Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 3

Chương 3
Quí vị sẽ làm gì với bọn tu hành khất thực như chúng tôi?

“Thưa đức ông,” tôi nói, “tôi cho rằng lấy mạng sống của một người chỉ vì người đó lấy trộm tiền là không công bằng. Theo tôi, không có một tài sản nào có thể quí giá bằng mạng người. Nếu biện hộ rằng hình phạt ấy không phải vì tội trộm tiền, mà vì tội vi phạm pháp luật, thì chẳng phải chính quan điểm luật pháp tuyệt đối ấy cũng là tuyệt đối phi pháp hay sao? Không ai có thể chấp nhận một chế độ độc tài đến mức chỉ một bất tuân nhỏ nhặt cũng bị trừng phạt bằng cái chết, hoặc một bộ luật dựa trên nghịch lý của triết học khắc kỷ rằng mọi vi phạm đều như nhau - nghĩa là không có gì khác về mặt luật pháp giữa tội trộm cắp và tội giết người, mặc dù hai tội đó thực sự hoàn toàn khác nhau.”

“Thượng đế đã dạy ‘Không được giết người’ - chẳng lẽ việc lấy trộm một số tiền cũng đủ khiến cho chúng ta làm việc đó? Nếu lại nói rằng Thượng đế chỉ cấm giết người phi pháp, nghĩa là ta có thể giết nhau một cách hợp pháp, thì nhân loại nhất định sẽ thông đồng với nhau để hợp pháp hóa cả những tội hãm hiếp, dâm loạn, hoặc man trá vậy. Nếu biết rằng Thượng đế đã cấm cả hành động tự tử, liệu ta có thực sự tin rằng con người có quyền tự thu xếp để điều khiển việc giết lẫn nhau và dám miễn tội cho cả những tay đao phủ khỏi bị ràng buộc bởi lời răn thứ Sáu14 của Thượng đế? Chẳng phải như vậy cũng có nghĩa là lời dạy của Thượng đế chỉ có giá trị khi được luật pháp của con người cho phép hay sao? Mà nếu thế thì nguyên tắc này sẽ được phát triển đến vô hạn, cho tới khi trong mọi phương diện của cuộc sống con người đều tự quyết định sẽ nên tuân thủ những lời dạy của Thượng đế đến mức độ nào thì có lợi cho mình hơn cả.

“Theo luật pháp của Moses, vốn đã rất khắc nghiệt về đủ mọi mặt vì nó được xây dựng để cai trị nô lệ và những kẻ làm loạn thời bấy giờ, bọn trộm cắp không bị xử giảo, mà chỉ bị phạt mà thôi. Chúng ta khó lòng tự cho mình được phép khắc nghiệt hơn tiền nhân, và hơn nữa luật pháp muôn đời vẫn phải biểu hiện lòng nhân từ của Đức Chúa Cha đối với con cháu của Ngài.”

“Đó là những ý kiến phản biện của tôi dựa trên căn bản đạo đức. Còn trong thực tiễn, rõ ràng là việc trừng phạt tội trộm cắp và tội giết người hệt như nhau không những là thậm vô lý mà còn rất nguy hiểm cho xã hội. Nếu một tên trộm biết rằng bị buộc tội giết người thì cũng hệt như bị buộc tội trộm cắp, hắn sẽ tự nhiên muốn giết luôn nạn nhân. Có bị bắt thì tội hắn cũng vẫn thế, mà lại có khả năng thoát tội nhiều hơn vì nhân chứng đã bị thủ tiêu rồi. Cho nên càng muốn khủng bố bọn trộm cắp, chúng ta lại vô hình chung khích lệ bọn chúng giết người vô tội nhiều hơn.”

“Bây giờ đến câu hỏi hình phạt nào là tốt hơn? Nếu Đức ông hỏi tôi ‘Hình phạt nào sẽ là tồi tệ hơn’ thì mới khó, chứ trả lời câu hỏi này thì không khó. Về vấn đề này, tại sao chúng ta lại nghi ngại không áp dụng hệ thống mà những nhà cai trị La Mã đại tài đã thi hành rất hữu hiệu trong một giai đoạn lịch sử lâu dài như thế? Chúng ta đều biết rằng họ kết án những người phạm trọng tội phải chung thân làm việc trong những mỏ khoáng chất hoặc mỏ đá.”

“Tuy nhiên, cách hay nhất mà tôi từng biết khi chu du qua đất Persia là cách làm ở một xứ sở có tên gọi là Tallstoria15. Người Tallstoria sống tụ hội với nhau thành một cộng đồng lớn rất có tổ chức và hoàn toàn tự trị. Họ chỉ phải triều cống cho quốc vương Persia. Vì ở xa biển và hoàn toàn bị núi non bao bọc, họ chỉ sống bằng sản phẩm từ mảnh đất rất phì nhiêu của chính mình và rất ít quan hệ với người ngoại quốc. Họ không bao giờ có ý muốn bành trướng lãnh thổ, vốn đã được an toàn nhờ núi non hiểm trở bao quanh và quan hệ triều cống với quốc vương Persia. Điều đó có nghĩa là họ không cần đến quân đội, và có thể sống sung túc mà không cần phải xa hoa, hạnh phúc mà không cần đến danh tiếng hoặc vinh quang. Tôi tin rằng ngoài một vài láng giềng ở ngay kề, thiên hạ chẳng ai biết đến họ hết.”

“Vậy là ở Tallstoria, kẻ phạm tội trộm cắp sẽ phải trả lại hết những gì mà họ đã lấy của thân chủ, chứ không phải nộp cho nhà vua như ở hầu hết các nước khác. Ở Tallstoria, nhà vua và tên trộm đều chẳng có quyền gì đối với tài sản của mọi người. Nếu những món đồ ăn trộm đã bị tiêu tán, tên trộm sẽ phải đền bù bằng tài sản của chính mình cho đủ giá trị tương đương. Phần tài sản còn lại của hắn sẽ được giao cho vợ con hắn. Còn bản thân hắn thì bị kết án khổ sai. Nếu không trộm cướp bằng võ lực, hắn sẽ không bị ngồi tù hoặc đeo gông, mà được hoàn toàn tự do và phải làm việc công ích. Nếu hắn vứt bỏ dụng cụ hoặc chậm chạp trong công việc, họ sẽ không làm cho hắn chậm chạp hơn bằng cách bắt hắn đeo xiềng, mà dùng roi quất cho hắn phải nhanh nhẹn hơn. Nếu làm việc chăm chỉ, hắn sẽ không bị đối xử tàn tệ. Hắn vẫn phải điểm danh hàng sáng, phải nhốt qua đêm và phải làm việc nhiều hàng ngày, nhưng ngoài ra hắn hoàn toàn được sinh hoạt bình thường như những người khác.”

“Chẳng hạn, vấn đề thức ăn được thu xếp rất hợp lí, do công quỹ chi trả, vì tội đồ đều làm việc công ích cả. Thủ tục gây quĩ để nuôi tội đồ thì mỗi nơi mỗi khác. Có nơi thì dân chúng tự nguyện đóng góp. Nghe thì khó tin nhưng thực tế là dân chúng ở những nơi ấy rất phúc hậu và tiền góp cho công quĩ của họ là hơn các nơi khác rất nhiều. Có nhiều nơi lại có ngân sách riêng hoặc đặt ra một khoản thuế riêng để làm việc này. Lại có những nơi tội đồ không phải làm việc công ích mà được điều đi làm thuê cho các cơ sở tư nhân. Ai cần người làm chỉ việc ra chợ lựa chọn và có quyền trả công thấp hơn là thuê nhân công tự do. Chủ thuê cũng có quyền roi vọt tội đồ nếu họ không chịu làm việc chăm chỉ. Chế độ này đảm bảo tội đồ nào cũng có việc làm để tự nuôi lấy miệng mình và đóng góp cho công quỹ hàng ngày.” 

“Tất cả họ phải mặc đồng phục có màu đặc biệt mà không có ai khác được mặc. Họ không bị cạo trọc đầu, nhưng tóc phải cắt ngắn trên tai, và một bên tai thì bị xẻo đi một mẩu nhỏ. Bạn bè được phép cho họ đồ ăn thức uống và cả quần áo bình thường, nhưng nếu cho họ tiền thì thành trọng tội, và họ nhận tiền cũng là trọng tội. Cũng như vậy, người tự do không được nhận tiền của nô lệ - tội đồ thường được gọi là nô lệ - dưới bất kì lí do gì; và nô lệ không được động chạm đến bất kì một thứ võ khí gì.”

“Nô lệ nào cũng phải đeo phù hiệu để mọi người đều biết anh ta là người thuộc quận nào, và anh ta sẽ bị khép trọng tội nếu không đeo phù hiệu, dám đi sang quận khác, hoặc dám nói chuyện với một nô lệ thuộc quận khác. Chạy trốn thì ngay âm mưu cũng đã khó chứ đừng nói đến chuyện thực hiện. Hình phạt dành cho việc giúp nô lệ bỏ trốn là tử hình đối với nô lệ và nô lệ đối với người tự do - trong khi đó nếu tố giác được một âm mưu chạy trốn thì người tự do sẽ được thưởng tiền còn nô lệ thì sẽ được tự do. Người tố giác sẽ được miễn tội đồng mưu, trên nguyên tắc lời tố giác ấy đã kịp thời ngăn chặn được âm mưu chứ không phải tố giác một chuyện đã rồi.”

“Đó, chế độ ấy nó như vậy, và rõ ràng là một chế độ nhân đạo và tiện ích nhất. Nó thẳng tay với tội ác, nhưng cứu chuộc mạng sống của tội nhân, xử với họ theo một phương cách khiến họ buộc phải trở thành công dân tốt và dành cả quãng đời còn lại của mình để chuộc những lỗi lầm trong quá khứ.”

“Thực tế là nguy cơ để họ lại ngựa quen đường cũ ít đến mức người ta còn sử dụng họ làm hướng đạo cho du khách, những người sẽ thuê họ theo chặng, vào quận nào thì thuê nô lệ của quận ấy. Các ngài cũng thấy rằng nô lệ không có phương tiện gì để cướp bóc ai trên đường cả. Họ không được phép mang võ khí. Nếu họ bị phát hiện có tiền trong người, đó là đủ để bị khép trọng tội, và sẽ lập tức bị trừng trị. Nhất cử nhất động của họ đều khó lòng lọt khỏi mắt mọi người vì họ buộc phải mang đồng phục tội đồ, và cho dù họ có liều cải trang hoặc thậm chí khỏa thân đi nữa thì mẩu tai bị cắt xén của họ cũng sẽ tố giác họ ngay.”

“Tất nhiên, về lí thuyết người ta vẫn có thể ngại rằng họ có thể đồng mưu lật đổ chính phủ. Nhưng nô lệ bị quản thúc chặt trong từng quận làm sao có thể tổ chức một hành động lớn nếu không liên lạc và phát động nô lệ ở các quận khác? Mà việc đó thì hoàn toàn không thể được. Nô lệ bị cấm ngặt không được gặp gỡ và trò chuyện với nhau, thậm chí một câu chào cũng không được, nói gì đến việc gian nhân hiệp đảng với nhau. Hơn nữa, thử tưởng tượng xem liệu có ai muốn dung túng việc nô lệ của quận mình âm mưu với nhau một khi nguy hiểm thì tày trời mà nếu tố giác thì lợi lộc vô kể đến vậy? Mặt khác, nô lệ nào cũng có chút hy vọng được trả lại tự do nếu cứ chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh và chứng tỏ rằng mình đã hoàn toàn phục thiện. Và sự thực là năm nào cũng có một số nô lệ được phóng thích và trở lại thành người tự do vì đã cải tạo tốt.”

Sau đó tôi nói thêm rằng tôi chẳng thấy có lí do gì để nước Anh không thử áp dụng chế độ ấy. Nó sẽ có kết quả tốt hơn nhiều so với cái được gọi là ‘công lý’ mà vị luật sư nọ đã hết lời ca ngợi.

Đến đó thì anh bạn thông thái của chúng ta - nghĩa là vị luật sư - liền lắc đầu quầy quậy.

“Một chế độ như thế,” ông ta tuyên bố với một nụ cười khinh thị, “nếu đem áp dụng ở nước Anh nhất định sẽ gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng.”

Đó là tất cả những gì ông ta nói - thế mà tất cả mọi người ở đó đều đồng tình với ông ta.

Đến lượt Đức Hồng y lên tiếng.                        

“Ta thấy cũng khó nói chắc được,” ông nói, “là chế độ ấy có tác dụng hay không, nếu không thử nghiệm nó trong thực tế. Cứ giả dụ là đức Vua ra lệnh hoãn thi hành án tử hình trong thời gian thử nghiệm, sau khi đã cho bãi bỏ tất cả các quyền tị nạn. Nếu thấy có kết quả tốt, chúng ta sẽ phê chuẩn cách làm đó thành luật. Còn nếu không, ta lại cho thi hành các án cũ như không có việc gì đã xảy ra, vẫn đảm bảo công lí và công ích như ta vẫn đã tin tưởng, mà cũng chẳng sợ bị tai hại gì nghiêm trọng. Mà quả thực, ta thấy có khi cũng nên thử nghiệm việc này với cả đám vô gia cư. Chúng ta vẫn đặt ra luật này lệ kia với đám người này, mà cho đến nay vẫn chẳng thấy có chút tác dụng gì.”

Một câu nói ấy của đức Hồng y cũng đủ làm cho mọi người cuồng nhiệt tán tụng chính cái ý tưởng mà khi tôi nêu ra họ đã hoàn toàn phớt lờ không thèm để ý. Đặc biệt, họ rất tâm đắc với ý đồ muốn thử nghiệm với đám vô gia cư vì đó là một ý kiến đóng góp riêng của đức Hồng y.

Có lẽ tôi không cần phải thuật lại phần sau của cuộc trao đổi vì thực sự nó chẳng có gì hệ trọng. Nhưng tôi lại nghĩ không nên thế, vì nó hoàn toàn vô hại mà lại có một ý nghĩa liên đới nhất định với vấn đề đang được đề cập tới. Chả là, có một thực khách chuyên nghiệp16 trong số những người có mặt hôm đó và ông ta muốn giả bộ ngốc nghếch để làm trò nhưng thực tế lại nhập vai quá thuần thục. Ông ta luôn cố pha trò, nhưng chỉ khiến mọi người thấy buồn cười cho chính ông ta. Ấy thế nhưng đôi lúc ông ta cũng nảy được vài ý hay khiến ta phải nhớ đến câu tục ngữ ‘Có công mài sắt có ngày nên kim’. Vậy là, vừa lúc có người nhận xét rằng đức Hồng y và tôi đã cùng nhau giải quyết được vấn đề đối với bọn trộm cướp và đám vô gia cư, và nhà nước chỉ còn phải tìm cách giải quyết nốt vấn đề của đám già nua bệnh tật phải ăn xin để kiếm sống mà thôi, thì ông ta liền lên tiếng.

“Cứ để tôi lo việc đó,” ông ta nói. “Để tôi nói cho các ngài nghe cần phải làm gì. Quả thực, tôi rất nóng lòng muốn khuất mắt trông coi bọn người này. Tôi đã đến khổ vì những lời xin tiền như hát hay của họ - một lối hát chưa bao giờ nhử được một xu nào ra khỏi túi của tôi. Chẳng là thế này: hoặc là tôi chẳng muốn cho họ một tí gì, hoặc là muốn mà cũng chẳng có gì để mà cho. Đến nỗi giờ thì họ đã chẳng thèm mất công xin tôi nữa. Thấy tôi đi qua thì họ cứ để mặc cho tôi đi qua chứ không hé răng đến nửa lời. Họ biết rằng tôi cũng chỉ đáng như một thầy tu, cũng chỉ giúp họ được đến thế. Vậy thì, tôi xin đề nghị một đạo luật bắt buộc đưa tất tật đám ăn xin ấy vào các chủng viện dòng Benedictine, đàn ông sẽ thành các đồng đạo - nghĩa là thành thầy tu, còn đàn bà thì thành nữ tu ráo.”

Đức Hồng y mỉm cười, rồi bỡn cợt đồng tình. Và thế là tất cả mọi người khác cũng đồng tình theo, với vẻ hoàn toàn nghiêm chỉnh. Chỉ trừ một thầy tu có vẻ đã từng nghiên cứu thần học. Vẫn thường nghiêm cẩn như tất cả các vị tu sỹ có học, ấy thế mà khi thấy mọi người trêu chọc giới tu hành như thế, thầy tu này cũng bắt đầu muốn tỏ ra khôi hài.

“Á à, nhưng quí vị không thể thủ tiêu ăn mày dễ như thế được đâu,” ông ta nói. “Quí vị sẽ làm gì với bọn tu hành khất thực như chúng tôi?”

“Cái gì? Tôi tưởng việc đó đã giải quyết xong rồi chứ?” ông thực khách chuyên nghiệp đốp lại. “Quí vị không nhớ đức Hồng y đây của chúng ta đã có những qui định sáng láng về việc quản lí và sử dụng bọn lang thang vào những việc có ích hay sao?”

Mọi người đều liếc mắt về phía đức Hồng y, và khi thấy ngài không để lộ một dấu hiệu bất bình nào thì liền vỗ tay tán thưởng ầm ĩ - chỉ trừ ông thầy tu. Ông này, mà cũng chẳng có gì ngạc nhiên, mất hết bình tĩnh khi bị một gáo nước giễu cợt lạnh đến thế giội vào đầu, bỗng hung hăng hẳn lên, và réo chửi ông thực khách chuyên nghiệp kia bằng đủ mọi thứ tên thô tục nhất, kết thúc bằng những lời rủa sả khủng khiếp trích từ Kinh Thánh.

Đến lúc ấy thì anh hề thực khách kia lộ nguyên hình là một anh hề thực sự.

“Ông bạn tu sỹ thân mến,” hắn lên tiếng, “ông không nên nổi giận như thế. Chẳng phải Kinh Thánh có nói rằng ‘hãy gìn giữ linh hồn người trong nhẫn nại’ đó sao.”

“Hỡi tên khốn kiếp kia!” ông thầy tu hét lên - và đó chính là những lời mà ông ta đã dùng, “Ta không nổi giận đâu. Mà nếu có thế nữa thì ta hoàn toàn có quyền nổi giận, bởi Kinh Thánh cũng nói rằng ‘Hãy nổi giận, nhưng chớ phạm tội’, phải, đó chính là một câu trong sách Thi Thiên vậy!”

Đức Hồng y nhẹ nhàng khuyên ông thầy tu nên giữ bình tĩnh.

“Bình tĩnh ư thưa Đức ông?” ông ta đáp. “Tôi vẫn hoàn toàn bình tĩnh. Chỉ có lòng nhiệt tâm công chính của tôi đang bắt tôi phải nói lên những lời như vậy, một tấm lòng nhiệt tâm công chính đã từng làm nên các vị thánh vậy, thưa Đức ông. Cho nên sách Thi Thiên mới viết ‘Lửa nhiệt tâm của nhà ngươi đã thiêu đốt ta’, hoặc như lời của bài tụng mà chúng ta vẫn hát trước thánh đường rằng ‘Kẻ giễu cợt Elisha sẽ bị lời rủa xả nhiệt tâm của chính Elisha trừng trị’. Và tôi dám nói rằng tên ngốc bẩn thỉu miệng lưỡi độc ác kia cũng sẽ bị trừng trị như thế.”

“Ta tin rằng tình cảm của ngươi là hoàn toàn chính đáng,” đức Hồng y nói, “nhưng có lẽ hành vi của ngươi sẽ thánh thiện hơn, hoặc chắc hẳn là sẽ khôn ngoan hơn nhiều, nếu như ngươi biết kiềm chế và không biến mình thành một thằng ngốc vì đã tranh khôn tranh dại với một thằng ngốc.”

“Thưa Đức ông không phải thế,” ông thầy tu bẻ lại, “chẳng có khôn ngoan gì hơn đâu, bởi còn có ai khôn ngoan hơn Solomon? Mà Solomon đã nói, ‘Hãy đối đáp với kẻ ngu ngốc theo trình độ của chính nó’ - đó chính là điều mà tôi đang làm vậy. Tôi đang cho nó thấy cái vực thẳm không đáy mà nó sẽ phải rơi xuống nếu không biết tỉnh ngộ. Trong chuyện của Elisha, có những bốn mươi hai kẻ xúm vào giễu cợt một người hói đầu, thế mà tấm lòng nhiệt tâm của ông ta đã đủ sức trừng trị tất cả bọn đó. Vậy con người kia sẽ còn bị trừng phạt đến thế nào khi dám làm một tên duy nhất dám giễu cợt toàn bộ giới tu hành cơ đốc giáo mà phần lớn đều hói đầu! Hơn nữa, chúng tôi còn có cả một đạo luật của Giáo hoàng nghiêm cấm rõ ràng bằng giấy trắng mực đen rằng kẻ nào dám giễu cợt chúng tôi sẽ phải bị tội rút phép thông công nữa kia.”

Thấy sự việc có thể sẽ lằng nhằng mãi mà không đi đến đâu, đức Hồng y ra hiệu cho ông thực khách chuyên nghiệp nọ phải rút lui, rồi khôn khéo lái sang chủ đề khác. Mấy phút sau, đức Hồng y đứng dậy và cho chúng tôi lui vì ngài còn phải tiếp chuyện một số người khác đã có hẹn với ngài.

Ôi chao, ông bạn More thân mến, tôi thật có lỗi đã bắt ông phải nghe tôi dài dòng như vậy. Cũng chỉ vì ông đã thực bụng muốn nghe, và đã lắng nghe tôi chăm chú đến mức tôi không dám bỏ sót điều gì. Dù sao thì cuộc đối thoại ấy cũng đáng được nhắc lại, dù chỉ là đại thể, để ông thấy được phần nào cách suy nghĩ của họ. Và ông thấy đấy, tất cả những gì tôi nói ra đều bị người ta khinh thường hết, cho đến lúc đã rõ ràng là đức Hồng y không có ý phản đối thì lập tức người ta lại trở mặt hoan nghênh chúng nhiệt liệt. Để nịnh ông ấy, họ còn sẵn sàng hoan nghênh và nghiêm chỉnh chấp nhận cả những ý kiến vớ vẩn của một kẻ tùy tòng của ông khi đức ông vĩ đại mới chỉ ỡm ờ tán thưởng những ý kiến ấy. Thế thì ông có thể đoán thấy ngay là họ sẽ nghe tôi và tiếp nhận ý kiến của tôi ở chốn công đường như thế nào!

MORE: Thưa Raphael tiên sinh, tôi thích thú câu chuyện của tiên sinh đến từng lời. Có biết bao nhiêu tinh hoa trí tuệ ẩn chứa trong những lời nói ấy của tiên sinh. Hơn nữa, câu chuyện của tiên sinh đã đem tôi trở lại không phải chỉ là nước Anh, mà cả tuổi ấu thơ của tôi nữa. Nó nhắc tôi nhớ lại biết bao kỉ niệm thú vị về đức Hồng y, vì chính tôi đã được giáo dưỡng ngay trong gia đình Ngài. Ngay từ lúc mới gặp tôi đã rất có thiện cảm với tiên sinh, nhưng chắc tiên sinh không thể biết là tấm thiện tình ấy của tôi đối với tiên sinh đã gia tăng đến thế nào sau khi câu chuyện của tiên sinh đã khiến tôi bồi hồi nhớ tới đức Hồng y của tôi như vậy. Vậy mà tôi vẫn không thể gạt bỏ được mong muốn rằng giá như tiên sinh chỉ cần vượt qua sự khó chịu của tiên sinh đối với đời sống công đường để những lời châu ý ngọc của tiên sinh có thể giúp ích cho đời thì hay biết bao nhiêu. Có nghĩa là giá tiên sinh lấy đó làm trách nhiệm của mình, là nghĩa vụ của một chính nhân quân tử vậy. Tiên sinh cũng biết là thân hữu Plato của tiên sinh đã nói rằng chỉ khi nào các bậc hiền triết lên làm vua, hoặc người làm vua biết chịu khó học triết học, thì mới có được một xã hội an lành hạnh phúc. Vậy thời tiên sinh cũng thử nghĩ xem một xã hội như vậy sẽ còn xa vời đến đâu nếu các đấng hiền nhân quân tử không chịu ban cho vua chúa một lời khuyên thực sự!

RAPHAEL: Chao ôi, các nhà hiền triết đâu có đến nỗi thế. Họ còn luôn muốn khuyên bảo người khác nữa chứ. Sự thực là rất nhiều người đã viết cả những lời khuyên của họ thành sách. Giá như những người cầm quyền biết lắng nghe họ thì mọi việc đã khác rồi. Và điều mà Plato nói thật sự là như vậy. Ông ta nhận ra rằng vua chúa đã bị những tư tưởng sai lầm chi phối từ thuở ấu thơ đến độ không thể làm theo bất kì một lời khuyên minh triết nào, trừ phi họ phải tự mình trở thành minh triết. Plato đã rút ra bài học ấy từ kinh nghiệm của chính mình với Dionysius17. Ông thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu tôi lên tiếng khuyên bảo một ông vua phải ban hành những luật lệ hợp lí, hoặc phải cố gắng loại bỏ những tư tưởng xấu sẽ sinh ra các luật lệ chết người khỏi tâm trí của ông ta? Tôi sẽ lập tức bị tống khứ khỏi triều đình hoặc trở thành đối tượng chê cười của mọi người mà thôi.

Lấy ví dụ nhé, thử tưởng tượng tôi đang ở nước Pháp, và đang dự một cuộc họp cơ mật của nội các. Chính nhà vua đang ngồi chủ tọa, và xung quanh bàn là tất cả các cận thần xuất sắc nhất của ngài, đều đang chăm chú bàn thảo đường lối và phương tiện để giải quyết các vấn đề sau: làm thế nào để Bệ hạ kiểm soát chặt được thành Milan, và bắt thành Naples phải quay lại phục tùng mình? Làm thế nào để Bệ hạ chinh phục được Venice, và hoàn tất việc hàng phục nước Ý? Sau đó làm thế nào để Ngài thiết lập được quyền kiểm soát các xứ Flanders, Brabant, và cuối cùng là toàn bộ vùng Burgundy? Đấy là chưa kể tất cả các nước khác mà Bệ hạ đã từng chinh phục được trong các giấc mơ của Ngài.

Một vị đề xuất nên có một hiệp ước với người Venice và chừng nào Bệ hạ còn cảm thấy thoải mái với nó thì nó còn có hiệu lực. Bệ hạ nên làm cho họ tin mình, thậm chí thả cho họ một chút chiến lợi phẩm. Sau này khi đã được cả rồi thì Bệ hạ lấy lại chẳng khó khăn gì. Vị thứ hai khuyến cáo nên sử dụng lính đánh thuê người Đức, và vị thứ ba thì muốn Bệ hạ hối lộ bọn Thụy Sỹ. Vị thứ tư khuyên Bệ hạ nên làm thân với Vương quốc La Mã Thần thánh bằng cách hy sinh một ít vàng làm quà tặng. Vị thứ năm nghĩ Bệ hạ nên cải thiện quan hệ với Vua xứ Aragon và tỏ thiện chí hòa bình của mình bằng cách trả lại đất Navarre - là vùng đất thật ra cũng chẳng phải của Bệ hạ. Trong khi đó, vị thứ sáu đề xuất nên dụ cho Hoàng thân xứ Castile vào phe với nước Pháp bằng một liên minh qua hôn nhân, và nên bí mật trả lương cho một số triều thần của Hoàng thân để mua lấy sự ủng hộ của bọn họ.

Và bây giờ thì đến vấn đề hóc búa nhất - với nước Anh thì Bệ hạ phải làm gì đây? Rõ ràng, bước đầu tiên là phải thu xếp tổ chức một hội nghị hòa bình để ký được một hiệp ước liên minh tuyệt đối không có ý nghĩa gì hết. Nói cách khác, phải gọi họ là bạn nhưng xem họ là thù. Và như vậy thì phải làm sao giữ bọn Scotland luôn luôn sẵn sàng trực chiến, nếu người Anh định động thủ là phải cất quân đánh vào nước Anh ngay khi có lệnh của Bệ hạ. Và cũng nên bí mật nuôi dưỡng và hứa hẹn ngai vàng cho một số quý tộc Anh lưu vong vốn có tham vọng ấy - vì không thể làm việc này công khai trong hiệp ước. Có vậy Bệ hạ mới có thể kiểm soát được nhà vua Anh mà Bệ hạ vẫn coi là hoàn toàn bất tín.

Đến lúc ấy, trong khi tất cả mọi lực lượng đang được sắp xếp và tất cả những vị hiền nhân quân tử nọ đang đưa ra những kế hoạch và chiến dịch trái ngược nhau, thì chàng Raphael bé nhỏ của các bạn đứng dậy và lên tiếng đề nghị một chính sách hoàn toàn ngược lại. Tôi khuyên nhà vua hãy quên nước Ý và hãy ở nhà. Tôi nói rằng nước Pháp đã quá rộng lớn để Bệ hạ có thể cai trị một cách đàng hoàng, cho nên Bệ hạ thực sự không nên lo mở rộng thêm bờ cõi làm gì.

Sau đó tôi nhắc đến một sự kiện trong lịch sử xứ Nolandia18, một vương quốc giáp giới với Utopia về phía đông nam. Dựa vào vài mối quan hệ hôn nhân từ ngày xưa, vua Nolandia tin rằng mình phải được thừa kế một vương quốc khác, và thế là người ta phát động một cuộc chiến để chiếm vùng đất ấy cho nhà vua. Cuối cùng thì họ cũng thắng trận, chỉ để nhận ra rằng vương quốc ấy quả thực chiếm được đã khó nhưng giữ nó còn khó hơn. Nội loạn và ngoại xâm luôn là mối đe dọa thường trực. Họ phải liên tục đánh nhau để đàn áp hoặc bảo vệ những thần dân mới của họ. Họ không có cơ hội nào để giải giáp quân đội, và đất nước họ biến thành một nơi hoang phế. Quê hương họ bị chảy máu tiền bạc ra hải ngoại, và con dân họ phải chết để phục vụ cho tham vọng vặt vãnh của người khác. Tình hình trong nước ngày càng bất ổn, đạo đức suy đồi, giết người cướp của ngày càng tăng. Dân chúng không còn tôn trọng luật pháp nữa, vì nhà vua bị chi phối bởi hai vương quốc và không thể tập trung cai trị tử tế được một nơi nào. 

Hết chương 3. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t26273-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận