Đôi Môi Của Nước Chương 3

Chương 3
Trong cái tên, ấn chương

Đây là câu chuyện của một người Mộng du, do một người Mộng du khác kể lại; cuộc phiêu lưu của một người đàn ông, hay đúng hơn là của hai người đàn ông ước muốn quay lại thiên đường. Cả hai người đều tin mình từng biết tới thiên đường. Họ mang trên cơ thể những dấu ấn của việc họ đã đi qua nơi chốn đặc biệt này, những dấu thần của niềm khao khát và những con dấu của nỗi đam mê.

Thời gian, khoảng cách, mọi thứ chia cách họ; chỉ có trạng thái sống trong mơ kết nối họ lại với nhau. Truyen8.mobi

Tôi nói “họ”, song đáng ra tôi phải nói là “chúng tôi” thì mới đầy đủ sự chân thành và đỡ hổ thẹn hơn, bởi vì, như tôi vừa nhận ra, người đàn ông thứ hai chẳng phải ai khác mà chính là tôi. Aziz đã xa, nhưng tôi cảm thấy như ông ở ngay bên cạnh mình lúc tôi phát hiện ra những dấu thần của ông trong tất cả thư tác ông viết, trong tất cả những điều tôi biết về ông, vào thời điểm hiện tại, rất nhiều năm sau khi ông qua đời. Tôi đang nói về một người Mộng du xa xôi. Cuộc kiếm tìm của ông đã đánh thức trong tôi sự tò mò vô cùng mãnh liệt. Tôi có cảm tưởng nó bao gồm rất nhiều điểm trùng với cuộc kiếm tìm của tôi.

Hơn thế, tôi thấy Hawwâ, người đàn bà trong câu chuyện của ông, rất thân thuộc với mình, như thể cả tôi và ông đã yêu nàng, bất chấp bao nhiêu thập kỷ và đại dương ngăn cách chúng tôi. Truyen8.mobi

Bởi vậy, khi tôi viết ra điều này, không chỉ có trí tò mò đơn thuần và nhu cầu khẩn thiết được đồng nhất với ông khích lệ tôi, mà còn thoáng có chút lòng ganh tị nữa. Tôi biết là thật phi lý, thậm chí là dị hợm khi nuôi dưỡng niềm đam mê như vậy với những giấc mơ của người khác, cho dù chúng giống những giấc mơ của mình. Song lòng ganh tị hẳn là con tàu liều lĩnh nhất bơi trên sóng nước cuồn cuộn đục ngầu gắn kết thực tại với những giấc mơ. Tôi còn nhớ niềm xúc động và nỗi lo âu của mình những lúc theo sát ông từng bước, khi ông mô tả ông đã bị người đàn bà này mê hoặc ra sao. Và tôi cũng nhớ niềm vui thầm kín của mình lúc phát hiện được những bằng chứng và tài liệu liên quan tới cái chết của ông.

Khi thì ông là kẻ tình địch tưởng tượng của tôi, khi thì tôi lại tự soi mình trong ông như soi vào tấm gương. Cả hai chúng tôi đều tóc đen, vóc người cao lớn, mắt sáng. Đôi lúc tôi có cảm giác ông đang quan sát tôi, từ phía ông. Tôi gần như có thể chạm tay và làm tan đi xoáy nước trong đôi mắt màu lục của ông, xoáy nước ấy giống như xoáy nước đang cuộn sóng trong mắt tôi, và tôi gán cho màu con ngươi của mắt ông, nổi bật trên làn da ông, những hiệu lực của bùa chú có sức mạnh chọc thủng bóng tối của những cơn mơ. Truyen8.mobi

Rõ ràng, lòng tự mê bản thân tuyệt đối đẩy tôi về phía ông. Tôi cảm thấy gắn bó mật thiết với hình ảnh phản chiếu của chính mình đến nỗi dường như chỉ cần đưa tay về nó là đủ để làm nó cuộn lên và tan biến, cùng lúc mang theo bao nỗi ám ảnh vốn kích động tôi. Có lẽ một phần con người tôi đã bay đi cùng ông. Tôi là tiếng vọng của ông hay ông là tiếng vọng của tôi?

Những thiếu sót của ông khiến tôi bị tổn thương, hẳn là bởi chúng nhắc tôi về những thiếu sót của chính mình, khi nhấn mạnh đến chúng. Song tôi cũng thích có được những phẩm tính tìm thấy ở ông mà tôi còn thiếu.

Dường như điều gì đó tầm thường hơn đã gắn kết chúng tôi và nó khiến tôi ngạc nhiên: chúng tôi có cùng tên gọi. Cái tên trong vòng rất nhiều năm đã làm tôi khó chịu. Tôi chưa bao giờ thích nó. Nó gợi lên những tham vọng kỳ cục. Đó là sự lựa chọn điển hình của một người mẹ (trong trường hợp của tôi là một người bà) bảo vệ con mình tới mức thái quá, tin tưởng hết mực rằng cả thế giới sẽ dành cho con trai mình tình yêu vô bờ bến giống mình và rằng đứa con trai cũng sẽ yêu bản thân nó một cách cuồng nhiệt như vậy. Chẳng có gì xa lìa thực tế hơn một tên gọi kiểu thế. Nó chứa đựng toàn bộ quy tắc mà một đứa trẻ thậm chí không thể nghi ngờ khi nghe thấy mình được gọi như vậy.

Chính bởi lẽ đó mà ngay hồi còn nhỏ tôi đã chối bỏ cái tên thứ hai của mình, Amado; dường như đối với tôi, nó luôn là thứ dư thừa. Hiện giờ nó là một trong những mối liên hệ bí ẩn giữa tôi với kẻ Mộng du Aziz - tên ông có nghĩa là “người yêu”.

Dù phản đối kịch liệt nhưng tôi vẫn phải mang cái tên Juan Amado (hay đúng hơn là trong gia đình mọi người gọi tôi như vậy). Truyen8.mobi

Hồi tôi mới được vài tuần tuổi, bà nội đã giấu bố mẹ tôi để mang tôi, trong một giờ đồng hồ, đến một ngôi đền nơi người ta cho rằng các thần linh hay lui tới và là nơi bà lên đồng. Ở đó đã diễn ra lễ đặt tên và lễ đoán biết vận mệnh. Khi tôi mười tám tuổi, bà cho tôi xem những chứng chỉ của buổi lễ ấy. Bà cũng chỉ cho tôi thấy trên cổ tay tôi có một hình xăm rất nhỏ, nếu nhìn gần thì gồm có năm nét vẽ, như năm ngón tay. Tôi vẫn tưởng đó là vết bớt bẩm sinh. Càng lớn thì cái hình xăm lại càng rõ nét, và tôi đã phát hiện ra thêm một hình xăm khác tr n bụng mình.

Trên những giấy tờ bà chỉ cho tôi xem thì mỗi phần cơ thể tôi đều mang một câu chuyện và một hình vẽ. Bà xếp ngay đống giấy tờ lại và tôi không nhìn thấy chúng nữa. Lúc bà mất, không thấy chúng xuất hiện trong đồ đạc cá nhân của bà. Liệu bà có mang chúng theo không nhỉ? Tôi nhớ là chúng dự báo, bằng một trong những giọng điệu tiên tri nhất, vô vàn hứa hẹn mà, dù may mắn hay bất hạnh, hẳn cũng phải trở thành hiện thực trong vài kiếp người.

Cái tên Amado được áp đặt cho tôi như một kiểu tổng hợp tượng trưng cho những lời hứa hẹn này. Song, trên thực tế, với tôi nó lại là một số phận nực cười và ngược đời, bởi những niềm hạnh phúc được báo trước trong nghi lễ đã trở thành những cuộc kiếm tìm đau đớn hơn là những cuộc gặp gỡ may mắn. Thay vì là một chàng Amado hạnh phúc và tự hào bởi được hạnh phúc, tôi đã trở thành kẻ kỳ cục cố tìm cách được yêu thương trong vô vọng.

Vậy nên tôi đã gắng tránh cái phần trong số phận tôi tương ứng với tên gọi này và chỉ lấy tên là Juan. Song việc ấy ngày một khó. Càng ngày tôi càng thấy thân phận Mộng du của tôi phát triển mạnh mẽ, như thể có huyết chảy trong nó. Bà nội tôi thường nói với tôi rằng không có gì phải xấu hổ với tên gọi này: đó là tên của ông nội tôi, mà tên gọi và số phận thì tồn tại mãi trong gia đình. “Bà không áp đặt cái tên này cho cháu, tự cháu đã mang nó trong mắt mình rồi.” Truyen8.mobi

Đôi mắt với quầng màu tro là những nét điển hình trên khuôn mặt của ông nội tôi và của tôi, mọi người nhận ra ngay gốc gác Ả rập ở đó. Dĩ nhiên, đó cũng là những nét đặc trưng của Aziz. Có thể chúng tôi thuộc cùng dòng dõi mà không biết, và chúng tôi đã tạo ra gạch nối giữa sa mạc Mogador ở Bắc Phi với sa mạc Sonora ở Bắc Mexico.

Jamal al-Ghosaêbi, ông cố nội của tôi, là người từ Bắc Phi tới lập nghiệp ở Sonora, và, cũng giống như nhiều người nhập cư khác, ông lấy họ González, cốt đơn giản hóa mọi chuyện tại nơi mới đến. Tương tự như vậy, một người đồng hương của ông, cũng tới lập nghiệp ở Sonora, và có tên là Abd al-Karm al-Rouchoud, đã đơn giản trở thành Antonio Obregón.

Nền văn hóa cát nảy nở trong gia đình tôi, như thể làn gió thời gian đã mang từng hạt từng hạt một trong cả đụn cát quá khứ vào hiện tại và sau đó lại mang nó, cùng với tôi, đến sa mạc Sahara vĩnh cửu.

Trong gia đình tôi, mọi người vẫn luôn ý thức mình thuộc về thiểu số những người mang truyền thống Ả rập-Andalousia mà tổ tiên đã bí mật đưa vào Mexico, công khai chối bỏ họ của mình nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh bị truy đuổi. Điều này không ngăn nổi những người đàn ông đến từ xứ Andalousia hay đến từ bờ kia của eo biển này giữ lại cái truyền thống sục sôi trong máu họ. Liệu xứ Andalousia và thành Mogador có trở thành đất của những người Mộng du, những người luôn tìm hoài kiếm mãi để được yêu hay không?

Tôi đã tin rằng chuyện của Aziz và những bản thư tác của ông có thể giúp tôi khám phá và hiểu rõ hơn về chính chúng tôi, những người Mộng du. Bản chất đặc biệt của chúng tôi chứa đựng một câu chuyện chưa được viết ra. Cái xã hội không cố tình bí ẩn gồm những đứa con trai của màn đêm và những đứa trẻ côi cút của mặt trời này đang không ngừng mở rộng. Mặt trăng tỏa cho chúng tôi, những con ma cà rồng không răng nanh, ánh sáng kim của nó xuống những điều chúng tôi khao khát. Truyen8.mobi

Tôi sẽ cố gắng hiểu người thô kệch nhất trong số những người Mộng du, đó là ông nội Amado của tôi. Khi nghĩ tới việc ông có tới bảy mươi lăm người con được thừa nhận và ông mất ở tuổi chín mươi sáu, để lại một cô con gái mười tuổi giống ông như đúc cho một trong những người vợ cuối của ông tuy không phải là người vợ cuối cùng, tôi tự nhủ vậy ra ngay bản thân ông cũng luôn cố gắng vô vọng để được yêu. Vào thời của ông và theo cách riêng của ông, qua những hành động thái quá đặc biệt của mình, thì ông cũng như phần lớn chúng ta đây, đã từng là chủ nhân vụng về nhất của những ham muốn và giấc mơ của mình, một người Mộng du.

Và khi nghĩ tới tất cả những nỗi khổ sở mà ông đã gây ra cho những người xung quanh, thì tôi mới tin rằng cuộc kiếm tìm của ông luôn đau đớn hơn là hạnh phúc, luôn ích kỷ hơn là yêu thương. Dẫu vậy, ngay từ thời niên thiếu của tôi, cha tôi đã báo trước cho tôi rằng đừng có phán xét ông một cách ngu ngốc. “Nhìn bề ngoài, hai ông cháu rất giống nhau, nhưng con không thể hiểu được ông cảm thấy gì, ông nghĩ gì, ông yêu thương điều gì, cha nói vậy. Muốn hiểu được thì phải bắt da thịt con nếm chịu tất cả những gì ông đã trải qua, từ đầu thế kỷ này, trong vùng sa mạc Sonora, giữa sỏi đá và xương rồng, những thứ đã rèn giũa nên cá tính của ông.”

Ông xuất hiện trở lại trong gia đình hồi tôi mười bảy tuổi. Đó là vào cuối những năm bảy mươi, và cho tới lúc ấy tôi chưa được gặp ông lần nào. Từ hàng bao thập kỷ trước đó, ông đã mù quáng ra đi theo những niềm đam mê của mình; cha tôi, lúc bấy giờ còn rất trẻ, có thể nói là mới tuổi thiếu niên, đã phải cùng mấy anh em gánh vác kinh tế gia đình. Bà nội tôi đắm chìm hơn bao giờ hết trong thế giới tâm linh, nên xem ra lại hạnh phúc hơn thời ông còn sống với bà. Mãi sau này, bà mới tới sống ở nhà chúng tôi, và tôi phải thừa nhận rằng bà chưa một lần tỏ ra mảy may oán giận ông.

Quay về Mexico, ông nội Amado đến sống ở nhà khác, nhưng thi thoảng có đến ăn cơm nhà chúng tôi. Bà nội vẫn luôn tỏ ra sung sướng khi được gặp lại ông, và điều khiến tôi càng thêm ấn tượng là cũng hệt như ông, bà chẳng hề tỏ ra nhớ nhung gì về cái thời hai người còn sống chung. Họ nói hàng giờ đồng hồ liền về những thông điệp bí hiểm của thế giới bên kia, kể cho nhau nghe những lần họ thấu thị và vẽ ra những cây phả hệ mô tả các hồn ma và những người khuất mặt. Bà chỉ cho ông những nơi mà mấy người bà gọi là “anh em tâm linh” đã chôn cất vàng bạc, còn ông thì cùng với một người trong đám con trai đông đúc của mình, mang theo cuốc chim và xẻng, đi đào những cái hố bên vệ đường, trong những cánh rừng lân cận và các ngôi nhà c a gia đình.

Lúc ông nội trở về, tôi để tóc dài và có những quan điểm trái ngược hẳn với ông. Vì ông tỏ ra khiêu khích tới mức vô lý đối với tôi, với những suy nghĩ và cách cư xử của tôi, nên tôi bảo ông là một kẻ “phát xít và gia trưởng”. Cha tôi tuy không đánh giá ông cao cho lắm và quan hệ giữa hai người cũng chẳng lấy gì làm cơm lành canh ngọt, nhưng vẫn thúc tôi bớt khe khắt đi khi đưa ra các phán xét, nên nhân đạo hơn, lo lắng hơn để hiểu được những người không suy nghĩ và cảm nhận giống mình. Xen giữa nhiều câu chuyện khác, cha có kể cho tôi nghe rằng, hồi bằng tuổi tôi, ông nội Amado thường xuyên phải cầm súng bảo vệ gia đình mình trước những lần tấn công của các băng nhóm vũ trang vây chiếm các trang trại phía Bắc Mexico. Truyen8.mobi

Thi thoảng những bộ lạc du mục cũng tấn công, đặc biệt là tộc người Apache, ở rất xa vùng đất của họ, và thi thoảng là những người Yaqui. Trong một lần giao tranh như vậy, người em gái nhỏ nhất của ông nội tôi, hồi đó mới một tuổi, đã bị một mũi tên xuyên trúng giữa ngực làm dính chặt vào chiếc ghế cao đang ngồi. Một lần khác, những tay Yaqui đã bắt cóc cụ bà thân sinh ra ông nội, rồi người ta không nghe nói gì về bà nữa. Cụ ông thân sinh ra ông Amado tái hôn với em út của người vợ mất tích và ông có thêm hai mươi ba đứa con, chỉ riêng với bà.

“Nếu con không ưa cách ông hành động, cha tôi nói với tôi có ý cảnh báo, thì ít nhất cũng phải cố hiểu lý do gì đã khiến ông thành ra như vậy, để không lặp lại những điều ông đã làm. Hai ông cháu giống nhau khủng khiếp.”

Rất nhiều năm sau, tuy vẫn không đồng quan điểm song tôi có thể ngồi nói chuyện với ông nội Amado hàng giờ đồng hồ liền, tôi cố bắt ông kể một số đoạn đời ông. Tôi được biết là chính ông hồi còn nhỏ cũng bị người Yaqui bắt, hai năm sau mới trở về nhờ được chuộc bằng hàng hóa. Tôi còn biết thêm là ông tôn trọng và hâm mộ những người Yaqui hơn bất kỳ ai trong số chúng tôi.

Ông đã tham gia nhiều cuộc chiến, cả ở trong nước và nước ngoài, đã đi vòng quanh thế giới bằng tàu thủy, đã ba lần gây dựng và phung phí số tài sản kếch xù vào những nông trường ở Sonora, lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng là lúc ông sáu mươi tuổi. Ông quen biết nhiều nhân vật tai to mặt lớn, ông từng tham gia tích cực vào chính trường và ngoại giao Mexico những năm ba mươi. Phần lớn nhất trong số những điều ông nội từng trải qua nay đã thuộc về lịch sử, song ông chưa bao giờ cho đó là điều quan trọng. Tất cả những gì khiến ông bận tâm, hay gần như thế, đó là nói chuyện về một số người đàn bà rất đẹp từng quyến rũ ông, trong số đó có bà nội tôi.

Mỗi khi có cái tên nào buột khỏi miệng thì ông lại yên lặng một chút, nhìn mông lung và mỉm cười rất hồn nhiên. Ông không bao giờ nói điều gì khinh thường đối với bất kỳ ai trong số những người đàn bà này. Mỗi người có vẻ đẹp riêng; vẻ đẹp mà theo ông là đến từ tâm hồn và kết thúc nơi cơ thể. Ông không thích gì hơn là dõi theo, qua từng năm tháng, sự biến đổi mà những cử chỉ và cuộc đời con người ghi dấu lên đường nét khuôn mặt họ.

“Vậy là biết bao điều tốt đẹp hiển hiện trên khuôn mặt của vô số những người đàn bà; còn đàn ông chúng ta là những kẻ luôn dằn vặt trong tâm hồn, nên chúng ta mới xấu xí đến vậy, ông tuyên bố. Truyen8.mobi

“Chẳng phải ta ghét bỏ sự già nua, song thật không dễ dàng gì khi phải thừa nhận rằng, sớm hay muộn, trên khuôn mặt chúng ta cũng sẽ xuất hiện những điều chúng ta mang trong mình, xuất hiện con người thật của chúng ta. Ôi không, chẳng dễ dàng chút nào.”

Một trong những đức tính mà ông hâm mộ nhất, và theo ông nói, người ta có thể đọc được điều ấy trên khuôn mặt một người đàn bà, đó là lòng kiên nhẫn. Như thể để tự bào chữa, ông nói thêm với vẻ hồn nhiên quá mức và có phần trơ trẽn: “Ta chưa bao giờ ngừng yêu bất cứ ai trong số họ.” Truyen8.mobi

Rất nhiều trong số những người đàn bà ông yêu đã mất trước ông. Song ông không bao giờ buồn khổ sầu não, bởi với ông, những người đã mất tất yếu sẽ hiện thân trong những người sống, có điều gì đó vụt tắt ở những người đàn bà khi họ thôi ham muốn đàn ông hay đàn bà và cái hồn dục vọng của họ tất yếu sẽ đến trú ngụ ở một người khác. “Khi người đàn bà từng yêu thương ta nhập vào thân thể của một người đàn bà khác mà ta chưa quen, ta sẽ biết điều đó, ta sẽ cảm nhận được điều đó, ta gần như có thể cảm nhận được. Và sau đó ta chứng thực được điều này, khi ta hòa vào người ấy. Bởi trong tình yêu, không thể có hai người giống hệt nhau. Một số người đàn bà đã gọi tên ta dù ta chưa hề nói cho họ biết.” Lần nào nghe ông nói thế, tôi cũng thấy ngạc nhiên.

Từng sống ở sa mạc, rồi lênh đênh trên đại dương nên đương nhiên ông nội Amado thấy nước có tính chất huyền bí. “Vừa chạm vào nước là mặt đất khô cằn thức tỉnh. Nước có quyền năng làm người chết sống lại.” Ông còn kể rằng: “Khi gió và đại dương ân ái, chúng biến đổi người đàn ông đang chèo lái, và người đó không bao giờ còn là mình nữa. Khi ta phải lòng một người đàn bà và nàng có vị biển, ta nhớ lại cơn bão táp mà rùng mình.”

Ngoài ra, ông còn tin vào những quyền năng phi thường của nước bọt, của mồ hôi và của tất cả những dịch vị trong cơ thể. “Không gì lành hơn việc đổ mồ hôi. Toát được mồ hôi là chữa lành được mọi thứ.”

Trước khi lao vào sửa chữa một động cơ, theo cổ tục Ả rập không mấy chính thống, ông rửa tay bằng nước tiểu “để khéo léo hơn và không làm vỡ cái gì”, như chỉ dẫn trong dược điển truyền thống của các cung tần Ma rốc. Truyen8.mobi

Ông từng nói có mối liên hệ đặc biệt với tất cả những chất dịch của người đàn bà: “Chất dịch của người đàn bà nói lên nhiều điều hơn miệng họ; đây mới chính là đối tượng cần hỏi chuyện. Nếu thấy khó chịu thì nó sẽ không trả lời, và tốt hơn hết là đừng cố nài. Nhưng nếu đã muốn đáp lại, nó sẽ nói rất to và đầy thiện chí, bằng chất giọng hồ nước và sông suối sống động của nó. Nó không bao giờ nói dối. Người đàn bà hạnh phúc không khác gì những làn sóng nước; bởi vậy, nếu nhắm mắt lại, ta sẽ ngập chìm nơi người ấy, và phải biết hít thở dưới nước.”

Khi ông đi qua gần một đài phun nước, ông dừng bước để lắng nghe tiếng ca của nó. “Những đài phun nước không trau chuốt giọng ca như trước nữa rồi. Giờ đây, chúng kêu như tiếng chuông và không còn mấy bận tâm tới những giấc mơ của mình.” Tôi chắc rằng ông được thừa hưởng khả năng hiểu thấu lời ca của những đài phun nước ấy từ ông nội Jamal của ông, kể từ sau khi ông kể với tôi về cụ: “Khi gặp một người đàn bà đẹp, trái tim ông sẽ ngân lên với một sự đồng điệu giống như nó đã biến thành sóng nước tràn trề.”

Còn về phần ông nội tôi, hễ gặp một người đàn bà đẹp là ngay tức thì bộ phận kín của ông ngân lên réo rắt; ngực ông nở căng và ông ra sức thu hút sự chú ý của người ấy. Bộ phận kín của ông chưa từng biết đến lúc yên bình, dửng dưng. Hơn chín mươi tuổi rồi mà mỗi khi đứng trước những người bạn gái của đám em họ, trẻ hơn ông tới hai mươi tuổi, ông vẫn luôn đổi khác. Ông giấu biến cái gậy đi, rồi dùng những lời đường mật tán tỉnh họ bằng tiếng Yaqui.

“Ông ơi, sao ông lại nói tiếng Yaqui với họ?” tôi tò mò hỏi ông, sau khi họ đã đi khỏi, hớn hở với những lời khen ngợi của cụ già, những lời nói hẳn nhanh nhẹn hơn bước đi của ông. “Vì ngôn ngữ của người Yaqui tựa như một dòng nước rất hiền hòa. Khi cháu nói với đàn bà bằng thứ tiếng chảy mướt này, họ cảm thấy thích thú và đòi được nghe lại. Cháu có biết vì sao người Yaqui rất thành công với đàn bà và đàn bà không bao giờ bỏ được họ không? Nhờ có nước đấy. Ai đã uống nguồn nước này thì không thể nào rời bỏ được. Và quả thực nó ngon tuyệt vời. Ở đó, không có thứ nước này thì không có chuyện tình yêu. Đã ba lần ông thử rời làng Yaqui, nơi người ta đưa ông tới hồi còn nhỏ; ông không làm nổi. Thầy phù thủy ở làng ấy thấy ông ngày càng héo hon nên mới bảo ông phải cố chịu khát càng lâu càng tốt, nhờ vậy ông mới có thể quay về nhà. Độ khoảng một tháng sau khi cha ông thương thuyết để người Yaqui giải phóng cho ông.”

Một hôm, tôi hỏi ông rằng ông có thích tên mình không. Ông trả lời tôi là chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Hình như nó chẳng khiến ông bận tâm. “Điều duy nhất có lẽ sẽ làm ông khó chịu là việc tên gọi đó không hề khiến một người đàn bà nào hài lòng. Song, cho tới bây giờ, chưa thấy ai nói năng gì. Mà con người ta rồi cũng quen hết với mọi sự thôi. Ông có một người bạn bị mọi người gọi là Chó. Nếu là ông thì ông sẽ phát điên lên mất. Vậy mà cậu ta cũng quen được với cái biệt danh ấy. Tất nhiên, người ta cũng không gọi ông bằng tên thật; biệt danh của ông là Gà. Mọi người đặt cho ông cái tên Amado này là để tưởng nhớ về một người bạn chí cốt của ông nội Jamal của ông.” Truyen8.mobi

Bốn năm trước khi mất, ông bị mắc chứng khó tiêu nặng, phải nằm viện, và, do bị chẩn đoán sai, ông rơi vào tình trạng nguy kịc h. Trong vòng một tháng, ông phải trải qua nhiều đợt điều trị rất đau đớn, mười sáu lần thấm tách màng bụng, chưa kể nhiều thứ khác. Lúc đó ông chín mươi hai tuổi và quyết định là đã tới lúc ra đi. Ông cho gọi tất cả người thân trong gia đình đang đứng ở hành lang bệnh viện vào và nói: “Với ta thế là hết rồi. Các người đừng lầm rầm lải nhải suốt là ta sẽ khỏe lên nữa. Ta coi như đã xong.”

Trong vòng gần ba tuần, ông từ chối ăn và bỏ hết những ống dây truyền huyết thanh mà các bác sĩ gắn vào người ông. Khi chúng tôi tới thăm ông, ông nhắm mắt và nghiến chặt răng lại. Sự bướng bỉnh và tình trạng nguy kịch của ông khiến những người giống ông khủng khiếp từ mọi miền đất nước và từ nước ngoài nhanh chóng kéo đến. Họ tự giới thiệu bằng cái tên giống hệt nhau: Amado González, rất vinh hạnh, Amado González, rất vui được đón tiếp anh. Khung cảnh tựa như trong một giấc mơ hay một bộ phim siêu thực xưa cũ. Trong hai hoặc ba ngày, hàng chục người giống hệt nhau diễu qua hành lang bệnh viện và chào hỏi nhau, xưng ra cái tên mà rốt cuộc gợi lên câu lạc bộ nào đó được ưa chuộng và chẳng làm sao phân biệt nổi ai với ai. Hầu hết trong số họ mới gặp nhau lần đầu, và điều lạ nhất là họ giống nhau cả về cách ăn mặc.

Hóa ra ông nội đã đặt cho tất cả những người con trai đầu lòng của các bà vợ cùng một cái tên. Vậy mà chẳng ai thuyết phục được ông là cần phải sống và ăn để bình phục. Sâu tận đáy lòng, dù chẳng nói ra, tất cả mọi người đều đồng tình với ông và có lẽ cũng sẽ làm y như vậy nếu bị rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Trước những nài nỉ tuyệt vọng của mẹ tôi và của mấy bà dì khác, một trong những Amado González, anh cả của bố tôi, đã quyết định sử dụng một biện pháp triệt để. Bác ra đứng sừng sững dưới chân giường của ông nội và nói: “Sao, cha chán sống rồi à? Buồn cười thật đấy. Vẫn còn một điều cha chưa nhìn thấy đâu.” Nói xong, ông bác tôi nâng chăn phía cuối giường lên, cắn mạnh vào ngón cái bàn chân trái của ông nội. Ông nội mở mắt, mắt ông ngay lập tức lóe lên vẻ tức giận, và bắt đầu gào lên một tràng chửi rủa. Hệt như bài kinh bằng tiếng Ả rập cầu khấn một vị thần điên giận sắp phá hủy thế giới. Thế là ông bác tôi ngoạm nốt ngón cái bàn chân phải của ông nội một cách ngon lành. Ông nội cố đạp cho bác tôi một cái, và vượt lên vẻ ốm yếu buông xuôi trước đó, ông nội đứng bật dậy khỏi giường vừa chửi vừa thề sẽ túm được bác tôi và cho một trận “tới khi mất hồn mất vía” mới thôi. Truyen8.mobi

Bác cả chạy biến ra hành lang chỗ chúng tôi đang đứng - điều ông nội chẳng hề bận tâm. Song bác tôi đã thu xếp để cô y tá xinh nhất bệnh viện cũng có mặt ở đó. Ông nội trông thấy cô gái ở cuối hành lang và ngay lập tức quên phắt cơn giận. Người Mộng du trong ông đẩy ông đi về phía cô y tá quả thực rất xinh đẹp; cử chỉ duyên dáng của cô khiến bất kỳ người đàn ông nào cũng trở thành kẻ si tình tội nghiệp. Ông nội trách cô, môi nở nụ cười: “Sao chưa bao giờ cô tới thăm tôi, trong khi tôi ở bệnh viện này biết bao nhiêu ngày nay rồi?” Cô giải thích với ông rằng cô làm việc ở tầng khác, nhưng cô có nghe người ta nói chuyện về một ông cụ tội nghiệp ở tầng hai, bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện mong được chết bằng cách kiên quyết giữ thái độ bướng bỉnh. Lời đề nghị của ông tuy hơi mang chút dọa nạt nhưng đặc biệt rất quyến rũ, khi ông hứa với cô là sẽ làm tất cả để chữa bệnh nếu hàng ngày cô đến cho ông ăn. Ông đã làm theo như vậy.

Và như mong đợi, vào giờ ăn trưa, những người con trai cả quây quanh ông nội, mỗi ngày một đông hơn, mắt nhìn như nuốt chửng cô y tá xinh đẹp. Song cô biết cách buộc họ tôn trọng mình chỉ bằng một cử chỉ, nụ cười hay thoáng thay đổi thái độ. Đôi bàn tay, mái tóc, ánh mắt và tư thế cặp đùi của cô y như một màn trình diễn; cô dâng hiến và chối từ, vẻ như sắp nhường bước rồi lại lẩn tránh. Cô khiến họ phát điên. Tôi cũng không nằm ngoài số đó. “Những chàng Amado nhà ta thật yếu đuối, tôi tự nhủ, thân hình thì to như bò mộng nhưng trái tim lại dễ vỡ như thủy tinh.”

Vài năm sau, ít lâu trước lúc thực sự hấp hối, ông nội cho gọi tất cả đến, con trai và cháu trai, từng người một. Ông muốn vĩnh biệt chúng tôi. Vốn là người hiếm khi khuyên bảo, song ông vẫn thấy cần nói với tôi điều này: “Ông nhận ra cháu cũng là người dễ bốc hỏa. Nước trong người cháu sôi sục lên quá dễ dàng. Hãy gắng đừng phạm phải tất cả những sai lầm mà ông đã mắc. Bất kỳ người đàn bà nào ông từng yêu cũng đều có thể kể lại cho cháu nghe những sai lầm của ông. Đi mà hỏi họ đi, vì ông không còn thời gian để tự mình làm được điều đó nữa. Ông sẽ chết trước khi kể xong.”

Trong lúc ông nói với tôi những điều này, tôi có cảm giác đắng dịu khi thấy mình hoàn toàn khác lạ với những giá trị và nguyên tắc của ông, và, cùng lúc, có cảm giác chắc chắn là mình gắn bó với ông không chỉ qua mối quan hệ gia đình hay vẻ bề ngoài giống ông như lột: mà qua một dòng sông của những giấc mơ, một dòng chảy cổ xưa của khát khao đang chảy trong huyết mạch hai ông cháu tôi, và qua cả cái sức hút Mộng du mà hẳn sau này tôi khám phá ra ở Aziz, bậc thầy thư pháp thành Mogador, người mà hiện nay tôi đang chia sẻ những giấc mơ. Truyen8.mobi

Tựa như giây phút hấp hối của Aziz, giây phút hấp hối của ông nội Amado ngập tràn tình yêu; ít phút trước khi mất, ông nói chuyện rất lâu với những người sống và người chết tưởng tượng, đa phần là đàn bà, mắt tôi không thấy họ, nhưng sự hiện diện của họ đã biến cái giọng khàn đục và ngắt quãng của ông nội thành tiếng thì thầm dịu dàng quyến rũ.

Dòng chảy của những giấc mơ ào ạt tràn qua suốt cuộc đời ông. Dù đang ngủ hay thức, ông vẫn luôn lắng nghe những giọng nói đàn bà. Có lẽ ông chưa từng thức giấc.

Giống như những người thám hiểm từ bao thế kỷ trước náo nức tìm kiếm nguồn mạch của sông Nil trên những miền đất họ chưa từng biết đến, tôi nôn nao xúc động bắt đầu ngược theo dòng nước đã gắn kết tôi với Aziz, thông qua ông nội tôi. Tôi gắng khám phá ngọn nguồn những dòng sông củ a tôi, nhưng thứ mà tôi tìm thấy lại là những dấu vết trên nước, những dấu vết đã hằn lại nơi tôi. Những dấu vết của tất cả những người Mộng du trong tôi được dệt lên giữa những bước tôi đi, như thể tên tôi được bí mật viết vào những khoảng trống trong bản thư tác của Aziz al-Ghazâl. Truyen8.mobi

 

GIẤC MƠ THỨ BA

Hôm qua, tôi mơ thấy em chìa tay đi lại phía tôi, miệng nở nụ cười chúm chím làm hé lộ mọi ý đồ của em. Tôi thấy em lại gần, xuyên qua bóng tối, và tôi hứng chịu sức cuốn hút ngày càng mãnh liệt từ đôi mắt em. Song, bỗng dưng, một tia sáng rơi xuống gương mặt em, và tôi nhận thấy mí mắt em khép lại. Em thấy tôi trong mơ. Em đánh thức tôi dậy trong cơn mơ của em. Em đi lại phía tôi như thể em nhìn được qua lòng bàn tay em, qua những lỗ chân lông trên làn da em. Em lại gần. Em đánh thức tôi dậy để bắt tôi đắm chìm sâu hơn nữa vào những cơn mơ của em, cơn mơ của cơ thể em, giống như bóng đêm giữa lòng đêm tối. Bóng tối của em choàng lên tôi. Chúng ta là hai kẻ Mộng du đang yêu nhau, trong cơn mơ của em và cả của tôi.

AZIZ AL-GHAZÂL

Giấc mơ của hai đêm


Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t25204-doi-moi-cua-nuoc-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận