ngờ đâu con tạo ghen kẻ kỳ tài, cái kẻ tầm thường như ta đây thì trời còn cho sống thừa đến hôm nay, còn lão gia các ngươi lại sớm về tây phương cực lạc. Ta từ nước Thổ Phồn đến Trung Thổ, chỉ vì mối thâm tình với người bạn cũ nên muốn đến vái trước mộ, có người hoàn lễ hay không nào có gì là quan trọng? Phiền quản gia dẫn đường cho.
Tôn Tam nhíu mày, xem ra thật là khó xử lắp bắp nói:
- Cái đó… cái đó…
Cưu Ma Trí nói:
- Không biết bên trong còn việc gì không ổn xin chỉ giáo cho.
Tôn Tam nói:
- Nếu đại sư phụ quả là bạn chí thân của lão gia chúng tôi thuở sinh tiền, hẳn đã biết tính khí lão gia chúng tôi. Lão gia ngại nhất là có người đến thăm, người thường bảo rằng phàm kẻ đến nhà, nếu không tầm cừu sinh sự thì cũng đến bái sư học nghề, hay kém hơn một mức là đến xin xỏ tiền bạc, không chừng lại thò tay mặt, đặt tay trái, toan bề đục nước béo cò, thuận tay trộm cắp món gì rồi lỉnh mất. Lão gia nói bọn sư mô lại càng đáng đề phòng, ấy chết,… xin lỗi…
Y nói đến đó biết mình lỡ lời xúc phạm đến Cưu Ma Trí, vội vàng đưa tay bịt miệng. Lối đó đúng là kiểu một cô gái hay làm, giương đôi mắt đen láy như hai hạt châu ranh mãnh nhìn, tuy lập tức khép ngay mi lại nhưng Đoàn Dự vốn đã lưu tâm, tự nhiên trong lòng thấy thích thú: "Gã Tôn Tam này không những là đàn bà mà lại là một cô gái trẻ tuổi nữa là khác." Chàng liếc qua A Bích thấy nàng ta trên môi nở một nụ cười tinh quái, trong bụng không còn hoài nghi gì nữa, nghĩ thầm: "Gã Tôn Tam và lão Hoàng kia hai người là một, không chừng là A Châu tỉ tỉ chứ không phải ai khác."
Cưu Ma Trí thở dài:
- Trên đời này người gian thì nhiều người ngay thì ít, Mộ Dung tiên sinh không muốn kết giao cùng bọn phàm phu quả là đúng lắm.
Tôn Tam nói tiếp:
- Đúng vậy đó. Lão gia chúng tôi có di ngôn rằng, nếu như có ai đòi đến tế phần tảo mộ thì phải hết sức ngăn cản. Người còn bảo: "Mấy tên trọc thường chẳng có bụng dạ tốt lành gì đâu, hẳn là toan đào mả ta đấy thôi." Ấy chết, đại sư phụ đừng để bụng, lão gia chúng tôi chửi bọn trọc đầu chắc không phải nói ngài đâu.
Đoàn Dự cười thầm trong bụng: "Ai đời đâu gặp người gù lại chửi kẻ lưng cong. Gã sư hổ mang này vẫn bình tĩnh như không, càng đại gian đại ác càng không nổi nóng, gã đúng là một tay bản lãnh phi thường."
Cưu Ma Trí đáp:
- Mấy câu trăn trối của lão gia ngươi thật là hữu lý. Ông ta khi còn sinh tiền uy chấn thiên hạ, thành thử có rất nhiều kẻ thù. Có người không báo được cừu khi tiên sinh còn tại thế, cũng nên đề phòng họ đụng chạm đến di thể khi ông ta đã qua đời.
Tôn Tam đáp:
- Muốn đụng đến di thể của lão gia chúng tôi, ha ha, thật chỉ tổ Dã Tràng se cát.
Cưu Ma Trí ngạc nhiên hỏi lại:
- Cái gì mà lại Dã Tràng se cát?
Tôn Tam đáp:
- Cái đó nghĩa là "Dã Tràng se cát biển đông, Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì." Chuyện dụng chạm đến di thể lão gia thì đừng mơ tưởng mà mất cả chì lẫn chài.
Cưu Ma Trí nói:
- Ồ, thì ra là thế. Ta và Mộ Dung tiên sinh tri kỷ giao hảo, chỉ muốn đến trước mộ cố nhân lạy một lạy, không có ý gì khác, quản gia chẳng nên đa nghi.
Tôn Tam đáp:
- Nói gần nói xa chẳng qua nói thực, tiểu nhân quả là không dám quyết định ngược lại với di chí của lão gia. Nếu như công tử trở về tra hỏi biết được, há chẳng đánh đến gãy đùi tiểu nhân ư? Thôi thì để tôi mời lão thái thái xem định đoạt ra sao, rồi quay lại bẩm có được chăng?
Cưu Ma Trí hỏi lại:
- Lão thái thái ư? Còn vị lão thái thái nào nữa?
Tôn Tam đáp:
- Mộ Dung lão thái thái là thím của lão gia. Mỗi khi có bằng hữu của lão gia đến chơi đều phải khấu đầu hành lễ với thái thái. Công tử không có nhà, việc gì cũng phải hỏi ý lão thái thái.
Cưu Ma Trí đáp:
- Thế thì hay lắm, nhờ ngươi bẩm với lão thái thái là Cưu Ma Trí nước Thổ Phồn hỏi thăm sức khỏe lão phu nhân.
Tôn Tam nói:
- Đại sư phụ khách sáo quá, chúng tôi không dám nhận.
Nói xong liền quay vào nội đường. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Vị cô nương này tinh quái láu lỉnh, trêu ghẹo lão trọc Cưu Ma Trí, không biết để làm gì đây?"
Qua một lúc nghe có tiếng vòng đeo leng keng, một bà già từ nội đường đi ra, người chưa tới mà mùi hương thoang thoảng kia đã ngửi thấy rồi. Đoàn Dự khôi khỏi mỉm cười, nghĩ thầm: "Lần này lại biến thành một lão phu nhân."
Chỉ thấy bà lão mặc áo quần bằng đoạn màu xanh cổ đồng, tay đeo vòng ngọc, đầu đầy châu thúy, ăn mặc thật là sang trọng, mặt thật nhiều vết nhăn, đôi mắt hấp him dường như nhìn không rõ. Đoàn Dự tấm tắc thầm trong bụng: "Cô ả này quả là tài, ăn mặc đâu ra đấy, thật khéo lắm thay, chỉ chốc lát đã cải trang xong, tay chân linh lợi như thế thật không phải dễ."
Mụ già kia tay chống gậy, lẩy bẩy đi vào sảnh đường nói:
- A Bích, có bạn của lão gia ngươi đến chơi đấy ư? Sao chưa khấu đầu chào ta?
Mụ vừa nói vừa quay qua quay lại tìm kiếm, dường như mắt đã kèm nhèm nhìn không rõ ai với ai. A Bích giơ tay liên tiếp ra hiệu cho Cưu Ma Trí, nói nhỏ:
- Mau khấu đầu đi, ông rập đầu chào thái thái hả dạ thì chuyện gì cũng xong.
Bà lão nghiêng đầu qua, giơ bàn tay khum khum che tai như muốn nghe cho rõ, lớn tiếng hỏi lại:
- Này con ranh con, ngươi nói gì thế? Người ta đã khấu đầu chưa?
Cưu Ma Trí đáp:
- Lão phu nhân mạnh khỏe chứ? Tiểu tăng xin chào lão nhân gia.
Ông ta vái một cái thật sâu, hai tay phát kình, trên mặt đá nghe tiếng cốp cốp tưởng như người khấu đầu làm lễ. Thôi Bách Tuyền và Quá Ngạn Chi hai người đưa mắt cho nhau ai nấy kinh hãi: "Nhà sư này nội kình quả là ghê gớm, mình e rằng chưa chịu nổi một chiêu của y". Bà lão gật gù nói:
- Tốt lắm, tốt lắm! Thời nay kẻ gian thì nhiều, người ngay thì ít, đến như khấu đầu cũng lắm đứa giở trò ma mãnh, không rập đầu mà cũng nghe kêu côm cốp dưới đất, tưởng lão thái thái này thong manh không thấy. Thằng bé này ngoan lắm, rập đầu nghe rõ kêu.
Đoàn Dự nhịn không nổi cười rộ lên một tiếng. Lão phu nhân chậm rãi quay qua hỏi:
- A Bích, hình như có ai đánh rắm phải không?
Nói rồi giơ tay phẩy phẩy trên mũi, A Bích cố nhịn cười đáp:
- Lão thái thái, không phải đâu. Đó là vị Đoàn công tử này cười đó.
Bà lão hỏi lại:
- Đoạn à? Cái gì mà đứt đoạn?
A Bích đáp: Bạn đang xem tại TruyệnYY - www.truyenyy_com
- Không phải đoạn, người ta họ Đoàn, công tử họ Đoàn.
Bà lão gật đầu:
- Gớm, công tử nọ với chẳng công tử kia, từ sáng tới tối lúc nào ngươi cũng chỉ nhớ tới công tử nhà ngươi thôi.
A Bích thẹn thùng nói:
- Lão thái thái nghễnh ngãng, nói năng chuyện nọ xọ chuyện kia chẳng ra mô ra tê chi hết.