Nhiều khi chính chúng ta là người có lỗi trong những tai hoạ, rủi ro của mình. Trong trường hợp này tôi đang nói về tôi.
Vào những ngày diễn ra Liên hoan phim Thổ Nhĩ Kì lần thứ nhất, tôi cố gắng không bỏ sót một phim nào. Đến hôm cuối cùng tôi hiểu ra rằng xem phim trong nước còn khó hơn cả việc làm ra các phim ấy. Vào đúng lúc giác ngộ được điều đó thì tôi lăn ra bất tỉnh ngay tại rạp chiếu phim.
Anh bạn Mêtin của tôi phải nâng tôi dậy, rồi xốc nách dìu tôi ra ngoài đường. Anh gọi một chiếc tăcxi
- Mặt anh không còn giọt máu, – anh vừa dìu tôi ngồi lên xe vừa nói với giọng lo lắng.
Tôi rên rỉ:
- Tôi thấy trong người khó chịu quá.
- Không ngờ những bộ phim lại có thể tác động mạnh đến con người như vậy.
Nhân đây tôi muốn nói thêm, các bộ phim do nước ta sản xuất thường hết sức lâm li tình cảm. Một diễn viên nam chỉ cần nhìn xoáy vào một cô gái từ cách xa mười lăm mét là cô nàng đã lập tức có chửa ngay. Mà đó là một cảnh cưỡng hiếp, cô gái cầu khẩn: “Không bao giờ!… Không đời nào!… Hãy thương xót tôi!…” Nghe cô ta nói tôi sợ chết khiếp đi được.
Đến bến tàu chúng tôi chia tay với người lái xe tăcxi. Tôi loạng choạng bám vào tay Mêtin để đi. Trời nóng bức ngột ngạt y như ở xa mạc Xahara. Tại bến tàu một đám đông đang đứng chờ. Chúng tôi phải tìm mọi cách để chen đến gần bờ. Sau đó đứng chờ tàu cập bến. Hàng rào sắt ngăn lối xuống tàu gợi lại cho tôi những kỉ niệm buồn bã. Cánh cửa sắt của hàng rào lát nữa sẽ mở ra, và chúng tôi sẽ xuống tàu thủy.
Có một người phía sau xô đẩy tôi rồi lách vào giữa tôi và Mêtin. Người khác lại xô đẩy ông này rồi lách vào đứng giữa ông ta và Mêtin. Bây giờ chúng tôi bị ngăn cách bởi hai người lạ. Sau đó những người chen vào giữa càng nhiều hơn. Tôi bị chen bật về một phía, còn Mêtin về phía khác.
Tôi kêu lên bảo anh:
- Chúng ta sẽ gặp nhau dưới tàu thủy!
Anh kêu to đáp lại:
- Anh đang ốm đấy! Anh không nên đứng! Xuống đến tàu tìm chỗ mà ngồi đi. Nhớ đấy nhé!
Tôi bị xô đẩy hết bên này sang bên khác. Rồi không nhìn thấy bóng dáng bạn tôi đâu nữa. Trên cái biển đầu người chỉ thấy thấp thoáng cánh tay anh ta.
- Azit, tôi sẽ tìm anh trên tàu thủy!
Cánh cửa sắt mở ra.
Bị một cú huých mạnh đến một nghìn mã lực, trong nháy mắt tôi rơi ngay vào khoang “Luých” ở boong trên và ngã phịch xuống một chiếc ghế còn trống. Vài giây sau thì người kéo đến đã chật cứng. Không nhìn thấy Mêtin đâu. Tôi vẫn chưa bình phục hẳn sau cơn bất tỉnh: đầu vẫn quay quay, mắt vẫn tối sầm, miệng vẫn buồn nôn.
Trước mặt tôi có hai người ngồi. Một là ông đeo kính, đầu hói, chạc tuổi tôi. Người thứ hai ba mươi tuổi, vai rộng, người đô con, trông như một đô vật, giọng nói ồm ồm.
Tôi liếc mắt nhìn: ông đầu hói đang cầm trong tay tờ báo của chúng tôi, và đang đọc trang bốn, là trang có đăng truyện ngắn của tôi.
- Chà, thế mới là viết chứ? – Ông ta quay sang tay đô con nói.
Tôi thích cái phản ứng của ông ta. Thậm chí tôi cảm thấy hơi ngượng và quay nhìn ra phía biển. “Thế nào rồi họ cũng nhận ra mình!”
Tây “đô vật” nhếch mép cười kháy và nói rít:
- Biết rõ là hắn viết gì rồi! Đồ chìm ăn xác thối!
Không biết ở địa vị tôi các bạn sẽ làm gì đây?
Tôi làm ra vẻ không nghe thấy những lời xúc phạm vừa rồi. Rõ ràng là họ không nhận ra tôi. Đã vậy thì cứ mặc cho họ muốn nói gì thì nói.
Tay “đô vật” im lặng một lát rồi nhận xét:
- Hắn viết kể ra cũng được đấy, nhưng giọng rất ba que xỏ lá!
Tôi cần phải làm một trong hai việc: hoặc lấy hai tay tóm chặt lấy cổ họng hắn, hoặc đứng lên và bỏ đi. Nhưng tôi không đủ sức để đứng dậy. Mà cho dù có đứng dậy được chăng nữa, tôi cũng không thể nào đi được một bước giữa đám đông chật cứng như thế này.
Tôi nghĩ bụng: “Dù sao họ cũng không quen biết mình. Cứ kệ cho họ nói. Trong bất cứ câu chuyện nào cái quan trọng nhất là ý tưởng chính. Qua đây có thể thấy họ cũng thích sáng tác của mình. Chúng ta ai cũng thường khoác cái mặt nạ khoan dung suồng sã khi khen người thân cận.”
Vậy là tôi quyết định làm ra vẻ không nghe thấy gì.
Ông đầu hói hỏi:
- Anh quen hắn ta à?
Tay “đồ vật” lại cười nhạt:
- Tôi?… Quen hắn ta ấy à?… Tất nhiên rồi!
Tôi đưa mắt liếc nhìn hắn: “Có thể hắn là một trong những đồng nghiệp cũ của tôi chăng? Không thể nào, vì hắn trẻ hơn tôi nhiều. Rõ ràng lần đầu tiên tôi nhìn thấy hắn.”
Tay “đô vật” tiếp tục nói:
- Dùng từ “quen” chưa chính xác lắm. Tôi còn biết rõ họ hàng tông tích của hắn ấy chứ! Một tên bịp bợm khét tiếng!
Ông đầu hói thốt lên:
- Thật thế à?! Cũng hay thật! Tôi cũng có lần gặp hắn ta, nhưng đọc các truyện của hắn tôi cứ nghĩ hắn là người đứng đắn tử tế.
Có thể đúng họ là những người quen của tôi và trước mắt tôi họ cố tình nói ra những lời lẽ đểu cáng làm ra vẻ như không nhận ra tôi. Nếu vậy, cần dự đoán rằng sự việc sẽ kết thúc tại đồn cảnh sát.
- Hắn toàn viết nhăng nhít, – tay “đô vật” lại nói giọng ồm ồm. – Nhưng bác tìm thấy cái gì độc đáo trong truyện của tên bịp này? Tôi nói riêng với bác thôi nhé, chính tôi đã làm cho hắn thành người đấy!
- Thế à?
- Than ôi, đúng vậy, và đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Bố của tay viết báo này làm nghề đánh cá. Hồi nhỏ gia đình hắn sống nhờ ở nhà tôi.
- Hình như anh là người làng Koni? – Ông đầu hói hỏi.
- Phải. Bố hắn cả đời làm nghề đánh cá, nhưng vì ở Koni, nơi gia đình hắn dọn đến, không có biển, nên lão già phải chuyển sang làm nghề bán cá khô.
Câu chuyện của hai người này từ lâu đã lôi cuốn chú ý của các hành khách khác. Mọi người chăm chú lắng nghe với vẻ thích thú ra mặt.
Tôi cứ ngồi chết lặng, không kịp lau cả mồ hôi trên mặt. Giá có Mêtin bên cạnh, tôi đã đứng dậy và bỏ đi rồi.
- Tôi và hắn cùng học một trường, – tay “đô vật” giải thích. – Hắn có biệt hiệu là Smorchok.
Ái chà! Cái thằng nói dối? Tôi chưa bao giờ đến vùng Koni cả!
- Theo tôi hắn kí bút danh, – ông đầu hói nói, – Còn tên thật của hắn khác.
- Hoàn toàn đúng, – tay “đô vật” khẳng định. – Tên thật của hắn là Durmus. Nhà hắn có mười bốn anh em.
- Mười bốn anh em cơ à? – Có một hành khách thốt lên.
- Phải, mười bốn. Nhưng tất cả đều chết từ khi còn bé. Vì thế bố mẹ mới đặt tên cho hắn là thằng Durmus1. Ở trường hắn bị tất cả học sinh thi nhau bắt nạt. Chỉ có mình tôi đứng ra bảo vệ. Tôi không bao giờ quên được trong một lần thi văn hắn đã “bơi” như thế nào. Thầy giáo phải cho hắn thêm giờ chuẩn bị. Tôi dúi cho hắn bài của tôi để hắn cóp, nhưng hắn chỉ trả lời được một nửa. Hắn bị chuyển sang lớp khác. Ít lâu lâu sau thì bị đuổi khỏi trường vì lười biếng. Nhiều năm sau bỗng tôi gặp hắn ở Stambul. Tôi đang đi trên phố Bâyôg bỗng nhìn thấy ở góc phố có một người đang đứng và gân cổ gào lên: “Khuy cài tay áo sơ mi đây!… Ai mua khuy cài tay áo đây!…” Hoá ra hắn đã trở thành kẻ đi bán rong các đồ tạp hoá. “Ê, này, cái đầu đất kia, – tôi bảo hắn. – Làm sao cậu đến nỗi này hả?” – “Ôi, đừng hỏi nữa, người anh em, cái số tôi không may!” – Hắn đáp. Tôi dẫn hắn đến nhà tắm, cho một ít quần áo cũ, sau đó dúi vào tay hắn một trăm lia và bảo:
“Khi nào gặp khó khăn cứ ghé qua, tôi sẽ giúp.” Hắn sướng quá, thế là quen mui ngày nào cũng đến xin tiền.
Lúc này cả khoang tàu đã lắng nghe những lời ba hoa phét lác của tay “đô vật”. Cảm thấy mình là trung tâm chú ý của mọi người, hắn càng nói hăng hơn.
Ông hói đầu hỏi:
- Nhưng hắn xin tiền để làm gì?
Tay “đô vật” bĩu môi khinh bỉ:
- Tất cả bọn cờ bạc đều thế cả. Có khi nào chúng giữ được tiền đâu?
- À, ra thế. Nghĩa là hắn chơi bạc?
- Chơi tàn bạo là đằng khác! Suốt ba ngày đêm liền không rời khỏi ghế. Hắn phải bán nốt bộ quần áo cuối cùng của bố hắn rồi nướng hết vào bài bạc. Vì chuyện này tôi rất phẫn nộ. Khi hắn lại mò đến hỏi xin tiền tôi túm cổ đẩy ra khỏi cửa.
- Anh làm thế là đúng. – Ông hói đầu ủng hộ.
Không muốn để sót một câu nào, mọi người cố cúi sát vào người kể chuyện, đặt tay lên tai để nghe cho rõ hơn.
- Rồi sau thế nào? – Ông hói đầu háo hức hỏi.
- Từ lần đó hắn không dám đặt chân đến nhà tôi nữa… Đời nào tôi chơi với những tên vô lại như hắn!
Một người đàn ông bụng phệ tham gia vào câu chuyện.
- Đúng lắm, – ông này lên tiếng. – Tôi cũng biết hắn ta. Nhiều lần hắn thua bạc phải bán cả quần. Có lần tại câu lạc bộ của chúng tôi người ta nện cho hắn một trận thừa sống thiếu chết.
- Cái đó thì không có gì ngạc nhiên, – tay “đô vật” cười nhạt. – Nhưng vì chuyện gì?
- Hắn định giở trò sàm sỡ với một chị có chửa. Hay đại loại là như vậy.
- Chà, chà, chà! – Một người đàn ông tóc đen, da ngăm ngăm, thốt lên, giọng nghiêm trọng, thậm chí nét mặt còn tỏ giận dữ.
- Phải, không thể nào mà không đánh hắn được các vị ạ. Cứ ngay như tôi đây, một con kiến không dám giết, thế mà đã ba lần tôi cũng phải nện hắn. Hắn mắc cái tật rất bệnh hoạn là đi nhìn trộm các đôi trai gái yêu nhau. Các vị có biết không, người ta gọi loại người như hắn là những người thích làm bác sĩ X quang”. Ban đêm bọn người này thường trèo lên cây, lên các cột điện, hàng rào và ngó vào phòng ngủ của chúng ta. Một thứ bệnh đê tiện, thưa các vị. Cầu thánh Ala cho chúng ta tránh xa được hắn! Có một lần nào đêm trăng sáng tôi đang cởi quần áo trong phòng ngủ, vô tình nhìn ra cửa sổ thì thấy trên cây một bóng người. Tôi chạy ra vườn và kéo tên đốn mạt xuống đất. Chính là hắn! Tôi bảo hắn, mày hãy liệu hồn đấy! Rồi tôi cầm gậy đập cho hắn một trận. Hắn cứ quỳ móp dưới chân tôi van xin: “Người anh em tha cho tôi! Tôi thề không bao giờ nhìn trộm nữa!” Tời thương hại, tha cho hắn đi. Nhưng rồi các vị có biết không?… Đến tối hôm sau hắn lại trèo lên cây cạnh cửa sổ nhà tôi.
Một ông già khọm có cái cằm run run thều thào hỏi”
- Thế hai vợ chồng ông ở nhà à?
Ông tóc đen, người gọi tôi là “người thích làm bác sĩ X quang” im lặng một lúc rồi đáp:
- Không, tôi chỉ có một mình. Rõ ràng cái tên đê tiện này đã rình mò khắp thành phố nhưng không tìm được đối tượng nào là phụ nữ để nhìn trộm nên đành phải chọn tôi. Tối hôm trước hai vợ chồng con gái tôi đã về Canhit để thăm bố mẹ chồng.
Tôi chỉ muốn nhổ vào mặt bọn họ và hét lên:
“Đồ đểu cáng! Khốn nạn! Đồ bịa đặt vô liêm sỉ!” Nhưng sự việc chưa phải kết thúc ở đây. Chắc chắn thế nào tôi cũng sẽ phải chửi nhau với họ, và khi đó hoặc tôi sẽ phải giết một người nào đó, hoặc bọn họ sẽ bóp cổ tôi.
Mà nào tôi có quen biết ai trong số họ cho cam! Lần đầu tiên tôi nhìn thấy họ! Làm sao họ có thể bịa chuyện trắng trợn như thế được cơ chứ!
Một hành khách có khuôn mặt trẻ măng nói:
- Nhưng ông ấy viết hay!
- Vớ vẩn, – ông đội mũ be-rê ngắt lời cậu ta. – Cái chính là phải có đạo đức. Con người trước hết cần phải đứng đắn.
Một ông già tóc bạc trắng gầy như cây sậy lắc đầu vẻ đau xót.
- Than ôi, than ôi! Tôi chính là người đã làm hắn trở thành nhà văn và chính vì thế đã mang lại tai hoạ cho dân tộc chúng ta. Tôi là người đầu tiên đặt cây bút vào tay hắn.
- Sao, cụ cũng biết hắn à? – Tay “đô vật” hỏi.
Ông già cười chua xót.
- Tôi biết hắn ta ấy à? Nói thế chưa đủ. Tôi đã nói với các vị rằng chính tôi là người làm cho hắn trở thành nhà văn. Hồi đó tôi là một tờ báo ở Bilegik. Một hôm có một người trẻ tuổi ăn mặc tồi tàn đến toà soạn xin việc. Tôi thương hại anh ta. Chắc là quỷ sa tăng đã làm tôi mờ mắt. Tôi quyết định làm cho chàng thanh niên bất tài này thành nhà báo. Để cho anh ta, tôi nghĩ, kiếm được miếng bánh mì và sẽ biết ơn tôi. Trời ơi, sao tôi lại đi mở lòng hào hiệp với hắn làm gì!
Tay “đô vật” vỗ tay vào đùi đánh “đét” một cái.
- Thôi, tất nhiên rồi. Bây giờ thì tôi hiểu hết rồi. Nghĩa là hắn đã làm cho báo của ông ở Bilegik trước khi lại quay lại chỗ tôi.
Tôi không còn đủ sức nghe những lời nói láo của bọn họ nữa. Phải chạy ngay khỏi đây! Chạy hoặc nhổ vào mặt bọn họ? Dù sao tốt nhất tôi nên bỏ đi. Mặc cho chúng vắng mặt tôi muốn nói gì thì nói. Quân ngu dốt! Tôi vài lần có việc đi tàu hoả ngang qua Bilegik, nhưng chưa bao giờ ở đấy cả. Lão già này nói về tờ báo nào vậy?
Tôi đứng dạy khỏi ghế. Ngay lập tức có người ngồi vào ghế tôi. Nhưng tôi không sao đi nổi một bước. Đầu quay cuồng, chân như muốn khuỵu xuống vì mỏi. Đám đông ép chặt tôi từ bốn phía, không sao nhúc nhích được.
Vậy là tôi lại phải đứng lại giữa đám “những người quen của tôi”.
Tay “đô vật” kể, một đêm tôi bị bắt ở một nhà chứa và sau đó trốn khỏi đồn cảnh sát, người trần như nhộng. Có người nào đó ngắt lời gã và bắt đầu tỏ ta ý phẫn nộ vì nghe đâu như tôi viết những tiểu thuyết khiêu dâm, bí mật đem truyền bá làm hư hỏng thanh niên ta. Theo lời ông này thì ông ta đã nhiều lần khuyên tôi phải chấm dứt những việc làm bẩn thỉu, sau đó, thấy tôi không chịu ăn năn hối cải, đã đuổi tôi ra khỏi nhà mình và từ đó không thèm nói chuyện với tôi nữa. Ông ta kết thúc câu chuyện hoang tưởng của mình như thế này:
- Nhưng thế chưa hết! Chính phủ nhiều lần hối lộ hắn, và kẻ lá mặt lá trái đã dùng bài báo của mình bôi nhọ các đảng đối lập.
Vài người đồng thanh kêu lên:
- Đến thế sao?
- Ô-ô-ô… Tôi xin nhắc lại, là nhiều lần!…
“Họ nói gì vậy? – tôi kinh hoàng nghĩ. – Hay có thể tôi bị chứng bệnh phân thân, con người chia thành hai con người, và tôi đã làm những hành động mà chính tôi không biết?”
Tôi ngạc nhiên nghe những câu chuyện kì lạ về bản thân tôi, về những hành vi và việc làm ghê tởm của tôi. Tôi nhận ra tôi là kẻ mang trong người đủ mọi thói hư, tật xấu.
Hoá ra, những con người này biết về tôi rất rõ. Họ đã giúp đỡ tôi, muốn đưa tôi trở lại con đường lương thiện, nhưng tôi không thể trở thành người tốt được thành thử cuối cùng mọi người buộc phải xua đuổi tôi bằng cách hoặc đá vào mông tôi, không thì nói thẳng vào mặt tôi: “Cút ngay đi, đồ con lợn!”
“Hay có thể họ nói về người khác?” – Một ý nghĩ cứu tinh chợt loé lên trong đầu tôi.
- Xin lỗi ông, – tôi hỏi cái ông khách vừa kể chuyện tôi tống tiền như thế nào. – Ông vừa nói về ai đấy ạ?
Ông ta chìa cho tôi xem tờ báo trong đó đăng truyện ngắn của tôi, và nói tên tôi.
- Chúng tôi công phẫn về cái thằng cha bịp bợm này. Ông cũng biết hắn à?
Tôi biết.
- Các ngài nghe thấy chưa? Ông đây cũng biết hắn ta đây này!
Tất cả quay lại nhìn tôi. Có người hỏi:
- Thế theo ông, hắn là người như thế nào?
- À phải, một tay không lấy gì làm tốt lắm.
Tôi lại cố tìm cách thoát khỏi cái đám người nói láo này, nhưng vô hiệu. Bỗng tôi nhìn thấy Mêtin đang đứng ở đằng xa. Và anh ta cũng nhận ra tôi, anh gọi to:
- Ây, Azit! Azit!
Có nên thưa không? Mọi người sẽ nhận ra ngay tôi là ai. Tôi sẽ đặt họ vào thế khó xử. Với lại, vấn đề không phải ở chỗ đó. Khi tự thú như vậy thì coi như tôi phải nuốt tất cả những lời lẽ thô bỉ, tục tằn của họ.
Tôi quyết định không thưa, kệ Mêtin gọi.
Còn anh thì vẫn cố hét thật to:
- Ây! Azit! Anh thấy thế nào rồi, đỡ hơn chưa, Azit?
Tôi không ngoái đầu lại. Khi nào tàu cặp bến và chỉ có hai chúng tôi với nhau tôi sẽ giải thích cho anh tất cả.
Mêtin rất cáu vì tôi không thưa, anh dùng khuỷu tay huých đám đông để cố len đến chỗ tôi:
- Anh điếc hay sao thế? Tôi gào suýt vỡ cả cổ họng!
- Ông cần gì? – Tôi lạnh lùng nhìn vào mắt anh.
- Thôi đừng vớ vẩn nữa, Azit? Anh đùa kiểu gì thế?
- Xin lỗi, ông nhầm rồi. Chắc ông nhầm tôi với người nào khác.
- Tỉnh lại đi, Azit. Chúng ta vừa xuống tàu cùng nhau mà!
- Tôi không biết ông.
Đám hành khách mấy phút trước đây vừa đơm đặt chuyện về tôi, nhìn chúng tôi với cặp mắt tò mò.
- Azit, thôi đừng đóng kịch nữa!
- Ông hỏi Azit nào? Xin ông để tôi yên.
- Thôi bỏ cái trò ngu ngốc ấy đi. Chúng ta vừa ban nãy cùng đi xem chiếu bóng. Anh còn bị ngất trong rạp, tôi phải gọi tăcxi.
- Ông nói lăng nhãng gì thế, tôi đâu quen biết ông!
- Đến phát điên lên được! Anh bạn thân mến của tôi, anh là bạn tôi mà. Anh viết truyện cho báo “Aksam”. Chả lẽ không đúng thế sao?
- Hồ đồ! Ông nhầm người rồi!
- Azit!
- Tôi xin ông tránh ra cho tôi đi.
- Azit, nghe đây…
Tôi quay lại phía những người cùng đi tàu.
- Xin lỗi các vị. Xin các vị làm ơn giải thích hộ với ông này là ông ấy nhầm. Vì tất cả các vị đều biết rõ tay nhà báo ấy. Chả lẽ là tôi?
Ông tóc đen nước da ngăm ngăm, nét mặt cau eo nhún vai. Tay “đô vật” phụ họa theo:
- Thật ngu ngốc! Tay kia cao lớn, tóc vàng…
Ông đeo kính đầu hói cười vang vẻ giễu cợt.
- Tất nhiên đó là sự nhầm lẫn, ông bạn ạ. Cái thằng cha bẩn thỉu kia đâu có quan hệ gì với ông! Không giống chút nào cả!
Rồi ông ta nhìn Mêtin với vẻ đắc thắng:
- Ông thấy đấy, ông nhận nhầm người rồi.
Mặt Mêtin đỏ ửng lên. Anh có vẻ sắp phát điên vì tức.
- Phù! Thật quái gở! – Anh văng tục một câu rồi bắt đầu lách đám đông đi ra cửa.
Cuối cùng tàu cập bến Kađưkiô.
Khi chúng tôi rời tàu lên bờ, tay “đô vật” đi sánh đôi với tôi kể chuyện rằng tôi, trong một chuyến đi châu Âu về, đã mang hàng lậu – quần áo lót phụ nữ bằng ni lông – và đã bị bắt quả tang ra sao, rồi sau đó hắn đã cứu tôi ra khỏi tù như thế nào. Ngoài ra, tôi còn biết thêm, tôi là kẻ nát rượu và hay gây gổ, và không bao giờ có ai nhìn thấy tôi tỉnh cả.
Bước chân lên bến, tôi nhổ toèn toẹt vào cái thanh vịn bằng gỗ sạch bóng của bến tàu. Mặc cho cảnh sát nhìn thấy, mặc cho họ phạt! Mặc hết! Tôi cóc cần gì hết! Tôi lại nhổ một cái nữa.
Từ đó Mêtin không thèm nói chuyện với tôi nữa. Tôi cũng không đủ can đảm giải thích mọi chuyện cho anh hiểu.