Truyện Ngắn Hay 2013 Truyện ngắn 4


Truyện ngắn 4
Đường làm người

- CHU THỊ MINH HUỆ -

a không chịu được cảm giác lúc này. Nàng đã dám nói thật, tức là không coi ta ra gì, không coi dòng Vàng ra gì. Nàng là gì chứ? Chưa ra khỏi đỉnh núi Tò Sán này thì biết gì mà nói. Ta đã đi, qua Bắc Kinh, xuống Hà Nội, biết cả người Hán, người Pháp, vậy mà cuối cùng lại nhận một câu chẳng ra gì của nàng sao?

Nàng đáng tuổi con ta. Nhưng trong đám con trai, con gái đang ung dung hưởng lợi mà nghĩ là mãi mãi này, chưa đứa nào có ý nghĩ như nàng. Nàng không phải con, nhưng là người vùng này, người Mèo, lại rất gần, ở chính cái gốc dòng họ ta. Làng Tra Pò này sinh ra nàng. Ta và nàng cùng gốc, như chính cùng một hạt lanh sinh ra. Vì thế, nàng biết tâm tính ta từ trong gốc rễ.

Ta đã không nói được lời nào với nàng. Nhưng đáng lẽ cần phải ở lại để nàng an ủi và vuốt ve tâm hồn thì vì sự sĩ diện của một người đứng đầu vùng Đồng Văn này, ta lại cáu lên mà đi về.

Sáng nay ta đi từ huyện về Sà Vàn. Ngựa cần được ăn cỏ để sáng mai lên huyện. Nàng phải cắt cỏ cho ngựa của ta và cả ngựa của lính.

Tại sao nàng lại là người cắt cỏ ngựa nhà Vàng? Sao không làm việc khác? Nhưng đúng là không còn việc gì tốt hơn cắt cỏ ngựa. Chính ta đã bảo nàng làm việc đó. Lần đầu tiên ta quản việc cho một đứa gái nghèo trong vùng. Nhưng thì sao nào? Dân trong vùng Mèo là của ta thì quản việc gì mà không được.

Cái đứa gái ấy, thấy ta không sợ như sợ hổ thọt mà lại dám nhìn thẳng mắt nói: “Vàng luôn quên cái bụng của mình”.

- Đứa gái này, nói linh tinh rồi đấy.

- Đúng mà. Vàng nên nghĩ lại bụng mình.

- Ta là ai? Nhìn lại xem nào.

- Vàng không nghe thì thôi. Tôi đi giặt.

Đứa gái ấy nó nhờn ta à? Nó biết ta thích nó nên làm già à? Chưa ai dám. Đám vợ, đàn con và cả lính cũng chưa ai dám nghĩ một lời khác ta.

Càng già ta càng cô đơn. Hôm nay cái cô đơn này bị nàng khới tung lên. Bụng ta chật cứng. Nếu là mèn mén với bí ngô trong bụng chắc đứt ruột mà chết cũng nên. Là thế thì còn dễ chịu, đứt ruột chết đi còn được thanh thản. Đằng này nỗi cô đơn lúc nào cũng như cái chảo đen úp chụp lên đầu, đè ta xuống hố sâu.

Đêm nay ta ở dinh này. Ngay chính nơi đây, nơi bao nhiêu hồn tổ tiên ngụ dưới lòng đất này, bao nhiêu bí mật cũng dưới đáy những quả núi này. Nàng phải nói cho ta biết nàng hiểu ta hay chỉ nói bừa.

Đúng là ta già thật rồi. Không về nhà thì thôi, cứ về đến ngã ba là chùn bước. Con ngựa còn không muốn rẽ xuống cái dinh thự bề thế này. Nó cũng như ta, không muốn những ám ảnh gợn lên trong lòng.

Lần nào về, cái người “câm không phải câm, điếc không phải điếc” ấy cứ đứng đón ta. Không ai biết ta về, sao bác biết? Em chú Vàng Dỉ thì không nói gì, giống hệt bác Sấn Hầu, chỉ an phận, tay cứng chai cày. Nương ngô, nương thuốc phiện nhà chú mùa nào cũng tốt. Ta lúc nào cũng mua với giá cao nhất. Nhà em chú chẳng nghèo, nhưng vẫn chăm chỉ. Người Mèo ta, vốn chăm làm và chỉ được hưởng sung sướng từ đôi bàn tay, không thể khác được. Ta và Dỉ giống hệt đời trước, là bố và bác Sấn Hầu. Ta ham vui, ham đi và muốn đứng trên đỉnh núi. Dỉ giống bác Sấn Hầu, an nhiên với nương rộng, nương bằng và thích đứng vững dưới chân núi. Ta những tưởng, trên đỉnh núi là cao, là hơn tất cả. Cả đời leo núi. Giờ đứng trên đây, lại chỉ có một mình. Lúc nào gió cũng thổi bạt tiếng. Cái gì cũng có thể bị gió cuốn đi. Đôi khi tiếng của mình ta cũng không nghe rõ. Chỉ tiếng gió là to, là mạnh. Đứng trên đỉnh núi là cao, nhưng lại không có chỗ ngồi, chết không đủ chỗ bằng để lấp đá.

Đến giờ mới nghĩ đến một chỗ để nằm trong đá thì đã không kịp. Chết rồi, người Mèo ta không có cơ hội thay đổi chỗ nằm. Đã nằm đâu thì nằm đấy. Lạ thật, tổ tiên sao không nghĩ đến điều này chứ. Sống còn du canh du cư ,sao chết không thay đổi lấy một lần?

Ta một mình trên đỉnh núi, chết trên này thì không có chỗ cho xác nằm. Giờ ta muốn xuống núi, muốn được đi cày nương đá như chú Dỉ thì không được nữa. Cái người “câm không phải là câm, điếc không phải là điếc” kia đã chặn đường xuống núi của ta, giống như xưa ta chặn đường lên núi của bác. Để bây giờ về đến ngã ba Sà Vàn là thấy mặt nhau. Vào trong nhà thì thôi, ra khỏi bờ rào đá là bác đã ở cổng. Cái bờ rào đá ta cố tình xây cao hơn đầu người, cao nhất trên vùng cao nguyên này chỉ có mỗi mục đích để bác không nhìn vào nhà ta được. Ôi, đời người Mèo càng đời sau càng xa nhau. Nào anh em, nào dòng tộc, ai nào gắn bó mấy đời.

Sao tối nay nàng làm gì mà còn chưa vào? Sương thấm lấm tấm mặt phản ta nằm. Khói thuốc không đuổi được sương. Lửa đốt khắp các phòng mà sương vẫn luồn đến tận lưng. Phòng nào cũng đóng cửa, ai cũng co lại chống chọi với cái rét. Sao năm nay rét thế. Bọn người Tây kia, cái giống người của thằng Phăng Xoa vốn quen chịu rét châu Âu còn không dám ra khỏi đồn bốt. Ta nhớ nó bảo, rét của vùng trồng thuốc phiện khác với rét của vùng có tuyết. Đôi khi vùng này cũng có tuyết nhưng không giống tuyết bên xứ chúng. Tuyết ở đây đùng đục, lờ nhờ chứ không trắng muốt. Tuyết ở đây chóng tan là vì trong tuyết vẫn mang hơi nước. Người Pháp sợ cái lạnh xứ này và không đủ sức chống lại cái lạnh ăn xương, ăn da của vùng thuốc phiện. Thế nên mùa đông ta rảnh rỗi hơn mùa hè. Giá như mùa đông kéo dài mãi để đuổi chúng khỏi đây thì tốt, ta đỡ bận nghĩ kế sách đuổi. Với lại ta già rồi, biết có còn làm được việc lớn.

Có lẽ thằng thầy địa lý hại dòng Vàng đã ứng nghiệm. Chỉ tiếc thầy Tế không được thọ để cùng ta trừ tà. Người đầu tiên giúp bố con ta biết đời, biết người là thầy giáo Tế. Ông cụ đúng là tinh đời, đã nhìn ra cái trí của thầy mà bái làm thầy, lại cho làm cả thầy ta nữa. Nhưng ngẫm ra ta không bằng cụ, ta chỉ là thằng đớn hèn mà hưởng cơ đồ này. Ta và thầy kết làm anh em không được dài lâu. Ta hận quân Tưởng bỉ ổi, gian tà thủ tiêu thầy quá sớm, nếu không ta đã không chỉ dừng lại ở đây. Mà ta, chính ta cũng chả khác gì mấy thằng Tưởng thối tha, cọp vồ ấy. Chúng thủ tiêu thầy ta, thầy ta chết. Còn ta, ta thủ tiêu chính anh trai mình. Anh lại không chết. Anh cứ sống để đón ta ở ngã ba đường về nhà.

Có thể đúng như thằng thầy địa lý yểm, đến ta là hết sự vương phát. Nào là hổ trắng ôm rồng xanh - ngàn đời được tự chủ. Ấy vậy mà thầy Tế lại nói rồng xanh quay lại cuốn hổ trắng thì trăm năm sau chủ đất không ngóc đầu lên được. Đúng là “thối không gì hơn cứt, gian không ai hơn Hán”. Thầy viết bùa dán quanh hàng rào đá, lại làm hai cột đá, trên đỉnh là sư tử đá trắng nhe nanh, trợn mắt. Hết đời người rồi, ta mới nhận ra chẳng là gì cả. Nhưng thầy Bế chỉ muốn tốt cho bố con ta thì làm vậy. Nhưng ngẫm lại, dòng Vàng ta gốc ở Sà Vàn này, mấy đời đều ở đây, không dựng nhà trên cái mỏm đá này thì dựng ở đâu? Dù có nhiều nhà khác thì cái dinh này vẫn là nhà gốc. Nó là cái hạt lanh giống, không khác được.

Đến ta mà hết vương phát cũng không sao. Vùng Mèo này sẽ giao lại cho Chính phủ, nhất định làm người Việt chứ không làm người Hán. Ma Mèo còn bị ma Hán bắt nạt thì người Mèo không thể sống chung trên cùng một mảnh nương với người Hán nữa rồi. Thời loạn


lạc chúng ta đã chạy đến đây. Cho đến giờ và mãi về sau sẽ ở đây.

Ta rối như bó lanh gái vụng làm liều mà nàng không vào gỡ giúp. Nàng đi đâu chứ? Hay nàng ngại bà vợ ba? Không! Nàng đã chính thức là vợ rồi, còn ngại gì nữa.

Nàng đang vào. Đấy, bước chân nặng và ướt lắm. Đi đâu nhỉ? Đây, cả tay nữa, buốt truyền đến tim ta. Nàng đã làm gì mà ướt sương thế này?

- Tôi đi giúp bác Sinh.

- Làm sao? Mấy vợ, mấy con lại bỏ mặc à?

- Tối và lạnh quá, ai cũng mải sưởi ấm, không biết bác ra ngoài. Tôi thấy động ngoài rào đá ra xem thì thấy bác ngồi ở gốc cây sa mộc to nhất ấy.

- Ngồi ấy làm gì?

- Không biết. Ngồi vê nhựa thuốc mà lại cứ hẩy ra như có ai nhét vào mồm.

- Lại điên à? - Ta hỏi giật mà sự sợ hãi lộ ra mặt. Chỉ mình ta hiểu anh đang làm gì. Cái chỗ bạnh ra của gốc sa mộc to nhất ấy đã có từ ngày chúng ta còn bé. Mỗi ngày theo Phăng Xoa cắt cỏ về, ta hay ngồi nghỉ ở đấy. Bệt xuống đấy, rồi duỗi thẳng chân cho thoải mái bắp chân sau khi leo núi đá và cõng cỏ cho ngựa nhà Phăng Xoa. Anh Sinh hay ra đón, bóp chân cho ta, thương ta vất vả vì phải làm việc nặng. Anh không phải làm như ta, chỉ ở nhà chơi với mẹ, chăm con chó của anh, chăm hộ cả con chó của ta. Vậy sao ta phải vất vả thế? Vất vả cắt cỏ ngựa lại còn phải học chữ và tiếng Pháp. Công cắt cỏ để trả cho mấy chữ học được. Thật không hiểu nổi bố nghĩ gì mà đối xử với ta như vậy.

Và chính chỗ bạnh ra của gốc cây ấy, ta đã “thủ tiêu” anh mình.

- Thế bác vào nhà chưa?

- Tôi phải bóp chân, xoa tay rồi vứt cục nhựa thuốc ấy đi, khen anh giỏi, anh tốt thì bác mới về nhà đấy.

- Sao mà biết làm những việc ấy?

- Không biết nữa. Tôi giật được cục nhựa vứt đi thì lại thấy bác kêu đau bắp chân, đau vai thì bóp thôi. Bác dịu dần rồi dìu bác về nhà bên kia.

Ta chẳng nói gì được nữa. Nàng đã thay ta chuộc lỗi với anh. Tổ tiên đã đưa nàng vào nhà để thay ta làm
việc này.

 

Hãy cứ để nàng làm. Chỉ nàng có nhạy cảm với anh. Ta không thể làm được, người ở trên đỉnh núi không thể chôn ở chân núi được nữa.

- Ông à, sao bác ấy cứ nói, “câm không phải là câm, điếc không phải là điếc” thế?

- Nói thế à?

- Tối nay đã nói rất nhiều. Tôi không hiểu nên không dỗ bác ấy thôi nói được. Về nhà bên kia rồi vẫn nói. Vợ già của bác không hiểu gì lại quát.

- Ôi, phải kết thúc thôi.

- Tôi biết, nên kết thúc những u uất trong lòng đi, lèn chặt và lâu quá dễ đứt ruột. Tôi đã mang cục nhựa thuốc lúc nãy bác cầm về đây cho ông. Tôi biết không phải chính cục thuốc này làm bác bị như vậy, nhưng cũng là nhựa thuốc.

- Đã biết hết rồi à?

- Không, chỉ linh cảm thôi. Linh cảm từ lần đầu tiên cắt cỏ ngựa gặp ông. Tự thấy rằng rồi tôi sẽ là vợ ông, sẽ thay ông làm một việc gì đấy rất quan trọng.

- Được rồi, giờ đã đến lúc phải hộ tôi việc ấy, không lùi thêm được nữa.

- Việc ấy liên quan đến bác Sinh?

 

*

*     *

 

- Anh Sinh, tôi với anh phải nói chuyện.

- Anh biết chú muốn nói gì. Có phải chú nghe trộm cuộc nói chuyện của bố và tôi tối qua không?

- Đúng. Và tôi đã hiểu lòng anh. Anh nghĩ mình làm được việc bố giao à?

- Tôi không biết nhiều như chú, nhưng tôi là con cả, phải có trách nhiệm với dòng họ. Với lại bố đã nghĩ nhiều, nghĩ lâu nên mới nói chuyện với tôi.

- Nhưng là cái nghĩ của người già không đúng hết đâu. Anh phải hiểu rõ, tôi và anh, ai hơn chứ.

- Chú cũng đã nghe bố phân tích về con người chú, tính tình và cái tâm của chú. Chú đã vất vả và chăm chỉ học tiếng Pháp, rồi lớn lên học tiếng Hán, đã đi nhiều, biết rộng. Chính vì thế cái tâm chú chưa tĩnh để làm được việc bố giao. Chú cũng biết bố sẽ để chú làm việc cho Chính phủ.

- Anh tưởng thế là to à? Cũng chỉ là thằng lính quèn như mấy thằng khiêng cáng thôi. Còn anh được thay bố cai quản vùng Mèo ta. Anh thấy rõ việc nào hơn mà anh còn nhận. Từ nhỏ đã biết anh không bằng tôi cơ mà. Sao giờ còn tranh giành?

- Tôi không tranh, là bố nhìn ra việc nên sắp xếp thế thì phải nghe.

- Không nghe thì sao?

- Chú định làm gì?

- Tôi chưa biết, nhưng ai mạnh người ấy thắng.

- Kể cả tôi và chú là anh em?

- Hổ con khi đã lớn đều muốn làm chúa sơn lâm cả. Anh hiểu lý đó mà.

- Không được, da và xương không rời được nhau.

- Tôi không biết. Cả đời tôi không thể chỉ làm thằng lính chai tay được. Tôi chưa bao giờ sống như một thằng lính, càng không phải thằng Mèo chỉ biết cày nương đá. Anh hiểu chứ?

- Chú không phải nghèo khó mà.

- Nhưng tôi không thể là kẻ câm điếc.

 

*

*      *

 

Đứng trước miếng mồi, con hổ nào cũng phải vồ. Bằng mọi giá phải được nếu không muốn chết đói. Ta đã vồ một cách quyết liệt. Nếu không giờ đây ta đã không ở trong dinh thự này, sẽ không có những kho thuốc phiện, những kho bạc trắng. Ta sẽ chỉ là thằng phu khiêng
cáng thôi.

Ta đã đấu với cả đàn hổ trong rừng này. Ta đã thắng. Ta là chúa sơn lâm rồi, nhưng giờ chúa sơn lâm đã già. Một mình ta đứng trên đỉnh núi đầy gió bao nhiêu năm nay, giờ đã đến lúc tránh gió rồi. Sức người có hạn, không lo được đời đời, kiếp kiếp.

Nếu muốn có chỗ nằm yên khi về gặp tổ tiên thì không thể nghĩ nhiều. Người Mèo không ai chôn hai lần.

 

Nhưng chính cái lúc ta muốn xuống núi, tìm một chỗ bằng mới biết rằng nàng không phải của ta. Ấy vậy mà anh ta, cái người cả đời tranh giành với ta tưởng đã hết nghĩ lại giành nốt cái cuối cùng của ta.

Cho đến giờ ta mới biết “câm không phải là câm, điếc không phải là điếc” thì lại là tốt nhất cho anh. Anh không câm, cũng không điếc để lấy nốt nàng của ta.

Nhưng tại sao? Tại sao nàng lại biết và chọn anh chứ không phải ta? Nàng là ai? Tại sao vào nhà ta mà lòng lại hướng sang nhà anh?

Nàng không sợ sự trừng phạt của ta để đưa cái trật tự vốn có về đúng chỗ sao?

- Sao phải làm những việc ấy?

- Vì tôi là Thào Thị Chúa!

- Không phải! Chúa chết rồi.

- Tôi không chết.

Ông trời bắt ta về đúng chỗ rồi. Ta đã làm gì Chúa chứ? Những giọt nước lá ngón hòa mật ong đã làm đứt ruột nó rồi cơ mà. Chúa ngu dốt, không biết chọn người. Mà nào có được chọn, ta là vua vùng này, cái gì ta cũng quản, sao Chúa dám chống lại ta để nghe tiếng sáo của anh Sinh? Bất kỳ đứa nào sinh ra cũng phải biết cái gì cũng của ta, kể cả tình yêu, thế mà có đứa vẫn chống lại. Vậy thì nó không được sống trên đất của ta.

Cho ta biết, các người đã làm gì? Đã làm gì mà ta không biết chứ? Anh trai ta, Chúa của ta, đều không nghe lời ta, không sợ ta. Vậy thì ta là cái gì?

 

*

*      *

 

Ta những tưởng mình giỏi thật, được ăn học và chăm lo như vậy. Nhưng rốt cục thì cha vẫn không bằng lòng. Cha chọn anh là người nối nghiệp và đẩy ta ra khỏi vùng đất này. Đúng là bao nhiêu năm đi xem mọi người của ta so ra không bằng anh ở gần cha.

Anh đừng trách, anh đã ra tay trước thì phải nhận hậu quả. Anh đã hành động bất nhân thì đừng trách ta bất nghĩa. Anh đã không thành công thì ta phải diệt cỏ tận gốc. Đợi khi gặp nhau ở chỗ tổ tiên ta xin lỗi cũng chưa muộn.

- Nàng có biết ta đi đâu không?

- Tôi tưởng ông đi mách cha về phạt anh Sinh uống rượu và đưa gái vào dinh làm bậy.

- Nàng quá ngây thơ. À, không lúc đầu là có ý nghĩ nhỏ mọn ấy thật, nhưng chính nàng đã cho ta ý nghĩ trả thù dứt khoát và tàn độc nhất.

Ta biết rằng chả cần mách. Một lúc cha về thấy cảnh đó anh Sinh tự khắc bị phạt.

Ta đi tìm lão Vương Chử. Lão ta sẽ có cách giúp ta giải quyết anh nhanh gọn nhất mà ta không cần động tay.

Ba ngày sau về nhà thì anh Sinh đã bị phạt. Vì rượu, gái, thuốc phiện đều quá, cộng thêm trận đòn của cha thì anh ốm thật.

Ta biết cơn giận của cha. Một phần niềm tin của ông đã vỡ. Ông không thể ngờ người ông chọn nối nghiệp lại tùy tiện đến vậy. Ngôi nhà linh thiêng này chính ông không dám làm uế tạp, vậy mà anh lại mang mấy con điếm trên Phó Sảng về ăn chơi.

Nếu lúc khác chắc anh không bị đánh đến vậy. Nhờ đúng lúc ông phải hao tổn lính và thuốc phiện vẫn không đuổi được bọn Nhật ra khỏi đất này, lại còn phải ký hòa ước với với chúng. Một phần đất lâu nay chưa quản được đành phải nhường cho chúng làm đường hành quân. Tay ông ký hòa ước cũng là tay ông trút giận lên anh.

Không phải đánh anh mà ông đánh vào niềm tin, đánh vào con mắt nhìn người và đánh vào chính mình. Cứ thế này không biết sau hòa ước tạm hoãn còn bao nhiêu hòa ước khác sẽ phải ký. Sức ông sắp cạn mà anh không giúp được thì vùng này thành của quân xâm lược lúc nào không biết.

Ông phải đánh cho anh tỉnh mà nhận ra sự nguy hại đang cận kề. Ông không biết rằng anh đã làm gì, đã kế thừa sự thâm sâu của ông đến mức nào đâu.

Đúng lúc anh ốm đòn thì ta về. Nhìn thấy ta, anh tưởng ma. Thần trí anh đã suy, thêm thấy ta lại càng kiệt. Nhưng anh sợ ta một thì sợ lão Vương Chử mười. Anh biết sự thâm hậu của lão trong nghề thuốc. Anh đã chống cự, đã gạt thuốc trong cơn mê sảng. Ta dám chắc anh muốn vùng dậy thú tội đã hại ta để không phải uống thuốc, nhưng sức không còn. Biết làm sao được, anh đã ra tay trước mà. Ta trở về được thì không thể nương tay. Chính tay ta đã cho anh uống thuốc. Ta đã tận tình chăm sóc anh mấy ngày.

Cha đã nhìn ta bằng con mắt khác. Đã có lúc ta bắt gặp ánh mắt tin tưởng nhìn ta. Ta lại càng mong anh chết thật nhanh. Ta đã giục lão Vương Chử về, nhưng không hiểu sao lão vẫn nấn ná. Lão đã lấy thuốc ba ngày cho anh, đã đảm bảo sau ba ngày anh sẽ đi gặp tổ tiên một cách nhẹ nhàng mà bí ẩn.

Lão đã không biến mất như thỏa thuận. Ba ngày ta mới hiểu dụng ý của lão. “Cậu tha cho anh Sinh là mở cho cậu một đường. Từ khi cậu tìm, tôi đã biết không tránh được. Nhưng làm nghề thuốc, giết người thì người giết, cậu tha cho tôi một đường. Anh Sinh sẽ câm không ra câm, điếc không ra điếc, cả đời sẽ không tranh giành với cậu nữa.”

Ta không còn cách nào xử lý lão nữa, số bạc ta đưa lão để lại và biến mất không dấu vết.

Cha ta phát điên. Cả dòng Vàng lồng lộn như đàn thú mất chúa tể. Kỳ vọng của cha, tương lai của dòng họ và cả vùng Mèo này thế là tan tành.

Cả vùng sôi sục tìm lão Vương Chử. Tìm mà vẫn biết rằng lão thừa sức biến mình thành người khác để bảo toàn mạng sống. Ta không bao giờ phải lo đến sự nguy hại của lão nữa. Lão bình yên là ta bình yên.

 

*

 

Âm mưu của anh là chọc thủng lốp chiếc xe máy duy nhất của ta để ta lăn xuống vực chết mất xác. Nhưng giời đã cứu ta. Ta bám vào được một cành nghiến chĩa ra, treo lơ lửng nửa ngày. Thế mà vẫn không mảy may biết bị anh hại. Mò về nhà để gọi người kéo chiếc xe lên, qua dãy nhà ngang của anh thấy anh đang uống rượu vui vẻ đến điên dại. Tâm trạng anh vừa vui sướng vừa lộ chút hối hận. Anh bảo thằng Dình có biết hôm nay được gọi đến uống rượu là vì cái gì không?

“Ta không biết bây giờ thằng em ta đã đi đến đâu, ha… ha…. Nó không về được nữa rồi. Nó hơn ta thì đã sao nào, hơn được mãi không? Giờ thì đi mà tranh giành với ma nhé… ha…ha…”

Ta muốn điên lên. Nàng biết không? Đến lúc đó ta mới hiểu tại sao bố muốn trao quyền cho anh. Ta những muốn xông vào cho anh một kiếm. Nhưng ta đã kìm được. Anh quá thông minh để che đậy sự thông minh dưới vỏ bọc hiền lành. Đối phó với người như vậy khó gấp vạn lần tiếp quản dòng họ và thống lĩnh xứ sở này. Ta cần phải để anh thỏa mãn với ý tưởng này. Ta biết mình không dừng lại được nữa rồi. Anh cần phải thay ta đi tranh giành với ma.

Chính lúc quay ra thì ta gặp nàng. Nàng đã cụp mắt xuống. Á, nàng không dám nhìn ta. Nàng đồng mưu với anh. Nhưng ta không để cho nàng biết ta hiểu điều đó.

 

Ta đồ rằng nàng định vào chỗ anh để cùng hân hoan. Và nàng đã quay ra. Nàng sợ phải nói cho anh biết ta còn sống? Đúng không?

- Không! Ông sai rồi. Không thể như thế! Anh Sinh không hại ông, không chọc thủng lốp xe của ông được. Cả vùng này, chỉ có ông được đi nhiều, biết nhiều, mang về một cái xe máy duy nhất, chỉ mình ông biết dùng
nó thế nào thì làm sao anh Sinh biết chọc thủng lốp để hại ông.

- Nàng đúng là đàn bà. Chỉ duy nhất ta có cái xe máy là đúng, nhưng không phải chỉ ta biết dùng. Ta đã dạy anh cách dùng. Đường đá lởm chởm thế này, ngày nào đi cũng xịt lốp, ta đã dạy anh cách vá và thay săm. Chính vì vậy, chỉ có mình anh biết cách hại ta.

Ta không kìm chế được nữa. Trước ta đã kìm giờ ta không phải nghe ngóng ai nữa. Nàng đã là của ta, mọi thứ kết thúc rồi, ta không cần phải nhìn ánh mắt ai nữa. Giờ ta có thể giết nàng như giết một con hầu gái. Ta sẽ băm nàng ra thành từng mảnh rồi nhét vào bụng ngựa và đem chôn. Sẽ không ai tìm được nàng. Nàng hiểu không, có hiểu sự đau đớn và nhục nhã khi chết không toàn thây mà vẫn bị bao bọc trong bóng đen của bụng ngựa không?

Đấy, nàng sợ rồi. Sợ là phải. Nàng nói đi, đã ân
hận chưa? Đã biết nàng cũng chỉ là công cụ của anh để hại ta chưa?

Ta biết mình đang bóp cổ nàng, nhưng những tưởng cả cổ nàng và cổ anh đều đan 127b g bị ta bóp. Ta phải bóp chặt hơn nữa cho cả hai chết chung. Không thể để hai người sống trước mắt ta thế này nữa. Ta đã nhịn lâu lắm rồi. Giờ ta có quyền trong tay rồi, có đến mười người như nàng ta cũng không sợ. Đáng lẽ nàng phải chết từ lâu, vậy mà được sống đến nay đã là quá đủ rồi.

Tay ta cứng đơ. Mọi đường gân dồn hết về tay. Nàng không còn giãy giụa được. Bất giác ta rợn người. Ánh mắt nàng không đờ đẫn mà tinh anh, phóng thẳng vào ta một tia sắc lạnh, nó cứa đứt từng đường gân tay. Cả người ta đổ sụp. Nàng rơi như một bó củi. Ta đã hết sinh lực. Bao năm nay ta giữ kín, đã gồng người lên để giữ. Không được nói ra mà anh vẫn sống, vẫn nửa câm nửa điếc tồn tại trước mặt ta. Sức chịu đựng cuối cùng đã được nàng rứt đứt rồi.

Cả đời nàng đùa cợt ta. Nàng theo anh đùa cợt ta. Những năm qua ta tưởng nàng đã biến mất, vậy mà nàng làm đảo lộn cuộc sống của ta. Nàng biết không? Hả?
Biết không?

Nàng không trả lời được hả? Ánh mắt ban nãy đâu rồi? Ngồi bệt như con chó ốm thế hả? Tại sao cả đời ta, vinh hiển trước bao nhiêu người cuối cùng ngộ ra vẫn chỉ nằm trong bàn tay nàng. Nàng cợt nhả ta hả? Vậy thì hôm nay ta sẽ kết liễu đời nàng. Đứng dậy đi, nhìn lưỡi kiếm này đây. Lưỡi kiếm vinh hiển của ta. Lưỡi kiếm Tận trung báo quốc bất thụ nô lệ. Bao nhiêu vinh hiển của ta cũng không thoát được lưới nàng giăng. Vậy ta sẽ dùng chính minh chứng vinh hiển này để chặt đứt lưới của nàng.

- Dừng lại!

Ông không biết càng nói càng sai sao? Không biết rằng ý nghĩ ấy bao nhiêu năm nay là sai sao? Ông đánh giá tôi tầm thường thế sao? Tôi không phải là cái
vòng bạc để ông và anh Sinh tranh giành nhé! Ông nghĩ lại đi! Tỉnh táo một chút thì cũng đủ hiểu nếu tôi biết anh Sinh trước đó hại ông thì tôi đồng tình sao? Huống hồ còn nói tôi đồng mưu? Ông nghĩ tình yêu của tôi hèn mọn vậy sao?

- Đúng không? Có đúng nàng không biết anh Sinh chọc thủng lốp xe của ta không?

- Tỉnh táo lại đi. Nếu tôi biết, đã không uổng công cả đời đeo đuổi để trả thù cho anh Sinh.

- Ha… ha… vậy thì cả đời nàng đã uổng phí rồi.

Ta đã cười. Nàng cũng cười. Không biết hai tiếng cười tách nhau hay hòa vào nhau. Nàng uổng phí cả đời thì ta không uổng phí sao? Ta thù nàng và anh. Nàng lại thù ta. Cả hai ta đã mất cả đời đuổi theo cái bóng thù mà cái người “câm không phải câm, điếc không phải điếc" kia nắm giữ. Có đáng không?

Ta và nàng, không nói mà cùng ra sân, đến chỗ gốc cây sa mộc già. Cái rễ cây bạnh to hơn, nổi gồ hơn, sùi ra những cục nhựa màu hổ phách. Ngày bé anh đã mài tròn và nhẵn những cục nhựa này để làm vòng cho ta và em gái. Anh đã đẽo con quay cho ta. Hai anh em đánh quay khắp vùng chưa biết bại.

 

Anh vẫn ngồi đây. Ta cầm con quay nhưng dây quay đã mủn từ lâu mà không ai nghĩ làm dây khác.

Ta và nàng, không nhìn nhau, cùng quỳ xuống trước anh. Anh giơ con quay rủ hai ta đi đánh quay ngoài sân chợ. “Em trai, em gái, theo anh đi đánh quay, nhất định thắng”. Ta ứa nước mắt, chợt ước, nàng là em gái. Ta, anh và em gái trở về thời niên thiếu vô tư.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84249


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận