Mỗi bên lại có một cánh cửa sắt, mở vào một gian nhà dài hun hút, được gọi là ba-ti-măng một và hai - Lượm và Thúi tiện chân đi vào ba-ti-măng một - mùi thối đến nôn mửa xộc vào mũi làm hai đứa phải đứng chững lại ở ngưỡng cửa, đưa tay bịt mũi. Hai đứa trố mắt nhìn quang cảnh bày ra trước mắt và bất giác rùng mình. Cuộc sống năm ngày xà lim chưa đủ làm hai đứa quên đi cảnh tượng dơ bẩn đến nôn oẹ trong ba-ti-măng. Ba-ti-măng giống hệt một cái chuồng nhốt thú dữ. Tường xây bằng đá, chiều cao rộng chừng năm mét, chiều dài đến hai chục mét, nền xi măng lở loét, trống trơn, in chin chít những dấu chân lấm bùn. Hai bờ tường gần sát nền, mồ hôi người dính đen kịt như bồ hóng. Cuối ba-ti-măng là một dãy hố xí, liền ngay với nền nhà, vốn là những hố xí tự hoại nhưng đã bị tắc từ lâu. Có bốn cái, hai cái bên trái hỏng hoàn toàn, đã bị xây bít lại bằng gạch. Hai cái còn lại không có cửa. Hai cái hố xí cho gần năm trăm con người! Sau mỗi buổi sáng, phân, nước đái đầy ngập, tràn xuống nền nhà, lan rộng đến bốn năm thước. Bọn lính ngục bắt tù con nít phải múc phân vào thùng đem đổ ra ngoài. Sáng đó, tuy phân đã múc cạn nhưng cứt đái vẫn dính bê bết trên bậc lên xuống và nền ba-ti-măng. Hàng triệu con dòi ngo ngoe, lúc nhúc từ hai miệng hố xí bó ngược lên tường, lên thấu trần nhà, kết lại thành một tấm thảm dòi. Chúng ngo ngoe bò du ngoạn ra thấu giữa ba-ti-măng. Chính cái thảm dòi hàng trăm ngàn con này làm cho Lượm và Thúi phải sởn hết gai ốc.
Trong ba-ti-măng lúc này có khoảng chục người, ngồi nằm rải rác hai bên bờ tường. Hầu hết là các cụ già và những người tù bệnh không đi làm cỏ vê được - Người nào cũng gày giơ xương, mắt sâu trũng, da đầu dính bết vào xương sọ. Có vài người nằm co quắp, im lìm như những xác chết. Có mấy ông già ngồi ăn cơm để trong ống bơ, mấy cụ khác cởi áo bắt rận. Đàn dòi ngoe nguẩy bò đến chân các cụ, mon men bò lên ống bơ cơm, các cụ phải dùng quạt nan, quạt phẩy, phẩy dòi bọ ra xa.
Phía cuối ba-ti-măng, cách bậc thềm hố xí mấy bước chân, có một thằng bé trạc tuổi Thúi đang nằm co quắp giữa đám dòi. Người nó rung bần bật, thỉnh thoảng lại giật lên những cái như bị kim chích.
Lượm và Thúi bước lại gần nó, chân cố tránh dẫm vào đám dòi đang ngo ngoe, ngọ nguậy quanh mình thằng bé. Trời, trông nó mới nhỏ bé, tội nghiệp làm sao! Hai mắt nó nhắm nghiền, hai má bừng bừng lửa sốt, cặp môi nhợt nhạt, khô rang nứt nẻ, cứ mấp máy như muốn gọi, muốn kêu nhưng không gọi nổi. Mấy con dòi xám ngoét, lông lá từ trên trần nhà rơi bộp xuống mặt nó, bò ngang bò dọc. Nó yếu ớt khẽ lắc đầu như muốn hất xuống nhưng không hất nổi. Cảnh tượng đó làm Lượm rung bắn. Em nhào tới, quên hết bẩn thỉu, lấy tay phủi mấy con dòi xuống đất, dùng chân đá ra xa.
Lượm hỏi một ông cụ ngồi bắt rận gần đó:
- Ông ơi, chớ hắn đã đau lâu chưa ông?
- E có đến tuần ni rồi, cơm cháo không ăn được, rồi cũng chết mất thôi…
Lượm để ý thấy phía trên đầu thằng bé để cái ống bơ hoen rỉ, đựng một vắt cơm tù còn nguyên - Lũ dòi bò ngang bò dọc trên vắt cơm.
Ông cụ nhìn nó lắc đầu buồn bã nói:
- Cơ khổ… không biết con cái nhà ai, ở làng xóm mô, nhỏ một thí rứa, không biết tội tình chi mà cũng bị bắt vô đây
Lượm cúi ép bàn tay trên trán nó sợ hãi kêu lên:
- Ui chao! Nóng rực như bếp than! hắn đau nặng ri mà họ không cho đi nhà thương hả ông?
- Nhà thương nhà thiếc chi cái nhân mạng thằng tù! Ai đau thì họ mong cho mau chết, quăng xác lên xe bò chở đi. Càng đỡ tốn cơm.
Lượm sực nhớ hồi còn làm liên lạc ở trung đoàn bộ đóng trong Mang Cá, có lần nó cũng bị sốt trán nóng hầm hập như thằng ni. Chị y tá nhúng chiếc khăn mặt đắp lên trán, nó thấy dễ chịu hẳn. Nó nói với Thúi:
- Mi đứng đây coi chừng hắn để tau chạy ra ngoài ra ngoài hồ nước kiếm chút nước đắp lên trán cho hắn, may ra hắn đỡ đau.
Lượm mượn ông cụ cái ống bơ chạy vụt ra ngoài. Lao Thừa Phủ lúc này chưa có nước máy. Bọn giặc bắt tù đào cái hố rộng chừng hai thước, sâu chừng một thước. Hàng ngày chúng bắt mấy người tù kéo xe bò chở cái thùng phuy ra sông Hương lấy nước đổ vào hố. Đó là toàn bộ nước ăn, uống, tắm của hơn ngàn con người. Mỗi lần nước xe về, tù chen chúc đến đặc quanh miệng hố, xách ống bơ, lon, xô đẩy nhau đến lấy nước, kêu la như vỡ chợ. Mấy thằng lính ngục dùng vụt gậy vụt loạn xạ giữ trật tự. Ai chen khoẻ múc được nước trong, ai chậm chân nước yếu chỉ còn gạn được ít nước bùn. Lúc này dưới đáy hố chỉ còn lại một vũng sền sệt bùn, nhỏ bằng cái nón. Lượm tụt xuống hố, khéo léo lắm mới gạn được nửa ống bơ nước bùn. Nó xách ống bơ chạy vô ba-ti-măng. Nó khẽ khàng luồn cánh tay xuống gáy đỡ đầu thằng bé lên: kéo cái áo rách đang gối đầu, gấp một vạt áo lại đặt lên trán nó. Nó nghiêng miện ống bơ, rưới nước lên vạt áo, cẩn thận không cho chảy phí ra ngoài giọt nào. Vải áo thấm nước tràn xuống cằm, xuống má nó - thằng bé bỗng thè lưỡi liếm những gi t nước tràn xuống hai bên mép.
Thúi nói:
- Hắn khát nước anh ạ
- Nhưng nước như bùn ri uống răng được?
Thằng bé mở bừng mắt ngơ ngác nhìn hai đứa, ánh mắt non dại, đau đớn, hầm hập lửa sốt. Nó lắp bắp nói:
- Cho tui xin hớp nước
Nhìn chút nước còn sót lại trong ống bơ tanh lợm mùi bùn, Lượm bối rối, khổ sở. Nó không đủ can đảm kề miệng ống bơ vào miệng thằng bé.
Nó chợt nhìn thấy ông cụ ngồi gần cánh cửa sắt, vừa ăn cơm xong cầm cái lon đựng nước, miệng lon bịt tờ giấy. Ông mở tờ giấy, đưa ống bơ lên miệng nhấp từng ngụm nhỏ như uống nước sâm. Miệng ông chiếp chiếp ngon lành.
Lưỡng lự một lúc, Lượm bước lại giọng nằn nì:
- Ông ơi, ông còn nước cho cháu xin một hớp. Hắn đang khát, tội lắm ông nờ… Nó chỉ tay về phía thằng bé.
Ông cụ nhìn Lượm ngần ngừ:
- Nói thiệt với chú, nước ở đây còn quý hơn cả sâm Cao Ly! Lon nước ni là của mấy người tù đi làm cỏ vê mang về cho từ chiều hôm qua. Ông phải để dành dụm mãi, khi mô thiệt khát mới nhấp vài ngụm…
Giọng ông cụ nghe thảm đến nỗi Lượm không dám nằn nì thêm nữa. Nhưng nó vừa quay đi, ông cụ gọi lại, đưa lon nước và nói:
- Còn lưng lon đó, cháu cho nó uống, dành lại cho ông mấy hớp.
Lượm đỡ lon nước, dạ một tiếng mừng rỡ. Nó cùng với Thúi đỡ thằng bé ngồi dậy, ghé lon nước vào đôi môi khô nẻ của nó:
- Uống tạm vài hớp
Sợ thằng bé uống hết lon nước của ông cụ, Lượm cho nó có cữ. Ba cái nghiêng nhẹ miệng ống bơ, nó dừng tay lại, nhìn cái ống bơ rồi mang trả cho ông cụ. Thằng bé liếm môi thèm thuồng nhưng không dám đòi thêm. Nó có vẻ tỉnh táo, nhìn Lượm, Thúi hỏi:
- Hai anh chắc mới vô tù, tôi ngó mặt thấy lạ…
- Ừ, được tuần ni rồi, nhưng bị nhốt trong xà lim. Sáng ni mới ra khỏi xà lim. Thúi nè, tau với mi đỡ hắn nằm lui ra một chút, nằm sát bên cứt với nước đái ri chịu chi cho thấu!
Thằng bé vội lắc đầu xua tay:
- Đừng! Đừng! Để tôi nằm đây cũng được. Nằm vô chỗ họ, họ đập chết!
- Được rồi - Lượm nói - Mi cứ để tau. người có chỗ có hỏi, để tau xin cho.
Hai đứa đỡ nó đứng lên, dìu đến quá giữa ba-ti-măng, chỗ này nền xi măng đỡ lấm láp hơn, dòi thỉnh thoảng mới có một vài con bò tới. Hai đứa đặt nó nằm xuống. Nó bỗng chống tay ngồi nhổm dậy, nói giọng hốt hoảng:
- Không nằm chỗ ni mô!
- Tại răng?
- Chỗ ni là của Lép-sẹo, nằm vô là hắn đập chết ngay!
Lượm quạu mặt nói:
- Mi cứ nằm xuống đây, hắn có vô đập tau chịu cho. Hắn cũng là thằng tù làm nghề ba de móc túi chứ làm quỷ chi mà mi sợ hắn dữ rứa?
- Hắn mạnh lắm anh nờ, mà hắn lại có võ - Thằng bé lơ láo nhìn ra phía cửa, lo sợ thoảng thốt - Hắn cầm đầu một băng tù con nít, toàn tụi trời đánh, ăn cắp, ăn trộm ở các chợ trong thành phố. Bọn tui không ở trong băng hắn, tụi hắn tha hồ bợp tai, đá đít, ăn hiếp, cắt răng cũng phải chịu. Đứa mô ngo ngoe cãi lại, tụi hắn cho mũi ăn trầu ngay! Trước tê chỗ nằm ni là của tui, Lép-sẹo hắn đuổi tui đi chỗ khác, rồi họ dồn tui gần sát cầu tiêu…
Nghe nó kể, máu trong người Lượm sôi lên, nó bật chửi:
- Tổ cha hắn chứ, rứa mi làm chi mà bị bắt?
- Tui làm liên lạc cho du kích làng tui, làng Liễu Cốc anh biết không? Tây càn vô làng, thằng lý trưởng, hội tề khai là tui biết chỗ du kích chôn súng. Tây hắn bắt tui, đập gần chết, bắt tui khai chỗ chôn súng. Nhưng ai dại chi mà khai!
- Mi vô tù đã lâu chưa?
- Hơn hai tháng rồi.
- Cậu tên là chi rứa? - Thúi ngồi xuống cạnh nó hỏi
- Mình tên là Ngạnh - cha mình làm nghề cắt lưỡi câu mà. Cha mình nói, làm người mà không khí khái giống như lưỡi câu không có ngạnh, là đồ bỏ đi.
Nghe Ngạnh nói, Lượm và Thúi cùng bật cười - Ngạnh cũng nhoẻn miệng cười theo rồi hỏi Thúi:
- Rứa cậu làm du kích liên lạc cho làng mô rứa? - Thúi ngượng nghịu, lúng túng. Từ ngày nó bị bắt oan cùng với Lượm, bị tụi an ninh gắn cho cái tên Tư Đất, tình báo viên lợi hại của Vệ Quốc Đoàn, rồi sau năm ngày nằm đêm ở chung xà lim với Lượm, nghe đủ thứ chuyện hào hùng, hấp dẫn của đội thiếu niên trinh sát, tự nhiên nó đâm mê cái tên Tư Đất - tình báo viên lợi hại và cảm thấy chán ngán cái nghề bán kẹo gừng tầm thường. “Thằng Ngạnh cũng nhỏ bé, ốm yếu như mình chứ hơn chi” - nó nhìn Ngạnh nghĩ bụng - “Rứa mà nó cũng biết làm liên lạc cho du kích. Tây đập gần chết không khai chỗ chôn súng. Chừ mà nói thiệt với nó mình chỉ là thằng đi bán kẹo gừng thì ê chề quá”. Nếu không có Lượm chắc nó đã gật đại: “Mình làm liên lạc cho du kích phố Bao Vinh”. Bởi vậy mà nó ngượng nghịu, lúng túng. Lượm như đoán biết nó nghĩ gì, nói luôn:
- Hắn với tau là trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Tụi tao đánh đồn Hộ Thành rồi bị bắt. Ở trong ni mi có nghe nói trận Hộ Đồn không?
- Có chớ! Cặp mắt Ngạnh vụt sáng lên - Ui chao, bom nổ rầm trời. Đang nửa đêm cả nhà lao vùng dậy hết, ai cũng cầu trời cho bộ đội đánh vô thấu đây, mở cửa lao cho tù thoát - Nó thở dài tiếc nuối như phải bừng tỉnh một giấc mơ đẹp.
Thúi đưa mắt nhìn Lượm biết ơn. Nhưng Lượm không chú ý, nó còn mải nghĩ đến chuyện Ngạnh vừa kể. Nó hỏi:
- Tụi Lép-sẹo ăn hiếp tụi bây rứa mà người lớn họ không bênh à?
- Người lớn họ thèm chú ý chi đến chuyện con nít anh? Thấy đứa mô bị tụi hắn đập bể đầu chảy máu họ cũng mặc kệ. Họ sợ dây vô tụi hắn, tụi hắn thù!
Thằng Thúi ngó quanh quẩn hỏi:
- Không biết tối ni mình có chỗ ngủ không anh hè?
Ngạnh nói:
- Cả ba-ti-măng tối đến là chật kín người, chen chân không lọt. Cả giữa lối đi họ cũng nằm ngang dọc hết, chất lên nhau như mắm. Chỉ còn chỗ tê - nó đưa tay chỉ khoảng nền xi măng gần sát bậc lên xuống cầu tiêu - là chưa có người nằm thôi.
Thúi rùng mình kêu lên:
- Nằm chung với dòi với cứt rứa thì nằm răng được? Chằng thà tui đứng cả đêm còn hơn!
- Đứng cũng không được mô! - Ngạnh nói - Đứng phía đầu người ta nằm thì ai cho đứng, mà đứng phía nào, chân thì vướng họ, họ đạp cho bổ sấp bổ ngửa. Người ni đạp qua, người tê đạp về chỉ một lúc mà lòi ruột mà chết.
Dòi trên trần nhà vẫn rơi lộp độp trên nền xi măng. Nhiều con có lông có lá, ngo ngoe bò đến chân ba đứa.
Lượm ngồi hai tay bó gối, nghe Ngạnh kể, mắt chăm chăm nhìn mấy con dòi lông lá ngo ngoe bò tới, nhìn hai cầu tiêu ngập ngụa cứt đái, lềnh bềnh giấy, giẻ rách, nhìn khoảng nền xi măng lúc nhúc dòi mà đêm nay nó phải nằm lên đấy mà ngủ… Một nỗi buồn khổ chán ghê gớm, chưa từng thấy từ đáy lòng dâng lên, làm nó nghẹt thở, chân tay rã rời. Cũng chưa bao giờ cái cảm giác bơ vơ, đơn độc, xâm chiếm và làm tan nát trái tim non nớt của nó như lúc này. Nó muốn oà khóc, muốn chết… Nó gục mặt xuống đầu gối, một ước muốn điên khùng bỗng bừng lên trong óc nó, có một trái bom thật to, to bằng chục trái bom giật sập cầu Trường Tiền dạo nọ, bất thình lình rơi thẳng xuống đây! Bom nổ rung trời, chuyển đất, phá sập tan tành cả nhà lao gớm ghiếc này. Nó cũng sẽ tan tác theo luôn trong tiếng nổ dữ dội ấy. Thà chết quách như rứa còn hơn!