Sắp đến tết rồi, chúng con lại sẽ về bên mẹ, gia đình mình sẽ lại đoàn tụ bên nhau cùng đón phút giao thừa trong tiếng cười rộn rã. Chắc mẹ đang mong chị em con lắm. Mẹ lúc nào chẳng thế. Mẹ từng nói ước mơ của mẹ là được nhìn các con lớn lên, trở thành những con chim đã đủ lông đủ cánh, có thể bay thật cao, thật xa. Nhưng con biết chẳng lúc nào mẹ thôi dõi theo từng bước đi của chúng con và thôi mong chúng con trở về bên mẹ trong những ngày vui như vậy cả. Những ngày cuối năm con bỗng thấy thời gian trôi thật chậm, vì con mong ngày chóng qua để con sớm được về nhà, sà vào lòng mẹ. Được mẹ vỗ về yêu thương như những ngày thơ bé. Nếu biết được ý nghĩ này, chắc mẹ sẽ mắng yêu con: “Cha bố mày, suốt ngày mong tết, tết. Có biết mẹ sợ tết lắm không? ”
Mẹ ơi! Tết này, mẹ đừng sợ tết nữa mẹ nhé!
Mẹ còn nhớ không? Ngày còn bé, chúng con háo hức đến tết biết chừng nào, chỉ mới là những ngày cận kề tết như lúc này thôi, đất trời như vẫn chưa chịu từ bỏ hẳn mùa đông lạnh giá khi từng tia nắng ấm áp đang dần lan tỏa khắp đất trời. Từng đàn én vừa chao liệng hót vang trời báo hiệu xuân về. Cây vẫn đương ủ chồi non với những búp non tơ xanh mướt, chờ thời khắc thiêng liêng để vươn mình trổ hoa, thì chúng con đã rộn lên trong lòng đủ chuyện: đòi mẹ may áo mới, sắm sửa đủ thứ. Mà không biết mẹ còn biết bao nhiêu chuyện phải lo toan. Nhà mình lúc ấy thật khó khăn, ba mẹ khuya sớm, tần tảo, chắt chiu cũng chẳng đủ cho bốn cái miệng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Phải vay đầu nọ, dạm đầu kia để cho lũ con ăn học. Mẹ đã vất vả biết bao.
Con nhớ, có năm con đã dỗi mẹ, ghét ba vì mẹ chưa mượn được tiền mua áo mới cho con. Con thậm chí đã có lúc oán trách vì sao cha mẹ chẳng cho con được cuộc sống giàu sang như các bạn. Con đã ghét ba mẹ vì nhà mình quá nghèo, để chị em con phải thiếu thốn, thua bạn kém bè. Mà không biết được rằng ba và mẹ đã cố gắng hết sức. Con càng không nghĩ được rằng dù nhà mình nghèo khó, chúng con vẫn còn được ấm no trong vòng tay của mẹ. Chứ không như biết bao mảnh đời bất hạnh ngoài kia, thiếu cha, vắng mẹ, không nơi nương tựa. Tết của các bạn là ở những mái ấm tình thương. Chúng con vô tư tươi cười, xúng xính trong những bộ quần áo mới mà quên nhìn thấy áo mẹ đã sờn vai. Và cũng không nhận ra rằng từ lâu lắm rồi, mẹ không mua quần áo mới. Áo mẹ mặc tết là áo cũ của cô ba hàng xóm cho. Vậy mà nhìn bốn chị em con , mẹ vẫn cười thật rạng rỡ. Có lẽ lúc đó mẹ cười vì nghĩ lại lo xong một cái tết cho các con rồi.
Cứ thế, chúng con dần lớn lên cùng với sự nghèo khó trong vòng tay yêu thương của mẹ. Những năm học cấp hai, con ý thức được nhà mình khó khăn hơn bao giờ hết. Nuôi bốn đứa con ăn học đâu phải chuyện dễ dàng. Những cái tết lại làm mẹ lo hơn. Mẹ đã nói với con rằng mẹ sợ tết. Sợ cuối năm là bao nhiêu chuyện, đám cưới, đám hỏi dồn dập, nợ nần cuối năm phải trả. Sợ cả việc chúng con đòi sắm sửa quần áo mới chờ xuân. Con đã nói chỉ cần mua cho các em, con mặc quần áo đi học hằng ngày cũng được. Mẹ ừ, và rơm rớm nước mắt. Nhưng con thấy ba mẹ bận rộn hơn, nhất là mẹ, đi chặt mía, nhổ mì thuê, gọt mì, bốc mì, mót từng củ mì đem bán,… mẹ đều làm cả…và chúng con vẫn có quần áo mới. Mắt mẹ sâu hơn, dáng mẹ gầy hơn. Nhìn tấm thân gầy guộc, lam lũ và khắc khổ của mẹ, mắt con nhòa đi, con thấy mẹ là hiện thân của hình ảnh cá chuối đắm đuối vì con. Ngày tết, mẹ vẫn cười cùng niềm vui của con trẻ. Con chợt giật mình khi nhìn thấy trên nụ cười ấy, thời gian đã lặng lẽ hằn lên nét rạng ngời hạnh phúc của mẹ bằng những nếp nhăn. Qua từng cái tết, tuổi xuân của mẹ dần dần khuất lấp đến bên các con, giúp chúng con lớn lên. Em con vô tư reo lên: “Mẹ già rồi, có tóc bạc kìa!”. Mẹ cười bảo: “Tuổi xuân và những nét đẹp của mẹ chạy sang mấy đứa mày ở hết rồi”. Mẹ còn thời gian đâu mà quan tâm đến dung nhan của mình chứ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chúng con thôi.
Năm con học lớp mười, mẹ ốm, cái nắng cứ như từ khắp gầm trời này dồn lại như chỉ để đổ xuống quê mình. Ruộng nẻ chân chim, từng đám lúa non chưa kịp trổ bông, lá đã co quắp lại, vàng úa, chết từng bãi. Mùa màng thất thu. Mía thì nhà máy chẳng mua, người ta chẳng buồn chặt. Đốt từng bãi, khói bay nghi ngút mang theo niềm hy vọng ấm no của quê hương mình về với trời xanh. Nhà mình khó khăn hơn bao giờ hết. Ba lầm lũi, ít nói hơn. Mẹ nhìn các con thờ thẫn. Chị em con không đứa nào dám xin tiền mua bút dù bút đã hết mực vì sợ mẹ khóc. Cô bác hàng xóm khuyên mẹ cho hai đứa lớn nghỉ học vì con gái là con người ta, học chi nhiều. Cũng đâu đến lượt mình làm quan, nên để chúng ở nhà giúp ba mẹ kiếm tiền nuôi em. Nhưng nhìn chị em con chăm chỉ thế, mẹ lại không nỡ. Tết năm ấy, nhà mình không ai có áo mới cả. Cũng chỉ có hai kí thịt và bốn cái bánh tét với một ít kẹo bà ngoại cho. Mẹ cũng không nỡ ăn, vì sợ bạn chúng con đến thì sẽ không có để đãi bạn mà tủi hổ. Mẹ dặn các con hãy cố lên, ba ngày tết rồi cũng qua thôi. Lúc ấy, con biết mẹ sợ những ngày tết biết nhường nào. Tết khiến cái nghèo của nhà mình hiện lên rõ nhất, nó giày vò trái tim người mẹ khi nằm bất lực, đau đớn nhìn các con thiếu thốn mà chẳng thể làm gì. Con mong những ngày đầu năm nhanh chóng trôi qua.
Con đậu hai trường đại học, mẹ rớt nước mắt vì vui, khi vui mẹ cũng khóc. Nhưng cầm tờ báo điểm, mắt mẹ tối lại. Con đã không dám nhìn vào mắt mẹ vì con hiểu mẹ đang nghĩ lấy đâu ra tiền để nuôi con ăn học đây. Phóng viên báo Phú Yên tìm đến nhà mình viết bài về mẹ, người mẹ nghèo khó làm mướn quanh năm, có con đậu đại học. Tờ báo đến tay mẹ, mẹ nâng niu nó như là một tấm bằng khen cho công lao khó nhọc của mình. Con được tỉnh trợ cấp và nhận học bổng của trường nên mẹ không còn phải lo lắng nữa . Tết năm đó, con thấy mẹ vui nhất . Mẹ bảo mỗi một đứa con ngoan là một chiếc áo đẹp nhất cho mẹ. Mẹ khỏe hơn, và nhà mình cũng đỡ khó khăn hơn. Gia đình mình ngập tràn hạnh phúc.
Hai em nữa lần lượt đậu đại học, em út xuống học phổ thông ở thành phố, mỗi đứa một nơi. Những lần chúng con gọi điện về nhà để xin tiền nhiều hơn là gọi về thăm ba mẹ. Nhưng sau những giờ nương rẫy mệt nhọc, mẹ lại cầm điện thoại lần từng số hỏi thăm từng đứa. Mẹ mong đến tết để chúng con về, để nhà mình sum họp, để mẹ được âu yếm nhìn từng đứa con mà mẹ hết mực yêu thương. Hàng xóm cũng vui lây vì thấy nhà mình rộn ràng hẳn lên, nụ cười thường trực trên khuôn mặt hiền từ của mẹ. Hơn năm mươi tuổi, mẹ không có một bộ quần áo để chưng diện mỗi khi xuân về, không một món trang sức trên người. Nhà cửa tuềnh toàng không một vật dụng có giá trị. Trên tường gỗ là những tờ giấy khen được mẹ nâng niu gìn giữ và cả những chồng sách vở cũ, trên cái giá sách cũ kĩ mà ba đóng cho chị em con, mỗi đứa một ngăn. Niềm vui của mẹ, niềm kiêu hãnh của mẹ là có được ba đứa con đậu đại học. Đêm giao thừa, nhìn bốn chị em con quây quần kể chuyện học hành, ẩn sau nụ cười hiền từ, bao dung của mẹ là sự lo lắng: mấy ngày nữa lấy tiền đâu để cho chúng con trở lại trường đây? . Vì thương các con, mẹ vẫn sợ những cái tết.
……………
Tết này, chúng con – những đứa con đã đủ lớn khôn để có thể tự lo cho mìn- lại về bên mẹ. Mẹ ơi, đây là nhang để thắp dâng lên ông bà, đây là áo mới tặng mẹ, tặng ba nè. Còn đây nữa, đây là thuốc bổ, là sữa cho mẹ, vì bây giờ trông mẹ yếu lắm. Tết này mẹ đừng lo lắng gì nữa nhé, chúng con đã khôn lớn cả rồi. Chúng con đã có thể đùm bọc lo lắng cho nhau mà không cần mẹ và ba phải bận tâm nữa. Từ nay, mỗi khi tết đến sẽ là lúc chúng con quây quần về bên mẹ, để đắm mình trong hạnh phúc yêu thương. Nhà mình thôi sợ tết!
Hãy vui lên nghe mẹ, chúng con tự hào vì được là con của mẹ, được lớn lên trong vòng tay mẹ. Chúng con là những đứa con hạnh phúc nhất thế gian này vì được trải qua những cái tết dù còn nhiều thiếu thốn về vật chất nhưng luôn chứa chan tình mẹ và sự bao dung của cha. Những cái tết giúp chúng con hiểu được lòng mẹ bao la đến nhường nào, để cho chúng con biết yêu thương và biết ơn mẹ nhiều hơn.
Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!