Cuộc gặp gỡ tình cờ với Nguyên khiến cho tâm trạng Vi trở nên u ám suốt thời gian còn lại. Cuộc gặp gỡ mà cô đã từng hình dung trong tâm trí không biết bao nhiêu lần lại hoàn toàn không giống như cô đã tưởng tượng. Bao nhiêu trách móc, bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu những lời lẽ cay độc cô đã từng chuẩn bị kỹ lưỡng để ném vào mặt anh, cuối cùng lại không thể nói ra. Thời gian không xóa mờ được nỗi đau đớn mà cuộc tình với anh gây ra trong trái tim cô, nhưng thời gian đã khiến cho những suy nghĩ của cô thay đổi. Những trách móc, hận thù, giận dữ đó, những câu hỏi tại sao, như thế nào đó, nếu có nói ra cũng đâu thể thay đổi được điều gì, mà chỉ khiến cho cô và anh cảm thấy nặng nề hơn. Cô không có thời giờ và sức lực để tiêu tốn vào cái vòng xoáy vô bổ đó. Cuộc đời khắc nghiệt đã đào tạo cô trưởng thành một cách nhanh chóng, từ một cô bé mộng mơ trở thành một cô gái thực tế và lý trí chỉ sau khoảng thời gian hai năm ngắn ngủi. Nhưng không hiểu sao, một cảm giác mất mát, nuối tiếc vẫn cứ tràn ngập lòng cô, bám riết tâm trí cô, khiến cho cô không sao thanh thản được. Một nỗi buồn mơ hồ nặng trĩu trái tim cô, luôn khiến cô muốn rơi nước mắt... Những ngày này, Vi thậm chí chẳng muốn bước chân ra đường, chỉ lo cô có thể chạm trán anh ở bất cứ nơi đâu. Nhưng cô cũng lại thấy một cảm giác hụt hẫng mỗi khi nghĩ rằng anh đang ở đâu đây quanh cô, cùng hít thở chung với cô một bầu không khí trong cái thành phố nhỏ bé này, nhưng lại bị ngăn cách với cô bằng vực sâu thăm thẳm của số phận.
Buổi sáng chủ nhật, cả nhà đông đủ nên Quân quyết định sẽ trổ tài nấu ăn. Anh hào hứng muốn thực hành ngay một vài món trong số những món ăn đã được Vi dẫn đi thưởng thức mấy ngày vừa qua. Anh chọn món bún chả Hà Nội để làm “tác phẩm” thực tập đầu tay sau khi đã trưng cầu ý kiến mọi người, có cân nhắc đến tất cả các điều kiện khách quan (ví dụ như thời tiết: trời lạnh thế này ngồi quạt chả thì ấm phải biết) và chủ quan (ý thích của Vi đóng vai trò quyết định). Vốn có năng khiếu bẩm sinh, nên “tác phẩm” của anh tương đối thành công (chả nướng thơm lừng, vàng đều mà không cháy), duy chỉ có nước chấm là anh cho đường hơi quá tay, nhưng về tổng thể vẫn rất ngon, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Bữa trưa đầm ấm kéo dài đến hơn hai giờ chiều. Nghỉ ngơi một lúc, quãng năm giờ, Quân rủ Vi lên phố cổ mua mấy thứ đồ lưu niệm để anh mang về Canada vừa làm quà tặng, vừa để trưng bày trong quán. Vi miễn cưỡng gật đầu, dù trong lòng không muốn đi đâu cả, nhưng cô cũng không nỡ để anh đi một mình. Chiếc xe máy cà tàng của bà bác lại được trưng dụng. Ngồi lên xe, Quân vừa cười vừa bảo Vi: “Em phải bám cho chắc vào, kẻo bị rơi giữa đường thì anh cũng không đảm bảo đâu”. Vi cũng cười trêu anh: “Nếu anh sợ thì để em chở, hồi trước em cũng tổ lái lắm đấy”. Quân vội vàng lắc đầu: “Thôi, anh không có gan ngồi sau xe phụ nữ”.
Vào đến trung tâm, Vi mới phát hiện ra hôm nay là Noel. Ở khu nhà bà bác chẳng có tí không khí nào nhưng ở đây thì thật là rầm rộ. Nhìn những biểu tượng trang trí trước cửa Tràng Tiền Plaza và các cửa hàng xung quanh bờ hồ, Quân cứ xuýt xoa kêu nhớ Noel ở Toronto quá. Dọc theo bờ hồ, đông nghịt những người là người. Dòng người đổ vào nhà thờ lớn kéo dài ra đến tận đây, gây tắc cả một tuyến phố, chủ yếu là những người trẻ tuổi, trai thanh, gái lịch, ăn mặc rất mốt. “Ở Hà Nội cũng có nhiều người theo đạo Thiên Chúa quá nhỉ”, Quân nhận xét. Vi phì cười, giải thích: “Không phải đâu, phần lớn là người ta đi chơi thôi. Chẳng theo đạo gì cũng thích vào nhà thờ xem làm lễ. Bây giờ ở nước ngoài có ngày lễ nào thì ở Việt Nam cũng có y như vậy, mà có phần còn hoành tráng hơn ý chứ”. “À, ra thế. Vậy hôm nay anh hên rồi, được đi chơi Noel ở Hà Nội. Em có muốn vào nhà thờ không?”, anh quay sang hỏi Vi. Cô tròn mắt, lắc đầu: “Anh định chen vào cái đám đông này á? Thôi mình qua phía bên kia sang Hàng Gai mua đồ lưu niệm cho anh”. Nhưng len lỏi một hồi giữa đám đông, chẳng hiểu làm sao, Vi lại thấy mình đang chui ra đúng trước cửa hiệu kem Tràng Tiền. Trời lạnh mà sau một hồi chen lấn, Vi thấy nóng toát cả mồ hôi. Cô bèn kéo tay Quân, chỉ vào hàng kem: “Anh có muốn nếm thử kem Tràng Tiền không?”. “Đâu, đâu, có chứ”, Quân đang cố gắng nắm chặt tay Vi cho khỏi lạc, vội lách ra, trả lời. Hóa ra chẳng phải mỗi một mình Vi có ý tưởng ăn kem giữa tiết trời lạnh mười hai độ C này. Vì vậy sau một hồi xếp hàng đợi dài cổ, cô và Quân mới được cầm trên tay hai que kem đậu xanh nổi tiếng của đất Hà thành. “Anh thấy ngon không?”, cô hỏi. “Tất nhiên là ngon rồi, đặc biệt là sau khi xếp hàng nửa tiếng mới mua được”, anh cười. Cô cũng cười, tự nhiên thấy nụ cười của anh thân thương lạ lùng. Vừa nắm tay anh, vừa ăn kem, vừa ngước mắt ngắm phố phường rực rỡ ánh đèn, cô thấy anh và cô như một đôi tình nhân thực thụ, cũng giống y như những đôi trai gái trong dòng người tấp nập này. Một chút chạnh lòng khi nỗi nhớ bỗng chạm vào ký ức: ngày xưa, Nguyên và cô cũng đã từng có những lúc tay trong tay lang thang trên những con phố như thế này. Nhưng những con phố ở Toronto nơi họ đã đi qua thường vắng lặng, bình yên chứ không ồn ào và náo nhiệt như con đường mà cô đang đi. Đối với cô, Nguyên của quá khứ và Quân của hiện tại giống như là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Cô thoáng rùng mình, tự hỏi, nếu như Nguyên có thể tự do đến với cô, anh có thích được nắm tay cô, vừa ăn kem, vừa lang thang trên phố như cô đang làm bây giờ không? Hay một người bận rộn như anh, sẽ chẳng bao giờ có thời gian dành cho những hoạt động “không sinh lời” như thế này?
Đi qua cầu Thê Húc, bỗng Quân kéo tay cô: “Mình chụp một cái hình làm kỷ niệm đi, đến thủ đô mà anh chưa có cái hình nào chụp cùng em cả”. “Ở đây đông thế này chụp không đẹp đâu”, Vi thoáng do dự. “Đi lên giữa cái cầu kia, vắng hơn”, vừa nói anh vừa kéo tay Vi lên cầu, không để cho cô kịp phản đối. “Mình có mang theo máy ảnh đâu? “, Vi khẽ kêu lên. “Có ông thợ ảnh kia rồi, mình tự chụp cũng đâu đẹp bằng thợ chuyên nghiệp”, anh trả lời cô, chỉ tay về phía đám thợ ảnh đang đứng trên vỉa hè. Đây hẳn là bài học kinh tế cụ thể nhất mà Vi được học về mối quan hệ cung - cầu. Chẳng đợi cho Quân phải chỉ tay đến lần thứ hai, “hiện tượng kinh tế” này ngay tức khắc xảy ra: cả mấy bác thợ ảnh đều đổ xô đến bao vây lấy cô và anh với hàng tá những tiếng mời chào xôn xao. “Được rồi, được rồi - Quân cười, túm lấy một cậu trẻ trẻ đứng gần anh nhất - Anh chụp cho chúng tôi mấy kiểu ở đây”. Chỉ đợi có thế, cậu thợ ảnh lập tức trổ tài đạo diễn. Cô và Quân bỗng nhiên được trở thành những diễn viên bất đắc dĩ.
- Đây, anh chị đứng vào góc này mới lấy được phần cong của cây cầu và bóng liễu rủ phía xa - Cậu lên tiếng chỉ đạo.
Quân lúng túng đứng dựa vào thành cầu theo ý tưởng của chàng thợ ảnh trẻ măng.
- Không, phải tự nhiên hơn chút nữa - Cậu thợ ảnh kiêm đạo diễn yêu cầu - Thế thế, cứ thoải mái như thế...
- Rồi, bây giờ chị đứng vào cạnh anh, đầu hơi ngả vào vai anh một chút. Không, như thế xa quá, phải gần vào tí nữa - Bây giờ chàng thợ ảnh đã chỉ đạo sang phần diễn xuất của Vi.
Hình như cô có vẻ là một diễn viên tồi nên đạo diễn tỏ ra không mấy hài lòng:
- Không được, như vậy trông cứng quá, phải tình tứ vào, sát tí nữa. Còn anh một tay đặt trên thành cầu, một tay ôm ngang eo chị.
Vừa chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn vừa lăng xăng chạy đi chạy lại để chỉnh đốn hai diễn viên hạng bét đang lúng túng như gà mắc tóc. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng cậu cũng bắt đầu giơ máy ảnh lên:
- Rồi, anh chị cười lên nào, thế, thế, cố gắng tự nhiên hơn chút nữa. Bắt đầu chụp này, một, hai, ba...
Ánh đèn flash liên tục lóe sáng. Chàng thợ ảnh chụp liền một lúc mấy chục kiểu cho chắc ăn. Mất gần một tiếng đồng hồ, cô và Quân đã chụp được một kiểu đứng tựa thành cầu Thê Húc, một kiểu đứng bên hồ Gươm lấy trọng tâm là tháp Rùa, hai kiểu tạo dáng trước cửa trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, và kiểu nào cũng khoác tay, tựa đầu, miệng cười “có kiểm soát”. Thực ra, cậu thợ ảnh còn muốn chuyển bối cảnh nghệ thuật sang đến tận cửa nhà hát lớn, nhưng nhìn dòng người vẫn đang đặc kín mọi ngả đường, Vi đành ra sức từ chối mới dẹp được cơn cao hứng sáng tạo của vị đạo diễn nhiệt tình này. Trả tiền xong xuôi, chàng thợ ảnh hẹn hai vị khách hàng cứ đi chơi đâu đó, khoảng bốn mươi phút nữa quay lại là sẽ có ảnh ngay. Vi bèn bảo Quân tranh thủ trong thời gian đó đi mua mấy thứ đồ lưu niệm cho anh. Quân vui như trẻ nhỏ. Anh có vẻ rất háo hức chờ đợi kết quả lao động nghệ thuật của mình, đến mức Vi phải bật cười, cảnh báo: “Anh đừng có hy vọng quá, chụp buổi tối hiếm khi đẹp lắm, tí nữa ảnh xấu thì lại thất vọng thôi”. “Xấu làm sao được - Anh cãi - Hình chụp có em đương nhiên phải đẹp rồi”. Vi chỉ mỉm cười, không tranh cãi với anh nữa. Dạo này Quân đã bắt đầu có tiến bộ và dạn dĩ hơn nhiều trước mặt Vi. Hình như anh cũng cảm thấy cái khoảng cách xa vời vợi giữa anh với cô trước đây đang dần thu hẹp lại.
Mấy ngày còn lại, Vi thu xếp để đưa Quân đi thăm hai làng nghề truyền thống như đã hứa. Cũng vẫn dùng chiếc xe wave bà bác cho mượn nhưng nhờ có mấy ngày “đánh bóng mặt đường” từ trước nên Quân đã điều khiển nó rất thành thạo, không chút khó khăn, đến mức có vài bận còn cao hứng tăng tốc độ đến 50km/h khiến Vi phải lên tiếng nhắc nhở, để anh còn chú ý đến các chú cảnh sát giao thông. Anh và cô đã có những giờ phút thật thoải mái, thoát hẳn ra khỏi cái không khí ồn ào, bụi bặm của thành phố để đắm mình trong không gian thanh bình của vùng ngoại ô. Quân thích mê những món đồ gốm sứ xinh xẻo của làng gốm Bát Tràng. Anh bảo tiếc là toàn đồ dễ vỡ và cồng kềnh, chứ không anh đã mua thật nhiều bát đĩa, chén, bình hoa... để trang bị toàn bộ cho quán của anh ở Toronto. Vi cũng kể cho Quân nghe về chuyện kinh doanh của gia đình mình khi dẫn anh tới thăm làng lụa Hà Đông. Ở đây, cả cô và anh đều chọn mua được những món đồ nho nhỏ để mang về làm quà cho bạn bè ở Canada. Lúc về, đi theo con đường đê, Vi bảo anh nếu đến đây vào mùa hè thì sẽ thấy cả một triền đê vàng rực màu hoa cải. Quân cứ chặc lưỡi tiếc rẻ, bảo nhất định một mùa hè nào đó sẽ phải đến thăm lại chốn này. “Đây là quê hương của chúng mình, nên chắc chắn sẽ còn có nhiều dịp về thăm, phải không Vi?”.
Những việc cuối cùng cần phải làm trong chuyến về thăm nhà lần này là đến viếng mộ mẹ cô và lên trại giam thăm bố cô lần nữa. Vi mua hương hoa, cùng với cả nhà thuê một chiếc taxi về quê mẹ cô ở Bắc Ninh. Mẹ cô mất cách đây đã mười lăm năm, khi sinh em trai cô, sau khi bốc mộ đã chuyển về chôn cất ở vùng quê nơi bà sinh ra. viếng mộ mẹ xong, tiện xe, cả nhà lại cùng nhau lên thăm bố cô. Ngay cả lần này nữa, Vi cũng vẫn không kìm được nước mắt. Cứ nghĩ đến việc chỉ vài hôm nữa thôi là cô đã ở cách xa ông cả nửa vòng trái đất, lòng cô lại thấy nôn nao khó tả. Phải có bà bác nắm tay động viên mãi, rằng cô cứ yên tâm học hành, mọi việc ở nhà đã có bà lo liệu, Vi mới chia tay ông trong lưu luyến, bịn rịn không muốn rời.
Thế là hai tuần ngắn ngủi đã sắp sửa trôi qua. Chỉ còn một ngày nữa thôi là Vi sẽ lại phải lên máy bay để trở về Toronto. Buổi chiều, khi Vi đang sắp xếp lại vali hành lý thì Linh gọi điện tới. Sau một hồi than thở công việc cuối năm vất vả, bận rộn, Linh cho biết mấy ngày nay cô đều phải làm thêm đến tám, chín giờ tối nên không có thời gian đi đâu được cả. Vì vậy, vụ gặp gỡ, tâm sự, hẹn hò với Vi chắc phải dẹp bỏ, có gì cô sẽ viết email cho Vi sau. Linh cũng thông báo rằng cô có một ít quà muốn tặng Vi, nhưng chẳng có lúc nào rảnh để qua nhà đưa cho Vi cả, nên Linh muốn chiều hoặc tối nay, Vi chịu khó tạt qua chỗ ngân hàng cô để lấy. “Việc gì phải phức tạp thế - Vi trách móc cô bạn - Mày cứ làm như tao là người lạ ấy mà phải quà cáp”. “Của đâu ra mà tặng quà cho người lạ - Tiếng Linh cười từ đầu dây bên kia - Mày là bạn thân lắm mới được tao tặng quà đấy”. Không từ chối được, Vi đành hẹn Linh khoảng tám giờ tối nay cô sẽ gặp Linh ở ngân hàng chỗ Linh làm việc để lấy quà.
Ngay từ khi được cô bạn yêu cầu đến gặp ở ngân hàng, trong tâm trí Vi bỗng thoáng qua một cảm giác mà cô không biết có từ nào khác có thể mô tả chính xác cảm giác này hơn là từ hy vọng. Nhưng hy vọng gì thì cô cũng không xác định được một cách rõ ràng. Có thể chỉ là để được nhìn thấy anh từ một góc xa khuất nào đó, có thể chỉ là để nghe thấy ai đó nhắc đến tên anh... Kể từ lúc đặt điện thoại xuống, một niềm hy vọng mơ hồ nhưng dai dẳng cứ bám riết lấy Vi. Cô biết cô đang tự mâu thuẫn với chính mình. Giống như một người đứng giữa hai chiến tuyến, cô vừa phải chiến đấu với sự hờn giận của trái tim, vừa phải chống chọi với sự phản bác của lý trí. Biết đâu, đây có thể sẽ là lần cuối cùng cô nhìn thấy anh. Nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo rằng cô sẽ gặp lại anh ở đó, cô tự trấn an mình. Tuy nhiên, nhằm tránh những rắc rối không cần thiết, cô nhất quyết viện dẫn mọi lý do để đi một mình, mặc cho Quân tha thiết đề nghị được làm tài xế cho cô.
Đúng bảy giờ tối, Vi dắt xe ra khỏi nhà. Trên đường đi Vi rẽ vào một hàng xôi quen, mua một gói xôi lạp xường để mang đến cho Linh ăn đêm. Cầm gói xôi trong tay, Vi lại chạnh lòng nghĩ tới những tối học khuya trên thư viện, luôn có anh lo cho cô từng bữa ăn. Cô bỗng bần thần nhận thấy có vô vàn những kỷ niệm giữa cô và anh mà có lẽ suốt đời này cô sẽ phải đối mặt... Vi đến tòa nhà ngân hàng nơi Linh làm việc trước giờ hẹn tới gần mười lăm phút. Gửi xe xong, cũng không muốn gọi cho Linh sớm, cô tha thẩn đi lại chờ Linh ở dưới sảnh tầng một. Không có việc gì làm, Vi đành dán mắt vào đọc các băng rôn và các tờ rơi quảng cáo về các sản phẩm của ngân hàng. Đúng tám giờ thì Linh xuống, tay xách theo một túi đồ nhỏ. Cô chạy lại phía Vi vồn vã:
- Mày tới lâu chưa? Tao mải làm quá, suýt nữa thì xuống trễ.
Vi quay lại, mỉm cười, lắc đầu trấn an cô bạn:
- Tao cũng vừa tới thôi.
Rồi sực nhớ ra, cô đưa gói xôi cho Linh:
- Tao mua cho mày xôi lạp xường mày vẫn thích, ăn thêm cho đỡ đói.
Linh xuýt xoa cảm động:
- Mày chu đáo thế. Hay mày làm người yêu tao đi. So với tiêu chuẩn của tao, mày thừa rồi đấy.
Vi phát vào vai bạn một cái:
- Chỉ nói nhảm là giỏi. Lần sau tao về là phải có thiếp mời đám cưới đấy nhé.
- Thôi đi bà, bà lo thân bà trước đi.
Linh bĩu môi song lại cười hì hì. Rồi cô chìa cái túi ny-lon đang cầm trên tay ra:
- Quà của mày đây. Nghĩ mãi chả biết mua gì, sau nhớ ra mày vẫn thích ăn cốm, nên tao mua cho mày cân cốm khô. Sang bên đó chịu khó vẩy nước hấp lên giả làm cốm tươi hoặc cho tí đường làm cốm xào cũng được. Ăn cho đỡ nhớ.
Vi cảm động đỡ gói cốm trong tay bạn:
- Ừ, tao nhớ mùi cốm quá. Lần này về không đúng mùa, nên không thấy có những gánh cốm tươi bán rong trên vỉa hè. Cảm ơn mày nhiều.
Vi vừa nói, vừa mường tượng đến những gánh cốm tươi bán rong trên hè phố, mà trong tiết trời hanh hao của mùa thu Hà Nội, đứng cách xa cả dãy phố vẫn có thể ngửi thấy mùi thơm của cốm non gói trong lá sen tươi.
- Cuối năm bận quá mày ạ. Tao chắc lại phải chạy lên làm nốt cho xong đây. Tiếc là mày lâu lâu mới có dịp về mà tao lại không có nhiều thời gian nói chuyện với mày... Mai mày đi vui vẻ nhé.
Linh nói bằng một giọng áy náy đến nỗi Vi phải an ủi bạn:
- Cuối năm mà mày, ai chả bận. Mà có phải tao về mỗi lần này đâu. Năm nay tốt nghiệp xong chắc sẽ có điều kiện về thường xuyên hơn.
- Thôi mày lên đi - Thấy Linh vẫn còn đứng tần ngần, Vi nhắc bạn.
- Ừ, tao đi nhé. Mai lên đường bình an.
Tự nhiên Vi bỗng thấy nao nao trong lòng. Cô bước tới ôm lấy vai Linh:
- Thôi coi như chào mày luôn. Thỉnh thoảng email cho tao.
Linh đã bước vào thang máy được một lúc, Vi vẫn còn đứng nhìn theo. Mãi sau, như sực tỉnh cô mới thẫn thờ bước tới thang máy, trong đầu bỗng thoáng một ý nghĩ “thế là không gặp được anh ở đây rồi”. Một cảm giác vừa thất vọng lại vừa nhẹ nhõm dâng lên trong lòng cô. Vi bần thần ấn nút thang máy đi xuống tầng hầm nơi cô gửi xe.
Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính. Vừa ra khỏi thang máy được vài bước, đang lúi húi lục tìm mũ và găng tay trong túi xách thì cô lại nghe tiếng cửa thang máy mở. Ngẩng nhìn lên, cô thấy Nguyên đang từ trong bước ra. Anh đang nghe điện thoại, đầu hơi cúi xuống, không để ý đến xung quanh. Vi vội nép vào một chiếc ô tô gần đó, ngơ ngẩn mất mấy giây mới lấy lại được bình tĩnh. Khi Vi ngó ra thì thấy anh đang sải những bước dài đến bên chiếc xe màu xám bạc của anh, mở cửa xe và bắt đầu khởi động máy. Vi cứ đứng ngẩn ra ở đó cho đến khi chiếc xe lướt qua cô, theo mũi tên chỉ hướng exit rồi mất hút ở khúc quanh cuối đường hầm.
Tâm trạng ngơ ngẩn đó còn theo Vi suốt dọc đường về. Cuối cùng thì cô cũng đã nhìn thấy anh. Cái hy vọng mơ hồ của cô rốt cuộc cũng đã có một hình hài cụ thể. Nhưng không hiểu sao cô vẫn thấy một chút gì đó thất vọng, buồn bã. Vẫn là cảm giác thiếu vắng, vẫn là cảm giác khát khao, vẫn là cảm giác không thỏa mãn mà cô đã cố tình đè nén suốt từ buổi nói chuyện với anh hôm đó. Cô cứ nghĩ rằng chỉ cần nhìn thấy anh là đã đủ, nhưng lòng tham của con người dường như vô đáy. Nhìn thấy rồi, cô lại muốn gần anh thêm chút nữa, lại muốn được trò chuyện cùng anh, lại muốn được nắm tay anh, lại muốn được ngắm đôi mắt và nụ cười thân thuộc của anh, lại muốn không bao giờ xa anh nữa...
Buồn rười rượi, Vi cho xe đi thật chậm. Đây là đêm cuối cùng của cô ở Hà Nội trong lần về thăm này. Cô cứ muốn kéo dài mãi khoảnh khắc quý giá ấy. Nhưng mọi sự một khi đã bắt đầu thì đều có điểm kết thúc của nó. Hàng cây đầu phố nhà bà bác đã hiện ra trong tầm mắt Vi, chỉ còn một đoạn ngắn nữa là sẽ đến cái ngõ nhỏ xíu dẫn vào nhà. Cô bỗng đột ngột cho xe dừng lại. Trong bóng tối của một cái cây ven đường, Vi lấy tay dụi mắt. Không phải là ảo giác đấy chứ? Cô nhìn trân trối vào chiếc ô tô màu xám bạc đang đậu bên lề đường trước cái ngõ nhỏ quen thuộc. Đúng là xe của anh. Màu xám bạc hình như là màu xe mà anh ưa thích. Những con số trên biển xe anh, Vi đã thuộc nằm lòng. Từ Toronto về đến Hà Nội, màu xe không thay đổi, mà ngay cả những con số trên biển xe cũng vẫn được giữ nguyên, chỉ có loại xe là đã đổi khác. Làm sao anh lại biết nhà bác cô được nhỉ? - Vi băn khoăn tự hỏi. Hay... có lẽ nào anh đã đi theo cô vào buổi tối hôm đó? Những cảm xúc đang bị đè nén lại có dịp được trào lên trong cô. Vi cứ đứng ngây ra trong bóng tối, mắt không rời chiếc xe đang nằm im lìm dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn cao áp. Khoảng cách không đủ gần để cho cô có thể nhìn rõ anh. Nhưng Vi vẫn đứng đó, mường tượng từng đường nét khuôn mặt anh trong trí nhớ. Mong muốn được gặp anh bỗng thôi thúc trong cô. Anh chỉ đang cách cô một đoạn đường rất ngắn. Chỉ cần cô lên tiếng gọi. Chỉ cần cô bước đến trước mặt anh. Ý nghĩ này hấp dẫn đến mức Vi phải nắm chặt hai tay vào tay lái của chiếc xe máy, như thể cô sợ nếu buông lỏng ra, sợi dây nối cô với những nỗ lực kiềm chế sẽ đứt tung, và cô sẽ bị hút về phía anh với một sức mạnh không thể nào cưỡng lại... Rất, rất lâu sau đó, Vi nghe thấy tiếng chiếc xe nổ máy rồi nhẹ nhàng lướt đi, mang theo anh mỗi lúc một xa cô. Sợi dây đang căng hết cỡ trong trái tim cô chợt chùng xuống. Nước mắt bỗng lại rơi. Một lần nữa sức chịu đựng của cô lại được thử thách.
Chuyến bay chặng về khởi hành lúc bảy giờ tối nên Quân và Vi đã phải gọi taxi ra sân bay trước cả ba tiếng đồng hồ cho thư thả. Chỉ có Sơn đi tiễn cô, rồi sau đó sẽ bắt xe buýt của sân bay về lại thành phố. Dọc đường, tranh thủ lúc ngồi trên xe, Vi cứ dặn đi dặn lại cậu em đến cả chục lần hàng lô những thứ “phải làm” và “nên làm” để chuẩn bị sẵn sàng cho việc sang Canada học trong hai năm tới. Xe đến sân bay lúc năm giờ kém mười lăm phút. Làm thủ tục checkin, gửi hành lý xong xuôi, Vi vội giục Sơn về kẻo nhỡ chuyến shuttle bus(1) lúc sáu giờ. Khi Sơn chào Vi và Quân về rồi, cô mới chợt thấy lòng buồn hiu hắt. Lại cái cảm giác chống chếnh, bùi ngùi, rưng rưng của các cuộc chia tay... như lần nào cũng thế. Nhưng lần này, tâm trạng cô còn xấu hơn bởi sự xuất hiện của Nguyên trong thời gian cô ở Việt Nam. Đã mấy lần Quân giục cô làm thủ tục kiểm tra an ninh kẻo trễ nhưng Vi vẫn cố tình nấn ná thêm, như vẫn còn rất nhiều lưu luyến với mảnh đất nơi cô sinh ra và lớn lên này. Cho đến khi không thể trì hoãn thêm được nữa, cô mới chịu xếp hàng vào làm thủ tục xuất cảnh. Nhận chiếc túi xách tay từ băng chuyền của máy soi kiểm tra xong, Vi còn cố đưa mắt nhìn lại phía sau lần cuối trước khi cùng Quân bước vào trong khu vực chờ ở sân bay. Thoáng một chút thất vọng, Vi bỗng nhiên thấy cáu kỉnh với chính bản thân mình. Cô tự hỏi không biết cô còn đang mong chờ điều gì nữa?
__________
(1) Một loại xe buýt chạy trên một tuyến đường ngắn nhất định, cụ thể ở đây là chở khách của sân bay vào trung tâm thành phố.