Điệp Viên Của Chúa Chương 9

Chương 9
CĂN HỘ CỦA GIA ĐÌNH DICANTI

 

Số 12, phố Croce

Thứ tư ngày 6 tháng 4 năm 2005, 1:59 sáng.

“Không phải trả lại đâu.”

“Molto generoso. Cám ơn cô, cô thật hào phóng.”

Paola phớt lờ lời châm biếm của người tài xế ta xi. Lúc nào cũng là những câu nói thô bỉ như vậy nhưng người ta phải chấp nhận sống chung trong thành phố, khi mà ngay cả một người lái xe cũng có thể xúc phạm bạn nếu bạn chỉ boa cho anh ta 60 cent. Tính ra thì bằng bao nhiêu lia nhỉ . Đủ rồi. Quá đủ rồi. Đâu có đáng phải trả thêm. Đó là chưa kể cái đồ thô lỗ ấy đã rồ máy phóng thẳng trong khi cô còn chưa kịp ra khỏi xe. Một người đàn ông chân chính sẽ phải chờ cho đến khi cô vào trong nhà an toàn.

Bây giờ là hai giờ sáng và đường phố vắng tanh, không một bóng người, lạy Chúa.

Thời điểm này trong năm, thời tiết đã trở nên ấm áp, nhưng Paola vẫn thoáng rùng mình khi mở cửa vào tòa nhà.

Hình như vừa thoáng có bóng người ẩn hiện phía cuối phố Không, chắc là cô tưởng tượng thôi. Chắc là thế.

Cô vội vàng đóng cửa, hơi xấu hổ vì thần hồn nát thần tính. Cô nôn nóng nhảy ba bậc thang một lên căn hộ của mình, cầu thang gỗ cũ kỹ kêu lên ken két dưới mỗi bước chân. Vậy mà cô hầu như chẳng nghe thấy gì: máu như đang dồn lên khiến tai cô nóng bừng và cô phải dừng lại thở hổn hển khi đến cửa nhà mình. Nhưng vừa lên đến ngưỡng cửa, cô đã đứng sững lại, chết lặng người.

Cánh cửa căn hộ chỉ khép hờ.

Cô thận trọng mở cúc áo khoác, luồn tay vào trong, rút khẩu súng ngắn ra khỏi bao đeo rồi rón rén bước vào trong phòng. Cô lấy một tay đẩy cửa và nhẹ nhàng lách hẳn người vào trong. Phòng ngoài của căn hộ vẫn sáng đèn. Paola căng thẳng lần từng bước vào trong và bất thình lình đứng nép vào một bên cánh cửa, chĩa thẳng khẩu súng về phía trước.

Không có gì.

“Paola à?”

“Mẹ?”

“Vào đi con. Mẹ đang ở trong bếp.”

Paola thở phào nhét khẩu súng vào bao. Lần đầu tiên trong đời cô đã phải rút súng ra. Tất nhiên cô đã được huấn luyện việc này tại Học viện FBI nhưng...Rõ ràng là vụ án này đang làm thần kinh cô căng lên như dây đàn.

Bà Lucrezia Dicanti đang ở trong bếp, phết bơ lên những chiếc bánh quy. Cửa vừa xịch mở thì chiếc lò vi sóng cũng rít lên tu tu, bà lấy ra hai cốc sữa bốc khói, đặt chúng lên chiếc bàn phoocmica nhỏ. Paola đảo mắt nhìn khắp căn phòng. Tim cô vẫn còn đang đập thình thịch. Tất cả vẫn hoàn toàn bình thường như mọi khi: cái giá cắm thìa hình con lợn bằng nhựa, căn bếp với màu sơn sáng sủa mà hai mẹ con đã tự tay quét, mùi kinh giới dại vẫn còn thoang thoảng trong không khí. Cô đoán mẹ cô đã làm món cannoli ([26]), và cô cũng thích thú nghĩ rằng một mình bà đã ăn hết sạch, đó là lý do tại sao bà đang hì hục làm món bánh quy cho con gái.

“Con ăn đi này. Nếu con thích mẹ sẽ cho thêm bơ.”

“Trời ơi, mẹ, mẹ làm con sợ suýt chết. Sao mẹ lại để cửa mở thế?”

Cô đang gần như hét lên. Người mẹ lo lắng nhìn cô con gái. Bà rút trong túi áo khoác ngoài mặc nhà ra một tờ khăn giấy và cắm cúi lau sạch những vết bơ còn dính trên ngón tay.

“Mẹ vẫn thức, nghe ngóng tất cả những gì diễn ra dưới sảnh. Cả Rome đang đảo lộn tùng phèo, phát điên lên với những phỏng đoán về việc ai sẽ là vị giáo hoàng mới. Đó là chủ đề duy nhất mà người ta bình luận trên đài. Mẹ quyết định thức chờ con. Và sau đó mẹ nhìn thấy con ra khỏi ta xi, nên để sẵn cửa. Mẹ xin lỗi.”

Paola chợt cảm thấy xấu hổ và lúng búng xin lỗi mẹ.

“Bình tĩnh đi, con ăn một cái bánh đi nào.”

“Cám ơn mẹ.”

Cô ngồi xuống bên mẹ, ánh mắt bà âu yếm nhìn con.

Từ lúc Paola còn là một cô bé, Lucrezia đã quá quen với những trạng thái tâm lý của con gái mình và bà cũng biết làm thế nào để an ủi và khuyên nhủ cô tốt nhất. Nhưng giờ đây, con gái bà đang trăn trở vì một vấn đề quá nặng nề, quá phức tạp và quá sức. Bà thậm chí còn không hình dung nổi điều gì đã khiến cô lo lắng đến thế.

“Lại chuyện công việc hả con?”

“Mẹ biết là con không thể nói về chuyện đó được mà.”

“Mẹ biết, và mẹ cũng biết là khi con về nhà với vẻ mặt này, như thể ai đó vừa làm con phật ý, thì kiểu gì con cũng trằn trọc cả đêm. Có chắc là con không muốn kể với mẹ?”

Paola đăm đăm nhìn cốc sữa trên bàn, cô với lấy cái thìa và múc lấy múc để hết thìa đường này đến thìa đường khác cho vào cốc.

“Chẳng qua lại là...lại là một vụ khác, mẹ ạ, nhưng lần này thì dính dáng đến một kẻ cực kỳ điên rồ, bệnh hoạn. Con thấy mình chẳng khác gì cốc sữa khốn kiếp này, bị người ta tống đẫy đường vào. Đường thì chẳng bao giờ tan hết, chỉ tổ làm cốc sữa tràn ra thôi.”

Lucrezia dịu dàng đặt ngửa bàn tay che lên miệng cốc sữa, và thế là Paola đổ nguyên một thìa đường lên bàn tay bà mẹ.

“Nhiều khi nếu con chia sẻ, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.”

“Con không thể, mẹ ạ, con xin lỗi.”

“Được rồi, con chim bồ câu của mẹ. Mẹ hiểu mà. Con có muốn ăn thêm bánh không? Mẹ biết là con chưa ăn gì mà.”

Mẹ cô luôn biết lúc nào thì khôn ngoan nhất là thay đổi chủ đề.

“Thôi mẹ ạ, thế này là nhiều lắm rồi. Giỏ đựng bánh này của con còn lớn hơn cả đại đấu trường Coliseum ấy chứ.”

“Con gái mẹ hóa ra lại có cặp hông rất đẹp.”

“Đúng rồi. Thế nên bây giờ con vẫn chẳng có ma nào ngó ngàng đến.”

“Không phải đâu, Paola. Con vẫn một mình vì tính con rất nóng. Con xinh lắm, con biết chăm sóc bản thân, tập thể dục thường xuyên...Chỉ là vấn đế thời gian mà thôi trước khi con gặp một anh chàng không khiếp vía bởi giọng nói chát chúa và khuôn mặt lúc nào cũng cau có của con.”

“Con không dám tin là sẽ có người như thế đâu mẹ ạ.”

“Sao lại không chứ? Thế còn sếp của con thì sao, cái ông đẹp trai ấy?”

“Trời ạ, ông ấy có vợ rồi. Với lại ông ấy già bằng tuổi cha còn gì.”

“Con cứ nói quá lên thế. Cứ đưa ông ta đến đây, mẹ hứa là không làm ông ta ngượng đâu. Hơn nữa, thời buổi này, có vợ rồi thì cũng đâu có sao.”

“Trời ơi, mẹ mà biết sự thật thì, Paola thầm nghĩ. “Mẹ nghĩ thế thật sao?”

“Thật chứ. Lạy Đức mẹ Đồng trinh, mà ông ta có hai bàn tay thanh tú thật! Mẹ sẵn sàng đập phá tung trời với một người như thế”

“ Mẹ! Nhiều lúc mẹ làm con bị sốc đấy!”

“Từ khi cha con bỏ hai mẹ con mình cách đây mười năm rồi, chưa có ngày nào mẹ không nhớ ông ấy. Nhưng dù sao mẹ cũng đâu có giống như những bà góa phụ ở Sicile, suốt ngày mặc đồ đen kín mít rồi than khóc sướt mướt bên mộ chồng cho đến cuối đời. Nào, con ăn thêm một cái bánh nữa đi và mẹ con mình đi ngủ nhé.”

Paola nhúng thêm một chiếc bánh quy vào cốc sữa, trong đầu thầm nhẩm lượng kalo và chợt thấy áy náy.

Thật may vì cảm giác đó chỉ thoáng qua trong chốc lát.

THƯ CỦA HỒNG Y FRANCIS CASEY

GỬI BÀ EDWINA MACDOUGAL

Boston

Ngày 23 tháng 02 năm 1999

Thưa bà MacDougal,

Để trả lời lá thư ngày 17 tháng 2 vừa qua của bà, tôi muốn bày tỏ sự lo lắng của mình [...] Tôi tôn trọng và rất tiếc vì những nỗi buồn mà bà và con trai Harry của mình đã phải chịu đựng. Tôi rất chia sẻ với những nỗi thống khổ và đau đớn cậu bé đã phải gánh chịu. Tôi đồng ý với bà rằng việc một người con của Chúa như cha Karosky sa xuống vực sâu tội lỗi sẽ làm lung lay niềm tin của các con chiên khác.

Tôi thừa nhận sai lầm của mình. Lẽ ra tôi không nên tái bổ nhiệm cha Karosky làm linh mục phụ trình giáo xứ. . . Đến lần thứ ba khi mà những con chiên, ví dụ như chính bà, đến gặp tôi với những lời tố cáo, lẽ ra tôi đã phải hành động khác đi [...] Tôi đã nhận được những lời tham mưu sai lầm từ các bác sĩ tâm thần trong việc này, những người như bác sĩ Dressler, người đã lấy cả tính mạng của mình ra để bảo đảm với tôi rằng Karosky hoàn toàn có thể quay lại đoàn linh mục. Và tôi đã nghe ông ta [...] Tôi chỉ có thể hy vọng sự bồi thường hào phóng mà chúng tôi nhất trí bù đắp cho con trai bà sẽ phần nào mang lại sự hài lòng cho tất cả các bên [...] Số tiền đó trong thực tế đã vượt quá khả năng của chúng tôi [...] Tuy nhiên, tôi không hề có ý muốn dùng tiền để xoa nhẹ nỗi đau của gia đình bà. Tôi chỉ muốn khuyên bà không nên tiếp tục đề cập đến vấn đề này, như vậy là tốt cho tất cả mọi người [...] Nhà thờ của Chúa đã phải chịu đựng quá nhiều lời vu khống từ giới báo chí và truyền thông độc ác [...] Vì lợi ích của cộng đồng nhỏ bé của chúng ta, vì lợi ích của chính con trai và bản thân bà, chúng ta hãy hành động như thể vụ việc này chưa bao giờ xảy ra.

Cầu chúa ban phước lành cho bà.

(Đã ký)

Francis Casey

Tòa Giám mục Boston .

TU VIỆN SAINT MATTHEW

TU VIỆN SAINT MATTHEW

Sachem Pike, Maryland.

Tháng 11 năm 1995

Biên bản buổi phỏng vấn số 45 giữa bệnh nhân N.3643 và bác sĩ Canice Conroy, với sự giúp đỡ của bác sĩ Anthony Fowler và Sahler Fanabarzra

Bác sĩ Conroy: Xin chào Victor. Chúng tôi vào được chứ?

N.3643: Cứ tự nhiên, thưa bác sĩ. Đây là bệnh viện của ông mà.

Bác sĩ Conroy: Nhưng đây là phòng của anh.

N.3643: Vào đi, xin mời, vào đi.

Bác sĩ Conroy: Tôi nhận thấy anh đang có tâm trạng rất vui vẻ. Anh cảm thấy thoải mái chứ?

N.3643: Rất tuyệt vời.

Bác sĩ Conroy: Tôi rất vui khi thấy rằng từ khi anh rời bệnh xá về phòng đến nay không còn có thêm vụ bạo lực nào xảy ra. Anh đang uống thuốc rất đúng giờ và tham gia đầy đủ các buổi họp theo nhóm...Anh đang tiến triển rất nhanh, Victor.

N.3643: Cám ơn bác sĩ. Tôi chỉ làm những gì có thể thôi.

Bác sĩ Conroy: Tốt lắm. Như chúng ta đã thỏa thuận, hôm nay là ngày bắt đầu liệu pháp hồi quy cho anh. Đây là ông Fanabarzra, một chuyên gia thôi miên người Ấn Độ.

N.3643: Bác sĩ, tôi không nghĩ là tôi thấy thoải mái với ý tưởng tham gia vào buổi thí nghiệm này.

Bác sĩ Conroy: Đây là việc rất quan trọng, Victor. Chúng ta đã nói về chuyện này từ tuần trước rồi mà, anh còn nhớ chứ?

N.3643: Vâng, tôi nhớ.

Bác sĩ Conroy: Như vậy chúng ta đã có thỏa thuận rồi. Ông Fanabarzra, ông muốn bệnh nhân ngồi ở đâu đây?

Fanabarzra: Tốt nhất là cứ để anh ta nằm trên giường. Điều quan trọng là tay anh ta càng cảm thấy thoải mái càng tốt.

Bác sĩ Conroy: Vậy thì anh ta sẽ nằm trên giường. Nằm xuống đi, Victor.

N.3643: Xin chiều ý các ông.

Fanabarzra: Tốt lắm, Victor. Tôi sẽ cho anh xem một con lắc. Ông có thể kéo rèm cửa xuống một chút được không, bác sĩ? Được rồi. Victor, vui lòng nhìn vào con lắc này đi nào.

(Bản bóc băng này lược bỏ phần liên quan đến quá trình thôi miên của Fanabarzra, theo yêu cầu của ông ta.)

Fanabarzra: Được rồi, nào... bây giờ là năm 1972. Anh có nhớ được gì liên quan đến giai đoạn này không?

N.3643: Bố tôi... ông ta chẳng bao giờ ở nhà. Thỉnh thoảng cả gia đình phải đến nhà máy chờ ông ta vào những chiều thứ sáu. Mẹ bảo bố là kẻ chẳng ra gì và nếu chúng tôi tìm được bố thì sẽ ngăn ông ta ném hết tiền lòng vào rượu chè. Ngoài trời rất lạnh. Một hôm chúng tôi đợi, đợi mãi. Chúng tôi phải giẫm miết chân trên mặt đất để chúng không bị tê cứng lại. Emil hỏi mượn tôi cái khăn vì nó bị lạnh. Tôi nhất định không chịu. Mẹ tôi cốc lên đầu tôi và bắt tôi nhường lại khăn cho nó. Cuối cùng chúng tôi không thể chờ thêm được nữa và bỏ về nhà.

Bác sĩ Conroy: Hãy hỏi anh ta xem khi đó bố anh ta đã đi đâu?

Fanabarzra: Anh có biết lúc đó bố anh ở đâu không?

N.3643: Ông ấy bị đuổi việc. Hai ngày sau ông ấy mới về nhà trong tình trạng hết sức thảm hại. Mẹ bảo ông ấy đã uống say bí tỉ và ngủ với những người đàn bà xa lạ. Lúc ông ta đuổi việc người ta đã đưa cho ông một tờ séc, nhưng cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Chúng tôi phải đến Sở An sinh xã hội để nhận tờ séc của bố, nhưng nhiều khi ông ấy đến trước và lấy tiền uống rượu hết. Emil không hiểu tại sao người ta có thể uống được một mảnh giấy bé xíu như thế.

Fanabarzra: Gia đình anh có yêu cầu giúp đỡ không?

N.3643: Thỉnh thoảng giáo xứ cũng cho chúng tôi quần áo cũ. Những đứa trẻ khác nhận quần áo từ Hội Cứu tế, bởi vì quần áo ở đó bao giờ cũng tốt hơn. Nhưng mẹ nói đó là quần áo của quân dị giáo và những kẻ vô thần, tốt nhất là mặc quần áo tử tế của những người Thiên Chúa giáo khác. Beria nói rằng bộ quần áo tử tế Thiên Chúa giáo của nó toàn lỗ thủng. Đó là lý do nó ghét phải mặc những bộ quần áo đó.

Fanabarzra: Anh có vui không khi Beria ra đi?

N.3643: Tôi nằm trên giường. Tôi thấy anh ấy bước qua phòng ngủ lúc nửa đêm, một tay mở cửa, một tay xách giày. Anh ấy cho tôi sợi dây chuyền đeo chìa khóa có con gấu bằng bạc và bảo rằng có lẽ tôi sẽ tìm được chiếc chìa khóa thích hợp để đeo nào đó. Sáng hôm sau Emil khóc ầm lên vì nó chưa nói lời tạm biệt với Beria, thế là tôi phải cho nó cái dây đeo chìa khóa. Emil vẫn khóc và ném cả cái dây chuyền đi. Nó cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày. Tôi xé nát một quyển truyện tranh mà nó thích để bắt nó nín. Tôi còn lấy kéo cắt vụn những trang sách. Bố tôi đã giam tôi trong phòng ông ấy.

Fanabarzra: Khi đó mẹ anh đâu?

N.3643: Đang chơi bingo ở nhà văn hóa của giáo xứ. Hôm đó là thứ ba, bà ấy luôn đi chơi bingo vào thứ ba trong tuần. Mỗi lần chơi chỉ mất có một xu.

Fanabarzra: Chuyện gì đã xảy ra trong phòng bố anh?

N.3643: Không có gì. Tôi chỉ ngồi đấy thôi.

Fanabarzra: Victor, anh phải kể cho tôi biết.

N.3643: Chẳng có chuyện gì xảy ra hết. Ông không hiểu à? Chẳng có gì hết.

Fanabarzra: Victor, anh phải cho tôi biết. Bố anh đã giam anh lại trong phòng và làm chuyện gì đó với anh. Đúng không?

N.3643: Ông chẳng hiểu quái gì hết. Tôi đáng bị như thế.

Fanabarzra: Anh đáng bị sao cơ ?

N.3643: Bị trừng phạt. Trừng phạt. Tôi phải bị trừng phạt rất nhiều lần để tôi có thể ăn năn, sám hối vì tất cả những gì tồi tệ tôi đã gây ra.

Fanabarzra: Những điều tồi tệ nào?

N.3643: Rất nhiều chuyện xấu xa, tôi là một kẻ xấu xa. Những việc tôi đã làm với con mèo. Tôi tống con mèo vào một thùng rác đựng đầy báo cũ xé vụn rồi châm lửa. Con mèo kêu gào thảm thiết. Nó gào nghe như người thật vậy. Và cả những gì tôi đã làm với quyển truyện tranh nữa.

Fanabarzra: Thế hình phạt là gì, Victor?

N.3643: Đau. Ông ấy làm tôi đau. Và ông ấy thích như thế, tôi biết. Ông ấy bảo tôi là ông ấy cũng đau không kém, nhưng ông ấy nói dối. Ông ấy nói bằng tiếng Ba Lan. Ông ấy đâu có biết nói dối bằng tiếng Anh, câu từ cứ lộn tung cả lên. Lần nào trừng phạt tôi ông ấy cũng nói bằng tiếng Ba Lan.

Fanabarzra: Ông ấy sờ soạng anh à?

N.3643: Ông ấy cho cái đó vào người tôi từ phía sau. Ông ấy bắt tôi quay người lại. Và ông ta cho cái gì đó vào người tôi, nóng rực và làm tôi đau lắm.

Fanabarzra: Những hình phạt như vậy có diễn ra thường xuyên không?

N.3643: Thứ ba nào cũng vậy. Khi mẹ không có nhà. Nhiều lúc, sau khi xong, ông ta nằm vật ra, nằm ngủ ngay trên lưng tôi. Cứ như là chết rồi ấy. Nhiều lúc ông ta không đủ sức trừng phạt tôi bằng cách thông thường, thế là ông ta đánh tôi.

Fanabarzra: Ông ta đánh anh như thế nào?

N.3643: Ông ta phát vào mông tôi cho đến khi mệt nhoài. Thỉnh thoảng sau khi đánh tôi xong, ông ta lại phạt tôi, nhưng cũng có lúc thì không.

Fanabarzra: Thế còn anh và em trai của anh thì sao, Victor? Họ có bị bố anh phạt không?

N.3643: Tôi nghĩ ông ấy cũng phạt cả Beria. Emil thì không. Emil là đứa tốt. Đó là lý do tại sao nó chết.

Fanabarzra: Vậy chỉ những người tốt mới chết sao, Victor?

N.3643: Chỉ người tốt thôi. Kẻ xấu chẳng bao giờ chết cả.

Mời bạn đón đọc chương tiếp!

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t122124-diep-vien-cua-chua-chuong-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận