Tôi định kéo Ricin về đó với tôi. Tôi sẽ không bảo anh chúng tôi đi đâu. Anh sẽ biết lúc ra sân ga, hoặc có lẽ lên xe lửa rồi mới biết. Anh sẽ đứng lên, làm bộ muốn bỏ xuống; suốt chuyến đi, anh sẽ ngó ra ngoài cửa sổ mà lầm bầm, Không đời nào anh đặt chân tới cái thành phố mà ngay cả chó cũng bộ tịch và cát cũng vô tích sự.
Tiết trời cuối thu. Nhà ga Saint-Lazare vắng ngắt. Tôi chờ Ricin trước một quầy báo. Từ một hành lang, một con chó đen vụt xuất hiện, đi băng qua phòng đợi về phía sân ga. Tôi nghe tiếng ai đó huýt sáo không xa. Tôi đưa mắt tìm chủ con chó, tôi có cảm giác hắn nấp trong hành lang. Tôi lóng tai. Người lạ mặt huýt sáo một khúc ngắn, trúc trắc. Tôi rình hắn xuất hiện. Một người đàn ông từ hành lang bước ra, tiến về phía tôi. Ricin bận quần gin, một cái áo len sọc lớn bên trong áo vét lính thủy. Tôi hỏi anh, Anh có thấy ai trong hành lang không ? Anh không nhớ. Tôi chỉ cho anh con chó đen vẫn loanh quanh trong phòng đợi. Anh coi, có vẻ là con chó của người thợ sửa giày. Tôi không nghe thấy tiếng huýt sáo nữa. Tôi kéo Ricin đi. Anh bước theo tôi, chẳng ngước mắt nhìn tấm bảng ghi nơi đến của chuyến xe lửa.
Một chốn nghịch thù, Ricin vụt bảo tôi khi tới D. Chúng tôi ra bãi biển. Ricin buộc tội tôi có những ý ngông của kẻ-làm-văn, anh hùng hổ nói không gì làm anh chán ghét hơn là cái thói trẻ ranh đi thăm biển, lấy xe lửa xe hơi, cứ như phải khẩn cấp chạy trốn thành phố, và rồi thì trơ ra ngoài bãi biển xám xịt, buồn hiu, vừa đi vừa run lập cập, môi tím ngắt và mắt dính đầy cát. Anh bảo, Em đâu còn ở tuổi phóng đi chơi bờ biển, lại cũng chưa đến tuổi đi hành hương hoài niệm các cuộc tình.
Tôi thoáng thấy gần những tấm ván một khối màu đen len lỏi giữa các phòng thay quần áo; tôi ngồi bên Ricin, quay lưng lại thành phố. Đây là lần thứ ba tôi đến D. Bên tôi, Ricin đã thế chỗ Bellemort và Weidman10.
Bellemort chưa từng đến D. vào mùa đông bao giờ. Anh đã kéo tôi đến đây một ngày thứ bảy tháng giêng do chuyến xe lửa tối. Lấy cớ uống trà chiều chủ nhật tại quán rượu khách sạn chính của thành phố. Bellemort đã dành sẵn phòng. Chúng tôi vào phòng mới có mười phút thì Bellemort gọi quầy tiếp khách để bảo cậu thanh niên mặc bộ đồ đen rằng giấy dán tường hoa vàng làm anh nhức đầu. Cậu thanh niên mặc bộ đồ đen đưa chúng tôi đi coi một phòng khác và Bellemort tỏ vẻ ưng ý. Mười lăm phút sau, người hầu mang lên hành lí đơn sơ của chúng tôi, nhưng chúng tôi đã lại lủi mất – tiếng hai cánh cửa cái tủ cũ kĩ kêu kẽo kẹt khiến Bellemort chịu không nổi. Cậu thanh niên mặc bộ đồ đen đưa chúng tôi lên tầng trên cùng, vào một phòng sát mái, tường phủ vải màu kem. Bellemort thở ra khi nhận thấy không có tủ gì hết, ngoài một tủ trong tường ở lối vào. Cậu thanh niên mặc đồ đen cám ơn chúng tôi, bảo chúng tôi cần gì cứ gọi bất cứ lúc nào, rồi đi tìm anh người hầu đang lang thang hết tầng này qua tầng khác, tay vẫn xách hành lí của chúng tôi. Cậu ta vừa bước đi thì Bellemort đã gọi giật lại : anh va đầu phải xà nhà. Chúng tôi không thể ở phòng này vì tường nghiêng khiến anh đi phải khom lưng và phải thận trọng mỗi khi muốn ngoảnh đầu. Cậu thanh niên mặc đồ đen đưa chúng tôi xuống vài tầng, vào một phòng y hệt phòng đầu tiên, phòng chúng tôi đã ở vài phút, duy có khác là hoa giấy dán tường không phải màu vàng mà là màu hồng ngả màu hoa cà. Mắt Bellemort sáng lên vui mừng. Căn phòng vừa đúng ý anh. Anh người hầu bấy giờ mới buông được hành lí xuống. Lúc đó vừa đúng nửa đêm. Hôm sau, Bellemort thú với tôi anh đã đến D. trước đây vài năm để kết thúc một chuyện tình đã thành nhàm chán với thời gian qua. Anh đã qua đêm chia tay trong căn phòng tường dán giấy hồng ngả màu hoa cà. Nằm bên người con gái, anh vừa phải chống trả cơn thèm muốn bóp cổ cô ta, lại vừa sợ mình ngủ quên rồi ra tay sát nhân thực sự.
Lần thứ hai, tôi đến thành phố này tìm gặp Weidman. Tôi ở lại D. ba ngày. Ngày đầu chung sống, tôi nhớ đã đến xưởng vẽ một họa sĩ xem tranh những người đàn bà chân tay thật dài mặc đồ đen, những tấm thân không cân xứng, đầu lớn kinh khủng và đôi chân tong teo như chân bé gái bị bại liệt. Ngày thứ ba, rời D., chúng tôi đã xuống một ga nhỏ tôi không còn nhớ tên, chúng tôi đã thả bộ hàng giờ trên bãi biển này, nơi đầu bãi sừng sững một con tàu buông neo trong bến cảng thành phố kế bên. Nằm dài trên cát, chúng tôi ngủ thiếp đi. Rồi tiếng còi tàu làm tôi choàng tỉnh. Tôi trông thấy một người đàn ông tiến về phía chúng tôi, lưng quay ra biển. Tôi định chỉ cho Weidman người đi về phía chúng tôi, nhưng trên bãi biển chẳng có một ai. Tôi nhớ đến một bức ảnh cha tôi chụp trong Nước.
Trong ảnh, cha tôi mặc quần ka-ki và áo ngắn trắng, ông đi chân không, lưng quay ra biển, mắt nhìn xuống cát không rời. Ông đeo kính đen. Trong ảnh, phần duy nhất thấy rõ được trên mặt ông là vầng trán gồ lên – phía bên phải có một cục u, chắc ông vừa bị ngã.
Ricin bảo, Không khí D. ô nhiễm. Anh muốn bỏ về, nhưng nán lại để dự buổi mặt trời lặn. Một lần hồi còn nhỏ, anh đã cùng với bà anh xem một cuốn phim tới nay anh vẫn không sao nhớ ra tựa đề cũng như tác giả. Anh nhớ một cảnh trong phim, cảnh một đám người vô gia cư, chiều đến, dự chương trình giải trí duy nhất vừa với túi tiền họ : họ ngồi bên nhau, ngắm mặt trời lặn trên màn ảnh lớn của bầu trời. Đôi khi, vào mùa hè, Ricin và bà anh lấy xe đạp đi về đồng quê. Họ ngắm mặt trời lặn. Ricin hi vọng rồi anh sẽ có, như bà anh, linh cảm cái chết của mình. Anh ao ước biết trước một hay hai giờ giây phút định mạng, để có thể đến rạp chiếu bóng mà chết. Anh ao ước chết một thân một mình, trong phòng tối, ngồi giữa hàng ghế trống không, đối mặt với màn ảnh. Anh ao ước chết trong khi xem lại phim Bọn Buôn lậu ở Moonfleet11, cảnh Jeremy Fox bất chợt mềm lòng, bỏ ý phản bội John Mohune, thằng bé cứ bám riết lấy anh, tự nhận là bạn anh, và chắc chắn phải là con anh. Ricin ao ước chết đúng lúc Jeremy Fox che vết thương nơi ngực, che máu thấm loang áo, giã biệt John Mohune, hứa sẽ sớm trở lại và lên thuyền rời xa.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!