Bụi Cay Mắt Người Truyện 12


Truyện 12
Toàn thế giới

Bắt đầu là chuyện chú Thảnh đẻ đứa con gái thứ bảy. Ngay lập tức cái Thanh đang học cấp III muốn bỏ học vì xấu hổ. Chao ơi, bố mẹ năm mươi tuổi mang khuôn mặt của người già gần bảy mươi và ý nghĩ hời hợt như đứa trẻ đã gây ra chuyện này. Thanh khóc nức nở một tuần lễ, bạn bè dỗ mãi không chịu đến trường. Thầy giáo hùi hụi tiếc một học sinh xuất sắc đến tận nhà không làm em thay đổi. Người bố bứt đầu bứt tóc than, tiếng thở dài não nuột nhiều đêm mờ cả mảnh trăng le lói lọt qua tàu cau. Cũng bởi vì nỗi đau không con trai. Một mống con trai thôi mà để gần hết đời người chú Thảnh không yên chút nào. Thím Ngải đã lặn lội truy tìm không biết bao nhiêu ông thầy lang chẳng gặp thuốc, để buồng trứng của thím cứ nhằm loại vịt giời mà ấp ủ. Đau đầu hơn là có kẻ ác tâm tôn chú Thảnh lên làm đại trưởng xóm. Trước đây chỉ là “Trưởng”, nay cao hơn một bậc nữa vì chú phá kỷ lục.

Người ta bảo đàn bà xóm này ăn phải đũa nhau, nên không biết đẻ con trai. Một số người lo xa không dám gả chồng cho con gái về xóm nữa. Nhiều đôi không thể không cưới thì bắt buộc chuyển đến một mảnh đất khác để cho số phận của mình khác đi. Xung quanh đây chừng mười hai nóc nhà thì đến tám nhà đẻ nhiều con gái. Dân làng gọi xóm Vịt giời. Nhiều tuổi nhất là ông Cẩu, tám người con gái được ông cho “ra lò” trong vòng mười lăm năm. Giờ ông đã về thiên cổ. Các cô đã đi xây dựng gia đình. Người nhiều tuổi thứ hai là bác Cốm, bốn cô thì hai cô quá lứa nhỡ thì một người được chia nửa suất phần trăm xây “lăng” ở riêng. Người nhiều tuổi thứ ba là chú Thảnh. Còn như anh Nhi anh Tuấn, vừa cưới được bảy năm cũng đã “sáng tạo” được ba cô gái tóc tém xác xơ nắng gió triền sông, nheo nhóc. Vân vân và vân vân. Nỗi heo hắt thổi qua thổi lại khuôn mặt của những người gia trưởng xóm này. Họ gặp nhau mở niềm vui chỉ có nửa, nửa kia dành cho nỗi lo lắng và xấu hổ. Đôi khi trẻ già ngồi với nhau ngấu nghiến nước chè và than thân trách phận về những con vịt giời mình đẻ ra.

Những người khổ nhất hiện nay của xóm Vịt giời có lẽ là gia đình chú Thảnh. Thím ấy đã quá mệt mỏi vì đàn con và ruộng đồng. Tất cả chất lên lưng một người đàn bà nặng ba tám cân rưỡi. Thím lại dật dẹo ốm liên miên. Thành ra công việc phần lớn chú Thảnh lo. Đứa con cả vừa theo chồng qua bên kia sông, thi thoảng về thăm bố mẹ và các em. Đứa thứ hai vì tình phụ giờ ngớ ngớ ngẩn ngẩn ngồi tha thẩn ở nhà, khi lại đi rong người đường hoặc bêu nắng trên đồng, chẳng thể nào chữa khỏi. Cái Thanh học cấp III mơ ước thoát khỏi lũy tre làng thì bỏ học vì không qua nổi xấu hổ. Còn mấy đứa cuối cả ngày inh ỏi đau óc nhức đầu. Ngần ấy cái tàu há mồm, ngần ấy con vịt giời đủ để biến thân xác chú thành ra cái tã cho trẻ con. Đó là chú cay đắng nói thế. Chú còn nói cái tã của người ta giờ cũng lành lặn lắm, đắt tiền nữa. Chú không bằng cái tã, nhàu nhĩ sống trong sự chán chường. Và nhiều đêm, trong ánh trăng suồng sã, chú thốt lên: “Ôi con trai, sao ở xa vời vợi. Ông trời ơi!”. Mà tiếng kêu than ấy, đâu phải chỉ chú nói cho mình, thím gái cũng biết. Hàng xóm cũng biết.

Thanh nghỉ học, rủ cái Vân con chú Tiền đi làm giày da cho công ty liên doanh, mỗi tháng được trả bốn trăm rưỡi tiền lương, sau sẽ tăng dần. Cái Thơi em sau Thanh học lớp tám thấy chị nghỉ cũng muốn theo đi làm cho có tiền. Chú Thảnh bảo: “Mày không được nghỉ, bằng mọi giá mày không được nghỉ”. Mặt cái Thơi buồn rười rượi “Chị Thanh nghỉ được, con lại không!”, nó hậm hực cắp cặp đến trường. Thanh và Vân đã đến tuổi lấy chồng. Thường thì xóm đông con gái phải nhộn nhịp mới phải. Nhưng không, chính cái “thương hiệu” của xóm kia đã hại những cô gái. Trai làng hay trai từ thôn khác đến tìm hiểu gái trong xóm chỉ là những chàng bị loại, hay người lớn gọi là “trai loại hai”. Những chàng cừ khôi thì đã đi tìm những cô gái khác. Họ chê con gái ở xóm Vịt giời không biết đẻ, rồi sẽ sản sinh ra một lũ vịt giời thôi. Ô hay, đàn ông vẫn thường thích ngủ với nhiều đàn bà, nhưng lại không thích đẻ ra nhiều cô gái!

Cái Thanh con chú Thảnh bỏ học rồi đi làm, có người đến tìm hiểu. Nhưng chàng trai này trông cục mịch và cũ càng quá, chẳng có chút phong độ của thằng đàn ông. Nên nó chưa ưng, chỉ cầm chừng. Lần đầu tiên nó biết cái câu “yêu cầm chừng” từ miệng chú Thảnh nói ra. Chú bảo: “Mày đẹp gái, chả sợ gì ế. Cứ từ từ, xem có thằng nào đường được không hẵng!”. Thế mà cái Thanh nghe. Còn nhiều đứa lo ế, nhiều ông bố bà mẹ lo không gả được chồng cho con, chấp nhận kết thông gia với những gia đình nghèo và “yêu yếu” một chút. Lũ “vịt giời” trong xóm thế mà lần lượt được “xuất” chuồng, rầm rộ như một phong trào lớn. Chú Thảnh bảo xóm này không có duyên với rể quý rồi. Rể quý nó bạt đi nơi khác hết. Sự thể xa xót vô cùng trong những tâm hồn chênh chao nửa non nớt nửa già nua của những ông bố bà mẹ, bất đắc dĩ nhắm mắt đưa chân, gả con cho những chàng rể mà mình chưa thực sự tin tưởng, để rồi dựa vào ý trời. Trời cho sướng thì được sướng. Còn chẳng may, vớ phải thằng chồng vũ phu cục súc, rượu chè, thì chấp nhận con ơi thân gái dặm trường. Bao nhiêu lượt con gái xóm Vịt giời sang sông. Chỗ gần không gả được thì phải gả xa. Chồng gần không lấy, không, không lấy được chồng gần. Em đây mang tiếng bao phần từ khi...! Đó còn là lời hát đau thương của những cô gái phải lấy chồng xa, ngày cưới mà nước mắt rơi lã chã như mưa.

Đã không ít chàng trai “mạo hiểm" lấy vợ xóm Vịt giời, về thụ thai, quyết tâm phải đẻ con trai. Nên công nghệ thời hiện đại được họ áp dụng triệt để. Phải đi siêu âm, nội soi thật lỹ lưỡng. Nếu là con trai thì để, con gái thì bỏ. Ông trời phũ phàng chơi khăm họ, có cô, sau khi “làm sạch” đứa con gái trong bụng rồi, thì vĩnh viễn không còn khả năng làm mẹ nữa. Và nước mắt của cô chảy dài hơn, xa xót hơn.

Chuỵên này nữa, ập đến như cơn lũ vô tình vào gia đình chú Thảnh. Đó là chuyện cái Thanh mang thai. Nó đã bỏ rơi anh chàng cục mịch vẫn lui tới tìm hiểu. Anh chàng chán ngán phải chuyển hướng chiến lược. Chú Thảnh tiếc nửa vời “trông nó chắc không phải dân nghiện ngập hay vũ phu gì, giá nó có cái tem bảo hành...”. Chuyện động trời này chú Thảnh cố tình giấu kín, nhưng nó cứ vỡ tung ra, cả làng ai cũng biết. Thím Thảnh bị một cú sốc nặng, đổ bệnh. Đối với dân làng, cái chuyện kia quá xấu xa và phải nhận sự khinh miệt đến nghiệt ngã. Rồi thím ra đi. Cơ thể thím không chịu được những lời bàn ra tán vào, sự kết tội. Gần bốn mươi cân cơ thể, cả áo quần, nằm khô khốc trên giường, rồi được đưa vào áo quan. Năm đứa con gái ời ời khóc. Đau đớn nhất là tiếng khóc của cái Thanh. Đứa con thứ sáu chẳng hiểu gì, thấy nhà mình đông quá, chẳng hiểu sao hỏi chị: “Người đến nhà mình đông quá chị nhỉ?”, còn con út vẫn phải người bế trên tay.

Cái Thanh nghĩ rằng chính việc làm của nó đã gây ra cái chết của mẹ. Từ nay bố nó phải chịu cảnh gà trống nuôi con, mà bố thì đã yếu quá rồi. Đứa thứ hai thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Sự đau lòng này đã gây nên nỗi đau vô tường tận trong lòng Thanh. Nó khóc ngặt nghẹo, ngất đi ngất lại bao lần. Chôn cất mẹ xong rồi, nó bắt đầu nghĩ đến chuyện ra đi. Nhưng chú Thảnh đã cản lại: “Mày đi, tao biết trông cậy vào ai để giúp. Tiếng xấu thì đã mang rồi, mày đi không rửa được” Thanh đành ở nhà, nghe lời bố. Chú Thảnh uất cái Thanh lắm, nhưng không làm gì được. Chuyện đã lỡ rồi, có chém nó thành trăm mảnh thì cũng thế. Cái tình của người cha cho phép chú bình tĩnh lại, tìm đường, mà đường ở đâu để về phía sáng sủa bây giờ.

Không phải cái Thanh hư hỏng. Nó có ý đồ khác. Muốn chuyện riêng tư của mình khác đi. Nó và cái Vân rủ nhau “câu” mấy anh đẹp trai xóm Trại. Đàn ông con trai thường dễ ngã lòng khi con gái tự đổ vào mình. Thằng Khắc con lão Ngồng đã dính... chưởng. Thằng này nổi tiếng đẹp trai và kênh kiệu, nhưng đã bị hút hồn bởi cái Thanh, trong một đêm trăng dưới gốc gạo nhà thờ. Chúng rủ nhau đi hí húi ở một nơi xa hơn. Trong hai đứa, hình như đều có quan hệ với Khắc, nhưng chỉ Thanh là “dính”. Thanh tính toán rằng, khi mình đã cho Khắc làm chuyện ấy rồi, thì anh ta chẳng làm sao bỏ mình được nữa. Nó sẽ được sở hữu một anh chàng đẹp trai hẳn hoi, chứ không phải loại lùn một mẩu mà tóc tai bờm xờm. Nhưng nó đã nhầm. Khắc chỉ muốn lợi dụng thân xác nó, khi biết Thanh có mang, Khắc tính bài chuồn. Sự thể đã khiến dư luận trong làng quan tâm. Người ta đồn ầm như ong vỡ tổ, đến cả những ngôi làng xung quanh. Người ta chỉ trích không riêng gì gia đình nhà chú Thảnh không dạy được con, mà cả gia đình lão Ngồng nữa. Nhưng lão bất cần, thằng Khắc cũng bất cần. “Ong nào mà chả đốt” - đấy là cái lý của bố con Khắc. Chú Thảnh dứt khoát muốn làm to chuyện này. Cuối cùng, vì đuối lý, cũng vì nhà chú Thảnh được nhiều người ủng hộ, lão Ngồng nghe ra, thấy cái Thanh cũng nết na, chịu khó, lại xinh, chỉ ít giây phút yếu lòng. Lão khuyên con làm theo chú Thảnh. Thằng Khắc cau có không chịu, nhưng vì áp lực của bố, vì bố nó hứa cho mảnh đất đầu làng dựng nhà, nó nghe.

Một đám cưới diễn ra không lấy gì làm vui. Một đám cưới đã từng chịu nhiều lời chỉ trích của dân làng vì ý nghĩ dại dột của cái Thanh. Cho đến ngày cưới, những “bà mẹ xóm vịt giời” vẫn thương cho nó mà rằng: Mày đi lấy chồng, hạnh phúc ít mà sẽ khổ nhiều, con ạ, cố mà chịu đựng. Ai ngờ đó lại là sự thật. Những người đàn bà kia nói đúng. Họ không ý đồ chúc dữ cho Thanh, nhưng họ dự liệu được việc này. Khuôn mặt Khắc không giống một kẻ vũ phu, nhưng nó đã làm chuyện đó để trả thù. Nó hận bố con Thanh đã ép nó làm chuyện nó không muốn, phải mang tiếng xấu với bạn bè. Đã có lúc thằng Khắc cãi lại: “Tao ngủ với người yêu của tao thì việc gì?”. Nhưng lời thằng Khắc không thắng được dư luận vẫn đang chảy tràn. Nó đành trút giận lên đầu vợ. Những trận đánh cãi diễn ra liên miên, trong ngôi nhà mới ở đầu làng. Ba năm, Thanh sinh ra hai đứa con gái. Một sự trớ trêu, có lúc, Khắc tỏ ra bàng quan trước việc Thanh sinh con gái. Nhưng khi rượu vào, không chịu được, nó quát vợ rằng: “Tôi sẽ cho cô đẻ một lũ con gái. Đàn bà xóm vịt giời các cô, chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp vịt giời cả”. Thanh ời ời khóc gọi mẹ hằng đêm. Nước mắt vón cục trong lòng. Một bận, Thanh có buông lời cãi chồng một câu, Khắc cầm cả cái điếu cày vung vào đầu vợ, chẳng may phải chỗ phạm, Thanh khuỵu xuống, rồi chẳng bao giờ dậy nữa. Thằng Khắc sợ chín mặt, rồi hóa điên. Không biết điên thật hay giả, nhưng nó cả ngày lê la đầu đường xó chợ, bẩn thỉu vô cùng. Hai đứa cháu ngoại nheo nhóc. Chú Thảnh thương, nói với lão Ngồng để đón về nuôi. Lão Ngồng bảo. “Thôi, để tôi nuôi đứa lớn, còn ông nuôi hộ tôi đứa bé”. Chú Thảnh mang đứa bé về, hận rằng mình đã tính sai. Chú trách mình sao lại gả con gái cho thằng giời đánh đó. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp, nào ngờ...

Những người đàn ông xóm Vịt giời đến động viên, giúp đỡ chú. Họ góp tiền để chú đưa đứa con gái thứ hai đi chữa bệnh ngớ ngẩn vì tình phụ. Những người đàn bà, con gái xóm vịt giời thì vừa góp công, vừa góp của nuôi đứa con nhỏ Thanh bỏ lại trần thế. Họ đặt tên cho con bé là Sướng, vì nó có quá nhiều mẹ, cô dì chú bác. Nhưng chú Thảnh đã kịp đặt cho nó cái tên mỹ miều là Hải Trinh rồi. Nó sẽ ngoan hiền và không sai lầm như mẹ nó trước.

Đêm đêm, những người đàn ông xóm Vịt giời vẫn tụ tập nhau dưới trăng, bên chiếc điếu cày, bàn tính chuyện tương lai cho con em mình. Làm sao thoát khỏi “xóm Vịt giời”. Chuyện khó như đưa con voi chui qua lỗ kim ấy.


Khó thật!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86937


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận