Vu Khống Chương 11


Chương 11
Con bé nói nó tin tôi đúng mực vì tôi đã sống bên lề cuộc đời.

Duy có một sự thực về phần con bé mà thôi : lòng thương cha – không phải kẻ tiếm vị, với bộ dáng con nhà gia thế, bộ quân phục sĩ quan, nhưng người kia, người chẳng nên trò trống gì, người ở lại Đất Nước, người họ đã chia rẽ với con bé. Suốt thời tuổi nhỏ, nó đã phải nghe họ chê cười ông. Suốt thời tuổi nhỏ, nó đã chứng kiến cha nó bất lực trước những lời gièm pha, nhạo báng của họ. Suốt thời tuổi nhỏ, nó đã thấy ông cô đơn, không bạn bè, không thân thích, không gia đình chở che. Suốt thời tuổi nhỏ, nó bênh vực ông chống lại họ. Suốt thời tuổi nhỏ, nó đứng về phe cha nó nghịch với cả đám bên mẹ nó. Và bây giờ, bây giờ khi họ đã chia rẽ được nó với cha nó, mẹ nó bảo, Con bênh một người thực ra chẳng phải là cha con nữa kia. Ông cũng biết con không phải là con ông. Ông làm bộ yêu thương con vì con cứ bám lấy ông. Ông làm bộ đấy. Trong thâm tâm ông chỉ cho con là một đứa con hoang thôi. Con nghĩ coi, vì sao cả mười ngày sau ông mới đi làm khai sinh cho con ? Mười ngày ấy, ông có thể lấy gối đè cho con chết ngạt – con đã là gì đâu, chưa vào sổ sách, chưa đặt tên nữa. Nhưng ông làm gì có can đảm. Thế là ông đi làm khai sinh cho đứa con hoang. Lúc nhân viên hộ tịch hỏi, Tên đứa nhỏ ? ông đánh vần cái tên quốc tế cha thực của con đã lựa. Lúc được hỏi, Họ người cha ? ông khai họ ông, kể nghề nghiệp, báo địa chỉ ông. Ông đóng triện của ông vào con đó.

Lòng thương ấy, họ đã phá tan. Khởi đầu bằng cách không ngừng gièm pha người cha, cái kẻ con nhà quê, cái kẻ vô học tiếng Pháp chẳng biết, cái kẻ mộng mơ chỉ vẽ với họa, cái kẻ vô tích sự không biết giá trị đồng tiền, chỉ đem về đồng lương tồi tàn, chẳng bao giờ biết hùng hổ ra oai, cậy thần cậy thế. Sau đó, họ phán rằng phải chia rẽ hai cha con. Lão già phải ở lại trong Nước – đời lão tàn rồi. Cô con gái có cả tương lai trước mắt, phải có đất lành cho nó phát triển. Người cha đành thủ vai kẻ kiêu ngạo, nhất định mình yêu nước thương nòi, sẽ không bao giờ, không đời nào, bước chân ra ngoài biên giới. Cuối cùng là độc chiêu của mẹ nó. Nhờ mẹ nó, con bé được phát hiện mình là con hoang. Nhờ mẹ nó, nó có được một người cha thứ hai.

Họ đã tuần tự phá tan lòng thương ấy như thế, đã triệt hạ con người kia, đến mức tước cả quyền làm cha của ông, đến mức đem thế ông bằng một thứ cha phỉnh gạt — một kẻ cao sang, có giáo dục không chỗ chê, một kì quan. Bao nhiêu năm trời con bé đã suy nghĩ nghịch với họ, đã chống đối hết mọi mánh khóe của họ. Thốt nhiên, nó nao núng. Nó thành, vô hình trung, đồng lõa của họ.

Con bé đã cắt đứt hết mọi ràng buộc đấy chứ. Phiền nỗi nó đa cảm, đầy ảo tưởng, cho nên lại sẵn sàng nối lại nếu được một hình ảnh khác về gia đình ấy. Nó đã hiểu ra rất mau phải đoạn tuyệt với gia đình, nhưng nó vẫn hi vọng họ sẽ cải chính, vẫn hi vọng một ngày nào đó họ sẽ hoá thân, sẽ đến với nó, tâm trí lành mạnh, mê say sách vở, khinh rẻ bạc tiền, tôn thờ nghệ thuật. Ngày đó, nó sẽ mừng phát khóc mở vòng tay đón họ. Chính bởi những ảo tưởng như thế mà họ có thể đánh bẫy nó, lôi nó trở về. Khiến nó tin họ cũng biết cảm nhận thẩm mĩ, cũng bênh vực tiếng sét ái tình. Đó chính là điều mẹ nó đã mưu toan. Đem nhử nó một khuôn mẫu ước mơ : một người cha ham chuộng âm nhạc, làu thông thi ca, vì bổn phận mà phải giết người chứ ngoài đời thường lại là y sĩ. Mẹ nó hiến cho nó những gì tuyệt vời. Tức thì nó sẵn sàng buông rơi khuôn mẫu cũ, đã quá mỏi mòn, không còn bừng sáng, không còn chút ma lực. Đa cảm, nên nó đã thoát li được gia đình. Đa cảm, nên nó quay đầu về.

Đa cảm, nên nó đi tìm tự do. Đa cảm, nên nó đang lộn ngược đường. Nó sắp vào phe quyền lực, vào phe những kẻ giết người.

Dẫu sao nó cũng không thể giả bộ tin rằng người cha ấy, người cha mới tinh mẹ nó kiếm cho nó ấy, đã chỉ là một du khách. Dẫu sao nó cũng không thể vờ hình dung ông ta như mẹ nó tả : tay mang đầy quà cáp, mắt bừng cháy yêu đương và môi khao khát những nụ hôn. Dẫu sao nó cũng không thể quên rằng từ miệng con người ấy đã bắn ra những lời sát nhân, rằng môi con người ấy, đỏ thắm khi áp môi người tình, lại trắng bệch cương quyết khi gào thét mệnh lệnh. Dẫu sao nó cũng không thể cố nghĩ mắt con người ấy đã không thấy gì, bừng bừng vì yêu đương chứ không phải vì những đám cháy do ông ta hạ lệnh thả bom – từ tuốt cao trên trực thăng ông ngó những bóng hình chạy tán loạn cuống cuồng. Khi yên trí công tác mĩ mãn rồi, ông ra lệnh cho viên phi công trực thăng đưa ông trở về bên người tình chờ đón ông trong căn phòng thơm ngát, dập dình tiếng nhạc.

Tất nó không thể quên nhiệt tình của gia đình nó đối với những kẻ quyền thế, cái đám nhân vật hèn mọn ngự trên những ngai nhỏ mọn, cổ thì cứng ngắc nên chỉ nhìn lên những nhân vật nhỏ mọn ngự trên những ngai hèn mọn bên trên chứ chẳng thể trông xuống – những gì bên dưới đáng gì mà ngó đến. Tất nó không thể quên châm ngôn trong gia đình nó là, Người cầm quyền bao giờ cũng có lí. Chính vì thế gia đình nó đã học tiếng nước ngoài : chẳng phải để mở rộng chân trời cho trí tuệ hẹp hòi của họ, mở rộng tầm mắt họ, nhưng để đắc lực hơn cho những kẻ quyền thế – những kẻ quyền thế đều là người nước ngoài. Họ học tiếng nước ngoài chỉ để bòn rút lợi lộc với những kẻ quyền thế, để bảo vệ đặc quyền của họ. Họ chỉ ưa, chỉ giao du với những kẻ quyền thế, tệ lắm, với những kẻ như chúng ta. Những kẻ như chúng ta, nghĩa là bọn vô lại cơ hội, nửa rắn nửa lươn, tìm đến những nơi nào mang mùi tiền, mùi máu. Tất nó không thể quên gia đình nó cho những người bị tàn sát là bọn mưu loạn, bọn người áo đen, gầy gò xấu xí, chẳng biết từ đâu chui ra. Tất nó không thể quên mẹ nó bảo những người dân quê chết lòi ruột gan, những cô thôn nữ bị hãm hiếp đáng kiếp vì cứ ở lì đồng quê – ở thành thị đâu có nguy hiểm gì, ở thành thị những kẻ quyền thế đâu có hung bạo như thế, ở thành thị những kẻ quyền thế lịch sự tuyệt vời, ở thành thị những kẻ quyền thế ngồi xe Mercedes đen loáng đi thăm dân tình, ở thành thị những kẻ quyền thế sai lính đem tặng những người đàn bà đẹp những giỏ táo, giỏ nho – những người lính bị thương giữa hai chân nên tạm thời không ra trận được và vĩnh viễn hết nếm mùi lạc thú -, ở thành thị thỉnh thoảng cũng có tiếng súng nổ ban đêm, nhưng hẳn đó là người ta giết chuột – chuột ở thành thị nhiều đến nỗi bao nhiêu bẫy cũng không diệt hết -, ở thành thị đôi khi, lúc nửa đêm, hàng đoàn quân xa vây kín một khu phố, lính tráng đập cửa, xông vào nhà, xô đẩy trẻ con ngái ngủ lơ láo nhìn họ, lục soát từng phòng, trong khi sĩ quan đòi xét giấy tờ, quát lác những câu hỏi – những câu hỏi không bao giờ thay đổi -, ở thành thị những kẻ quyền thế lo cho an ninh dân chúng, bầy chó săn chuột chỉ hành sự ban đêm.

Phải công nhận gia đình tôi khôn ngoan và chỉ trung thành với tôn chỉ cơ hội của mình. Khi quyền thế đổi chủ, gia đình tôi đã thích ứng thật đáng phục với hoàn cảnh mới.

Những người áo đen, những con chuột người ta tàn sát và vẫn sinh sôi nảy nở trong rừng rồi trong cống rãnh thành phố, lên cầm quyền.

Con bé tất không thể quên mẹ nó xăng xái phụng sự những kẻ quyền thế mới như thế nào. Những người áo đen vừa lên cầm quyền, mẹ nó tức thì lo thiêu hủy những tạp chí nước ngoài, cất giấu ngoại tệ dưới nệm giường; bà soạn ra những tấm ảnh chụp chung với những kẻ quyền thế cũ : không dám xé ảnh mình sợ xui xẻo, bà chỉ cắt giữ hình mình, còn thì đốt bỏ.

Những người áo đen, dạn dày sau bao năm gian khổ, tỏ ra không dễ lợi dụng như những người của chế độ đồi trụy cũ. Mẹ nó kiếm được vài lợi lộc, giữ được vài đặc quyền, nhưng chê những người áo đen thô lỗ. Mẹ nó luôn luôn bảo chỉ có lịch sự mới đáng kể. Bà ưa những kẻ tra tấn thành thạo phép hôn tay, những kẻ giết người nhưng lại biết trao tặng những đoá hồng, bà ưa những kẻ thực hiện việc nhơ nhớp ngoài xa tầm mắt bà rồi trở về bên bà sực nức nước hoa và mặc đồ trắng.

Những người áo đen chẳng sa vào lễ nghi ấy. Mẹ nó rồi chán những tiếng hò hét xen lẫn diễn văn chính trị bà nhất thiết không muốn nghe. Bà chán những bộ đồng phục tẻ ngắt của họ. Bà chán những gói trà họ biếu bà, bà nuối tiếc những giỏ trái cây. Bà chán những viên sĩ quan chẳng ngồi xe đen có tài xế lái nhưng lênh khênh trên chiếc xe đạp han gỉ. Mẹ nó chỉ thấy có thế thôi : những lợi lộc bà không rút tỉa được với chính quyền mới, quá nghèo nên chẳng thể thỏa mãn bà như những kẻ quyền thế cũ.

Với câu hỏi, Tự do hay quyền thế ?, gia đình tôi bao giờ cũng chọn quyền thế, bao giờ họ cũng chọn làm đám nịnh thần, đứng sau bọn người hung tàn, vào phe những kẻ đạp trên xác chết. Một tên tôi tớ thế nào cũng tìm ra một tên tôi tớ khác sẵn sàng phục vụ mình, há mỏ chờ đón ít quyền thế dư thừa. Gia đình tôi luôn luôn hối hả phục tùng. Bởi ai phục tùng đầu tiên tất sẽ là người đầu tiên được dựa hơi quyền thế. Gia đình tôi tự bao giờ vẫn là phát ngôn viên cho kẻ áp bức, người quản gia cho bọn đao phủ.

Còn về tác giả bức thư mực xanh đen kia, tôi dám chắc câu trả lời của con bé cho câu hỏi, Tự do hay quyền thế ? Nhưng nó còn là kẻ tân tòng, còn thời gian cho nó lây những khát khao quyền thế, còn thời gian cho nó ung rữa. Hiện giờ, nó chẳng có điểm tựa nào. Bản năng khiến nó lựa chọn lánh xa. Nó lựa chọn như thế vì trung thành với cha nó, người gớm ghét quyền thế, người, bị gia đình tôi nghiền nát, chưa bao giờ có cơ hội lựa chọn tự do.

Con bé trông chờ tôi kể lại hết cho nó sao ? Trông chờ tôi cảnh giác nó vì cái thiên hướng lao đầu vào ảo tưởng của nó sao ? Trông chờ tôi đưa ra giả thuyết mọi chuyện đời đều tàn độc, quá chừng dung tục ? Có phải nó trông chờ tôi tiếp sức nó vì nó phải tranh đấu với chính mình để không nhượng bộ sự dễ dãi, để không nhận những gì người ta đề nghị với nó, để không nóng đầu ? Có phải nó trông chờ tôi soi tỏ con đường gia đình muốn che giấu nó ? Con bé nói nó tin tôi đúng mực vì tôi đã sống bên lề cuộc đời.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/52873


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận