Đất Độc Chương 5

Chương 5
Câu chuyện thứ 8: QUÁI VẬT SÔNG HỒNG

Theo lẽ thường tình, con người sống tại nơi nào thì cũng mang trong mình nỗi sợ về một điều mơ hồ ở nơi đấy. Đối với dân sông nước và vạn chài, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là “Hà bá”. Hà bá là gì không ai biết, nhưng theo các cụ xưa kể thì đó là thần, được trời cử làm quan cai quản một khúc sông.

Theo đó dân chài sinh ra tục thờ Hà bá, cầu cho những chuyến câu, mẻ lưới được thuận lợi, cuộc sống trên thuyền nay đây mai đó được yên ổn và không bị yêu ma quấy nhiễu. Dần dần, họ hình thành những “giao ước” ngầm, bất thành văn để thỏa hiệp với Hà bá. Người sắp chết đuối, dù có vẫy vùng gào thét, hay là người thân chăng nữa, thì người làm nghề sông nước cũng không bao giờ được cứu.

Nếu cướp người đó khỏi tay Hà bá, cả nhà họ sẽ phải đền mạng. Dù sao đây cũng chỉ là một hủ tục, trong câu chuyện này tôi xin phép không đề cập đến, vì đối với người dân làng tôi, có một thứ còn đáng sợ hơn Hà bá, được biết với cái tên “Thuồng luồng”.

Cách đây chừng một năm, trên báo mạng có viết về một loài rùa khổng lồ sống trên sông Hồng ngày trước. Chúng cứ mất dần, cho đến khi chỉ còn một con rùa sống trên bãi giữa. Con rùa này mai to bằng cái phản, đen trũi, hay lên bờ cắp trâu tha xuống sông ăn. Dân ven làng sợ lắm, tìm cách trừ nó. Đuổi đánh một thời gian, cho đến khi một mũi lao ghim trúng vào người, con rùa mới bơi ngược dòng biến mất. Người ta nói con rùa đấy sợ, lại bị dân truy đuổi nên trốn mất, nhưng với ông bà và người làng tôi thì mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Cách đây khoảng hơn mười năm, hồi ông tôi còn sống. Ngày ấy ông vẫn ra sông tắm, nhưng không còn khỏe như trước. Ông là dân bờ bãi từ nhỏ, gan dạ, cường tráng, nhưng cũng tuyệt nhiên kiêng cữ, tránh động chạm đến thần thánh hay loài ma nam ngoài sông. Đều như đếm, sáng tinh mơ 6 giờ ông tôi ra bơi, đếntầm sáu rưỡi 7 giờ kém là về ăn sáng. Mọi thứ cứ thế lặp đi lặp lại cho đến một ngày. Hôm đấy cả nhà cậu D, cậu C đi vắng; dì T làm ở Hà Nội nên nhà chỉ có ông bà. Tám giờ sáng, không thấy ông về, bà tôi hốt hoảng đi tìm. Bà biết chắc ma không bắt ông vì vía ông rất nặng, chỉ lo ông bị trúng gió mà ngã xuống nước thì không biết thế nào. Chạy ra bờ sông, bà thấy ông tắm ở giữa sông, tay chân vẫn kì cọ bình thường. Bà cất tiếng gọi ông vào, nhưng không thấy trả lời. Ông vẫn thản nhiên tắm. Bà bước đến gần hơn, sát bờ sông, định bụng gọi to cho ông nghe thấy, lúc này bà mới phát hiện ra một điều kinh hãi. Chỗ ông đang tắm cách bờ tầm chục mét, nước sâu quá đầu, nhưng ông vẫn nhô nửa người lên, hai tay kì cọ như đứng trên một vật gì đấy. Sững sờ một lúc, linh cảm chẳng lành bà cất tiếng hét thất thanh, ông giật mình quay lại, chúi người ngã bổ ra đằng sau. Chỗ ông đứng gợn thành một dài sóng kéo dài, nghe oạp một tiếng rất lớn. Ông vẫn tỉnh táo hoàn toàn, bơi về bờ.

Ông kể bơi ra đến đoạn sông như mọi khi, đang định ngụp mấy cái rồi về, thì tự nhiên chân ông lần được hòn đá trơn nhẵn, rộng khoảng một mét nhô lên ở đáy. Rồi chẳng hiểu sao ông tôi lại đứng lên hòn đá ấy, tắm rửa bình thường, cảm thấy trong người mơ mơ tỉnh tỉnh. Bà bảo ông tắm sông được hơn hai giờ rồi, nhưng ông không tin, vì ông mới chỉ đứng lên đấy được một lúc, chưa được mười phút thì thấy bà gọi. Bà nói, lúc ông ngã nghe tiếng oạp rất to, và sông gợn sóng kéo dài kì lại. Ông bà hoảng quá cùng nhau về thẳng.

Đi hết cầu Chương Dương, qua ngã tư Ngô Gia Tự - đường 5, đoạn Khu đô thị Việt Hưng là làng rắn Lệ Mật. Ở cái đất này rắn nhiều vô kể, dữ và có mặt ở khắp nơi. Từ xưa, làng Lệ Mật đã nổi tiếng với đặc sản rắn, dân lũ lượt kéo đến thưởng thức, làm ăn phát đạt vô cùng. Người ta cất nhà, tậu xe, xây đường lớn cũng từ mạng rắn mà ra. Cũng từ đó mà sinh ra lắm chuyện kì dị. Ngoài những con trâu con bò đột nhiên mất tích, hay có những tiếng động rột roạt lúc nửa đêm ngoài làng. Hồi đấy, bên phía quê tôi còn nhiều cây cối, dân thưa thớt chứ không náo nhiệt như dải phố Nguyễn Văn Cừ bây giờ. Dân sợ, mời thầy bên làng tôi sang xem. Thầy làng tôi sang, coi qua một vòng trong làng, biết có chuyện lạ, khu này đã có một cái Tinh lớn. Thầy bèn lập đàn, lấy máu trâu bò đổ một đường ra sông rồi tế 49 hình nhân ngoài đó. Tối đến cả làng nhà cửa đóng kín mít, đến nửa đêm nghe tiếng rột roạt rất nhanh mà mạnh, cả tiếng rít xè xè lẫn trong gió. Sáng ra, vệt máu trâu bò hôm trước lằn nguyên vết đất bị cày xới ra đến tận ngoài sông. Ông thầy lĩnh tiền rồi ra về. Mười ngày sau người ta tìm thấy xác ông thầy trên bờ đê làng, gãy hết xương cốt, máu trào từ mũi, miệng, tai tong tỏng, hai mắt đã bị nổ nát bét. Từ đấy trở đi, ngoài bờ sông làng tôi hay nghe tiếng ì oạp lúc nửa đêm.

Hồi còn bé, mẹ tôi hay xin nước gạo ngoài Hà Nội về nuôi lợn. Đường xá hồi ấy rất thưa người, mẹ tôi lại hay đạp xe về muộn. Có một xẩm tối, đang thong dong đạp xe trên cầu Long Biên, mẹ tôi thấy một cái gợn to dưới mặt sông. Mẹ kể, năm đấy nước lên cao, cách mặt cầu chưa đầy năm mét, dừng xe nhìn kĩ, mẹ tôi tá hỏa nhận ra dưới cái gợn đấy, sát mặt là bóng một con rắn cực kỳ lớn, đen sì đang bơi từ từ về phía bãi làng tôi. Mẹ bảo chẳng ước lượng được nó dài bao nhiêu mét, vì lúc đấy còn bé, với lại hoảng quá nên chẳng nghĩ được gì; chỉ nhớ nó dài lắm, lúc trồi lúc lặn, đầu có cái sừng lớn màu đỏ. Mẹ tôi đứng trố mắt nhìn được một tẹo thì nó lặn xuống đáy sông.

Tết năm ấy cả nhà ngoại tôi đi chùa trong làng. Sư ông là người cao tuổi, sống ở làng từ khi còn là chú tiểu bé con. Bà tôi đem chuyện hỏi sư ông, sư mặt đăm chiêu một lúc lâu, rồi bảo ra bàn nước ngồi nói chuyện. Sư kể, từ cái năm thầy pháp kia đi trừ tà, cái Tinh đấy theo về làng, trả thù ông thầy pháp vì làm nó mất chỗ kiếm ăn. Đấy là cái tinh rắn, do oan khí của rất nhiều con rắn bị giết ăn thịt hợp lại. Lâu dần nó thành ma ngoài sông. Con này ngủ dưới đáy sông, ăn xác người chết trôi qua hoặc bắt trộm trâu bò ven bờ. Con rắn này to và khỏe vô cùng, nhưng không bắt người bao giờ. Sư bảo có lẽ tại Thành hoàng làng mình thiêng và yểm ngoài bãi nên yêu ma không phạm được vào trong. Những con rùa khổng lồ ngày xưa chắc đã bị con này cuốn chết hay bị ăn thịt. Điều này sư khẳng định, bởi từ sau năm con tinh này về, loài rùa ở sông cứ mất dần, rồi tuyệt diệt. Cái ụ ông ngoại tôi đứng lên là lưng nó, nó muốn dìm chết hoặc bắt ông nhưng vì vía ông nặng quá, là dân thổ địa của làng, lại có bà tôi ra gọi kịp nên chưa làm được gì. Bây giờ mỗi khi về quê, qua cầu, lúc nào tôi cũng nhìn xuống sông. Nước vẫn cuộn những vệt đỏ dập dềnh.

Nguồn: truyen8.mobi/t98711-dat-doc-chuong-5.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận