Vậy là gần sáu tháng nay, Tùng ăn cùng Dũng, ngủ cùng Dũng trong một phòng và đã phải an ủi hắn bằng những bài hát Trịnh Công Sơn, rồi những ván cờ, cả những trang tiểu thuyết để đưa hắn vào giấc ngủ. Nhiều đêm hắn mơ hoảng loạn gào lên trong cơn sợ hãi vì cơ thể đau đớn quằn quại. Và thế là Trung úy Tùng lại thức trắng theo với bao khó nhọc để giữ cho Dũng không được tự sát hoặc không có sự cố gì xảy ra, bởi hắn là một phạm nhân đã bị tuyên án 10 năm tù vì tội buôn bán và tàng trữ ma túy.
Nhưng, từ khi hắn bị phát hiện đã mắc căn bệnh AIDS giai đoạn cuối thì mọi chuyện đã trở nên khác biệt. Hắn được hoãn thi hành án, sau một thời gian điều trị đặc biệt và sẽ trở về gia đình để sống nốt những ngày tháng cuối cùng. Vậy là đã hơn hai trăm ngày, Trung úy Tùng sống bên tên phạm nhân đặc biệt này với bao nỗi buồn vui xảy đến. Đôi lúc Tùng thấy vui, khi tên Dũng bật cười vì câu chuyện tiếu lâm nào đó. Nụ cười còn vương lại sao cay đắng làm vậy. Dù sao thì đó cũng là nụ cười của một con người, - kẻ tử tù, mà sự sống chỉ có thể đếm từng ngày. Chỉ khi ngồi trước bàn cờ Dũng mới hiện nguyên hình là một kẻ lừa đảo gian dối và đầy thủ đoạn trong từng đường đi nước bước. Còn khi hát, Tùng lại thấy thật đáng thương cho Dũng - một tàn phận, nước mắt rơi lã chã.... Đêm nay cũng là đêm cuối cùng phải đối diện với cái nợ đời này, nhưng sao Tùng lại thấy có duyên kiếp gắn bó với hắn đến vậy? Tùng chợt nghe thấy tiếng Dũng thở dài. Anh biết, đêm nay thật khó ngủ. Đúng, cả hai đều không ngủ...
Dũng không ngủ vì nhớ lại cái ngày hôm đó, bố mẹ hắn đến trại giam nói với hắn những lời đau đớn nhất về chuyện cô Thảo hủy hôn vì đã biết hắn bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Rồi biết bao hình ảnh trong ký ức dội về. Nào những ngày phóng xe ôtô xuống Hải Phòng nhảy múa, ngậm thuốc lắc và tiêm chích thâu đêm. Nào là con Thu, con Mơ, con Thủy... đều xinh như mộng cứ bám lấy chàng giám đốc Dũng. Bằng mọi cách các ả ra sức chiều chuộng để thỏa mãn mọi thú tính trên đời. Cho đến khi Dũng trở thành con nghiện, là kẻ chứa chấp buôn bán ma tuý và tất cả đã chấm dứt. Con Thu bỏ chạy. Con Mơ cuốn xéo. Con Thủy vắt chân lên cổ ù té, khi biết giám đốc Dũng, giờ đây đích danh là một tên tội phạm nguy hiểm với tội trạng, buôn bán ma túy đã bị bắt. Tất cả đã chấm dứt khi Dũng biết mình là một con bệnh không thể cứu chữa. Giờ đây, niềm hy vọng duy nhất của Dũng đó là được cha mẹ đón về, trông nom cái thây gầy còm tàn tạ này. Dũng vui vì từ ngày mai, phần đời còn lại được sống bên gia đình. Dũng bồn chồn chờ đợi buổi sớm mai khi ánh dương bừng lên. Dũng thao thức và cố nhớ lại những câu chuyện tiếu lâm mà Trung úy Tùng đã khiến hắn phì cười để cố quên đi thời gian đáng gặm nhấm tí tách từng giây trong đêm. Thỉnh thoảng hắn nghiêng mình nhìn xem Tùng đã ngủ chưa. Và hắn tự nhủ sẽ nhớ Tùng lắm vì từ ngày mai sẽ phải xa chiến sĩ công an trẻ này. Hắn nhìn Trung úy Tùng, với tâm cảm sâu sắc, chợt xúc động trong con tim khô héo bao tháng ngày.
Ôi! Chàng trai 25 tuổi ấy đã gần hai trăm ngày ở bên hắn không một phút giây rời xa. Hắn biết rằng nhiệm vụ của Tùng là cai quản, là trông nom hắn an toàn và không để sự cố gì xảy ra cho đến ngày gia đình đến nhận hắn về. Quãng thời gian tưởng như ngắn ngủi ấy lại làm biến động tâm trí hắn. Đúng như cuộc sống đã cho lại hắn những niềm tin và hy vọng. Hắn suy sụp bao đêm vì những tin dữ của thân phận đời mình nhưng chỉ sáu tháng qua, Tùng đã đem lai cho hắn một trật tự bình yên khác. Một hy vọng dù chỉ nhỏ nhoi để sống nốt những ngày tháng cuối cùng với niềm tin yêu cuộc sống thôi. Tùng cũng mong cho hắn, đừng bao giờ tuyệt vọng, dù đó là giây phút cuối cùng và hắn sẽ ghi nhớ lời dặn ấy:
- Anh hãy nở một nụ cười chào mọi người trước khi
Vâng! Hắn sẽ cười, nếu không cười to được hắn sẽ mỉm cười tiễn biệt cuộc đời. Nghĩ đến đấy, hắn bỗng ngừng hát, mắt ứa lệ. Rồi bất ngờ hắn ngồi bật dậy. Ngay lúc đó Tùng cũng đứng lên hỏi:
- Sao? Anh không ngủ được à?
Dũng ngơ ngác nhìn Trung úy Tùng như có cảm giác rất lạ. Tùng bật đèn nói nhỏ:
- Hình như tôi mơ thấy anh hát bài “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng”.
- Tôi hát thực sự đấy chứ không phải mơ đâu?
Dũng giơ cánh tay gầy như que củi về phía trước nói:
- Tôi có linh cảm xấu hay sao ấy công an Tùng ạ!
Tùng vỗ nhẹ vai Dũng nói:
- Chỉ vài giờ nữa thôi. Bố mẹ anh sẽ đón anh về rồi. Đừng lo lắng gì nữa.
- Nhưng...
Hắn có linh cảm gì đó khi nhìn lại thân hình còm cõi rất tội nghiệp của mình rồi thì thào không ra hơi:
- Nhưng nếu bố mẹ tôi không đến đón thì sao?
Tùng nghiêm sắc mặt nói:
- Không được nghĩ bậy, cha mẹ ai lại thế. Họ sẽ rất hạnh phúc khi được đón anh về chăm sóc ấy chứ.
Dũng trố mắt nhìn lại cánh tay khẳng khiu của mình nói lầm bầm:
- Thấy tôi thế này. Liệu bố mẹ có còn yêu thương tôi? Có khi tôi chết ngay lại hay.
Những lời quái gở phát ra từ đôi môi mỏng dính thâm sì kia, Tùng nhanh tay giữ vai Dũng và nhẹ nhàng nói:
- Lúc nãy, tôi đã nghe anh hát bài “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng” rồi mà. Anh đừng quá lo lắng. Hãy nằm xuống, cố ngủ đi.
Bình Minh. Tùng ngồi tựa vào tường chợt thấy tia nắng đầu tiên chiếu vào. Có lẽ thuốc đã ngấm và làm cho Dũng ngủ thiếp đi một giấc dài. Nhìn tấm thân gầy nhom, nhỏ thó rất tội nghiệp ấy đang dần trở về với cát bụi. Còn đâu một con người bệ vệ đỏm dáng ngày nào trong vai ngài Giám đốc sang trọng, giờ đây chỉ còn một dúm thân tàn ma dại. Vậy là xong, Tùng thở dài rồi đứng dậy khi tiếng chuông của phòng điều trị vang lên báo giờ làm việc của một ngày mới. Giờ đây Tùng chỉ còn một việc mà cấp trên giao phó, đó là trao biên bản ký kết của gia đình đón nhận người con của họ trở về với căn bệnh hiểm nghèo. Tùng khóa trái cửa buồng điều trị đặc biệt rồi bước ra ngoài phòng khám để đón bố mẹ Dũng đến.
Đột nhiên, tiếng chuông điện thoại reo lên, Dũng bật máy nghe, tiếng nói khá gấp gáp của đồng chí chỉ huy
vang lên:
- Đồng chí Tùng trông nom phạm nhân Dũng cẩn thận nhé. Có biến cố rồi đó.
- Thưa anh có chuyện gì thế ạ?
Giây lát im lặng khiến Tùng linh cảm thấy sẽ có chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Tiếng đồng chí trực ban lại vang lên:
- Bố mẹ phạm nhân Dũng đã từ chối, không đón con về nữa. Họ đã làm đơn đề nghị cho người con trai của mình chờ chết tại khu điều trị chứ quyết không đón về nhà.
Tùng giật mình thấy lạ:
- Vậy ta xử lý thế nào ạ?
- Đồng chí hãy tiếp tục làm nhiệm vụ tránh mọi sự kích động cho phạm nhân. Mọi chuyện còn lại chờ ban chỉ huy trại giam họp bàn và quyết định sau. Trước mắt cần bảo đảm cho sự an toàn của phạm nhân. Đồng chí rõ chưa?
- Thưa, tôi đã rõ!
Tùng cố nén tiếng thở dài bật ra từ lồng ngực để cố trấn tĩnh lại. Có lẽ khi biết tin, chẳng cứ Dũng mà ngay đến Tùng cũng thấy bị sốc, vì quá bất ngờ với cách xử sự của gia đình Dũng. Họ từ chối vì lý do gì? Một gia đình giàu có sao lại cạn tình cạn nghĩa đến vậy. Tùng tưởng như mình được giải thoát sau nửa năm trời vắt sức với kẻ tội phạm bệnh hoạn này. Vậy mà giờ đây, mọi chuyện lại đổi thay một cách quá sức tưởng tượng đến vậy. Mọi người, có thể ai đó mang tính ích kỷ hoặc thiếu hiểu biết mới tỏ ra kỳ thị với bệnh nhân AIDS này, và lý do tại sao bố mẹ lại nỡ bỏ con của mình như vậy. Thật trớ trêu! Thì ra đồng tiền và lợi ích kinh doanh đã làm cho họ trở thành vô cảm, độc ác với chính máu mủ ruột thịt của mình. Bỗng nhiên có tiếng đập cửa ầm ầm và tiếng gọi của Dũng lạc đi, nghẹn ngào. Tùng vội vã chạy vào phòng điều trị đặc biệt. Anh mở cửa trước hai con mắt mở to đến kinh ngạc của Dũng. Tùng chưa kịp nói gì, thì Dũng đã thì thào nói trong tuyệt vọng:
- Họ đã không đến phải không, thưa Trung úy Tùng?
Dũng chới với hai nắm tay đấm lên đầu và cố gắng gào thét nhưng hụt hơi:
- Tôi biết, tất cả vì đồng tiền mà máu họ trở lên đông lạnh. Ôi!...
Tùng vội bước nhanh tới đỡ Dũng trở lại giường rồi an ủi:
- Tôi tin bố mẹ anh sẽ đến. Cứ yên tâm chờ đợi.
Dũng run run đứng dậy bất ngờ quỳ xuống trước mặt Tùng, rối chắp tay lạy. Miệng nói khẩn thiết:
- Họ đã bỏ tôi, xin các anh công an đừng bỏ tôi. Khi tôi chết mong các anh lo mai táng cho tôi, không cần họ nữa.
Tùng đỡ Dũng dậy và cố gắng an ủi :
- Tôi thấy đêm qua anh hát bài “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng “ cơ mà. Hãy biết chờ đợi như bao ngày qua đã sống trong hy vọng.
Dũng ôm mặt khóc, bật ra những tiếng nấc, khào khào như rút ruột. Tùng ôm lấy vai Dũng vỗ về. Anh nói với Dũng như nói với chính mình vậy:
- Đôi khi không còn điểm tựa nào nữa, ta cũng cần đứng vững bởi niềm tin và sức mạnh của chính mình thôi. Đừng tuyệt vọng là thế.
Sau đó căn phòng bỗng trở nên im lặng. Tiếng nấc nghẹn của Dũng cũng câm bặt. Tùng bất ngờ bị Dũng đẩy bật ra rồi định lao đầu vào tường. Tùng kịp thời doãi chân ngáng Dũng lại làm hắn ngã sấp ngay xuống không kịp hành động theo ý muốn. Ngay lập tức Tùng xốc tên Dũng lên rồi kéo hắn đến giường. Tùng trấn tĩnh nói:
- Anh không được làm liều. Chúng tôi đã hết lòng vì anh và tạo điều kiện cho gia đình anh.
Dũng cố nói trong cơn tức giận:
- Vì sao các anh không để cho tôi chết đi cho xong. Các anh cũng đỡ khổ vì tôi. Hãy xử tôi đi và bắn tôi ngay đi. Càng sớm càng tốt!
Dũng cố vùng vằng nhưng không thoát được khỏi cánh tay rắn như sắt của Tùng. Một lát sau, Dũng như kiệt sức bỗng mềm nhũng người, run rẩy và lạnh ngắt. Tùng vội gọi bác sĩ tới. Ngay lập tức Dũng được các y bác sĩ đưa trở lại giường bệnh và cắm ống kim tiếp nước vào cổ tay hắn. Tùng ngồi lặng trên ghế với bao ý nghĩa xáo trộn trong đầu. Thì ra đứng trước cái chết của con người mới hay mọi sự thật được phơi bày. Đến ngay cả sự nhân đạo của pháp luật dành cho phạm nhân như Dũng, cũng không được cha mẹ hắn đón nhận, thì thật phũ phàng làm sao. Tùng đột nhiên như linh cảm thấy có điều gì đó bất thường trong ánh mắt của Dũng khi nhìn mình. Đôi mắt ấy không còn cảm giác u tối nữa mà như muốn nói điều gì đó. Ánh sáng trong đôi mắt của người sắp chết sao lại ám ảnh đến vậy. Tùng điềm tĩnh hỏi:
- Anh muốn nói với tôi điều gì đó phải không?
Dũng lặng đi một lúc rồi chậm rãi nói từng lời:
- Thưa Trung úy hãy nói thật cho tôi, có đúng bố mẹ tôi đã từ chối đón tôi?
Tùng lặng đi một lúc rồi trả lời:
- Tôi nghĩ bố mẹ anh đã quyết định đúng theo ý mình.
Hiểu ngay một mọi chuyện, Dũng bèn nói:
- Vậy tôi xin được làm một việc cuối cùng trước
khi chết.
- Anh cứ nói!
- Tôi muốn viết một lá thư gửi đến bố mẹ tôi được không?
- Được chứ, nhưng để lúc nào thật bình tĩnh anh hãy viết cho họ.
Dũng nhắm mắt lại như muốn được nghỉ ngơi. Chai nước vẫn nhỏ từng giọt, từng giọt như muốn níu kéo hơi tàn cuối cùng của con bệnh này.
Tối đến, Dũng cũng chẳng ăn được là bao, chỉ với hai thìa cơm, hắn đã bị nghẹn nấc lên rồi buông bát. Tùng đem giấy bút đến cho Dũng và nói rằng, hãy viết tất cả những gì mình muốn, mình nghĩ ra giấy và anh sẽ ngồi đợi. Dũng run run viết lên những nét chữ nguệch ngoạc. Có lẽ đó là những nét chấm phá cuối cùng của Dũng - một hình hài đang từ từ trở về với cõi chết:
“Thưa bố mẹ!
Khi bố mẹ nhận lá thư này cũng là lúc con chỉ là nắm tro tàn ở nơi nghìn trùng xa thẳm. Vì sao bố mẹ không nhận con về, nhưng linh hồn con có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên mái ấm gia đình mình. Con hy vọng rất nhiều ở tình cảm bố mẹ, nhưng chẳng thể có nổi dù chỉ là giây phút cuối cùng này. Ôi! Đau đớn làm sao! Cơn đau hành hạ con từng đêm và từng đêm. Nhiều đêm con vẫn hằng mơ được sống trong mái ấm gia đình như hồi thơ trẻ. Giá con không chạy theo những đồng tiền nhơ bẩn, giá con không sống nhơ nhuốc. Ở đây các anh công an thương con lắm. Trung úy Tùng đã nửa năm ròng thao thức vì con, lo cho con và con đã được Trung úy Tùng dạy cho biết sống, biết hy vọng và biết nhìn về phía trước. Chính vì thế mà con hy vọng có những ngày tháng trở về bên bố mẹ để sống đúng với nghĩa trong sạch của thời gian còn lại. Vậy mà bố mẹ đã từ chối con? Bố mẹ quá tuyệt vọng vì con hay bởi sự mưu sinh, tham vọng quá lớn lao trong đời. Giờ đây con chỉ còn biết ở trên cõi đời này, điều lớn lao duy nhất còn sót lại là tình người. Vậy mà con chỉ còn biết bấu víu vào tình cảm của những người xa lạ. Họ không ghét bỏ con như bố mẹ, họ không kỳ thị con như bố mẹ. Con hối lỗi rồi mà. Biết rằng con đáng tội chết nhưng đã được khoan dung và sống thêm những ngày cuối cùng để nhận biết ra cuộc sống tốt đẹp như thế nào và để khi nhắm mắt xuôi tay không còn vương nợ bụi trần. Vậy là con như tia lửa đã tắt trong đống tro tàn. Mà đống tro tàn ấy đã nguội lạnh và bay tư tán theo chiều gió. Những hạt bụi tro tàn giờ đây đã trở về cõi hư vô. Và dù có một hạt nào vương lại trên bàn tay bố mẹ thì đừng vứt đi. Hãy đón nhận nó. Đừng ghét bỏ nó nhé. Vì đó là con mà, con trai của bố mẹ...
Dũng”
Khi Tùng thấy tiếng động lạ, giật mình quay lại thì thấy Dũng đã gục xuống bàn viết. Dũng đã ra đi. Một cái chết đáng thương cho một kẻ tội lỗi. Biết sao được? Mọi chuyện đã xảy ra đúng như nó sẽ phải xảy ra. Có những người làm cha mẹ cũng đã đã tuyệt tình như thế. Tùng cầm lấy lá thư tuyệt mệnh của Dũng và biết rằng mình không còn có dịp để an ủi và hát cho Dũng ngủ nữa. Tùng thở dài thương cảm cho một thân phận phải chết trong cô đơn.