Đàn Bà Ba Mươi Truyện ngắn 10

Truyện ngắn 10
Không có bông hồng cài áo

Những bông hồng cài áo trong mùa lễ Vu Lan, màu đỏ cho những ai còn mẹ, màu trắng cho những đứa con mồ côi, thực ra xuất xứ từ Mỹ với Mother Day vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm.

 Nhưng nó đã Việt hoá tới mức, không ai còn nhớ Mother Day của tháng Năm ở Mỹ mới là ngày đầu tiên bông hoa trắng rưng rưng đánh dấu lên ngực trái những đứa con. Chỉ còn lại xúc cảm và thương xót khi nghĩ về người mẹ đã mất sớm ở Việt Nam.

 Cho dù mẹ sống bao nhiêu tuổi, mẹ vẫn luôn mất sớm. Luôn luôn là sớm. Ai chả muốn có mẹ suốt cuộc đời.

 Một ngày đầu tháng Năm, chủ nhật, tôi nhận được một bó hoa gửi qua đường bưu điện, đặt trong một hộp các-tông lớn vuông vức được bao gói rất kỹ. Một bó hoa lớn, rất nhiều cẩm chướng. Bó hoa tươi được gửi từ Đào Viên về tận Cao Hùng, gần năm trăm ki-lô-mét, chứ không phải loại điện hoa đặt tiền là họ mua hoa cạnh nhà mang tới, vì thế nên nó thật đặc biệt.

 Tôi hỏi người gửi tặng, vì sao kỳ công thế. Tôi nghĩ đây là một chiêu tán tỉnh của anh chàng, vì tên tôi trong tiếng Hoa là tên của loài Cẩm Chướng.

 Anh nói qua điện thoại, không phải đâu Trang Hạ ạ, anh tặng em vì em là một người mẹ, em đang ở xa con em. Hôm nay là ngày Lễ của các bà mẹ Mother Day, và anh thay con em tặng em hoa. Cẩm Chướng là hoa dành cho các bà mẹ, để họ biết rằng, con cái muốn nói con cảm ơn mẹ đã sinh ra con.

 Nước mắt không biết từ đâu ùa tới như một cơn mưa nhỏ. Tôi không xúc động mà tôi đau đớn, vì tôi nghĩ tới người mẹ đã mất của tôi. Tôi chưa bao giờ tặng hoa cho mẹ tôi. Tôi chưa bao giờ tặng mẹ tôi bất cứ thứ gì, kể cả sự dịu dàng, yêu thương mà tôi hào phóng cho những người xa lạ, những người thậm chí có khi quay lưng làm tôi đau đớn.

 Nếu mẹ tôi còn sống, chắc bây giờ tôi cũng vẫn cáu kỉnh với mẹ tôi, phàn nàn những việc bà không làm tôi vừa ý, than vãn với bà về cuộc sống vất vả, xa cách, và sau đó tôi chắc cũng vẫn ngắt điện thoại bực bội khi mẹ tôi bắt đầu dài dòng dặn tôi, khuyên bảo tôi.

 Tôi cũng đau đớn vì hiểu ra rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ như mẹ tôi, không thể ở bên con tôi mãi mãi. Cuộc sống vốn là như thế, người này truyền sự sống cho người kia. Nhưng lẽ nào phải chờ cho đến lúc cuối cùng ấy, mới nhận ra nhiều chục năm về trước, mẹ quý giá với mình biết bao?

 Ngày Lễ của Mẹ năm sau đó, tôi không nhận được bó hoa nào nữa, người bạn kia rốt cuộc cũng chỉ là sự xúc động trong một khoảnh khắc, nhưng mỗi khi đi qua những cửa hàng bán lẻ dọc phố, thấy bày Cẩm Chướng đỏ, tôi thương làm sao những khoảnh khắc đã qua, những hình ảnh tôi không thể nhớ gì trong ký ức nhưng được người khác nhắc rằng có một thời tôi cũng là đứa trẻ chập chững, và nhận ra mẹ mới là yêu thương lâu bền, yêu thương vượt lên tất cả mọi chia cắt trong đời:

 “Mẹ đã mất rất nhiều thời gian

 Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm

 Mẹ dạy con buộc dây giầy, chải tóc, lau nước mũi”

 Nhưng tôi không còn cơ hội để nghe mẹ tôi nói, một ngày nào đó:

 “Mẹ xin con hãy nắm tay mẹ, 

 Dìu mẹ, chậm thôi

 Như năm đó,

 Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.”(*)

 Thời gian là vòng quay không ngừng nghỉ, trên mọi số phận mọi gia đình. Và tháng Năm ấy ngày Lễ của Mẹ, tôi tham gia cùng công ty Viễn thông Trung Hoa tổ chức hàng chục máy điện thoại cho các cô dâu Việt Nam gọi điện miễn phí về gia đình. Họ có thể không biết tới sự tích hoa trắng hoa đỏ, không biết gì về Mother Day, họ chỉ tấp nập tới vì nghe nói ở đây được gọi điện không mất tiền về Việt Nam, mỗi người mười lăm phút. Nhưng mỗi mười lăm phút ấy là một bông Cẩm Chướng tôi hy vọng các cô trao nó cho người mẹ đang ở Việt Nam.

 Người mẹ không trông đợi món quà nào đâu. Mọi người mẹ đều chỉ mong con mình hạnh phúc. Hoa và lời chúc thực ra chỉ là thông điệp rằng, mẹ ơi, con thực sự hạnh phúc. Vì con có mẹ sinh ra con trong đời này. Nếu một ngày chúng ta phải chia tay nhau, chúng ta cũng sẽ vẫn chia tay trong hạnh phúc.

 Bởi tôi thấy thực ra, tôi nên bình an khi mẹ mất sớm. Tôi thà khóc vì mẹ chứ không còn muốn để mẹ phải rơi nước mắt vì tôi một lần nào nữa, trong đời này.

 (*) Trích từ “Thơ viết trên tường viện dưỡng lão” của Thuỷ Khởi – Đài Loan do Trang Hạ dịch, in trong tập “Mẹ điên” – NXB Phụ Nữ 2008

Nguồn: truyen8.mobi/t103060-dan-ba-ba-muoi-truyen-ngan-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận