Lúc ăn cơm, có người đứng bên kia bờ gọi đò. Thúy Thúy tranh lấy phần việc đưa đò. Tới nơi, mới biết người qua đò là người của nhà ông quản bến sai đến trông đò. Vừa thấy Thúy Thúy, người đó đã nói:
- Cậu Hai bảo hai ông cháu ăn xong cơm là đi ngay, cậu ấy đã xuống thuyền đua rồi.
Khi gặp ông quản đò, người ấy lại cũng nói y như thế:
- Cậu Hai bảo hai ông cháu ăn cơm xong thì đi ngay, cậu ấy đã xuống thuyền rồi.
Giỏng tai lên nghe, thấy tiếng trống xa xa đã bắt đầu dồn dập. Tiếng trống ấy làm người ta nghĩ đến những con thuyền rất hẹp vạch tuyến đường thật dài và thật đẹp trên mặt nước khi thẳng tiến trên sông.
Người vừa đến xuống ngay bến đò mà không chịu uống trà. Khi hai ông cháu ăn cơm có mời anh ta một chén rượu, nhưng anh ta vẫn lắc đầu từ chối. Ông quản đò nói:
- Thúy Thúy, ông không đi, cháu đi cùng con Vàng có được không?
- Ông không đi thì cháu cũng không đi.
- Ông đi thì sao?
- Cháu vốn không định đi, nhưng cháu đưa ông cùng đi.
Ông ngoại mỉm cười:
- Thúy Thúy, cháu đưa ông đi, hay lắm, cháu đưa ông đi!
Khi hai ông cháu tới bờ sông dưới thành thì trên bờ đã đứng đầy người. Mưa bụi đã tạnh hẳn nhưng mặt đất còn ẩm ướt. Ông bảo Thúy Thúy vào phố lên gác sàn nhà ông quản bến mà xem, nhưng Thúy Thúy cho rằng đứng trên bờ xem thích hơn, hai ông cháu bèn đứng trên bờ sông. Lát sau, ông Thuận Thuận cho người mời hai ông cháu lên nhà.
Trên gác sàn đã có rất nhiều người. Hai mẹ con nhà giàu khiến Thúy Thúy phải chú ý lúc sang đò sáng nay được ông Thuận Thuận khoản đãi, chiếm một chỗ tốt nhất bên cửa sổ. Vừa thấy Thúy Thúy, cô bé kia liền nói:
- Chị đến đây, chị đến đây!
Thúy Thúy bẽn lẽn đi tới, ngồi sau hai mẹ con. Ông ngoại liền bỏ đi ra ngoài.
Ông quản đò không xem đua thuyền mà được một người quen kéo đi xem cối xay nước ở một nhà xay xát phía thượng du, cách đó nửa dặm đường. Thì ra ông quản đò rất thích cối xay nước. Trong một ngôi nhà lá nhỏ tựa núi kề sông có một thớt đá tròn, được cố định bằng một trục ngang đặt hơi xiên trên cối đá. Khi cửa đập nước được kéo lên, nước tuôn ra làm xoay bánh xe đặt phía dưới nước, thớt đá bên trên bèn xoay tít. Người trông nom cối xay đổ thóc vào cối rồi lấy gạo đã xay xong bỏ vào giần để trong góc nhà giần hết cám đi. Cám vương vãi khắp đất; trên vuông khăn trắng đội đầu, trên cổ, trên vai người trông cối cũng toàn là cám. Hôm nào đẹp trời, người đó trồng hành tứ quý, củ cải, rau cải trên rẻo đất trống trước, sau cối; nếu đường dẫn nước sụt lở thì người ấy cởi quần lội xuống sông chất đá lên sửa lại. Quản lý một cối xay thú hơn quản lý một con đò, hễ nhìn là thấy ngay. Nhưng một người đưa đò muốn có một chiếc cối xay là điều mong muốn hão. Theo lệ, các cối xay đều thuộc ông chủ nhỏ. Khi người quen đưa ông quản đò đến nơi xay xát, đã nói cho ông biết chủ nhà xay xát này là ai. Hai người vừa quan sát khắp nơi vừa nói chuyện. Người quen ấy lấy chân đá vào thớt đá tròn nói:
- Người Trung Trại ở trên núi cao nhưng thích dựng nghiệp ở ven sông. Nhà này của ông tổng đoàn họ Vương trên Trung Trại, giá đến bảy trăm xâu tiền lớn(27).
Ông quản đò liếc dọc ngang đôi mắt nhỏ, tỏ vẻ rất ngưỡng mộ sau khi đã xem khắp. Ông gật gù nhận xét rất thoả đáng về những vật dụng trong nhà xay xát. Sau đó hai người ngồi trên chiếc ghế dài bằng gỗ mộc chưa bào xong, người quen lại nói về tương lai của nhà xay xát, dường như đó là của hồi môn của con gái ông tổng đoàn. Người ấy nhân đó nhớ đến Thúy Thúy và nhớ đến việc cậu Cả nhà Thuận Thuận nhờ anh ta, bèn hỏi:
- Bác ơi, Thúy Thúy nhà bác bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười bốn rồi! - Nói xong ông quản đò thầm nhẩm tính những năm tháng đã qua.
- Mười bốn tuổi mà giỏi giang nhỉ! Sau này ai lấy được cô ấy thật có phúc.
- Phúc gì mà phúc? Chỉ trơ trụi người không, làm gì có nhà xay xát làm của hồi môn!
- Người không thì đã sao nào? Hai bàn tay địch được đến năm nhà xay xát ấy chứ! Cầu Lạc Dương chỉ do hai bàn tay Lỗ Ban(28) mà dựng nên đấy thôi! - Người quen ấy dẫn hết lý này đến lý khác rồi cười.
Ông quản đò cũng cười, thầm nghĩ: “Sau này Thúy Thúy cũng dựng được cầu Lạc Dương thì mới là chuyện lạ!”.
Một lúc sau người kia lại nói:
- Trai tráng ở Trà Đồng người nào mắt cũng sáng, chọn vợ cũng rất tinh. Bác ơi, nếu bác không cả nghĩ thì cháu nói câu chuyện vui cho bác nghe!
- Chuyện vui như thế nào? - Ông quản đò thăm dò.
- Nếu bác không cả nghĩ thì chuyện vui này cũng có thể xem như chuyện thật. - Người kia lại nói.
Sau đó mới kể cậu Cả nhà Thuận Thuận khen Thúy Thúy đẹp như thế nào, lại nhờ anh ta thám thính một việc là xem ông quản đò nói thế nào. Sau đó anh ta kể lại tình hình nói chuyện giữa hai người:
- Cháu mới hỏi cậu Cả, này cậu Cả, cậu nói thật hay nói đùa đấy? Cậu Cả nói, cậu thám thính hộ tớ xem ông già nói sao. Tớ thích Thúy Thúy, muốn lấy Thúy Thúy, tớ nói thật đấy! Cháu nói, mồm mép tôi vụng lắm, nói ra ông cụ tát cho một cái thì sao? Cậu Cả nói, cậu sợ bị đánh thì nói như một câu chuyện vui, như thế thì không bị đánh đâu. Vì thế, cháu mới đem chuyện ấy coi như chuyện vui kể với bác. Bác ơi, bác nghĩ giùm cháu đi, mồng chín này anh ấy từ Xuyên Đông về gặp cháu, cháu nên trả lời anh ấy như thế nào?
Ông quản đò nhớ lại những lời chính cậu Cả đã nói với ông, biết cậu ta thật sự có ý đó, vả còn biết ông Thuận Thuận cũng ưa Thúy Thúy, cho nên ông rất vui. Nhưng theo lệ thì việc này phải có người mang gói bánh điểm tâm đến tận nhà ông ở núi Bích Khê để thưa chuyện, có thế mới là thận trọng. Ông bèn nói:
- Khi nào cậu ta về thì cháu nói, ông cụ nghe xong câu chuyện vui thì cũng kể một câu chuyện vui. Ông cụ nói rằng, xe có đường của xe, ngựa có lối của ngựa. Cậu Cả đi đường xe thì phải có cha cậu làm chủ, nhờ người làm mối đến thưa chuyện với tôi. Còn nếu cậu Cả đi đường của ngựa thì bản thân cậu Cả phải làm chủ, đến đứng trên núi đối diện với bến đò hát ba năm sáu tháng cho Thúy Thúy nghe.
- Bác ơi, nếu hát ba năm sáu tháng mà làm rung động được trái tim của Thúy Thúy thì ngay ngày mai tự cháu sẽ đến hát.
- Cháu tưởng Thúy Thúy bằng lòng mà bác còn không bằng lòng hay sao?
- Không phải thế, người ta cho rằng bác bằng lòng thì Thúy Thúy không thể không bằng lòng.
- Không thể nói như thế được. Đây là việc của nó.
- Dù là việc của cô ấy thì người ta vẫn cho rằng hát ba năm sáu tháng dưới nắng, dưới trăng cũng không bằng một lời của bác.
- Vậy thì tôi nói đây. Chúng ta làm như thế này: khi Thiên Bảo từ Xuyên Đông trở về, cậu ấy phải cùng ông Thuận Thuận nói cho rõ ràng. Còn tôi, tôi cũng trước hết hỏi Thúy Thúy. Nếu con bé cho rằng sau khi đã nghe hát trong ba năm sáu tháng, rồi theo người hát ấy thì có ý nghĩa hơn, tôi sẽ đề nghị cậu khuyên Thiên Bảo hãy đi con đường quanh co khúc khuỷu của ngựa.
- Vậy thì hay lắm. Khi gặp Thiên Bảo cháu sẽ nói, tôi đã thưa chuyện đứng đắn với bác ấy rồi, từ nay xem số phận của anh ra sao. Phải chờ xem số phận của anh ta thật, nhưng cháu hiểu rằng số phận của anh ta vẫn nằm trong tay bác đấy!
- Không phải như thế. Nếu tôi mà nắm vững được việc này thì tôi đã nhận lời rồi.
Hai người nói đến đây rồi cùng nhau đến một nơi khác xem con thuyền có ba khoang của ông Thuận Thuận mới mua. Còn trên lầu sàn của ông Thuận Thuận ở phố bờ sông, Thúy Thúy sau khi được con gái nhà tài chủ gọi đến ngồi cạnh, một chỗ ngồi rất tốt, nhìn qua cửa sổ, cô bé thấy mọi thứ trên sông rõ mồn một, nhưng lòng em vẫn bồn chồn. Những người chen chúc đứng xem ở mấy cửa sổ khác dường như thỉnh thoảng lại chuyển ánh mắt từ cảnh vật trên sông sang phía Thúy Thúy. Dăm ba người còn cố ý giả vờ có việc, từ phía lầu đằng kia đi tới phía này, thực ra chỉ để nhìn được kỹ mấy người ở chỗ Thúy Thúy. Thúy Thúy thấy mất tự nhiên, chỉ muốn mượn cớ đi chỗ khác.
Lát sau pháo nổ vang dưới sông, mấy chiếc thuyền từ phía bên kia sông chèo thẳng sang bên này. Đi đầu là bốn chiếc thuyền cách nhau không xa như bốn mũi tên lao trên mặt nước. Được nửa đường, hai chiếc vượt lên trước. Lát sau, trong bốn chiếc thuyền lao sang, chỉ có một chiếc vượt khỏi ba chiếc dàn hàng ngang. Khi thuyền đó gần tới cửa Cục thuế quan thì đợt pháo thứ hai nổ vang, báo tin thuyền đó thắng. Lúc này phần thắng đã được tuyên bố dành cho con thuyền của đội phố bờ sông, thế là các nơi khác cũng nổ pháo chúc mừng. Con thuyền ấy chèo men theo phố bờ sông, phía dưới những lầu sàn. Trống tùng tùng vang lên, trên bờ sông và trên các lầu sàn đều nổi lên tiếng hò reo vui vẻ chúc mừng. Thúy Thúy trông thấy chàng trai đầu chít khăn đỏ cầm cờ nhỏ phất qua phất lại chỉ huy con thuyền tiến hay lùi chính là cậu Hai Na Tống, người đến núi Bích Khê trả bầu rượu. Những việc ba năm trước còn in rõ trong lòng em: “Con cá lớn đớp em đấy!”, “Cá có đớp cũng chẳng việc gì đến anh!”, “Được nhé, anh mặc kệ đấy!”, “Vàng, Vàng, mày sủa cũng phải biết nhìn người chứ!”. Nhớ đến chó, Thúy Thúy mới chú ý và thấy con chó vàng ở bên cạnh không biết đã chạy đi đâu mất rồi. Em đứng lên, đi khắp lầu để tìm con Vàng, quên khuấy người đứng ở đầu thuyền.
Em vừa tìm chó trong đám đông, vừa lắng nghe người ta nói chuyện. Một người đàn bà mặt to béo nói:
- Không biết con gái nhà ai mà được ngồi chỗ tốt, ngay bên cạnh cửa sổ nhà ông Thuận Thuận thế nhỉ?
Một người đàn bà khác nói:
- Đấy là con gái đầu nhà ông tài chủ họ Vương. Hôm nay họ nói đến xem đua thuyền nhưng thực ra là đến xem người, đồng thời cũng để người ta xem mình. Có thế nào người ta mới được ngồi chỗ tốt như thế chứ!
- Bà bảo ai xem và xem ai?
- Ông tài chủ ấy muốn kết thông gia với ông Thuận Thuận.
- Cho cậu Cả hay cậu Hai?
- Cho cậu Hai. Lát nữa các bà sẽ được thấy Nhạc Vân, cậu ấy sẽ lên lầu chào mẹ vợ.
Một người khác nói xen:
- Việc đã thoả thuận xong rồi, rất xứng đôi. Người ta có của hồi môn là một nhà xay xát mới tinh, hơn đứt mười anh làm công ấy chứ!
Có người hỏi:
- Cậu Hai thì thế nào?
Một người khác nói khẽ:
- Cậu Hai có nói, cậu ấy chẳng cần xem mặt. Việc đầu tiên là cậu ấy không muốn làm chủ cái cối xay đó.
- Bà nghe chính cậu Nhạc Vân nói à?
- Tôi nghe người khác nói. Người ấy còn nói cậu Hai thích cô gái đưa đò.
- Nhà xay xát không muốn, lại muốn đưa đưa đò à?
- Ai biết đâu đấy! Vả chăng con người ta là “thịt bò xào rau hẹ,” ai thích gì thì ăn thứ đó! “Nhưng mà đưa đò không thạo thì chẳng bằng chọn cối xay”!
Lúc ấy mọi người nói chuyện mà mắt để cả ở trên sông, không một ai ngoảnh lại để ý đến Thúy Thúy đứng sau lưng họ.
Thúy Thúy đỏ bừng mặt bỏ đi nơi khác. Em lại nghe có hai người nữa nói về chuyện này. Một người nói.
- Mọi thứ đã thu xếp xong rồi, chỉ cần cậu Hai nói một lời là xong.
Một người khác lại nói:
- Chỉ cần thấy cậu ta hôm nay hăng hái là đoán được phải có một cô gái son trẻ ở trên bờ thì cậu ta mới hăng được như thế.
Ai là cô gái son trẻ đã làm cậu Hai xúc động đến thế?
Thúy Thúy hơi thấp nên đứng sau người ta, em không thấy được tình hình trên mặt sông, nhưng chỉ cần nghe tiếng trống mỗi lúc một gần, một vang; tiếng hò reo trên bờ từ xa tiến đến gần là cô bé biết thuyền cậu hai đang đi dưới lầu. Người trên lầu cũng hò hét, trong tiếng hò ồn ào đó có tên của cậu Hai. Còn ở chỗ bà vợ nhà giàu kia cũng có người đốt bánh pháo Tiểu bách tử. Bỗng nhiên có tiếng hét kinh hãi rồi thấy rất nhiều người ùa ra cửa chạy xuống bờ sông. Thúy Thúy không biết đã xảy ra việc gì, em cuống lên, không biết nên trở về chỗ ngồi khi nãy hãy đứng nguyên sau lưng người ta thì hơn. Chợt em thấy phía đằng kia có người bưng một cái khay, trên khay là một đĩa lớn bánh chưng và bánh điểm tâm tới mời bà nhà giàu và cô tiểu thư. Thúy Thúy không tiện trở về chỗ ấy nữa, nên em cũng chen ra ngoài cửa, chạy xuống bờ sông xem thế nào. Khi tới con ngõ lát gạch cạnh hiệu bán muối dẫn xuống bờ sông, em đang đi giữa đám chân cột của lầu sàn thì đụng ngay một toán người xúm xít quanh cậu Hai đầu chít khăn đỏ. Thì ra cậu hai sẩy chân ngã xuống sông nhưng đã từ dưới nước leo lên bờ. Ngõ quá hẹp, Thúy Thúy tuy nép sát vào một bên nhưng vẫn chạm khuỷu tay vào người đi qua. Cậu Hai thấy Thúy Thúy thì hỏi:
- Thúy Thúy, em đến đấy à? Ông em có đến không?
Thúy Thúy đang đỏ bừng mặt không tiện trả lời, chỉ thầm nghĩ: “Không biết con Vàng chạy đi đằng nào rồi?”. Cậu Hai lại hỏi:
- Sao em không lên nhà anh mà xem? Anh đã dặn người nhà dành cho em một chỗ tốt đấy.
Thúy Thúy thầm nghĩ: “Nhà xay xát làm của hồi môn, việc này lạ đây!”.
Cậu Hai không bảo được Thúy Thúy lên nhà nên sau đó ai đi đường người ấy. Lúc Thúy Thúy xuống đến bờ sông, trong lòng em tràn ngập một thứ gì đó không sao nói được cho rõ ràng. Phiền não ư? Không phải. Lo buồn ư? Không phải. Vui sướng ư? Càng không phải. Có việc gì làm cô bé này vui lên được đây? Bực mình chăng? Đúng rồi, quả thật em dường như cảm thấy đang bực mình vì một người khác.
Người trên bờ sông đông quá. Chỗ nước nông ở bến thuyền, rồi trên cột buồm và trên mui thuyền, thậm chí cả trên cột làm chân chống lầu sàn cũng có người. Thúy Thúy tự nhủ: “Người đông như thế, có cái gì đáng xem?”. Trước hết em nghĩ có thể tìm thấy ông ở đâu đó trên thuyền, nhưng tìm một lúc lâu, tất cả mọi chỗ đều không thấy bóng dáng ông ngoại. Em chen xuống nước, vừa nhìn đã thấy ngay con Vàng nhà mình đang cùng một người làm công cho nhà Thuận Thuận đứng trên chiếc thuyền trống không cách bờ mấy trượng xem cảnh náo nhiệt. Thúy Thúy gọi lanh lảnh, con Vàng giỏng tai nghênh đầu nhìn xung quanh rồi nhảy ùm xuống nước bơi về phía Thúy Thúy. Bơi đến bên chủ, mình con chó ướt những nước, nó luôn chân nhảy lên vẩy cho khô. Thúy Thúy mắng:
- Thôi đi, mày có ngã đâu, ai bảo mày nhảy xuống nước?
Rồi em và con Vàng đi tìm ông. Vừa đến cửa hàng gỗ trên phố thì Thúy Thúy gặp ông ngoại. Ông ngoại bảo:
- Thúy Thúy, ông vừa đến xem cối xay nước, thớt cối mới tinh, bánh xe chạy dưới nước cũng mới tinh, cả đến rạ lợp trên mái cũng mới. Đập nước ngăn một nguồn nước, khi kéo cửa đập lên thì bánh xe quay như con quay.
Thúy Thúy giả vờ hỏi:
- Của ai đấy hả ông?
- Của ai ấy à? Của ông tổng đoàn họ Vương ở trên núi đó. Ông nghe người ta nói, đó là của hồi môn của con gái ông ở Trung Trại, thật là danh giá, khoán hết bảy trăm xâu tiền lớn cơ đấy. Đó là chưa kể guồng chạy sức gió và những thứ lặt vặt khác.
- Ai lấy con gái nhà ấy hả ông?
Ông ngoại nhìn cháu gái, cười:
- Cá lớn đớp đấy, cá lớn đớp đấy!
Vì đã biết chuyện này nên Thúy Thúy giả vờ là không biết gì, lại hỏi:
- Ai sẽ được cối xay đó hả ông?
- Cậu Hai Nhạc Vân chứ ai! - Nói xong, ông già lại như tự nhủ, - Có người hâm mộ cậu Hai có được cối xay nước, có người hâm mộ cối xay nước vớ được cậu Hai.
- Ai hâm mộ ạ?
- Ông đây chứ ai nữa! - Nói xong, ông già cười.
Thúy Thúy nói:
- Ông say rồi!
- Nhưng cậu Hai khen cháu đẹp đấy!
- Ông ơi, ông điên rồi!
- Ông không say cũng chẳng điên... Thôi nào, ông cháu ta đi xem họ thả vịt đi!
Ông già còn định nói: “Cậu Hai bắt được vịt thì thế nào cũng biếu ông cháu mình.” Nhưng ông chưa kịp nói thì cậu Hai đã đến, đứng trước mặt Thúy Thúy mà cười.
Thế là cả ba người trở lên nhà cậu Hai.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !