Ông Lăngtanh gặp cô ta trong một tối vui tại nhà viên phó chủ sự, liền mê tít cô ta như cá mắc lưới.
Cô ta là con gái một người thu thuế tỉnh lẻ đã qua đời nhiều năm nay. Sau đấy cô ta dọn đến ở Pari với mẹ, nơi đây, bà mẹ thường đi lại với vài gia đình trưởng giả trong khu phố mong gả được chồng cho con. Hai người sống đạm bạc và đứng đắn, yên tĩnh và hiền hậu. Cô gái có vẻ là mẫu mực toàn vẹn về một người đàn bà đức hạnh mà người thanh niên khôn ngoan nào cũng mơ ước gởi gấm đời mình. Sắc đẹp kín đáo của cô có một vẻ duyên dáng e lệ của tiên nữ và nụ cười luôn luôn thoáng nở trên môi như phản chiếu nỗi lòng cô vậy.
Ai cũng hết lời khen ngợi cô. Những người quen biết cô đều nhắc đi nhắc lại không chán: "Sung sướng thay người nào lấy được cô. Chẳng thể tìm đâu được người hơn".
Ông Lăngtanh lúc đó làm tham biện ở Bộ Nội vụ, lương hằng năm là ba ngàn năm trăm quan, hỏi cô và lấy cô.
Ông sống với cô hết sức hạnh phúc. Cô trông nom nhà cửa, tằn tiện khéo léo đến mức tưởng như hai người sống trong cảnh xa hoa. Đối với chồng, cô hết mực chăm sóc, chiều chuộng, âu yếm và nhan sắc, tính nết cô có sức quyến rũ mạnh mẽ đến mức sáu năm sau, ông Lăngtanh còn yêu cô hơn cả những ngày đầu.
Ông chỉ trách cô về hai sở thích: đi xem hát và chơi đồ nữ trang giả.
Các bạn cô (cô có quen biết vợ vài công chức nhỏ) luôn luôn kiếm cho cô vé đi xem những vở kịch đang được hoan nghênh, ngay cả những buổi công diễn đầu tiên ; và dù ông ta không muốn, cô cứ kéo chồng cô đi dự những buổi giải trí đó làm ông vô cùng mệt mỏi sau một ngày làm việc. Thế là ông ta van vỉ cô đi xem hát với một bà bạn quen thuộc nào đó, bà này sẽ đưa cô về sau buổi biểu diễn. Mãi mãi cô mới đồng ý, cho làm như thế là không nên. Nhưng về sau cô cũng chiều chồng và ông lấy làm ơn vợ.
Nhưng chẳng bao lâu cái thú đi xem hát ấy khiến cô thấy cần thiết phải trang điểm. Cách ăn mặc của cô vẫn giản dị, quả có thế, vẫn trang nhã nhưng nhũn nhặn, và vẻ kiều diễm dịu dàng, vẻ kiều diễm làm ai cũng phải say đắm, vẻ kiều diễm khiêm nhường và tươi tắn, hình như nhờ cách ăn mặc giản dị mà lại có một ý vị mới. Nhưng từ đó cô có thói quen đeo hoa tai mặt đá vùng sông Ranh giả kim cương và những chuỗi hạt ngọc trai giả, những lược điểm hạt pha lê đủ hình, đủ kiểu giả ngọc quý.
Chồng cô hơi khó chịu về cái chuyện say mê những đồ hào nhoáng đó, thường nói: "Em ạ, khi ta không có khả năng mua những đồ tư trang thật sự, ta chỉ có thể trang điểm bằng sắc đẹp và vẻ duyên dáng của ta, đó mới là những đồ châu báu quý giá nhất".
Nhưng cô dịu dàng mỉm cười và trả lời: "Làm thế nào được hở anh? Em thích thế. Đó là tật xấu của em. Em biết rõ anh nói có lý nhưng em không sửa được. Em thì em mê đồ trang sức quá thể!".
Và cô lăn trong tay những chuỗi hạt ngọc, soi những mặt đá có cạnh lóng lánh vừa nhắc đi nhắc lại: "Nhưng mà anh thử xem họ làm mới khéo chứ! Trông cứ như đồ thật ấy!".
Chồng cô mỉm cười trả lời: "Em có những sở thích của người Bôhêmiêng".
Đôi khi, tối đến, khi hai người cùng ngồi bên lò sưởi, cô đem đặt lên bàn uống trà chiếc hộp da dê thuộc đựng những thứ "vớ vẩn" đó - theo cách gọi của ông Lăngtanh ; rồi cô chăm chú say mê ngắm nghía những đồ trang sức giả ấy như thưởng thức một lạc thú thầm kín và sâu sắc nào đó và cô cứ cố đeo vào cổ chồng cho được một chuỗi hạt để rồi vừa cười vừa nói rất hồn nhiên: "Trông anh mới ngộ nghĩnh làm sao!". Sau đó cô ngã vào lòng chồng và hôn chồng tới tấp.
Một đêm đông, sau một buổi đi xem ở rạp ca kịch, cô trở về nhà rét run cầm cập. Sáng trở dậy, cô ho và tám ngày sau, cô chết vì xung huyết phổi.
Ông Lăngtanh suýt chết theo. Ông đau khổ vô cùng, đến nỗi một tháng sau tóc ông bạc trắng. Ông khóc từ sáng đến tối, lòng đau như xé vì một nỗi đau vô hạn, luôn luôn bị ám ảnh vì kỷ niệm, vì nụ cười, vì tiếng nói, vì tất cả sự duyên dáng của người vợ đã qua đời.
Thời gian cũng chẳng làm nguôi được nỗi đau đớn của ông. Nhiều lần, trong giờ làm việc, khi các bạn đồng nghiệp bàn tán về thời cuộc, bỗng nhiên người ta thấy ông phồng má lên, mũi ông nhăn lại, mắt ông giàn giụa, mặt ông dúm dó và ông khóc nức nở.
Ông giữ nguyên vẹn căn phòng của vợ và hằng ngày ông ngồi trong đó đóng cửa lại để tưởng nhớ đến cô ; tất cả đồ đạc và ngay cả áo quần của cô vẫn cứ nằm nguyên chỗ như ngày cô mới chết.
Nhưng cuộc sống của ông trở nên khó khăn. Lương bổng ông xưa kia ở trong tay người vợ, đáp ứng được mọi sự chi tiêu trong gia đình thì nay chỉ còn một mình ông lại trở nên thiếu thốn. Và ông kinh ngạc tự hỏi không hiểu cô đã thu vén thế nào mà ông vẫn luôn luôn có rượu tốt, có thức ăn ngon, mà bây giờ ông không thể mua nổi nữa với đồng lương ít ỏi.
Ông mắc nợ và tìm cách xoay sở tiền như những kẻ gặp vận bỉ. Rồi một buổi sáng, còn cả một tuần mới đến cuối tháng, ông không còn một đồng dính túi, ông thấy phải bán đi một vật gì đó ; ông liền nghĩ ngay đến việc đẩy cái món "vớ vẩn" của vợ đi vì trong thâm tâm ông vẫn giữ một thứ ác cảm đối với những cái của giả ấy đã làm ông xưa kia bực bội. Hằng ngày chỉ nhìn thấy những vật đó cũng làm tổn thương đến tình cảm của ông đối với người vợ yêu quý.
Ông tìm mãi trong cái mớ hào quang giả của vợ để lại - vì đến tận những ngày cuối cùng trước khi qua đời, tối nào cô cũng cố mua bằng được một đồ nữ trang mới - và ông quyết định chọn chuỗi hạt lớn hình như xưa kia vợ ưa thích hơn cả, chuỗi hạt ấy có thể đáng giá - theo ông nghĩ - sáu hay tám quan vì chuỗi hạt này quả thật làm rất công phu đối với một đồ nữ trang giả.
Ông bỏ chuỗi hạt vào túi và đi về phía cơ quan Bộ, theo các đại lộ, tìm kiếm một cửa hiệu kim hoàn đáng tin cậy.
Cuối cùng, ông tìm được một hiệu và bước vào, hơi hổ thẹn phải phô bày cảnh túng thiếu của mình, đi bán một vật đáng giá chẳng là bao.
- Thưa ông, - ông nói với chủ hiệu - tôi muốn biết vật này đáng giá bao nhiêu.
Chủ hiệu kim hoàn cầm lấy chuỗi hạt, ngắm nghía, lật đi lật lại, nhắc lên xem nặng nhẹ, lấy kính lúp soi, gọi người làm công, thầm thì nhận xét rồi đặt chiếc vòng lên quầy hàng và đứng ra xa nhìn để nhận định giá trị cho rõ hơn.
Ông Lăngtanh ngượng nghịu vì tất cả những kiểu cách ấy, sắp sửa buột miệng nói: " ồ! Tôi biết là vật đó chẳng có giá trị gì!" thì người chủ kim hoàn nói:
- Thưa ông, chuỗi hạt này giá đáng từ mười hai đến mười lăm ngàn quan, nhưng tôi chỉ có thể mua được với điều kiện là ông cho biết rõ nguồn gốc chuỗi hạt.
Người đàn ông góa vợ tròn xoe mắt và há hốc miệng ra nhìn ; chẳng hiểu gì cả, cuối cùng lắp bắp nói:
- Ông bảo thế nào?... Ông có chắc không?
Người chủ hiệu hiểu lầm về sự kinh ngạc của ông và trả lời xẵng:
- Ông có thể đi nới khác nếu được giá hời hơn. Đối với tôi, chuỗi hạt đó đáng giá cùng lắm là mười lăm ngàn. Nếu ông không tìm đâu được giá cao hơn thì mời ông trở lại đây.
Ông Lăgntanh ngây người ra, lấy lại chuỗi hạt và bỏ đi, mơ hồ cảm thấy cần phải suy nghĩ một mình.
Nhưng ra đến ngoài phố, bỗng nhiên ông muốn phá lên cười và nghĩ thầm: "Thằng ngốc! ồ, thằng ngốc! Giá mà ta cứ nhận ngay xem sao! Thật là chủ hiệu kim hoàn mà không biết phân biệt thật giả".
Và ông lại vào một cửa hiệu khác, ở đầu phố Hòa Bình. Người chủ vừa thấy chuỗi hạt đã thốt lên:
- A! Đúng rồi, tôi biết chuỗi hạt này lắm, ở cửa hàng tôi bán ra đây mà!
Ông Lăng tanh vô cùng bối rối, hỏi:
- Chuỗi hạt này đáng giá bao nhiêu?
- Thưa ông, tôi đã bán ra hai mươi lăm ngàn. Tôi sẵn sàng mua lại với giá mười tám ngàn khi nào ông có thể cho tôi rõ, theo luật pháp hiện hành, làm sao ông có được chuỗi hạt này.
Lần này thì ông Lăngtanh ngồi phịch xuống, bủn rủn cả chân tay vì kinh ngạc. Ông nói tiếp:
- Nhưng... nhưng ông hãy xem kỹ đi đã, ông ạ, cho đến nay tôi vẫn tưởng là... đồ giả.
Người chủ hiệu lại nói:
- Ông có thể cho biết quý danh?
- Được lắm. Tên tôi là Lăngtanh, công chức Bộ Nội vụ, tôi ở nhà số 16, phố Macchia.
Người chủ hiệu mở sổ, tra cứu và nói:
- Chuỗi hạt này quả thực đã gởi tới địa chỉ bà Lăngtanh, 16, phố Macchia, ngày 20 tháng 7 năm 1876.
Và hai người nhìn nhau, người công chức ngây ra vì kinh ngạc. Người chủ hiệu đánh hơi thấy một tên kẻ cắp.
Người chủ hiệu nói:
- Ông có thể để lại đây cho tôi chuỗi hạt này trong hai mươi bốn giờ được không, tôi xin đưa ông giấy biên nhận.
Ông Lăngtanh ấp úng:
- Được chứ, tất nhiên. - Và ông vừa bước ra vừa gập tờ giấy biên nhận rồi bỏ vào túi.
Ông đi ngang qua đường, đi ngược lên, nhận thấy mình lầm, lại đi quay lại phố Tuylơri, qua sông Xen. lại thấy mình lầm, lại trở về đường Săng Êlidê, chẳng có ý nghĩ gì rõ rệt trong đầu. Ông cố suy luận, tìm hiểu. Vợ ông không có thể mua nổi một vật giá trị đến thế. - Không, chắc chắn thế. - Nếu thế thì là một tặng phẩm! Một tặng phẩm! Một tặng phẩm của ai? Tại sao?
Ông dừng lại, và ông đứng sừng sững giữa đường cái. Một sự ngờ vực ghê rợn lướt qua đầu ông. - Nàng ư? - Thế thì tất cả các đồ nữ trang khác cũng đều là tặng phẩm. Ông thấy hình như quả đất chuyển động: cây trước mắt ông đổ sụp xuống. Ông dang tay, ngã vật ra bất tỉnh.
Ông tỉnh dậy trong cửa hiệu dược phẩm, những người khách qua đường đã đưa ông vào đấy. Ông nhờ người dẫn về nhà và ở lì trong nhà.
Ông khóc sướt mướt cho đến đêm, mồm cắn chiếc khăn tay để khỏi kêu lên. Rồi ông đi nằm, người mỏi mệt và phiền muộn ; và ông ngủ, một giấc ngủ nặng nề.
Một tia nắng đánh thức ông dậy và ông chậm rãi đi đến cơ quan làm việc. Thật khó mà làm việc nổi sau những cơn kích động như thế. Ông nghĩ là ông có thể xin cấp trên cho nghỉ và ông liền viết đơn. Rồi ông nghĩ có lẽ phải trở lại cửa hiệu kim hoàn ; ông xấu hổ đỏ cả mặt. Ông suy nghĩ mãi. Nhưng ông cũng không thể để chuỗi hạt ở cửa hiệu kim hoàn được, ông liền mặc áo vào và bước ra phố.
Ngày hôm đó đẹp trời, trên thành phố tươi vui là một dải trời xanh biếc. Người đi đường qua lại, tay đút túi.
Nhìn họ đi qua mặt, ông Lăng tanh nghĩ bụng: "... Những người có của thật sung sướng. Có tiền thì phiền muộn cũng có thể xua đi được, muốn đi đâu thì đi, đi du lịch, đi giải trí! Trời! Giá mà ta có nhiều tiền!".
Ông thấy đói bụng, ông không ăn uống gì từ hôm kia. Nhưng túi ông lại rỗng không và ông lại nhớ tới chuỗi hạt. Mười tám ngàn quan! Một món tiền lớn đấy chứ!
Ông bước về phố Hòa Bình và đi đi lại lại trên hè, ngay trước cửa hiệu kim hoàn. Mười tám ngàn quan! Hai mươi lần ông định bước vào, nhưng ông xấu hổ cứ chùn lại.
Nhưng ông đói bụng, đói lắm mà một xu chẳng có. Bỗng ông quyết định, vừa đi vừa chạy ngang qua đường để khỏi có thời gian suy nghĩ, ông lao vào cửa hiệu kim hoàn.
Vừa trông thấy ông, người chủ hiệu rối rít kéo ghế mời ông ngồi, miệng tươi cười lễ phép. Ngay cả những người làm công cũng chạy tới. liếc nhìn ông Lăngtanh, mặt mũi hân hoan.
Người chủ hiệu kim hoàn nói:
- Tôi đã điều tra rồi, và nếu ông không thay đổi ý kiến, tôi sẵn sàng gởi ông số tiền tôi đã đề nghị.
Người công chức trả lời:
- Lẽ dĩ nhiên là thế.
Người chủ hiệu kim hoàn rút trong ngăn kéo ra mười tám tờ giấy lớn, đếm xong đưa ra cho ông Lăngtanh. Lăngtanh ký vào tờ giấy biên nhận và tay run run bỏ số tiền vào túi.
Ông sắp bước ra khỏi cửa thì quay lại về phía người chủ kim hoàn đang vẫn tươi cười, và mắt nhìn xuống hỏi:
- Tôi... tôi còn những đồ nữ trang khác... của... cũng của chính người ấy để lại. Ông có mua không?
Người chủ hiệu nghiêng người trả lời:
- Thưa ông vâng, tất nhiên được thôi.
Một người làm công chạy ra ngoài để cười cho thỏa, một người khác hỉ mũi thật mạnh.
Ông Lăngtanh không nao núng, đỏ mặt tía tai và nghiêm trang lên tiếng:
- Tôi sẽ đem lại cho ông.
Và ông gọi xe ngựa lên đường về lấy đồ nữ trang.
Một giờ sau, ông trở lại cửa hiệu, ông vẫn chưa ăn trưa. Hai người xem xét cân nhắc hết thứ này đến thứ khác, đánh giá từng chiếc một. Phần lớn đều ở cửa hàng này bán ra.
Giờ đây, ông Lăngtanh tranh cãi về giá cả, phát khùng, đòi hỏi đem sổ sách, số tiền càng cao thì tiếng nói càng lớn.
Đôi hoa tai đáng giá hai mươi ngàn quan ; vòng đeo tay ba mươi lăm ngàn ; cài tóc, nhẫn và khung đeo ảnh nhỏ mười sáu ngàn ; bộ ngọc bích và ngọc đỏ mười bốn ngàn. Tổng số là một trăm chín mươi sáu ngàn quan.
Người chủ hiệu nói, vẻ ân hận lẫn chút giễu cợt:
- Của cải của một người dành dụm tất cả vào đồ nữ trang.
Lăngtanh nghiêm trang trả lời:
- Đó cũng là một cách để dành tiền. - Và ông bước ra sau khi đã quyết định cùng người chủ hiệu là ngày hôm sau sẽ có một cuộc tái giám định.
Ra đến ngoài phố, ông nhìn cột Văngđôm những muốn leo lên như leo cột mỡ. Ông cảm thấy người nhẹ nhõm muốn chơi trò nhảy qua tượng Hoàng đế đứng cheo leo trên đỉnh cột giữa bầu trời.
Ông đến ăn trưa ở hiệu Voađanh và uống rượu loại hai mươi quan một chai.
Rồi ông lên xe ngựa dạo một vòng qua Rừng Bulônhơ, ngồi nhìn các xe cộ, vẻ khinh miệt ấm ức muốn thét vào tai những người qua đường "Ta đây cũng giàu có. Ta có hai trăm ngàn quan".
Bỗng ông nghĩ đến cơ quan làm việc. Ông cho xe ngựa đánh tới đó, quả quyết vào gặp cấp trên để báo:
- Thưa ông, tôi đến xin từ chức. Tôi vừa được thừa kế một khoản ba trăm ngàn quan.
Ông đến bắt tay các bạn đồng nghiệp cũ, tâm sự với họ về dự kiến sống sau này, rồi đến ăn chiều ở quán cà phê Ănglê.
Ngồi bên một vị có vẻ lịch sự, ông không thể cưỡng lại được cái miệng cứ ngứa ngáy muốn bày tỏ với ông ta, với một dáng điệu kiểu cách, là ông vừa thừa kế bốn trăm ngàn quan.
Lần đầu tiên trong đời, ông xem hát không thấy chán và đêm đó, ông chui vào nhà gái điếm.
Sáu tháng sau, ông tái giá. Người vợ thứ hai là một người đàn bà rất ngay thật nhưng khó tính. Người đó làm ông đau khổ nhiều.