Vũ Điểm Cô Thiên Chương 66. Đương Trường Hơn Trăm Kẻ

Chương 66. Đương Trường Hơn Trăm Kẻ
Ai Dám Giết Văn Nhân?

Thường ngày, bọn giang hồ chỉ cần nghe tiếng Hắc Quan Âm đã co giò lặn không sủi tăm, nói gì đến chuyện đối đáp tay đôi. Tuy nhiên, tình thế lúc này lại khác biệt, tin đồn kho tàng cứ truyền miệng từ người này sang kẻ khác đều mấy phần thêm thắt tạo nên hảo tưởng về khối vàng bạc chất cao như núi. Kẻ nào lại chẳng hám lợi, một khi đã hám lợi còn biết sợ hãi điều gì. Vì lẽ ấy, bọn giang hồ tụ tập dưới chân đỉnh núi Lạc Nhạn tự nhiên có thêm gan dạ, đừng nói là đại tiểu thư đang mượn lốt Hắc Quan Âm, dù có mười Hắc Quan Âm thật hiện diện, bọn chúng cũng chẳng chút ngán ngại.

Đại tiểu thư cùng lão cung chủ định bụng muốn âm thầm nuốt trọn bí ẩn Tử Hà Thần Công một mình, không may đã nhầm nước tính. Vốn, đại tiểu thư sau khi lợi dụng Văn Viễn giải được bí ẩn thần công sẽ giết đi bịt miệng, chẳng ngờ Ác Ma Song Tẩu liều mình cứu Văn Viễn đi mất. Văn Viễn một khi đã nhận ra sự thật tất nhiên oán hận vô cùng. Đại tiểu thư thừa hiểu bản tánh ông nhất định sẽ can dự chuyện này đến cùng. Văn Viễn cô thế, nếu chạy về Bạch gia trang để cầu Tam Ác Thánh giúp sức, cả đi lẫn về sẽ mất một khoản thời gian tương đối dài. Văn Viễn nhất định không làm theo cách này. Thay vào đó, ông sẽ phao tin để mượn thế lực giang hồ hòng phá bĩnh. Đại tiểu thư đã đoán được như vậy nên tìm cách giết Văn Viễn bịt đầu mối. Tuy nhiên, trong giang hồ có mấy kẻ dám dây vào Tam Ác Thánh, thành thử, nàng ta bèn tuyên bố, kẻ nào giết được Văn Viễn và giúp nàng chiếm đoạt bí ẩn Tử Hà Thần Công thì sẽ sánh duyên kết cỏ ngậm vành. Tuyên bố này rõ ràng dành cho những kẻ si tình điên dại. Quả nhiên đã kéo Độc Ông, Lãng Ông, nhà sư Nhất Đăng, Cố Thiên Lượng đang lúc giả chết nhưng hay tin cũng phải lộ diện, chưa kể Hữu Hạnh Chân Nhân lúc nào cũng ghiền một ấm trà Thập Hoa Phần pha đúng cách. Tính ra toàn cao thủ thành danh giang hồ đương thời, dầu không thể giết được Văn Viễn, chí ít cũng giúp nàng thừa sức đối đầu với bọn lục lâm hám lợi.

Tuy đã tính trước đường đi nước bước, đại tiểu thư vẫn không ngờ đám lục lâm bị kho tàng che mờ mắt quyết liều mạng thua đủ. Nàng đành mượn lốt Hắc Quan Âm một lần nữa thị uy nhưng chẳng được kết quả gì. Đại tiểu thư nhắm chừng phải ra tay đánh giết một trận để răn đe nên mắt lộ hung quang toan dùng Hắc Mai Thủ. Đột nhiên có tiếng cười ha hả vang lên.

Tiếng cười phát ra đánh động bốn bề. Bọn giang hồ ngơ ngác ngoái đầu lại nhìn. Hóa ra chính Văn Viễn trong lúc nguy cấp vô tình tìm được đường tháo gỡ tình trạng trước mặt. Ông ung dung ngồi xếp bằng trên mỏm đá lớn, Vương Y Nguyệt lại ỏng ẻo dựa vào. Hai người làm ra vẻ thản nhiên còn cùng nhau bật cười mai mỉa. Văn Viễn đợi tất cả mọi người đang tề tựu dưới chân đỉnh núi Lạc Nhạn đều chăm chú nhìn về hướng mình mới ung dung cất tiếng hỏi:

- Các người có biết ta là ai hay không?

Đám giang hồ lao nhao ngờ hoặc chưa dám đáp trả. Đại tiểu thư, lão cung chủ, nhà sư Nhất Đăng, Hữu Hạnh Chân Nhân thấy Văn Viễn liền tức thì nổi giận. Riêng Cố Thiên Lượng lại nghiến răng ken két:

- Tên mọt sách khốn kiếp, phen này không xé xác ngươi ta không mang họ Cố!

Văn Viễn ung dung nói tiếp:

- Ta họ Phùng tên Văn Viễn! Ta chính là Bạch công tử của Bạch gia trang núi Trường Bạch! Tam Ác Thánh là song thân của ta!

Văn Viễn dứt lời liền vận hàn nhiệt phát lộ Cuồng Tâm Pháp. Toàn thân ông tức thì trắng toát tựa như bôi sáp. Bọn giang hồ biết mặt mũi Bạch công tử không nhiều nhưng Cuồng Tâm Pháp thì kẻ nào cũng từng được nghe kể. Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng ngày trước khi khuynh đảo giang hồ còn được gán biệt danh là Tử Bạch Khương Thi, ám chỉ lúc lão dùng Cuồng Tâm Pháp ra tay toàn thân đều trắng toát tựa xác chết. Văn Viễn lúc này cũng biểu thị Cuồng Tâm Pháp, rõ ràng có ít nhiều quan hệ thân thuộc với Đại Ác Thánh. Bọn giang hồ chợt nhớ lại cách đây mấy tháng, Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng cùng Nhị Ác Thánh Phùng Ân Khổ bất ngờ tái xuất giết đi hơn hai trăm người trong hắc đạo chấn động bốn phía, nghe nói phong phanh là trả đũa chuyện bọn người này dám xúc phạm Bạch công tử Phùng Văn Viễn.

Bọn giang hồ ngẫm nghĩ một lúc đều tin rằng kẻ thư sinh đang ung dung cùng người đẹp ngồi trên mỏm đá trước mặt là Bạch công tử. Tức thì có tên chán nản nói:

- Thôi, bỏ đi! Ta sẵn sàng liều mạng với Hắc Quan Âm lẫn U Minh Cung, nhưng chạm tới Tam Ác Thánh thì ta chưa có lá gan lớn đến đó! Nếu Bạch công tử muốn đoạt lấy bí ẩn Tử Hà Thần Công có nghĩa là Tam Ác Thánh muốn! Chúng ta còn đứng đây tranh giành làm gì?

Kỳ thực, Hắc Quan Âm gây ngán ngại cho kẻ khác mười phần hết mười đều từ thói quen thích giết chóc bừa bãi. Tam Ác Thánh cũng giết chóc không kém, tuy nhiên, những kẻ chết dưới tay Tam Ác Thánh hết sáu phần toàn là phường hiểm ác tạo nghiệt quá đỗi. Vì vậy, bọn giang hồ không chỉ đơn thuần là sợ Tam Ác Thánh, trong sự sợ hãi đó hàm chứa quá nửa lòng kính nể. Trong khách giang hồ chẳng ít kẻ ưa thêm thắt nói xấu sau lưng Tam Ác Thánh, nhưng đến cùng, bọn chúng chỉ biết đem chuyện hai chị em Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn cùng cưới một chồng ra mà nhạo báng, chẳng có tên nào dám hé miệng thị phi về việc Tam Ác Thánh lạm sát. Chính bản thân bọn chúng cũng thừa hiểu, những kẻ chết dưới tay Tam Ác Thánh nào có mấy kẻ đáng được sống tiếp.

Một tên lên tiếng đánh động, tự nhiên lan truyền khắp bốn trăm tay giang hồ đang tụ tập tại đương trường. Bọn chúng ngó nhìn nhau do dự rồi lắc đầu chán nản:

- Thôi, bỏ đi! Bỏ đi! Chúng ta chẳng đủ bản lãnh tranh phần đâu!

Đại tiểu thư ngó điệu bộ đám giang hồ toan rục rịch xuống núi thì mừng thầm. Các lão si tình đang vây quanh nàng cũng mở cờ trong bụng. Lão nào vừa gặp Văn Viễn đều tính chuyện hạ sát để chiều lòng giai nhân nhưng vẫn ngán ngại đám giang hồ phá bỉnh. Giờ đám giang hồ rút đi sẽ khiến các lão rảnh tay chân tha hồ trút giận. Văn Viễn thừa biết như thế nên dễ gì để bọn giang hồ rút đi. Ông liền nói lớn:

- Tam Ác Thánh chưa hề muốn chiếm đoạt bí ẩn Tử Hà Thần Công! Tại hạ cũng chưa hề mơ tưởng đến nó!

Đám giang hồ toan kéo nhau xuống núi nghe vậy vừa mừng vừa nghi hoặc. Một tên bạo gan vái hỏi:

- Nếu thật như vậy thì công tử xuất hiện ở đây làm gì?

Văn Viễn ung dung đáp:

- Tại hạ đến đây để giúp cho các vị hai món lợi! Không biết các vị có muốn hay không?

Lời này ngấm ngầm biểu lộ sẽ chia phần, đám giang hồ háo hức liền hỏi:

- Không biết là hai món lợi gì?

Văn Viễn đáp:

- Tại hạ đi lại giang hồ chẳng may bị kẻ khác toan tính hãm hại! Nếu các vị ở đây giúp tại hạ tiêu diệt kẻ này tất nhiên sẽ khiến song thân tại hạ vô cùng vui lòng! Đó là món lợi thứ nhất! Để đền đáp ơn giúp đỡ của các vị, tại hạ sẽ nói rõ nơi chôn giấu bí ẩn Tử Hà Thần Công, khi xong việc các vị cứ tự nhiên chia phần! Tại hạ nhất định không mó tay vào! Đó là món lợi thứ hai!

Thông lệ yếu cậy mạnh để dựa hơi, chẳng có kẻ nào không mong muốn được dịp làm vui lòng Tam Ác Thánh hòng được chút thân thiết, biết đâu may mắn nhờ Tam Ác Thánh đoái hoài chiếu cố, khi đó, có thể nghênh ngang đi lại trên giang hồ chẳng cần ngán ngại bất kỳ thế lực nào. Văn Viễn đã đánh trúng điểm này còn hé lộ thêm chuyện tận tình chỉ dẫn nơi giấu bí ẩn thần công, quan trọng là tuyên bố không giành phần. Bọn giang hồ mừng rỡ reo hò inh ỏi. Đại tiểu thư nhận ra được nước tính của Văn Viễn liền chau mày tức giận. Nàng toan ra tay thị uy thì Văn Viễn đã chỉ thẳng vào nàng mà nói lớn:

- Các vị tưởng người này thật sự là Hắc Quan Âm ư? Hắc Quan Âm thật đã tạ thế được mười năm rồi! Đây chỉ là kẻ muốn mượn oai hùm để ép các vị rời núi cho tiện bề độc chiếm bí ẩn Tử Hà Thần Công! Đều là mưu kế của U Minh Cung!

Bọn giang hồ nghe lời này tự nhiên chuyển hết ánh mắt nhìn chằm chằm vào đại tiểu thư ngờ hoặc. Có mấy tay lão luyện liền lên tiếng:

- Bạch công tử nói có lý! Hắc Quan Âm tự nhiên lại đứng về phe U Minh Cung mà ép chúng ta xuống núi, nhất định bên trong có mờ ám!

Có kẻ lại nói:

- Nếu quả đúng tác phong của Hắc Quan Âm thì đã ra tay làm gì có chuyện mở miệng cho nhọc công!

Đại tiểu thư thấy tình hình càng lúc càng bất lợi, dầu có ra tay thị uy cũng chẳng cứu vãn được là mấy đành hậm hực cởi bỏ mũ che đầu để lộ ra khuôn mặt diễm tuyệt. Đám giang hồ trợn mắt kinh ngạc rồi chuyển sang chửi rủa thậm tệ:

- Thì ra chỉ là một con bé! Nó là ai? Hắc Quan Âm tính ra tuổi tác cũng gần tám mươi sao có thể mang bộ mặt trẻ trung như vầy? Chúng ta đã bị lừa rồi! Con bà nó!

Mỗi người một tiếng thi nhau rủa sả, lời lẽ càng lúc càng khó nghe. Đại tiểu thư hừ nhạt một tiếng phất nhẹ tay phải. Tức thì muôn vạn bóng chưởng màu đen chụp tới những kẻ hăng mở miệng nhất. Những kẻ này không kịp xoay trở chết liền tại chổ. Đám giang hồ thấy vậy liền hoảng hồn, chẳng ai bảo ai tự nhiên im bặt. Đại tiểu thư gằn giọng:

- Tam Ác Thánh biết giết người, ta không biết hay sao? Nếu bây giờ, các ngươi nghe lời chí ít còn giữ được mạng mình! Tam Ác Thánh giết các ngươi được, ta giết các ngươi cũng chẳng khó khăn gì! Kẻ nào muốn sống thì mau mau giết chết tên văn nhân kia cho ta! Bằng không, ta sẽ lấy mạng kẻ đó để thay thế!

Bọn giang hồ thấy bản lãnh đại tiểu thư cao thâm đã sợ hãi tột độ, nhưng bọn chúng chẳng dám động vào Văn Viễn, so với nàng ta, Tam Ác Thánh còn đáng sợ gấp mấy mươi lần. Thành thử cả bọn cứ đứng lóng ngóng chưa biết phải làm thế nào. Cố Thiên Lượng gằn giọng:

- Các người không dám thì để ta! Lão đây sẽ bẻ cổ tên mọt sách đó rồi xé thành mấy mảnh cho các ngươi mở mắt!

Nhà sư Nhất Đăng, Hữu Hạnh Chân Nhân đâu để Cố Thiên Lượng chiếm mất phần. Hai lão toan rục rịch ra tay thì Văn Viễn lại cười sang sảng:

- Phải lắm! Phải lắm! Các người cứ thoải mái đến bẻ cổ ta! Ta mở miệng kêu la một tiếng thì không mang họ Phùng nữa! Các người cứ bẻ cổ ta xong rồi ung dung đứng trước đỉnh Lạc Nhạn khản cổ mắng chửi! Nhanh thì một năm, chậm lại biết đâu hóa ra mười năm, khi đó Đế Khuyết Châu Thương sẽ động lòng sự kiên trì của các ngươi mà hiện thân cũng không chừng! Mau, mau lên đây bẻ cổ ta đi!

Đại tiểu thư đã đến đây trước bọn giang hồ hơn hai tháng. Nàng ta loanh quanh đi lại vẫn không sao hóa giải được trận đồ được đặt dưới chân đỉnh núi. Đại tiểu thư không dưới mười lần liều mạng đi thử vào trong nhưng kết cuộc chỉ  đi lòng vòng còn mấy phen ngỡ bị lạc vĩnh viễn trong mê trận. Nàng ta đành dùng hạ sách ôm cây đợi thỏ. Nàng chọn một góc khuất dưới chân đỉnh Lạc Nhạn để ẩn mình, hi vọng Đế Khuyết Châu Thương sẽ ló mặt ra ngoài. Đỉnh Lạc Nhạn bốn bề heo hút, Châu Thương dầu có tài nhịn ăn cũng không quá được mươi ngày nửa tháng tự động phải xuất hiện. Tuy nhiên hai tháng trôi qua, Châu Thương vẫn biệt vô âm tính. Lúc bọn giang hồ thi nhau rủa sả, đại tiểu thư khấp khởi hi vọng sẽ chọc giận được Châu Thương hiện thân. Bọn giang hồ mắng đến khản cổ gãy lưỡi vẫn chẳng có động tĩnh gì càng khiến đại tiểu thư thất vọng vô cùng.

Bây giờ nàng ta nghe Văn Viễn nói vậy không khỏi nghĩ thầm trong bụng:

- Lẽ nào hắn thật sự biết cách hóa giải trận đồ này chăng? Hoặc giả hắn cũng biết cách tìm Châu Thương! Phải rồi, hắn trước đây chỉ mất mấy ngày đã giải được bí ẩn chứa trong Tử Hà Thần Công!

Đại tiểu thư vội vàng xua tay ngăn các lão già toan động thủ với Văn Viễn. Cố Thiên Lượng hậm hực nói:

- Xin tiểu thư đừng tin miệng lưỡi giảo hoạt của hắn!

Cố Thiên Lượng bị Văn Viễn liên tiếp lừa mấy lần nên thống hận khó bề nguôi ngoai. Lão đoán chừng lần này cũng là gian kế của Văn Viễn nên lên tiếng đánh động. Đại tiểu thư chỉ hừ nhạt nhìn lão, nói:

- Vậy lão có hóa giải được trận đồ này hay không?

Châu Thương ngày trước tuy là đệ tử do Cố Thiên Lượng truyền nghệ nhưng món trận pháp lại do chính họ Châu tự mò mẩm mà thành danh. Châu Thương từng một lần nghịch ngợm giam Cố Thiên Lượng lẫn các huynh đệ Hoa Sơn trong một trận đồ khiến cả bọn phải đỏ mặt tía tai vẫn chẳng thoát được, phải hạ mình nài nỉ. Đại tiểu thư hỏi trúng điểm này khiến Cố Thiên Lượng chỉ còn biết ấp úng.

Đại tiểu thư mai mỉa:

- Lão dạy đồ đệ thật hay, bản lãnh cao đến độ sư phụ cũng chẳng làm gì được!

Nhà sư Nhất Đăng cùng Hữu Hạnh Chân Nhân được dịp cười hả hê một trận. Cố Thiên Lượng bị bẻ mặt trước người đẹp đành trừng mắt nhìn Văn Viễn căm phẫn.

Văn Viễn thấy cả bọn đều do dự càng cười lớn:

- Các người còn chần chừ gì? Mau mau lên đây để bẻ cổ ta đi! Ta chỉ là kẻ trói gà không chặt, các người đều là cao thủ nhất nhì trong thiên hạ lẽ nào lại sợ ta?

Vương Y Nguyệt nhìn Văn Viễn tự tin đến vậy tưởng rằng ông thật sự biết cách hóa giải trận đồ. Nàng từ khi nghe Văn Viễn kể đoạn tình trường với đại tiểu thư trong bụng đã ngấm ngầm lửa ghen. Nay được gặp tình địch, dễ dầu gì Vương Y Nguyệt lại không trêu gan cho bỏ tức. Nàng ta ỏng ẹo bá cổ Văn Viễn mà nũng nịu:

- Trời ơi! Chàng chết đi thì thiếp phải làm sao? Nếu chàng chết thì thiếp sẽ tự vẫn theo! Sau khi hai chúng ta đều thành ma khoái hoạt nhân gian thi vị biết bao! Thiếp sẽ nguyền rủa ả góa phụ áo đen kia đến tông ti mấy mươi đời về sau đều là góa bụa áo đen hết!

Ví như Vương Y Nguyệt mà biết Văn Viễn chỉ thuận miệng nói bừa hòng tránh cảnh bọn giang hồ tự tàn sát lẫn nhau không hiểu nàng có còn lá gan chọc tức kẻ khác hay không. Vương Y Nguyệt một tiếng góa phụ áo đen, hai tiếng là góa bụa áo đen kết cuộc nguyền rủa đến cháu chắc mấy mươi đời. Đại tiểu thư bừng lửa giận lên mắt, quát:

- Ả lẳng lơ kia dám rủa ta ư?

Vương Y Nguyệt đủng đỉnh đáp:

- Ta lẳng lơ thì đã sao? Ta lẳng lơ với Phùng tướng công của ta có gì là sai! Đây là tướng công của ta, ta không lẳng lơ với chàng lý nào lại lẳng lơ với góa phụ áo đen là ngươi? Ta không muốn làm góa phụ áo đen như ngươi đâu!

Lời này mới khiến dạ đại tiểu thư như hơ qua lửa nóng. Vương Y Nguyệt còn ngã vào lòng Văn Viễn làm ra vẻ sợ hãi. Bọn giang hồ ngó thấy kẻ nào cũng nóng bừng trên mặt. Vương Y Nguyệt dẫu không là giai nhân đến độ nghiêng miệng cười ngã thành trì nhưng bù lại nàng có những nét thiên kiều bá mị riêng biệt. Không ít kẻ phải thầm ghen tuông với Văn Viễn có được tình nương như vậy. Đại tiểu thư giận đến run người:

- Cái gì là tướng công với phu quân, ăn nói hàm hồ!

Vương Y Nguyệt thấy tình địch lộ lửa ghen càng hả hê trong bụng. Nàng ỏng ẹo đáp:

- Tội cho ngươi còn trẻ đã góa bụa! Ta đây cũng không hẹp hòi gì! Nhưng Phùng tướng công của ta đã có chánh thất ở nhà, ta đã là người thứ hai! Phùng gia chẳng cho phép trưởng tôn trong tộc được lấy ba vợ! Nếu ngươi hạ mình năn nỉ được tướng công ta chấp nhận thì cũng chỉ làm con sen kẻ ở khó với danh phận được!

Vương Y Nguyệt càng nói càng châm thêm dầu vào lửa lớn. Đại tiểu thư cả giận đến độ chút nữa té xỉu. Các lão già si tình vây quanh tự biết trong lòng nàng vẫn còn luyến ái với Văn Viễn nên không khỏi khó chịu. Các lão chỉ chờ đại tiểu thư ra hiệu sẽ xông lên xé xác Văn Viễn lẫn Vương Y Nguyệt để chiều dạ người đẹp. Vương Y Nguyệt đắc ý càng ỏng ẻo không ngớt. Nàng ta cố tình chọc giận đại tiểu thư, tốt nhất là chọc đến độ ói ra máu tươi thì càng tốt, nhưng nào ngờ đâu cách đó không xa, có hai đôi mắt liễu cũng đang tóe lửa ghen không kém. Nếu không có một bàn tay to lớn vỗ lên vai cả hai chủ nhân của đôi mắt liễu đó nhắc nhở, không chừng vô tình Vương Y Nguyệt đã bị xé xác trước chẳng cần đại tiểu thư ra tay.

Tất cả những kẻ đang đứng dưới chân đỉnh Lạc Nhạn nào ngờ cách nơi Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt đang ghẹo gan chừng ba trăm bước chân, đang có năm người đứng trên một tảng đá lớn dõi mắt quan sát. Năm người này bao gồm một cao niên đã hơn tám mươi vẫn giữ được tướng người tầm thước, bên cạnh ông ta là hai nữ nhân tuổi cũng ngoài bảy mươi, trước mặt họ là hai nữ nhân trẻ tuổi kiều diễm. Một trong hai nữ nhân trẻ tuổi kia có đôi mắt như hút hồn người. Đó chính là Tam Ác Thánh , Đại Sỹ và Cao Bạch Vân.

Từ lúc Văn Viễn bị U Minh Cung Chủ bắt đi khỏi thủy trại, Cao Bạch Vân ngày đêm khóc kể không ngớt. Phạm Bố, Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên hết lời khuyên can nhưng chẳng khiến Cao Bạch Vân nguôi ngoai. Ít lâu sau, cả bọn lại nghe giang hồ truyền tin Tam Ác Thánh đã tìm lại được Bạch công tử liền hiểu Văn Viễn vẫn bình yên vô sự. Cao Bạch Vân tức tốc gói ghém hành trang lên Bạch gia trang để tìm gặp người thương. Ba lão Phạm, Công Tôn, Chu hoảng hết hồn vía ngăn cản. Ba lão sợ Tam Ác Thánh truy cứu chuyện mạo phạm Văn Viễn mà bắt tội thì mấy trăm cái đầu của anh em thủy tặc xem như khó giữ nổi. Tuy nhiên, Cao Bạch Vân vẫn nhất quyết đòi đi. Các lão không thể để một mình nàng ta gặp nguy hiểm nên thống nhất cùng kéo nhau lên Bạch gia trang hỏi thăm Văn Viễn. Bốn người đến nơi thì Văn Viễn đã đi xuống giang nam. Cao Bạch Vân không chịu nổi ấm ức bèn khóc kể. Phùng Nghi Văn vừa nhìn nàng có đôi mắt tiêu hồn đã ưng bụng lắm. Bà liền gặn hỏi, Cao Bạch Vân không muốn giấu diếm nên kể lại mọi chuyện. Tam Ác Thánh nghe xong tự hiểu thêm một nàng dâu họ Phùng đã vượt mấy ngàn dặm đường tìm đến nơi để ra mắt.

Phần Cao Bạch Vân khi hay Văn Viễn đã lập gia thất, lại thấy Đại Sỹ đoan hiền thông tuệ của trâm anh đài các càng tự thấy bản thân thua kém trăm bề. Nàng vừa tự thẹn vừa đau khổ liền đập đầu vào cột đá ở điện lớn Bạch gia trang hòng tự vẫn. Hiển nhiên, Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ đâu thể ngồi yên. Hai bà ngăn cản rồi nhỏ to khuyên giải. Cao Bạch Vân cứ nghĩ Tam Ác Thánh nhất định không để một nữ tặc như nàng vào trong mắt nên nghe được lời ân cần càng mến phục vô kể. Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng cũng không hẹp hòi gì. Lão thấy bọn Phạm Bố, Công Tôn Bạch, Chu Tất Niên không phải hạng tiểu nhân ti tiện nên vừa bụng. Riêng Đại Sỹ đã biết trước trong lòng Văn Viễn rất nặng tình với Cao Bạch Vân. Nàng sẵn sàng để Văn Viễn đi tìm đại tiểu thư thì sá gì chuyện chấp nhận chồng mình có thêm một nàng vợ. Thành ra, Tam Ác Thánh xem Cao Bạch Vân đã là con dâu trong nhà, chỉ đợi Văn Viễn trở về bày tiệc là ổn thỏa.

Chẳng bao lâu, Bạch Mi Bà Bà lại dìu Ác Hòa Thượng đến Bạch gia trang ra mắt. Ác Ma Song Tẩu kể lại tình trạng hung hiểm Văn Viễn đang gặp phải. Đại Sỹ nghe lời nhắn của Văn Viễn liền hiểu ông hẹn ước gặp mặt mọi người ở núi Hoa Sơn. Tam Ác Thánh dẫn theo Đại Sỹ cùng Cao Bạch Vân tức tốc lên đường. Đích xác, họ đã đến Hoa Sơn cùng lúc với đại tiểu thư. Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng phải nghiêm giọng ra lệnh, Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn cùng hai nàng dâu mới đành nén giận ẩn mình, bằng không, đại tiểu thư đã khó bề yên ổn. Tuy nhiên lúc này, Đại Sỹ cung Cao Bạch Vân thấy Vương Y Nguyệt tình tứ bên cạnh Văn Viễn thì chẳng còn thần trí nào kềm được lửa ghen. Cả hai toan chạy đến làm cho ra lẽ, Phùng Bất Nghiêng sợ hai con dâu làm ẩu liền vỗ lên vai cả hai nhắc nhở. Hai nàng biết tính khí cha chồng nghiêm khắc nên chẳng dám bướng, chỉ đành dậm chân than thở. Hai nàng định bụng chờ êm xuôi sẽ hành hạ Văn Viễn một trận cho thỏa.

Phùng Nghi Văn lên tiếng:

- Con bé kia rõ ràng đang dùng kế khiêu khích! Xem ra nó với thằng con khờ của chúng ta rất có bản lãnh, đứng trước mặt bao nhiêu người vẫn không hề sợ hãi!

Phùng Ân Khổ lại liếc xéo Phùng Bất Nghiêng mà mai mỉa:

- Đúng là Phùng nhi của chúng ta được chân truyền từ người cha đào hoa của nó, đi đến đâu cũng vướng nợ tình! Phận làm mẹ như chúng ta không thể không tự hào!

Phùng Bất Nghiêng bị vợ nói mát thì cười trừ:

- Chúng ta cứ đứng xem diễn biến thế nào! Khoan ra tay vội! Nhưng đứa con khờ chúng ta bị kẻ khác theo dõi vẫn không hề hay biết! Ta xem nó đối phó như thế nào!

Phùng Bất Nghiêng hiển nhiên đang nói đến người theo dõi khác. Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn cũng đã thấy người này từ lâu. Tuy nhiên, hai bà tự biết thừa sức khống chế nên chẳng cần ra tay trước làm gì. Riêng Đại Sỹ, Cao Bạch Vân cứ thầm oán hận trong bụng mà trừng mắt nhìn về hướng Văn Viễn.

Văn Viễn ngay lúc đó tự nhiên nghe sau gáy lạnh toát như thể có người khác đang chăm chú theo dõi. Ông liền đảo mắt một vòng quan sát, không ngừng ngửi trong không khí nhưng chẳng phát hiện được gì. Với bản lãnh của Tam Ác Thánh một khi đã ẩn thân thì mười cái mũi thính nhạy như Văn Viễn cũng khó bề phát hiện được.

Vương Y Nguyệt vẫn không ngừng khiêu khích. Đại tiểu thư nhịn không nổi bèn chỉ tay về phía nàng ta mà quát:

- Mau giết con ả lẳng lơ đó cho ta!

Cố Thiên Lượng, nhà sư Nhất Đăng, Hữu Hạnh Chân Nhân chỉ chờ có vậy. Ba lão đồng loạt hướng về phía Văn Viễn và Vương Y Nguyệt toan chạy đến. Đột nhiên có tràng cười khoái hoạt vang lên, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đã bị kẻ lấp ló kia khống chế. Hắn xếp tay thành trảo nắm chặt gáy cả hai cười đắc ý:

- Ta đã nhanh hơn mất rồi! Thật đắc tội với các lão!

Kẻ đó chính là nhà sư Vô Sách. Cố Thiên Lượng, nhà sư Nhất Đăng, Hữu Hạnh Chân Nhân khó ngờ bị phỗng tay trên. Cố Thiên Lượng tức tối mắng:

- Lão trọc, ngươi ẩn mình đã lâu ta cứ ngỡ đắc đạo về tây hầu hạ phật tổ! Sao còn giữ lòng si ở đây làm gì? Ngươi là tên trọc không tròn đạo hạnh!

Cố Thiên Lượng tức tối quá cỡ nên mắng không tiếc lời. Hữu Hạnh Chân Nhân cùng nhà sư Nhất Đăng vô tình bị mắng lây lại chẳng thể lên tiếng được đành ậm ờ cho qua chuyện. Nhà sư Vô Sách mặc kệ Cố Thiên Lượng sừng cổ chửi rủa, ông ta hướng về đại tiểu thư mà hỏi:

- Nàng muốn ta xử lý hắn như thế nào?

Đại tiểu thư gằn giọng đáp:

- Ném con ả kia xuống đây cho ta! Ta muốn tự tay xé xác ả!

Nhà sư Vô Sách cười hà hà:

- Phải lắm! Ả này dám lớn gan trêu ghẹo nàng! Ta sẽ để cho nàng tùy ý xử lý!

Vương Y Nguyệt hồn vía lúc này đã sợ hãi tột độ. Nàng nhìn ánh mắt phát lộ hung quang của đại tiểu thư đã ngầm hiểu sẽ bị hành hạ đến thế nào. Nhà sư toan ném Vương Y Nguyệt sang chổ đại tiểu thư bỗng nhiên dừng lại. Lão nói:

- Thong thả! Còn tên mọt sách này xử lý ra sao? Nàng đã nói chỉ cần kẻ nào giết được hắn sẽ ưng lòng lấy kẻ đó! Vậy cứ để ta giết hắn trước cho thỏa lòng dạ của nàng!

Đại tiểu thư liền xua tay:

- Không được, nếu giết hắn thì vô phương hóa giải được trận đồ để lên núi! Phải giữ mạng hắn lại, dùng xong giết vẫn không muộn!

Nhà sư Vô Sách nói:

- Ta sẽ nghe theo ý nàng! Tuy nhiên, ta muốn chính miệng nàng cam kết!

Đại tiểu thư chau mày, hỏi:

- Cam kết thế nào?

Nhà sư Vô Sách đáp:

- Cam kết sẽ kết cỏ ngậm vành cùng ta!

Trong mắt đại tiểu thư liền ánh lên sát khí. Nàng ta cười nhạt:

- Không có ai được quyền ra điều kiện với ta!

Đại tiểu thư vừa dứt tiếng thì nhà sư Vô Sách bất giác trợn mắt hự lớn một tiếng. Nhà sư đã bị một chưởng đánh xuyên từ sau lưng phá nát lồng ngực. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đều tròn mắt ngơ ngác trước biến sự xảy ra. Cả hai đồng loạt ngoái lại nhìn. Chỉ thấy một nữ nhân vận y phục bằng lụa đen, đầu cũng đội một chiếc nón rộng vành như đại tiểu thư đã lù lù xuất hiện. Nữ nhân này hừ nhạt, tay trái bà ta khẽ lay động đã tát văng xác nhà sư Vô Sách rơi thẳng xuống bên dưới. Tất cả những kẻ đang ở đương trường đều giật mình trước sự xuất hiện đột ngột của nữ nhân này. Người sợ hãi nhất chính là lão cung chủ U Minh Cung. Hai chân của lão tự nhiên run lẩy bẩy chực muốn đổ sụp xuống tại chổ. Đại tiểu thư tức thì khom người hướng về nữ nhân kia hành lễ:

- Tham kiến cô cô!

Văn Viễn giật bắn người run rẩy:

- Cô…cô cô…tiền bối chính là Hắc Quan Âm thật sự đó ư?

Nữ nhân hừ nhạt:

- Thiên hạ dễ có đến hai Hắc Quan Âm chắc!

Bà ta liền bật ra tiếng cười Loạn Tiếu Mệnh. Thanh âm khóc cười điên loạn ai oán dội ong óng khắp bốn bề Hoa Sơn, tưởng chừng trong chu vi mười dặm không kẻ nào không nghe thấy. Văn Viễn kinh hãi vội vận hàn nhiệt ôm chặt lấy Vương Y Nguyệt. Các lão Cố Thiên Lượng, nhà sư Nhất Đăng, Hữu Hạnh Chân Nhân, U Minh Cung Chủ đều tái mặt gồng người chống đỡ. Hắc Quan Âm thật sự thi triển Loạn Tiếu Mệnh cao thâm hơn đại tiểu thư mấy chục lần. Bọn khách giang hồ kẻ nào bản lãnh kém đều hộc máu chết tức thì không kịp kêu la lấy một tiếng. Chính Văn Viễn vận hàn nhiệt đến cực đổ vẫn còn nghe hai bên tai đau nhức như muốn nổ tung. Bọn Cố Thiên Lượng, nhà sư Nhất Đăng, Hữu Hạnh Chân Nhân, U Minh Cung Chủ lúc này đã ngồi bệch xuống đất xếp bằng vận khí. Khóe miệng lão nào cũng rỉ ra một dòng máu tươi, hiển nhiên đã không còn chống chọi được bao lâu.

Vương Y Nguyệt được Văn Viễn ôm trong lòng đoán chừng Hắc Quan Âm cười thêm nửa khắc thì Văn Viễn nhất định thổ huyết chết liền tại chổ, tánh mạng của nàng cũng khó toàn được. Nàng liền giục Văn Viễn:

- Mau nhảy xuống phía dưới!

Văn Viễn định thần ngó xuống thì mừng rỡ như kẻ chết đuối vớ được cọc gỗ.

Vốn trong các khách giang hồ lũ lượt kéo đến đỉnh Lạc Nhạn hòng chia phần có người của Cầm Sát Bang. Môn đồ của Cầm Sát Bang cũng dùng tiếng đàn để giết hại kẻ khác. Lúc Vương Y Nguyệt trong bộ dạng Cầm Điệp Cuồng Sinh náo loạn giang hồ khiến kẻ nào cũng nghĩ xuất thân từ Cầm Sát Bang mà ra. Vì thế, Cầm Sát Bang vô tình bị vạ lây khiến đồng đạo hai phe chánh tà đều oán ghét. Cầm Sát Bang thế lực lại không đủ so vai chen áo với các bang phái lớn mạnh nên chỉ biết cắn răng nín nhịn. Phen này bọn chúng lên đỉnh Lạc Nhạn chủ ý chỉ muốn cầu may biết đâu độc chiếm được kỳ thư bí kíp nào đó hòng giúp bang phái có thể ngóc đầu với thiên hạ. Kết cuộc cả bọn đều chết sạch dưới tiếng cười của Hắc Quan Âm chính hiệu. Đã gọi là Cầm Sát Bang thì môn đồ đi đâu cũng kè kè đeo sau lưng một cây đàn. Vương Y Nguyệt lúc ỏng ẹo ghẹo gan đại tiểu thư đã để mắt tới những cây đàn của bọn Cầm Sát Bang. Nàng đã nhẩm tính cùng lắm sẽ bắt Văn Viễn cướp lấy một cây đàn mà dùng. Tuy nhiên bây giờ chẳng cần phải cướp bóc nhọc sức, xác môn đồ Cầm Y Bang đang nằm xếp lớp dưới mỏm đá Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đang ngồi, thật đúng là cùng cực bỗng dưng sanh biến.

Văn Viễn chẳng đợi Vương Y Nguyệt giục đến hai lần. Ông vận hàn nhiệt ôm nàng ta nhảy thẳng xuống dưới mỏm đá. Hắc Quan Âm tuy thấy nhưng chẳng buồn cản. Bà ta tự thị đương trường không có kẻ nào đủ bản lãnh chống lại tiếng cười Loạn Tiếu Mệnh được. Đại tiểu thư đứng ung dung quan sát liền đoán ra lý do Văn Viễn và Vương Y Nguyệt nhảy xuống. Nàng đã biết cầm nghệ của Văn Viễn, cầm nghệ của Vương Y Nguyệt nàng cũng đã thấy một lần. Đại tiểu thư ngầm so sánh dầu Cầm Điệp Cuồng Sinh có tái xuất cũng chưa đủ sức đánh lại Hắc Quan Âm nên cũng thản nhiên không thèm ngăn cản.

Văn Viễn và Vương Y Nguyệt té lên xác mấy tên môn đồ của Cầm Sát Bang nên không hề bị đau đớn. Vương Y Nguyệt tức thì chộp lấy một cây đàn tì bà trên lưng kẻ xấu số trước mặt. Nàng so phím rồi đanh mắt gằn giọng:

- Các người chết hết cho ta!

Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng lúc nhận ra Hắc Quan Âm thật hiện hình thì đã biết Văn Viễn gặp phải hung hiểm cùng cực. Lão toan chạy tới cứu Văn Viễn thì Hắc Quan Âm phát lộ Loạn Tiếu Mệnh. Mấy mươi năm không gặp, công lực Hắc Quan Âm thắng tiến đáng kể, so lần chạm trán ở Bạch gia trang cách đây hai mươi năm quả thật một trời một vực. Phùng Bất Nghiêng tất nhiên không bị tiếng cười làm cho khổ sở, nhưng Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn phải vận công mới chống nổi tràng Loạn Tiếu Mệnh, Đại Sỹ và Cao Bạch Vân công lực yếu kém nên Phùng Bất Nghiêng đành đứng lại che chắn cho hai nàng dâu quý. Tuy nhiên, Đại Ác Thánh ngó thấy Văn Viễn ôm Vương Y Nguyệt nhảy khỏi mỏm đá cứ ngỡ hai người bị Hắc Quan Âm ra tay. Lão tức giận văng người chạy đến tức thì. Ngay lúc đấy, Vương Y Nguyệt đã ôm lấy đàn tỳ bà mà khảy. Những âm thanh đinh đang phát ra khiến Đại Ác Thánh phải đứng lại nhíu mày:

- Con bé này…!

Phùng Bất Nghiêng tức thì vận Cuồng Tâm Pháp tạo thành một lớp hàn khí trắng xóa che kín lấy cả Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn và hai con dâu, vừa kịp tránh phải mấy loạt âm khí sắc bén như bảo đao kiếm quý đâm tới.

Mỗi một tiếng đinh đang phát ra không khác gì trùng trùng kiếm khí tựa như muôn vạn giao long thoát khỏi nơi giam hãm chật hẹp tha hồ chạy loạn bốn phía. Bây giờ, Văn Viễn tự nhiên thấy nhẹ nhỏm. Ông liền hiểu ra tiếng đàn của Vương Y Nguyệt vừa giúp chống lại tiếng cười Loạn Tiếu Mệnh của Hắc Quan Âm lại vừa công kích đối thủ. Văn Viễn nhận ra nàng đang dùng Đoạt Mệnh Phổ được chép trong cầm thư của Diệu Thủ Cầm Ma. Văn Viễn từ lúc gặp nhiều kỳ ngộ hấp thu được tinh hoa cầm nghệ của Diệu Thủ Cầm Ma đều cho rằng, khả dĩ muốn phát huy được uy lực tiếng đàn chí ít bản thân người dùng phải có công lực đáng kể. Vì vậy, lúc gặp được Vương Y Nguyệt lại biết nàng ta một chút công lực căn bản cũng không có thì luôn nghi hoặc chẳng hiểu năm xưa làm cách nào trong lốt Cầm Điệp Cuồng Sinh, nàng ta có thể ngạo thị giang hồ đầy rẫy cao thủ. Văn Viễn từng đoán mười phần hết chín là nhờ đàn ngọc quý hiếm mà ngày trước Vương Y Nguyệt vẫn kè kè mang theo. Tuy nhiên giờ đây chỉ với một cây đàn tỳ bà tầm thường, nàng vẫn thản nhiên chống lại được uy lực của Loạn Tiếu Mệnh, chẳng những vậy còn chuyển hướng công kích ngược lại. Văn Viễn càng nghĩ càng khâm phục cầm nghệ giao chiến của nàng vô cùng. Thực chất, cầm nghệ của Vương Y Nguyệt chẳng hơn Văn Viễn là bao nhưng riêng về sát ý vận vào tiếng đàn, mười Văn Viễn cũng khó bì lại.

Nguồn: truyen8.mobi/t116597-vu-diem-co-thien-chuong-66-duong-truong-hon-tram-ke.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận