Nga đắm mình trong bản nhạc du dương, buông cả cơ thể theo điệu nhảy valse. Khoảnh khắc này cô có thể rạp người sát sàn nhảy mà vẫn tin tưởng mình sẽ không bao giờ ngã. Từ giờ trở đi, từ đêm nay, đôi tay chai sần rám nắng này sẽ chở che phần đời còn lại của cô.
Tám năm trước (1994)
Tuấn là quản đốc làm việc trong Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, một người chững chạc, rất có uy tín và được anh chị em trong nhà máy quý mến. Anh có một gia đình nhỏ, một người vợ hiền. Liên người gốc Bến Tre, lạ nước lạ cái theo chân các chị em khác lên Sài Gòn lập nghiệp. Anh lúc đó cũng là công nhân ở nhà máy, chị em mới vào nghề đều nhờ anh hướng dẫn công việc. Anh có cảm tình với Liên từ những ngày đầu gặp nhau. Chạy chiếc xe Cúp 50 cũ kỹ nhưng vẫn còn ngon lành, anh đèo Liên đi tìm nhà trọ, chăm chỉ đưa rước cô đi làm. Được hai năm quen nhau (1996) thì anh về quê ra mắt gia đình Liên. Tuấn mồ côi nên chẳng có họ hàng, họ tổ chức tiệc cưới nho nhỏ thết đãi họ hàng Liên và bạn bè thân trong nhà máy. Một năm sau (1997) Liên mang thai đứa con gái đầu lòng. Những tưởng cuộc đời dường như ưu ái cho những người hiền lành như vợ chồng anh. Tuấn được anh chị em tín nhiệm bầu lên chức quản đốc. Cuộc sống gia đình họ khá giả hơn. Rồi mọi thứ dần thay đổi, không ai biết trước những điều cuộc đời mình sẽ trải qua.
Một hôm thành phố chìm vào màn mây đen kịt, gió giật mạnh từng cơn liên hồi. Liên đang trên đường từ chợ về thì trời bắt đầu mưa to, gió cuốn phăng mọi thứ trên đường, người thì bụng mang dạ chửa đã gần đến ngày sinh, trong chớp mắt một chiếc taxi từ đâu quẹo cua gắt khiến Liên không làm chủ được tay lái, nó đâm sầm vào người cô. Người dân ở trong nhà thấy bà bầu bị đụng xe liền kéo nhau chạy nháo nhào ra xem người bị thương thế nào, máu loang ra lẫn vào nước mưa. Liên chỉ còn thều thào nổi ba từ “Cứu con tôi”. Nhận được điện thoại hay tin vợ có chuyện, Tuấn hớt hải bỏ hết mọi thứ chạy ào vào bệnh viện. Bác sĩ nói vợ anh bị mất máu nhiều và đứa bé trong bụng cần phải được mổ để lấy ra, nhưng phần nguy hiểm xảy đến với người mẹ sẽ rất cao. Khoảnh khắc đó, Tuấn như chết lặng đi. Anh đang đứng ở ngã ba đường, chính anh phải chọn lựa. Cứ như trong một tình huống oái ăm của bộ phim truyền hình nào đó, hẳn là biên kịch sẽ chọn lựa cho nhân vật nam thay vì anh phải đối diện với sự chọn lựa của chính mình. Anh nói với bác sĩ bằng mọi giá phải cứu lấy người mẹ, đó là quyết định của anh. Nhưng kết quả của đêm hôm đó không như anh mong đợi, bác sĩ đã cố gắng hết khả năng nhưng đã không cứu được Liên, thay vào đó họ chỉ kịp lấy đứa bé ra trước khi người mẹ trút hơi thở cuối cùng. Nét mặt Tuấn lúc này như người bị lấy đi cả sinh mệnh, suốt đêm anh ngồi một góc bên cạnh băng ghế dài đặt trước khoa cấp cứu, người lạnh cóng, ánh mắt vô hồn, miệng chỉ thều thào gọi “Liên ơi”.
Đứa bé gái nhỏ xíu, yếu ớt đang đếm từng ngày tồn tại trên cõi đời, đứa nhỏ được chăm sóc đặc biệt. Kỳ diệu thay, nó sống sót đã hơn hai tuần. Sau đó Tuấn đưa con về nhà, con bé được đặt tên là Cỏ May, loài cây có sức sống mãnh liệt, anh kỳ vọng cha con họ sẽ làm được điều đó. Nhờ có tình thương của hàng xóm láng giềng mà May được đón sinh nhật thứ năm trong đời mình, cha thì tăng ca liên tục để có tiền lo cho con bé, vì khi sinh ra đã yếu ớt nên em thường xuyên nhiễm bệnh. Cứ tưởng đời anh đau khổ đến đấy đã đành, nhưng vẫn còn đó những đớn đau trước mắt hai cha con. Một đợt sốt cao tấn công cơ thể nhỏ bé ốm yếu của con bé, bác sĩ ở phòng khám đã nhận định nhầm cơn sốt thông thường với sốt bại liệt, họ không kịp cứu con bé, với Tuấn, nỗi đau gần như quá sức chịu đựng của một người đàn ông. Anh chỉ cầu cho sự sống của con bé chứ không mong con bé được tay chân lành lặn như bao đứa trẻ khác. Trời cuối cùng cũng thương xót, May vượt qua được cửa ngục tử thần trở về với cuộc sống nhưng em không còn đôi chân phát triển như các bạn khác. Cơn sốt năm đó đã khiến em ngồi yên một chỗ không còn đi lại được nữa.
Bảy năm sau (2004)
- May ơi, con đang làm gì đó, ra cha có cái này cho con đây.
- Con đang nấu ăn này cha, hôm nay dì Tư đi chợ về ghé qua cho cha con mình khứa cá hú ngon lắm, con đang nấu canh chua, cha thích nhất món này mà.
- Hấp dẫn quá nhỉ. Con coi chừng phỏng tay đấy. Hôm nay lãnh lương, cha mua quà cho con đây.
- Cha đợi con tắt bếp đã nhé.
Cỏ May hai tay chống nạng, nhưng con bé di chuyển rất linh hoạt từ nhà dưới lên nhà trên. Con bé hỏi anh:
- Cha mua gì cho con vậy?
Trước mắt con bé là một chiếc xe lăn có tay đẩy hỗ trợ việc đi tới đi lui. Con bé mắt ngấn đầy lệ, thấy nó khóc, anh hoảng hồn.
- Con sao thế May, con không thích thì cha đem trả lại nhé, con đừng khóc nè.
- Dạ không, con không sao hết, cái này mắc lắm, cha mua cho phí vậy, con đi nạng được rồi mà.
- Con bé ngốc, dạo này ở nhà máy nhiều việc quá, cha đưa con đi học thì kịp chứ đã chục lần cha không kịp về đón con, hôm thì dì Tư đón con, hôm thì bác Tám, cha sợ phiền hàng xóm mình, mua cái này thì cha con mình sẽ tập luyện cho con tự đi học, tự đi về nhà, con muốn đi đâu chơi bọn trẻ cũng dễ đưa con đi hơn mà.
- Con cảm ơn cha.
Điều duy nhất có ý nghĩa với Tuấn trên đời này là cô con gái nhỏ bé mà Liên để lại, những ngày gian khổ để con bé hòa nhập với lũ trẻ hàng xóm, để vượt qua tự ti mặc cảm rằng hình hài của mình không vẹn toàn, để con bé lớn lên từng năm một trong niềm vui. Tuấn đã dành cả phần đời mình để làm cha mà cũng làm mẹ của Cỏ May.
Ngày 15 tháng 7 năm 2009
“Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday happy birthday, happy birthday to you!”
Chúc mừng sinh nhật May, chúc May tròn tuổi ngày càng dễ thương ngoan ngoãn và học giỏi nhé.
Cỏ May đang vui vẻ tận hưởng sinh nhật lần thứ mười hai của mình cùng bạn bè và các cô chú bạn của cha. Đột nhiên cha nói cha muốn giới thiệu với May một người bạn. Cô tên là Nga. May chào cô có chút dè chừng. Con bé không mải mê chơi với các bạn nữa mà dồn hết sự chú ý vào cô Nga. Nó nhìn cô hồi lâu, một người phụ nữ tầm ba mươi tuổi, nước da ngăm, cao chừng mét năm lăm, thân hình thì gầy guộc, duy có mái tóc cô tuy chỉ dài ngang vai nhưng sở hữu màu đen tuyền bóng bảy, gương mặt cô thoạt nhìn như trông thấy đâu đó rồi mà trí nhớ của nó không cho phép nhớ nhiều hơn được nữa. Nó thấy cha ngồi cùng bàn với các cô chú, nhưng sao cha nó lại ngồi kế bên cô Nga, nó thấy cha không gắp thức ăn cho các cô chú khác mà tại sao lại gắp thức ăn cho cô Nga, cha lâu rồi không có cười với mọi người nhiều như vậy, cha chỉ cười với nó thôi. Nó không thích cô Nga chút nào, tại sao nó lại không thích cô ấy? Nó không muốn ai đó chen vào cuộc sống của cha con nó, đúng, chính vì như vậy.
Buổi tiệc sinh nhật đầu tiên nó thấy không vui tí nào, những năm trước đây, mỗi lần sinh nhật, cha đều đưa nó đi công viên, mua cho nó cây kem ốc sô cô la ba viên thật to, rồi cha mua cho nó viết chì màu, cha mua gần như đủ bộ đồ nghề học vẽ qua từng năm tích góp. May không đi lại được nhưng bàn tay mười đóa hoa tay của nó lại vẽ nên những bức tranh tuyệt vời, lần đầu tiên Tuấn khóc sau bao nhiêu năm vợ mất là ngày May khoe anh bức tranh về một gia đình có cha, May và mẹ May nữa. Tất cả bản mẫu trong đầu con bé là những tấm ảnh chụp chung của cha và mẹ, vậy nên những gì nó vẽ giống như dao nhọn xoáy vào vết thương anh lâu ngày tưởng đã liền da.
Năm nay sinh nhật của May thật đông vui và náo nhiệt, ai cũng thích thú và khen thức ăn ngon, tặng cho May vô khối quà đến nỗi mọi người phải phụ em gỡ từng món từng món một. Đến món quà của cô Nga, nó chẳng muốn đụng tới, cô thấy vậy liền tươi cười mở quà hộ nó, đó là chiếc kẹp tóc thật xinh, có hình con thỏ màu hồng mà May ngắm mãi trong siêu thị mỗi lần đi mua đồ với cha nó. Nó tức tối vì sao món quà nó thích lại do cô Nga tặng cho, bây giờ nó ghét cái kẹp tóc đó, nó không thích chút nào nữa, nó tặng lại cho một con bé nhà cách nhà nó ba căn, con bé đó tóc ngắn cũn cỡn chẳng hợp với chiếc kẹp chút nào, nó nghĩ thầm trong bụng. Tối hôm đó cha hỏi nó có vui không, nó nói không vui tí nào, nó không thích ồn ào náo nhiệt, nó chỉ muốn cha và nó lại đi công viên ăn kem, lại đi vòng vòng ngắm đèn Sài Gòn, ra chỗ tượng Bác Hồ cha nó ngồi trên xe, nó thì cặp đôi nạng lạng khắp một vòng. Cha nó chợt hỏi:
- Con thấy cô Nga thế nào? Cô Nga rất tốt bụng, trong công ty cô được mọi người ưu ái gọi là Chủ tịch Công đoàn. Cô thường vận động mọi người để giúp đỡ cho các anh em trong nhà máy đang gặp tình huống khó khăn. Rất nhiều lần cô đã giúp cho cha con mình đấy.
- Con không thích cô đâu, con không thích cha khen ai hết, con không thích cha nói đến cô đó trước mặt con, con ghét cái sinh nhật này lắm.
Con bé bỏ vào giường ngủ để lại anh một khoảng sâu hun hút, đã nhiều năm rồi anh ở một mình nuôi con, người đàn ông đồng lương vừa đủ để duy trì một mái nhà nhỏ, lo cho bữa ăn, cho việc học, cho sức khỏe của đứa con gái không thể đi lại trên đôi chân bé tẹo của nó, người đàn ông như anh chưa bao giờ mơ nghĩ gì đến chuyện có một người bạn đời sẻ chia. Ai mà muốn vác cái gánh anh mang trên vai mười mấy năm qua? Một năm trước anh tham gia cùng các anh chị em trong công đoàn để giúp sức cho một công nhân nhà máy xây lại ngôi nhà của mình không may bị cháy lan từ một căn nhà thu mua phế liệu. Sát cánh bên nhau nhiều ngày liền anh dần có cảm tình với Nga, nhiều lúc anh không biết là thứ tình cảm tắt nguội bao lâu của anh được Nga nhen nhóm lại bằng tấm lòng chân thành hay là vì từ lần đầu nhìn thấy chị trên sân khấu hội trường, anh đã có cảm giác như Liên đang đứng trước anh, một con người bằng xương bằng thịt nhìn anh mỉm cười. Hai năm trôi qua, tình cảm chị dành cho anh phần nào động viên anh gượng dậy những khi bé May đau ốm, những cơn co giật, lại thêm đôi chân càng qua năm tháng càng bé nhỏ dần. Anh cảm mến tất cả những điều đó. Thế nên anh muốn nhân dịp sinh nhật May sẽ giới thiệu Nga với con bé. Chị cũng không hề buồn anh khi thấy phản ứng của bé May không tích cực tẹo nào. Con bé vốn dĩ không phát triển được bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa, nó chỉ có cha là điểm tựa, giờ đây ai đó muốn chia sẻ điểm tựa của nó, nó không thể chấp nhận, tuyệt đối không, vả lại nó mới mười hai tuổi.
Ba năm sau
Tuấn đang trong nhà máy chỉ dẫn các công nhân quy trình sản xuất thì có người báo anh có cuộc gọi khẩn cấp từ gia đình. Trống giục liên hồi trong tim hệt như ngày anh nhận được cuộc gọi báo tin Liên gặp tai nạn năm đó. Anh lao xuống phòng nhận cuộc gọi, trong một thoáng anh buông rơi tay cầm, cố gắng lấy lại bình tĩnh, anh quay lại dặn dò mọi người trước khi đi. Anh lái xe thật chậm đến bệnh viện. Dì Tư gọi báo tin bé May gặp tai nạn trên đường đi học về, trống tiết nên giám thị cho các học sinh về sớm. Trên đường về có đám thanh niên nhậu say xỉn tông xe vào vệ đường, chiếc xe trượt nhanh làm con bé bị ngã theo và ngất tại chỗ, người ta đưa nó vào bệnh viện, đến giờ nó vẫn chưa tỉnh lại. Anh như muốn gào lên giữa trời, ông trời sao không hành hạ thân thể còn khỏe mạnh này của anh mà giày vò chi thân xác con bé từ ngày sinh ra đến giờ, đến khi nào con bé mới được vẹn toàn qua hết tai ương đây. Anh đến phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, khoác cái áo mà y tá đưa cho, anh đứng nhìn con bé như đang ngủ rất ngon, đó là thiên thần nhỏ mà ngày xưa anh đã hứa với Liên nhất định dưỡng dục nó thành người. Liên ơi, anh mệt mỏi quá!
Một bàn tay ấm áp đặt trên vai anh, là Nga.
- Bọn em nghe tin nên đến thăm cháu, em có hỏi thăm bác sĩ rồi, chấn thương ở đầu có thể khiến con bé ngủ lâu một chút nhưng không ảnh hưởng về sau đâu anh à. Đây là chút tấm lòng của anh em để hỗ trợ cha con anh viện phí và thuốc men. Anh gặp khó khăn gì đừng ngại nói với em nhé.
- Cảm ơn Nga! – Anh nghẹn lời.
Những ngày sau đó anh xin nghỉ hẳn ở nhà máy để chăm sóc con nhỏ. Mỗi buổi chiều khi đi làm về, Nga đều ghé qua mang bữa tối cho anh, chị ngồi kế bên con bé, lấy khăn ướt lau mình cho May, chị cũng mệt sau một ngày dài đi làm, nhưng thấy anh ngày một tiều tụy chị càng phải cố gắng để anh không phải đơn độc lúc này. Vài hôm anh ốm, chị ở hẳn bệnh viện chăm sóc May, các bác sĩ và y tá đều tấm tắc thán phục nghị lực của anh chị, dù biết anh là cha đơn thân nhưng họ vẫn hay bông đùa gọi anh chị là cha mẹ bé May. Những tiếng cười đùa cho cuộc đời thêm phần tươi sáng đều đi vào giấc ngủ của em.
- Mẹ ơi! Mẹ… Có phải mẹ đó không, mẹ đừng đi mẹ ơi!!!
- Mẹ đây, Cỏ May của mẹ ngoan nhé, hôm nay con có gì để kể mẹ nghe không nào.
- Có mẹ ạ, hôm nay cha mua cho con áo mới, mẹ nhìn con có xinh không?
- May của mẹ là đáng yêu nhất trên đời.
- May này, sẽ có lúc mẹ xa rời con, không thể ở bên con như những ngày này mãi được, lúc ấy con không được khóc không được buồn nhé, vì con buồn mẹ rất đau lòng con biết không?
- Nhưng mẹ ơi, con không thể có mẹ có cha được sao, con không cần đôi chân để đi, đôi tay để vẽ, con chỉ cần có mẹ và cha bên con thôi.
- Mẹ hứa với con là cha mẹ sẽ bên con mọi lúc, nhưng con phải hứa với mẹ, khi con nhìn thấy ai là mẹ, con đều phải yêu thương và quý trọng người đó, được chứ con yêu?
- Dạ nhất định mà mẹ.
- Mẹ đi đâu vậy mẹ ơi… mẹ ơi!!!
…
- Con bé chớp mắt rồi, anh Tuấn ơi, cô y tá ơi, con bé tỉnh lại rồi này!
Chị Nga mừng huýnh gọi tất cả mọi người đến xem May thế nào.
- May, con nghe cha gọi không May, mở mắt ra nhìn cha đi con!
May từ từ hé mở mắt, trước mặt con bé, cha và mẹ đang gọi nó thức dậy. Nó vui quá, mẹ nó đã giữ lời hứa với nó. Nó ngồi nhỏm dậy, cha mẹ đang vòng tay ôm lấy nó. Nó thút thít vừa khóc vừa nói:
- Con nhớ cha mẹ lắm!
Rồi bác sĩ đến khám cho nó, nó đã phục hồi trong tình trạng tốt, một lúc sau nó hỏi cha: mẹ nó đâu? Tuấn bàng hoàng hỏi:
- Con đã gặp mẹ rồi sao May, mẹ có dặn dò gì cha không con?
- Mẹ nói con phải ngoan để giúp đỡ cha, không được để cha buồn. Cha buồn con buồn thì mẹ sẽ rất buồn.
Tim anh như thắt lại trước những gì con bé nói, anh sẽ không để Liên buồn đâu, anh sẽ sống tốt vì con, em nhé.
May thấy cô Nga đứng nấp đằng sau cửa, con bé gọi tên cô, cô vui mừng lắm.
- Cô Nga ơi, con đói bụng rồi, mình mua gì về cả nhà cùng ăn nhé cô, ăn xong con sẽ vẽ tranh tặng cho tất cả mọi người ở đây.
Nga và Tuấn đều lặng người nhìn nụ cười trên môi con bé. Nga lấy gấu tay áo chậm nước mắt lăn từ lúc nào. Tuấn một tay ôm con, một tay siết chặt tay cô, điều duy nhất anh nghĩ lúc này là “Cảm ơn em”.